intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 cấp tỉnh năm 2020-2021 - Sở GD&ĐT Bắc Ninh

Chia sẻ: Kiều Anh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:4

281
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Với mong muốn giúp các em có thêm tài liệu ôn tập thật tốt trong kì thi chọn HSG sắp tới. TaiLieu.VN xin gửi đến các em Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 cấp tỉnh năm 2020-2021 - Sở GD&ĐT Bắc Ninh. Vận dụng kiến thức và kỹ năng của bản thân để thử sức mình với đề thi nhé! Chúc các em đạt kết quả cao trong kì thi học sinh giỏi sắp tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 cấp tỉnh năm 2020-2021 - Sở GD&ĐT Bắc Ninh

  1. UBND TỈNH BẮC NINH ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2020-2021 Môn: Ngữ văn - Lớp 11 ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề) (Đề thi có 01 trang) Câu 1 (8.0 điểm) “…Rừng vẫn hát bài ca thê lương, sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước. - Ta sẽ làm gì cho mọi người đây?!- Đankô gào to hơn sấm. Bỗng nhiên anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu. Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với con người.” (Bà lão Idecghin, Tuyển tập truyện ngắn M.Gorki, Tập một, NXB Văn học,1984, tr136) Từ ý nghĩa trái tim Đankô, anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bàn về một lẽ sống mà bản thân tâm đắc nhất. Câu 2 (12.0 điểm) “Đến Thơ mới, trong thơ ca Việt Nam mới từng có cái tôi trữ tình cá thể. Mỗi thi sĩ Thơ mới tiêu biểu là một gương mặt, một điệu tâm hồn không thể lẫn”. (Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, Tập 1, NXB Đại học Sư phạm, tr145) Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Qua các tác phẩm: Vội vàng (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), hãy làm sáng tỏ nhận định trên. ===== Hết ===== Họ và tên thí sinh: ................................................... Số báo danh ............................
  2. UBND TỈNH BẮC NINH HƯỚNG DẪN CHẤM SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH ¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯ NĂM HỌC 2020-2021 (Hướng dẫn chấm có 03 trang) Môn: Ngữ văn - Lớp 11 ¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯ Câu 1. (8.0 điểm) I. Yêu cầu về kĩ năng: - Biết cách làm bài nghị luận xã hội. - Vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các thao tác: giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, phản bác. - Lời văn trong sáng, diễn đạt rõ ràng mạch lạc, không mắc lỗi chính tả ngữ pháp. II. Yêu cầu về kiến thức: Đây là kiểu đề mở, từ những ý nghĩa khác nhau thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách với những liên tưởng, mở rộng, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: 1. Giải thích (1,5 điểm) - Trái tim Đankô: + Trái tim giàu sức sống tỏa sáng trong hoàn cảnh thê lương, khắc nghiệt của thiên nhiên, xã hội, cuộc đời. + Trái tim rực cháy yêu thương: thương con người, quyết tâm cứu họ khỏi đầm lầy và bóng tối, sẵn sàng hi sinh vì họ. + Trái tim đẹp đẽ, quả cảm tỏa sáng trên hành trình đi tìm chân lí. - Những lẽ sống cao đẹp được gợi ra từ biểu tượng trái tim Đankô + Sống vượt lên nghịch cảnh. + Sống giàu tình yêu thương. + Sống mạnh mẽ, dám xả thân vì người khác, dám chấp nhận những bi kịch của người mở đường. + Sống có lí tưởng. - Thí sinh có thể chọn một trong các lẽ sống được gợi ý ở trên và giải thích ngắn gọn khái niệm lẽ sống mà mình đã chọn. 2. Bàn luận (5,0 điểm) - Biểu hiện cụ thể của lẽ sống - Ý nghĩa của lẽ sống - Vì sao cần chọn lẽ sống ấy? Trái với lẽ sống ấy là cách sống như thế nào? 3. Bài học nhận thức và hành động (1,5 điểm) - Những trăn trở, trải nghiệm sâu sắc của bản thân về lẽ sống mà mình tâm đắc * Lưu ý: Trong quá trình bàn luận, thí sinh cần lựa chọn và phân tích được những dẫn chứng tiêu biểu để làm nổi bật lẽ sống nhân văn được gợi ra từ ý nghĩa của hình tượng trái tim Đankô. Khuyến khích và trân trọng những bài viết có bản sắc, tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, sáng tạo, độc đáo. III. Biểu điểm. - Điểm 7-8: Sáng tạo trong cách trình bày, có suy nghĩ, cảm nhận riêng, lập luận sắc sảo thuyết phục, diễn đạt giàu chất trí tuệ, chất văn. - Điểm 5-6: Nêu được những ý cơ bản nhưng lập luận( luận và bác) chưa thuyết phục, trình bày ngắn gọn rõ ràng. - Điểm 3-4: Bài viết nêu được những ý cơ bản nhưng bố cục không khoa học, dẫn chứng chưa phong phú, còn mắc lỗi trong diễn đạt. - Điểm 1-2: Ý nghèo nàn, bố cục rối, hầu như không có dẫn chứng, diễn đạt tối nghĩa. Câu 2. (12,0 điểm) I. Yêu cầu về kỹ năng - Biết cách làm bài nghị luận văn học, kết hợp được cả kiến thức lí luận và năng lực cảm thụ văn học. - Lập luận chặt chẽ, văn phong sáng rõ, có cảm xúc, biết chọn lựa chi tiết để bình giá.
