ĐÀO TẠO NHÂN LỰC: KHÓ CẢ ĐÔI BÊN<br />
<br />
Nhiều năm qua, sự khủng hoảng nhân lực trẻ đã thúc đẩy các DN tìm đến với các <br />
trường đại học, dạy nghề để gây dựng đội ngũ lao động tiềm năng. Một số các dự án <br />
của sinh viên nhờ có “Mạnh thường quân” là các DN đỡ đầu, có thêm cơ sở vật chất <br />
để lý thuyết được triển khai trong thực tiễn.<br />
<br />
Hoạt động đào tạo ở VN vẫn thiên về lý thuyết, chưa gắn với thực hành, đặc biệt chưa chủ <br />
động coi thực hành như “công ăn việc làm” cho học sinh, sinh viên có thu nhập ngay khi còn <br />
ngồi trên ghế nhà trường<br />
<br />
Tuy nhiên, dù nhu cầu từ hai phía là thực có, nhưng sự phát triển và khai thác nhu cầu đó hiện <br />
nay, vẫn chưa có một kế hoạch, chiến lược nào tổng thể và dài hạn.<br />
<br />
Tuyển dụng nhân sự, không chờ “civi”<br />
<br />
Phát biểu tại Diễn đàn gặp gỡ thường niên CEO các DN lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất <br />
VN năm 2011 vừa diễn ra tại TP HCM, ông Roland Schatz, CEO Media Tenor International <br />
cho rằng, một trong những bí quyết để tạo nên sức mạnh của DN, chính là tuyển dụng nhân <br />
sự trẻ. Việc tuyển dụng đó không thể chờ vào các hồ sơ, các mẫu đơn xin việc được <br />
photocopy và gửi đi hàng loạt cho các DN vào mùa sinh viên tốt nghiệp ra trường, mà phải <br />
thực thi ngay từ các sinh viên vẫn còn “mài đũng quần” trên giảng đường ĐH. Và cũng còn <br />
phải dựa vào “con mắt xanh” phát hiện được tài năng nhân sự trẻ của DN qua hàng đống <br />
“civi”, hồ sơ xin việc.<br />
<br />
Với DN VN, những điều ông Roland nói không phải là quá xa lạ. Chỉ có điều là không phải <br />
DN nào cũng có thể thực hiện được chiến lược này. DN đã và đang có kế hoạch tham gia đào <br />
tạo nhân lực ngay khi các nhân sự còn ngồi trên ghế giảng đường, hoặc bảo trợ cho các hoạt <br />
động của nguồn nhân lực tương lai để khai phá và phát triển tiềm năng của những “hiền tài”, <br />
vẫn thuộc về những thương hiệu lớn, có doanh số và lợi nhuận cao, đặc biệt tập trung vào <br />
những lĩnh vực Công nghệ thông tin, Khoa học kỹ thuật, Tài chính Kinh tế, Ứng dụng Nghiên <br />
cứu khoa học... Còn các DN hoạt động trong những lĩnh vực xã hội, dịch vụ... thì dường như <br />
lép vế hơn hẳn. Cá biệt, nhiều DN lớn đã có trường ĐH riêng, và thậm chí sinh viên tốt <br />
nghiệp ra trường ở một số trường ĐH thuộc DN riêng còn được “chuộng” hơn sinh viên tốt <br />
nghiệp từ các trường đại học chính quy. Đại học FPT, thuộc Tập đoàn FPT là một ví dụ.<br />
<br />
Chưa ai kiểm định về chất lượng, nhưng thực tế, năm 2011, trong lúc trên địa bàn TP HCM <br />
đang có nhiều trường ĐH Dân lập lao đao bởi kỳ tuyển sinh không đủ số sinh viên đăng ký <br />
dự thi, hoặc tỷ lệ sinh viên đăng ký nguyện vọng 2 rất thấp, thì việc Đại học FPT tự tin mở <br />
rộng thêm 4 chuyên ngành mới, chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã cho thấy <br />
sức hút của trường ĐH này. Có lẽ cũng chính bởi nhu cầu nhân lực ngày càng cao, tương ứng <br />
với sự phát triển của quy mô DN, và hơn hết sự chứng tỏ một chiến lược đúng về dự nguồn <br />
nhân lực theo kiểu Đại học – Tập đoàn mà mới đây, Tập đoàn Dầu khí (PVN) sau nhiều năm <br />
trông cậy nhân lực từ các trường ĐH cũng đã quyết định “khai sinh” một trường ĐH riêng.<br />
<br />
Hợp tác... bấp bênh<br />
<br />
Dĩ nhiên không phải DN nào cũng làm được, hoặc định hướng được như PVN, FPT. Với một <br />
số DN, việc có chân trong hội đồng quản trị các trường ĐH, hoặc ký kết hợp tác chiến lược <br />
với các trường ĐH, cũng giúp DN và sinh viên đôi bên đều có lợi. Năm 2009, tập đoàn Hoa <br />
Sen ký kết hợp tác chiến lược với Trường ĐH Luật Kinh tế TP HCM. Ở thời điểm đó, ông <br />
Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group cho biết, việc ký kết hợp tác chiến lược này <br />
giúp Hoa Sen thu hút được thêm nhiều nhân tài xuất sắc, có cơ hội tuyển chọn nguồn nhân <br />
lực chất lượng cao tham gia vào đội ngũ quản trị dự nguồn. Tuy nhiên, những “vụ” hợp tác <br />
chiến lược như Tập đoàn Hoa Sen với ĐH Luật Kinh tế TP HCM đến nay vẫn chỉ đếm đầu <br />
ngón tay. Thậm chí, như chị Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giảng viên Trường ĐH Dân lập <br />
Hồng Bàng TP HCM chia sẻ: ký kết hợp tác là một chuyện. Dù một số DN đã có đặt vấn đề <br />
