intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Công nghiệp các ngành văn hóa và vai trò của nhà nước

Chia sẻ: Tưởng Bách Xuyên | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Công nghiệp các ngành văn hóa và vai trò của nhà nước" tổng quan và làm rõ khái niệm về công nghiệp các ngành văn hóa, vai trò của nó trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở kinh nghiệp phát triển công nghiệp các ngành văn hóa của các nước trên thế giới, bài viết đưa ra những nhận định và kiến nghị về vai trò của chính sách cho phát triển công nghiệp các ngành văn hóa tại Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Công nghiệp các ngành văn hóa và vai trò của nhà nước

  1. CÔNG NGHIỆP CÁC NGÀNH VĂN HÓA VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC PGS.TS. Phạm Trương Hoàng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Văn hóa từ lâu đã được xem là một nền tảng cho sự phát triển của xã hội, gắn liền với tri thức, kỹ năng và đạo đức, tạo nên một ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ phát triển nhanh và quan trọng trong phát triển bền vững. Đó là ngành công nghiệp các ngành văn hóa. Bài viết này tổng quan và làm rõ khái niệm về công nghiệp các ngành văn hóa, vai trò của nó trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở kinh nghiệp phát triển công nghiệp các ngành văn hóa của các nước trên thế giới, bài viết đưa ra những nhận định và kiến nghị về vai trò của chính sách cho phát triển công nghiệp các ngành văn hóa tại Việt Nam. Từ khóa: Công nghiệp các ngành văn hóa, công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo Abstract Culture, since long time has been considered as a basis for the development of societies; goes along with knowledge, skills and ethics; forms an important and fast growing economic sector as a driving force for sustainable development. That is cultural industries. This paper reviews and clarifies the concept of cultural industries and their role in economic-social development and international integration. Based on experiences of other countries in cultural industries development, the paper discusses and recommends on the roles of state policies on cultural industries development in Viet Nam. Key words: Cultural industries, Creative industries, Creative economy 1. Công nghiệp các ngành văn hóa “Văn hóa không chỉ là cơ sở để nhận diện cá nhân, dân tộc, quốc gia, để tự hào và được tôn trọng…; mà còn là cách thức để tạo ra việc làm và nâng cao đời sống, xã hội; giúp cho việc bảo tồn di sản ngày hôm nay và làm tương lai của con người có ý nghĩa; để làm con người mạnh mẽ hơn và để phát triển”2. Trong tiến trình chuyển dịch 2 Biên tập từ phát biểu của Tổng thư ký UNESCO Irina Bokova và Điều hành UNDP Helen Clark được trích dẫn trong Báo cáo về Kinh tế Sáng tạo, số đặc biệt năm 2013 (UNESCO, UNDP) 329
  2. sang nền kinh tế trí thức ngày nay, công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo đang bùng nổ, trở thành một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống và kinh tế (UNESCO, 2007; UNCTAD, 2013). 1.1. Từ công nghiệp các ngành văn hóa tới kinh tế sáng tạo Các sản phẩm văn hóa đã trở thành hàng hóa từ hàng trăm năm trước khi những nghệ sĩ làm ra những tác phẩm của mình không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo cá nhân mà còn để bán. Quy mô của hoạt động này không lớn cho tới khi các hoạt động sản xuất hàng loạt các sản phẩm văn hóa ra đời, từ các hoạt động in ấn, phát hành cho tới việc sản xuất ra các sản phẩm văn hóa nghe nhìn. Đó là thời kỳ công nghiệp hóa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Khái niệm “công nghiệp của văn hóa3” (tiếng anh là “culture industry”) lần đầu xuất hiện vào những năm 30, 40 của thế kỷ XX bởi các nhà nghiên cứu Trường Franfurk (Franfurk School). Tuy vậy khái niệm ban đâu này lại mang ý nghĩa tiêu cực (Cornor, 2010; UNCTAD 2010, UNESCO 2013), như một lời cảnh báo của các nhà nghiên cứu về việc các sản phẩm văn hóa bị biến thành một sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, dẫn tới những nguy cơ đồng dạng làm suy giảm tính sáng tạo trong văn hóa. Những nhà nghiên cứu giai đoạn này thậm chí còn coi văn hóa và kinh tế là “kẻ thù” của nhau bởi chúng phát triển theo những logic không tương thích. Khi bị buộc phải hòa đồng trong quá trình phát triển, văn hóa sẽ dễ dàng bị tổn thương. Những quan niệm này hiện nay vẫn còn được nhắc tới khi nói về quá trình toàn cầu hóa với những nguy cơ đồng dạng văn hóa (UNESCO 2013). Tới những năm 1960, nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy rằng quá trình phát triển văn hóa và công nghiệp các ngành văn hóa không phải lúc nào cũng dẫn tới việc suy giảm các giá trị văn hóa. Ngược lại nó đem lại những tác động tích cực trong việc khuyến khích sáng tạo trong các biểu hiện văn hóa. Văn hóa được tiếp cận như một “ngành” đích thực trong xã hội