ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC:<br />
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN<br />
PGS.TS. Phạm Xuân Hậu<br />
Khoa Du lịch - Trường Đại học Văn Hiến<br />
<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Từ năm 1993, một số trường đại học ở nước ta đã bước đầu thực hiện chuyển đổi<br />
việc đào tạo từ hình thức niên chế sang hình thức hệ thống tín chỉ và có được những kết<br />
quả nhất định. Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới căn<br />
bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã chỉ ra nhiệm vụ đổi mới<br />
nội dung, phương pháp và quá trình đào tạo đại học, trong đó đổi mới đào tạo phải đạt được<br />
ba mục tiêu: “Trang bị cách học; phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công<br />
nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học,… Đồng thời xây dựng và thực<br />
hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để<br />
người học tích lũy kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp<br />
học tiếp theo ở trong nước và ngoài nước”.<br />
Từ đó đến nay, Bộ GD&ĐT cùng các trường, các viện nghiên cứu đã tổ chức nhiều<br />
hội thảo khoa học, từ lý luận đến thực tiễn, ở trong và ngoài nước để tìm ra giải pháp hợp<br />
lý nhất, phù hợp với điều kiện của giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán cho việc<br />
thực hiện hiệu quả hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ vẫn chưa có lời giải thực sự<br />
thuyết phục trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt là hệ thống các trường đại<br />
học ngoài công lập. Bài viết này trình bày vài nét cơ bản về mục tiêu, bối cảnh và một số<br />
giải pháp nhằm góp thêm vào việc thực hiện thành công đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở hệ<br />
thống các trường đại học nói chung và đại học Văn Hiến nói riêng.<br />
2. Mục tiêu và những tiêu chuẩn phải đảm bảo<br />
2.1. Những mục tiêu đề ra<br />
* Mục tiêu chung<br />
Thực hiện một qui trình đào tạo đáp ứng yêu cầu và phù hợp với năng lực của từng<br />
người học, nhờ đó nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời góp phần rút ngắn khoảng<br />
cách giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng nguồn nhân lực.<br />
* Những mục tiêu cụ thể<br />
- Từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa hoạt động đào tạo để nâng cao chất lượng<br />
đào tạo.<br />
- Tạo quyền chủ động cho người học (lấy người học làm trung tâm), để người học<br />
chủ động mọi kế hoạch cho quá trình học tập; nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu và<br />
thói quen tự học suốt đời của mình.<br />
- Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, để đào tạo ra những<br />
sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội<br />
nhập khu vực, quốc tế.<br />
- Phát triển môi trường học tập với cơ chế linh hoạt, mềm dẻo trong quá trình học<br />
tập, để tiết kiệm thời gian, kinh phí đào tạo; thuận tiện trong liên thông các ngành học.<br />
2.2. Những tiêu chuẩn phải đảm bảo<br />
* Về chương trình và nội dung đào tạo<br />
- Chương trình đào tạo phải bao gồm hệ thống các học phần nhằm trang bị cho<br />
người học các kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của thị trường sử dụng nhân<br />
lực, nhưng vẫn đảm bảo việc thực hiện theo đúng mục tiêu đào tạo của Bộ GD&ĐT; đảm<br />
bảo phù hợp với mong muốn của người học.<br />
