Chia sẻ ebook : Chiasemoi.com LỜI TÁC GIẢ BẠN VÀ CON BẠN ĐỀU KHÔNG SAO ĐÂU C ác bậc cha mẹ thường nói về bản thân mình như sau: “Tôi thật kém cỏi. Một người yếu kém như tôi mà làm bố mẹ, thật nực cười”. Và tôi trả lời họ: “Nếu chỉ bố mẹ tài giỏi mới có thể sinh con thì nhân loại này chắc đã tuyệt chủng cả rồi”. Chẳng có ở thời đại nào, quốc gia nào mà chỉ cha mẹ hoàn hảo mới được quyền sinh con, nuôi con. Thiếu sót không phải là điều đáng xấu hổ. Con người vốn dĩ là vậy. Những ông bố bà mẹ không hài lòng với những thiếu sót của mình sẽ khó có thể chịu đựng được thiếu sót của con. Họ sẽ lập tức chỉ trích những lỗi, sai lầm nhỏ của con và cố gắng “bồi đắp” những gì con còn thiếu. Vì vậy, họ không ngừng mắng mỏ con và đau đầu nghĩ về chuyện dạy thêm cho con điều gì đó. Đương nhiên tất cả đều xuất phát từ tình yêu con vô bờ. Tuy nhiên những lời quát mắng nhiều khi lại trở thành liều thuốc độc ngấm vào tâm hồn non nớt của bé. Những người bị chỉ trích quá nhiều, khi lớn lên sẽ khó có thể chấp nhận ngay cả những lỗi nhỏ, những sai lầm nhỏ nhất và luôn thấy bản thân kém cỏi. Vì vậy có những người nhìn bề ngoài tưởng như đã trải qua một quá trình trưởng thành hoàn hảo nhưng đâu ai biết rằng bên trong, nội tâm họ lại như địa ngục khi thường tự quở trách mình. Dù bố mẹ có tự trách bản thân hay trách đứa trẻ thì cũng không thể thay đổi được lỗi lầm đã xảy ra. Vốn dĩ con người luôn phải đồng hành với những lỗi lầm, sai lầm trong cuộc sống. Các lỗi của con rất dễ thấy. Vì những lỗi ấy quá dễ nhận ra nên bố mẹ khó có thể cho qua. Nhưng bạn hãy thử nghĩ lại xem. Những người làm bố mẹ như chúng ta còn có bao nhiêu thiếu sót, khuyết điểm? Chúng ta đã từng nhiều lần phạm lỗi sai, không hoàn thành mục tiêu đã đề ra, làm những việc không nên làm. Chỉ cần chậm rãi nhìn lại 1 tháng, à không, 1 tuần trước thôi là sẽ thấy một cơ số những việc khiến chúng ta phải xấu hổ. Nhưng mà dù bạn thiếu sót một chút cũng không sao. Có phần yếu kém không bằng người khác cũng không sao cả. Chỉ cần chúng ta thừa nhận thiếu sót của mình và quyết tâm khắc phục là đủ rồi. Thậm chí nếu ngay lúc này bạn chưa đủ dũng khí để quyết tâm làm tốt hơn thì trì hoãn thêm một chút cũng được. Điều tiên quyết là bạn phải kiên trì giữ vững lập trường, từ đó tin yêu bản thân hơn và cuối cùng thay đổi mạnh mẽ. Dù bất mãn với bản thân còn nhiều thiếu sót thì bạn cũng phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Không thỏa mãn khi con còn nhiều khuyết điểm cũng phải bắt đầu từ chính tình trạng đó của con. Mỗi khi cảm thấy bực dọc với những điều chưa tốt của con, bố mẹ hãy cố gắng nghĩ tới những điểm đáng yêu của con và chấp nhận con, yêu con dù con có thế nào. Nếu không thể yêu từ những gì vốn có của con thì tình yêu đó chỉ là thứ tình yêu thương giả tạo. Cái gọi là tình yêu đó chỉ là thứ tham vọng được ngụy trang mà thôi. Tham vọng đôi khi có thể trở thành động lực để ta tiến lên nhưng khi tham vọng quá mức không được thỏa mãn, con người ta sẽ sụp đổ. Muốn hoa nở rực rỡ, chúng ta phải tưới nước cho cây. Nhưng nếu hoa không chịu nở nhanh ta sẽ trở nên nôn nóng. Ta ở bên