intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đào tạo kế toán theo IFRS tại các trường đại học ở Việt Nam: Khó khăn và thách thức

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

4
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đào tạo kế toán theo IFRS tại các trường đại học ở Việt Nam: Khó khăn và thách thức" chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc đào tạo IFRS, tại các trường đại học ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp, nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức đó để công tác đào tạo IFRS cho các sinh viên ngành kế toán ngày càng hoàn thiện hơn. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đào tạo kế toán theo IFRS tại các trường đại học ở Việt Nam: Khó khăn và thách thức

  1. ĐÀO TẠO KẾ TOÁN THEO IFRS TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM: KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC ThS. Kiều Thị Tuấn1 Tóm tắt IFRS là bộ Chuẩn mực do IASB ban hành, quy định về việc lập và trình bày các báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp; được thừa nhận và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu, có đủ khả năng và nguồn lực áp dụng IFRS thì được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được Bộ Tài chính công bố. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho các trường đại học trong việc cung cấp nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán do nhu cầu về nguồn lực thời kỳ mới có sự thay đổi; việc đào tạo các kế toán viên có trình độ chuyên môn và hiểu biết về IFRS là yêu cầu tất yếu của các trường đại học hiện nay. Bài viết chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc đào tạo IFRS, tại các trường đại học ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp, nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức đó để công tác đào tạo IFRS cho các sinh viên ngành kế toán ngày càng hoàn thiện hơn. Từ khoá: IFRS, đào tạo, thách thức, khó khăn. 1. Giới thiệu Ngày 16/3/2020 Bộ Tài chính đã ban hành quyết định phê duyệt “Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam”. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu, có đủ khả năng và nguồn lực áp dụng IFRS thì được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được Bộ tài chính công bố; các doanh nghiệp khác thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam áp dụng VFRS (trừ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS hoặc VFRS không thuộc đối tượng áp dụng của Đề án). Đối với các DN áp dụng IFRS, lộ trình áp dụng này gồm 3 giai đoạn: - Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021 - Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025: áp dụng ở cấp độ báo cáo tài chính hợp nhất đối với một số doanh nghiệp cụ thể như công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; và công ty mẹ quy mô lớn khác - Giai đoạn bắt buộc áp dụng: từ sau năm 2025: áp dụng ở cấp độ báo cáo tài chính hợp nhất đối với các doanh nghiệp ở nhóm đối tượng áp dụng tự nguyện như trên 1 Khoa Kế toán – Kiểm toán, Học Viện Ngân Hàng, Email: tuankt@hvnh.edu.vn, Số điện thoại: 0986931140 493
  2. Theo lộ trình trên, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn tự nguyện áp dụng IFRS. Việc áp dụng IFRS mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như nâng cao chất lượng BCTC, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đáng tin cậy, phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo; tăng tính minh bạch của thông tin tài chính, giúp các nhà đầu tư, các đối tác và người sử dụng thông tin BCTC có hiểu biết tốt hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi thực hiện huy động vốn từ nước ngoài… Chính vì thế, nhu cầu đào tạo IFRS tại các trường đại học trong thời gian sắp