intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

17
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay trình bày một số vấn đề lý luận về công tác tuyên truyền chuyển đổi số; Thực trạng và một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian vừa qua; Một số giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay

  1. ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 683 CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở VỆT NAM HIỆN NAY Nguyễn Hữu Dũng Học viện Báo chí và Tuyên truyền Tóm tắt Chuyển đổi số là cơ hội lớn để Việt Nam tạo nên bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế và đưa vị thế của đất nước lên tầm cao mới. Với mục đích làm rõ thực trạng công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở nước ta hiện nay, nghiên cứu thực hiện khảo sát nhận thức của một bộ phận nhân dân về chuyển đổi số. Qua đó, đánh giá và nêu lên những vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhận thức, thống nhất tư tưởng và hành động trong việc hình thành Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Từ khoá: Tuyên truyền, chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số THE PROPAGANDA ABOUT DIGITAL TRANSFORMATION IN VIETNAM TODAY Abstract Digital transformation is a great opportunity for Vietnam to make a leap in economic development and bring the country's position to a new height. With the aim of clarifying the current state of propaganda on digital transformation in our country, the study conducted a survey on the perception of a part of the people about digital transformation. Thereby, evaluate and raise the problems posed to the propaganda of digital transformation in Vietnam today. At the same time, propose a number of breakthrough solutions to further promote the propaganda of digital transformation, making an important contribution to the formation of awareness, unification of thought and action in the formation of digital government, develop the digital economy and build a digital society, successfully complete the national digital transformation revolution set out by our Party and State. Keywords: propaganda, digital transformation, digital government, digital economy, digital society.
  2. 684 ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 1. Đặt vấn đề Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng trong cách mạng (cách mạng công nghiệp lần thứ tư). Để thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội. Tức là phải có sự thống nhất trong nhận thức, tư tưởng và hành động. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện và tổng thể của công tác tuyên truyền, của đội ngũ cán bộ, đảng viên hoạt động trên mặt trận thông tin, tư tưởng. Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, một năm sau, ngày 15 tháng 6 năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Cũng trong khoảng thời gian này, Bộ thông tin và truyền thông đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức triển khai thí điểm chuyển đổi số ở 11 xã trên cả nước và tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Tuy nhiên, đến nay nhiều người, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều hậu quả rất nghiêm trọng. Nhưng ở một góc nhìn khác, chúng tôi thấy rằng đây chính là một thời cơ rất thuận lợi cho việc đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ở mọi cấp độ. Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số có thể gắn liền với công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo Quang Vinh (2020), “Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, mở cánh cửa để các nước tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số, thì một số quốc gia trên thế giới đã sớm đưa ra những chiến lược, chương trình hành động cụ thể với sự quyết tâm cao.” Chính vì vậy, để chuyển đổi số nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, thấm nhuần trong nhận thức, tư tưởng và hành động thực tiễn của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội. Chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chuyển đổi số. 2. Một số vấn đề lý luận về công tác tuyên truyền chuyển đổi số 2.1. Khái quát về chuyển đổi số Theo Gartner.com: “Chuyển đổi kỹ thuật số có thể đề cập đến bất cứ điều gì từ hiện đại hóa công nghệ thông tin (ví dụ, điện toán đám mây), tối ưu hóa kỹ thuật số, đến việc phát minh ra các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức khu vực công để chỉ các sáng kiến khiêm tốn như đưa các dịch vụ lên mạng hoặc hiện đại hóa kế thừa. Do đó, thuật ngữ này giống như số hóa hơn là chuyển đổi kinh doanh kỹ thuật số.”
  3. ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 685 Còn Microsoft lại cho rằng: “Chuyển đổi số là đổi mới kinh doanh được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của điện toán đám mây (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), cung cấp cho các tổ chức những cách thức mới để hiểu, quản lý và chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ.” Ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều định nghĩa về chuyển đổi số. Trên VnExpress (2019), nêu quan điểm của FPT cho rằng: “Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.” Còn theo Bùi Ngọc Hiền (2021): “Chuyển đổi số là nội dung cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0, là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, cách sống, cách làm việc của con người với mục tiêu tăng hiệu quả quản lý; nâng cao năng suất lao động; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Việc xây dựng Chương trình chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia đang trở thành xu hướng chính sách hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.” Tuy nhiên, trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi thống nhất sử dụng khái niệm về chuyển đổi số trong Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông (2020,15): “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.” Chuyển đổi số mang đến cơ hội chưa từng có cho Việt Nam. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Ở đó, các ngành, các lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của nhân dân, theo Cẩm nang Chuyển đổi số (2020). Theo đó, chuyển đổi số ở Việt Nam cơ bản sẽ có ba trụ cột chính, đó là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Nói đến công nghệ số, hiểu theo nghĩa rộng, là công nghệ xử lý tín hiệu số, hay công nghệ thông tin. Còn công nghệ số trong cách mạng chuyển đổi số, được hiểu theo nghĩa hẹp, là bước phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, cho phép tính toán nhanh hơn với công nghệ diện tooán đám mây, xử lý nhiều hơn với Big data, truyền tải dung lượng lớn hơn với công nghệ và chi phí thì rẻ hơn.
