intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dạy học văn học dân gian Việt Nam trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Dạy học văn học dân gian Việt Nam trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" phân tích một vài kinh nghiệm cũng như đề xuất về mặt phương pháp mang tính chiến lược trong việc dạy học theo phương châm tích hợp và khai thác tiềm năng ứng dụng xã hội của văn học dân gian Việt Nam nhằm đáp ứng định hướng phát triển toàn diện năng lực và mục tiêu hướng nghiệp cho người học trong bối cảnh toàn cầu hóa và công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục quốc gia. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dạy học văn học dân gian Việt Nam trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

  1. DẠY HỌC VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TS. Nguyễn Hữu Nghĩa12 TÓM TẮT Giáo dục văn hoá, nghệ thuật dân tộc luôn hiện hữu như một mệnh đề cốt lõi song song với vấn đề hội nhập quốc tế. Trong tổng thể văn hoá, nghệ thuật dân tộc nói chung, văn học dân gian là nền tảng, ngọn nguồn sức mạnh nội sinh tạo nên cốt cách và bản lĩnh dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh các cơ hội, xu thế phát triển xã hội luôn đặt ra những thách thức hơn bao giờ hết đối với công tác giáo dục văn hoá truyền thống trong nhà trường. Bài viết này phân tích một vài kinh nghiệm cũng như đề xuất về mặt phương pháp mang tính chiến lược trong việc dạy học theo phương châm tích hợp và khai thác tiềm năng ứng dụng xã hội của văn học dân gian Việt Nam nhằm đáp ứng định hướng phát triển toàn diện năng lực và mục tiêu hướng nghiệp cho người học trong bối cảnh toàn cầu hoá và công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục quốc gia. TỪ KHOÁ: văn hoá, nghệ thuật dân tộc, văn học dân gian Việt Nam, phương châm tích hợp, năng lực, hướng nghiệp TEACHING VIETNAMESE FOLKLORE IN THE CONTEXT OF FUNDAMENTAL INNOVATION, COMPREHENSIVE EDUCATION AND TRAINING ABSTRACT: Cultural and ethnic arts education persist as a core proposition in parallel with the issue of international integration. Within the broader cultural context, folklore serves as the foundation, constituting an intrinsic source of strength that shapes the character and ethos of the nation. However, contemporary times, alongside opportunities, present unprecedented challenges to the traditional cultural education endeavors within educational institutions. This article undertakes an analysis of several experiences and proposes methodological strategies in teaching, guided by the principles of integration and exploitation of the social application potential of Vietnamese folklore. It aims to orient the development of learners' capacities and career goals amidst the backdrop of globalization and the fundamental overhaul of the comprehensive national education system. KEYWORDS: cultural and ethnic arts education, Vietnamese folklore, the principles of integration, capacities, career goals 12 . Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 75
  2. I. DẪN NHẬP Ngày 04 tháng 11 năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kí ban hành “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới là: phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, chú trọng cả dạy chữ, dạy người, dạy nghề nhằm tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực cần thiết như trung thực, nhân văn, tự do sáng tạo, có hoài bão và lí tưởng phục vụ Tổ quốc, cộng đồng; đồng thời phải phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm chủ bản thân, làm chủ đất nước và làm chủ xã hội, có hiểu biết và kĩ năng cơ bản để sống tốt và làm việc hiệu quả. Như một qui luật, công tác đổi mới hệ thống giáo dục quốc gia luôn lấy định hướng giáo dục các giá trị truyền thống làm xương sống nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Có thể thấy được tính nhất quán của triết lí giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn phát triển và đổi mới đều chú trọng và ưu tiên đặc biệt cho công tác giáo dục văn hoá, nghệ thuật truyền thống như là một cách phát huy nguồn lực bên trong, kiên định mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển kinh tế- chính trị của quốc gia. Tuy nhiên, xu hướng số hoá mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang đặt ra những thách thức lớn hơn bao giờ hết đối với công tác giáo dục văn hoá truyền thống trong nhà trường. Vấn đề chính yếu không nằm ở bản thân sức sống của văn hoá truyền thống mà là phương thức tiếp cận văn hoá truyên thống trong hoạt động giáo dục học đường. Văn hoá truyền thống vẫn luôn tồn tại, được xã hội nâng niu, gạn lọc để góp mặt vào các lĩnh vực của đời sống. Trong khu vực nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, có những giá trị ổn định, với tư cách là những hằng số văn hoá dân tộc vẫn được bảo lưu trọn vẹn từ hình thức đến nội dung, các thành tố khác được biến đổi cho phù hợp với nhịp sống mới. Bằng cách này hay cách khác, văn học dân gian đã và đang khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị ưu việt của nó qua cách thức diễn xướng và ứng dụng của nhân dân. Điều đó khẳng định giá trị thực tiễn và khả năng thích ứng của bộ phận sáng tác nghệ thuật truyền thống này thực sự sâu sắc và mãnh liệt. Vấn đề đặt ra là cần phải có phương pháp tiếp cận tương thích với bản chất của đối tượng và đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. II. NỘI DUNG 2.1. Tổ chức hoạt động dạy học văn học dân gian theo phương châm tích hợp Dạy học tích hợp là “hoạt động tổ chức hướng dẫn cách thức huy động, tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ học tập, qua đó giúp người học hình thành những kiến thức, kĩ năng mới, phát triển được những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề trong học tập và thực tiễn cuộc sống.” [4] Phương pháp này đã được UNESCO đưa ra bàn bạc và nhấn mạnh phạm vi áp dụng ở cấp tiểu học và trung học cơ sở từ những thập niên 70 của thế kỉ XX. Ở Việt Nam, khái niệm dạy học tích hợp đã được đề cập từ 2003 trong các văn bản chỉ đạo định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trên thực tế, việc tổ chức dạy học theo phương châm tích hợp đã mang lại những kết 76
  3. quả đáng ghi nhận. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay, phương pháp này thể hiện rõ nhất vai trò và sứ mệnh lịch sử của nó gắn liền mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Xét riêng trong việc tổ chức dạy học tác phẩm văn học dân gian trong chương trình giáo dục phổ thông, chúng ta có thể tham khảo mô hình cấu trúc các hoạt động dạy học truyện ngụ ngôn được đề xuất bởi Theda Detlor (Mỹ). Trong công trình “Teaching with Aesop’s Fables” [3], tác giả đã thiết kế qui trình dạy học truyện ngụ ngôn cho học sinh tiểu học gồm 3 hoạt động dạy học tác phẩm và một phần mở rộng xuyên môn: Dạy học tác phẩm (Teaching the fable) 1- Thảo luận về câu chuyện (Disscuss the Fable): tổ chức giải quyết một số câu hỏi/vấn đề xoay quanh nội dung tác phẩm trong sự liên hệ với suy nghĩ, kinh nghiệm của người học. 2- Hoạt động chính (Main Activity): tổ chức một hoạt động được cân nhắc là phù hợp nhất đối với tác phẩm cụ thể nhằm ghi nhớ và có thể tái hiện lại câu chuyện ấy (kể chuyện + hoạt cảnh, tình huống có vấn đề