intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Công bằng phân phối thông qua phân bổ nguồn lực tài chính phát triển cơ cấu vùng kinh tế tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

10
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Công bằng phân phối thông qua phân bổ nguồn lực tài chính phát triển cơ cấu vùng kinh tế tại Việt Nam" phân tích các kết quả đạt được, nhóm tác giả đã chỉ ra những bất cập còn tồn tại cụ thể là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và xã hội giữa các vùng vẫn còn có sự cách biệt. Từ đó, một số quan điểm và giải pháp đã được đề xuất nhằm đảm bảo công bằng phân phối thông qua chính sách phân bổ nguồn lực tài chính phát triển cơ cấu vùng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Công bằng phân phối thông qua phân bổ nguồn lực tài chính phát triển cơ cấu vùng kinh tế tại Việt Nam

  1. CÔNG BẰNG PHÂN PHỐI THÔNG QUA PHÂN BỔ NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH PHÁT TRIỂN CƠ CẤU VÙNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM Phạm Quỳnh Mai*- Lưu Huyền Trang ** 1 TÓM TẮT: Công bằng trong phân phối phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, yếu tố văn hóa của từng vùng, từng khu vực. Chính sách phân bổ nguồn lực tài chính có ảnh hưởng rất lớn tới công bằng phân phối trong quá trình phát triển cơ cấu vùng kinh tế. Bài viết nhấn mạnh tới vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tài chính giúp điều hòa quan hệ lợi ích về kinh tế và xã hội giữa các vùng miền tại Việt Nam. Thông qua việc phân tích các kết quả đạt được, nhóm tác giả đã chỉ ra những bất cập còn tồn tại cụ thể là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và xã hội giữa các vùng vẫn còn có sự cách biệt. Từ đó, một số quan điểm và giải pháp đã được đề xuất nhằm đảm bảo công bằng phân phối thông qua chính sách phân bổ nguồn lực tài chính phát triển cơ cấu vùng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Công bằng phân phối; nguồn lực tài chính; phát triển cơ cấu vùng kinh tế; Việt Nam ABSTRACT: Equity in distribution is subject to the level of socio-economic development and culture of each region. Financial resource allocation policy has a strong influence on equity in distribution in the development process of economic zones. This paper emphasizes the role of the state in regulation of resources, especially financial resources, that harmonizes the economic and social benefits among regions in Viet Nam. Through analysis of achieved results, the authors have shown the shortcomings, particularly the significant diference in the level of socio-economic development among regions. Therefore, some solutions have been presented to ensure the equity in distribution via policy of financial resource allocation aiming to develop economic zones in Viet Nam in the near future Key words: Equity in distribution; financial resources; development of economic zone; Viet Nam 1. GIỚI THIỆU Theo nhóm tác giả công bằng phân phối là biểu hiện cụ thể của công bằng xã hội về mặt kinh tế. Công bằng phân phối thể hiện thông qua sự phân phối một cách hợp lý, phản ánh đúng tương quan giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa trách nhiệm và lợi ích. Tuy nhiên công bằng phân phối còn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, yếu tố văn hóa của từng khu vực. Công bằng phân phối được đề cập ở nhiều khía cạnh, trong đó có sự công bằng qua phân phối lại, từ vùng giàu đến vùng vùng nghèo, chú ý tới các khu vực yếu thế. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu sự tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, của các cuộc cách mạng công nghiệp, hiện tượng phân hóa giàu nghèo, phân hóa vùng diễn ra ngày càng phổ biến. Do đó, đảm bảo công bằng phân phối là một yêu cầu khách quan và nhóm tác giả đã quyết định nghiên cứu về công bằng trong phân phối các nguồn lực tài chính nhằm phát triển vùng kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Ở cấp độ vĩ mô, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc điều tiết các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tài chính (NLTC) nhằm giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo, duy trì khoảng cách hợp lý giữa các vùng, đảm * Phạm Quỳnh Mai, TS , Học Viện Tài Chính, 58 Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. ** Lưu Huyền Trang, Ths, Học Viện Tài Chính, 58 Lê Văn Hiến, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