bắt đầu từ những năm 1980. Khái niệm “công nghiệp các ngành văn hóa” (tiếng anh là “cultural industries”) được sử dụng để kể tên các ngành sản xuất các sản phẩm văn hóa khác nhau, cung cấp cho một thị trường các sản phẩm văn hóa đã được hình thành một cách rõ rệt. Nhu cầu các sản phẩm văn hóa được gọi tên. Thị trường các sản phẩm phẩm văn hóa hình thành rõ ràng với những đòi hỏi của nó về việc sàng lọc các giá trị và tính sáng tạo. Lực lượng lao động trong các ngành văn hóa được mở rộng, tạo thành một lực lượng lao động riêng, được gọi tên rõ 3 Từ “culture industry” dịch sang tiếng Việt là “công nghiệp văn hóa” trong khi từ “cultural industries” có thể được dịch là “các ngành văn hóa”, “các ngành công nghiệp văn hóa” hay phổ biến nhất là “công nghiệp các ngành văn hóa”. Để tránh nhầm lẫn giữa các thuật ngữ được sử dụng bằng tiếng Việt, tác giả sử dụng thuật ngữ “công nghiệp của văn hóa” cho từ “culture industry” và “công nghiệp các ngành văn hóa” cho từ “cultural industries”. 330
  3. ràng. Một “ngành sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm văn hóa” được nhắc tới với đầy đủ các yếu tố về sản xuất, kinh doanh, tiếp thị và truyền thông; gắn kết giữa các sáng tạo, biểu tượng văn hóa với sản phẩm và khách hàng. Một khái niệm được sử dụng phổ biến khác là công nghiệp sáng tạo (creative industries). Thuật ngữ này được sử dụng đầu tiên trong những báo cáo của Chính phủ Australia năm 1994 và tiếp đó là tại Anh năm 1997. Thuật ngữ công nghiệp sáng tạo được xem là sản phẩm của kỷ nguyên số hóa, kết gắn giữa sáng tạo, sáng tạo văn hóa với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (Moore, 2014). Nó cho thấy quá trình phát triển của văn hóa dựa trên nền tảng phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông với những hình thức và phương tiện giao tiếp và biểu hiện văn hóa. Khái niệm về “công nghiệp các ngành văn hóa” và “công nghiệp sáng tạo” tuy có khác nhau trên cả cách tiếp cận của người nghiên cứu và người làm chính sách, nhưng có sự liên hệ chặt chẽ. Thậm chí hai khái niệm này đôi lúc được sử dụng thay thế cho nhau (UNESCO, 2007; UNCTAD, 2010), nhất là khi sử dụng trong phân tích thống kê, đánh giá tầm quan trọng và tốc độ phát triển cũng như trong xây dựng chính sách. Trên thực tế, các sản phẩm văn hóa là một bộ phận của các sản phẩm sáng tạo. Các sản phẩm văn hóa không chỉ gắn liền với những giá trị văn hóa, những biểu tưởng văn hóa truyền tải tới người tiêu dùng mà còn có những giá trị sáng tạo và cả thậm chí là bản quyền với những sáng tạo đó. 1.2. Khái niệm và cấu phần của công nghiệp các ngành văn hóa Một khái niệm về công nghiệp các ngành văn hóa mang tính ứng dụng cao, được sử dụng khá rộng rãi là khái niệm được UNESCO đưa ra vào năm 2007: “Công nghiệp các ngành văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống). Điểm chung nhất của công nghiệp các ngành văn hóa là nó sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và bản quyền trí tuệ để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ, cũng như nó mang giá trị văn hóa”(UNESCO, 2007). Công nghiệp các ngành văn hóa cũng được biết tới như “công nghiệp sáng tạo” hay đôi khi là “công nghiệp dựa vào bản quyền”, bao phủ một diện rộng các hoạt động kinh tế bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nội thất, thời trang, phim ảnh, sản xuất video và các sản phẩm nghe nhìn, thiết kế đồ họa, phần mềm giáo dục và giải trí, thu thanh và biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và giải trí, truyền hình, truyền thanh và internet, cổ vật và nghệ thuật tạo hình, sáng tác văn học và xuất bản. 331
  4. Tổ chức UNCTAD (Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, 2010) đưa ra khái niệm về công nghiệp sáng tạo là: “một chu trình từ sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm và dịch vụ sử dụng nguồn lực sáng tạo và trí tuệ như là đầu vào cơ bản; tạo thành một tập hợp các hoạt động dựa vào tri thức, tập trung nhưng không chỉ giới hạn trong nghệ thuật, có tiềm năng tạo ra lợi nhuận nhờ vào thương mại và quyền sở hữu trí tuệ; bao gồm các sản phẩm hữu hình và các dịch vụ vô hình có liên quan tới trí tuệ và nghệ thuật, có giá trị kinh tế và mục đích thị trường; đứng ở vị trí giữa các ngành nghệ thuật, dịch vụ và công nghiệp; và cấu thành nên một lĩnh vực năng động mới trong thương mại quốc tế”. UNCTAD tập hợp các ngành trong công nghiệp sáng tạo bao gồm: (1) Di sản (bao gồm các biểu hiện văn hóa truyền thống như thủ công mỹ nghệ, lễ hội, lễ kỷ niệm… và các khu văn hóa như khu khảo cổ, bảo tàng, thư viện, triển lãm …; (2) Nghệ thuật (với hai thành phần là nghệ thuật hình ảnh: hội họa, điêu khắc, ảnh, cổ vật; và nghệ thuật biểu diễn: âm nhạc biểu diễn, sân khấu, khiêu vũ, xiếc, opera, múa rối…); (3) Truyền thông (với hai thành phần là xuất bản và truyền thông viết: sách, báo, và các ấn phẩm khác; và nghe nhìn: phim ảnh, truyền