intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dấu ấn hậu hiện đại trong truyện ngắn Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

8
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nguyễn Ngọc Tư – một trong những cây bút của nền văn học đương đại, khi hầu hết các nhà văn hướng ngòi bút về thành thị, bà lại lựa chọn hướng đi riêng, chọn về mảnh đất miền Tây sông nước. Truyện ngắn Khói trời lộng lẫy mở ra một vùng trời cô đơn, những con người bé mọn gian nan. Ở đó tình nghĩa của những con người xa lạ trôi dạt về bên nhau bởi sự đưa đẩy của cuộc đời. Dưới cái nhìn của hậu hiện đại, truyện ngắn vừa là một cực mang sự bình thường, một cực lại là sự bất thường, kỳ dì đến lạ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dấu ấn hậu hiện đại trong truyện ngắn Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư

  1. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TRUYỆN NGẮN KHÓI TRỜI LỘNG LẪY CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ Nguyễn Thị Diễm Quyên 1 1. Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Thế kỷ XX là thời đại của bùng nổ công nghệ thông tin và sự phát triển của các khối ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên, là một trong những yếu tố làm biến đổi nhanh chóng trong đời sống xã hội. Các quan niệm về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo… cũng dần có sự thay đổi. Điều này dẫn đến những ảnh hưởng đối với văn học với sự xuất hiện các thuật ngữ, các trường phái phê bình, lí luận trong những năm gần đây. Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) ra đời vào cuối thế kỷ XIX và nó nhanh chóng lan tỏa, nhận được sự đón nhận từ giới nghiên cứu. Hậu hiện đại giúp những nhà văn bao quát được đời sống xã hội thể hiện cái nhìn đa chiều, đa cực về con người về cuộc sống. Nguyễn Ngọc Tư – một trong những cây bút của nền văn học đương đại, khi hầu hết các nhà văn hướng ngòi bút về thành thị, bà lại lựa chọn hướng đi riêng, chọn về mảnh đất miền Tây sông nước. Truyện ngắn Khói trời lộng lẫy mở ra một vùng trời cô đơn, những con người bé mọn gian nan. Ở đó tình nghĩa của những con người xa lạ trôi dạt về bên nhau bởi sự đưa đẩy của cuộc đời. Dưới cái nhìn của hậu hiện đại, truyện ngắn vừa là một cực mang sự bình thường, một cực lại là sự bất thường, kỳ dì đến lạ. Con người trong truyện ngắn bị gạt ra ngoài cuộc sống của gia đình, cộng đồng. Họ như những người chầu rìa sống nhờ trong vũ trụ, luôn nỗ lực hòa nhập vào cộng đồng để trở thành trung tâm, là trung tâm. Từ khoá: hậu hiện đại, Khói trời lộng lẫy, Nguyễn Ngọc Tư 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Gần đây, thuật ngữ “hậu hiện đại” không còn xa lạ, nó được giới cầm bút ở Việt Nam nhắc đến ngày một nhiều, nó xuất hiện trong các cuộc hội thảo, toạ đàm, các bài phê bình, nghiên cứu… Chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện từ sau thế kỷ XX ở châu Âu với tư cách là một trào lưu văn hóa và xác lập với nhiều lĩnh vức: triết học, tôn giáo, văn chương, hội họa, âm nhạc… Được lớn lên từ Châu Âu, hậu hiện đại dần lan tỏa sang các khu vực khác trên thế giới. Trên bước đệm phát triển đó, buộc nền văn học ở Việt Nam có sự tiếp nhận và phát huy những giá trị của nó. Và hậu hiện đại như một công cụ giúp giải mã những chuyển động quy luật của hiện tượng văn học Việt Nam. Cùng với những nhà văn trẻ cùng thời điểm, Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn mới, giàu khả năng sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận đối mặt với những vấn đề “mới” và “mạo hiểm” trên văn đàng. Với những nỗ lực về cách tân nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật mới mẻ về mối quan hệ con người và đời sống, Nguyễn Ngọc Tư đã định hình cho chính mình một khuôn mặt với những phong cách ấn tượng. Mặc dù, nữ nhà văn chưa từng tuyên ngôn bản thân theo lối viết của chủ nghĩa, trào lưu hay trường phái nào, nhưng với những vấn đề xuất hiện trong tác phẩm về người, về đời của cô mang dấu ấn của hậu hiện đại, mà trong đó không thể nói đến truyện ngắn Khói trời lộng lẫy. 361
  2. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Phương pháp này làm rõ vai trò trong việc mô hình hóa và hệ thống hóa các quan điểm về hậu hiện đại. Bên cạnh đó, bài viết đặt truyện ngắn như một chỉnh thể thống nhất trong diện mạo chung của văn học Việt Nam đương thời. Phương pháp này cũng hỗ trợ trong việc triển khai các bình diện nghiên cứu một cách logic và chặt chẽ. Phương pháp lịch sử xã hội: tìm hiểu lí thuyết về hậu hiện đại và những dấu ấn của chủ nghĩa này trong sáng tác của tác giả. Phương pháp thống kê – phân loại: hỗ trợ cho việc hình thành các luận điểm chính của bài nghiên cứu, giúp xác định những yêu tố mang dấu ấn hậu hiện đại trong truyện ngắn 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1 Khái quát về hậu hiện đại Thuật ngữ Chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) lần đầu tiên được xuất hiện trong cuốn sách của một nhà triết học người Đức (Rudolf Pannwitz) vào năm 1917. Sau đó, các nhà