intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đạo đức Phật giáo trong kinh doanh và trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Đạo đức Phật giáo trong kinh doanh và trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay trình bày các nội dung: Đạo đức Phật giáo trong kinh doanh; Đạo đức Phật giáo trong nghiên cứu khoa học xã hội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đạo đức Phật giáo trong kinh doanh và trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay

  1. ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG KINH DOANH VÀ TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY TS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH1* Tóm tắt: Cùng với sự phát triển của xã hội, người Việt Nam tìm đến với đạo Phật không chỉ vì nhu cầu tâm linh, cảm thấy thư thái an lạc nơi cửa Phật mà còn vì những nội dung đạo đức xã hội được ẩn chứa trong giáo lý nhà Phật, đó là những hành vi đạo đức mang tính hướng thiện. Trong hệ thống giáo lý Phật giáo chúng ta có thể tìm thấy những cơ sở lý luận xác thực cho vấn đề đạo đức xã hội, hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ. Phật giáo với các chuẩn tắc đạo đức nhân văn cao về đời sống con người có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội với vô số những quan hệ ngang bằng, trên dưới và điều đó cũng ít nhiều tác động đến cách hành xử trong kinh doanh ở Việt Nam. Đặc biệt trong xã hội Việt Nam ngày nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển đã làm cho không ít người bị cuốn theo các giá trị vật chất mà lãng quên đi các quy tắc ứng xử đạo đức thì Phật giáo với những khung chuẩn đạo đức của mình có thể được xem như là một chiếc gương về giá trị nhân sinh nhằm phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức, giúp điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân - quả tự tại. Để trở thành một doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức nhằm phát triển, bền vững hay một nhà nghiên cứu có phẩm chất liêm chính và có đóng góp cho xã hội thì các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp trước tiên phải có đạo đức nghề nghiệp. Và thực hiện đạo đức nghề nghiệp không phải là một sự xa xỉ, nó là yêu cầu tối quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp để cho ra những quy trình sản xuất, sản phẩm khoa học có giá trị, tồn tại lâu dài trong một thế giới hiện đại. Từ khóa: đạo đức, Phật giáo, kinh doanh, nghiên cứu, khoa học, xã hội, an sinh, phát triển, hội nhập. * Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. 598 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Đặt vấn đề Phật giáo được xem là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, chuẩn mực, hệ giá trị đạo đức trong xã hội Việt Nam kể từ ngày du nhập. Trong xã hội Việt Nam ngày nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển đã làm cho không ít người bị cuốn theo các giá trị vật chất mà lãng quên đi các quy tắc ứng xử đạo đức thì Phật giáo với những khung chuẩn đạo đức của mình có thể được xem như là một chiếc gương về giá trị nhân sinh nhằm phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức, giúp điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân - quả tự tại. Để trở thành một doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức nhằm phát triển, bền vững hay một nhà nghiên cứu có phẩm chất liêm chính và có đóng góp cho xã hội thì các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp trước tiên phải có đạo đức nghề nghiệp. Trong báo cáo này, chúng tôi tập trung vào 2 nội dung chính: Đạo đức Phật giáo trong kinh doanh và Đạo đức Phật giáo trong nghiên cứu khoa học xã hội. Phương pháp nghiên cứu Ngoài những phương pháp và thao tác truyền thống như mô tả, tổng hợp, diễn dịch, bình luận hay phân tích kèm dẫn chứng, luận án đã áp dụng phương pháp khảo sát, thống kê, phân tích định lượng và phỏng vấn sâu. 1. Đạo đức Phật giáo trong kinh doanh Đầu thế kỷ 20, Max Weber, với công trình nghiên cứu về Đạo đức Tin Lành và Tinh thần chủ nghĩa Tư bản (Max Weber 1930), là một trong những người đầu tiên đã tiên phong đưa ra luận điểm tôn giáo đóng vai trò cơ bản trong việc định hình nền kinh tế. Trong công trình này, tác giả cho rằng nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại không thể xuất hiện nếu thiếu đi một nền tảng đạo đức tương ứng với nó… Đặc biệt, ông nhấn mạnh tới sự thúc đẩy của các giá trị đạo đức đạo Tin Lành từ bên trong đã khiến các doanh nhân tích lũy được nhiều của cải và có ý thức đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ nên có xu hướng trở thành các doanh nhân thành đạt. Cách đặt vấn đề nghiên cứu về tác động của các giá trị tôn giáo tới hành vi kinh tế của con người trong xã hội tư bản hiện đại của Max Weber tuy gây nhiều tranh luận, song đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu từ các góc độ văn hóa học, tôn giáo học, xã hội học và kinh tế học… sau này tiếp tục tìm cách chứng minh mối quan hệ giữa tinh thần tôn giáo và đạo đức kinh doanh. Các nghiên cứu này thường có hai xu hướng tiếp cận nghiên cứu: vĩ mô và vi mô. Các nghiên cứu ở cấp vĩ mô xem xét mối quan hệ giữa tôn giáo và tăng trưởng kinh tế, trong khi đó nghiên cứu ở cấp