hình, truyền thanh và các hình thức truyền thông khác); (4) Sáng tạo theo mục đích (functional creation) (với ba nhóm là thiết kế: nội thất, đồ họa, thời trang, trang sức, đồ chơi; và các hình thức truyền thông mới: kiến trúc, quảng cáo, nghiên cứu và phát triển các hình thức văn hóa và vui chơi giải trí, kỹ thuật số và các dịch vụ sáng tạo có liên quan; các dịch sáng tạo: kiến trúc, quảng cáo, nghiên cứu và phát triển các hình thức văn hóa và vui chơi giải trí, kỹ thuật số và các dịch vụ sáng tạo có liên quan). Một số tổ chức và quốc gia đưa ra các khái niệm khác nhau về công nghiệp các ngành văn hóa hay công nghiệp sáng tạo, theo mục đích và cách tiếp cận khác nhau của họ. Nhìn chung, các khái niệm về công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo khá thống nhất. Tuy vậy, về phạm vi xác định công nghiệp các ngành văn hóa, có một số khác biệt nhất định. Có thể kể đến là các mô hình của Cục Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (Anh, DCMS Model), mô hình văn bản biểu tượng (Symbolic Texts Model), mô hình vòng tròn tập trung (Concentric Circle Model), mô hình của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO Model), mô hình của Viện Thống kê UNESCO (UNESCO Institute of Statistics Model), mô hình của tổ chức Nghệ thuật Mỹ (Americans for the Arts Models) (Bảng 1). 332
  5. Bảng 1. Các hệ thống phân loại khác nhau về công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo 1. Mô hình DCMS (DCMS 2. Mô hình văn bản biểu tượng 3. Mô hình vòng tập tập trung Model) (Symbolic Texts Model) (Concentric Circle Model) Quảng cáo Ngành công nghiệp cốt lõi Nghệ thuật văn Công nghiệp Kiến trúc Quảng cáo sáng tạo cốt lõi văn hóa rộng Thị trường nghệ thuật và cổ vật Phim Văn học hơn Hàng thủ công Internet Âm nhạc Dịch vụ di sản Thiết kế Âm nhạc Nghệ thuật biểu Xuất bản Thời trang Xuất bản diễn Ghi âm Phim và video Truyền hình và truyền thanh Nghệ thuật hình Truyền hình Âm nhạc Trò chơi điện tử và video ảnh và truyền Nghệ thuật biểu diễn thanh Xuất bản Công nghiệp các ngành văn hóa Các ngành Trò chơi điện Truyền hình, truyền thanh xung quanh công nghiệp tử và video Trò chơi điện tử và video Nghệ thuật sáng tạo văn hóa cỗi lõi khác Công nghiệp Công nghiệp các ngành văn hóa Phim ảnh có liên quan bên ngoài Bảo tàng và thư Quảng cáo Điện tử tiêu dùng viện Kiến trúc Thời trang Thiết kế Phần mềm Thời trang Thể thao 4. Mô hình bản quyền WIPO 5. Mô hình Viện thống kê 6. Mô hình tổ chức Nghệ thuật (WIPO Model) UNESCO (UNESCO Institute for Mỹ (Americans for the Arts Statistics Model) Model) Các ngành Các ngành có Các ngành trong lĩnh vực văn hóa Quảng cáo công nghiệp liên quan tới cốt lõi Kiến trúc bản quyền bản quyền Bảo tàng, triển lãm, thư viện Trường học và dịch vụ nghệ thuật chính Sản xuất vật liệu Nghệ thuật biểu diễn Thiết kế Quảng cáo để ghi Lễ hội Phim ảnh Sưu tập Điện tử dân dụng Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật Bảo tàng, vườn thú Phim và Nhạc cụ hình ảnh Âm nhạc video Giấy Thiết kế Nghệ thuật biểu diễn Âm nhạc Máy phô-tô co- Xuất bản Xuất bản Nghệ thuật pi và các thiết bị Truyền hình và truyền thanh Truyền hình và truyền thanh trình diễn phô-tô co-pi Phim và video Nghệ thuật hình ảnh Xuất bản Ảnh Phần mềm Phương tiện tương tác Truyền hình và Các ngành trong lĩnh vực văn hóa truyền mở rộng thanh Nhạc cụ Nghệ thuật Thiết bị âm thanh hình ảnh và Kiến trúc đồ họa Quảng cáo Thiết bị in Các ngành Phầm mềm công nghiệp Thiết bị nghe nhìn bản quyền một phần Kiến trúc Quần áo và giầy dép Thiết kế Thời trang Hàng gia dụng Đồ chơi Nguồn: UNESCO, 2013, Creative Industry Report 333
  6. (Ghi chú: DCMS - Department for Culture, Media and Sport, United Kingdom - Cục Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh; WIPO - World Interllectual Property Organization - Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới). Dù sử dụng phạm vi của công nghiệp các ngành văn hóa ở mô hình nào thì các nghiên cứu cũng khẳng định vai trò ngày càng mở rộng của công nghiệp các ngành văn hóa với kinh tế và xã hội cũng như tốc độ phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp này trong xã hội hiện đại. 2. Vai trò của công nghiệp các ngành văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế Thế giới hiện đại đã bước sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ hậu công nghiệp với “nền kinh tế dựa vào tri thức” (knowledge-based economy) mà trong đó “sáng tạo” trở thành hạt nhân cho phát triển. Công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo trải rộng, từ sản xuất hàng thủ công cho tới các lĩnh vực đa phương tiện hiện đại. Nó đem tới những cơ hội và tiềm năng để những giá trị văn hóa truyền thống trở thành những hoạt động kinh tế quan trọng của các quốc gia (UNESCO 2007) cũng như tạo ra những cơ hội sáng tạo ra những giá trị mới. Công nghiệp các ngành văn hóa đóng góp trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội. 