intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Định hướng khai thác và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông gắn với chuyển đổi số

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

3
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu này được thực hiện để phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm định hướng khai thác và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đắk Nông gắn với chuyển đổi số một cách bền vững.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Định hướng khai thác và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông gắn với chuyển đổi số

  1. Định hướng khai thác và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông gắn với chuyển đổi số Trần Thu Hương, Lê Quốc Hồng Thi, Dương Thị Xuân Diệu Tóm tắt: Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, bởi những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tà Đùng là một khu du lịch thuộc tỉnh Đắk Nông có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, nơi đây đang còn gặp nhiều khó khăn và thách thức về thiếu vốn, nhân lực, cơ sở vật chất-hạ tầng... Nghiên cứu này được thực hiện để phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm định hướng khai thác và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông gắn với chuyển đổi số một cách bền vững. Từ khoá: Chuyển đổi số; Du lịch sinh thái; Đắk Nông; Tà Đùng. 1. Đặt vấn đề Khu du lịch Tà Đùng là một trong những vùng đất thiên nhiên tuyệt đẹp và đa dạng sinh thái tại Việt Nam. Đóng một vai trò quan trọng trong việc khai thác và bảo tồn tiềm năng du lịch của khu vực Tây Nguyên. Hồ Tà Đùng với diện tích gần 3,632ha mặt nước và hơn 40 hòn đảo, bán đảo, Tà Đùng được ví như "Vịnh Hạ Long trên cao nguyên" với cảnh quan thiên nhiên độc đáo và quyến rũ. Khu du lịch Tà Đùng có vị trí địa lý chiến lược, nằm trong tỉnh Đắk Nông, có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa và văn hóa đa dạng của 40 dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Nằm trên cao nguyên với địa hình thung lũng và cao nguyên rải rác có rừng nguyên sinh, Tà Đùng sở hữu nhiều cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ (Tiến Thành, 2016). Phát triển du lịch sinh thái tại Khu du lịch Tà Đùng mang đến nhiều lợi ích và vai trò quan trọng cho cộng đồng bản địa tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho địa phương, giúp tạo ra việc làm cho hàng chục ngàn lao động, nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch sinh thái còn giúp bảo vệ và giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan tự nhiên, đồng thời tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường của du khách, góp phần phát triển kinh tế, giúp bảo tồn và khai thác tiềm năng du lịch của khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn lớn nhất hiện nay mà khu du lịch đang gặp phải là những khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Đặc biệt là dưới thách thức của công nghệ số trong phát triển kinh tế du lịch, thì Tà Đùng cần phải có những giải pháp thích ứng với sự thay đổi đó. Nghiên cứu này được thực hiện để phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch sinh thái tại Tà Đùng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách được đề xuất góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Đăk Nông gắn với chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. 2. Nội dung 2.1. Cơ sở lý luận 2.1.1. Du lịch sinh thái Theo luật du lịch Việt Nam 2017: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”. 409
  2. Theo tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN): “Du lịch sinh thái là tham quan và du lịch có trách nhiệm với môi trường tại các điểm tự nhiên không bị tàn phá để thưởng thức thiên nhiên và đặc điểm văn hóa đã tồn tại trong quá khứ hoặc đang hiện hành, qua đó khuyến khích hoạt động bảo vệ, hạn chế những tác động tiêu cực do khách tham quan gây ra, và tạo ra lợi ích cho những người dân địa phương tham gia tích cực”. (Ceballos – Lascurain, 1996) Theo tác giả Trần Văn Thông: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương”. (Trần Văn Thông, 2009) 2.1.2. Chuyển đổi số Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ số (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Để tiến hành nghiên cứu đề tài này, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu: + Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu: Thu thập các tài liệu, đề tài, các công trình nghiên cứu liên quan về vấn đề chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch sinh thái trong và ngoài nước. + Phương pháp