nghiên cứu như Irving Howe, Ihab Hassan, Michel Foucault, Jean-François Lyotard… đã nghiên cứu và phát triển ý nghĩa thuật ngữ này. Mặc dù xuất hiện năm 1917, nhưng đến những năm 50, 60 của thế kỷ XX thuật ngữ này mới bắt đầu được hình thành và phát triển như một trào lưu. Khái niệm hậu hiện đại (Postmodern) được dùng để chỉ một giai đoạn phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật, nghệ thuật cao của nhân loại. Nó ra đời khi mà các chủ thuyết hiện đại đã trở nên già cỗi, đã trở thành những đại tự sự. Lyotard xác định: “Hậu hiện đại là sự hoài nghi đối với các siêu tự sự. Nó hiển nhiên là kết quả của sự tiến bộ của các khoa học; nhưng sự tiến bộ này đến lượt nó lại tiền giả định sự hoài nghi đó. Tương ứng với sự già cỗi của cơ chế siêu tự sự trong việc hợp thức hóa là sự khủng hoảng của nền triết học siêu hình học, cũng như sự khủng hoảng của thiết chế đại học phụ thuộc vào nó” (Lê Huy Bắc, 2019, tr.29). “Thời hậu hiện đại sản sinh ra Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism). Chủ nghĩa hậu hiện đại đề xuất nhiệm vụ đi tìm bản nguyên của con người và vũ trụ, đi tìm nền tảng của nhận thức và của cả cách thức tri nhận thế giới, qua đó hòng cắt nghĩa đâu là tự do, hạnh phúc đích thực của con người” (Lê Huy Bắc, 2019, tr.29). Nó được thể hiện trong nhiều lĩnh vực tư tưởng, mĩ học, triết học, nghệ thuật hay văn học. Nhìn chung, hậu hiện đại được hiểu như cách nhìn nhận con người và thế giới trong trục quay hiện đại của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, tùy vào những đặc điểm riêng của từng quốc gia mà chủ nghĩa này có những sắc thái riêng. Khái niệm hậu hiện đại đến nay không còn xa lạ với người Việt Nam. Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về vấn này còn hạn chế, đa phần được biên soạn, dịch thuật kể từ sau năm 2000. Việc đưa ra khái niệm cho chủ nghĩa này là điều vô cùng khó khăn, những năm 1980 khái niệm này vẫn chưa được đưa vào Bách khoa toàn thư, điều này cho thấy giữa các nhà phê bình lí luận khó có sự thống nhất. Chủ nghĩa này mang tính chất trò chơi và cũng mang sự hoài nghi, vì đây là bản chất của con người. Việc đưa chủ nghĩa này vào văn học cần phải xác định được thời hậu hiện đại ra đời lúc nào. Tương ứng với thời hậu hiện đại thì văn học hậu hiện đại ra đời, tuy nhiên các mốc thời gian chỉ mang tính tương đối, bởi trong thời hiện đại cũng có hậu hiện đại xuất hiện. Ở Việt Nam, trong một số tác phẩm văn xuôi cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI mang dấu ấn hậu hiện đại. 362
  3. 3.2 Đôi nét về tác giả tác phẩm 3.2.1. Nguyễn Ngọc Tư và sự nghiệp văn học Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trẻ. Nữ nhà văn sinh năm 1976 trong gai đình có tuyền thống cách mạng tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Bà được xem là một “hiện tượng văn học” được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm. Nguyễn Ngọc Tư được biết đến là một trong những cây bút tài năng có đóng góp cho nền văn học Việt Nam. Những sáng tác của bà xoay quanh chuyệ đời, chuyện người ở những vùng quê hẻo lánh của miền Tây sông nước – cũng chính là quê hương của bà. Nhà văn Dạ Ngân khẳng định: “Nhờ có Nguyễn Ngọc Tư mà “nền văn học Nam Bộ cao lên được mấy thước” (Nguyễn Trọng Bình, 2009). Thậm chí, có ý kiến cho rằng: “Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần đưa văn học vùng ra khỏi cái khuôn sáo “ngô nghê mà thiếu tự nhiên” đã tồn tại quá lâu trong văn học Đồng bằng sông Cửu Long”” (Võ Văn Diệp, 2013). Đặc biệt, đã không ít người đánh giá chung bà là “hiện tượng” của văn đàn Việt Nam khi có "cách nhìn mới" với những vấn đề cũ, văn phong không lạ nhưng ý tứ đầy sáng tạo và thuyết phục, đánh thức những cảm quan chân – thiện – mĩ của độc giả theo cách “lấp lánh nhất”. Nguyễn Ngọc Tư - một nhà văn, thành viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, bà được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe. Tính đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Ngọc Tư đã sở hữu một kho tàng tác phẩm đồ sộ cùng nhiều giải thưởng trong suốt chặng đường dài theo đuổi đam mê viết lách của mình, mà tiêu biểu có thể kể đến các truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, Giao thừa, Nước chảy mây trôi, Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lẫy, Gáy người thì lạnh… các tập tản văn như Sống chậm thời @, Ngày mai của những ngày mai, Bánh trái mùa xưa… các tiểu thuyết như Sông, Biên sử nước… 3.2.2. Truyện ngắn Khói trời lộng lẫy Nguyễn Ngọc Tư đi nhiều, trải nhiều, những câu chuyện của bà hiện lên những mảnh đời bất hạnh rong ruổi khắp chốn. Trong tập truyện Khói trời lộng lẫy là các truyện đều xoay quanh những thân phận nhỏ bé găn với những nỗi buồn bao quanh họ như cô đơn, khao khát tình cảm gia đình, tình yêu… các nhân vật được xây dựng hầu như không được hạnh phúc nên đôi khi họ tỏ ra “cay nghiệt”, “chán ghét” nhưng rồi sự “cay nghiệt”, “chán ghét” cũng không vượt quá sự yếu đuối vốn là bản chất của họ. Hầu như các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có mối quan hệ qua lại chồng chéo, họ được sinh ra để đi tìm nhau. Cho nên, cùng với nỗi mất mát, tác giả cũng để cho họ những con đường “tự giải thoát” đó là lòng vị tha và sự hy vọng. Chính điều này, một phần nào cứu lấy tâm hồn của họ. Truyện ngắn Khói trời lộng lẫy trong tập truyện ngắn cùng tên nói về một người con gái đã đánh cắp đứa em trai cùng cha khác mẹ để trả thù người cha bỏ rơi mẹ con cô, để rồi cuối cùng tất cả các nhân lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, tự gieo những đau đớn vào trong chính cuộc sống của mình. 363