cần giải quyết, trò chơi…) 3- Viết (Writting): kể lại kỉ niệm/trải nghiệm có liên quan đến/tương đồng với tình huống trong câu chuyện và nêu cảm nghĩ Xuyên môn (Across the Curriculum): tổ chức các nhiệm vụ/hoạt động học tập mở rộng sang các lĩnh vực khác nhau như: Khoa học tự nhiên (Sience), Khoa học xã hội (Social studies), Toán học (Math), Nghệ thuật (Art), Âm nhạc (Music), Nghệ thuật ngôn từ (Language Arts), Nấu ăn (Cooking).v.v.. Có thể nhận ra dụng ý tích hợp trong 3 hoạt động dạy học tác phẩm gồm: (1)- Tích hợp các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết (2)- Tích hợp giữa ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian với các thành tố nghệ thuật khác trong diễn xướng tác phẩm Đặc biệt, hoạt động xuyên môn được thể hiện linh hoạt thông qua việc kết nối các dữ kiện của tác phẩm với các ngành khác nhau một cách logich, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, từ khoa học cơ bản đến các lĩnh vực khoa học thường thức, từ tri thức khoa học đến kỹ năng mềm.v.v.. Với tính khái quát của các đề mục hoạt động, mô hình trên có thể được áp dụng cho các cấp học từ thấp đến cao trong bậc học phổ thông. Theo đó, từng hoạt động của mô hình có thể được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ phù hợp hoặc có thể điều chỉnh, bổ sung, mở rộng phạm vi cho sát với mục tiêu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo từng cấp học... Ở bậc đại học, dạy học tích hợp đối với bộ phận văn học dân gian Việt Nam tối thiểu cần thực hiện theo 2 nhóm: tích hợp các hình thái ý thức xã hội, các thành tố nghệ thuật trong bản chất nguyên hợp của tác phẩm văn học dân gian và tích hợp liên ngành phục vụ nhu cầu định hướng nghề nghiệp. Trước tiên, dạy học văn học dân gian là tổ chức cho sinh viên huy động các nguồn lực, trong điều kiện cho phép, nhằm phục dựng các bối cảnh văn hóa truyền thống để hiểu đúng bản chất của 77
  4. văn học dân gian. Văn học dân gian, từ trong bản chất nguyên hợp nghệ thuật và tính liên ngành của nó, luôn có sự tích hợp ở chiều sâu của các thành tố văn hoá, nghệ thuật truyền thống. Theo xu hướng vận động của xã hội, các thành tố ấy lại được ứng dụng vào các loại hình nghệ thuật đương đại trong viễn cảnh tái sáng tạo không ngừng của văn hoá nhân loại. Việc dạy học văn học dân gian trong nhà trường vì thế, vừa đặt ra những thách thức vừa tạo ra những cơ hội mới cho công tác giáo dục văn hoá, nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Theo nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh, văn học dân gian là “một hình thức của hoạt động nghệ thuật không chuyên”, “không tồn tại dưới dạng độc lập, mà gắn bó hầu như hoà làm một với hoạt động thực tiễn của con người”. [5] Với tư cách một trong các đặc trưng quan trọng hàng đầu của nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, nguyên hợp nghệ thuật là sự trộn lẫn ngay từ đầu các hình thái ý thức xã hội khác nhau (văn học, lịch sử, tôn giáo, đạo đức,.v.v..) và các thành tố nghệ thuật khác nhau (ngôn từ, vũ đạo, âm nhạc.v.v..) trong quá trình sáng tạo và diễn xướng tác phẩm văn học dân gian. Để hỗ trợ người học hiểu đúng bản chất của các sáng tác ngôn từ nghệ thuật truyền miệng của nhân dân, hoạt động dạy học cần tái hiện song song bối văn hoá và bối cảnh diễn xướng tác phẩm văn học dân gian. Thông qua việc tổ chức các nhiệm vụ học tập dưới dạng các bài tập nhóm hoặc cá nhân khai thác tối đa các tiện ích công nghệ thông tin nhằm huy động các dữ kiện lịch sử, văn hoá dưới nhiều hình thức khác nhau (từ các tài liệu đến tranh ảnh và các video clip) để người học có thể tự trải nghiệm và tái hiện lại “bầu không