intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Định hướng đào tạo nhân lực địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp ở Đắk Nông

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Du lịch nông nghiệp đang là một xu hướng phát triển mới của ngành du lịch Việt Nam. Các địa phương đã đầu tư cho loại hình này đều thu được kết quả khả quan, giúp ngành du lịch có thêm sản phẩm mới và bà con nông dân có thêm thu nhập, việc làm. Vì vậy cần có định hướng tạo tạo lý thuyết, thực hành và đi thực tế để xây dựng nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này. Hy vọng du lịch nông nghiệp sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới, cũng như ngành công nghiệp không khói ở Đăk Nông trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Định hướng đào tạo nhân lực địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp ở Đắk Nông

  1. Định hướng đào tạo nhân lực địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp ở Đắk Nông Phan Đình Huê Tóm lược Du lịch nông nghiệp là một trong những loại hình du lịch phổ biến trên thế giới, đã được phát triển ở nhiều vùng của nước ta và là một trong những xu hướng du lịch trong những năm gần đây. Du lịch nông nghiệp tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao dân trí cho nông dân và giúp phát triển nông thôn mới. Đắk Nông là một tỉnh nông nghiệp ở Tây Nguyên, có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, cùng các trang trại trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Tuy vậy, cần có chiến lược đào tạo nhân lực làm du lịch để khai thác tiềm năng này, đồng thời tạo ra sản phẩm mới để thu hút khách đến với địa phương trong thời gian tới. Từ khóa: Du lịch nông nghiệp. Du lịch Đắk Nông. Đào tạo du lịch I. DẪN NHẬP 1.1 Du lịch nông nghiệp trên thế giới Du lịch nông nghiệp có nhiều tên gọi khác nhau như agri-tourism, agro- tourism, farm tours, study tours, farm holidays…với các hoạt động chính diễn ra trong các trang trại riêng biệt, xa khu dân cư. Trong khi đó du lịch nông thôn (rural tourism) là đề cập đến các loại hình tham quan, lưu trú tại các thị trấn vùng quê (Filippo và cộng sự, 2008), thậm chí Ấn Độ coi tất cả các loại hình du lịch diễn ra bên ngoài đô thị gồm du lịch nông nghiệp, trang trại và sinh thái đều là du lịch nông thôn (Kuldeep Singh và cộng sự, 2016). Du lịch nông nghiệp xuất hiện ở châu Âu hơn một trăm năm trước và trở nên phổ biến từ những năm 80 của thế kỷ 20. Nếu như Anh Quốc, Ý, Đức, Hà Lan có gần 10% trên tổng số trang trại đầu tư làm du lịch như là dịch vụ cộng thêm (pluriactivities), thì ở Thụy Sĩ và Áo con số này chiếm gần 20% (Filippo và cộng sự, 2008). Các trang trại của Châu Âu phần lớn trồng cây ăn trái, rau màu, hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, và do ở cách xa các thị trấn, nên các chủ trang trại đã đầu tư thêm dịch vụ lưu trú cho những khách muốn nghỉ lại qua đêm. Là một trong những quốc gia phát triển du lịch nông nghiệp hàng đầu Châu Âu, Cộng hòa Áo có khoảng 9.900 trang trại làm du lịch, cung cấp 114.000 giường, chiếm 1/7 tổng số giường lưu trú dành cho khách du lịch trên toàn quốc, với giá bán bình quân 34,9 Euro/ giường/ đêm, bao gồm ăn sáng; và 83,6 Euro cho căn hộ 4 người. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch tạo ra hơn 30% thu nhập cho các trang trại này (HoF, 2016). Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia coi du lịch nông nghiệp – nông thôn là một trong những loại hình du lịch phát triển bền vững. Tại Thái Lan theo Ming-Lang Tseng và cộng sự (2019), thì nước này có hơn 400 trang trại làm du lịch với các dịch vụ như tổ chức biểu diễn (cá sấu, voi, heo, cừu…), tham quan, đào tạo và bán nông sản tại chỗ. Apinya (2016) dẫn lời Giám đốc Trung tâm điều hành kinh tế nông nghiệp Thái lan, thì cho rằng chỉ kỳ nghỉ 5 ngày giữa tháng 7/2016, các trang trại nước này có thể đón được 500.000 khách quốc tế, và nhà nông thu được 370 triệu Bath (gần 300 tỷ VND) 616
  2. từ việc mở cửa đón khách du lịch. Đặc biệt đất nước Chùa Vàng gắn du lịch nông nghiệp với chương trình OTOP (mỗi làng một sản phẩm) để khách vừa tham quan quy trình sản xuất, vừa mua sản phẩm tại chỗ rất hấp dẫn. Trong khi đó Philippine được bình chọn trong top 8 điểm đến về du lịch nông nghiệp trên thế giới, thì đã ban hành Đạo Luật Phát triển Du lịch Trang Trại (Act 10816) vào năm 2016, để làm căn cứ phát triển và xúc tiến loại hình du lịch này. Theo đó các trang trại du lịch được định nghĩa là nơi “Thực hiện việc thu hút khách du lịch đến khuôn viên trang trại vì các mục đích sản xuất, giáo dục và giải trí” (The practice of attracting visitors and tourists to farm areas for production, educational and recreational purposes). Theo Kafferine Yamagishi (2021) dẫn nguồn từ Bộ Du lịch nước này, thì du lịch trang trại đóng góp khoảng 20 – 30% thị trường khách du lịch, và có hơn 170 trang trại đạt chuẩn là trang trại du lịch (Talavera, 2019). Khách du lịch Việt Nam khi đến Philippine đều rất thích tham quan Villa Escodero rộng hơn 800 hecta ở tỉnh Quezon. Đây là trang trại trồng dừa để làm du lịch, nên họ có rất nhiều dịch vụ hấp dẫn như đi xe trâu, chèo xuồng, câu cá, ăn trưa dưới suối nước chảy và nghỉ đêm trong khu du lịch vườn dừa. 1.2 Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam So với các nước, thì Việt Nam không có nhiều trang trại lớn, tách biệt với khu dân cư, mà chủ yếu là các hộ dân “ba trong một”, tức là trên cùng một diện tích đất, chủ nhà vừa làm nơi cư trú, trồng trọt và chăn nuôi. Thuật ngữ “nhà vườn” ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cho ta thấy rõ điều này. Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức các điểm du lịch nông nghiệp ở Việt Nam, nhưng có thể nói loại hình du lịch nhà vườn, trang trại đã phát triển hàng chục năm nay, như ở Thái Nguyên là tham quan đồi chè, Bắc Giang thưởng thức mùa vải chín, Hội An “Một ngày làm nông dân”, Lâm Đồng khuyến khích “Du lịch Canh Nông”, Đắc Lắk là trang trại café. Trong đó vùng có phong trào làm du lịch nông nghiệp mạnh nhất hiện nay có lẽ là ĐBSCL, với nhiều mô hình đa dạng như phát triển cơ sở du lịch trên cánh đồng sen ở Đồng Tháp; vuông tôm ở Sóc Trăng, Trà Vinh; trại nuôi dê ở Hậu Giang; rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau và vùng miệt vườn Vĩnh Long, An Giang. Khái niệm du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng xuất hiện đầu tiên ở Đồng Tháp, với mô hình “Hội quán làm du lịch” để gắn kết các điểm du lịch ở nhiều huyện, thị trong tỉnh lại với nhau rất hiệu quả (Lê Minh Hoan, 2019). Gần đây nhiều chủ đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng nhỏ ở ven sông rạch, nhà vườn được đặt tên là “lodge” hay “bungalow” như ở Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng. Thị trường của các cơ sở du lịch này là khách quốc tế, thậm chí giá bán một phòng ngủ của