tới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và trở thành một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, trong lộ trình đó, các trường đại học tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức để có thể xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực cho quá trình đào tạo, khắc phục được các trở ngại phát sinh trong việc tiếp cận IFRS cho sinh viên, cũng như chuẩn hóa trình độ người học phù hợp với nhu cầu mới. 2. Sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và IFRS IFRS được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế với mục tiêu cung cấp khuôn khổ quốc tế chung về lập và trình bày BCTC; hiện nay IFRS bao gồm hơn 40 chuẩn mực, trong đó có một số chuẩn mực mới được ban hành và áp dụng trong một vài năm gần đây như IFRS 9 – Công cụ tài chính, IFRS 15 - Doanh thu từ các hợp đồng khách hàng, IFRS 16 – Thuê tài sản. Trong khi đó, 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được soạn thảo và ban hành trong giai đoạn từ 2001-2005; về cơ bản VAS đã được xây dựng dựa trên IAS/IFRS, theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc từ thông lệ quốc tế phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và đã phản ánh được phần lớn các các giao dịch. Tuy nhiên, nội dung của nhiều VAS được lược bớt so với các IFRS tương ứng, số lượng VAS cũng chưa đầy đủ do đó VAS và chế độ kế toán hiện nay vẫn chưa thật sự hòa hợp hoàn toàn với IAS/IFRS để đạt được sự tiệm cận với môi trường kế toán quốc tế. Đồng thời, các chuẩn mực IAS/IFRS thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung càng gây ra sự khác biệt giữ IFRS và VAS. Hiện nay đào tạo kế toán tại Việt Nam chủ yếu dựa trên các VAS và chế độ kế toán, do vậy khi chuyển sang đào tạo theo IFRS sẽ có nhiều khác biệt trong xây dựng nội dung chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và các điều kiện khác. 3. Những khó khăn và thách thức của các trường đại học khi đào tạo theo IFRS Về nội dung chương trình đào tạo Trong những năm gần đây, các trường đào tạo ngành kế toán đều có những đổi mới căn bản về nội dung chương trình giảng dạy các môn học kế toán, kiểm toán như: Về khung chương trình, phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp thường được bố trí tối đa 2/3 số đơn vị học trình hoặc tín chỉ, trong đó kiến thức ngành và chuyên ngành thường 494
  3. chiếm khoảng 25%; việc xác định các môn học chuyên ngành do từng trường quy định; về nội dung môn học thường xuyên được đổi mới, bổ sung để hoàn thiện phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế tài chính trong từng giai đoạn phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, phần lớn nội dung trong chương trình đào tạo của các trường đại học dựa toàn bộ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và các chế độ kế toán Việt Nam (thông tư 200/2014/TT-BTC, thông tư 133/2016/TT-BTC); nội dung giảng dạy và đánh giá sinh viên chưa đi sâu vào bản chất của các chuẩn mực kế toán mà vẫn thiên về “kỹ thuật”, coi trọng các quy định của chế độ kế toán Việt Nam, thậm chí một số trường đại học đào tạo các môn kế toán còn không giảng dạy về nội dung VAS, mà chỉ giảng cách thức hạch toán theo qui định của chế độ kế toán; do đó sinh viên có thể ghi nhận, định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh mà không hiểu bản chất của giao dịch. Trong khi đó, việc giảng dạy theo IFRS đào tạo dựa trên các nguyên tắc; nhấn mạnh vào việc giảng dạy các khái niệm cơ bản thay vì các quy tắc hạch toán, giúp cho sinh viên có khả năng phát hiện và tự tìm ra các giải pháp, mà không phải thông qua việc học thuộc lòng các quy tắc và bút toán hạch toán kế toán. Việc thay đổi hướng tiếp cận và nội dung đào tạo theo IFRS cho tất cả các sinh viên trong các trường đào tạo kế toán không hề đơn giản bởi nội dung đào tạo