khí của thời đại” mà ở đó, hoạt động sáng tác và lưu truyền tác phẩm văn học dân gian diễn ra tự nhiên trong các sinh hoạt thực tiễn và là một phần không thể tách rời với đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng lao động. Quan trọng hơn cả là việc hướng dẫn, hỗ trợ người học phân tích các thành tố nghệ thuật trong các tình huống diễn xướng tác phẩm cụ thể ở từng thể loại (tự sự, trữ tình và lời ăn tiếng nói) với phương thức tương ứng (hát, nói, kể, diễn). Mục tiêu cần đạt từ các hoạt động nói trên là giúp người học hiểu được bản chất của tác phẩm văn học dân gian là sự tổng hợp tri thức và kinh nghiệm xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và sự kết hợp giữa nghệ thuật ngôn từ với các thành tố nghệ thuật khác với đặc trưng quan trọng bậc nhất là chức năng sinh hoạt thực hành, tham gia trực tiếp vào mọi hình thức giao tiếp và sinh hoạt thường nhật của nhân dân. Kế đến, việc tổ chức các hoạt động học tập theo dự án gắn với việc ứng dụng các tác phẩm thuộc các thể loại văn học dân gian là phương pháp thể hiện rõ tính tích hợp kiến thức và kĩ năng của sinh viên trên nhiều lĩnh vực như: nhân học văn hoá (văn hoá học, lịch sử, khảo cổ, tôn giáo, bảo tàng…), báo chí-truyền thông, giải trí (âm nhạc, sân khấu, điện ảnh), thương mại, thời trang.v.v.. Trong quá khứ cũng như ở thời điểm hiện tại, văn học dân gian vừa là tri thức đời sống, vừa là món ăn tinh thần với tư cách tồn tại như một loại hình nghệ thuật hoặc trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các lĩnh vực hoạt động khác nhau của xã hội. Do vậy, tiềm năng khai thác các dự án dạy học ở văn học dân gian là không có giới hạn. Thực tế cho thấy, các ứng dụng chất liệu văn học dân gian vào thực tiễn đang diễn ra sôi động với sức sáng tạo đáng kinh ngạc. Như vậy, phương pháp dạy học tích hợp vừa có độ tương thích cao với bản chất của văn học dân gian vừa có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong bối cảnh giáo dục hiện đại. 78
  5. 2.2. Tổ chức hoạt động dạy học văn học dân gian theo nhóm năng lực người học Luận điểm 3 trong các quan điểm chỉ đạo thể hiện tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI) ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ghi rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.” [7] So với các văn bản chỉ đạo trước đây, mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW có những điểm mới. Bên cạnh năng lực công dân, Nghị quyết nhấn mạnh tập trung hình thành năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn [7]. Phát triển năng lực là một trong những yêu cầu quan trọng, thể hiện rõ nhất việc đổi mới mục tiêu giáo dục lần này. Song song với điều đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh một trong các mục tiêu cụ thể đối với giáo dục phổ thông là phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Năng lực là một khái niệm chỉ các phẩm chất được hình thành trên cơ sở tổng hoà nhiều yếu tố như kiến thức, kĩ năng, thái độ, động cơ, hứng thú… Quan niệm này chi phối toàn bộ các yếu tố của quá trình giáo dục, từ nội dung, phương pháp đến đánh giá kết quả học tập. Mục tiêu phát triển năng lực nhằm khắc phục tình trạng quá chuyên chú vào mục tiêu trang bị kiến thức hàn lâm, kinh viện mang tính lí thuyết nhưng xem nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức khoa học vào đời sống thực tiễn. Quan điểm chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 quyết liệt đặt ra yêu cầu phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học, khắc phục triệt để lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Với phương châm lấy người học làm trung