- Nội dung đào tạo phải đảm bảo được tính khoa học hệ thống; tính toàn diện, cập<br />
nhật hiện đại; tính kế thừa; tính cân đối; tính liên thông; tính mềm dẻo và tính khả thi, phù<br />
hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn.<br />
* Về thời lượng và kế hoạch đào tạo<br />
- Phải đảm bảo một số lượng tín chỉ cho quá trình học tập 4 năm, với khoảng 120 –<br />
140 tín chỉ, được phân bố hợp lý giữa hệ thống kiến thức cần tích lũy thuộc lĩnh vực giáo<br />
dục đại cương, khối ngành, chuyên ngành. Số tín chỉ của từng học phần phải phù hợp với<br />
khối lượng nội dung cần giảng dạy.<br />
- Kế hoạch đào tạo phải khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người học<br />
đăng ký các học phần phù hợp với điều kiện và nguyện vọng cá nhân, nhưng vẫn giữ được<br />
trình tự các học phần tiên quyết và không tiên quyết; học phần bắt buộc và học phần tự<br />
chọn.<br />
* Về đề cương của các học phần<br />
- Cần công bố cho người học đề cương vào đầu học kỳ.<br />
- Đề cương cần cung cấp những nội dung cơ bản, thiết yếu như: mục đích yêu cầu,<br />
CĐR, thời lượng, phương pháp và kế hoạch học tập; những nội dung trọng tâm của học<br />
phần cần phải trang bị.<br />
- Phải cung cấp đầy đủ các thông tin về giảng viên giảng dạy các học phần như: họ<br />
tên, học hàm, học vị, ngành và nơi đào tạo, đơn vị công tác, địa chỉ liên hệ (điện thoại,<br />
email,...); thông tin chung về học phần sẽ học theo trình độ, mục tiêu học phần (mục tiêu<br />
chung, mục tiêu cụ thể,...), thời lượng (lý thuyết, thực hành, lên lớp, tự học,…); công bố<br />
về hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đảm bảo tính khoa học, phù hợp, công khai,<br />
khách quan, công bằng. Cung cấp thông tin về học liệu phục vụ giờ học phần (giáo trình,<br />
tập bài giảng, tài liệu tham khảo, và các loại khác,…) có tên tài liệu, địa chỉ của tài liệu,<br />
tác giả của tài liệu,… để người học chủ động tự chuẩn bị phục vụ học tập.<br />
* Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo<br />
<br />
Nhà trường cần đảm bảo các điều kiện cụ thể và công khai chi tiết trước các kỳ học<br />
tối thiểu là 01 tháng, về một số thông tin như:<br />
- Số lượng phòng, địa chỉ các lớp học, thời gian sử dụng phòng, đủ và đảm bảo đáp<br />
ứng tối đa nhu cầu người học khi đăng ký.<br />
- Hiện trạng về tình trạng phòng học (diện tích, sức chứa, trang thiết bị, dụng cụ hỗ<br />
trợ học tập), đảm bảo mức cao nhất để việc giảng dạy, học tập hiệu quả.<br />
- Khả năng hỗ trợ của nhà trường về phương tiện đi lại khi các cơ sở đào tạo có<br />
khoảng cách xa nhau.<br />
2.3. Vài nét về đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở một số quốc gia và Việt Nam<br />
*Đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở một số quốc gia<br />
Trước hết phải kể đến là ở Mỹ, một quốc gia có hệ thống giáo dục đại học phát triển<br />
vào bậc nhất thế giới (có 17/20 trường đại học xếp vào bậc nhất thế giới). Vào những năm<br />
đầu của thế kỷ XIX, giáo dục đại học ở Mỹ vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục cổ<br />
điển truyền thống, sinh viên được đào tạo theo chương trình cứng gồm tất cả những môn<br />
bắt buộc; điều này đã dẫn đến hậu quả, hầu hết các giáo sư không muốn thể hiện lòng nhiệt<br />
tình với chuyên môn, cải tiến phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Từ khi chuyển<br />
đổi sang học chế tín chỉ, đòi hỏi phải có hệ thống quản lý theo dõi quá trình đào tạo rất<br />