điều tra, khảo sát: Đối tượng là 550 khách du lich tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông. Tác giả gửi phiếu khảo sát qua email, facebook, zalo và kết hợp phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu khảo sát. Thang đo Likert được sử dụng để thiết kế bảng khảo sát hỏi ý kiến, làm rõ thực trạng về chất lượng cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực và các yếu tố khác của khu du lịch. Câu hỏi được thiết kế với 5 mức độ: 5 - Rất đồng ý; 4 - Đồng ý; 3 - Tương đối đồng ý; 2 - Không đồng ý; 1 - Rất không đồng ý. Sau khi làm sạch và loại bỏ các phiếu không hợp lệ, số phiếu thu về là 500 phiếu. Qua đó, tạo cơ sở để tác giả đề xuất định hướng khai thác và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông gắn với chuyển đổi số một cách bền vững. 2.3. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Đăk Nông gắn với chuyển đổi số 2.3.1. Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng Khu du lịch Tà Đùng nằm tại Vườn Quốc Gia Tà Đùng, tọa lạc trên lãnh thổ hành chính của xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Diện tích tự nhiên của vườn quốc gia rộng lớn, với tổng diện tích là 20.937,7 ha. Địa hình khu vực này được hình thành bởi dãy núi Trường Sơn Nam Trung Bộ, với đỉnh cao nhất là đỉnh Chu Yang Sin (2.442m) (Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Nông, 2017). Khu vực đất rừng tại Tà Đùng có đa dạng loại đất, bao gồm đất phyllite, đất đá bazan, đất andosol, đất phù sa và đất đỏ. Nó được chia thành ba phân khu chức năng để đáp ứng các mục tiêu bảo vệ, phục hồi sinh thái và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng. Vườn quốc gia Tà Đùng có nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn các nguồn gien quý, hiếm, đồng thời duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp và rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt 410
  3. đới thuộc vùng sinh thái Tây Nguyên. Ngoài ra, vườn quốc gia còn đóng vai trò cung cấp các dịch vụ môi trường rừng và đảm bảo an ninh môi trường. Nó cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đầu nguồn của lưu vực sông Đồng Nai và sông Krông Nô – Sêrêpok, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất điện và phục vụ các hoạt động kinh tế trong khu vực phía Nam. Nơi đây còn là một kho tàng động thực vật đáng kinh ngạc. Với hệ động thực vật phong phú, khu vực này có hơn 1.800 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu. Cây Hương (Pterocarpus macrocarpus), Cây Sưa (Dalbergia odorifera) và cây trầm (Cinnamomum cassia), cây Thông ba lálà những loài cây đáng chú ý trong khu vực này. Đồng thời, Tà Đùng cũng là một môi trường sống quan trọng cho nhiều loài động vật quý hiếm sinh sống,…(Hoàng Anh, 2021). Về điều kiện xã hội, Khu du lịch Tà Đùng thuộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nằm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Với dân số trên 70.000 người, đây là một khu vực có đặc điểm văn hóa đa dạng, nơi mà những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Chơ Ro... được gìn giữ và phát triển. Du khách có thể tìm hiểu và trải nghiệm phong tục, tập quán truyền thống của người dân bản địa thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và thưởng thức ẩm thực đặc sản. Khu du lịch Tà Đùng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các hoạt động và trải nghiệm đa dạng cho khách tham quan. Với mục tiêu tạo ra một môi trường tự nhiên và văn hóa thu hút, Khu du lịch này đã thành công trong việc phát triển một loạt chương trình và hoạt động phong phú. Một trong những chức năng của Khu du lịch Tà Đùng là tạo điều kiện cho khách tham quan khám phá và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời. Với hồ Tà Đùng là trung tâm, khách tại đây có thể tham gia vào các hoạt động như dạo thuyền trên hồ, tận hưởng không gian yên bình và tưởng tượng. Thêm vào đó, Khu du lịch cũng cung cấp các chương trình cắm trại qua đêm, cho phép khách tham quan trải nghiệm cuộc sống ngoài trời và tận hưởng khung cảnh ban đêm tuyệt đẹp của khu vực. Tuy nhiên, Khu du lịch Tà Đùng hiện tại đang gặp khá nhiều khó khăn và cần cải thiện để đạt chuẩn. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hoạt động và trải nghiệm cho du khách, nhưng Khu du lịch chưa thực sự đa dạng và chưa thể tạo ra một môi trường tự nhiên và văn hóa thu hút. Ngoài ra, lĩnh vực hoạt động của Khu du lịch Tà Đùng chưa đa dạng và phủ sóng rộng. Các hoạt động và trải nghiệm tại đây chưa đáp ứng đủ nhu cầu và sở thích của đa dạng khách tham quan. Cần có sự đa dạng hóa về các hoạt động tự nhiên, văn hóa, giáo dục, giải trí và ẩm thực để thu hút và đáp ứng đa dạng đối tượng khách hàng. 2.3.2. Thực trạng hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng gắn với chuyển đổi số Khu du lịch Tà Đùng đóng một vai trò quan trọng trong việc khai thác và bảo tồn tiềm năng du lịch của khu vực Tây Nguyên. Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, được Unesco công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có tổng diện tích 20.338,8ha với hơn 47 hòn đảo lớn nhỏ. Trên các đảo chủ yếu là rừng le, lồ ô và rừng hỗn giao tre nứa - gỗ. Tà Đùng có lớp thảm thực vật rừng rộng lớn, tỉ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi của khu bảo tồn, bao gồm rừng nguyên sinh (chiếm 48%), rừng thứ sinh các loại (36%), (Tiến Thành, 2016). Hiện nay, du lịch Tà Đùng vẫn còn khá mới mẻ và hoang sơ, chưa có nhiều dự án đầu tư phát triển. Các cơ sở kinh doanh du lịch tại đây chủ yếu do người dân địa phương tự phát, có quy mô nhỏ và trang thiết bị đơn giản. Dịch vụ lưu trú chủ yếu là các phòng chòi, chòi lắp ghép, 411
  4. lều hay homestay, sức chứa không cao. Dịch vụ ăn uống cũng khá giới hạn, chủ yếu là các món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên như cơm lam, gà nướng, cá kìm… Dịch vụ du lịch lòng hồ cũng chỉ do người dân tự cung cấp, với các loại thuyền nhỏ như thuyền máy, thuyền kayak hay thuyền buồm. Du khách có thể trải nghiệm một cuộc sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng. Một số hoạt động du lịch hấp dẫn tại Tà Đùng là cắm trại, trekking, đi thuyền trên hồ, bơi lội, khám phá hang động Chư Bluk, ngắm thác Diệu Thanh hay check in tại các điểm chụp ảnh đẹp như Tà Đùng top view hay Tà Đùng Bee Farm. Sự thành công và khả năng cạnh tranh của một điểm du lịch phục thuộc phần lớn vào sức mạnh và sự đa dạng của các yếu tố du lịch, đặc biệt là điểm đến được trình bày cho du khách. Khu du lịch Tà Đùng với các nguồn tài nguyên nhân văn có sẵn, là một điểm đến hấp dẫn. Mặc dù hoạt động du lịch của Tà Đùng trong thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực song vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng vốn có, hầu như sự phát triển ở khu vực này chủ yếu là do sự tự phát của người dân và cộng đồng địa phương. Họ đã tự tạo ra và vận hành một số hoạt động du lịch nhỏ, nên vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng của khu du lịch, cũng như tạo ra các sản phẩm du lịch thiếu sự chuyên nghiệp, nhất là sự ứng dụng của công nghệ số vào phát triển là chưa cao. Đi sâu vào thảo luận, trao đổi với cán bộ quản lý địa phương, người dân bản địa và các doanh nghiệp.. Tác giả thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nổi lên có một số nguyên nhân chính sau: Một là, cơ sở hạ tầng cho phát triển các hoạt động du lịch sinh thái gắn với công nghệ số tại khu du lịch còn nhiều hạn chế Phát triển du lịch sinh thái gắn với công nghệ số được phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin-truyền thông. Đây được coi là điều kiện mang tính tiên quyết. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ để Tà Đùng phát triển chưa có. Việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dữ liệu của các website, các thông tin về điểm đến ít được cập nhật, giao dịch trực tuyến còn hạn chế, chưa liên kết được các tập đoàn truyền thông trên thế giới để quảng bá truyền thông cho khu du lịch. Theo một cán bộ khu bảo tồn, dịch vụ du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng còn hết sức thiếu thốn. “Do thiếu chỗ ăn uống, nghỉ ngơi và dịch vụ tiện ích nên thỉnh thoảng mới có những nhóm phượt tới đây khám phá rồi dựng lều ngủ qua đêm” - vị này nói. Cũng theo vị này, vào năm 2014 UBND tỉnh Đắk Nông đã có định hướng quy hoạch Tà Đùng thành khu du lịch sinh thái - văn hóa nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia (Tiến Thành, 2016). Mặc dù Tà Đùng đã có một số cơ sở lưu trú, ăn uống để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và ăn uống cho du khách. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về số lượng phòng và khách, cũng như thông tin về các nhà hàng và quán ăn cụ thể chưa được phổ biến một cách rộng rãi và không được cập nhật trên các trang mạng thông tin điện tử, hầu như chỉ có du khách đã đến Tà Đùng tham quan mới biết và truyền lại cho bạn bè, người thân. Về các dịch vụ vui chơi giải trí, Tà Đùng hiện tại vẫn chưa có các cơ sở có chất lượng và chuyên nghiệp. Sự hạn chế về các hoạt động vui chơi, giải trí và thể thao đã làm giới hạn khả năng thu hút du khách ở lại lâu dài. Theo thống kê của Sở văn hoá, thể thao và du lịch của tỉnh, số ngày lưu trú của khách chỉ rơi vào từ 1 đến 2 ngày. Du khách có thể tận hưởng không gian tự nhiên và không khí trong lành của vùng núi, nhưng sự thiếu hụt các hoạt động giải trí có thể khiến họ tìm kiếm những điểm đến khác. Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, Tà Đùng là điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, thu hút rất đông du khách. Tuy nhiên các cơ sở kinh doanh hiện nay tại Tà Đùng chủ yếu có quy mô nhỏ như tham quan, lưu trú, ăn uống… 412