tâm, việc tổ chức dạy học tác phẩm văn học dân gian có thể được tổ chức thành các nhóm nhỏ phân hoá [1] theo năng lực người học thông qua các gói hoạt động nhằm hướng đến các kỹ năng phục vụ nhu cầu xã hội và định hướng nghề nghiệp. Điều này không những kích thích sự hứng thú học tập mà còn khơi gợi, đánh thức tiềm năng của người học nhằm hướng đến mục tiêu hướng nghiệp theo một lộ trình. Dạy học văn học dân gian trong nhà trường chủ yếu xoay quanh các hoạt động hướng đích phát triển các nhóm năng lực sau: nghiên cứu, giao tiếp, sáng tác và biểu diễn. Trong đó, kỹ năng tư duy, tổ chức và hoạt động giữ vai trò chủ đạo, thường trực. Việc tập hợp và thiết lập các nhóm học tập theo năng lực tạo một sân chơi tự do có định hướng cho người học. Cục diện lớp học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã đổi khác rất nhiều so với trước đây. Có thể xem lớp học là sân chơi, người học là người chơi, giáo viên là người quản trò, tư vấn viên, trọng tài hoặc giám khảo. Nhóm năng lực từ 5-9 thành viên là nơi quy tụ những người cùng sở trường và sở thích. Họ có chung sự quan tâm đặc biệt dành cho một loại hình hoạt động sáng tạo nhưng vẫn có lối đi riêng. Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu sẽ tập hợp những người học có hứng thú và giỏi về việc tra cứu thông tin, khám phá tri thức. Trong đó, mỗi người có thể có sở trường và niềm đam mê trong các lĩnh vực khác nhau. Có người am hiểu về các tín ngưỡng nguyên thuỷ, quan tâm nhiều nhất đối với các thần thoại suy nguyên. Người thì chuyên chú vào các phong tục và lễ hội cổ truyền 79
  6. gắn liền với hành trạng các nhân vật lịch sử và các truyện truyền tụng trong nhân dân.v.v.. Nhóm sáng tác có thể tập hợp những thành viên với khả năng và niềm đam mê sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật ở các lĩnh vực khác nhau như: viết kịch bản tổ chức sự kiện/quảng cáo/sân khấu/điện ảnh, sáng tác thơ ca/truyện, vẽ tranh.v.v.. Mỗi thành viên trong nhóm biểu diễn có chung niềm đam mê và khả năng thể hiện các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thông qua các hoạt động trình diễn đồng thời mỗi người có thể có sở trường riêng về ca hát, vũ đạo hoặc diễn xuất. Như vậy, việc lập nhóm học tập theo năng lực thể hiện sự quan tâm mang tính mở và tính cá nhân hoá, cũng như tạo điều kiện phát triển đối với từng cá thể người học. Sự đa dạng về sở trường và sở thích tạo nên sức mạnh của mỗi nhóm năng lực. Mỗi thành viên được đánh thức tiềm năng bên trong, được tạo cơ hội khám phá, thể hiện, thậm chí thể nghiệm năng lực bản thân. Nếu được tổ chức bài bản, đây sẽ là một trong những mô hình tổ chức lớp học phù hợp bậc nhất đối với triết lí và mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay. Song song với việc mô hình tổ chức nhóm học tập theo năng lực là việc thiết kế các gói hoạt động và nhiệm vụ học tập tương ứng, theo đó, mỗi nhóm học tập sẽ được giao các gói đề tài dưới dạng các bài tập từ đơn giản đến phức tạp tương thích với năng lực đã lựa chọn. Chẳng hạn, nhóm năng lực nghiên cứu sẽ được giao các nhiệm vụ tìm hiểu và trình bày các nội dung liên quan đến lịch sử văn học dân gian, các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian trên cơ sở đối sánh với văn học viết, các đặc trưng của từng thể loại cụ thể hoặc các thủ pháp nghệ thuật trong các tác phẩm cụ thể.v.v.. Nhóm năng lực sáng tác sẽ trình bày các vấn đề lí thuyết (đối sánh giữa văn học dân gian và văn học viết hoặc đối sánh các thể loại) thông qua các hình thức tranh vẽ, sơ đồ, hình ảnh. Bên cạnh đó, nhóm này có thể được giao nhiệm vụ sáng tác thơ ca hoặc viết kịch bản sân khấu, quảng cáo sản