theo chế độ kế toán đã in sâu và thành một thói quen của nhiều trường đại học và giảng viên. Về phương pháp đào tạo Hiện nay, đa số các trường đại học đều có phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, áp dụng nhiều phương pháp khác nhau nhằm kích thích tư duy sáng tạo và phát huy tính tự giác học tập của sinh viên. Tuy nhiên, phương pháp chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình: Thầy thuyết giảng, học trò nghe, ghi chép sự trợ giúp của các công cụ như Laptop, projector hoặc phần mềm Power Point. Phương pháp này vẫn bộc lộ nhiều điểm hạn chế như: Người học thụ động tiếp thu kiến thức một chiều do giảng viên truyền đạt kiến thức trong khuôn khổ giáo trình, bài giảng đã được quy định sẵn, người học nghe giảng và ghi chép. Tính thụ động tiếp thu kiến thức làm triệt tiêu sự tư duy sáng tạo của người học, người học không hứng thú với bài giảng, sinh viên không chủ động nghiên cứu thông tin… Trong khi đó đào tạo để sinh viên hiểu và vận dụng được IFRS đòi hỏi sinh viên phải tự học khá nhiều. Khối lượng kiến thức khi đào tạo IFRS nhiều hơn so với việc đào tạo chỉ theo chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam của nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện nay. Trong khi số giờ học trên lớp hầu như không thay đổi thì đây là một thử thách đặt ra cho cả giảng viên và sinh viên. Làm thế nào để thay đổi căn bản phương pháp đào tạo từ phía trường đại học và giảng viên nhằm lôi cuốn được sinh viên chủ động trong các hoạt động học tập, đặc biệt là phát huy khả năng tự nghiên cứu và cập nhật IFRS? 495
  4. Về đội ngũ giảng viên Nếu xét về độ tuổi thì giảng viên trong lĩnh vực kế toán có khoảng cách khá lớn, việc cập nhật cũng có sự khác nhau. Nhiều giảng viên kế toán chưa thể tham gia đào tạo IFRS ngay được vì chưa được nghiên cứu bài bản IFRS, khả năng tiếng Anh còn hạn chế nên gặp nhiều rào cản trong việc tìm kiếm tài liệu về IFRS, không có nhiều khả năng tiếp cận các lớp học IFRS do chuyên gia nước ngoài đào tạo… Hàng năm, IASB đều tiến hành xem xét lại các IAS /IFRS để có sự bổ sung, sửa đổi những IAS /IFRS đã được ban hành. Đồng thời, ban hành thêm các IFRS mới nên khi đưa vào giảng dạy cho sinh viên đòi hỏi giảng viên phải liên tục cập nhật và tìm đọc những bổ sung, sửa đổi cũng như các IFRS được ban hành mới. Đây là một thách thức lớn đối với những giảng viên đảm nhận giảng dạy về IFRS. Giáo trình và tài liệu về IFRS: Giáo trình và tài liệu IFRS chủ yếu là tài liệu bằng Tiếng Anh nên khả năng tiếp cận cũng khá hạn chế. Các tài liệu bằng Tiếng Việt hầu như không có và cũng không kịp cập nhật với những thay đổi của IASB nên gây trở ngại cho các giảng viên và sinh viên tại các trường đại học khi muốn tìm hiểu về IFRS cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan của bộ chuẩn mực này. Ngoài ra, giáo trình, tài liệu học tập, tài liệu tham khảo về chuẩn mực IFRS hiện nay đang khan hiếm, chủ yếu là diễn giải các nội dung của chuẩn mực nên các trường đại học đều thiếu tài liệu học tập. Chi phí đầu tư ban đầu Để đào tạo kế toán theo IFRS đòi hỏi sự đầu tư ban đầu khá lớn từ phía nhà trường, giảng viên. Đối với nhà trường, cần phải chấp nhận chi phí cho việc chuyển đổi từ đào tạo như hiện nay sang IFRS bao gồm đào tạo cho giảng viên, đầu tư hệ thống học liệu, bổ sung các chế độ đãi ngộ phù hợp cho giảng viên tham gia chương trình nhằm khuyến khích và đẩy nhanh tiến độ đào tạo giảng viên. Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng nhận thức rõ và sẵn sàng cho các khoản đầu tư này Ngoài ra, cơ sở vật chất, quy mô lớp học của các trường đại học hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hướng mới. Tại các trường tại Việt Nam hiện nay, quy mô lớp học thông thường thường dao động từ 70 – 80 sinh viên (trừ chương trình chất lượng cao) nên rất khó khăn khi cho sinh viên tự đọc chuẩn mực, thảo luận và trình bày những phương án cho một tình huống liên quan đến chuẩn mực. 4. Một số giải pháp cho các trường đại học đào tạo kế toán tại Việt Nam theo IFRS Về nội dung chương trình đào tạo Để đáp ứng tiến độ thực hiện Đề án của Bộ Tài chính, việc đưa nội dung IFRS vào chương trình đào tạo bậc đại học là hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Các trường 496