  5. Dịch vụ lưu trú chủ yếu các phòng chòi, chòi lắp ghép, lều quy mô nhỏ, sức chứa trung bình mỗi cơ sở từ 5 – 30 khách, trang thiết bị còn hạn chế. Một số người dân tự phát đầu tư kinh doanh các hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Khu vực Tà Đùng chưa có quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết. Đất đai ở đây hầu hết là đất nông nghiệp và một phần đất ở nông thôn (Hoàng Anh, 2021). Hai là, các sản phẩm và dịch vụ tại khu du lịch còn khá đơn điệu, gây sự nhàm chán cho du khách Sự độc đáo chỗ của các dịch vụ này cũng chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Dịch vụ chủ yếu tập trung vào tham quan hồ Tà Đùng bằng thuyền, cắm trại và khám phá suối và thác nước. Mặc dù những hoạt động này mang đến trải nghiệm thú vị và gần gũi với thiên nhiên, chưa có sự phát triển và cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của đa số khách du lịch hay có sự khác biệt để làm nổi nổi bật khu du lịch Tà Đùng so với các địa điểm khác. Sự đơn điệu, nghèo nàn của các loại hình và sản phẩm du lịch là tình trạng chung cho các địa phương trong Tỉnh, sản phẩm tại khu du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên kết hợp với dịch vụ như ăn uống và nghỉ dưỡng. Thiếu những sản phẩm du lịch và dịch vụ cao cấp, độc đáo có chất lượng và uy tín.. Không khai thác các thế mạnh tự nhiên, văn hóa – xã hội của khu du lịch. Từ đó, dẫn đến bức tranh về du lịch sinh thái của Tà Đùng trở nên manh mún, rời rạc, kém hiệu quả và phần lớn chưa đúng với bản chất của du lịch sinh thái, trong đó phổ biến là thiếu nội dung về “giáo dục môi trường”; “có sự đóng góp cho nỗ lực bảo tồn”; và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng”. Vì vậy chưa xây dựng được ‘thương hiệu” du lịch sinh thái Tà Đùng của Tỉnh Ba là, còn sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao Muốn phát triển được loại hình du lịch sinh thái đòi hỏi phải có được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao mới có có đủ kiến thức và kỹ năng về ngoại ngữ, kinh tế, lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội... để phục vụ đối tượng khách có trình độ du lịch cao. Tuy nhiên nguồn nhân lực này còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Trình độ chuyên môn của lao động tại khu du lịch Tà Đùng chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo (49%). Điều này tạo ra một rào cản lớn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng năng suất lao động. Mức thu nhập của lao động nông thôn tại khu du lịch Tà Đùng hầu hết ở mức thấp, với phần lớn thu nhập từ 36 - 50 triệu đồng/người/năm. Đây là một mức sống khá thấp. Tổng quan, tình trạng lao động tại Đắk Nông nói chung và khu du lịch Tà Đùng nói riêng đang đối diện với một số thách thức và phải sử dụng lao động không đúng tầm trong một số vị trí quan trọng trong khu du lịch. Người thợ thủ công – những hướng dẫn viên tại khu du lịch thì thiếu những kiến thức chung về văn hóa, về nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp với khách du lịch nên không giới thiệu, bán sản phẩm hiệu quả. Bốn là, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn mang tính hình thức chưa hiệu quả Mặc dù đã có một số nỗ lực và cải thiện trong việc xúc tiến và quảng bá du lịch Tà Đùng, tuy nhiên, việc đầu tư và sử dụng nguồn lực vẫn còn hạn chế. Chủ yếu, hoạt động du lịch tại khu vực này vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự tự phát của người dân và các đơn vị kinh doanh địa phương. Một điểm đáng chú ý là việc thành lập trang web chính thức để cung cấp thông tin đáng tin cậy và thuận tiện cho du khách còn rất hạn chế. Đây là nút thắt lớn nhất vì Tà Đùng 413