phẩm…dựa trên chất liệu văn học/văn hoá dân gian. Nhóm năng lực giao tiếp trình bày các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thông qua hình thức hướng dẫn viên thuyết minh các điểm đến du lịch, tổ chức các mini show sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các triển lãm nghệ thuật dân tộc, các buổi giới thiệu sản phẩm, livestream bán hàng có vận dụng tác phẩm văn học dân gian.v.v.. Nhóm năng lực biểu diễn có thể tổ chức các sinh hoạt ca hát, các trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống gắn với tác phẩm văn học dân gian cụ thể.v.v.. Các nhiệm vụ học tập có thể được thiết kế theo hướng liên kết-phối hợp thực hiện giữa các nhóm năng lực (nghiên cứu-sáng tác, sáng tác- biểu diễn, nghiên cứu-giao tiếp, nghiên cứu-sáng tác-biểu diễn, nghiên cứu-sáng tác-giao tiếp.v.v..). Hình thức tổ chức hoạt động học tập thông qua giải quyết các gói đề tài như trên vừa bao quát được các nội dung lí thuyết vừa đảm bảo tiếp cận thực tế diễn xướng và ứng dụng văn học dân gian vào thực tiễn, vừa phát huy khả năng, năng khiếu của người học vừa chuyển giao tri thức giữa các nhóm trong phạm vi lớp học. Hô ứng với mô hình tổ chức hoạt động dạy học trên là các gói câu hỏi kiểm tra - đánh giá kết quả học tập và hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó, có gói đề bài dành cho nhóm đối tượng người học đại trà và nhóm đề tài dành cho các nhóm năng lực đặc thù. Sự phân biệt theo hướng tiếp cận và phân cấp theo độ khó của đề tài cũng được tính đến. Các bài tập xác định các thủ pháp nghệ thuật, phân tích các đặc trưng thi pháp thích hợp cho nhóm đối tượng người học đại trà. Việc khảo sát các type và mối thích hợp đối với nhóm năng lực nghiên cứu với độ khó tương đối. Nghiên cứu ứng dụng dành cho nhóm đối tượng có khả năng nghiên 80
  7. cứu tốt. Phương pháp kiểm tra-đánh giá và định hướng nghiên cứu khoa học này vừa tạo được môi trường tự do trong học tập mà vẫn đảm bảo chất lượng khoa học và sự phân hoá năng lực người học. Thông qua những trải nghiệm học tập này, người học được tạo điều kiện cọ sát thực tiễn để phát hiện và nâng cao năng lực bản thân, vừa được đánh giá đồng thời tự đánh giá năng lực cá nhân để có những hoạch định ngắn và dài hạn trong việc hoàn thiện, nâng cao giá trị bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. 2.3. Tổ chức hoạt động dạy học văn học dân gian nhắm đến mục tiêu hướng nghiệp Vấn đề giáo dục văn hoá, nghệ thuật dân tộc ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh sự chuyển giao công nghệ và giao lưu văn hoá toàn cầu diễn ra rộng khắp và mạnh mẽ theo xu hướng thiết lập một trật tự thế giới phẳng. Hàng loạt những câu hỏi lớn của thời đại đặt ra: Văn hoá truyền thống phải chăng chỉ là những vật thể xưa cũ, chết cứng chỉ có giá trị trưng bày để hoài niệm? Chúng ta đang trở thành con người hiện đại mà không hề có sự kết nối mang tính kế thừa nào từ những giá trị văn hoá truyền thống? Văn hoá truyền thống có mang lại giá trị cho kinh tế thị trường và kỹ nghệ số hoá? Để trả lời cho những câu hỏi mang tính vĩ mô, trước hết, cần trả lời câu hỏi: Những biểu hiện nào cho thấy văn hoá truyền thống đang tồn tại trong các lĩnh vực đời sống của chúng ta hiện nay? Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người làm giáo dục trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện hiện nay là xây dựng một hệ hình phương pháp hỗ trợ người học tiếp cận văn hoá truyền thống từ chính những gì đang diễn ra trong đời sống thực tiễn để các em thấy được văn hoá truyền thống đã tạo nên diện mạo xã hội và ừng cá thể người như thế nào và đến lượt mình, mỗi chúng ta đã và đang ứng xử và vận dụng sáng tạo văn hoá truyền thống ra sao. Hiện nay, trong lĩnh vực văn học dân gian, một quá trình kép đang diễn ra mạnh mẽ: sự thu hẹp các hình thức diễn xướng truyền thống và sự nở rộ các môi trường ứng dụng hiện đại đối với tác phẩm văn học dân gian. Sự chuyển đổi từ mô hình và phương thức hoạt động sống dựa trên nền tảng lao động chân tay bằng công cụ thủ công thô sơ, sự tương tác và giao tiếp thể chất trực tiếp theo nhóm nhỏ sang cơ chế sản xuất được vận hành bằng thiết bị máy móc và các phương tiện thông tin liên lạc theo tác phong công nghiệp, số hoá có sự tinh giản tối đa nhân lực và các hoạt động khác ngoài qui trình sản xuất, các tình huống diễn xướng - vốn là một phần tất yếu của sinh hoạt đời sống - đã bị thu hẹp và tiêu biến. Các hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên của thanh niên nam nữ, các buổi kể chuyện đời xưa của ông bà cha mẹ dành cho trẻ thơ, những cuộc hát ru em, những điệu hò lao động, những trò diễn trong các lễ hội truyền thống đang từng ngày trở nên thưa dần. Thay vào đó, người ta dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao để trò chuyện trên facebook, trong các chương trình truyền hình thực tế, sáng tác âm nhạc và làm chiến lược quảng bá sản phẩm, ứng dụng các yếu tố tự sự trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích để xây dựng MV ca nhạc, các tác phẩm điện ảnh, các trò chơi điện tử.v.v.. Trên thực tế, văn học dân gian vẫn đang sống một đời sống khác phù hợp với xu thế của thời đại. Trước tình hình đó, thay vì chỉ tỏ ra tiếc thương cho sự mai một và kêu gọi giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, các cấp quản lí và các cơ sở giáo dục cần xây dựng các chiến lược hành động thực tiễn, cho người học thấy được thực tế là văn học 81
  8. dân gian đang len lỏi góp mặt vào hầu hết các lĩnh vực của xã hội đương đại, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí mà ba mũi nhọn là trò chơi điện tử, âm nhạc và điện ảnh. Thế hệ gen Z đang tắm mình trong môi trường văn hoá đại chúng đương đại, trong đó, có sự tham gia đáng kể của văn học dân gian. Lần đầu tiên trong vòng vài ba thập kỉ trở lại đây, chúng ta thấy sự vận dụng rộng rãi và khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết các giá trị của văn học dân gian trong âm nhạc đường phố (rap), các bộ phim bom tấn thuộc nhiều thể loại và các tựa game nổi tiếng toàn cầu. Đấy là các lĩnh vực mũi nhọn của ngành công nghiệp hái ra tiền bậc nhất hành tinh. Hàng ngày, cư dân mạng vẫn dùng các tác phẩm lời ăn tiếng nói dân gian để quảng cáo thương mại. Đặc biệt, việc vận dụng sáng tạo các tác phẩm văn học dân gian truyền thống không chỉ là một sự thích ứng của các giá trị tinh hoa trong viễn cảnh mới mà còn là một cuộc đối thoại sống động giữa những yếu tố mới đang thành hình với những quan niệm và giá trị vốn đã trở thành chuẩn mực. Rõ ràng, việc dạy học tác phẩm văn học dân gian trong bối cảnh hiện nay không thể lấy văn bản tác phẩm làm trung tâm mà cần tổ chức để người học tiếp cận các tình huống và bối cảnh thực tế đã và đang diễn ra trong giao tiếp thường nhật trên không gian mạng xã hội cũng như các lĩnh vực sản xuất chuyên biệt như là một phần của sự vận hành đời sống xã hội hiện đại. Quan trọng hơn cả là việc hỗ trợ định hướng phát triển khởi nghiệp cho người học thông qua việc dạy học tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường. Với những dữ kiện nêu ở trên, có thể thấy, việc tổ chức các hoạt động học tập, trải nghiệm cho người học theo hướng ứng dụng văn học dân gian gắn với hầu hết các loại hình nghề nghiệp đang nóng hổi trên thị trường hiện