phức tạp. Trong khi Mỹ không có cơ quan quản lý nhà nước cấp Liên bang để giám sát<br />
giáo dục đại học. Quốc hội Mỹ không ban hành đạo luật, không có vai trò gì trong xây<br />
dựng chương trình đào tạo quốc gia, qui định học phí, chỉ tiêu tuyển sinh và nhân sự nội<br />
bộ của trường đại học. Nhưng đến thế kỷ XX, hệ thống đào tạo tín chỉ đã được áp dụng<br />
rộng rãi trong hệ thống các trường đại học. Ở một số nước khác như Trung Quốc đã áp<br />
dụng hệ thống đào tạo tín chỉ trên nền tảng sử dụng tín chỉ Mỹ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ<br />
thể của mình từ những thập niên 80-90 của thế kỷ XX. Ở các nước châu Âu đã có khuyến<br />
cáo đến năm 2010 triển khai áp dụng học chế tín chỉ trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại<br />
học, tạo điều kiện cho viêc đào tạo liên thông học tập của sinh viên trong khu vực Châu<br />
Âu và thế giới. Ở các nước khu vực Đông Á, Châu Phi, Đông Nam Á cũng đang vận dụng<br />
hình thức đào tạo theo tín chỉ, điển hình là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.<br />
* Đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở Việt Nam<br />
Sau năm 1975 - 1985, khi thống nhất đất nước, nền giáo dục nói chung và giáo dục<br />
đại học nói riêng, còn tồn tại 02 nguồn ảnh hưởng: nền giáo dục xã hội chủ nghĩa (miền<br />
Bắc), nền giáo dục chủ nghĩa thực dân mới (ở miền Nam). Từ năm 1986, cùng với cơ chế<br />
chính sách đổi mới đất nước, giáo dục nói chung và giáo dục đại học cũng thay đổi đáng<br />
kể. Từ quá trình thống nhất chương trình đào tạo 02 giai đoạn đào tạo niên chế; đào tạo<br />
niên chế kết hợp học phần chuyển sang đào tạo tín chỉ theo mô hình mềm dẻo của Mỹ.<br />
Năm 1993-1994, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các trường đại học cải tiến học chế học<br />
phần sang cơ chế tín chỉ mềm dẻo của Mỹ. Một số trường dựa trên những đặc điểm, điều<br />
kiện ưu thế của mình, đã đi đầu trong việc thử nghiệm mô hình này như: Đại học Đà Lạt,<br />
ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Thủy sản Nha<br />
Trang, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và đến nay, hầu hết các trường đại học trong cả<br />
nước (cả công lập và ngoài công lập) đã và đang thực hiện phương thức đào tạo này.<br />
Mặc dù các trường đều xác định rõ bản chất của học chế tín chỉ là: tìm cách tốt nhất<br />
để đáp ứng được những mong muốn và yêu cầu của người học; đem lại hiệu quả đào tạo<br />
ngày càng tăng cao hơn; chất lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của xã hội; khai<br />
thác triệt để nguồn lực vốn có của trường (GV trình độ cao, các nhà khoa học, cơ sở vật<br />
chất kỹ thuật được hiện đại hóa); thiết lập một qui trình đào tạo, chất lượng đào tạo thích<br />
ứng với cơ chế kinh tế thị trường (xã hội cần gì - chuyên môn đó sẽ được đào tạo đáp ứng);<br />
tạo khả năng liên thông thuận lợi trong các trường, các hệ; rút ngắn thời gian học tập hoặc<br />
có thể đạt được mục tiêu thêm bằng cấp trong thời gian học tập, nhưng tiến độ thực hiện ở<br />
các trường ngoài công lập diễn biến chậm, hiệu quả chưa cao.<br />
Nhìn chung, thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học Việt Nam<br />
trong những năm qua cho thấy, tất cả hệ thống các trường đại học đều chưa thực sự tổ chức<br />
thực hiện theo đúng yêu cầu của loại hình đào tạo này (đặc biệt là các trường thuộc lĩnh<br />
vực khoa học xã hội và nhân văn, sư phạm, các trường ngoài công lập); sinh viên tốt nghiệp<br />