  4. 3.3 Con người cô đơn – những mảnh ghép rời rạc ở bên nhau Quan hệ giữa những con người trong hậu hiện đại dường như “là mảnh vỡ, là chắp nối, là những phiến đoạn chia cắt của cuộc đời” (Lê Huy Bắc, 2019, tr.32). Con người hậu hiện đại vì thế cô đơn, lạc loài ngay giữa gia đình, quê hương. Giữa gia đình nhưng họ như “không gia đình”, giữa quê hương nhưng họ vẫn “thiếu quê hương”, giữa con người nhưng họ vẫn “thiếu tình người”. Những kiếp người trong Khói trời lộng lẫy được Nguyễn Ngọc Tư khắc họa là những số kiếp lạc lõng chất chứa những tổn thương. Con đường họ đi chính là những lần né tránh, trốn chạy, che giấu nhưng họ cũng là những con người có sự hăng say nhiệt huyết với những đam mê của mình. Điều này như một sợi dây chắp nối và dẫn lỗi họ gặp nhau, như “cái ngã của con người chập chờn đâu đó ở ngoại biên thế giới, chứ nào phải chiếm lĩnh trung tâm như ảo tưởng của mình” (Nhật Chiêu, 2013, tr.49). Con người bị đẩy ra ngoài cuộc sống của gia đình và cộng đồng. Họ trở thành những người chầu rìa, sống nhờ trong vũ trụ vô biên. 3.3.1 Con người với hành trình chạy trốn Con người luôn chọn kiếp sống thương hồ khi họ phải trải qua những rủi ro, những chuyện thương tâm trên vùng đất họ sinh sống. Sự đâu thương như là biểu tượng của sự lưu đày, do đó trong truyện Khói trời lộng lẫy xuất hiện rất nhiều hình ảnh sự ra đi, chạy trốn. Chạy trốn, biến mất không phải để mất tích hay ở ẩm mà đó là cách để các nhân vật gây nên sự nhớ thương và để được kiếm tìm. Đây cũng chính là sợi dây xuyên suốt trong truyện. Đây được xem là một trong những quan niệm mới mẻ của những người trẻ nói chung và người Nam Bộ “hậu hiện đại” nói riêng. Trong xã hội vốn dè xẻn tình yêu thương và dửng dưng trước những sự đau thương mất mát, “trọng nam khinh nữ”. Để trở thành trung tâm gây chú ý buộc con người phải có hành động. Họ tự xóa nhòa bản thân một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn khỏi dòng đời xô bồ, hay khỏi những mối quan hệ đau thương. Họ nghĩ rằng sự biến mất của bản thân sẽ để lại sự hụt hẫng trống vắng với một ai đó, đồng nghĩa cũng khẳng định họ vẫn đang còn tồn tại, vẫn có sức ám ảnh. Niềm tin ấy khi thì tồn tại trong vô thức nhân vật, lúc lại bùng nổ mãnh liệt qua từng hành động, ngôn ngữ. Nhân vật trong truyện bắt đầu ý thức về việc biến mất như là cách để chống lại sự lãng quên của cuộc đời. Bằng cách này họ thấy mình vẫn còn hiện hữu, vẫn còn ý nghĩa với một ai đó. Những điều này được Nguyễn Ngọc Tư tái hiện qua tâm lý và hành động dứt khoát của nhân vật. Hình ảnh người ra đi luôn chiếm trọn và gây sự chi phối cho người ở lại bằng nỗi nhớ thương, sự kiếm tìm. Có thể kể hai chị em Di – Phiên. Từ nhỏ đã phải nếm qua cảm giác mất mát và thiếu thốn tình cảm, đó chính là sự chấn thương trong chính tâm hồn Di. Mất mát quá nhiều, nên Di càng sợ phải đối mặt với chúng, cô đã lựa chọn đi tìm, đi tìm tức là rời khỏi, tìm kiếm những vẻ đẹp có vẻ như cũng sắp mất ở nơi xa “Giờ tôi đang thắc mắc cái đẹp nào đang và sắp mất. Để tìm câu trả lời, tôi bắt đầu rời khỏi thành phố, bắt đầu những chuyến đi xa” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.98). Và cái đẹp khiến cô muốn sở hữu để bù đắp những thiếu thốn đó lại chính là tuổi thơ của đứa em trai đáng lẽ sẽ nhận được mọi tình yêu thương của người cha, và cô đã đánh cắp nó trong sự khốn cùng của chính mình. Trong mối quan hệ gia đình là sự hoài nghi về tình thương và sự tổn thương về tâm hồn. Đây chính là nỗi đau thiếu thốn tình cảm của người cha, để họ hàng nuôi nấng cô trong sự dè bỉu và khinh miệt. 364
  5. “Mợ tôi tỏ ra hờn giận, “ nhà hết gạo rồi, chừng nào ba mầy về dẫn mầy đi? ” tôi cười nói trưa nay con không ăn cơm, hồi sáng ăn mấy củ khoai còn no quá chừng. Như những lần sắp nhập học, mợ nhắc, “ không biết chừng nào ba mầy quay lại…”.(Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.98). … “Hồi đó tôi đã biết một câu hỏi có năm bảy kiểu trả lời, giản dị nhất là toét miệng ra cười, khỏe nhất là kêu “ đi hỏi ổng” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.98). Thậm chí ông còn không nhận ra sự tồn tại và không nhận ra Di, khi cô lấy danh nghĩa người của Viện để viết báo cáo về thời thơ ấu của con người mà người được chọn là em trai cô “Trong ký ức ông không còn hình ảnh nào của tôi, đã đứt bằn bặt. Tôi không lấy điều đó làm buồn, vì năm đứa con gái lớn lên bên ông mà đôi khi còn bị lẫn lộn tên. Ông không yêu con gái, ông bà nội tôi cũng không yêu con gái, họ sinh con gái để chăm chút ông, cho ông cưỡi chơi, bắt nạt, trút những giận hờn” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.99). Tổn thương chồng chất tổn thương, Di quyết định đem Phiên đi thật xa gia đình – nơi tình thương rẻ rúng với con người “Tôi cũng bắt đầu hành trình biến mất, cùng Phiên”. Di đối với Phiên là vai trò người mẹ. Với Di đây là cách giải quyết tốt nhất để bảo vệ sự thiện lương, sự trong ngần cho Phiên. Ngược với hy vọng cao đẹp của Di, xót xa khi miền ký ức của Phiên được tái hiện. Phiên bị Di đánh cắp đi tuổi thơ ở bên kia sông “tôi không đưa Phiên qua vì nghi ngờ trường học làm những đứa trẻ biến mất. Tôi đã thấy trẻ con đi vào đó, và trở ra như những người lớn mệt mỏi, muộn phiền. Tôi giữ cho tuổi thơ Phiên đẹp như Phiên có. Hoang dã. Trong veo. trong tình thương chiều chuộng của người cha và tự tay sắp đặt một tuổi thơ khác, tuổi thơ như một thiên thần tin vào những bà tiên cổ tích không biết cách giận hờn hoài nghi” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.122) mà mãi về sau cô mới bàng hoàng nhận ra chính cô đã đặt lên em trai mình những u tối nhất của cuộc đời. Bên cạnh Di, những con người nhỏ bé khác cũng bất hạnh. Họ trốn chạy đến cái nơi vắng vẻ để trốn “họ coi như chốn nương náu tạm bợ. Vì tạm bợ nên họ không quay quắt vun vén, tranh giành” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.94). Họ - những mảnh ghép làm nên một bức tranh khổ cực của những con người ngặt nghèo “giống ông Sáu Câu từng chịu án giết người, giống chị Thắm lẩn tránh những đòn ghen của bà vợ lớn, giống chị Thiện bỏ lại ở quê chồng con và món nợ hụi hè … Những người mà họ nợ dù tình cảm hay tiền bạc, biết họ ở đây, nhưng không ai đuổi theo. Cái cồn nằm giữa dòng sông Mê mênh mông, tự nó như một chốn lưu đày” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.94) bị tình yêu, người thân quay lưng, rẻ rúng, xem thường và chà đạp. Mỗi người một hoành cảnh, một niềm đau riêng biệt, nhưng họ đều có điểm chung đó chính là sự cô đơn thống trị và sự phản bội, bất hạnh trong chính cái “thế giới” được gọi là tình cảm. Nguyễn Ngọc Tư xây dựng hành động nhân vật mới lạ. Những hành động ấy có hiếm khi xuất hiện trong văn học trước đó. Những con người tội nghiệp trốn tránh xã hội để chịu đựng những cơn đau dày vò, và đó cũng là cách để họ chứng minh họ đang sống và tồn tại. Ông Sáu đi câu chỉ để bớt thèm giết người. Ông cũng như Di và những người khác, là nạn nhân của tình cảm gia đình, của mối quan hệ giữa người với người. “ông hay thèm giết người, đây cũng là lý do ông ra cồn Bần ở, khi mãn tù”, “để lời rớt khỏi môi như một giọt rượu chảy ngược qua cái răng gãy, “ Con vợ tôi…”, “Ông già đã bao nhiêu lần thả câu này vào sông chờ tạnh cơn thèm muốn tìm giết gã tình địch đã làm gia đình tan nát, khiến ông nhúng tay vào tội ác” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.106). 365
  6. Tác giả ưu ái nhân vật nữ, thương xót cho những kiếp người đơn độc, lận đận tha hương phương xa. Ở chị Thắm, chỉ qua vài con chữ gợi tả hành động, Nguyễn Ngọc Tư đã lột tả được tâm lý của người phụ nữ này. Người phụ nữ trốn chạy về mảnh đất vắng người để lẩn tránh đi những cơn đòn troi đánh ghen của vợ cả. Người con gái thả trôi thanh xuân, nhan sắc theo năm tháng “chị Thắm sao đem son phấn thả sông, chị nói ở đây chỉ có mỗi thằng Thơ khùng, chưng diện nó cũng đâu có coi” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.105). Tác giả không ngần ngại đề cập đến tính dục, những người phụ nữ khát khao được yêu, được va chạm thể xác “Chị Thắm hớn hở tắm xà bông thơm, ngồi ngoài sân tỉa chân mày, chị tỏ ra buồn lòng khi chủ chiếc xáng ngậm cái tăm chỉ dừng lại nói mấy câu ỡm ờ”. Nhân vật chị Thiện cũng xa chồng xa con, xa đi sự thương yêu, cui củi làm lụng, sinh sống mình, sự trốn chạy của chị để lại gánh nặng cho gia đình với những “gói hụi hè”. Nhưng có lẽ ở sự đồng cảm, nhà văn cũng để chính người phụ nữ này qua điểm nhìn của Di có những lần day dứt, những lần nhớ gia đình và sự ân ái “chị cười khậc khậc, nhớ có cái chân giữa của ổng hà” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.105). Nhưng may mắn hơn những người phụ nữ khác trong tác phẩm, sự trả giá của chị kết thúc bằng sự tha thứ của chính gia đình “Chị Thiện này nhận được món quà của thời gian - sự quên lãng - hớn hở về nhà” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.105). Cách trốn chạy, biến mất của các nhân vật như là cách để họ chống lại sự lãng quên của cuộc đời. Cô đơn trong tình yêu nam nữ. Di và Viện phó có thể nói là hai tâm hồn đồng điệu “Sheherazade ở bên mình, bởi vua yêu nó không phải vì những câu chuyện của nó. Vua yêu tâm hồn xanh xao của nó, yêu những quạnh hiu được che giấu bằng vẻ ngoài mạnh mẽ, yêu sự giản dị và và vẻ đẹp rực lên bất chấp bao nhiêu mất mát. Yêu vì khi khám phá tận cùng nhau, bỗng thấy nỗi đau, niềm đam mê, sự vơ vất, hoang mang của người kia cũng giống mình” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.118). Nhưng thời cuộc, xã