  3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 599 vi mô lại xem xét cơ chế tôn giáo tác động đến hành vi kinh tế. Để tiếp nối những nghiên cứu về mối quan hệ này ở cấp độ vi mô, bài viết đi vào tìm hiểu về mối quan hệ giữa tôn giáo và kinh doanh mà cụ thể ở đây là Phật giáo trong kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Đạo đức và tôn giáo đều là những hình thái ý thức xã hội ra đời từ rất sớm, có bề dày lịch sử trong nền văn hóa nhân loại. Sự hiện diện của đạo đức và tôn giáo là minh chứng cho sự cần cầu của con người về một thế giới tốt đẹp. Những luận giải triết học về đạo đức chỉ ra rằng đó là những nguyên tắc, quy chuẩn, đạo lý điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với người khác và cộng đồng. Ngoài ra căn cứ vào những quy tắc ấy mà người ta đánh giá hành vi, phẩm giá của mỗi người bằng các quan niệm về thiện - ác, chính nghĩa - phi nghĩa, danh dự… Sự biểu hiện của đạo đức trong đời sống thường nhật được cụ thể hóa bằng những quy tắc ứng xử của con người trên hai phương diện: thứ nhất là những ứng xử của con người với tự nhiên (còn gọi là đạo đức sinh thái), thứ hai là những quy tắc ứng xử của con người với nhau trong vô số những quan hệ trong cộng đồng (còn gọi là đạo đức xã hội). Đạo đức Phật giáo trong kinh doanh chính là phạm trù thuộc đạo đức xã hội được vận dụng vào hoạt động kinh doanh, có tính đặc thù do hoạt động này gắn liền cùng các lợi ích kinh tế. Song, cần lưu ý rằng đạo đức kinh doanh vẫn luôn phải chịu sự chi phối bởi một hệ giá trị và chuẩn mực đạo đức xã hội chung. Chính vì thế, “đạo đức Phật giáo trong kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh” (Trần Trọng Toàn 2016). Những quan hệ này có tính hai mặt, một mặt nó là điều kiện, là môi trường để con người thể hiện hành vi đạo đức của mình, mặt khác thông qua những quan hệ này mà các chuẩn tắc đạo đức cũng được kiến tạo, bồi đắp và hoàn thiện. Bên cạnh đó, về khía cạnh tôn giáo, ta vẫn biết rằng khi xem xét bất kỳ tôn giáo nào với tư cách là một hình thái ý thức xã hội độc lập với các hình thái ý thức xã hội khác, có thể dễ dàng nhận thấy nó chứa đựng không ít các nội dung đạo đức, bao gồm giá trị, chuẩn mực, lý tưởng,… Điều này có thể được biểu hiện khá rõ nét ở những đặc trưng về tinh thần thể hiện trong đạo Phật. Ngay từ khi ra đời vào thế kỷ VI trước Công nguyên (do Thái tử Tất-đạt-đa Siddharta (563-483 trước Công nguyên) sáng lập) và cho đến nay Phật giáo đã luôn khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với vấn đề giáo dục đạo đức con người. Đạo đức và các nguyên tắc đạo đức của Phật giáo được thể hiện xuất phát từ thế giới quan cho rằng thế giới này không phải do đấng tối cao sáng tạo mà dựa trên cơ sở duyên khởi (nhân - quả)
  4. 600 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... và do danh sắc (tức vật chất và tinh thần) tạo thành. Phật giáo cũng cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều chịu sự chi phối của nhân - duyên - quả. Quan niệm về thế giới và vạn vật như thế chính là cơ sở để Phật giáo xây dựng và thực hiện các nguyên tắc đạo đức của mình. Giáo lý Phật giáo có tác dụng điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức cho con người, nâng đỡ, khơi dậy tình thương yêu, đức vị tha, làm điều thiện, tránh điều ác, góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân tồn tại trong xã hội. Điều này đóng vai trò không nhỏ trong việc hoàn thiện đạo đức cho từng cá nhân cũng như có lợi cho việc xây dựng một nền đạo đức tốt đẹp trong xã hội. Trong hệ thống giáo lý Phật giáo, chúng ta có thể tìm thấy những cơ sở lý luận xác thực cho vấn đề đạo đức xã hội, hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ. Toàn bộ những giá trị này được kết tinh, thể hiện tập trung trong nội dung giáo lý của đạo Phật thông qua hai cấp độ nhận thức là trình độ tâm lý và trình độ hệ tư tưởng. Có thể nói rằng, đạo đức Phật giáo là một hệ đạo đức có giá trị thiên về nội tâm, phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài cho nên Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức đối với chính bản thân mình. Sự phán xét của đạo đức Phật giáo là nghiệp báo, nghiệp quả với từng người và nó điều chỉnh đạo đức của họ bằng quy luật nhân - quả xoay vòng. Khởi đầu giống như nhiều tôn giáo khác, ý tưởng liên kết Phật giáo với kinh doanh xuất hiện tưởng như là một nghịch lý. Sự đáp ứng những ước muốn cá nhân và lợi ích vật chất tràn ngập các mục tiêu và hành động của các hoạt động kinh doanh có vẻ như trực tiếp mâu thuẫn với thế giới quan của nhà Phật, khi những nguyên tắc Phật giáo chính yếu lại đa phần quan tâm đến việc làm cho con người tìm được cảm giác bình an, hạnh phúc trong chính những hoàn cảnh hiện hữu thay vì cố gắng nỗ lực tầm cầu để thay đổi điều kiện vật chất hoặc đạt được một sở đắc nào đó trong đời sống cá nhân hay xã hội. Tuy nhiên, giả định cứ ngỡ là nghịch lý trên nảy sinh do sự nhầm lẫn và hiểu biết chưa thấu đáo về quan điểm lợi ích vật chất và sự giàu có của Phật giáo. Thực chất Phật giáo không cho rằng sự giàu có vật chất là một trở ngại để thực hiện con đường tâm linh mà chỉ là không chấp nhận một đời sống tận hiến duy nhất chỉ để có được sự giàu có. Khía cạnh vật chất của chất lượng cuộc sống sẽ chỉ là một trong nhiều yếu tố để đánh giá cá nhân hay xã hội “tiến bộ”. Theo Phật giáo, tài sản có được một cách đúng đắn được coi là một biểu hiện của phúc đức (hay còn gọi là phước báu), và nếu sử dụng đúng cách, có thể mang tới lợi ích cho cộng đồng, vì sự giàu có tạo ra các cơ hội để giúp đỡ và hỗ trợ cho người khác (Loy 2003). Là một trong ba tôn giáo lớn nhất trên thế giới (cùng với đạo Thiên chúa và đạo Hồi), Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Và từ đó đến nay, Phật giáo