  3. - Không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt, lỗi dùng từ, đặt câu,… II. Yêu cầu về kiến thức Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo những nội dung sau: 1. Giải thích (1,0 điểm) - Thơ mới: là thơ viết theo lối mới, thoát khỏi những ràng buộc của thi pháp thơ trung đại - thứ thơ cách luật gò bó, chặt chẽ về niêm luật. Thơ mới cũng được dùng để chỉ phong trào thơ ca lãng mạn Việt Nam (1932-1945). - Cái tôi trữ tình: là hình thức tự ý thức của tác phẩm trữ tình, là hình tượng cái tôi – cá nhân cụ thể, cái tôi tác giả với những nét riêng biệt. => Ý nghĩa của nhận định: Nhận định được tạo nên bởi hai mệnh đề có quan hệ bổ sung ý nghĩa cho nhau nhằm khằng định: Thơ mới là một cuộc cách mạng trong lịch sử thi ca Việt Nam với đóng góp nổi bật là sự xuất hiện của từng cái tôi trữ tình cá thể. Mỗi thi sĩ tiêu biểu là một gương mặt một điệu tâm hồn riêng cùng góp phần làm nên phong cách một trào lưu văn học. 2. Vì sao nói: Đến Thơ mới, thơ ca Việt Nam mới có từng cái tôi trữ tình cá thể, mỗi thi sĩ tiêu biểu là một gương mặt, một điệu tâm hồn không thể lẫn? (1,0 điểm) - Nền văn học trung đại phát triển trong khuôn khổ chế độ phong kiến chủ yếu là một nền văn học phi ngã. Thơ ca trung đại đề cao cái Ta, gắn trách nhiệm, bổn phận với cộng đồng, gia đình, xã hội. Văn chương coi trọng mục đích giáo huấn, Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ ngôn chí. Các nhà thơ trung đại chưa lấy con người cá nhân làm đối tương phô bày và bộc lộ cảm xúc, cũng chưa nhìn thế giới bằng con mắt của cá nhân mình. - Thơ mới là tiếng nói của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Sự xuất hiện của hai giai cấp này với những tư tưởng, tình cảm mới, những thị hiếu thẩm mĩ mới cùng với sự giao lưu văn hóa, văn học Đông Tây là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của phong trào Thơ mới 1932- 1945. Thơ mới thoát khỏi hệ thống thi pháp trung đại, tập trung thể hiện tình cảm, cảm xúc của dòng chảy nội tâm. Cái tôi hiện ra như một vị trí trung tâm trong Thơ mới, cái tôi mở rộng tâm hồn ra để đón nhận tất cả, lắng nghe tất cả, khao khát giải phóng cá tính. - Ý thức về cái Tôi đã đem đến sự phong phú, đa dạng trong cách biểu hiện. Mỗi nhà thơ đều nhìn thế giới bằng con mắt của cá nhân mình. Mỗi nhà Thơ mới là một chủ thể sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật với việc cá thể hoá trong cách cảm thụ thế giới và cách biểu hiện thế giới, Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu. 3. Chứng minh sự thể hiện của cái tôi trữ tình cá thể, với điệu tâm hồn không thể lẫn trong các bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu), Tràng giang (Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) (9,0 điểm) a. Vội vàng (Xuân Diệu): - Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. - Cái tôi Xuân Diệu trong Vội vàng: + Cái tôi yêu đời, khát sống với những khát vọng táo bạo, lạ lùng, khát khao tận hưởng vẻ đẹp của thiên đường trần thế qua bức tranh thiên nhiên mùa xuân ngập tràn xuân sắc, xuân tình. Cái tôi luôn bị ám ảnh bởi cảm thức thời gian, chay đua với thời gian, tiếc nuối sự chảy trôi của thời gian, sự tàn phai của mùa xuân, tuổi trẻ, hạnh phúc. + Cái tôi tràn đầy khát vọng và nội lực với những cảm xúc vừa tươi mới vừa mang tính chiêm nghiệm, trải nghiệm, thể hiện quan niệm nhân sinh mới mẻ và tiến bộ, là lời giục giã sống hết mình, sống mãnh liệt cho mỗi phút giây của tuổi trẻ, tận hưởng cuộc đời và tận hiến cho thế gian. + Cái tôi độc đáo, cá thể hoá trong cách biểu đạt: Sự kết hợp giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí, những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ mới lạ, chịu ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn Pháp, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ, nhịp điệu… b. Tràng giang (Huy Cận) - Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