hội chính là con dao cắt đứt chính mối tình này. Người đọc có thể cảm chấp nhận mối tình lưng chừng nhập nhằng này dù rằng nó trái với chuẩn mực xã hội. Bởi kẽ xuyên suốt tác phẩm, nó như liều thuốc chữa lành sự đau thương, tan vỡ của hai trái tim cằn cõi. Cả hai nhân vật đều gỡ bỏ lớp vỏ bên ngoài khi họ ở cạnh nhau trong những chuyến công tác. Bên cạnh sự cô đơn, hoài nghi về sự yêu thương, Khói trời lộng lẫy còn phản ánh một khía cạnh những con người cô độc trong xã hội với những quan điểm tư tưởng. Viện Phó được Nguyễn Ngọc tư lột tả tâm lý rất độc đáo. Anh được xây dựng là một con người lạnh nhạt, khô cứng. Đằng sau con người ấy chính là sự đánh đổi hạnh phúc cá nhân để bảo vệ những cánh rừng. Cuộc hôn nhân không tình yêu khiến anh trơ trọi, chay sạn với chính người vợ trong những lần ân ái. Cuộc hôn nhân của chính anh là cuộc hôn nhân để bước lên chức Viện trưởng mà anh xem đó là đòn bẩy để ngăn chặn sự phá hoại từ con người và lưu giữ những vẻ đẹp thiên nhiên. “Anh muốn đi tắt, muốn chạy mau mau đến cái ghế viện trưởng, rồi bộ trưởng, Anh sẽ vào hội đồng thành phố, hội đồng trung ương, Anh sẽ cứu được những cánh rừng bằng tiếng nói của mình” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.120). Với hình ảnh cù lao bé nhỏ chơi vơi giữa dòng sông Mê, Nguyễn Ngọc Tư ẩn dụ cho kiểu nhân vật cô đơn bao trùm khắp truyện. Những mảnh đời vụn vặt với cuộc sống đầy ngang trái, họ gần nhau, yêu thương nhau nhưng vẫn luôn chìm trong nỗi cô đơn của mình, không cho ai 366
  7. cái quyền xâm phạm lấy cái ranh giới mà họ đã vạch ra ấy. Có thể nói trôi dạt, biến mất trong cuộc sống hay trong chính tâm hồn vừa là định mệnh, vừa là phương cách thoát khỏi “nỗi lo âu mang tên ngoại biên”. Biến mất chồng lên biến mất để lại khoảng trống toang hoác trong tâm hồn người ở lại và trái tim người đọc cảm giác ngộp thở và suy nghĩ trăn trở đến cùng cực. Đó chính là những trạng thái mà Nguyễn Ngọc Tư tái hiện qua Khói trời lộng lẫy. 3.3.2 Con người cống hiến không mờ nhạt Ở một thái cực khác, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư trong Khói trời lộng lẫy lựa chọn cách sống cống hiến cả thể xác lẫn tinh thần để không mất tăm, mất tích giữa dòng đời vô thường. Các nhân vật cống cái gì ngoài vẻ đẹp thiên nhiên. Như một vẻ đẹp của cuộc sống, nhân sinh quan cống hiến để cuộc đời không mờ nhạt không vô nghĩa. Bên cạnh đó, sự cống hiến của họ là sự miệt mài, cần mẫn để phát huy giá trị, cốt lõi cái đẹp mà con người đang đánh mất. Họ cố gắng níu và gìn giữ những cốt lõi của tự nhiên. Với họ, tự nhiên lúc này đang dần cạn kiệt, bị đổi chát bởi những đồng tiền . Với Nguyễn Ngọc Tư, qua thiên nhiên, nhà văn muốn đề cao những vẻ đẹp thủy nguyên vốn có mà con người dần đánh mất. Con người Nam Bộ “hậu hiện đại” trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Họ muốn đem lại hạnh phúc cho mọi người theo những cách khác nhau. Đối với Di, Viện Phó, Nhứt, những anh chị làm trong Viện thiên nhiên… dù cuộc đời khắc nghiệt và đầy toang tính nhưng bên trong ranh giới mỗi bản thân, họ như một người nghệ sĩ. Họ chứa đựng niềm vui không vụ lợi, một sự đam mê, một sự vượt phóng ra ngoài những cái thông thường để cất giữ những vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên. Sự cần mặt, yêu thương, xem thiên nhiên như một người bạn, họ lắng nghe được những tiếng thở than, tiếng chuyện trò từ những cánh rừng, cánh đồng. với sự yêu mến đó Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng tâm lý nhân vật vô cùng bi thương và phẫn uất khi chứng kiến những giá trị đẹp nhất – những người bạn từ từ ngã xuống “nhường chỗ” cho những nhà máy, xí nghiệp, công trình… Nhứt là một cậu nhân viên nghiên cứu và sưu tầm mẫu với tính cách “hồn nhiên”, phóng khoáng. Không ngại khó khăn, không ngại hiểm trở, Nguyễn Ngọc tư thể hiện tính cách nhân vật hồn nhiên qua những lần cậu say mê, khoe những mẫu nghiên cứu “Mẫu của Nhứt gợi cảm, sôi nổi như chính”, Nhứt lên thành phố chở cá giống, ghé Viện, khoe với bất cứ ai” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.102). Qua chính điểm nhìn của Di, nhiều lần cô đánh giá sự sôi nổi của Nhứt qua những câu chuyện với đồng nghiệp. Xây dựng nhân vật cuồng và hăng say công việc Nhứt đêm về những mẫu quý và hiếm có. Hầu như nhân vật trong Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc tư đều có những bi kịch. Ở Nhứt bi kịch đơn đau nhất chính là một cậu thanh niên trẻ với quá nhiều hy vọng, sự tần mẫn nhưng lại chứng kiến “quăng ly rượu vô vách quán bể nát, chửi thề, quê tui còn mẹ gì, giống như cái biển vậy…” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.107). Đó cũng là nhát dao cắt đứt Nhứt với nơi đây. “Nhứt không tới Viện nữa bởi những xóm ấp ven sông trong lòng Nhứt không còn. Lúc đầu Nhứt còn nhăn nhó lác đác, than vãn lai rai khi cái đình thần Thạnh Hưng xây lại, sơn phết như “ tuồng hát bội ”, khi người ta làm cửa cho những ngôi nhà vốn bao đời mở phơi lòng, khi người ta dẫn nhập nước mặn vào đồng... rồi thì một bữa Nhứt tới chơi, nói, đi nhậu chị ơi, lần này nữa thôi…” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.106). 367