  5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 601 được xem là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, chuẩn mực, hệ giá trị đạo đức trong xã hội Việt Nam. Có thể nói, Phật giáo đã tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, thậm chí có lúc trở thành tư tưởng chủ đạo trong việc phát triển văn hóa tinh thần của đất nước. Trải qua nhiều thăng trầm, đến những năm 90 của thế kỷ 20 trở đi, các hoạt động nghi lễ Phật giáo ở Việt Nam lại có xu hướng tăng trở lại. Điều đó đã được chỉ ra qua những nghiên cứu về người đi lễ chùa có số lượng tăng đột biến, nhất là ở khu vực đô thị. Đây vốn là môi trường năng động, có điều kiện phù hợp cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh và tầng lớp doanh nhân. Kết quả nghiên cứu cũng cho biết những người đi lễ chùa thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng đặc biệt nhóm người kinh doanh, buôn bán lại chiếm số lượng lớn (Hoàng Thu Hương, 2012). Bảng 1: Khảo sát các đối tượng đi lễ chùa (Trường hợp chùa Hà và chùa Quán Sứ, Hà Nội) STT Đối tượng đi lễ chùa Chùa Hà Chùa Quán Sứ Tổng 1 Phật tử 15 5.0% 22 9,7% 37 7,0% Không phải phật tử 2 287 94.7% 205 90,3% 492 92,8% (Phần đa là người buôn bán) 3 Không trả lời 1 0,3% 0 0,0% 1 0,2% Tổng 303 100% 227 100% 530 100% Nguồn: Hoàng Thu Hương 2015, tr.68 Dựa trên số liệu này, có thể đặt ra một giả thiết về mối quan hệ hay sự liên kết nhất định giữa đạo đức Phật giáo và hoạt động kinh doanh, mà cụ thể ở đây là khía cạnh đạo đức kinh doanh? Và vấn đề đặt ra là liệu có thể dung hòa giữa Đạo Phật vốn đề cao sự từ bi và lòng nhân ái, với thương trường vốn được quan niệm là “chiến trường”, nơi diễn ra các cuộc đấu tranh về lợi ích và vật chất khốc liệt và không khoan nhượng? Trước hết phải thừa nhận rằng giữa kinh doanh và đạo đức Phật giáo dường như luôn tồn tại sự mâu thuẫn nhất định giữa lợi nhuận và đóng góp xã hội. Chính từ đó đã nảy sinh xung đột không thể tránh khỏi trong quan niệm về đạo đức và kinh doanh do sự khác biệt về lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người lao động, người tiêu dùng cũng như của toàn cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cách dung hòa được hai điều này khi vận dụng những giáo lý nhà Phật vào công việc kinh doanh của mình và kết quả
  6. 602 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... là những doanh nghiệp này đều vẫn đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp của họ. Điều này được ông Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books) khẳng định khi có 98/104 doanh nhân mà tác giả phỏng vấn có quan tâm tới tâm linh và phong thủy, trong đó có 67% doanh nhân cho rằng chính đức tin (gồm cả đức tin đạo Phật) giúp họ thành công (Nguyễn Mạnh Hùng 2010). Khi bước chân vào nền kinh tế thị trường với nhiều bỡ ngỡ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi mới bắt đầu kinh doanh đã đặt vấn đề lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu bất luận thế nào. Bởi vậy, đôi khi những doanh nghiệp này có thể đã “trót” bỏ qua những đặc thù nhất định về đạo đức Phật giáo trong kinh doanh cũng như trách nhiệm xã hội mà đáng lẽ họ phải tuân thủ. Đó chính là trường hợp một số nhà kinh doanh vẫn bất chấp những vi phạm về giá trị đạo đức để sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt hoặc chế biến sản phẩm dù biết rằng điều đó ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng và nặng nề đến sức khỏe cũng như tính mạng của người tiêu dùng và cộng đồng. Tuy nhiên, trong cuộc sống, người Việt Nam luôn tâm niệm theo triết lý hướng thiện của đạo Phật là “gieo nhân nào gặt quả nấy” và rằng người ta làm việc gì cũng nghĩ đến phải “để phúc cho con cái”. Đây là một trong những giáo lí cơ bản của đạo Phật mà bằng cách này hay cách khác đã thấm nhuần vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam. Chính điều này đã có ảnh hưởng đến tư duy của khá nhiều người làm kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, như một ranh giới vạch ra để con người ta dù gặp cám dỗ về lợi nhuận như thế nào vẫn cố gắng làm điều thiện và tốt đẹp. Đó là lý do khá nhiều doanh nghiệp đã bước đầu nhận thức được muốn tồn tại lâu dài trên thị trường thì một trong những điều kiện đầu tiên phải đạt được đó là có đạo đức kinh doanh. Chính vì thế, các doanh nghiệp này đã luôn tự xem xét và điều chỉnh những hoạt động của mình sao cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận nhưng đồng thời không đi ngược lại với lợi ích kinh tế và lợi nhuận của chính doanh nghiệp họ. Và sự quan tâm đến đạo đức đang trở thành một yếu tố trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Chia sẻ về quan điểm này, Bà Vũ Thị Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco khẳng định:“Doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài thì một trong những điều kiện đầu tiên là phải có đạo đức kinh doanh. Đối với ngành dược phẩm chúng tôi thì đạo đức kinh doanh lại càng phải coi trọng vì sản phẩm của mình có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người và nó mang tính xã hội cao (Google 2016). Đạo đức kinh doanh tất yếu bắt đầu trở thành một vấn đề quản lý được chú trọng, đặc biệt là trong nỗ lực dành lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Sự quan tâm đến đạo