2.1. Đóng góp về khía cạnh kinh tế Công nghiệp các ngành văn hóa ngày nay chiếm một tỷ trọng ngày một tăng trong GDP ở nhiều nước. Một số nghiên cứu đưa ra tỷ lệ các ngành công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo trong GDP là 5-6,5%. Tại phần lớn các nước phát triển, công nghiệp các ngành văn hóa chiếm tỷ trọng 4-5% GDP, cá biệt có những nước như Canada, Australia, tỷ lên này lên đến trên 7%, thậm chí tại Áo là 12%. Một số nước đang phát triển cũng có ngành công nghiệp các ngành văn hóa phát triển như tại Indonesia, Thái Lan (Bảng 2). Bảng 2. Tỷ lệ giá trị và lao động của công nghiệ văn hóa và sáng tạo trong GDP một số nước trên thế giới Đơn vị: % Nước Năm GDP Lao động Úc 2009 6,9 4,4 Áo 2010 10,4 4,0 Brazil 2011 2,7 1,7 Canada 2007 7,4 7,1 334
  7. Nước Năm GDP Lao động Chile 2010 1,6 6 Đan Mạch 2010 6,5 6,5 Estonia 2007 2,9 4,3 Phần Lan 2008 3,2 4,3 Đức 2009 7,4 3,1 Iceland 2009 6,4 5,2 Indonesia 2012 7,2 8,2 Ireland 2008 2,7 8,7 Italia 2009 5,8 5,7 Hàn Quốc 2012 2,4 2,6 Bồ Đào Nha 2008 2,6 2,8 Tây Ban Nha 2007 3,8 2,8 Anh 2012 5,2 8,5 Ghi chú: với các nước Đức, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, số liệu sử dụng cho “công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo”; Indonesia sử dụng “Công nghiệp sáng tạo”; Hàn Quốc sử dụng “công nghiệp nội dung”; Canada sử dụng “công nghiệp các ngành văn hóa và nghệ thuật”. Dữ liệu về lao động sử dụng cho Chile là năm 2012. Nguồn: OECD, 2014, Tourism and the Creative Economy. Studies on Tourism, OECD Publishing. Theo UNCTAD (2010), năm 2008, mặc dù thương mại quốc tế có những sụt giảm đáng kể (12%) do tác động của suy thoái kinh tế, nhưng xuất khẩu các sản phẩm văn hóa và sáng tạo vẫn tăng với giá trị năm 2008 là 590 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng đạt 14% trong 6 năm (2002-2008). Công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo cũng là một ngành xuất khẩu chiếm tỷ trọng đáng kể và tăng trưởng nhanh. Số liệu của OECD (2014) cho thấy trong giai đoạn 2002-2011, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo tăng hơn gấp 2 lần, đạt trên 450 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các sản phẩm văn hóa dựa vào các công nghệ mới có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các sản phẩm văn hóa truyền thống (bảng 3). 335
  8. Bảng 3. Giá trị xuất khẩu của các hàng hóa sáng tạo (văn hóa) theo các nhóm năm 2002 và 2011 (triệu USD) Thế giới Các nước đang phát Các nước phát triển Các nền kinh tế triển chuyển đổi 2002 2011 2002 2011 2002 2011 2002 2011 Tất cả các 198.240 454.019 73.890 227.867 123.169 222.597 1.181 3.555 hàng hóa sáng tạo Thủ công 17.503 34.209 9.201 23.383 8.256 10.653 45 172 mỹ nghệ Nghe nhìn 455 492 35 90 417 400 3 2 Thiết kế 114.694 301.262 53.362 172.223 60.970 127.239 362 1.800 Truyền 17.506 43.744 4.412 14.607 13.071 28.918 23 219 thông (media )mới Nghệ thuật 2.754 - 250 - 2.478 - 26 - biểu diễn Xuất bản 29.908 43.077 3.157 8.106 26.061 33.650 690 1.321 Nghệ thuật 15.421 31.127 3.474 9.456 11.916 21.631 31 40 nghe nhìn Nguồn: OECD, 2014, Tourism and the Creative Economy. Studies on Tourism, OECD Publishing. Một điểm đáng lưu ý là các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu công nghiệp các ngành văn hóa cao hơn các nước phát triển. Tính thời điểm năm 2002, giá trị xuất khẩu công nghiệp các ngành văn hóa của các nước phát triển gấp gần hai lần các nước đang phát triển. Tuy vậy đến năm 2011, giá trị xuất khẩu sản phẩm văn hóa của hai nhóm nước này là như nhau, thậm chí các nước đang phát triển có giá trị lớn hơn (bảng 3). Phát triển công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo tạo ra những “vùng kinh tế” (cluster và aggromeration) (UNESCO 2013, UNCTAD 2010). Đặc điểm của các “vùng” này là khả năng tập trung các nguồn lực cho phát triển một hoặc một số ngành kinh tế và đặc biệt là tạo nên năng lực cạnh tranh thông qua việc kích thích đổi mới sáng tạo và áp dụng những thành tựu sáng tạo trong sản xuất và bán sản phẩm. Công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo tạo ra một “không gian sáng tạo” năng động, kích thích những sáng tạo và đổi mới về kỹ thuật, kinh doanh và phát triển kinh tế (UNCTAD 2010). 336