  5. đại học cần tiến hành rà soát chương trình đào tạo ngành kế toán và bổ sung nội dung đào tạo IFRS theo các cách thức khác nhau: Trường Đại học Kinh tế TP.HCM là trường tiên phong đưa môn học “Kế toán quốc tế” với nội dung học theo các chuẩn mực IAS/IFRS trong chương trình kế toán, kiểm toán, bắt đầu từ năm 2013 – nội dung môn học này gần như bao phủ các chủ đề phổ biến được giảng dạy trong chương trình đào tạo quốc tế nhứ ACCA và CIMA (PGS.TS. Nguyễn Xuân Hưng, 2017). Các trường đại học có thể nghiên cứu lồng ghép vào chương trình đào tạo các môn học trong chương trình đào tạo nghề nghiệp quốc tế ACCA, ICAEW, CPA Australia (ACCA, ICAEW, CPA Australia đều là các chứng chỉ danh giá hàng đầu trên thế giới và được hầu hết các nước phát triển công nhận và đánh giá cao trong lĩnh vực nghề nghiệp kế toán). Chẳng hạn, chương trình Chất lượng cao tại Học Viện Ngân Hàng ngành kế toán sinh viên có 2 sự lựa chọn tích hợp, đó là Chương trình đào tạo của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và chương trình Kế toán viên công chứng danh giá nhất trên thế giới của ICAEW (Viện Kế toán công chứng Anh và Xứ Wales). Việc tích hợp nội dung một số môn học trong chương trình đào tạo giúp sinh viên có được nhiều lợi thế như: nhận được bằng cử nhân đại học; có cơ hội hoàn thành 2/3 chương trình ACCA ngay khi học đại học hoặc Chứng chỉ quốc tế về Kế toán – Tài chính – Kinh doanh ICAEW CFAB; có cơ hội nhận Bằng cử nhân danh dự của đại học Oxford Brookes – là trường trong top đầu các trường đại học của Anh nếu hoàn thành 9 môn F của ACCA (đã được tích hợp trong chương trình học Chất lượng cao) và làm một bài luận gửi sang trường đại học Oxford Brookes. Về phương pháp đào tạo Với thời lượng giờ học trên lớp không thay đổi mà dung lượng kiến thức khi đào tạo theo IFRS khá lớn đòi hỏi phải phát huy khả năng tự nghiên cứu của sinh viên. Các trường đại học cần áp dụng phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, chuyển đổi từ phương pháp giảng lý thuyết sang phương pháp “học tập tích cực” - phương pháp này nhấn mạnh quá trình học tập và tiếp thu chứ không chú trọng đến kết quả học tập; giảng viên cần tập trung vào kết quả mà sinh viên thu nhận được trong quá trình tự nghiên cứu IFRS. Giảng viên sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, sáng tạo như: đóng vai, mô phỏng, phân tích vấn đề…Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng các tình huống thực tế là phương pháp tốt nhất để chuyển đổi sang phương pháp giảng dạy theo hướng nguyên tắc như IFRS (Carslaw and Purvis (2007), Henry, Lin and Yang (2007). Về đội ngũ giảng viên Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy IFRS thông qua tuyển dụng mới, đào tạo chuyên môn IFRS và các kỹ năng cần thiết khác để làm chủ các phương pháp giảng dạy tích cực trong đào tạo IFRS. Theo Mintz, (2010): Khi chuyển sang IFRS, 497