nay. Các bài tập thu thập và phân tích chiến lược/mục đích thương mại từ các bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội trong đó chủ tài khoản sử dụng chất liệu ngữ văn dân gian vào các bài đăng hoặc livestream quảng cáo bán hàng là một phương pháp hữu ích giúp học sinh tiếp cận với các chiến lược thuộc các lĩnh vực thương mại điện tử, tổ chức sự kiện, giám đốc sáng tạo... Thông qua việc giải quyết các nhiệm vụ tiếp cận, phân tích vai trò của tác phẩm văn học dân gian trong các MV ca nhạc có thể gợi ý cho người học các ngành nghề liên quan đến việc sáng tạo nội dung hay nhà sản xuất (reviewer, youtuber, tiktoker, producer…). Các dự án nghiên cứu khả năng ứng dụng tác phẩm văn học dân gian vào lĩnh vực trò chơi điện tử và điện ảnh có thể mở ra các viễn cảnh cho công việc liên quan đến sản xuất, biên kịch, đạo diễn. Các hình thức sân khấu hoá tác phẩm văn học dân gian cũng có thể mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc định hướng các nghề nghiệp như biên kịch, diễn viên, biên đạo múa, thiết kế sân khấu.v.v… Thực tiễn dạy học tác phẩm văn học dân gian theo các hình thức tổ chức hoạt động gắn với thực tiễn đời sống và định hướng nghề nghiệp nói trên thực sự phù hợp với mục tiêu và triết lí giáo dục, giải quyết được hai nhiệm vụ song song: phát huy các giá trị văn hoá - nghệ thuật truyền thống và bắt nhịp với thời đại. Đặc biệt, các hoạt động này khơi gợi hứng thú cao đối với người học - một trong những vấn đề mấu chốt quyết định hiệu quả học tập trong nhà trường. Với chiến lược này, học để hiểu biết chỉ là cơ sở để tiến đến học để làm việc và cùng chung sống trong một xã hội phát triển không ngừng. 82
  9. KẾT LUẬN Văn học dân gian nói riêng, văn hoá dân gian nói chung là “bộ mã di truyền văn hoá” và là yếu tố tạo nên sức đề kháng văn hoá của một dân tộc. Hệ thống giáo dục quốc gia có nhiệm vụ trao truyền bộ mã văn hoá ấy. Cơ sở lí luận và kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc áp dụng triệt để phương châm tích hợp trên nhiều bình diện kết hợp với việc tổ chức mô hình lớp học theo nhóm năng lực người học và khai thác tốt tiềm năng ứng dụng xã hội của văn học dân gian nhắm đến mục tiêu hướng nghiệp là một chiến lược dạy học mang tính khả thi trong bối cảnh toàn cầu hoá. Lẽ dĩ nhiên, chiến lược này chỉ là một phác thảo tổng thể. Việc cụ thể hoá thành một bản thiết kế chi tiết cần sự nghiên cứu kĩ lưỡng để xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch dạy học phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng cấp học, địa phương và cơ sở giáo dục. Cần thấy rằng việc xây dựng chiến lược dựa trên phương pháp luận khoa học sẽ là bước khởi đầu đầy hứa hẹn cho công tác giáo dục văn hoá, nghệ thuật dân tộc trong thời đại mới./ TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (2024), Tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học. Vũ Đình Chuẩn (chủ biên) (2013), Tài liệu tập huấn Đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học của Bộ Giáo dục, Hà Nội. Detlor, T. (2001), Teaching with Aesop’s Fable, Scholartic Professional Books, ISBN 10: 0439131200, Scholastic Inc, New York, USA. Bùi Hiền (2001), Từ điển Giáo dục, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2002), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. Hoàng Phê (2023), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng Tổng Bí thư (2013), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Truy cập từ; https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can- ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=3928 83
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2