  6. đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể sử dụng được công nghệ số vào việc việc xây dựng và duy trì một trang web chất lượng và đáng tin cậy cho du khách. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Tà Đùng chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm phát triển, thì hình ảnh, nhận diện của Tà Đùng chưa được rõ ràng. Thí dụ, khi nói đến Bà Nà hills thì người ta hình dung ra Đà Nẵng…Còn nói về Tà Đùng, du khách thực sự chưa hình dung được nơi đây có sản phẩm đặc sắc gì. Bản thân một số người dân bản địa khi được hỏi về những Tà Đùng, thậm chí có nhiều người còn không biết là ở đây có những sản phẩm du lịch như vậy. 2.3.2. Đánh giá của khách du lịch khi đến thăm quan KDL Tà Đùng Để làm rõ về thực trạng cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các dịch vụ du lịch và các yếu tố khác tại khu du lịch Tà Đùng. Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát và thu về được kết quả đánh giá như sau: Bảng 1. Đánh giá của khách du lịch khi đến thăm quan KDL Tà Đùng Mức độ TT Các chỉ tiêu Tổng 𝑋̅ 5 4 3 2 1 Sản phẩm du lịch của khu du lịch phong phú, 1 hấp dẫn đáp ứng đa dạng nhu cầu của du 2 7 22 184 235 500 1.57 khách Cơ sở vật chất về lưu trú và ăn uống và các 2 16 28 64 183 209 500 1.91 dịch vụ bổ sung đáp ứng nhu cầu du khách Nhân viên, hướng dẫn viên tại khu du lịch có 3 kỹ năng nghiệp vụ, thân thiện, nhiệt tình với 26 32 52 219 171 500 2.04 du khách Người dân bản địa thân thiện, sẵn sàng giúp 4 100 105 211 59 25 500 3.38 đỡ du khách trong các tình huống Khu du lịch còn giữ được nét hoang sơ và đặc 5 16 28 64 183 209 500 1.91 trưng của địa phương Hệ thống giao thông vào khu du lịch đáp ứng 6 được nhu cầu đi lại của người dân bản địa và 10 38 43 156 273 500 1.83 du khách Hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, liền kề. Hệ 7 28 45 65 225 137 500 2.20 thống thu gom và xử lý rác thải Các cửa hàng mua sắm có nhiều mặt hàng quà 8 4 8 24 193 271 500 1.56 lưu niệm, có niêm yết giá. Các thông tin về sản phẩm du lịch, dịch vụ của KDL được công bố rộng rãi trên website 9 1 6 26 174 293 500 1.49 của KDL và các trang quảng cáo khác cho du khách được biết Khu du lịch có trang bị wifi khắp nơi để cho 10 5 5 22 233 235 500 1.62 du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin khi cần Nguồn : Tác giả khảo sát, 2023 414
  7. Thông qua kết quả khảo sát ở bảng 1 cho thấy đa số các chỉ tiêu khách hàng đều cảm thấy ở mức không hài lòng đến rất không hài lòng. Đây chính là cơ sở để tác giả đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động khu du lịch Tà Đùng trong bối cảnh công nghệ số hiện nay. 2.3.3. Định hướng giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, Tỉnh Đăk Nông gắn với chuyển đổi số Áp dụng công nghệ số vào phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng là một bước đi đúng đắn, cũng như là xu thế tất yếu nếu muốn cạnh tranh và hội nhập. Áp dụng công nghệ số sẽ là điều kiện, nguồn lực, nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch chung của Tỉnh. Trong thời gian tới, Tà Đùng cần thực chú trọng thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, đề ra các cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất hỗ trợ sự phát triển của khu du lịch trong bối cảnh công nghệ số đầy cạnh tranh hiện nay Chính quyền địa phương cần xác định rõ mục tiêu và chiến lược phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng. Để từ đó đề ra những chỉ tiêu cụ thể, kế hoạch hành động, và các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái + Muc tiêu: cần xác định mục tiêu phát triển du lịch sinh thái tại KDL Tà Đùng, bao gồm việc xác định sự gia tăng về lượng khách du lịch, doanh thu du lịch, số lượng dự án du lịch mới, độ phủ và đa dạng của các hoạt động du lịch sinh thái. Mục tiêu cụ thể sẽ giúp tập trung và hướng dẫn các hoạt động phát triển du lịch sinh thái một cách hiệu quả. + Thiết lập chính sách hỗ trợ: Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng. Các chính sách này có thể bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tài chính và thuế, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và phát triển dự án du lịch, và xây dựng các quy định và tiêu chuẩn du lịch sinh thái. + Thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái: tập trung vào việc tạo ra các chính sách, quy định và cơ chế kích thích và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực này. Mục tiêu là thu hút các nhà đầu tư quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án du lịch sinh thái bền vững tại khu vực này. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các chính sách thuế ưu đãi, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hóa, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án, cũng như xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu du lịch Tà Đùng. Hai là, xây dựng chiến lược nền tảng số cho phát triển du lịch sinh thái tai Tà Đùng Phát triển du lịch số hay phát triển du lịch thông minh là một quá trình cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong hoạt động du lịch. Để phát triển du lịch thông minh một cách bền vững, cần quan tâm tới sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo lợi ích hài hòa của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch trong quá trình phát triển, hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững ở cả ba trụ cột kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường tại các điểm đến du lịch thông minh. (Vũ Hương Giang, Vũ Lệ Mỹ, 2022). Để thực hiện được điều đó, Tà Đùng cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về du lịch; Hệ thống kết nối liên thông thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ du lịch an toàn và thông minh. Điển hình một số sản phẩm hỗ trợ cho khách du lịch như: ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Phát hành Thẻ Du lịch thông minh, ứng dụng Nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch. Xây dựng các sản phẩm thông minh 415
  8. giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng, ví dụ như hệ thống vé điện tử, bãi xe thông minh, hệ thống kiểm soát ra vào tự động và máy bán nước uống tự động(12). Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cũng đã kịp thời thích ứng trong giai đoạn chuyển đổi số. Một số các ứng dụng công nghệ đang phát triển như trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot, ứng dụng mobile, điểm đánh giá của khách hàng (rating and review). (Nguyễn Minh Châu, 2023). Ba là, Nâng cao nhận thức cho nhân viên khu du lịch, người dân và các cấp chính quyền địa phương về phát triển du lịch sinh thái gắn với công nghệ số tại Tà Đùng. Để nâng cao nhận thức cho nhân viên khu du lịch, người dân bản địa và các cấp chính quyền địa phương về phát triển hoạt động du lịch sinh thái, cần tổ chức các chương trình huấn luyện, truyền đạt kiến thức cụ thể về du lịch sinh thái gắn với công nghệ số. Các chương trình này có thể bao gồm các buổi hội thảo, lớp học, khóa đào tạo và các hoạt động giao lưu kiến thức. Trong đó, người tham gia sẽ được tìm hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của du lịch sinh thái đối với sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, cần áp dụng các phương pháp truyền thông hiệu quả, sử dụng các tài liệu, hình ảnh và video để minh họa và truyền tải thông tin một cách sinh động và hấp dẫn. Qua việc tăng cường nhận thức và kiến thức về du lịch sinh thái, nhân viên khu du lịch cũng như cộng đồng bản địa sẽ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong quá trình phát triển du lịch. Điều này sẽ tạo đà để họ tham gia tích cực và đóng góp vào việc xây dựng và duy trì một mô hình du lịch sinh thái bền vững tại khu du lịch Tà Đùng. Một cách hiệu quả để nâng cao nhận thức và tham gia của nhân viên khu du lịch, người dân bản địa và chính quyền địa phương là tạo ra các hoạt động trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Đây là cơ hội để người dân hiểu rõ hơn về du lịch sinh thái và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Các tour du lịch sinh thái có thể được thiết kế để khám phá và tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất hoang dã, khu vực có giá trị sinh thái đặc biệt.. Có thể tổ chức các buổi giao lưu với cộng đồng, tham gia vào các hoạt động sản xuất truyền thống, trồng cây, tái sinh môi trường, tham gia vào các dự án xã hội hóa, từ thiện và giao lưu văn hóa.. Điều này sẽ khuyến khích họ tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch sinh thái và đóng góp vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững tại khu du lịch Tà Đùng. Khuyến khích, hỗ trợ vật chất đối với công tác nâng cao nhận thức về du lịch sinh thái bền vững, nâng cao hiểu biết cho cộng đồng dân cư địa phương và khách du lịch trong việc bảo tồn, tôn tạo phát triển các tài nguyên du lịch. Hỗ trợ phương tiện, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách, ban chuyên trách và mạng lưới cán bộ phục vụ cho chương trình giáo dục và nâng dân trí cho cộng đồng, (Bùi Thị Minh Nguyệt, 2012). Bốn là, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch sinh thái cho vùng Phát triển các chương trình đào tạo chuyên ngành về du lịch sinh thái, bao gồm việc cung cấp kiến thức về bảo tồn môi trường, quản lý du lịch bền vững và kỹ năng giao tiếp. Hợp tác với các trường đại học, trung tâm đào tạo và tổ chức nghiên cứu để phát triển các khóa đào tạo, bổ sung kiến thức và nâng cao năng lực cho ngành du lịch sinh thái. Tổ chức các khóa học, hội thảo và buổi tập huấn thường xuyên để cập nhật kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Thúc đẩy sự hợp tác và liên kết giữa các đơn vị đào tạo, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức du lịch để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển kiến thức và kỹ năng về du lịch sinh thái. Cung cấp nguồn lực và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động 416