về tuyển dụng nhân sự với nhà trường trong một khóa đào tạo, nhưng nếu khóa sinh viên tốt <br />
nghiệp ra trường vào đúng thời điểm DN khó khăn, phải thu hẹp quy mô (như hiện nay), thì <br />
việc ký kết đó cũng coi như vô hiệu. Nhà trường không thể “bắt vạ” DN, đành để sinh viên <br />
tự mang hồ sơ đi xin việc.<br />
<br />
Trong khi đó, theo TS Trịnh An Huy, từng 15 năm học tập và làm việc tại Đức, cũng từng <br />
tham gia giảng dạy tại ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng: bài toán nhân lực của chúng ta yếu <br />
chính là do khâu thực hành còn hạn chế và thụ động. Trong khi đó, ở nước ngoài gần như DN <br />
nào cũng gắn với các trường ĐH, đặt hàng các trường thí nghiệm, điều tra... Và các trường <br />
“kiếm tiền” chủ yếu vào các hoạt động đó, chứ không phải “trông chờ” vào ngân sách. Đặc <br />
biêt, việc dạy học tại nhiều nước là những bài giảng gợi mở và trao đổi “bình đẳng” giữa <br />
thày và học viên. Mà bài giảng luôn phải được cập nhật và đổi mới liên tục chứ không “mặc <br />
định” từ năm này qua năm khác... Tất cả việc dạy, học, thực nghiệm... đó mới tạo cho học <br />
viên tinh thần tự học, khám phá, tìm tòi, tranh luận... còn điều đó cũng chính là hạn chế của <br />
chúng ta.<br />
<br />
Thực tiễn hiện nay, ngoài một số chương trình có ý nghĩa dài hạn và quy mô như chương <br />
trình “Khởi nghiệp” với tuổi đời 9 năm, thì vẫn chưa thấy Hiệp hội, Câu lạc bộ DN và Đoàn <br />
trường nào đứng ra tổ chức kết nối các đơn vị, Cty cùng tham gia một dự án đào tạo nhân lực <br />
bài bản, trong đó Hiệp hội giữ vai trò trung gian giữa DN với các trường ĐH, “đặt hàng” các <br />
trường ĐH đào tạo theo nhu cầu DN và sau đó tiếp nhận, điều phối nhân lực theo nguyện <br />
vọng của người lao động. Chính đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng <br />
thừa và thiếu nhân lực vẫn còn khó khắc phục.<br />
<br />
2015: 55% lao động qua đào tạo<br />
<br />
Theo Chiến lược phát triển nhân lực VN thời kỳ 2011 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê <br />
duyệt Ngày 19/4/2011, trong đó phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 là 55%, <br />
tỷ lệ này vào năm 2020 là 70%.<br />
<br />
Ngoài ra, sẽ xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc tế <br />
để cung cấp nhân lực trình độ cao cho hệ thống giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và <br />
nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đến 2020, số trường đại học xuất sắc đạt <br />
trình độ quốc tế từ 4 trường trở lên.<br />
<br />
Giải pháp của Chiến lược đưa ra là cần đổi mới chính sách sử dụng nhân lực, trong đó thực <br />
hiện việc tách bạch, phân biệt rõ những khác biệt trong quản lý, sử dụng nhân lực giữa cơ <br />
quan hành chính nhà nước (cán bộ, công chức nhà nước) và các đơn vị sự nghiệp công lập <br />
(viên chức). Trên cơ sở đó, đẩy mạnh quá trình trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho <br />
các đơn vị, tổ chức sự nghiệp công lập trong quản lý, sử dụng nhân lực.<br />
<br />
Bên cạnh đó, xây dựng quy chế (cơ chế và chính sách) giao nhiệm vụ theo các hình thức <br />
khoán, đấu thầu, hợp đồng trách nhiệm, thi tuyển... gắn với đãi ngộ dựa trên kết quả cuối <br />
cùng để khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng tạo và khích lệ lòng tự tôn dân tộc, tôn vinh <br />
người tài và người có nhiều đóng góp cho đất nước.<br />
<br />
Đồng thời, xây dựng quy chế (tiêu chuẩn và quy trình) đánh giá nhân lực dựa trên cơ cở năng <br />
lực thực tế, kết quả, hiệu suất, năng suất lao động thực tế và đãi ngộ tương xứng với trình <br />
độ năng lực và kết quả công việc. Khắc phục tâm lý, hiện tượng quá coi trọng và đề cao <br />
"Bằng cấp" một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân.<br />
<br />
Về chỉ tiêu nâng cao thể lực nhân lực, phấn đấu tuổi thọ trung bình của lao động là 75 tuổi, <br />
chiều cao trung bình của thanh niên là 1,65m.<br />
<br />
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược là nhân lực VN có thể lực tốt, tầm vóc <br />
cường tráng, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, <br />
tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, <br />
có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong môi trường sống và làm <br />
việc.<br />