  4. 686 ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác Những công nghệ số tiêu biểu thúc đẩy chuyển đổi số gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây và chuối khối (Blockchain). Bên cạnh những điều tốt đẹp, chuyển đổi số cũng có những mặt trái của riêng nó như mất an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, lừa đảo, ức hiếp trên môi trường mạng… Do đó, cùng với việc tích cực tiếp cận để phát huy những điều tốt đẹp thì chúng ta cũng cần phải có những biện pháp đi trước, đón đầu trong việc phòng, chống những hệ quả xấu có thể xảy ra. 2.2. Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số 2.2.1. Khái quát công tác tuyên truyền về chuyển đổi số Công tác tuyên truyền là một bộ phận, một hình thái cấu thành công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc đưa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tinh hoa văn hoá của nhân loại đến với nhân dân góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, chính trị và hành động giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân để giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển kinh tế và đất nước. Từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, với mong muốn tìm ra con đường cứu nước và thức tỉnh đồng bào đang “bị đoạ đầy đau khổ”, Nguyễn Ái Quốc đã tìm nhiều cách, như đưa sách, báo, tờ rơi về nước, để tuyên truyền những tinh hoa văn hoá nhân của loại đến với đồng bào. Đặc biệt, là truyền bá những giá trị khoa học, văn minh, tiến bộ của chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm tập hợp, xây dựng đội ngũ những người yêu nước để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ theo con đường cách mạng vô sản. Kết quả là sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930. Sau này, tổng kết trong tác phẩm Người Tuyên truyền và cách tuyên truyền, Hồ Chí Minh nói rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại.” Phát triển từ quan điểm của Hồ Chí Minh, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn công tác tuyên truyền của Đảng ta, tác giả Lương Khắc Hiếu (2017, 54-55) nêu trong cuốn Cơ sở lý luận công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam như sau: “Trong công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước, công tác tuyên truyền là hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại… làm cho chúng trở thành nhân tố chi phối, thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội; động viên, cổ vũ tính tích cực, tự giác, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” Từ những quan niệm trên, chúng ta có thể định nghĩa về công tác tuyên truyền chuyển đổi số như sau: Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam là hoạt động nhằm truyền bá quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến với toàn thể xã hội, góp phần hình thành nhận thức và thúc đẩy hành động, cổ vũ và động viên vệc
  5. ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 687 phát huy sự sáng tạo của nhân dân nhằm thực hiện thành công và thắng lợi cuộc cách mạng chuyển đổi số ở Việt Nam. Các yếu tố cấu thành công tác tuyên truyền về chuyển đổi số bao gồm: chủ thể, mục đích, nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện và hiệu quả trong những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội nhất định. Theo Lương Khắc Hiếu (2017), chủ thể công tác tuyên truyền là người, tổ chức, thiết chế xã hội, lực lượng xã hội… thực hiện hoạt động tuyên truyền. Chủ thể là người tổ chức công tác thực hiện, cũng là người tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác tuyên truyền thông qua các bộ phận chuyên môn, chuyên trách. Trong cách mạng chuyển đổi số, ngoài chủ thể mang tính bao quát và chủ đạo là Đảng, Nhà nước thì mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… cũng là chủ thể của công tác tuyên truyền chuyển đổi số. Đối tượng là người, nhóm người (có thể là một cộng đồng người, một giai cấp, một dân tộc, một quốc gia…) chịu sự tác động của chủ thể công tác tuyên truyền. Đối tượng của tuyên truyền chuyển đổi số: là mọi cá nhân trong xã hội. Từ người lao động tự do, đến chủ hộ kinh doanh; các thành viên trong hợp tác xã; cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; từ chủ doanh nghiệp đến người lao động, người làm thuê… Tựu chung lại, chúng ta có thể chia thành ba nhóm: người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Mục đích là sự phản ánh những