chưa được xã hội tin cậy cao.<br />
3. Những thuận lợi, khó khăn của các trường ngoài công lập khi thực hiện đào<br />
tạo theo hệ thống tín chỉ<br />
3.1. Vài đặc điểm riêng của các trường ngoài công lập<br />
Hiện nay, có khoảng hơn 61 trường đại học ngoài công lập (2013) trên tổng số hơn<br />
400 trường đại học và cao đẳng (cả công lập và ngoài công lập) của cả nước.<br />
- Trong quá trình phát triển, nhiều trường đã tạo lập được cơ sở đào tạo của riêng<br />
mình, có thể đảm bảo chủ động cho quá trình đào tạo. Nhưng cũng còn không ít trường<br />
vẫn phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo dẫn tới bị động trong việc đầu tư trang bị cơ<br />
sở vật chất nên mọi hoạt động đều rất hạn chế.<br />
- Đội ngũ lãnh đạo và giảng viên chủ chốt của các trường hầu hết vẫn chủ yếu là<br />
những nhà giáo, nhà khoa học có học vị, học hàm cao đã nghỉ hưu hoặc tham gia thỉnh<br />
giảng. Đội ngũ giảng viên trẻ được đào tạo từ nhiều quốc gia cũng dần được tăng cường<br />
nhưng tỉ lệ không nhiều.<br />
- Số lượng sinh viên tuyển vào học khá nhiều, nhưng hầu hết là những người đăng<br />
ký nguyện vọng 2 và 3 nên thường được coi là “tốp sau” về chất lượng đầu vào.<br />
- Kinh phí sử dụng cho quá trình đào tạo không có sự hỗ trợ của nhà nước mà hoàn<br />
toàn phụ thuộc vào thực tế thu từ nguồn học phí của người học, mức thu cũng tùy theo qui<br />
định của từng trường (trường nhiều, trường ít).<br />
- Có khá nhiều người trong bộ máy quản lý điều hành nhà trường không phải là<br />
người có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.<br />
3.2. Những thuận lợi<br />
Về phương diện lý thuyết, ở các trường ngoài công lập có khá nhiều thuận lợi:<br />
* Về cơ chế quản lý, điều hành:<br />
- Có điều kiện vận hành cơ chế điều hành theo cơ chế mở, mềm dẻo linh hoạt, đặc<br />
biệt là tuyển chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, giảng viên.<br />
- Tinh giản bộ máy cán bộ quản lý các cấp (ban giám hiệu, trưởng phó các đơn vị<br />
khoa, phòng, ban,…) và đội ngũ nhân viên; tăng thu nhập hàng tháng cho giảng viên.<br />
- Tăng và tập trung quyền lực điều hành và chịu trách nhiệm của người đứng đầu,<br />
trong quá trình giải quyết công việc.<br />
* Về đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý<br />
- Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ cao, hầu hết đã có quá trình công<br />
tác quản lý và giảng dạy ở các trường đại học nhiều năm nên:<br />
+ Có trình độ chuyên môn sâu, có ưu thế trong việc bồi dưỡng cho giảng viên trẻ.<br />
+ Có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, có phương pháp giảng dạy<br />
hiệu quả; có kinh nghiệm xem xét, đánh giá kết quả học tập đúng năng lực và trình<br />
độ.<br />
* Điều kiện hỗ trợ quá trình thực hiện<br />
- Hầu hết các trường công lập đã triển khai loại hình đào tạo này, và không ít trường<br />
đã thành công, đó là nền tảng để các trường ngoài công lập học tập kinh nghiệm, phát huy<br />
ưu thế của riêng mình để đem lại kết quả cao hơn.<br />
- Hệ thống công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh,<br />
hiện đại là nơi cung cấp kiến thức cho người học thông qua việc chủ động, độc lập, tự tìm<br />
tòi, sáng tạo trong quá trình học.<br />
- Quyền chủ động về liên kết, hợp tác trong đào tạo với các trường đại học, viện<br />
đào tạo trong nước và quốc tế, là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện đào tạo, dựa trên<br />