  9. nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực du lịch sinh thái, bao gồm việc tạo điều kiện cho việc tiến hành các nghiên cứu, thực hiện các dự án thực tế và đào tạo chuyên gia. Năm là, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với chuyển đổi công nghệ số để thu hút du khách trong và ngoài nước Để đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch sinh thái, cần tập trung vào việc hiểu rõ nhu cầu và sở thích của đa dạng đối tượng khách hàng. Điều này có thể đạt được thông qua việc nghiên cứu và khảo sát thị trường du lịch để tìm hiểu những trải nghiệm và hoạt động du lịch mà khách hàng mong muốn. Dựa trên thông tin thu thập được, có thể phát triển các chương trình du lịch đa dạng và phù hợp. Ví dụ, đối với những khách hàng yêu thích khám phá thiên nhiên, có thể tổ chức các tour du lịch đến các khu bảo tồn thiên nhiên, núi rừng. Đối với những người quan tâm đến văn hóa và lịch sử, có thể cung cấp các chương trình du lịch tham quan di tích, làng cổ, hay tham gia vào các hoạt động truyền thống của địa phương. Ngoài ra, cần chú trọng đến khía cạnh giáo dục và môi trường trong các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Có thể tổ chức các chương trình giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên và môi trường tự nhiên. Đồng thời, cung cấp những trải nghiệm thực tế và tham gia cộng đồng địa phương để khách hàng có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Tổ chức các hoạt động tư vấn và tạo kết nối với các doanh nghiệp địa phương cũng là một cách quan trọng để đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch sinh thái. Kết hợp với các doanh nghiệp địa phương, có thể tạo ra những gói du lịch kết hợp giữa du lịch sinh thái và các hoạt động như nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, mua sắm và giải trí.. Các chương trình du lịch có thể tập trung vào việc khám phá và trải nghiệm văn hóa địa phương, bao gồm thăm quan di tích lịch sử, tham gia vào lễ hội và sự kiện văn hóa, và tham quan các bảo tàng và triển lãm nghệ thuật. Thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, có thể xây dựng các gói tour du lịch kết hợp, bao gồm nhiều hoạt động như thăm quan di tích văn hóa, tham gia vào các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên, và thưởng thức ẩm thực địa phương. Việc kết hợp các hoạt động khác nhau tạo ra sự đa dạng và phong phú trong trải nghiệm du lịch, từ đó thu hút sự quan tâm và tham gia của du khách. Sáu là, tăng cường công tác về đảm bảo môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững Để đảm bảo môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững tại Tà Đùng, cần xây dựng và thực hiện các kế hoạch quản lý môi trường. Điều này bao gồm việc bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học, tài nguyên nước và cảnh quan thiên nhiên trong khu vực. Các biện pháp bảo vệ môi trường có thể bao gồm kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, bảo vệ các khu vực đặc biệt quan trọng và xử lý các vấn đề môi trường khác nhau. Đồng thời, cần thúc đẩy sử dụng các công nghệ và phương pháp tiên tiến để giảm tác động tiêu cực lên môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời khuyến khích sự phát triển bền vững thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái có tính chất bền vững và tôn trọng văn hóa địa phương. Bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái: Tập trung vào việc bảo vệ các loài động và thực vật quý hiếm, duy trì sự đa dạng sinh học và phục hồi các môi trường tự nhiên trong khu vực. Điều này có thể đạt được thông qua việc thiết lập khu vực bảo tồn thiên nhiên, áp dụng các biện pháp bảo 417