  8. Cả mạch truyện là những đau đáu không nguôi của từng số phận. Ở Nhứt với sức trẻ, với sự hăng say nhưng cuộc sống, sự phát triển đã ngăn bước anh với những nổ lực, những ước mơ, hoài bão. Khói trời lộng lẫy còn đau đáu, man mác với những bi kịch của Viện phó. Một người làm bạn với rừng “nhìn thấy sự vật vã của một “con nghiện rừng”” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr. 107). Nguyễn Ngọc Tư khoác lên nhân vật này sự tài năng “Mẫu của Anh nhiều lần làm tôi suýt rớt nước mắt vì tuyệt vọng. Vẻ đẹp của những tán rừng lúc nào cũng chực bứt ra khỏi máy móc, đòi sự sống, đòi hơi thở, đòi không khí trong lành… Nghĩ, nếu ai đó đã yêu đến vậy thì không thể yêu con người nữa” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr. 107). niềm say mê công việc. Với công việc, đây chính là ngươi đánh đổi và mất mát nhiều nhất về tâm hồn “Anh đánh mất vẻ kiêu bạc, ngạo ngược thường ngày, tôi ao ước phải chi mình là lý do, chứ không phải vì cánh rừng năm hai trăm năm tuổi này”, “khi Anh mướn vai tôi để vùi yếu mềm vào đó, cũng có cánh rừng qua đời.” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019). Thông qua truyện ngắn Khói trời lộng lẫy, Nguyễn Ngọc Tư phát lên một hồi chuông cảnh báo về việc con người đã biến thiên nhiên thành các khu công nghiệp, dân sinh như đại công trường, nhà máy, nhà ở, thành phố… “xua đuổi thiên nhiên đi xa”, “hạ nhục tự nhiên”, can thiệp thô bạo vào vẻ đẹp nguyên sơ “Con người hủy hoại thiên nhiên bằng cách hạ nhục nó. Thiên nhiên trả thù bằng cách nó biến mất” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.108). Vẻ đẹp bị nhốt trong Viện là những vẻ đẹp “chết”, không có sinh sắc của sự sống. Người đọc nhận ra một tiếng nói khẩn thiết, mãnh liệt về một tấm lòng tha thiết với thiên nhiên, mê đắm với vẻ đẹp của nuí ngàn, đồng ruộng và đau đớn trước sự biến mất dần của thiên nhiên, từ đó thể hiện sự chua chát trước sự tàn phá của con người. Qua lăng kính của mình, Nguyễn Ngọc Tư đặt bút cho những nhân vật nghèo về vật chất nhưng giàu về tâm hồn bày tỏ. Cuộc đời họ không nhiều thú vị, cũng chẳng lắm cơ hội. Hạnh phúc lớn nhất của họ là được sống, được lưu giữ những nền tảng, những giá trị từ thiên nhiên. Họ nhận ra thiên nhiên bị hi sinh cho những mục đích thực dụng của con người. Điều này, dẫn đến sự cao đẹp và nhận thức của họ ngược với số đông, với xã hội. 3.3.3 Con người – mối quan hệ với tự nhiên Vườn địa đàng duy nhất đem lại hạnh phúc cho Di là mẹ. Mẹ mất đối với Di là sự cô độc. Điều đó, dẫn đến sự thù hằn trong Di khi người cha đã quyết định bỏ rơi hai mẹ con chỉ vì cô mang thân hình đứa con gái. Sống trong cuộc sống mất mẹ đột ngột do tai nạn, chịu sự chì chiết của họ hàng đã đẩy Di đến đỉnh điểm của sự thù hận. Di quyết định trả thù cha qua Phiên dẫu nó chỉ là đứa trẻ. Sự việc Di đem Phiên đi thật xa trong một suy nghĩ phút chốc, muốn gìay xéo sự đau khổ lên người cha của chính mình. Điều này, cũng đã đem lại những thương tổn cho cô và chính người em trai. Vạn vật điều có hai chiều, càng cố gắng bảo tồn và níu giữ trong một không gian chật hẹp khi xã hội đang phát triển cũng chính là “con dao” cắt đi sự phát triển của sự vật đó. Ở đây, chính là sự tương đồng giữa mối quan hệ con người và tự nhiên. Nếu con người muốn dung hòa mọi thứ bằng những cách thức tiêu cực sẽ dẫn đết sự đóng khuôn và bó hẹp của nó. Nhìn chung, tự nhiên có “sinh mệnh riêng” và có sự ảnh hưởng đến con người. Tự nhiên không còn là diễn ngôn ngạo mạn mà con người trước đó vẫn rêu rao về sự khắc phục tự nhiên, yêu cầu tự nhiên phải phục tùng ý chí của con người. Di đã xuất phát từ sự ích kỷ, tác động vào cuộc sống của Phiên “tôi cũng bắt đầu hành trình biến mất cùng Phiên” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.131). Có thể thấy Di với suy nghĩ và 368
  9. hành động mong muốn đưa Phiên cách xa gia đình – nơi thiếu đi tình thương vẹn toàn, nơi chỉ xem “trọng nam khinh nữ”. Di muốn bảo vệ Phiên, cho Phiên cuộc sống lớn lên đủ đầy về tâm hồn “Phiên càng mong manh”, “lặng nhìn Phiên đẹp qua tuổi thơ bận rộn của nó” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.121) giữ được hết vẻ đẹp thuần khiết “Hoang dã. Trong veo”, “lấy cọng lông gà ngoáy lỗ tai, lim dim khoái cảm”. Phiên lương thiện, một cậu bé sáu tuổi, “không nhổ cải bán vì tội nghiệp và kết quả là tôi có một giồng bông cải thắp nắng lộng lẫy giữa mùa mưa (…) những con cá mang bụng no tròn sẽ được chúng tôi trả lại cho sông”, “mấy bà tiên đi ngang Cồn, thấy Phiên tốt bụng nên tặng nhiều quà” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.121), tự nhiên đáng có không pha bụi bẩn. Nhìn sự lớn lên của một đứa trẻ đủ sự ngây ngô “tôi tự hỏi còn gì đẹp hơn vậy” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.121). Di sợ những giá trị cốt lõi có sẵn trong tự nhiên sẽ mất đi “cái đẹp thường mong manh và tàn nhẫn, chúng ta sẽ chạm vào điều kỳ diệu giữa cơn đau” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019). Phiên