Ricefield Lodge ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) còn cao hơn một số khách sạn 4- 5 sao trên địa bàn cùng thời điểm, nhưng vẫn thường xuyên hết phòng. Khảo sát, đánh giá thực tế của cơ quan quản lý du lịch địa phương tỉnh Đồng Tháp năm 2019 và TP. Cần Thơ năm 2021, đều cho thấy các điểm nhà vườn trồng cây ăn trái, trang trại trồng sen chuyển sang làm du lịch, thì đều có thu nhập tăng thêm từ 30 – 40% so với chỉ làm nông nghiệp để thu nông sản thuần túy (Phan Đình Huê, 2019, 2021). Như vậy có thể nói, du lịch nông nghiệp là một hướng đi hiệu quả cho các chủ trang trại và nên là định hướng phát triển của tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới. II. ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP Ở ĐẮK NÔNG 617
  3. 2.1 Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp ở tỉnh Đắk Nông Thuận lợi Đắk Nông là tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng như vườn quốc gia Tà Đùng, Nam Nung; hang động núi lửa Chư Bluk; sông Sêrêpok , Krông Nô, Krông Na; Hồ Tây, Trúc, Ea T'Linh, Đắk Rông và nhiều thác nổi tiếng như Trinh Nữ, thác Dray H'Linh, Dray Sáp, thác Diệu Thanh, thác Gấu, thác Chuông, thác Diệu Thanh, thác Gấu, thác Ngầm (trong lòng núi), thác Liêng Nung, Đắk Glung. Bên cạnh đó, văn hóa của cộng đồng các dân tộc Kinh, Mnông, Mạ, Ê-đê... với nhiều lễ hội trong năm như Tết, cồng chiêng, uống rượu cần, đâm trâu… và các di sản văn hoá như kiến trúc tôn giáo, nhà truyền thống, cồng chiêng và các bộ sử thi đều rất hấp dẫn khách du lịch. Khí hậu của Đắk Nông mát mẻ quanh năm (trung bình 23oC), nên đây là một trong các địa phương có thể làm du lịch bốn mùa. Với đất nông – lâm nghiệp chiếm hơn 90% diện tích tự nhiên, nhờ đó trong thời gian qua Tỉnh đã phát triển được nhiều trang trại chăn nuôi gia súc – gia cầm; thủy sản nước ngọt; cây công nghiệp; trồng lúa nước và đặc biệt là trồng cây ăn trái như sầu riêng, xoài, chuối. Chính các trang trại, nhà vườn này là điều kiện tốt để tỉnh phát triển du lịch nông nghiệp với các dịch vụ du lịch ăn, nghỉ, tham quan, trải nghiệm. Khả năng tiếp cận thị trường của Đắk Nông cũng tương đối thuận tiện, đó là từ trung tâm của Tỉnh đến TP Hồ Chí Minh khoảng 6 giờ ô tô, nhưng nếu di chuyển bằng đường bay đên sân bay Buôn Mê Thuột kết hợp đi xe, thì chỉ còn khoảng 3 giờ. Với thời gian di chuyển này, Đắk Nông hoàn toàn có thể thu hút khách từ các thị trường lớn nhất là TPHCM và Hà Nội đi các tour từ 3 đến 5 ngày, nhưng quan trọng nhất là giữ được họ ở lại qua đêm để bán được dịch vụ lưu trú. Khó khăn Tuy có nhiều thuận lợi về tài nguyên và khả năng tiếp cận thị trường, nhưng du lịch nông nghiệp của Tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún do có nhiều khó khăn, đó là: Chưa có chính sách của Nhà nước hỗ trợ các chủ trang trại, nhà vườn chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích bán nông sản sang làm dịch vụ. Chưa có các doanh nghiệp du lịch mạnh để khai thác khách đến Đắk Nông và kết nổi các cơ sở dịch vụ với trang trại, nhà vườn thành các chuỗi giá trị. Thiếu các mô hình phù hợp để bà con nông dân có thể tham khảo, từ đó mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Nguồn nhân lực làm du lịch nông nghiệp thiếu và yếu. Từ các nhận xét trên, thiết nghĩ Tỉnh nên có các biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong đó quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực. 2.2 Đề xuất đào tạo nhân lực