  7. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 603 đức đang trở thành một yếu tố trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Và trên thực tế, những doanh nghiệp cam kết thực hiện các hành vi đúng chuẩn đạo đức và chú trọng đến việc tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp thường đạt được thành tựu nhất định về mặt tài chính trong lĩnh vực của họ. Đó là trường hợp thành công của những doanh nghiệp như FPT, Trung Nguyên, Vingroup,… khi đặt lợi ích của cộng đồng bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp. Bất kì một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nào cũng đều có những mưu cầu và khát vọng phát triển doanh nghiệp của mình và nỗ lực thực hiện bằng những hoạt động kinh doanh mạnh mẽ trên thương trường. Nhưng bên cạnh công việc kinh doanh vốn được ví “thương trường như chiến trường”, những con người ấy lại muốn đi tìm sự cứu cánh nơi cửa Phật. Một số doanh nhân nổi tiếng đã thừa nhận với truyền thông về lòng mộ đạo Phật của mình như ông chủ thương hiệu Vina Giày nổi tiếng, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, Tổng Giám đốc Thái Hà Books,… (Hoàng Thu Hương 2013, 104). Ban đầu, những doanh nhân này có lẽ chỉ đơn thuần là chăm lên chùa cúng bái lễ lạt để mong sao cho công việc làm ăn của mình được suôn sẻ và an ổn về tinh thần. Nhưng dần dà, bằng chính việc lên chùa, tiếp xúc với giáo lý nhà Phật, họ bắt đầu có những thay đổi về suy nghĩ cũng như hành vi theo những điều Phật răn dạy để trở nên tốt hơn. Thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã cho rằng các tiêu chí của nhà Phật như mở tuệ, chia sẻ, yêu thương, bao dung và hòa hảo đã ít nhiều tác động đến các tiêu chí của doanh nghiệp mình. Việc đi lễ chùa, chiêm nghiệm giáo lý nhà Phật, tuy mức độ và vận dụng của mỗi một doanh nhân, doanh nghiệp là khác nhau nhưng chắc chắc sẽ có những tác động tích cực hơn trong suy nghĩ và hành động của họ. Và xu hướng “hướng thiện” này cũng chắc chắn tác động đến hoạt động kinh doanh của họ. Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là doanh nhân nổi tiếng Đỗ Ngọc Minh. Trong một bài phỏng vấn của mình trên phương tiện truyền thông, khi được hỏi về những tác động của Phật giáo đến cuộc sống đời thường nói chung và hoạt động kinh doanh nói riêng, ông đã chia sẻ: “thay vì chỉ chăm chăm cho mình được lợi thì nên nghĩ sao cho cả mình cả đối tác cùng được lợi thì việc mới bền. Thay vì chỉ muốn thành công bằng mọi giá thì phải hiểu và chấp nhận có thắng có thua, và không có gì là mãi mãi dù là thành công hay thất bại. Có thể nếu không theo Phật pháp thì tôi sẽ máu lửa hơn trong kinh doanh và quyết chiến, ăn thua hơn. Nhưng để chọn lựa giữa việc phải thành công bằng mọi giá và một tinh thần thoải mái thì tôi chọn cái thứ hai”. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ thường xuyên đi lễ chùa nhưng chủ yếu là do nhu cầu tâm linh và thành tâm hướng thiện, tâm niệm làm sao để doanh nghiệp lớn mạnh và đưa xã hội phát triển đi lên chứ không phải
  8. 604 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... mong đi lễ để làm giàu hay cầu lợi. Đó là lý do ở Việt Nam hiện nay, việc làm từ thiện của các doanh nhân, doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây được coi là một ứng xử tương tác đặc trưng nhất theo tinh thần nhà Phật của doanh nghiệp đến với cộng đồng. Có ý kiến cho rằng đây chỉ là một trong những chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu của các cơ sở sản xuất kinh doanh, là cách marketing hiệu quả cho thương hiệu của một doanh nghiệp. Bởi lẽ khi một thương hiệu nào đó thường xuyên có những hoạt động tổ chức từ thiện hay công tác cộng đồng thì đương nhiên đơn vị này sẽ được mọi người ghi nhận và qua đó thương hiệu của họ, uy tín và cái “tầm” của họ cũng được nâng lên rõ rệt. Thế nhưng sau tất cả những giả thiết như vậy thì ta vẫn phải ghi nhận rằng những hoạt động thiện nguyện trước hết được xuất phát từ cái “tâm” doanh nghiệp khi họ đã thực sự đồng cảm và tự giác chia sẻ lợi ích của mình cho cộng đồng. Về vấn đề này, đạo Phật đề cao cái Tâm và dường như quan niệm đó đã đi vào thuần phong mỹ tục của dân tộc. Có thể thấy rất nhiều gương doanh nhân làm từ thiện ở Việt Nam đáng khâm phục, không phải vì số tiền họ bỏ ra, mà về cách mà họ làm từ thiện. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự giàu nhưng họ đã bắt đầu nghĩ đến trách nhiệm của mình trước xã hội. Và đối với họ thì việc có đóng góp cho xã hội và giúp cho cộng đồng tốt hơn thì mới thật sự là kinh doanh thành công. Một trong những cái tên được nhắc nhiều khi nói đến doanh nhân làm từ thiện là doanh nhân Lê Văn Kiểm - ông chủ sân golf Long Thành. Theo thống kê, tính đến 2015, gia đình ông Kiểm đóng góp cho hoạt động từ thiện bằng nhiều hình thức lên tới 400 tỷ đồng. Cũng trong năm 2014, ông Kiểm còn cam kết đóng góp 25 triệu USD chung với quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation của vợ chồng Bill Gates để lập quỹ Vietnam Health Fund với mục tiêu huy động được 50 triệu USD phục vụ các hoạt động y tế từ thiện tại Việt Nam trong 5 năm. Ngoài ra, còn một số doanh nhân khác cũng tích cực làm từ thiện như Chủ tịch Tập đoàn Him Lam, Dương Công Minh thầm lặng đóng góp xây dựng hàng ngàn ngôi trường trải dài khắp đất nước cho học sinh nghèo; doanh nhân Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cũng có nhiều đóng góp từ thiện có ích cho cộng đồng…. (CSIP 2014). 2. Đạo đức Phật giáo trong nghiên cứu khoa học xã hội Trong bài “Văn hóa và đạo đức nghề nghiệp” đã đưa ra định nghĩa: “Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định”1. Thế nhưng trong thời đại ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão thì đạo đức 1 Nguyễn Ái Thi (2014), Tài liệu giảng dạy cho cán bộ viên chức thi nâng ngạch, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, tr.86.