những kinh nghiệm của các trường.<br />
3.3. Những khó khăn, hạn chế<br />
Nhìn vào thực tế (cả khách quan và chủ quan), đào tạo theo tín chỉ còn quá nhiều<br />
khó khăn với các trường, cần phải vượt qua.<br />
* Về cơ sở vật chất<br />
- Phần lớn các trường ngoài công lập thường có nhiều cơ sở đào tạo, nằm cách xa<br />
nhau; qui mô của mỗi cơ sở không lớn, sức chứa hạn chế, việc di chuyển giữa các cơ sở<br />
khó khăn.<br />
- Trang thiết bị phục vụ dạy và học chỉ đạt ở một chỉ số thấp, chưa đáp ứng được<br />
nhu cầu thực hành, thí nghiệm, tự học tự nghiên cứu (các phương tiện máy móc, kỹ thuật<br />
hiện đại, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện, hội quán, phòng làm việc của các<br />
giáo sư và nhà khoa học, giảng viên,…).<br />
- Do chưa chủ động về cơ sở đạo tạo (do thuê mướn), nên kế hoạch hiện đại hóa<br />
phương tiện và hợp tác đào tạo dài hạn rất khó khăn.<br />
* Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và cán bộ nhân viên<br />
- Đội ngũ cán bộ quản lý cấp trường cao tuổi, hầu hết còn thiếu kinh nghiệm với<br />
loại đào tạo này. Những cán bộ quản lý trẻ, năng động, có tư duy sáng tạo, nhưng chưa đủ<br />
kinh nghiệm nên khó tập hợp được lực lượng, đội ngũ tâm huyết trong quá trình triển khai<br />
công việc.<br />
- Đội ngũ quản lý các đơn vị chức năng (P.Quản lý đào tạo, P.Kiểm định và đảm<br />
bảo chất lượng, P.Quản lý sinh viên,…) của các trường hầu như chưa được bồi dưỡng hoàn<br />
thiện và chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức, quản lý loại hình đào tạo này.<br />
- Hầu hết các trường chưa có qui chế cụ thể, nhiệm vụ rõ ràng, trách nhiệm và quyền<br />
lợi đối với đội ngũ cố vấn học tập (trong đào tạo theo học chế tín chỉ) nên hiệu quả hoạt<br />
động khó thuyết phục với xã hội hiện đại.<br />
- Những giảng viên có học hàm, học vị cao là cán bộ cơ hữu của trường nhưng chủ<br />
yếu làm quản lý, tham gia giảng dạy không nhiều; mặt khác, điều kiện làm việc của trường<br />
chưa tạo được động lực để họ phát huy hết năng lực vốn có.<br />
- Sức ỳ về tuổi tác và một phần sức ỳ của kinh nghiệm quá khứ cũng gây hạn chế<br />
về cách dạy và thực hiện cách đánh giá theo tiêu chí mới của đào tạo tín chỉ.<br />
- Những giảng viên được mời giảng, hầu hết là đang giảng dạy tại các trường đại<br />
học lớn, nhiệm vụ ở đó cũng rất nặng nề, nên ít tận tâm, gắn bó. Cũng có những giảng viên<br />
vì mục đích kinh tế, nên sẵn sàng bỏ dạy ở trường này đến dạy ở trường khác có chế độ thù<br />
lao cao hơn, gần nhà hơn, gây sự thiếu ổn định trong quá trình giảng dạy.<br />
- Số giảng viên trẻ được đào tạo ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy đúng<br />
chuyên ngành không nhiều, bởi đa phần được các trường công lập có “thương hiệu” tuyển<br />
dụng. Mặt khác, họ cũng chưa có kinh nghiệm giảng dạy, viết giáo trình, tài liệu giảng dạy,<br />
đôi khi họ tỏ ra không thích trở thành cơ hữu nên thiếu gắn bó với trường.<br />
- Những giảng viên được phân công nhiệm vụ cố vấn học tập cho các lớp, khó có<br />
thể làm tốt bởi nhiều lý do: chưa được bồi dưỡng cụ thể về nội dung, cách thức và yêu cầu<br />
đầy đủ đối với người cố vấn học tập; thường phải cố vấn cho những lớp học quá đông sinh<br />
viên, nên không có khả năng tiếp cận hết đối tượng khi có những vấn đề cần thiết đặt ra;<br />
phải đảm nhiệm số lượng giờ dạy lớn theo qui định, nên phải mất nhiều thời gian cho việc<br />
chuẩn bị bài giảng, thời gian dành cho nhiệm vụ cố vấn rất hạn chế.<br />