  2. PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 1033 bảo mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Việc thực hiện chính sách phân bổ nguồn lực tài chính một cách hợp lý theo điều kiện kinh tế - xã hội thực tế của các vùng kinh tế giúp đảm bảo tính công bằng giữa các vùng, khu vực trong quá trình phát triển. Các công cụ được nhà nước sử dụng để điều tiết đó chính là các nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn lực tài chính khu vực công, như: thuế, ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống an sinh xã hội, các công cụ tín dụng nhà nước… Công bằng phân phối trong quá trình tăng trưởng kinh tế các vùng được thể hiện qua việc quy hoạch và xây dựng kế hoạch cụ thể để cân đối hợp lý mức đầu tư cho các vùng lãnh thổ trên cả nước. Chủ trương của nhà nước là đầu tư cao hơn cho các vùng kinh tế động lực, tạo ra đầu tàu kinh tế cho cả khu vực. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo chú ý đầu tư thích đáng cho các vùng khác, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng. Việc phân bổ NLTC phát triển các vùng kinh tế cũng nhằm khắc phục tình trạng “bất công tự nhiên”, bất công do lịch sử để lại, giữ vững ổn định kinh tế - chính trị, đảm bảo sự phát triển bền vững. 2. CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN CƠ CẤU VÙNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM Việt Nam có hiện đang có “63 nền kinh tế” tương ứng với con số 63 tỉnh thành trên cả nước. 63 tỉnh thành này lại được chia thành 6 vùng kinh tế xã hội. Mỗi vùng có những đặc điểm, lợi thế và hạn chế riêng về địa hình, khí hậu, văn hóa, con người… Vùng Trung du miền núi phía Bắc chủ yếu địa hình là đồi núi cao, vùng Tây Nguyên hầu hết lãnh thổ thuộc về phía tây dãy Trường Sơn, Vùng Bắc Trung Bộ và ven biển miền Trung là các tỉnh ven biển, trong khi Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với hệ thống kênh rạch và hệ sinh thái miệt vườn. Có một thực tế là chỉ riêng lẻ một tỉnh thành không thể giải quyết được toàn diện, triệt để các vấn đề liên quan tới kinh tế xã hội. Do đó, phát triển theo vùng là một xu thế tất yếu khách quan, với mục đích là khai thác lợi thế so sánh của từng vùng trong quá trình phát triển xã hội. Nói tới phát triển kinh tế theo cơ cấu vùng thời gian qua đã có nhiều ưu đãi, theo khu vực, địa bàn, đối tượng…được đưa ra, trong đó chủ yếu vẫn là các chính sách liên quan tới phát triển kinh tế vùng trọng điểm. Các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) tập trung vào khai thác triệt để các thế mạnh, nhất là vị trí địa lý, về điều kiện kinh tế - xã hội của không những trên địa bàn thành lập mà cả những địa bàn lân cận. Khi các khu kinh tế phát triển sẽ đáp ứng được nhu cầu của địa phương, các vùng trong cả nước thông qua sự giao thương hàng hóa giữa các vùng. Bên cạnh đó với một số vùng miền còn phát triển chậm, khu kinh tế còn góp phần đẩy nhanh xu hướng đô thị hóa, hình thành thị trấn, thị tứ, các trung tâm thương mại dịch vụ… từ đó hệ thống các ngành nghề, kinh tế của địa phương và những vùng lần cận có thể hưởng lợi từ quá trình phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ khu kinh tế. Do phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn, vùng kinh tế trọng điểm phát triển sẽ tác động mạnh mẽ tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phân công lao động, khai thông thị trường trong nước, đồng thời cũng khai thác tối đa những tiềm năng và thế mạnh của vùng. Hiện nay chúng ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm (kể từ năm 2009), bao gồm vùng KTTĐ Bắc bộ, Miền trung, Phía Nam và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong đó, vùng KTTĐ Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Vùng KTTĐ Miền Trung bao gồm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Vùng KTTĐ Phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuốc trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang và Long An. Vùng KTTĐ vùng đồng bằng song Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Các tỉnh, thành phố này được xem là trụ cột phát triển kinh tế của 4 khu vực tương ứng, chủ trương của nhà nước là đầu tư vào 4 khu kinh tế này làm động lực tạo hiệu ứng lan tỏa ra các vùng miền xung quanh.