cạnh, dồn hết công sức để cây nở hoa và bắt đầu chán ghét khi thấy cây mãi vẫn chẳng kết nụ đơm hoa. Nếu thực sự yêu cây, ta sẽ chẳng nôn nóng hay chán ghét. Dần dần cây sẽ phát triển mà thôi. Và đến một lúc nào đó cây sẽ đón chào ta bằng hình ảnh lộng lẫy nhất. Tham vọng chỉ khiến ta không thể kiên trì chờ tới giây phút đó mà thôi. Bạn và con bạn đều không sao cả. Mỗi cá nhân đều là một cái cây xanh tốt, một bông hoa rực rỡ. Cuốn sách này được viết lên không chỉ bởi nỗ lực của riêng tôi. Chính sự can đảm bày tỏ lo lắng thành câu hỏi của các bố các mẹ đã tạo nên bộ khung của cuốn sách. Chính nhờ các bố các mẹ mà cuốn sách này mới có thể chứa đựng một cách sống động những vấn đề thường nhật của đời sống gia đình đương đại như bạo lực, cô lập, ly hôn, cách nuôi dạy cháu của bố mẹ chồng, điện thoại thông minh, học trước chương trình… Tôi muốn dành lời cảm ơn sâu sắc tới các bố các mẹ đã coi trọng, áp dụng những câu trả lời của tôi với con dù còn nhiều lạ lẫm, và phản hồi lại cho tôi về hiệu quả từ những câu trả lời đó. Chính nhờ các bố các mẹ đã dành thời gian chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và nỗ lực để yêu con hơn mà cuốn sách này mới có thể hoàn thành. Cũng nhờ các bố các mẹ mà một người bác sĩ tâm lý trẻ em như tôi cũng cảm thấy đã phần nào trưởng thành hơn trong nghề. Là một bác sĩ tâm lý trẻ em, đi đến đâu tôi cũng nhận được những câu hỏi. Ngay cả sau khi hoàn thành bài giảng và ra khỏi hội trường, tôi cũng gặp nhiều vị phụ huynh đang xếp hàng để đặt câu hỏi. Dù ở trên bàn rượu với bạn học hay với người lạ, tôi đều được nhờ tư vấn. Quả thật làm bố mẹ là công việc không hề dễ dàng chút nào. Khi nuôi trẻ, ta không ngừng gặp phải những vấn đề đau đầu. Một số người còn lo lắng cho tôi. Họ cho rằng ngày nào cũng bị những câu hỏi đeo bám thì sẽ rất mệt mỏi. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy rã rời nhưng đa phần tôi không hề cảm thấy mệt mỏi quá nhiều. Một bác sĩ như tôi có trách nhiệm tư vấn những gì mình biết, tôi luôn mong những lời khuyên đó có ích đối với các bố các mẹ. Nhưng vấn đề là thời gian. Nhiều lúc tôi không thể trả lời đầy đủ tất cả câu hỏi. Có những phụ huynh đã chờ đợi rất lâu ở bên ngoài hội trường để chờ tư vấn, tôi cũng cảm thấy rất áy náy nếu phải rời đi. Nếu tư vấn qua radio thì trong 10 tình huống cũng chỉ có thể chọn 1 để trả lời trọn vẹn. Chỉ cần nghĩ tới những bất an, buồn phiền mà các bố các mẹ chất chứa trong các câu hỏi chưa được trả lời tôi lại thấy nặng nề. Có lẽ vì vậy mà tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều sau khi hoàn thành cuốn sách này. Cuốn sách này chỉ là phương tiện truyền đạt những tâm tư của bố mẹ này tới bố mẹ khác nhưng dù sao cũng là một nguồn động viên nhỏ bé tới các bố các mẹ đang chìm trong tâm trạng lo lắng. Ngay lúc này đây cũng có biết bao nhiêu ông bố bà mẹ đang mỏi mệt trên con đường nuôi dạy con đầy chông gai bế tắc. Tôi chân thành hi vọng rằng cuốn sách này, tuy còn nhiều thiếu sót nhưng cũng sẽ trở thành sợi chỉ đỏ dẫn các bố các mẹ tới con đường đúng đắn, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.