kết quả mong muốn đạt tới của công tác tuyên truyền, là sự dự báo trước về kết quả tương lai của công tác tuyên truyền. Mục đích cao nhất của công tác tuyên truyền chuyển đổi số chính là hình thành nhận thức, thống nhất tư tưởng của từng cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số. Tiếp đến là thúc đẩy và cổ vũ hành động để mỗi cá nhân, tổ chức phát huy sự sáng tạo của mình trong cuộc cách mạng chuyển đổi số để tạo nên những quy trình mới, dịch vụ mới, giá trị mới trên nền tảng số theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tuỳ vào từng cấp độ của tuyên truyền mà xác định và xây dựng mục đích cụ thể. Ví dụ: đối với đồng bào ở một xã ở vùng sâu, vùng xa, thì mục đích là đưa những giá trị của chuyển đổi số đến với họ, kéo họ lại gần hơn với thành thị. Đồng thời giúp bà con nhân dân phát triển đời sống xã hội và phát huy sự sáng tạo của mình. Nội dung được xác định trên cơ sở mục đích và do mục đích quy định. Nội dung của tuyên truyền chuyển đổi số: với từng đối tượng sẽ có các nội dung tuyên truyền khác nhau. Nhưng tựu chung lại những nội dung đó đều hướng đến ba trụ cột chính của chuyển đổi số, đó là: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ví dụ: với doanh nghiệp nội dung tuyên truyền hướng đến các mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ số, từ việc quản lý, tổ chức đến kiểm tra, giám sát hoạt động… của doanh nghiệp trên nền tảng số. Còn đối với chính phủ thì đó là việc số hoá các dịch vụ công, 100% các dịch vụ công được số hoá; chính phủ xây dựng các quy trình làm việc mới và các dịch vụ công mới trên nền tảng số hoá. Đồng thời, xoá bỏ những dịch vụ, những quy trình đã cũ không còn phù hợp… Đối với người dân là việc tham gia một xã hội số, sử dụng các dịch vụ như y tế, giáo dục hay làm việc mà không cần phải rời khỏi nhà, là tham gia các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Cùng với đó là việc đấu tranh với những mặt trái của chuyển đổi số và những quan điểm sai trái về chuyển đổi số.
  6. 688 ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác Phương pháp tuyên truyền là hệ thống các cách thức mà chủ thể sử dụng để sáng tạo, truyền bá và đối tượng sử dụng để lĩnh hội, tiếp nhận các nội dung tuyên truyền trên cơ sở tính quy luật của các quá trình tư tưởng nhằm hiện thực mục đích của công tác tuyên truyền. Hình thức công tác tuyên truyền là cách thức tổ chức phối hợp hoạt động giữa chủ thể và đối tượng, là cách sắp xếp các yếu tố đảm bảo và các bước tiến hành một mặt, một hoạt động tuyên truyền cụ thể. Còn phương tiện được hiểu là những công cụ, những vật thể mà chủ thể và đối tượng tuyên truyền sử dụng để chuyển tải và tiếp nhận nội dung tuyên truyền nhằm đạt mục đích đặt ra. Trong chuyển đổi số, những điều này phụ thuộc vào đối tượng, mục đích và nội dung mà sử dụng cho phù hợp. Nhưng để đạt được kết quả cao thì nhất định phải biết phối hợp đa dạng các phương pháp, hình thức và phương tiện trong tuyên truyền. Ví dụ: kết hợp giữa tuyên truyền trên báo điện tử, phát thanh, truyền hình với việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn và các cuộc thi tìm hiểu; kết hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi và treo băng rôn, khẩu hiệu. Nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để đối tượng cảm nhận được sự chân thật nhất những giá trị mà cách mạng chuyển đổi số đem lại. Có như vậy mới nhanh chóng hình thành nhận thức, niềm tin của xã hội. Khi những lợi ích đem lại càng lớn thì sẽ càng thôi thúc hành động và sự sáng tạo của nhân dân. Hiệu quả tuyên truyền là sự tương quan giữa kết quả đạt được với mục đích của công tác tuyên truyền đặt ra và với chi phí về nguồn lực để đạt được kết quả đó trong một điều kiện xã hội nhất định. 2.2.2. Cơ sở đánh giá công tác tuyên truyền về chuyển đổi số Khi nghiên cứu về hiệu quả và cơ sở đánh giá hiệu quả của công tác tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng, chúng ta thường dựa trên quan điểm của Lênin (1979, 79) đó là: “có khả năng thu được kết quả nhiều nhất, vững chắc nhất mà lại ít tốn sức nhất”. Đánh giá công tác tuyên truyền bao gồm đánh giá các yếu tố bên trong, các yếu tố cấu thành của công tác tuyên truyền như đã phân tích ở trên. Đồng thời, nó cũng bao gồm cả việc đánh giá những kết quả và hiệu quả mà công tác tuyên truyền mang lại cho đời sống xã hội. Mà cụ thể ở đây, chính là sự thúc đẩy cách mạng chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung. Cách mạng chuyển đổi số là cuộc cách mạng diễn ra và thông qua chủ yếu trên nền tảng số. Ba trụ cột chính cơ bản để đánh giá về mức độ diễn ra và kết quả đạt được đó là: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Do đó, để đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền về chuyển đổi số đòi hỏi hiệu quả bao gồm cả mặt tinh thần và thực tiễn trên ba trụ cột đó với chi phí xã hội phù hợp trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Về mặt tinh thần đó là sự hiểu biết về chuyển đổi số, tiếp đến là mức độ tiếp thu kiến thức và khả năng vận dụng nó vào thực tiễn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng. Trên cơ sở các tri thức khoa học và thực tiễn, nhận thức đó biến thành niềm tin. Đó là sự tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Về mặt thực tiễn, hiệu quả của công tác tuyên truyền chuyển đổi số được biểu hiện thông qua tính tích cực xã hội của đối tượng. Bắt đầu từ việc tích cực học tập, nghiên cứu để
  7. ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 689 tiếp cận và lan tỏa công nghệ số, cùng với đó khả năng sáng tạo ra những giá trị mới để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Về chi phí các nguồn lực cho công tác tuyên truyền gồm có: chi phí nhân lực, chi phí cho cơ sở vật chất, phương tiện và chi phí và thời gian. Đó có thể coi là chi phí xã hội cần thiết để thực hiện công tác tuyên truyền và thông qua hoạch toán kinh tế chúng ta có thể tính toán được. Hiện nay, bằng việc sử dụng các nền tảng số, chúng ta chắc chắn xây dựng được các quy trình để đánh giá nhận thức và thái độ của đối tượng trước và sau tuyên truyền đối với chuyển đổi số. Đó là cơ sở ban đầu để đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền. Về lâu dài, những chuyển biến trong thực tiễn như sự tích cực, mức độ tham gia, đổi mới tư duy, sáng tạo trong phát triển và những giá trị mới thu được từ chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền là tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả. Như vậy chúng ta có hiệu quả trước mắt và hiệu quả lâu dài. Hiệu quả trước mắt là cơ sở để triển khai, mở rộng cũng như điều chỉnh công tác tuyên truyền cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Về lâu dài, ta phải đánh giá trong bối cảnh chung của thế giới, thời gian không có nhiều và không có sự chờ đợi nào cho chúng ta. Chúng ta phải thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn và sớm hơn các quốc gia khác thì mới có cơ hội bứt phá để thay đổi vị trí của Việt Nam. 3. Thực trạng và một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian vừa qua 3.1. Thực trạng công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian vừa qua Qua nghiên cứu và khảo sát nhận thức của người dân về chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền thời gian qua có một số ưu điểm và hạn chế sau: Chủ thể, các chủ thể bước đầu đưa “chuyển đổi số” trở thành cụm từ phổ biến trên không gian mạng. Chỉ cần lên Google.com gõ cụm từ “chuyển đổi số”, chúng ta sẽ thu được 325 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,57 giây. Tương tự, với “kinh tế số” là 353 triệu kết quả trong 0,54 giây; với “xã hội số” là 266 triệu kết quả trong 0,75 giây; với “chính phủ số” là 181 triệu kết quả trong 0,5 giây. Đây thực sự là những kết quả đáng khích lệ. Bởi khi trở thành các cụm từ phổ biến, dễ tìm kiếm trên không gian mạng thì cũng có nghĩa là người dùng internet sẽ dẽ dàng tiếp cận và tìm hiểu về nó. Đối tượng, theo thống kê của www.specials.laodong.vn/ (2021), tính đến đầu năm 2021, dân số Việt Nam hiện rơi vào khoảng 97,75 triệu người; tổng số người dùng internet ở Việt Nam là khoảng 68,72 triệu người, đạt mức 70,3% dân số, mức khá cao so với 59,4% mức bình quân của thế giới. Trong khi đó, số lượng người dùng mạng xã hội còn cao hơn và ở mức 72 triệu người. Số lượng người dân sở hữu điện thoại thông minh đạt mức 96,9%. Điều đó cho thấy khả năng tiếp cận thông tin và tham gia chuyển đổi số của người dân ở mức rất cao. Tuy nhiên, có một điều đáng ngạc nhiên là gần 30% người được hỏi khi nghe thấy cụm từ “chuyển đổi số” đều cảm thấy khá xa lạ và có vẻ như không biết gì về điều đó. Nhưng