  3. 1034 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION Thực tế các vùng kinh tế đã phát huy tác dụng làm thay đổi diện mạo kinh tế của nhiều tỉnh thành như Quảng Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Vũng Tàu, Bình Dương… Ngoài việc giải quyết vấn đề việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao chất lượng sống cho người dân, vùng KTTĐ còn góp phần tăng thu NSNN. Nhiều tỉnh thành từ đối tượng được NSNN hỗ trợ thì nay chuyển sang thành địa phương đóng góp vào NSNN, điển hình như Quảng Nam và Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những thành công đạt được, không thể phủ nhận những hạn chế vẫn còn tồn tại của các vùng kinh tế này. Nhiều vùng kinh tế chưa thực sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế và đẩy mạnh liên kết vùng trong khu vực. Những kết quả đạt được mới chỉ mang tính cục bộ giới hạn trong phạm vi một tỉnh thành. Tính liên kết vùng chưa cao thậm chí là rất yếu kém. Việc quy hoạch, thành lập các khu kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển, chưa phát huy được điều kiện và tiềm năng phát triển của địa phương. Thực trạng đầu tư phân tán và chính sách chưa có đột phá trong phát triển kinh tế vùng làm giảm tính hấp dẫn của các vùng kinh tế đối với các nhà đầu tư. Tình trạng thiếu vốn và cơ chế huy động NLTC dẫn tới hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng. Vị trí địa lý không thuận lợi của nhiều vùng kinh tế (xa trung tâm, không gần cửa khẩu, giao thông không thuận tiện) cũng là một hạn chế của một số vùng KTTĐ dẫn tới tình trạng chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng. Nhiều khu vực phát triển chủ yếu biểu hiện về mặt “lượng”, trong khi mặt “chất” còn rất hạn chế, không đáp ứng được tiêu chí của phát triển bền vững. Các vấn đề về tệ nạn xã hội, phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, kìm hãm sự phát triển của vùng. 3. HOẠT ĐỘNG PHÂN BỔ NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH PHÁT TRIỂN CƠ CẤU VÙNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM Để thực hiện phân bổ NLTC, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về tài chính giúp các địa phương có được nguồn vốn phục vụ cho quá trình phát triển. Gắn với các chính sách phát triển kinh tế tại từng địa phương, đã có nhiều cơ chế, chính sách tài chính được ban hành nhằm phát triển các vùng kinh tế thông qua những ưu đãi theo khu vực, địa bàn, đối tượng… mà các tỉnh đạt tiêu chí và được hưởng các chính sách đó. 3.1. Chính sách thuế Tất cả các địa phương không phân biệt vùng miền, thuộc hay không thuộc vùng kinh tế trọng điểm đều phải áp dụng chung một chính sách thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, các khu kinh tế, các vùng kinh tế xã hội khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi được áp dụng mức ưu đãi cao hơn so với các khu vực khác. Cụ thể: Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao và các địa bàn theo quy định của nhà nước sẽ được ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm (giảm 50% so với các địa bàn khác). Áp dụng thuế suất 20% trong thời gian 15 năm đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống. Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Không áp dụng thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế, hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế; các loại hàng hóa được sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan (trừ ô tô dưới 24 chỗ) thuộc khu kinh tế không phải chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); miễn thuế Xuất nhập khẩu (XNK) cho hàng