  9. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 605 con người lại không tương xứng. Lời phát biểu của Federico Mayor - Tổng Giám đốc UNESCO “Chưa bao giờ như ngày nay, sự căng thẳng giữa khoa học và lương tâm, giữa kỹ thuật và đạo đức đã lên đến đỉnh điểm và là mối đe dọa toàn thế giới” là sự phản ánh rõ nét thực tế này. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp, do đó trở thành vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Đề cập tới khía cạnh đạo đức Phật giáo trong hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Tính khách quan của tư duy khoa học và hoạt động nghiên cứu đòi hỏi phẩm chất liêm chính và trung thực trong đạo đức nhà nghiên cứu. Còn tính kế thừa của tư duy khoa học và hoạt động thì đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy ước về trích dẫn. Vì không ai có thể làm những nghiên cứu cứu mà không dựa trên những tri thức từ những nghiên cứu có trước. Việc ghi nhận đóng góp của người đi trước phải được thể hiện bằng cách ghi rõ nguồn, tránh hành vi đạo văn dưới mọi hình thức. Đồng thời, đạo đức nghiên cứu cũng được thể hiện ở việc sản phẩm nghiên cứu phải đảm bảo không gây hại cho xã hội cũng như cho các cá nhân. Nói một cách bao quát, chuẩn mực đạo đức được đánh giá qua những nguyên tắc cơ bản dưới đây: 1. Thành thật tri thức (intellectual honesty). 2. Tự do tri thức. 3. Cởi mở và công khai. 4. Ghi nhận công trạng thích hợp. 5. Trách nhiệm trước công chúng. 2.1. Thực trạng đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học xã hội 2.1.1. Chất lượng các luận án ngành khoa học xã hội Theo con số đưa ra vào năm 2015, Việt Nam có 4.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ về ngành khoa học xã hội. Con số hiện nay chắc chắn sẽ tăng thêm vì mỗi năm đều có các khóa đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ tốt nghiệp. Thế nhưng con số tiến sĩ, thạc sĩ này lại không tỷ lệ thuận với chất lượng khoa học hàm chứa trong các luận văn, luận án của họ. Nói cụ thể hơn, chất lượng các luận án, chưa kể tới luận án thạc sĩ mà ngay cả các luận án tiến sĩ cũng có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Các hiện tượng mà báo chí đề cập thời gian gần đây như các luận án sao chép cắt dán từ những công trình khác, hay luận án yếu kém, chưa tương xứng chuyên ngành của chủ thể nghiên cứu,… thực ra mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nhưng điều đó cũng phản ánh một thực tế đó là hiện tượng hoạt động đào tạo tràn lan trong khoa học
  10. 606 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... xã hội. Cách đây chưa lâu, báo Dân trí đăng loạt bài liên quan về “lò sản xuất tiến sĩ” ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Những con số được bài báo đưa ra khiến cho chúng ta phải suy nghĩ “… Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho “ra lò” một tiến sĩ. Không dừng lại ở đó, nhiều người còn chia sẻ về những đề tài được bảo vệ lần này và cho rằng chưa xứng tầm như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch UBND xã, Hành vi nịnh trong tiếng Việt, Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm, Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề...”1. Trước những câu hỏi về giải pháp của chính phủ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam - vấn đề khiến dư luận quan tâm gần đây, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn Chính phủ khẳng định: “Luận án phải thực sự là một công trình nghiên cứu khoa học, có những điểm mới, có công bố quốc tế và được đánh giá kết quả nghiên cứu một cách khách quan”. Đương nhiên phải khẳng định là tiêu chí có công bố quốc tế thì đối với ngành khoa học xã hội trong tình trạng hiện nay cần phải có một thời gian mới có thể thực hiện nhưng với tiêu chí cơ bản đối với một nghiên cứu khoa học cụ thể như thế nào thì cũng chỉ được nêu ra một cách chung chung. Mặc dù đã được Luật Giáo dục đưa ra và được Bộ Giáo dục và Đào tạo chi tiết hóa trong quy định đánh giá luận án tiến sĩ (với 10 tiêu chí) nhưng giữa yêu cầu với thực thi, giám sát việc thực hiện yêu cầu lại chưa thống nhất, việc áp các tiêu chí theo yêu cầu đề ra vào các luận án không thực sự sát sao dẫn đến có những luận án thực sự chưa đáp ứng yêu cầu mà vẫn được thông qua. Tác hại của điều này không chỉ khiến cho các thành viên trong các hội đồng đánh giá dễ theo xu hướng nương nhẹ “cho qua” mà còn dễ tạo cho bản thân người làm luận án tinh thần “làm cho xong”, chứ không phải làm luận án với tinh thần nghiêm túc và học hỏi. Thành ra những gì mà nghiên cứu sinh thu nhận được sau khóa học tiến sĩ không có gì nhiều, đa phần các luận án bảo vệ xong thì đề tài cũng “đắp chiếu” chứ ít được tiếp tục đi sâu nghiên cứu thêm. Thế mà số lượng người theo học tiến sĩ, thạc sĩ vẫn tăng. Họ là những ai? Ngoài những nghiên cứu viên thuộc các viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, còn có nhiều cán bộ quản lý các bộ, các ngành, các tổ chức chính phủ. Ngoài một số người theo học tiến sĩ vì thực sự muốn học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn thì cũng có không ít người muốn có bằng Tiến sĩ chỉ vì mục đích để tăng lương, để thăng tiến và giữ được vị trí công việc do những tiêu chuẩn về 1 http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi-vn-len-tieng-ve-lo-san-xuat-tien-si 20160422143759589.htm.