  8. 690 ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác họ lại biết khá nhiều những vấn đề, nội dụng cụ thể của chuyển đổi số. Điều đó cho thấy người dân hiện nay chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số. Mục đích, theo khảo sát, bước đầu các chủ thể xác định mục đích giới thiệu và giúp cho các đối tượng tiếp cận, làm quen, tham gia và thụ hưởng một số lợi ích từ chuyển đổi số. Đây là điều khá quan trọng vì từ đó giúp xác định và xây dựng kế hoạch tuyên truyền và nội dung tuyên truyền phù hợp từng bước với từng đối tượng. Theo www.smedx.vn, bước Bộ Thông tin và Truyền thông mới chỉ thí điểm mô hình chuyển đổi số cho 11 xã khó khăn để đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các tổ chức hỗ trợ cung cấp các nền tảng chuyển đổi số cho hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nội dung, các nội dung của chuyển đổi số xoay quanh ba trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bước đầu các nội dung được tuyên truyền phong phú, đa dạng hầu hết đều được người dân biết đến. Ba nội dung về chuyển đổi số được biết đến nhiều nhất bao gồm: căn cước công dân gắn chíp với 85,5%, tiếp sau đó là hóa đơn điện tử 87% và thanh tooán không dùng tiền mặt 76,6% người tham gia khảo sát biết đến. Bên cạnh những nội dung được nhiều người biết tới, các nội dung về chuỗi khối (blockchain) với 18,8%, học tập trực tuyến (Vnedu, ViettelStudy, OLM.vn, VioEdu…) với 25,5% và khám chữa bệnh trực tuyến (VOV Bác sĩ 24h, TeleHealth…) với 25,6% là những nội dung ít được người dân biết tới hơn. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền đang có vấn đề trong việc truyền tải những nội dung của chuyển đổi số một cách đầy đủ đến với cộng đồng. Phương pháp, hình thức, phương tiện, hiện nay phương tiện tiếp cận được đông đảo nhân dân nhất chính là mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok và Instragram…). 91,3% người dân được hỏi cho biết mạng xã hội là kênh thông tin chính mà họ dùng để cập nhật những thông tin mới nhất mỗi ngày. Trên mạng xã hội có đa dạng các phương pháp và hình thức để tuyên truyền thông tin như livestream, đăng tin, làm các video ngắn hay lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các ca khúc, điệu nhạc, nhảy… Nhiều hình thức khác cũng được sử dụng như tổ chức hội thảo, hội nghị và tập huấn. 3.2. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian vừa qua Từ việc nghiên cứu và khảo sát thực trạng thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay như sau: Thứ nhất, các cấp có thẩm quyền còn chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo trong tuyên truyền chuyển đổi số. Nhiều tỉnh, thành phố còn chưa có kế hoạch tuyên truyền về chuyển đổi số. Có thể do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên quá trình triển khai chuyển đổi số bị chậm lại, công tác tuyên truyền về chuyển đổi số bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khoa học công tác tư tưởng, chúng tôi nhận thấy đây lại chính là cơ hội rất lớn để triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền về chuyển đổi số. Vì dịch bệnh người dân phải ở nhà nên thời gian để tiêu thụ
  9. ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 691 thông tin sẽ rất lớn. Nếu chúng ta tranh thủ vừa chống dịch vừa tuyên truyền về chuyển đổi số thì sẽ đạt được hiệu quả tối đa trong mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đồng thời, chúng ta còn thiếu sáng tạo trong công tác tuyên truyền về chuyển đổi số. Nếu phòng, chống dịch Covid-19 được ví như một cuộc chiến với khẩu hiểu “chống dịch như chống giặc”, thì chiến lược chuyển đổi số quốc gia có thể được ví như một cuộc “cách mạng” là “cuộc đổi mới” tiếp theo mà toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện để đưa đất nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Vì thế chúng ta cần có khẩu hiệu thiết thực cho cuộc cách mạng chuyển đổi số để dễ tuyên truyền, dễ đi vào lòng người và dễ dàng lan tỏa. Ví dụ như: “chuyển đổi số sống hoặc chết” hay như “ chuyển đổi số tiến lên chủ nghĩa xã hội”… Thứ hai, mục đích và nội dung tuyên truyền chưa toàn diện, thiếu nghiên cứu về đối tượng. Như đã trình bày ở trên, hiện nay nhiều người dân, doanh nghiệp không có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số dù mình đang tham gia vào các nội dung của chuyển đổi số. Đây là lỗi của chủ thể tuyên truyền. Mục đích và nội dung của tuyên truyền trước tiên phải làm cho đối tượng biết được cái tổng thể trước khi đưa đến họ những nội dung cụ thể. Tiếp đến, phải tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà xây dựng mục đích, nội dung phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. 