  4. PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 1035 hóa từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác,… 3.2. Chính sách phân bổ NLTC cho đầu tư phát triển Chính sách ưu tiên cấp ngân sách cho các địa phương được thể hiện qua các nguyên tắc xây dựng các tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách theo các giai đoạn: 2007-2010, giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các địa phương là đối tượng hưởng hệ số ưu tiên phân bổ ngân sách thể hiện trong “Tiêu chí phân bổ vốn đầu tư trong cân đối cho các địa phương”: dân số, trình độ phát triển, diện tích, đơn vị hành chính. Trong đó, tiêu chí dân số có tính tới yếu tố số dân trung bình và số người dân tộc thiểu số ở các địa phương. Tiêu chí về trình độ phát triển, gồm: tỷ lệ hộ nghèo, số thu nội địa (không bao gồm số thu sử dụng đất) và tỷ lệ điều tiết về ngân sách địa phương. Tiêu chí diện tích, bên cạnh diện tích tự nhiên trong giai đoạn đầu, giai đoạn 2011-2020 đã bổ sung thêm tiêu chí diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên. Có bốn tiêu chí về đơn vị hành chính: số đơn vị hành chính cấp huyện; số huyện miền núi; vùng cao, hải đảo và biên giới của từng tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó còn có các tiêu chí bổ sung cho các xã ATK và xã biên giới đất liền. Riêng các thành phố đặc biệt, thành phố trực thuộc trung ương có cơ chế chính sách riêng để tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 3.3. Điều tiết phần Ngân sách địa phương (NSĐP) được hưởng Nước ta với 63 tỉnh thành phố với những đặc điểm địa lý, quy mô dân số khác nhau… Về mặt kinh tế - tài chính, sự khác biệt lớn nhất giữa các địa phương đó là mức độ phát triển kinh tế và tương ứng là khả năng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN). Thông thường thì các quốc gia sẽ thành lập các trung tâm kinh tế ở các vùng gặp khó khăn, với trường hợp Việt Nam hiện các địa phương gặp khó khăn còn khá nhiều, số lượng các địa phương nhận trợ cấp từ NSNN tương đối lớn (50/63 tỉnh thành). Bảng 1: Tỉ lệ điều tiết phần NSĐP được hưởng (Đơn vị tính: %) Tỉnh, Thành phố 2007-2010 2011-2016 2017-2020 Hà Nội 31 42 35 Hải Phòng 90 88 78 Vĩnh Phúc 67 60 53 Bắc Ninh 100 93 83 Hải Dương 100 100 98 Hưng Yên 100 100 93 Quảng Ninh 76 70 65 Đà Nẵng 90 85 68 Quảng Nam 100 100 90 Quảng Ngãi 100 61 88 Khánh Hòa 53 77 72 Tp. Hồ Chí Minh 26 23 18 Bình Dương 40 40 36 Đồng Nai 45 51 47 Bà Rịa - Vũng Tàu 46 44 64 Cần Thơ 96 91 91 (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Báo cáo Cân đối NSNN qua các năm của Bộ Tài chính)
  5. 1036 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION Trong số các địa phương có thu điều tiết cho ngân sách nhà nước thì chỉ riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã chiếm xấp xỉ 50% tổng thu NSNN của cả nước. Tổng thu NSNN của các địa phương có thu điều tiết về NSNN chiếm 80% tổng thu NSNN. Theo báo cáo của Bộ Tài Chính thì 1 ngày thu của TP. Hồ Chí Minh bằng số thu cả năm của tỉnh Bắc Cạn (địa phương có số thu NSNN thấp nhất cả nước). Không chỉ Bắc Cạn mà phần lớn các tỉnh số thu ngân sách không đủ bù chi, do đó cần phải có sự giúp đỡ hỗ trợ từ phía nhà nước. Cụ thể nhà nước đóng vai trò là cơ quan điều tiết các NLTC trong cả nước. Nguồn thu của các địa phương lớn sẽ được chia sẻ cho các địa phương nhỏ còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội. Bộ Tài chính khi tiến hành điều tiết NLTC cho các địa phương đã tính toán để tạo điều kiện cho các địa phương nghèo có thêm nguồn lực để vươn lên, đảm bảo đủ thực hiện chính sách an sinh xã hội; đồng thời chú ý tới trọng điểm thu để các địa phương “giàu” có đủ nguồn lực tiếp tục phát triển. Tỉ lệ điều tiết ngân sách của các địa phương cũng được điều chỉnh theo tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nhằm đảm bảo tối đa công bằng khi phân phối các nguồn lực đồng thời đảm bảo mục tiêu thu NSNN. Cụ thể như bước sang giai đoạn 2017-2020, nhà nước đã điều chỉnh tỉ lệ điều tiết của một số địa phương, tiêu biểu như TP. Hồ Chí Minh giảm 5% (xuống còn 18%), Đà Nẵng giảm 17%. Phần giảm điều tiết ngân sách của các tỉnh thành phố lớn giúp NSNN được tăng cường do đó có nguồn lực để phân bổ cho các tỉnh thành gặp khó khăn. Tuy nhiên với các tỉnh thành phố bị giảm tỉ lệ điều tiết mạnh lại được nhà nước ưu tiên thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài để đầu tư về cơ sở hạ tầng và giải quyết một số vấn đề về kinh tế xã hội còn tồn đọng lại. Với cách điều chỉnh đó, nhà nước vừa phát huy được lợi thế của các vùng có điều kiện thuận lợi, vừa có nguồn lực để hỗ trợ cho các vùng gặp khó khăn. Do đó đã giải quyết được phần nào vấn đề công bằng về phân phối giữa các địa phương, đồng thời đảm bảo được mục tiêu tăng thu cho NSNN. Ngoài ra, nhà nước đã có các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương trọng điểm. Cụ thể là các kết cấu quan trọng, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng quy mô lớn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển của khu kinh tế. Nguồn vốn hỗ trợ từ hoạt động phát hành trái phiếu, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn tín dụng ưu đãi dành cho các địa phương. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách cũng quy định rõ nhà nước hỗ trợ cho vay đề bù đắp bội chi ngân sách địa phương với hạn mức trên cơ sở thực tế thu chi của địa phương đó. 4. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CHÍNH SÁCH PHÂN BỔ NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CÔNG CHO CÁC VÙNG 4.1. Một số kết quả Về cơ bản các tiêu chí của nguyên tắc phân bổ nguồn vốn từ khu vực công đã đảm bảo tính công bằng trong phân phối nguồn lực cho các vùng, địa phương trong cả nước. Khi phân bổ NLTC, các yếu tố thuận lợi, khó khăn của từng vùng miền đã được tính tới, đảm bảo tạo điều kiện tối đa để các vùng miền phát triển về mặt kinh tế và xã hội. Nhiều chính sách về phân cấp NSNN, chính sách ưu đãi về thuế chủ yếu cho các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giúp các địa phương từng bước khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng viễn thông, trường học, y tế và các dịch vụ thương mại khác được nâng cấp thông qua nguồn lực từ trên “rót” xuống. Người dân được tiếp cận với những khoa học công nghệ hiện đại, được giáo dục, chăm sóc về mặt y tế, có cơ hội để tìm việc làm, tạo điều kiện rút dần khoảng cách giữa các địa phương trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người một tháng tính theo giá hiện hành ở các khu vực và các vùng kinh tế đều tăng dần qua các năm, tốc độ tăng ở các vùng tương đối đều, được thể hiện qua số liệu tại Biểu đồ 1.
  6. PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 1037 Biểu đồ 1: Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành phân theo thành thị, nông thôn và phân theo vùng (Đơn vị: nghìn đồng) (Nguồn: Tổng cục Thống kê) Về mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập được thể hiện qua hệ số GINI, theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, hệ số GINI của các vùng/ khu vực trên cả nước có xu hướng tăng qua các năm, cho thấy mức độ phân hóa giàu nghèo ở từng khu vực có xu hướng tăng lên. Khoảng cách về hệ số GINI giữa các vùng cũng tăng lên, kết quả này cho thấy có sự mất cân đối về mức độ bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các vùng trong cả nước. Bảng 2: Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (Hệ số GINI) Khu vực/ Năm  2012 2014 2016 CẢ NƯỚC 0,424 0,430 0,431 Thành thị 0,385 0,397 0,391 Nông thôn 0,399 0,398 0,408 Đồng bằng sông Hồng 0,393 0,407 0,401 Trung du và miền núi phía Bắc 0,411 0,416 0,433 Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 0,384 0,385 0,393 Tây Nguyên 0,397 0,408 0,439 Đông Nam Bộ 0,391 0,397 0,387 Đồng bằng sông Cửu Long 0,403 0,395 0,405 (Nguồn: Tổng Cục Thống Kê) Nhờ có nguồn lực tài chính hỗ trợ từ nhà nước và các nguồn đầu tư nước ngoài, kinh tế của các vùng đã có những bước chuyển biến rõ nét, tỉ lệ hộ nghèo ở các vùng đều giảm qua các năm, mức giảm ở các địa phương khá đồng đều. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn về tỉ lệ hộ nghèo ở các vùng, Đông Nam Bộ là vùng có tỉ lệ thấp nhất với con số dao động quanh 1%, sau đó là Đồng Bằng Sông Hồng với tỉ lệ hộ nghèo dưới 5%. Trong khi đó Trung Du và miền núi Phía Bắc là vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất, đến năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực này là 13,8% gấp 23 lần so với con số của Đông Nam Bộ. Như vậy, dù chính sách phân bổ nguồn lực tài chính của nhà nước ưu tiên cho các vùng khó khăn, nhưng thực tế hiệu quả về mặt kinh tế vẫn tập trung chủ yếu ở những vùng có đô thị lớn, điều kiện địa lý thuận lợi hệ quả là khoảng cách phát triển giữa các vùng vẫn còn khá lớn.