  9. 2.2. Những đóng góp về xã hội - văn hóa Đóng góp quan trọng nhất của công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo là tạo việc làm. Ngành công nghiệp này tạo ra việc làm đa dạng, từ những việc làm truyền thống đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc thù tới những nghề nghiệp đòi hỏi phải đào tạo kỹ thuật chuyên sâu như các lĩnh vực truyền thông hiện đại. Lao động trong ngành công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo được xác định chiếm khoảng 2-8% tổng lao động của xã hội tùy theo phạm vi xác định công nghiệp các ngành văn hóa khác nhau (UNCTAD 2010). Tại một số quốc gia như Canada, Anh, Italia, Indonesia, tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo chiếm tới trên 5% thậm chí trên 8% tổng số lao động (OECD 2014 - bảng 2). Trên khía cạnh xã hội, công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo thúc đẩy sự liên kết của xã hội (UNCTAD 2010, OECD 2014). Công nghiệp các ngành văn hóa thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc, liên kết và tham gia của các thành viên trong cộng đồng; tạo ra môi trường cho việc tiếp xúc và chia sẻ những giá trị chung. Các hoạt động văn hóa được thúc đẩy cho phép nhiều thành viên trong xã hội cùng tham gia và sáng tạo. Công nghiệp các ngành văn hóa cũng góp phần tăng cường sức khỏe và tinh thần cho người dân, tăng cường bình đẳng trong xã hội, cho phép phụ nữ cũng như những người có tiềm lực kinh tế hạn chế cùng tham gia (UNCTAD 2010, UNESCO 2013). Công nghiệp các ngành văn hóa có đóng góp đáng kể trong đào tạo. Ngành công nghiệp này tạo ra những nền tảng nhận thức trong xã hội, đặc biệt là sáng tạo. Phát triển công nghiệp các ngành văn hóa đòi hỏi lực lượng lao động được đào tạo phù hợp. Công nghiệp các ngành văn hóa gắn kết với công nghệ thông tin và truyền thông thúc đẩy phát triển lực lượng lao động có kỹ thuật cao và cùng năng lực sáng tạo tốt. Công nghiệp các ngành văn hóa đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển văn hóa của các quốc gia, dân tộc và các khu vực. Công nghiệp các ngành văn hóa khuyến khích sự đa dạng trong suy nghĩ và hành động, thúc đẩy những ý tưởng và thực hành độc đáo. 2.3. Đóng góp của công nghiệp các ngành văn hóa với hội nhập quốc tế Toàn cầu hóa đang là xu thế của thời đại đòi hỏi các quốc gia phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo có nhiều đóng góp trong quá trình hội nhập, kể cả trên phương diện kinh tế và văn hóa, xã hội, góp phần “thỏa lấp khoảng cách giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, và đảm bảo việc tham gia công bằng trong xã hội tri thức” (UNESCO 2007). Ở góc độ kinh tế, công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo là một ngành xuất khẩu có giá trị, giúp cho một các quốc gia mở rộng các hoạt động thương mại quốc tế. 337
  10. Đơn vị: tỷ USD Kinh tế đối ngoại, trong đó có kinh tế văn hóa trên thế giới nói chung và với các nước đang phát triển nói chung có tốc độ phát triển rất nhanh tạo ra những tiềm năng mới cho các nước đang phát triển. Số liệu của UNCTAD (2010) cho thấy trong 10 nước có thặng dư xuất nhập khẩu sản phẩm văn hóa nhiều nhất thế giới năm 2008, Việt Nam xếp hàng thứ 7 với 2,27 tỷ USD. Con số này thể hiện sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp này tại Việt Nam bởi trước đó năm 2002, Việt Nam không có trong danh sách này (hình 1). Hình 1. Thặng dư và thâm hụt về xuất nhập khẩu sản phẩm văn hóa của 20 nước có giá trị lớn nhất năm 2008 Nguồn: UNCTAD 2010 Không chỉ có những tác động trực tiếp, công nghiệp các ngành văn hóa còn có ý nghĩa lan tỏa sang nhiều ngành công nghiệp khác. Không chỉ đem lại thu nhập, các sản phẩm văn hóa góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu quốc gia, góp phần vào việc tiêu thụ các sản phẩm khác. Phát triển công nghiệp các ngành văn hóa cũng thúc đẩy nền tảng cơ sở hạ tầng, nhất là thông tin và truyền thông. Nhìn rộng hơn, công nghiệp các ngành văn hóa thúc đẩy sự phát triển của nền tảng sáng tạo chung của các quốc gia. Đây là cơ sở để phát triển tri thức và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện thị trường quốc tế được mở rộng, các quốc gia nhỏ có thể tham gia vào thị trường sản phẩm văn hóa thế giới bằng cách khai thác những giá trị truyền thống của mình cũng như sáng tạo những giá trị, sản phẩm mới, thậm chí ở quy mô 338
  11. nhỏ. Đây là một lợi điểm quan trọng của công nghiệp các ngành văn hóa so với các ngành công nghiệp đòi hỏi quy mô khác. Bên cạnh những tác động hội nhập về kinh tế, công nghiệp các ngành văn hóa đem lại nhiều cơ hội cho hội nhập về xã hội và văn hóa. Trong điều kiện toàn cầu hóa ngày nay một yêu cầu quan trọng để các quốc gia có thể tham gia vào môi trường thế giới là những đặc trưng đa dạng và khác biệt của văn hóa. Công nghiệp các ngành văn hóa khuyến khích phát triển văn hóa của mỗi dân tộc để cùng tham gia vào môi trường văn hóa chung của nhân loại, truyền đạt và phổ biến những giá trị văn hóa của một quốc gia tới toàn thế giới. 3. Vai trò của nhà nước trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa tại Việt Nam 3.1. Vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa tại Việt Nam hiện nay Với vai trò ngày một quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội, công nghiệp các ngành văn hóa được khuyến khích phát triển tại nhiều quốc gia cũng như trên toàn thế giới. Công nghiệp các ngành văn hóa là một ngành công nghiệp được xem là khá bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển. Tuy vậy, để khai thác được tiềm năng của công nghiệp các ngành văn hóa đòi hỏi phải có nhận thức rõ ràng về ngành công nghiệp này, có những chính sách khuyến khích và định hướng đầu tư phát triển hiệu quả (UNESCO 2007, UNCTAD 2010, UNESCO 2013). Tại Việt Nam, vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa có nhiều thay đổi từ nhận thức tới các chính sách nhưng vẫn còn một vấn đề còn đặt ra. Trước hết, trong nhận thức về vai trò của công nghiệp các ngành văn hóa có nhiều thay đổi, đặc biệt trong những năm trở lại đây, để hình thành nhận thức rõ ràng về các ngành văn hóa như những ngành sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ, bên cạnh chức năng tinh thần. Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội"4. Nghị quyết cũng chỉ rõ văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực cho phát triển kinh tế. Nhiệm vụ được Đảng đặt ra trong Nghị quyết này là cần phải xây dựng, ban hành các chính sách để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế. 4 Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII ngày 16/7/1998 về Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 339
  12. Năm 2014, nhận thức về vai trò của văn hóa được tiếp tục hoàn thiện khi Đảng tiếp tục khẳng định văn hóa là “nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”5. Văn hóa không chỉ được xem là cơ sở cho phát triển kinh tế xã hội mà còn được xác định là một ngành, một lĩnh vực với một thị trường riêng. Một trong 5 mục tiêu cụ thể được đưa ra trong Nghị quyết 33-NQ/TW là “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp các ngành văn hóa, tăng cường quảng bá Việt Nam”. Trong 7 nhiệm vụ được Nghị quyết chỉ ra, một nhiệm vụ được xác định là “Phát triển công nghiệp các ngành văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”6. Tiếp theo những chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về văn hóa, thông tin, trong đó có nhiều luật và văn bản dưới luật liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp các ngành văn hóa như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ… Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của công nghiệp các ngành văn hóa, vừa đáp ứng các yêu cầu của thị trường, vừa đảm bảo các mục tiêu chính trị xã hội. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 20207 cũng chỉ ra xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới cũng như xu hướng tác động của kinh tế thị trường vào các hoạt động văn hóa tại Việt Nam. Song song với việc xác định đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển văn hóa, Chiến lược cũng đưa ra trong các giải pháp chủ yếu nhiệm vụ “tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành “công nghiệp văn hóa””. Có thể thấy, vai trò của nhà nước trong việc định hướng phát triển công nghiệp các ngành văn hóa có những bước tiến rõ rệt, từ việc hoàn thiện nhận thức, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tới bước đầu đưa ra những công cụ khuyến khích phát triển. Các chính sách và công cụ của Nhà nước cũng đã bước đầu có những tác động tới sự phát triển của công nghiệp các ngành văn hóa, với việc hình thành thị trường văn hóa tại Việt Nam và thị trường xuất khẩu ngày một rõ nét. Việt Nam cũng là nước có thặng dư xuất nhập khẩu các sản phẩm văn hóa trên 2 tỷ đô-la Mỹ năm 2010 (UNCTAD 2010). 5 Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI ngày 09/06/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 6 Nghị quyết số 33-NQ/TW (đã dẫn) 7 Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 340
  13. Tuy vậy, vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa tại Việt Nam còn có nhiều khoảng trống. Tuy nhận thức về phát triển công nghiệp các ngành văn hóa đã khá rõ ràng thì còn một khoảng cách đáng kể từ nhận thức tới chủ trương. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) đã đánh giá: "Cơ chế chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng"8. Vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa còn chưa rõ ràng. Tuy là một “ngành kinh tế” nhưng văn hóa và sáng tạo có những yêu cầu riêng có của nó cho phát triển mà vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Do chưa làm rõ được những đặc điểm và yêu cầu cho phát triển công nghiệp các ngành văn hóa, những hành lang pháp lý cho phát triển ngành công nghiệp này còn chưa rõ ràng. Nhà nước cũng thiếu những công cụ và giải pháp đầu tư và phát triển cụ thể để thúc đẩy công nghiệp các ngành văn hóa. Nguyên nhân cho những tồn tại trên xuất phát từ nhận thức của người xây dựng và thực thi chính sách cũng như chỉ đạo chưa quyết liệt của lãnh đạo cấp cao9. Phát triển công nghiệp các ngành văn hóa không chỉ đòi hỏi thay đổi nhận thức mà còn cần một cách tiếp cận mang tính “đổi mới” cho một ngành kinh tế đầy tính sáng tạo là văn hóa. Với mức độ hội nhập quốc tế cao và chịu tác động mạnh mẽ của tiến bộ khoa học công nghệ, công nghiệp các ngành văn hóa đòi hỏi cần có một cách nhìn