55,5% là tỉ lệ người được hỏi thể hiện sự quan tâm đối với chuyển đổi số, nhưng chỉ có 22,7% trong số này quan tâm tới các chính sách và công cụ hỗ trợ chuyển đổi số; 27,2% cho biết có các cơ quan chức năng, chính quyền liên hệ để tư vấn các nội dung về chuyển đổi số. Đây là con số không hề cao, thậm chí là thấp. Điều đó cho thấy hiệu quả công tác tuyên truyền về chuyển đổi số thời gian vừa qua. Đối tượng của công tác tuyên truyền là những người chịu tác động của chủ thể tuyên truyền, song cũng là những người trực tiếp thụ hưởng thành quả khi chuyển đổi số đi vào cuộc sống. Vì vậy, ngoài nghiên cứu đối tượng một cách thông thường, các chủ thể còn phải nghiên cứu đối tượng trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ thay đổi cuộc sống của họ như thế nào, tạo ra những lợi ích gì để lấy đó làm động lực tác động vào nhận thức và hành vi của đối tượng. Có như thế hiệu quả tuyên truyền chuyển đổi số mới cao. Thứ ba, sự phối hợp giữa các phương tiện trong tuyên truyền chuyển đổi số rời rạc, thiếu đồng bộ, thiếu chiều sâu. 84% số người được hỏi cho nói rằng họ biết đến chuyển đổi số qua mạng xã hội. Đứng ngay sau đó nhưng cũng cách rất xa là báo điện tử và truyền hình với tỉ lệ lần lượt là 46,8% và 44,1%. Trong khi đứng cuối cùng trong cuộc khảo sát là các đài phát thanh với 14,9% và hội nghị, hội thảo, tập huần với 16%. Đó thực sự là một khoảng cách quá lớn về hiệu quả giữa các phương tiện tuyên truyền. Nếu chúng ta có một chiến lược rõ ràng về tuyên truyền chuyển đổi số, các phương pháp, hình thức và phương tiện công tác tuyên truyền được tổ chức phối hợp một cách đồng bộ và nhịp nhàng sẽ tạo ra một sức lan tỏa to lớn hơn rất nhiều.
  10. 692 ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 4. Một số giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian tới 4.1. Quyết liệt trong công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội Đảng và Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách, thậm chí là hành động quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền chuyển đổi số vì đây là cơ hội trăm năm có một. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng và các Phó thủ tướng đã xuống tận cơ sở để gặp gỡ người dân, doanh nghiệp để lắng nghe. Đồng thời, Chính phủ cũng thường xuyên có những hội nghị trực tuyến tới tận cơ sở, xã, phường để nắm bắt tình hình và kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở. Điều đó vừa tạo được niềm tin, sự phấn khởi trong nhân dân vừa tạo ra không khí quyết liệt trong hành động của chính quyền. Trong công tác tuyên truyền chuyển đổi số, có những khâu, chúng ta cũng cần phải hành động quyết liệt như vậy. Ví dụ, trong nghiên cứu và tìm hiểu đối tượng, bước đầu tiên trong công tác tuyên truyền, chúng ta phải thật sự ráo riết mới mong hiểu rõ đối tượng, mới biết họ đang cần gì và chúng ta có thể hỗ trợ họ những gì. Cùng với đó, phải có bộ phận chuyên môn cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp khi hỗ trợ về chuyển đổi số. Cách mạng chuyển đổi số cũng như cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến toàn dân và toàn diện. Vì vậy nó đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội. Thống nhất nhận thức và tư tưởng để thúc đẩy hành động vì lợi ích chung của cộng đồng là mục đích cao nhất của công tác tuyên truyền chuyển đổi số. Nhưng lợi ích chung cũng là “để không ai bị bỏ lại phía sau”. Do đó, để lan tỏa mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi số trong cộng đồng, công tác tuyên truyền phải làm sao cho mọi ngời thấy được lợi ích của mình trong đó. Kêu gọi sự vào cuộc của toàn xã hội trong tuyên truyền chuyển đổi số bắt đầu lan tỏa từ những cá nhân có uy tín trong xã hội. Đó có thể là những người có học thức, địa vị được mọi người công nhận. Lời nói của họ được mọi người coi là “khuôn vàng, thước ngọc” tin tưởng và làm theo. Vì vậy, khi tuyên truyền về chuyển đổi số, những người làm công tác tuyên truyền nhất định phải tìm bằng được những người có uy tín trong xã hội và tuyên truyền cho họ trước tiên. 4.2. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số bắt đầu từ những “lợi ích thiết thực” Từ xưa, dân gian đã có câu: “có thực mới vực được đạo”. Chủ nghĩa Mác – Lênin cũng khẳng định “vật chất quyết định ý thức” và “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền chuyển đổi số phải đặt các vấn đề có tính thiết thực, có thể đem lại lợi ích ngay cho nhân dân mà tuyên truyền trước. Đầu tiên, có thể kể đến là việc phổ biến lợi ích từ các sàn thương mại điện tử. Đó chính là nơi mà mọi người có thể tham gia mua, bán và thỏa mãn những lợi ích cơ bản một cách nhanh nhất. Tiếp theo, có thể là các vấn đề như y tế, giáo dục, bảo hiểm và dịch vụ