  7. Biều đồ 2: Tỷ lệ hộ nghèo phân theo thành thị, nông thôn và phân theo vùng (Đơn vị: %) Chú thích: (*) Chuẩn nghèo của Chính phủ giai đoạn 2011-2015 tính theo thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của hộ gia đình được cập nhật theo chỉ số giá tiêu dùng như sau: Năm 2010 là 400 nghìn đồng đối với khu vực nông thôn và 500 nghìn đồng đối với khu vực thành thị; tương tự, năm 2013 là 570 nghìn đồng và 710 nghìn đồng; năm 2014 là 605 nghìn đồng và 750 nghìn đồng; năm 2015 là 615 nghìn đồng và 760 nghìn đồng; năm 2016 là 630 nghìn đồng và 780 nghìn đồng. (Nguồn: Tổng Cục Thống Kê) 4.2. Nguyên nhân của những hạn chế Nguyên nhân của những hạn chế trong kết quả của chính sách phân bổ NLTC nhằm đảm bảo công bằng trong phân phối đó là: Thứ nhất, do các chính sách phát triển cơ cấu kinh tế theo ngành nghề và thành phần kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác và phát huy được các lợi thế của đất nước; bên cạnh đó là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực trong khi nền kinh tế trong nước chưa ổn định khiến cho nền kinh tế phát triển chậm và chưa tạo được bước đột phá lớn. Tình trạng nợ công, thâm hụt NSNN lớn buộc các chính sách phân bổ tạo nguồn vốn đầu tư hiện đang tập trung chủ yếu vào tăng thu NSNN và cơ chế tạo quỹ đất. Do đó NSNN vẫn tập trung chủ yếu về các địa phương là thành phố lớn, các vùng kinh tế chủ lực nhằm tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Phần NLTC phân bổ cho các vùng kinh tế xã hội khó khăn gần như chỉ đủ để duy trì bộ máy hoạt động của địa phương đó. Chưa tạo được đà cho quá trình phát triển kinh tế của vùng. Thứ hai, chính sách ưu tiên cấp ngân sách cho các địa phương là vùng KTTĐ chưa thực sự trở thành nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện các dự án có tính chất liên kết vùng, làm giảm tính chủ động ngân sách của các địa phương trong vùng KTTĐ. Nhiều địa phương có tâm lý ỷ lại ngân sách cấp trên, thiếu động cơ cân đối ngân sách, do đó có xu hướng chi ngân sách tăng nhưng không phải vào nhóm điều tiết. Bên cạnh đó, đây là nguồn thu của địa phương khác, do đó các địa phương không điều tiết thường thiếu trách nhiệm trong quản lý sử dụng gây thất thoát lãng phí trong đầu tư. Số tỉnh thành không cần sự hỗ trợ của Ngân sách Trung ương không tăng lên bao nhiêu so với thời điểm trước khi thực hiện luật NSNN. Từ năm 2007 tới 2017, chỉ thêm 5 địa phương đóng góp cho NSNN, mức tăng tỷ lệ đóng góp của các địa phương không nhiều, chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh (Theo số liệu Bảng 1). Ngoài ra, như đã phân tích hạn chế của chính sách phát triển vùng KTTĐ ở trên, các vùng KTTĐ mới chỉ mang lại lợi ích cho một số tỉnh đơn lẻ, chưa tạo được động lực lan tỏa. Người dân chủ yếu di cư về các vùng trung tâm làm cho dân số ở các tỉnh thành phát triển ngày càng tăng và giảm mạnh ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Không có nguồn nhân lực, tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng khó khăn gần như không có. Do đó, hiện tượng chênh lệch về trình độ phát triển, về mức sống của người dân giữa các địa phương trong cả nước ngày càng gia tăng.