tổng thể trong chuỗi giá trị và cạnh tranh quốc tế, với bài toán đầu tư và lợi nhuận. Các chính sách cho phát triển công nghiệp các ngành văn hóa chưa làm được điều này. 3.2. Một số đề xuất về vai trò của nhà nước trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa tại Việt Nam Nhà nước được xác định là có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa. Vai trò của nhà nước trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa thể hiện qua những nhiều hoạt động, từ xây dựng cơ sở hạ tầng nền tảng cho phát triển công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo, cung cấp tài chính, cho tới việc xây dựng các thể chế, quy định, chính sách, phát triển thị trường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển những vùng sáng tạo … Thứ nhất, cần có những những nhận thức thức phù hợp về vai trò của công nghiệp các ngành văn hóa trong phát triển kinh tế xã hội; làm rõ việc kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu phát triển công nghiệp các ngành văn hóa đó là mục tiêu kinh tế (văn hóa với vai trò là một ngành sản xuất kinh doanh, xuất khẩu) và chính trị - xã hội (văn 8 Nghị quyết số 33-NQ/TW (đã dẫn). 9 Nghị quyết số 33-NQ/TW (đã dẫn). 341
  14. hóa với vai trò là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng). Về cơ bản hai mục tiêu này không mâu thuẫn mà ngược lại, luôn có những bổ trợ cho nhau. Tuy vậy có lúc hai mục tiêu này không thực sự hài hòa. Vai trò của Nhà nước là định hướng và phân định rõ ràng những giới hạn phát triển để có thể đạt được cả hai mục tiêu này một cách bền vững trong dài hạn. Thứ hai, cần xác định rõ ràng phạm vi của công nghiệp các ngành văn hóa. Đó chính là việc làm rõ khái niệm về công nghiệp các ngành văn hóa và những bộ phận của nó. Phạm vi này về cơ bản đã có sự thống nhất trên thế giới nhưng vẫn còn tồn tại những khác biệt nhất định, phụ thuộc vào tập quán và trình độ phát triển của các nước. Các bộ phận của công nghiệp các ngành văn hóa có những đặc điểm khác biệt nhất định, đòi hỏi có những điều kiện và chính sách phát triển khác nhau. Thứ ba, cần chú trọng phát triển chuỗi giá trị trong công nghiệp các ngành văn hóa, đặc biệt là xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và áp dụng khoa học kỹ thuật. Nền tảng cho phát triển văn hóa không chỉ là những giá trị truyền thống mà còn là kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin để thúc đẩy sáng tạo và phát triển những giá trị, sản phẩm mới. Nền tảng này cần nuôi dưỡng và phát triển. Tiếp theo, các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp các ngành văn hóa giúp cho chuỗi giá trị trong công nghiệp các ngành văn hóa được hình thành dễ dàng, hỗ trợ đầu tư cho các nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm văn hóa. Trong kỷ nguyên của thông tin và di động ngày nay, công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo có mối liên hệ trực tiếp tới cơ sở hạ tầng thông tin và di động. Thúc đẩy phát triển hệ thống truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo (UNCTAD 2010, UNESCO 2013). Thứ tư, đầu tư của nhà nước cho phát triển công nghiệp các ngành văn hóa là một yêu cầu cho phát triển ngành công nghiệp có nhiều ý nghĩa kinh tế, xã hội này. Đầu tư của nhà nước thông qua các chương trình, dự án cho phép bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa cũng như khuyến khích phát triển những giá trị văn hóa mới. Đầu tư cho công nghiệp các ngành văn hóa vừa mang ý nghĩa đầu tư phát triển một ngành kinh tế, vừa mang ý nghĩa đầu tư công cho phát triển xã hội. Thực tế cho thấy ở tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển, đầu tư cho văn hóa là khoản đầu tư không hề nhỏ của Chính phủ. Trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa, các chính sách không chỉ tập trung vào giải quyết bài toàn kinh tế, thị trường mà còn cần tạo ra những cơ sở cho phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục nói chung. Các chính sách cần được xây dựng thành một hệ thống, từ cấp địa phương, cộng đồng cho tới cấp quốc gia (UNCTAD, 2010). 342
  15. Thứ năm, Công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo liên quan tới nhiều bên tham gia. Để thúc đẩy công nghiệp các ngành văn hóa phát triển, chính sách cần cụ thể và quan tâm tới việc khuyến khích sự tham gia phối hợp và hợp tác của các bên. Sự đa dạng về đặc điểm các quốc gia cũng như các thị trường, sản phẩm văn hóa và sáng tạo cũng đòi hỏi sự sáng tạo và khác biệt của các chính sách (UNCTAD, 2010). Thúc đẩy công nghiệp các ngành văn hóa đòi hỏi xây dựng được những thể chế, quy định thích hợp và hiệu quả. Do đặc tính liên kết giữa các khía cạnh kinh tế, xã hội, văn hóa, công nghệ, môi trường, các chính sách cần đảm bảo các yêu cầu được xây dựng dài hạn, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều thành phần trong nền kinh tế. Thứ sáu, bên cạnh những định hướng chính sách, Nhà nước