như một vẻ đẹp tự nhiên khởi thủy, một “phiên bản” khác của tự nhiên mà ở đó chính Di đã tự cho mình cái quyền và hành động ngăn cấm và cản trở sự phát triển của nó. Đem Phiên đi thật xa xã hội “tôi giữ rịt Phiên ở chỗ đìu hiu này” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.139). dẫn đến tước đoạt những gì Phiên cần được có, và được hưởng vốn có của một đứa trẻ. Phiên như một phiên bản của thế giới tự nhiên với sự “èo uột” “tôi không dạy nó cách đương đầu với những sự thật phũ phàng, thậm chí nó còn không biết cuộc đời này có thể tồn tại điều gì, ai đó xấu xa giống như tôi” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.140). Một vẻ đẹp bị nhốt là những vẻ đẹp chết, không có sinh sắc của sự sống. Ngược với hy vọng cao đẹp của Di, miền ký ức của Phiên bị đánh cắp ở bên kia sông mà Phiên sẽ được cắp sách đến trường, “Tôi không đưa Phiên qua vì nghi ngờ trường học làm những đứa trẻ biến mất. Tôi đã thấy trẻ con đi vào đó, và trở ra như những người lớn mệt mỏi, muộn phiền” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.134). Trong tình thương và chiều chuộng Di tự tay sắp đặt một tuổi thơ khác, tuổi thơ như một thiên thần tin vào những bà tiên cổ tích không biết cách giận hờn hoài nghi, mà mãi về sau cô mới bàng hoàng nhận ra chính cô đã đặt lên em trai mình những u tối nhất của cuộc đời. Đó chính là sự tan rã của thế giới hiện tồn, sự ra đi của Thơ để Phiên cô độc “Nó hay đứng xơ lơ bìa cồn ngó mênh mông” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.135) cũng là “đòn” đánh vào nhận thức Di, để cô nhận ra những hành động trái ngược tự nhiên của chính mình. “Thẳng Phiên khóc mớ trong đám nước mắt đó, tôi biết nó khóc cho những cổ tích đã chết. Những bà tiên cũng chết ngắc” “Phiên chỉ một mình” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019, tr.135). Sự trả thù củ Di lên Phiên như cách kìm hãm và trói buộc sự vượt dậy và phát triển tự nhiên của con người. Kìm hãm tự nhiên là sự vô nghĩa, đến cuối cùng đều có sự vùng lên. Những việc Di để trả thù, để nuôi giữ cái đẹp thỏa mãn xoa dịu nỗi đau chinhd mình đã biến Di thành đối tượng nhận lấy bi kịch “Tôi thấy mình đang mất Phiên” và nhận ra những việc mình làm là vô nghĩa là tước đoạt “một người sẵn lòng nói cho nó biết tôi đã tước đoạt đi nhiều như thế nào” (Nguyễn Ngọc Tư, 2019). Murakami từng viết “sau khi đã tìm kiếm, tổn thương và lạc hướng, chúng ta vẫn có thể tin vào tình yêu như cũ chính là một loại can đảm”. (Rừng Na Uy). Niềm tin của Di bị đốn hạ, điểm tựa duy nhất của Di cũng không còn, ngôi nhà cháy tan, ánh lửa lan ra gian bếp như một cách thiêu đốt tất cả những thế giới mà Di gầy dựng. Di vụn vỡ và thâu lại những giá trị đẹp nhất chính là vẻ đẹp lộng lẫy của khói trời 3.4. Cốt truyện rời rạc hỗn độn và phi kết cục 3.4.1 Cốt truyện rời rạc, hỗn độn Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức hoạt động của tác phẩm 369
  10. văn học thuộc các loại hình tự sự và kịch” (Lê Bá Hán và nnk, 2006, tr.99). Cấu trúc cốt truyện truyền thống bao gồm: trình bày, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút. Cốt truyện cần có sự mạch lạc, rõ ràng và trở thành một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Ngược lại, vai trò cốt truyện trong nền văn học thời kỳ đổi mới có sự hạn chế, thông thường sẽ nới lỏng đến mức có thể. Do đó, lối cấu trúc ngày càng linh hoạt. Truyện ngắn Khói trời lộng lẫy có cốt truyện được tạo nên từ những sự kiện riêng lẻ, những mảng hiện thực đời sống tồn tại bên cạnh nhau nhưng cùng hướng về một chủ đề nhất định, tạo nên tính liên văn bản. Do cốt truyện là những mảnh vụn rời rạc của hiện thực nên tính mạch lạc trong truyện ngắn bị phá vỡ, nó không theo một trình tự thời gian hay không gian hay mối liên hệ nào. Theo Barry Lewis kiểu cốt truyện phân mảnh “là cốt truyện bị nghiền nát thành từng viên nhỏ của biến cố và hoàn cảnh, nhân vật bị phân tán thành một bó những khát vọng nhức nhối, những ghép nối chiều sâu được thể hiện qua các tiểu đoạn đứt khúc, ghép quá khứ với hiện tại, tâm cảnh với ngoại cảnh, lịch sử và phi lịch sử” (Đặng Anh Đào, 2001, tr.57). Khói trời lộng lẫy luôn luôn có nhiều tuyến chạy ngược - xuôi xoắn vặn, dung chứa ngồn ngộn những hỗn tạp, khốc liệt, đau đớn của cuộc đời. Là những tuyến nhiều nhân vật lãng quên, rồi lại kể một cách nhảy cóc. Điều này xây dựng nên một sự bơ vơ chẳng gặp nhau như kiếp người chẳng thể gặp nhau, hoặc những kiếp người chỉ là những mảnh ghép tạm bợ của bức tranh không hoàn thiện. Mỗi mảnh vỡ trong truyện ngắn trở thành một câu chuyện, có thể lôgic hoặc không, tùy thuộc trạng thái và lời kể của từng nhân vật. Do đó, mỗi mảnh vỡ đều có giá trị và không nằm trong ràng buộc nào. Sự sáng tạo làm nên sự hỗn độn trong cốt truyện, cũng là hỗn độ trong tâm lý nhân vật. Nó như những tạp âm mà ở đó nhân vật bị chìm sâu, vô tăm tích giữa cuộc đời. Mỗi cá nhân như một “hạt nguyên tử” được đặt ở vô số các giao điểm. Nguyễn Ngọc Tư đã để cho Di kể lại theo những chiều tâm lý cảm xúc