  11. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 607 cán bộ đặt ra, nhất là những cán bộ bên ngành quản lý. Tại sao làm luận án tiến sĩ ở Việt Nam những năm vừa qua lại tràn lan như vậy? Điều này bắt nguồn ngay từ mục đích làm tiến sĩ ở Việt Nam khác nhiều so với thế giới. Ở nước ngoài, luận án tiến sĩ được coi là quá trình học tập để làm nền tảng cho nghiên cứu sinh sau đó tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu, giảng dạy. Do đó, chỉ những người muốn đi theo con đường nghiên cứu giảng dạy mới theo học chương trình đào tạo tiến sĩ, những người không có thiên hướng hay không hứng thú với công việc nghiên cứu thì họ đi làm công việc khác ngay, để tránh tốn kém thời gian, tiền bạc của cả bản thân cá nhân cũng như của nhà nước. Trong khi đó, ở Việt Nam lại có rất nhiều cán bộ ngành quản lý theo học tiến sĩ không phải vì mục đích nghiên cứu mà là vì cần bằng cấp. Và chính vì cần có bằng cấp để thăng tiến trong nghề nghiệp cho nên mới xuất hiện các hiện tượng tiêu cực như mua bán bằng cấp, chép luận án của người khác… khiến cho “danh không xứng với thực”. Với những đối tượng cần bằng cấp như vậy thì đương nhiên chất lượng các luận án do đó cũng khó đảm bảo được chất lượng. 2.1.2. Chất lượng các công trình nghiên cứu  a. Các ấn phẩm khoa học xã hội Không riêng chất lượng các luận án tiến sĩ, thạc sĩ mà ngay cả chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học cũng có nhiều đáng bàn. Trên nguyên tắc một khi công trình nghiên cứu đã được công bố thông qua dạng các ấn bản phẩm có nghĩa là nó phải đảm bảo chất lượng về mặt chuyên môn khoa học. Tuy nhiên trên thực tế, các công trình nghiên cứu liên quan tới mảng khoa học xã hội hiện nay cũng trong tình trạng không được quản lý chặt chẽ. Trước tiên hãy nói về các ấn bản phẩm khoa học xã hội. Nếu nhìn trên thị trường, ấn bản phẩm có thể dễ dàng nhận thấy việc xuất bản các ấn phẩm khoa học xã hội khá tràn lan. Chẳng hạn, một tên sách nào đó có thể được nhiều nhà xuất bản phát hành nhưng câu hỏi chọn ấn phẩm của nhà xuất bản nào khiến cho không ít người băn khoăn. Rất nhiều sách xào xáo, sao chép lại của nhau về câu chữ cũng như ý tưởng. Lấy câu chữ, ý tưởng của người khác mà không nêu rõ nguồn thông tin (sources) thì vô hình chung chúng được coi như là của tác giả đó. Hiện tượng này bắt gặp đặc biệt nhiều đối với các sách liên quan văn hóa truyền thống. Ở các mảng khác, hiện tượng “đạo văn” cũng vẫn diễn ra. b. Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội Trong các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay, thông thường các nghiên cứu viên hàng năm đều được giao những đề tài nghiên cứu ở các cấp khác
  12. 608 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... nhau (cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước). Như với các viện nghiên cứu, đề tài cấp cơ sở là đề tài được giao cho hầu hết các nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu trong thời gian thông thường một năm. Kết quả sản phẩm cuối cùng đều đánh giá “đạt”, song thực tế không phải tất cả các đề tài được được nghiệm thu đều đảm bảo chất lượng khoa học cần thiết. Nguyên nhân trước hết là do thái độ làm việc của một số người chưa nghiêm túc, cẩu thả, chỉ cốt đủ số lượng (độ dài số trang) chứ chưa thực sự đạt về “chất”. Điều này bắt nguồn từ sự không chuyên nghiệp của bản thân người thực hiện đề tài, thói quen không chịu trách nhiệm hay hời hợt với cái mình viết ra. Ngay việc trích dẫn thông tin khoa học, rất nhiều đề tài còn dễ dãi hay đúng hơn là cẩu thả. “Một nghiên cứu chỉ có thể được coi là khoa học khi mà nó được dựa trên những bằng chứng cụ thể, tư liệu chính xác và cần công phu khảo cứu kỹ càng, tỉ mỉ. Đặc biệt, cần tôn trọng công sức của những người đi trước”. Thực tế, quá trình giám sát, kiểm tra thực hiện đề tài không phải không được tiến hành nhưng phần nhiều chỉ là hình thức. Thứ nhất, đề tài ngành khoa học xã hội không có những tiêu chí cân đo đong đếm dễ dàng như khoa học tự nhiên. Đương nhiên cũng có những tiêu chí nhất định khi đánh giá song việc áp dụng những tiêu chí đó tới đâu mới thực sự là vấn đề quan trọng. Thường thì các đề tài cấp cơ sở đều phải nghiệm thu vào cuối năm. Thành viên trong hội đồng nhận được bản sao các đề tài trước khi hội đồng nghiệm thu diễn ra. Thông thường, thành viên trong hội đồng thường phải đọc nhiều đề tài cùng một thời điểm và trong một khoảng thời gian không dài nên việc đánh giá của các ủy viên hội đồng không phải kỹ lưỡng, nghiêm khắc, thậm chí có bản nhận xét còn qua loa. Bên cạnh đó cũng có phần bị chi phối bởi ý nghĩa là đề tài của người trong cơ quan - “người nhà” thành thử nhiều khi người đánh giá cũng dễ bỏ qua những thiếu sót của đề tài hoặc nếu có góp ý thì cũng dưới dạng “đóng cửa bảo nhau”. Bởi vậy mà đề tài nào cũng được nghiệm thu, chưa từng có đề tài nào không đạt. Đề tài được nghiệm thu coi như là xong. Những đánh giá sau nghiệm thu hồi cứu dường như chưa từng bao giờ xuất hiện. Một vấn đề nữa là mặc dù được Nhà nước trả tiền để thực hiện nhưng đại đa số các đề tài khoa học xã hội sau khi nghiệm thu xong thì “cất trong tủ”, chúng được lưu giữ và chỉ có thể được tham khảo tại cơ quan nghiên cứu đó chứ ít được công bố ra ngoài xã hội. “Tri thức khoa học chỉ có thể tiến bộ khi công trình của các nhà khoa học được đưa ra công khai…”. Chính bởi các đề tài này sẽ không nhận được phản biện rộng trong xã hội. Không có những ý kiến phản biện từ cộng đồng khoa học cũng như trong xã hội, người thực hiện đề tài không biết được thực sự công trình của mình được đón nhận như thế nào, ưu khuyết điểm ra sao và quan trọng nhất là cũng khó mà biết được nghiên cứu của mình đóng góp gì cho xã hội. Rõ ràng là ở