* Đối với người học<br />
- Đa phần sinh viên các trường ngoài công lập đến từ các tỉnh, điều kiện học tập khá<br />
khó khăn (thuê nhà trọ, tiền học, phương tiện đi lại,...), phải di chuyển từ nhiều địa điểm<br />
xa nhau nên giảm ý chí học tập.<br />
- Sinh viên có điều kiện phát huy tốt tính tự chủ, năng động sáng tạo, độc lập trong<br />
nghiên cứu, giải quyết vấn đề, nhưng hạn chế rất lớn trong lĩnh vực phát triển sức mạnh<br />
tập thể, thiếu tinh thần cộng đồng, tăng tính cá nhân “ích kỷ”; đôi khi không thực hiện được<br />
đầy đủ mục tiêu giáo dục con người toàn diện của nền giáo dục Quốc gia.<br />
- Khi mới rời ghế trường phổ thông vào môi trường đại học, còn rất bỡ ngỡ, chưa<br />
quen với môi trường học tập, chưa thực sự tin, chưa hoàn toàn yên tâm về các điều kiện<br />
của trường giúp mình tự học, vì còn thiếu thư viện, phương tiện thực hành, phòng thí<br />
nghiệm hiện đại, giáo trình,…<br />
* Các điều kiện hỗ trợ khác<br />
- Kinh nghiệm từ các trường đại học nước ngoài rất tốt, nhưng vận dụng cụ thể vào<br />
trường rất khó đạt kết quả mĩ mãn, vì thiếu điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và<br />
phương tiện dạy và học. Các chuyên gia hỗ trợ thường dừng ở góc độ kinh nghiệm lý thuyết,<br />
rất ít thử nghiệm cho từng trường.<br />
- Ở Việt Nam, mặc dù có nhiều trường triển khai thực hiện rất sớm, nhưng cũng gần<br />
như chưa có trường đại học nào (cả công lập), đạt được mức độ hoàn thiện về loại hình đào<br />
tạo này. Do đó việc học tập kinh nghiệm chỉ ở một vài lĩnh vực riêng lẻ từ các trường, nên<br />
kết quả đạt được biểu hiện sự chắp vá, thiếu hoàn thiện đồng bộ.<br />
4. Một số giải pháp thực hiện<br />
Sự chuyển động của “cỗ máy cái” giáo dục nói chung là hết sức nặng nề, bởi nó gắn<br />
chặt với sự phát triển của một quốc gia, dân tộc, không phải chỉ của hiện tại mà cả của<br />
nhiều thế hệ tiếp theo. Vì vậy, việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo mới, tiên tiến,<br />
theo kịp xu thế phát triển của thời đại toàn cầu hóa cần có những giải pháp hợp lý mới có<br />
thể đem lại kết quả mong muốn.<br />
4.1. Thay đổi nhận thức của CBQL và GV nhà trường<br />
- Phải coi việc thực hiện đào tạo theo tín chỉ là một thực tế, đang vận động theo qui<br />
luật khách quan, từ đó xác định rõ trách nhiệm quản lý, triển khai hoạt động đào tạo của<br />
trường là nhiệm vụ quan trọng cần đầu tư thích đáng, giải bài toán khó là sức ép của một<br />
“thế giới phẳng” đang đặt ra cho cả hệ thống giáo dục nói chung và trường nói riêng.<br />
- Xác định quá trình thực hiện là một chặng đường dài “không được đốt cháy giai<br />
đoạn”. Cần xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, trên nền tảng có sự đồng thuận, đóng góp<br />
công sức và quyết tâm của toàn thể nhà trường cùng thực hiện lộ trình đã thống nhất.<br />
Thực hiện từng lĩnh vực cho hoàn thiện, có sơ kết rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bổ sung<br />
từ cơ sở vật chất, xây dựng chương trình - nội dung, đề cương bài giảng, giáo trình, bồi<br />
dưỡng đội ngũ cố vấn học tập, phương tiện quản lý đào tạo, phương tiện phục vụ dạy và<br />
học, cơ sở học tập. Không thực hiện những nội dung trên một nền tảng chưa đảm bảo vững<br />
chắc (triển khai đào tạo rộng, nhưng CSVC và phương tiện không đảm bảo,…)<br />
4.2. Đảm bảo tính khoa học, hệ thống đồng bộ và toàn diện<br />