  4. - Cái tôi Huy Cận trong Tràng giang: + Cái tôi cô đơn giữa không gian mênh mông, quạnh hiu, rợn ngợp: sông dài, trời rộng, bến cô liêu, thấm thía nỗi buồn từ lòng người tỏa lan đến tạo vật. Cái tôi ấy luôn bị ám ảnh bởi những biểu tượng về kiếp người nhỏ bé, bơ vơ (cành củi, cánh bèo, cánh chim) + Cái tôi khát khao giao cảm với thiên nhiên, cuộc sống con người để tìm sự đồng điệu, đồng cảm nhưng tuyệt nhiên không thấy (khao khát lắng nghe, lắng tìm âm thanh tiếng làng xa vãn chợ chiều, cầu, đò – sợi dây kết nối những miền cách xa…). Cái tôi sầu buồn tìm về điểm tựa tình quê, nỗi nhớ quê hương. Tràng giang là bài thơ ca ngợi non sông đất nước, dọn đường cho tình yêu xứ sở. + Cái tôi độc đáo trong cách biểu đạt: Sử dụng nhiều ngôn ngữ, thi liệu cổ điển, giọng điệu trầm buồn, sâu lắng, hàm súc, giàu chất triết lí vừa phảng phất chất Đường thi vừa thể hiện nét hiện đại của Thơ mới. c. Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử) - Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. - Cái tôi Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ: + Cái tôi yêu đời ham sống, một tình yêu đớn đau đối với cuộc đời trần thế qua những hoài niệm trong trẻo và dịu ngọt về thiên nhiên, con người Vĩ Dạ và những khát khao hi vọng về một tình yêu, tình người trên đất Huế. + Một cái tôi tràn đầy mặc cảm, hoài nghi, day dứt, hi vọng và tuyệt vọng, xót xa, ám ảnh vì sự ngắn ngủi của thời gian, cuộc đời, sự bạc bẽo của tình người, tình đời… + Cái tôi độc đáo trong cách biểu đạt: Hình ảnh sáng tạo, gắn với trí tưởng tượng phong phú, vừa thực vừa ảo, chịu ảnh hưởng của tư duy tượng trưng siêu thực, ngôn ngữ tinh tế, nhiều sắc thái biểu cảm (câu hỏi tu từ, đại từ phiếm chỉ). 4. Bàn luận (1,0 điểm) - Đây là một nhận định chính xác mang tính khoa học. Thơ mới là thơ của cái Tôi. Thơ mới đề cao cái tôi như một sự cố gắng cuối cùng để khẳng định bản ngã của mình và mong được đóng góp vào văn mạch dân tộc mở đường cho sự phát triển của thi ca Việt Nam hiện đại. - Mang tinh thần chung của thời đại Thơ mới, nhưng mỗi tác giả, mỗi bài Thơ mới có nét riêng độc đáo không lặp lại. Cái riêng kết hợp với cái chung tạo nên sự đa dạng phong phú, độc đáo của phong trào Thơ mới. Thơ mới làm nên thành tựu lớn lao nhưng không quay lưng đoạn tuyệt mà kết tinh và bám rễ sâu sắc với thơ ca dân tộc. - Bài học cho người sáng tạo và tiếp nhận: bản chất của lao động nghệ thuật là sáng tạo, người nghệ sỹ phải tạo được dấu ấn riêng trong tác phẩm của mình. Người đọc khi đến với tác phẩm biết khám phá trân trọng những sáng tạo ấy, lấy hồn tôi để hiểu hồn người. III. Biểu điểm - Điểm 11-12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, bố cục chặt chẽ, lập luận sắc sảo, diễn đạt linh hoạt, khuyến khích những bài văn có tính sáng tạo. - Điểm 9-10: Nắm vững các yêu cầu đề, bài làm đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có thể mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ… - Điểm 7-8: Tỏ ra hiểu đề nhưng chưa sâu, còn một số lỗi diễn đạt dùng từ. - Điểm 5-6: Đáp ứng ít nhất một nửa yêu cầu của đề bài - Điểm 3-4: Hiểu chưa đúng trọng tâm yêu cầu đề, bài làm sơ sài mắc nhiều lỗi diễn đạt - Điểm 1-2: Bài viết lan man, không nắm được yêu cầu của đề. - Điểm 0: Để giấy trắng hoặc viết chuỗi câu vô nghĩa.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2