  13. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 609 đây ngân sách nhà nước được chi ra để thực hiện đề tài nhưng kết quả của đề tài ấy không được xã hội hóa, nên có thể nói sự đầu tư ấy chưa mang lại hiệu quả thực sự. 2.2. Giải pháp Trong một bài báo, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh từng nhận xét: “… Nhiều người đã nói tới thực trạng suy thoái về đạo đức và nhân cách của đội ngũ lao động, coi đó là nguyên nhân của nguy cơ (thật ra đã không còn là nguy cơ) tụt hậu của kinh tế xã hội trong đất nước với hệ thống các hiện tượng gian lận, vi phạm đạo đức trong thi cử, hoạt động khoa học và công nghệ, sáng tạo nghệ thuật hay bớt xén cẩu thả trong sản xuất kinh doanh v.v…”1. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự yếu kém trong nghiên cứu khoa học xã hội? Nếu như nói sự “suy thoái kinh tế đã gián tiếp làm gia tăng hành vi sai phạm, lừa đảo và gian lận trong nội bộ doanh nghiệp” thì trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, sự không được đào tạo đến nơi đến chốn (đối với sinh viên ngành khoa học xã hội) cùng sự yếu kém trong chuyên môn cùng thái độ làm việc không nghiêm túc (của các nhà nghiên cứu viên trong các cơ quan nghiên cứu nhà nước) đã dẫn tới vi phạm đạo đức, làm dối, làm bừa, làm giả. Vậy giữa việc “đạo văn” từ các cơ sở đào tạo khoa học xã hội với việc “đạo văn” trong các công trình nghiên cứu khoa học xã hội có mối liên hệ gì với nhau hay không? Làm thế nào để có thể giải quyết được tình trạng này? Trước hết phải nói lại rằng sự sa sút trong đạo đức nghề nghiệp trong ngành khoa học xã hội không phải là hiện tượng đơn lẻ, sự sa sút đạo đức của cả xã hội nói chung đã và đang được báo động và thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội. Ngoài nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chủ thể lao động thì sự sa sút đạo đức nghề nghiệp được các chuyên gia nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, đây là hệ quả của nhiều vấn đề giáo dục, quản lý nhà nước, kể cả về mặt lý luận. Còn Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Việt Hùng thì khẳng định “chính cái quản lý và thực thi pháp luật xuống cấp, chứ không phải pháp luật của chúng ta xuống cấp”. Cho nên để giải quyết vấn đề sa sút đạo đức trong nghiên cứu khoa học xã hội thì cũng phải căn cứ vào nhiều yếu tố đặc trưng của ngành khoa học xã hội nói riêng cũng như các yếu tố xã hội nói chung. 2.2.1. Tuyên truyền đạo đức Phật giáo nhằm nâng cao nhận thức về liêm chính học thuật ngay từ giảng đường đại học thông qua con đường giáo dục Trường Đại học Duy Tân từng tiến hành khảo sát về chuyện sao chép khi trích dẫn. Câu hỏi khảo sát đưa ra là “Bạn từng sao chép nguyên bản bài viết của các tác 1 Báo Kinh tế đầu tư, số 9 (2512), tr.5, 2015.
  14. 610 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... giả trên mạng, sách tham khảo, giáo trình... mà không trích dẫn chưa?”. Kết quả thu được như sau: “Chỉ 16% câu trả lời không, còn lại đều cho biết từng thực hiện việc này. Trong đó, 13,5% thực hiện nhiều lần, 12% thường xuyên thực hiện, 49% có thực hiện và 9,5% ít thực hiện….”. Trên thế giới hiện đã áp dụng phần mềm phát hiện sao chép để phát hiện sự tương đồng của các luận văn, đồ án. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ giải quyết được vấn đề ở chỗ phát hiện các công trình gian lận, còn làm thế nào để đảm bảo chất lượng các công trình nghiên cứu thì cơ bản phụ thuộc vào người thực hiện đề tài nghiên cứu. Làm thế nào để giải quyết được triệt để vấn đề này? Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc cho rằng: “Đạo văn không phải là vấn đề văn hóa thuần túy mà phải hiểu nó như một đặc thù của Việt Nam. Nó là hệ quả lâu dài của giáo dục và có thể thay đổi được bằng giáo dục”, tức là phải nâng cao nhận thức về liêm chính học thuật trong sinh viên ngay từ giảng đường đại học thông qua con đường giáo dục. Điều đó cũng đồng nghĩa là giảng viên với tư cách là người hướng dẫn sinh viên thực hiện các luận án đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong khảo sát vừa nêu trên đây của trường Đại học Duy Tân cũng đi vào tìm hiểu lý do không trích dẫn khi sao chép nội dung từ bài viết của các tác giả khác, trong đó tỷ lệ nói rằng mình không biết phương pháp trích dẫn là cao nhất, chiếm tới 36%, còn lại 12% không nhớ tác giả là ai, 21% cho biết vì áp lực tiến độ thực hiện, 9% không quan tâm đến việc trích dẫn. Con số trên đây cho thấy một sự thực là sinh viên cũng như những người làm luận án nói chung rất cần sự hướng dẫn của giáo viên trong quá trình làm luận án. Sự hướng dẫn này phải thể hiện cụ thể ở ngay trong việc chỉ dẫn cho sinh viên biết cách trích dẫn nguồn tư liệu. Một khi sinh viên biết trích dẫn tư liệu thì có nghĩa họ cũng bắt đầu có ý thức tôn trọng thành quả nghiên cứu của người khác, đồng thời họ cũng nhận biết được những thao tác cần thiết tối thiểu trong nghiên cứu sẽ tránh được mọi hiện tượng như khảo sát trên nêu ra. Và khi đã được trang bị những kiến thức khoa học tối thiểu như vậy, sinh viên sau này khi ra trường đi làm trong các cơ quan nghiên cứu có ý thức làm việc nghiêm túc và sẽ thích nghi tốt với môi trường làm việc khoa học. 2.2.2. Điều chỉnh cơ chế quản lý bất cập Một đặc điểm của các đề tài nghiên cứu các cấp thuộc ngành khoa học xã hội đó là các đề tài này đều được chi trả bằng nguồn kinh phí của nhà nước. Bởi thế, các đề tài đều phải đáp ứng những yêu cầu về quản lý như hoàn thành các thủ tục giấy tờ, đảm bảo tiến độ… Việc phải hoàn tất các thủ tục hành chính cũng như những quy định liên quan đến quy cách trình bày, nội dung đề tài nhiều khi cũng ảnh hưởng tới chất lượng đề tài (chẳng hạn quy định phải đạt số trang nhất định nào đó).