  6. các trường cần phải tập trung đào tạo hàng loạt kiến thức mới cho đội ngũ giảng viên vì những vấn đề liên quan đến IFRS đều mới mẻ và việc hiểu biết cũng gặp nhiều khó khăn Về tài liệu học tập Theo nghiên cứu của Alkhtani (2010) và Munter & Reckers (2009) đã chỉ ra rằng mức độ hiện có của nguồn tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu IFRS chính là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thời gian cũng như mức độ thay đổi khi tiến hành cải cách chương trình đào tạo. Các trường đại học cần chủ động xây dựng hệ thống học liệu phong phú về IFRS gồm cả tiếng Anh và tiếng Việt. Có thể giao cho từng nhóm giảng viên – những giảng viên đáp ứng yêu cầu tiến hành biên dịch các chuẩn mực IFRS và biên dịch các bản hướng dẫn chuẩn mực IFRS; giao cho các giảng viên biên soạn tài liệu học tập tham khảo có nội dung trong IFRS,… Ngoài ra, các trường đại học cần nhận thức rõ việc đào tạo IFRS hiện nay không chỉ là sự lựa chọn mà hướng đi cần phải thực hiện để góp phần vào công cuộc đào tạo đội ngũ nhân lực kế toán đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các trường cần đầu tư chi phí để phát triển hệ thống học liệu về IFRS, đầu tư cho giảng viên học tập, trau dồi chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong thời gian sắp tới thông qua xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp với hướng ưu tiên đào tạo IFRS như: hỗ trợ kinh phí cho giảng viên thi các chứng chỉ quốc tế, hỗ trợ các giảng viên là hội viên các tổ chức nghề kế toán quốc tế phí hội viên hàng năm, hỗ trợ kinh phí để biên dịch các tài liệu IFRS… đồng thời nên có chế độ chính sách khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu về IFRS. 5. Kết luận Việc áp dụng IFRS là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế nhưng nó là một bước ngoặt với công tác kế toán tại Việt Nam, là thách thức với trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ đối với nhân viên kế toán, kiểm toán, các nhà đầu tư và cả nhà quản lý. Đối với các trường đại học, mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng cần sớm đưa IFRS vào chương trình đào tạo đại học đặc biệt là các trường đại học có truyền thống về kế toán và một số trường mới đào tạo nhưng có sự chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Các trường đại học cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể cho đơn vị mình, có chiến lược đào tạo đội ngũ giảng viên; các giảng viên kế toán phải luôn tích cực cập nhật kiến thức mới, kiến thức về IFRS,… TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Alkhtani, SS (2010), The relevance of International Financial Reporting Standards to Saudi Arabia: Stakeholder perspecttives, PhD thesis, University of Stirling, Scotland 498
  7. 2. Bộ tài chính (2020), Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam 3. Carslaw, C. A and Purvis, S. E. C. (2007), Megascreens USA Inc. – a foreign operations case, Issues in Accounting Education, 22, pp.579-590 4. Henry, E., Lin, S. W. and Yang, Y. (2007), Weak signal: evidence of IFRS and US GAAP convergence from Nokia’s 20-F reconciliations, Issues in Accounting Education, 22, pp 709-720 5. Mintz, S (2010), Implementation concerns about IFRS adoption in U.S. Joural of International Business Education, vol. 5, no. 1, pp. 97- 116 6. Munter, P & Recker, PM (2009), IFRS and collegiate accounting curricula in the United States: 2008 a survey of the current state of education conducted by KPMG and the Education Committee of the American Accounting Association, Issues in Accounting Education, vol. 24, no. 2, pp. 131-139 7. Nguyễn Thị Thu Hiền, Phạm Tú Anh, Trần thị Quỳnh Hương (2017), Một số các thay đổi cần thiết trong việc đào tạo kế toán tại các trường đại học Việt Nam dưới tác động của việc chuyển đổi sang IFRS, Hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới” 8. Nguyễn Xuân Hưng (2017), Định hướng đào tạo kế toán tại Việt Nam trong quá trình hội nhập chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới” 9. Phan Thị Anh Đào (2020), Áp dụng IFRS tại Việt Nam: Những khó khăn và giải pháp cho các trường đại học đào tạo kế toán, Tạp chí khoa học và đào tạo ngân hàng 499
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2