  11. ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 693 công… Điều cốt yếu là làm cho người dân cảm nhận được những giá trị mà chuyển đổi số mang lại. 4.3. Sử dụng tối đa các công nghệ số hiện đại trong nghiên cứu đặc điểm đối tượng Theo Lương Khắc Hiếu (2017), “đặc điểm của đối tượng là căn cứ chủ yếu, là cơ sở khách quan quy định việc xác định mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện tác động đến đối tượng.” Đối tượng không chỉ là con người cụ thể mà là con người, nhóm người, cộng đồng người trong các mối quan hệ xã hội xác định và môi trường tồn tại cụ thể của nó. Nếu như công tác tuyên truyền phải đi trước một bước trong chiến lược chuyển đổi số, thì việc nghiên cứu nắm vững các đặc điểm của đối tượng là bước đi đầu tiên của công tác tuyên truyền chuyển đổi số. Đối tượng tuyên truyền là toàn thể xã hội, chi tiết đến từng người dân cụ thể. Vì thế công tác nghiên cứu đặc điểm của đối tượng cũng hết sức phức tạp với số liệu vô cùng lớn. Do đó chúng ta cũng cần phải áp dụng công nghệ số (như điện toán đám mây, dữ liệu lớn…) trong việc thu thập và xử lý dữ liệu về đối tượng để có cái nhìn bao quát về đối tượng của công tác tuyên truyền. Từ đó xây dựng mục đích, nội dung và phương pháp, hình thức, phương tiện tuyên truyền phù hợp. 4.4. Phối hợp chặt chẽ các phương pháp, hình thức, phương tiện trong tuyên truyền chuyển đổi số Trong cuộc chiến chống Covid-19, chúng ta đã vận dụng rất tốt việc sử dụng và phối hợp phong phú, đa dạng các phương pháp, hình thức, phương tiện công tác tuyên truyền. Đây là một trong những điều thiết yếu góp phần loan tỏa mạnh mẽ tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong toàn xã hội. Đó là một thành công lớn để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá trong tuyên truyền về cách mạng chuyển đổi số. Từ phát thanh, truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội đến các hội nghị, hội thảo, tập huấn, từ việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đến việc chính quyền nhắn tin đến từng số điện thoại, đến từng người dân đã thực sự tạo nên ý thức của một cuộc chiến thôi thúc từng người dân phải hành động có trách nhiệm. Từ những giai điệu của “Ghen Cô vy” cho tới những pa nô, áp phích, khẩu hiệu về 5K đi đâu chúng ta cũng dễ dàng thấy được. Cho tới việc sử dụng các quy định của pháp luật để kịp ngăn chặn, răn đe những quan điểm sai trái, thù địch. Tất cả đã thực sự tạo nên một cuộc chiến toàn dân, toàn diện. Và trong cách mạng chuyển đổi số, chúng ta một lần nữa cần tinh thần đó. Trăm người như một thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động. 4.5. Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền chuyển đổi số có chất lượng cao và hoạt động linh hoạt, tích cực, hiệu quả Những năm 30 của thế kỷ XX, chúng ta có một đội ngũ đông đảo những người cộng sản đã đến từng công trường, nhà máy, hàm mỏ, đồn điền… để thực hiện vô sản sản hóa, để truyền bá quan điểm, đường lối của Đảng. Đó không chỉ là những người yêu nước, họ có tuổi
  12. 694 ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác trẻ và trí tuệ, nhiệt huyết và sẵn sàng vượt lên gian khó, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, với mong muốn đất nước sớm ngày thoát khỏi ách nô lệ. Trong đại dịch Covid-19 chúng ta có những người trẻ, không chỉ là những người có chuyển môn về y tế, họ sẵn sàng đi khắp mọi miền Tổ quốc để chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh. Trong cách mạng chuyển đổi số, cuộc cách mạng của tri thức, của công nghệ và kết nối. Chúng ta cần lắm những người có tri thức, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết để cùng tham gia vào đội ngũ những tuyên truyền viên chuyển đổi số. Và khi cần chúng ta có thể điều động bằng cách này hay cách khác để họ có thể đi khắp mọi miền của Tổ quốc và tuyên truyền về chuyển đổi số. Tài liệu tham khảo Châu An (2019), Chuyển đổi số là gì, https://vnexpress.net/chuyen-doi-so-la-gi- 3921707.html, truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Vân Anh (2020), Xã thí điểm chuyển đổi số đầu tiên công bố kết quả giai đoạn 1, Xã thí điểm chuyển đổi số đầu tiên công bố kết quả giai đoạn 1 - VietNamNet, truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Vân Anh (2020), Thí điểm chuyển đổi số cho các xã, bản khó khăn, Cục Tin học hóa thí điểm chuyển đổi số các xã, bản khó khăn - ICTNews (vietnamnet.