  15. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 611 Trong các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay tồn tại một thực tế là, để có thể được hưởng những lợi ích nhất định nào đó thì đòi hỏi phải có bằng tiến sĩ. Chẳng hạn, một trong những tiêu chí để có thể nhận đề tài cấp Bộ hay cấp Nhà nước thì phải có bằng tiến sĩ. Hoặc một nghiên cứu viên muốn có cơ hội kéo dài thời gian làm việc tại cơ quan nhà nước cũng cần có bằng tiến sĩ… Hệ quả của những chuyện như vậy dẫn tới hiện tượng có những đề tài cấp Nhà nước người đứng tên chủ trì chỉ là hình thức, còn việc thực hiện lại do người khác đảm nhiệm. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến cho chất lượng các đề tài cấp Nhà nước. Hơn bao giờ hết đạo đức nghề nghiệp ở Việt Nam trong những năm gần đây rơi vào tình trạng xuống cấp đáng báo động. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng” - Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã ghi nhận thực tế này. Trước tình trạng nêu trên, Chính phủ cũng đã ra nghị quyết ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội. Năm 2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để có thể sớm hội nhập và tạo lập vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, ngay đầu năm 2015, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Trong đó vấn đề đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi cá nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung rất được chú trọng. Đặc biệt, hướng phấn đấu mà Chính phủ đặt ra tới năm 2030 là “sự xuống cấp về đạo đức xã hội cũng được đẩy lùi”. Trong Nghị quyết có đoạn nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa; tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, theo các giá trị chuẩn mực, trong đó trọng tâm là nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong hướng phấn đấu chung đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức mà Chính phủ đặt ra tới năm 2030, đương nhiên sẽ có sự góp phần của ngành khoa học xã hội và ngành kinh doanh. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, việc không có những quy tắc chuẩn mực rành mạch cộng thêm một số bất cập trong quản lý đã tạo nên những kẽ hở khiến cho đạo đức của nhiều người làm công tác trong ngành này lợi dụng và tha hóa. Đã xuất hiện không ít những hiện tượng hình thức, đối phó và kết quả sản phẩm cuối cùng thì bị cào bằng, người làm nghiêm túc cũng chẳng
  16. 612 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... khác gì người làm cẩu thả. Vì thế, cần phải giải quyết những mâu thuẫn trong hoạt động nghề nghiệp để đi tới một sự công bằng trong nghiên cứu khoa học xã hội. Về chuyên môn, các công trình đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn đến đâu, có được thương mại hóa hay không, cần phải tìm kiếm tiêu chí đong đo để xác định... Về mặt quản lý cũng phải điều chỉnh những mặt chưa hợp lý, bớt những thủ tục hành chính rườm rà làm ảnh hưởng tới việc nghiên cứu. Và quan trọng nhất là nên chú ý quản lý sản phẩm chứ không nên là chu trình. 3. Kết luận Đạo đức Phật giáo ở thời kỳ nào cũng luôn hướng con người tới mục tiêu xây dựng một nền đạo đức xã hội dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, cứu nhân độ thế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân ở mọi ngành nghề, lĩnh vực (không chỉ có trong kinh doanh hay trong nghiên cứu khoa học xã hội). Ngày nay, trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đòi hỏi con người phải biết chọn lọc và trau dồi nhân cách, phẩm hạnh, đề cao lý tưởng đạo đức trong sạch, lành mạnh, đẩy lùi sự ác ý, lòng tham để bảo vệ an sinh và hạnh phúc của mọi người trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Hoàng Thu Hương, 2015, Chân dung xã hội của người đi lễ chùa, Nxb. Khoa học xã hội. 2. Hoàng Thu Hương, 2013, “Tiếp cận xã hội học về mối quan hệ giữa tôn giáo và tinh thần kinh doanh”, Xã hội học, số 2 (122), Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 96-105. 3. Đặng Hoàng Thanh Lan, 2014, “Quan điểm của phật tử Hà Nội về giá trị đạo đức trong kinh doanh hiện nay”, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. 4. Max Weber (2010), Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism. Creat Space Publisher. 5. Loy, David R. (2003).  The great awakening: A Buddhist social theory.  Boston: Wisdom Publication. 6. Trần Trọng Toàn, 2016, Bài phát biểu tại Hội thảo về chủ đề “đạo đức toàn cầu” do Liên hiệp các Hội UNESCO, Hà Nội, ngày 23/4/2016.
  17. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 613 7. Google 2016, “Doanh nhân Minh Đỗ, “Đạo Phật giúp ích cho mình nhiều nhưng không giống như kiểu đọc một quyển sách”. Cập nhật ngày 10/9/2016. 8. https://towardstransparency.vn/vi/xay-dung-chuan-muc-liem-chinh-hoc- thuat-de-thu-hep-khoang-cach-voi-the-gioi. 9. http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung- uong-9-khoa-XI/201435.vgp. 10. http://news.hoasen.edu.vn/vi/3327/thong-tin-su-kien/cac-truong-dai-hoc- bat-tay-chong-dao-van. 11. http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vien-han-lam-khoa-hoc-xa-hoi- vn-len-tieng-ve-lo-san-xuat-tien-si 20160422143759589.htm.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1