- Các hoạt động triển khai cần thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, từ việc quán triệt tinh<br />
thần chỉ đạo thực hiện của cơ quan quản lý ngành (Bộ GD&ĐT) đến toàn thể CBQL, GV,<br />
CNV nhà trường, về vai trò, tầm quan trọng, trách nhiệm của mỗi người; xác định quyết<br />
tâm và sự đồng thuận của toàn trường, đến việc công khai kế hoạch hành động và những<br />
mong muốn, kỳ vọng về kết quả đạt được.<br />
- Việc triển khai thực hiện đảm bảo đồng loạt ở tất cả từ các đơn vị quản lý tổ chức<br />
đào tạo (P.QLĐT, P.KT&ĐBCL, P.QLSV, P.CSVC,…), đến các đơn vị thực hiện đào tạo<br />
(các khoa, viện, trung tâm,...) sao cho phù hợp với chức trách của các bộ phận và đặc điểm<br />
của từng chuyên ngành đào tạo.<br />
- Sắp xếp kế hoạch giảng dạy và học tập thật hợp lý để tạo điều kiện cho GV có<br />
điều kiện thuận lợi thực hiện đúng qui định về thời gian dạy giờ và thực hiện nhiệm vụ<br />
nghiên cứu khoa học; người học tiết kiệm được thời gian học tập tại lớp, dành nhiều thời<br />
gian tự học, tham gia các hoạt động tư vấn, công tác đoàn hội, công tác xã hội… để vừa<br />
nâng cao trình độ chuyên môn, vừa đảm bảo mục tiêu đào tạo toàn diện trong nhà trường.<br />
- Có chính sách ưu đãi, động viên khuyến khích với giảng viên, đặc biệt với những<br />
GV có trình độ cao để họ giúp đỡ, dẫn dắt GV trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên<br />
cứu khoa học và đối với những GV được đào tạo ở nước ngoài, để họ gắn bó lâu dài với<br />
trường, dành nhiều tâm huyết xây dựng trường.<br />
4.3. Hiện đại hóa cơ sở đào tạo và phương tiện dạy và học<br />
- Các trường cần tăng cường đầu tư mở rộng cơ sở đào tạo với các trang thiết bị<br />
hiện đại đảm bảo môi trường lớp học, phòng học (ánh sáng, âm thanh, máy lạnh, độ thông<br />
thoáng,...) tạo thuận lợi nhất cho cả người dạy và người học; tránh tối đa việc di chuyển<br />
lớp học quá xa trong một buổi học.<br />
- Xúc tiến xây dựng các phòng thực hành thí nghiệm hiện đại, các trang thiết bị đủ<br />
chuẩn để có thể thực hành, thí nghiệm liên tục, nhiều ca trong buổi học.<br />
- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đảm bảo cho việc trao đổi giữa<br />
GV và SV, giữa cố vấn học tập và SV được thường xuyên, hiệu quả. Đảm bảo thông tin kế<br />
hoạch môn học, thời khóa biểu, quản lý kết quả học tập, đăng ký môn học của SV ổn định,<br />
chính xác.<br />
4.4. Củng cố, phát triển đội ngũ cố vấn học tập chất lượng cao<br />
- Cần đảm bảo đầy đủ số lượng cố vấn học tập cho từng lớp với qui mô phù hợp,<br />
không để tình trạng một người làm cố vấn cho 2-3 lớp với số lượng SV quá lớn.<br />
- Đội ngũ cố vấn có thể là cố định, cũng có thể được thay đổi theo học kỳ hoặc năm<br />
học. Đội ngũ này phải là người thực sự tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm và phải được<br />
bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ và những yêu cầu khi có sự thay đổi.<br />
- Cần xây dựng qui chế hoạt động và chính sách hỗ trợ thích đáng về vật chất và<br />
thời gian với những cố vấn học tập, để họ phát huy hết năng lực giúp SV với hiệu quả cao.<br />
4.5. Về chương trình - nội dung tài liệu hỗ trợ đào tạo<br />
- Đầu tư thích đáng về vật chất và tinh thần cho những GV có trình độ, có kinh<br />
nghiệm xây dựng chương trình và nội dung các học phần đảm bảo các yêu cầu: Đảm bảo<br />
tính khoa học, theo hệ thống lôgic trong các ngành và chuyên ngành học; nội dung các học<br />
phần có dung lượng vừa phải, thể hiện ngắn gọn các nội dung cốt lõi của từng học phần và<br />