phát triển du lịch nông nghiệp ở Đắk Nông Hầu hết các điểm du lịch nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay do nông dân sở hữu và điều hành, nên họ chỉ có khả năng phát triển sản phẩm đơn giản và có giá trị thấp. Đắk Nông vừa có những yếu kém chung về nhân lực du lịch nông nghiệp như các tỉnh khác, vừa có đặc thù là đồng bào dân tộc nhiều, sống thưa thớt và quen với cách làm nông nghiệp từ nhiều đời truyền lại. Để khắc phục tình trạng này, cần có định hướng lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch nông nghiệp cho địa phương, đó là: 618
  4. Phối hợp với các chuyên gia và tổ chức quốc tế xây dựng chương trình đào tạo du lịch nông nghiệp theo điều kiện đặc thù của Tỉnh, trong đó chú trọng đến yếu tố văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch nông nghiệp cho sinh viên các trường cao đẳng và trường nghề trên địa bàn, để các em ra trường trở về quê phát triển trang trại, nhà vườn thành điểm du lịch nông nghiệp. Phát triển một số trang trại đủ tiêu chuẩn thành mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp để huấn luyện thực hành nghiệp vụ cho các học viên. Tập huấn cán bộ địa phương cấp huyện thành các huấn luyện viên/ giáo viên du lịch nông nghiệp để họ hướng dẫn cho bà con nông dân và các chủ trang trại khởi nghiệp loại hình du lịch này. Đào tạo một đội ngũ những người trí thức ở các làng xã, thành người “Kể chuyện địa phương”, để giới thiệu chiều sâu văn hóa, lịch sử của quê hương cho khách du lịch UBND Tỉnh và các huyện, thị nên dành kinh phí để tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm thực tế về phát triển du lịch nông nghiệp ở các địa phương Miền Trung – Tây Nguyên, như Lâm Đồng, Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế. Các chuyến đi này sẽ giúp bà con nông dân học hỏi được kinh nghiệm thực tế để họ tự tin khởi nghiệp du lịch. 2.3 Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch địa phương Để tạo ưu thế cạnh tranh và thuận lợi trong việc thu hút khách, tỉnh Đăk Nông nên có chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp riêng biệt, gắn với đặc điểm riêng của từng địa phương cấp huyện. Ví dụ như vùng gần sông hồ thì đó là du lịch nông nghiệp trong trang trại nuôi cá, trồng cây thủy canh; vùng trồng cây ăn trái, café thì gắn với nhà vườn, các xã gần khu bảo tồn có thể là du lịch dưới tán rừng; thôn – bản của bà con dân tộc gắn với truyền thống văn hóa của họ… Ở cấp tỉnh, cần xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp gắn với đặc điểm của một địa phương Tây Nguyên của các khu bảo tồn, thác nước và văn hóa của đồng bào dân tộc. III. KẾT LUẬN Du lịch nông nghiệp đang là một xu hướng phát triển mới của ngành du lịch Việt Nam. Các địa phương đã đầu tư cho loại hình này đều thu được kết quả khả quan, giúp ngành du lịch có thêm sản phẩm mới và bà con nông dân có thêm thu nhập, việc làm. Đăk Nông là một tỉnh có nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa nổi tiếng, cùng nhiều trang trại lớn được phát triển trong thời gian vừa qua. Khả năng tiếp cận thị trường khá thuận lợi, vì vậy du lịch nông nghiệp nên là hướng đi mới trong phát triển nông thôn của Tỉnh. Tuy vậy, khó khăn còn nhiều, nhất là khó khăn về nguồn nhân lực làm du lịch nông nghiệp. Vì vậy cần có định hướng tạo tạo lý thuyết, thực hành và đi thực tế để xây dựng nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này. Hy vọng du lịch nông nghiệp sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới, cũng như ngành công nghiệp không khói ở Đăk Nông trong thời gian tới./ Tác giả: Ths- NCS Phan Đình Huê Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL 619