cần có những hoạt động đầu tư và phát triển cụ thể như việc xây dựng thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia hay phát triển những vùng sáng tạo trong nước. Một trong những mục tiêu định hướng phát triển công nghiệp các ngành văn hóa là hướng tới thị trường xuất khẩu. Để làm được điều này, những hỗ trợ của chính phủ không chỉ dừng lại ở những biện pháp khuyến khích như đơn giản hóa những thủ tục hành chính mà còn cần có những biện pháp kinh tế cụ thể như xây dựng thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia hay quản lý chất lượng các sản phẩm văn hóa, sáng tạo. Đây là công việc mà các doanh nghiệp riêng lẻ không thể thực hiện được. Phát triển các vùng sáng tạo (creative cluster) là một yêu cầu trong phát triển công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo ngày nay. Một trong những khu vực được quan tâm nhiều là các thành phố nơi có thể phát triển thành các thành phố sáng tạo (creative cities) (UNESCO 2013). Các vùng, thành phố sáng tạo là nơi tập hợp của các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, phân phối sản phẩm …với nhiều bên tham gia, từ những nhà nghiên cứu, người phát triển ý tưởng cho tới các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vùng sáng tạo cũng cần những điều kiện cơ sở hạ tầng phù hợp, khuyến khích quá trình sáng tạo, áp dụng và chuyển giao công nghệ. Tập trung nỗ lực để xây dựng những vùng sáng tạo thể hiện vai trò của chính phủ trong việc đầu từ có trọng điểm cho phát triển công nghiệp sáng tạo và sáng tạo. Thứ bảy, một vấn đề khá lớn được đạt ra trong xây dựng chính sách phát triển công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo là vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ và phân chia lợi ích hợp lý giữa các bên tham gia (UNCTAD 2010; UNESCO 2007, 2013). Xã hội thông tin phát triển dẫn tới những thách thức lớn về vấn đề sở hữu trí tuệ, liên quan tới nhiều bên, từ Chính phủ, người sáng tác cho tới giới doanh nghiệp. Công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam đã có những bước phát triển trong thời gian qua nhưng tiềm năng còn rất lớn. Đặc biệt, vai trò của nhà nước 343
  16. trong phát triển ngành công nghiệp này không thực sự rõ rệt và hệ thống. Với những tiềm năng và đóng góp lớn của công nghiệp các ngành văn hóa và sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội và trong hội nhập quốc tế, Việt Nam cần có những định hướng và giải pháp cụ thể để phát triển ngành công nghiệp có nhiều triển vọng và ý nghĩa trong tương lai này./. Tài liệu tham khảo 1. ARC Centre of Excellence for Creative Industries and Innovation, 2013,“Australian creative economy report card 2013”, Queensland Universityof Technology, Kelvin Grove, Queensland, Australia, www.cci.edu.au/Creative_Economy_report_card.pdf) 2. Cong Shuguang and Li Yunpeng, 2011, The Study about Development Status, Trends and Paths of Cultural Industry in China,Energy Procedia (5) 2078–2081 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, 2014, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI ngày 09/06/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998, Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII ngày 16/7/1998 về Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 5. EYGM, 2014, Creating growth: Measuring cultural and creative markets in the EU, (http://www.ey.com/Publication/vwLUAssets/Measuring_cultural_and_creative_ma rkets_in_the_EU/$FILE/Creating-Growth.pdf) 6. Ieva Moore, 2014, Cultural and Creative Industries concept – a historical perspective,Procedia - Social and Behavioral Sciences (110) 738 - 746 7. Justin O’Cornor, 2007, The cultural and creative industries: a literature review - 2nd, Arts Council England 8. OECD, 2014, Tourism and the Creative Economy. Studies on Tourism, OECD Publishing. 9. UNCTAD, 2013, Trade in creative products reached new peak in 2011, UNCTAD figuresshow(http://unctad.org/en/pages/newsdetails.aspx?OriginalVersionID=498) 10. UNCTAD, 2010, Creative economy report 2010: A feasible development Option, UNDP-UNCTAD (http://archive.unctad.org/en/docs/ditctab20103_en.pdf) 11. UNESCO, 2007, Statistics on Cultural Industries: Framework for Elaboration of National Data Capacity Building Projects, Published by theUNESCO Asia and Pacific Regional Bureau for Education 12. UNESCO, 2010, The power of culture for development (UNESCO website: unesdoc.unesco.org/images/0018/001893/189382e.pdf). 13. UNESCO, 2013, Creative economy report 2013special edition: widening local development pathways, UNESCO-UNDP (www.unesco.org/culture/pdf/creative- economy-report-2013.pdf) 14. UNESCO-UIS, 2009, Measuring the economic contribution of cultural industries: a review and assessment of current methodologal approaches, UNESCO. 15. UNWTO, 2015, World Tourism Barometer, Vol 13 Jan 2015. 344
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2