  8. PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION 1039 Thứ ba, các chính sách ưu đãi về thuế cho các vùng khó khăn chưa phát huy được hiệu quả đầy đủ. Khả năng phát triển kinh tế của các địa phương này chưa cao, bên cạnh đó dù có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng nhưng chưa thực sự đồng bộ, cộng với điều kiện về địa lý tự nhiên còn hạn chế. Dù nhận thấy các điều kiện ưu đãi về thuế nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa quan tâm nhiều tới các vùng kinh tế xã hội gặp khó khăn. Phần lớn nguồn vốn đầu tư vào các vùng là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tuy nhiên các doanh nghiệp FDI vẫn tập trung đầu tư vào những nơi có kết cầu hạ tầng thuận lợi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh. Số vốn FDI vào những địa phương này chiếm 85% tổng số dự án và 67% tổng số vốn đăng ký đầu tư trên cả nước. Trong khi các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên, Trung Du và miền núi phía Bắc chỉ chiếm 4% số dự án và 5% tổng số vốn đầu tư đăng ký (Xem Biểu đồ 2). Biểu đồ 3: Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép phân theo địa phương (Luỹ kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12/2017) Chú thích: (*) Bao gồm vốn cấp mới và vốn tăng thêm của các dự án đã được cấp giấy phép từ các năm trước. Từ năm 2016 bao gồm cả vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Tổng Cục Thống Kê) Thứ tư, do các yếu tố khách quan bên ngoài tác động, như điều kiện tự nhiên và đặc điểm ngành nghề của vùng, vừa gián tiếp vừa trực tiếp ảnh hưởng tới chính sách phân phối tài chính của nhà nước dành cho các địa phương. Trên thực tế, đối với các địa phương “giàu” số thu tăng khoảng 2-3 lần, một số địa phương tăng 1,5-1,6 lần. Trong khi đó, các địa phương “nghèo”, cơ sở thu không nhiều và gặp nhiều bất lợi. Thứ nhất, do nguồn thu từ các sản phẩm chế biến nông nghiệp chịu nhiều yếu tố bất lợi về giá; các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm của cây công nghiệp (cao su) bị rớt giá. Thứ hai, chịu tác động của biến đổi khí hậu, ngập lụt, hạn hán… Thứ ba, chịu tác động từ điều chỉnh chính sách thu NSNN vừa qua do giảm thuế với sản phẩm nông nghiệp, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, nên số thu của các địa phương này chịu tác động lớn. 5. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG BẰNG PHÂN PHỐI THÔNG QUA PHÂN BỔ NLTC PHÁT TRIỂN CƠ CẤU VÙNG KINH TẾ TẠI VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM TỚI Thứ nhất, xem xét điều chỉnh tiêu chí phân bổ NLTC, đảm bảo công bằng cho các địa phương. Mỗi địa phương có đặc điểm về dân số, khí hậu, địa lý khác nhau, khi xây dựng các tiêu chí phân bổ NLTC, cần có một bộ tiêu chí cụ thể, chi tiết và chính xác. Đảm bảo đánh giá được đầy đủ toàn diện nhất các ưu và nhược điểm của từng vùng, từ đó nguồn lực được phân bổ một cách công bằng và hiệu quả hơn. Thứ hai, cần có chính sách ưu đãi tài chính cụ thể với từng địa phương, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của địa phương. Tùy vào từng lợi thế của từng địa phương, nhà nước xem xét ban hành các ưu đãi