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Vân Anh (2020), Huy động sức mạnh toàn dân thực hiện chuyển đổi số tại Việt Nam, 6 quan điểm chính về chuyển đổi số tại Việt Nam - ICTNews (vietnamnet.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Báo điện tử Đảng Cộng Sản (2021), Thành công bước đầu trong thí điểm chuyển đổi số ở xã Vi Hương, Thành công bước đầu trong thí điểm chuyển đổi số ở xã Vi Hương (dangcongsan.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Báo điện tử VTV News (2019), Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển kinh tế số, Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển kinh tế số | VTV.VN, truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Báo điện tử VTV News (2019), Kinh tế số mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Kinh tế số mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ | VTV.VN, truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Báo điện tử VTV News (2021), Cơ hội bứt phá từ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số tích hợp số hóa, Cơ hội bứt phá từ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số tích hợp số hóa | VTV.VN, truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Cẩm nang Chuyển đổi số, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thôn, Hà Nội Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
  13. ICYREB 2021 | Chủ đề 4: Công nghệ tài chính và các chủ đề khác 695 Cao Dũng (2021), Nhận thức cơ bản về chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Nhận thức cơ bản về chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới (dcs.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Mai Hà (2021), Kinh tế số: Cơ hội bứt phá, Kinh tế số: Cơ hội bứt phá | Tài chính - Kinh doanh | Thanh Niên (thanhnien.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Bùi Ngọc Hiền (2021), Kinh nghiệm của một số quốc gia trong chuyển đổi số và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Kinh nghiệm của một số quốc gia trong chuyển đổi số và hàm ý chính sách cho Việt Nam | Tạp chí Quản lý nhà nước (quanlynhanuoc.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Lương Khắc Hiếu (2017), Cơ sở lý luận công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. Đỗ Xuân Hoà (2021), Báo chí góp phần quan trọng đưa nghị quyết chuyển đổi số vào cuộc sống, Báo chí góp phần quan trọng đưa nghị quyết chuyển đổi số vào cuộc sống - Chuyển đổi số - Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên (thainguyen.gov.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Lê Hoàng (2021), Chuyển đổi số: cơ hội bứt phá và rủi ro phát sinh, Chuyển đổi số: cơ hội bứt phá và rủi ro phát sinh (thesaigontimes.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Hồ Chí Minh, Toàn tập (2011), Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I.Lênin, Toàn tập (1979), Tập 9, Nxb Tiến bộ, M.1979. Đặng Văn Sáng (2020), Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam, Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam (tapchitaichinh.vn), truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2020. Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông (2021), Quốc gia nào chuyển đổi số mạnh nhất trong năm 2020, Quốc gia nào chuyển đổi số mạnh nhất trong năm 2020 (ictvietnam.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Hoài Thu (2021), Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin, chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh, Đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, an toàn an ninh thông tin, chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh (yenbai.gov.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Khánh Trình (2021), Bứt phá chuyển đổi số, Bứt phá chuyển đổi số - Báo Nhân Dân (nhandan.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021. Quang Vinh (2020), Hành trình chuyển đổi số của một số quốc gia trên thế giới, Hành trình chuyển đổi số của một số quốc gia trên thế giới (consosukien.vn), truy cập ngày 29 tháng 6 năm 2021.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2