  10. vệ và giám sát chặt chẽ. Quản lý tài nguyên nước, đảm bảo sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước tại Tà Đùng. Cần xây dựng các chính sách và quy định về quản lý tài nguyên nước, đảm bảo sự sử dụng hiệu quả, giảm thiểu lãng phí và bảo vệ chất lượng nước. Thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho các hoạt động du lịch có thể giảm tác động tiêu cực lên môi trường. Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và xúc tiến quảng bá hoạt động du lịch sinh thái qua các hoạt động công nghệ cụ thể. Để quảng bá hoạt động du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng một cách hiệu quả, cần tạo ra các chiến dịch truyền thông sáng tạo và hấp dẫn. Các chiến dịch này nhằm nhấn mạnh những giá trị và trải nghiệm du lịch độc đáo mà khu vực này mang lại. Một trong những cách để thực hiện điều này là sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng như video, hình ảnh, bài viết, và mạng xã hội để tạo ra nội dung truyền thông hấp dẫn. Các nội dung này nên tập trung vào việc giới thiệu những cảnh quan tuyệt đẹp, văn hóa độc đáo, hoạt động giáo dục và trải nghiệm tuyệt vời mà du khách có thể trải qua khi tham gia du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng. Bên cạnh đó, trang web của khu du lịch cần được xây dựng thân thiện, giàu tính tương tác để thu hút khách, giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm và đặt tour một cách đơn giản nhất. Vận hành trực tuyến giúp giảm chi phí về trụ sở, con người, công tác văn phòng và thủ tục hành chính, từ đó chi phí dịch vụ cũng được giảm và cả doanh nghiệp lẫn khách hàng đều được hưởng lợi (Thanh Loan,2021). Tổ chức các chương trình khuyến mãi, ưu đãi và gói tour đặc biệt cũng là một phương thức quan trọng để thu hút du khách tham gia du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng. Các chương trình này có thể bao gồm giá vé ưu đãi, các gói trải nghiệm đặc biệt hoặc các hoạt động giải trí thú vị. Tổ chức các chương trình truyền thông sáng tạo và hấp dẫn như vậy sẽ giúp tăng cường nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng, từ đó thu hút số lượng lớn du khách và tạo ra tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của khu du lịch. Qua việc sử dụng các kênh truyền thông truyền thống và trực tuyến, thông tin về du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng có thể được lan tỏa rộng rãi, tạo sự chú ý và khuyến khích mọi người tham gia vào hoạt động này. Việc xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc với các tổ chức du lịch, công ty lữ hành và các nhà phân phối sẽ đóng góp quan trọng vào việc quảng bá và phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Tà Đùng. 3. Kết luận Phát triển du lịch sinh thái gắn với chuyển đổi số là một trong những giải pháp hiệu quả giúp khu du lịch Tà Đùng phát triển bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững cho tỉnh Đăk Nông. Việc tìm ra những giải pháp cho khu du lịch là vấn đề rất lớn đòi hỏi Tà Đùng cần có những chiến lược đúng đắn, thực hiện đồng bộ các giải pháp về vốn, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật để phát huy sức mạnh của toàn Tỉnh. Có như vậy, thương hiệu du lịch sinh thái của khu du lịch Tà Đùng mới ngày càng khẳng định vị thế của khu du lịch trên thị trường trong nước và Quốc tế. Tài liệu tham khảo Bùi Thị Minh Nguyệt (2012), Giải pháp phát triển du lịch sinh thái bền vững tại vườn quốc gia Ba Vì. Tạp chí khoa học và công nghệ lâm nghiệp số 1, 20212 Ceballos – Lascurain, Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN), 1996 418
  11. Hoàng Anh (2021), “Đắk Nông lập quy hoạch phát triển du lịch Vườn Quốc gia Tà Đùng”, Báo Đầu Tư. Đầu tư Online. Nguồn: https://baodautu.vn/dak-nong-lap-quy-hoach- phat-trien-du-lich-vuon-quoc-gia-ta-dung-d140854.html Luật du lịch (2017) số 09/2017/QH14. Nguyễn Minh Châu (2023), Phát triển du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Nguồn Báo Việt Nam hội nhập. Nguồn: https://vietnamhoinhap.vn/vi/phat-trien-du-lich-trong- boi-canh-chuyen-doi-so-o-viet-nam-43498.htm Trần Văn Thông (2009). Tổng quan du lịch. Trường đại học dân lập Văn Lang Tiến Thành (2016), Khám phá “vịnh Hạ Long” 
trên cao nguyên. Tuổi trẻ Online. Nguồn:https://tuoitre.vn/du-lich/kham-pha-vinh-ha-long-tren-cao-nguyen-1165690.htm Thanh Loan (2021), Chuyển đổi số ngành du lịch: Hướng đi mới sau COVID-19. Báo điện tử Đẳng Cộng sản Việt Nam. Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/chuyen-doi-so- nganh-du-lich-huong-di-moi-sau-covid-19-574474.html Vũ Hương Giang, Vũ Lệ Mỹ (2022), Kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch thông minh và bài học cho việt nam. Tạp chí khoa học Trường đại học Mở Hà nội, số 97 tháng 7 năm 2022. Uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Nông (2017), Giới thiệu chung về tỉnh Đăk Nông. Cổng thông tin điện tử tỉnh Đăk Nông. Nguồn: https://daknong.gov.vn/gioi-thieu-chung-tong-quan- 60072/gioi-thieu-chung-ve-tinh-dak-nong-342731 Trần Thu Hương1, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai Lê Quốc Hồng Thi2, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Dương Thị Xuân Diệu3, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng 419
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0