  9. 1040 PROCEEDINGS OF THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT AND BUSINESS MANAGEMENT IN THE CONTEXT OF GLOBALISATION riêng về mặt tài chính, thu hút vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài vào, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển kinh tế xã hội. Thứ ba, phân bổ NLTC có điều kiện, đảm bảo các địa phương nhận được vốn đầu tư có cam kết sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới các địa phương bên cạnh (vùng kinh tế trọng điểm). Tiếp tục khai thác chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm, tuy nhiên cần có quy hoạch rõ ràng đối với phần vốn được ưu tiên phân bổ, tạo được sức lan tỏa về mặt kinh tế và xã hội ra các vùng lân cận. Như giải quyết vấn đề việc làm cho lao động trong vùng, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng sống của người dân. Thứ tư, xây dựng các thành phố vệ tinh, giảm tải cho các thành phố lớn, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương lân cận, thành phố vệ tinh có điều kiện phát triển. Tham khảo kinh nghiệm về xây dựng thành phố vệ tinh của các nước trên thế giới, đảm bảo NLTC được phân phối không chỉ tới các thành phố lớn mà tới cả các địa phương lân cận, các địa phương điều kiện kém thuận lợi. Công bằng phân phối là một yêu cầu cấp bách, tuy nhiên việc triển khai trong thời gian qua mới chủ yếu tập trung vào ban hành các chính sách, chưa thực hiện được hết nội dung. Việc đảm bảo công bằng phân phối thông qua phân bổ NLTC phát triển cơ cấu vùng kinh tế trong thời gian tới cần tập trung vào các nguồn lực, xác định các nhiệm vụ kèm theo lộ trình hoàn thành, xác định rõ phương thức phân bổ các nguồn lực. Do đó, các nguồn lực trong xã hội được phân bổ lại (trước hết là vốn đầu tư) nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Qua đó, đạt được các mục tiêu công bằng về mặt kinh tế và xã hội giữa các địa phương, các vùng kinh tế trong cả nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư (2014), Kỷ yếu Hội thảo về Luật quy hoạch, Tp. Thái Nguyên Đặng Văn Du, Bùi Tiến Hanh (2010), Giáo Trình Quản Lý Chi Ngân Sách Nhà Nước, Nhà xuất bản Tài Chính Đinh Thị Nga (2017), Quan hệ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương: Thực trạng và một số đề xuất, Tạp chí tài chính , http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/quan-he-giua-ngan-sach-trung- uong-voi-ngan-sach-dia-phuong-thuc-trang-va-mot-so-de-xuat-126378.html. Quốc Hội (2014), Luật số 67/2014/QH13 Luật Đầu Tư, Hà Nội Quốc Hội (2015), Luật số 83/2015/QH13 Luật Ngân sách Nhà nước, Hà Nội Quốc Hội (2011), Nghị quyết số 53/2010/NQ-QH12 Nghị Quyết về Phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2011, Hà Nội Quốc Hội (2016), Nghị quyết số 29/2016/NQ-QH14 Nghị Quyết về Phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2017, Hà Nội Nguyễn Danh Sơn (2017) , Chính sách phát triển vùng kinh tế ở Việt Nam, Khoa Học Xã Hội Việt Nam, 2018(1) , 16-24 Nguyễn Văn Dần (2016), Chính sách Tài Khóa Công Cụ Điều Tiết Vĩ Mô Nền Kinh Tế, Nhà xuất bản Lao Động Xã Hội Thủ tướng Chính Phủ (2014), Quyết định số 198/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến 2030, Hà Nội Thủ tướng Chính Phủ (2014), Quyết định số 252/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020, định hướng đến 2030, Hà Nội Thủ tướng Chính Phủ (2014), Quyết định số 1874/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến 2030, Hà Nội Thủ tướng Chính Phủ (2014), Quyết định số 1194/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên đến năm 2020, định hướng đến 2030, Hà Nội Tổng Cục Thống Kê (2018), Số liệu Thống kê, https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=706&ItemID=13412, truy cập ngày 20/10/2018
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2