  5. Thành viên nhóm biên soạn Báo cáo Kinh Tế Thường Niên ĐBSCL – 2020, 2022 và 2023, do VCCI và Đại học Fulbright chủ biên Cố vấn chuỗi giá trị du lịch cho Dự án SME Trà Vinh các năm 2019,2020 (do Chính phủ Canada tài trợ). Email: huephandinh@gmail.com, DĐ: 091.3683 148 Địa chỉ liên hệ: 91/35 Cách Mạng T8, Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ Tài liệu tham khảo a/ Tài liệu trong nước Lê Minh Hoan (2019). Nông dân là hạt nhân của du lịch nông nghiệp. Kỷ yếu hội thảo Chung tay làm Du lịch nông nghiệp. Thời báo Kinh tế Sài Gòn và UBND Tỉnh Hậu Giang xuất bản. 8/7/2019 Phan Đình Huê (2021). Báo cáo đánh giá các điểm du lịch cộng đồng và nông nghiệp ở TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng. Báo cáo tư vấn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ Phan Đình Huê (2019). ĐBSCL là "Mỏ vàng" của du lịch nông nghiệp. Kỷ yếu hội thảo Chung tay làm Du lịch nông nghiệp. Thời báo Kinh tế Sài Gòn và UBND Tỉnh Hậu Giang xuất bản. 8/7/2019 Phan Đình Huê (2019). Báo cáo đánh giá các điểm du lịch nông nghiệp - trang trại tỉnh Đồng Tháp. Báo cáo tư vấn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Đồng Tháp. Tháng 9/2019 Lưu Ngọc Trinh và công sự (2015), Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu – phản ứng chính sách của một số nước và bài học cho Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Tr.27 – 28 Nguyễn Sự (2019). Chuyện làm du lịch của Hội An. Kỷ yếu hội thảo Chung tay làm Du lịch nông nghiệp. Thời báo Kinh tế Sài Gòn và UBND Tỉnh Hậu Giang xuất bản. 8/7/2019 Tổng cục Du lịch (2019). Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2019. Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội. VCCI-Fulbright (2020). Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL - 2020. Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ, Cần Thơ. b/ Tài liệu nước ngoài Erika Quendler (2019). The position of the farm holiday in Austrian tourism. Open Agriculture. 2019; 4:697-711 https://doi.org/10.1515/opag-2019-0069 Filippo Fiume Fagioli, Francesco Diotallevi, Adriano Ciani (2014). Strengthening the sustainability of rural areas: the role of rural tourism and agritourism. University of Perugia, Borgo HoF (2016). Facts and Figures. Austria Farm Holidays Asoociation Kafferine Yamagishi et al (2021). The future of farm tourism in the Philippines: challenges, strategies and insights. Journal of Tourism Futures · March 2021 Kuldeep Singh, Arnab Gantait, Goldi Puri, G. Anjaneya Swamy (2016). Rural tourism: Need, scope and challenges in Indian context. Pondicherry University. Ming-Lang Tseng et al (2019). Sustainable Agritourism in Thailand: Modeling Business Performance and Environmental Sustainability under Uncertainty. Sustainability Journal. Published: 29 July 2019. Talavera, C. (2019). DOT eyeing more accredited farm sites. The Philippine Star. available at: www. philstar.com/business/2019/09/26/1954933/dot-eyeing-more-accredited- farm-sites Apinya (2016). Agritourism likely to pull in B370m. Báo Bangkok Post. https://www.bangkokpost.com/thailand/general/1034469/agritourism-likely-to-pull-in-b370m. Truy cập ngày 8/7/2021 620
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2