của chính cô (nhớ về Phiên, nhớ về mẹ và mối tình của cha mẹ, nhớ về Viện và những con người say mê tự nhiên ở đó, nhớ về Viện Phó với những kỷ niệ ngỗn ngang, những lần giãy bày, những lần công tác cùng hay, hay nhớ lại những số kiếp trơ trọi, gánh chịu nhiều thương tổn như cô cùng sống dưới một vòm trời vắng vẻ) được chen xen liên tục vào nhau. Những câu chuyên ngắt quãng, đan xen, tái hiện những cảm quan hỗn độn của tư duy hậu hiện đại. Trong quá trình viết, câu chuyện được hiện lên thông qua chủ định của Di, cô thản nhiên để những kí ức ùa về. Chính cấu trúc này tạo nên tính chất “mảnh vỡ”, sự không liền mạch và bấp bênh của số phận con người. Với cách sáng tạo đó, Khói trời lộng lẫy là câu chuyện với những vấn đề xoay quanh Di công tác ở Viện với các mối quan hệ, những ký ức về gia đình và viết báo cáo về thời thơ ấu của đứa trẻ - đó chính là Phiên, em trai cùng cha khác mẹ với cô; việc Di đem Phiên đi bỏ trốn, sống ở vùng đất hẻo lánh, và ở đó có những con người số phận nhỏ bé như chị em cô. 3.4.2 Phi kết cục Hậu hiện đại là những câu chuyện không kết thúc, câu chuyện như bị bỏ dỡ. Mà ở đó số phận con người bỏ ngỏ. Chính điều này tạo nên sự trăn trở cho người đọc về những chuỗi sự việc, cuộc sống của họ sau này. Khi Phiên bỏ đi qua bên bờ kia sông, không thể biết được liệu nhân vật này có chấp nhận tha thứ cho người chị, có quay trở về gia đình tìm cha, có giữ được vẻ đẹp mà Di muốn nó vẫn tồn tại trong Phiên. Bên cạnh đó, sau sự việc nhân viên của Viện “bắt cóc” trẻ con, Viện Phó sẽ ra sao với con đường công danh Viện trưởng, Bộ trưởng mà anh hằn mong muốn. Đau lòng hơn, đó chính là cuộc sống của Di, khi kiệt cùng sức lực vì thương yêu và thù hận, Di để mình tan biến vào khói nhen lên từ những nếp lá mục nhà mình, nhưng đó là sự hóa thân thành một dáng hình huyền hoặc trong ánh sáng rực ngời. 370
  11. 4. KẾT LUẬN Hậu hiện đại đã để lại những dấu ấn nhất định trong quá trình tồn tại và tác động đến mọi mặt của cuộc sống. Sự mâu thuẫn từ chính chủ thể của “hậu hiện đại” là những con người tuy hoài nghi, cô đơn… song sâu thẳm trong tâm hồn, họ luôn hướng đến những điều tốt đẹp từ cuộc sống dẫu cho bị vùi dập hay tả tơi vì sự bất công nhưng vẫn gắng vươn mình. Trong hành trình thoát khỏi, biến mất để trở thành trung tâm, con người “hậu hiện đại” lựa chọn con đường đi có cội rễ sâu bền không chối bỏ bản năng thầm kín, sự quyết tâm đoạn tuyệt với lầm lỡ và niềm khát khao kiếm tìm cái đẹp. Khói trời lộng lẫy của Nguyễn Ngọc Tư đã chạm và bắt được vào mạch của dòng đời sâu thẳm. Con người sinh ra luôn có nhu cầu được sống và sống đúng chính mình. Bản năng thầm kín ấy đã được Nguyễn Ngọc Tư chú ý miêu tả trong các tác phẩm qua cách xây dựng các tuyến nhân vật gắn với cốt truyện có sự rời rạc. Những lời kể không theo một trình tự nhất định, nó đi theo lối suy nghĩ, tâm lý những dòng cảm xúc của nhân vật. Chính điều này, thể hiện sự chơi vơi cũng như những đau đớn mà họ đang gánh chịu. Các nhân vật trong Khói trời lộng lẫy khi thì ấp ủ niềm mơ ước về một tổ ấm gia đình, khi là sự khát khao, ham muốn nhục dục, khi thì muốn dược tự do lưu giữ những vẻ đẹp xưa cũ. Trong Khói trời lộng lẫy những con người Tây Nam Bộ luôn đau đáu về một gia đình trọn vẹn đó là thứ mà họ lỡ đánh mất hoặc bị đánh cắp và đau đớn trên hành trình trả thù. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2. Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Hoài Thanh (2003). Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết. Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn. 3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi (2006). Từ điển thuật ngữ văn học. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. 4. Lê Huy Bắc (2019), Văn học hậu hiện đại, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 5. Ngân Xuyên, Bùi Văn Nam Sơn, Jean-François Lyotard (2019), Hoàn cảnh Hậu hiện đại, NXB Tri thức 6. Nguyễn Ngọc Tư (2019), Khói trời lộng lẫy, NXB Trẻ 7. Nguyễn Trọng Bình (2009), Giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, http://www.viet-studies.net/NNTu/NNT_NguyenTrongBinh_2.htm (truy cập 01/11/2021) 8. Nhật Chiêu, Thiền và hậu hiện đại, trong Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.49. 9. Phạm Thị Thu Thuỷ (2020), Con người Nam Bộ nỗ lực thoát khỏi sự vô tăm, vô tích trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Ngữ văn 10. Phương Lựu (2004), Lý luận văn học, NXB Giáo dục 11. Trần Thị Ánh Nguyệt (2018), Cảm thức lưu lạc trong sáng tác Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn phê bình sinh thái, Tạp chí Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, số 241, 09-2018, https://vanhocsaigon.com/cam-thuc-luu-lac-trong-sang-tac-nguyen-ngoc-tu-tu-goc-nhin-phe- binh-sinh-thai/ (truy cập 29/10/2021) 12. Võ Văn Diệp (2013), Quan niệm nghệ thuật con người trong cánh đồng bất tận, http://vovandiep84.blogspot.com/2013/03/quan-niem-nghe-thuat-ve-con-nguoi-trong.html (truy cập 18/10/2021) 371
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0