liên kết chặt chẽ với nhau xuyên suốt nội dung toàn học phần; phân bổ thời gian cho các<br />
học phần hợp lý, đảm bảo cho người học có điều kiện tham gia kiến thiết nội dung mỗi học<br />
phần; chương trình và nội dung phải nhằm đạt được mục tiêu gắn với các cơ sở sử dụng<br />
nhân lực nói riêng và nhu cầu xã hội nói chung.<br />
- Đầu tư xây dựng cơ sở thư viện hiện đại của trường, tủ sách chuyên môn của khoa<br />
có đủ tài liệu cần thiết liên quan đến ngành và chuyên ngành đào tạo, để sinh viên có cơ<br />
hội chủ động, độc lập thực hiện quá trình học tập.<br />
Kết luận<br />
Thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một quá trình thực hiện đào tạo nhằm đáp<br />
ứng yêu cầu và phù hợp với năng lực của từng người học, nhờ đó nâng cao được chất lượng<br />
đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và cơ<br />
sở sử dụng nguồn nhân lực. Trong quá trình thực hiện, các trường đại học nói chung và các<br />
trường ngoài công lập nói riêng đã không ngừng tìm cho mình những cách thức tốt nhất để<br />
tìm đến thành công. Tuy nhiên, để nhìn thấy toàn cảnh những thuận lợi khó khăn chung và<br />
riêng của mỗi loại trường để có những giải pháp thực hiện phù hợp với các trường là công<br />
việc không dễ. Việc nêu ra những vấn đề về mục tiêu, những yêu cầu cần đảm bảo, các<br />
điều kiện cùng những thuận lợi- khó khăn của quá trình thực hiện đào tạo theo hệ thống tín<br />
chỉ ở các trường ngoài công lập và những giải pháp sẽ góp thêm cho quá trình thực hiện<br />
đào tạo theo tín chỉ ở các trường đại học ngoài công lập đạt được kết quả mong muốn, đáp<br />
ứng yêu cầu của nhà trường và xã hội.<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 12 năm<br />
2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế<br />
đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết<br />
định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục<br />
và Đào tạo.<br />
2. Dương Hiếu Đẩu (2008), Đổi mới phương pháp dạy học theo hệ thống tín chỉ là bước<br />
phát triển tất yếu của giáo dục Việt Nam, HT về Hệ thống đào tạo tín chỉ, những trở ngại<br />
và biện pháp khắc phục, đại học Cần Thơ, tr. 24-30.<br />
3. Nguyễn Công Danh (2008), Những khó khăn của việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ,<br />
HT về Hệ thống đào tạo tín chỉ Những trở ngại và biện pháp khắc phục, ĐHCT, tr. 20-<br />
23.<br />
4. Phạm Xuân Hậu (2006), Hệ thống đào tạo tín chỉ -việc làm không thể chậm trễ trong<br />
cải cách GDĐH ở Việt Nam hiện nay, KYHTKH, Đào tạo theo hệ thống tín chỉ nhận<br />
thức và kinh nghiệm triển khai, BLL các trường ĐH&CĐ Việt Nam 2006.<br />
5. Phạm Xuân Hậu (2007), Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo theo tín chỉ ở<br />
các trường đại học Việt Nam, KYHTKH, VUN, Đổi mới phương pháp trong đào tạo theo<br />
học chế tín chỉ, 9/2007.<br />
6. Phạm Xuân Hậu (2009), Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ ở nước ta: Quan<br />
điểm, nhận thức và giải pháp phát triển, KYHTKH, VUN, 4/2009.<br />
7. Phạm Xuân Hậu (2009), Đổi mới PPGD- một trong những yếu tố quyết định nâng cao<br />
chất lượng đào tạo theo tín chỉ ở các trường ĐH Việt Nam, TCKH, ĐH Sài Gòn 5/2009<br />
8. Phan Quang Thế (2007), Đào tạo theo hệ thống tín chỉ tạo động lực cho sự phát triển<br />
năng lực cá nhân của người học, KYHTKH, Đào tạo liên thông trong hệ thống tín chỉ,<br />
ĐH KT Công nghiệp – ĐH Thái Nguyên.<br />