intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đổi mới chất lượng đào tạo đại học trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

18
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Đổi mới chất lượng đào tạo đại học trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" tập trung chủ yếu phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp đào tạo trước bối cảnh chuyển đổi số và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đổi mới chất lượng đào tạo đại học trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

  1. ĐỔI MỚI CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC TRƯỚC BỐI CẢNH CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Nguyễn Thu Hà Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh Tóm tắt: Tri thức con người là một nguồn lực không bao giờ cạn và được tái sinh với chất lượng ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà những nhà quản trị nguồn nhân lực hàng đầu thế giới cho rằng: “Con người là tài sản quan trọng nhất của chúng ta” (Susan R. Meisinger, 2011) và “Lợi thế cạnh tranh bền vững duy nhất trong tương lai chính là nguồn nhân lực” (Kathleen Barclau - Thomas Thivierge, 2007). Điều này xuất phát từ vai trò vô cùng quan trọng của nguồn nhân lực, đây được xem là động lực phát triển của địa phương, là nhân tố đáp ứng yêu cầu cải cách công vụ, công chức cũng như việc tinh giản bộ máy hành chính. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống của chúng ta, đặt ra những thách thức to lớn trong các khía cạnh xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và môi trường. Vì vậy, đổi mới chất lượng giáo dục tại các trường đại học sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, đào tạo ra một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội. Bài viết dưới đây sẽ tập trung chủ yếu phân tích thực trạng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp đào tạo trước bối cảnh chuyển đổi số và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ khóa: nguồn nhân lực, giáo dục đại học, Cách mạng công nghiệp 4.0 1. Đặt vấn đề Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội, từ đó đặt ra những yêu cầu mới trong việc đổi mới phương pháp đào tạo, giáo dục. Trong đó, vai trò của các trường đại học sẽ đóng vai trò quan trọng, không chỉ đơn thuần là cơ sở đào tạo, giảng dạy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, mà phải nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực của người học. Giáo dục phải tạo cơ hội để người học tiếp cận và trau dồi các kỹ năng sống, nuôi dưỡng các giá trị và thái độ để hướng đến một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người, đồng thời thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong thời đại mới. Cách tiếp cận này không chỉ liên quan đến cá nhân, mà cả cộng động, xã hội và toàn cầu. Thực tiễn cho thấy, quá trình đào tạo tại một số trường đại học đang thiếu những kỹ năng mềm. Kiến thức (lý thuyết, lý luận) có thể giỏi, nhưng kiến thức thực tiễn, kỹ năng diễn đạt, diễn thuyết, hợp tác làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng, làm việc dưới áp lực lớn, kỹ năng thực hành, làm việc theo quy trình còn hạn chế. Do đó, hiệu quả công việc chưa cao, mất đi nhiều cơ hội, không có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực nước ngoài (những vị trí quan trọng như: quản lý, vị trí có thu nhập cao). Điều này xuất phát từ mô hình, mục tiêu và phương pháp đào tạo, một số cơ sở đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành - kỹ năng, ít chú trọng hình thành các kỹ năng, nhất là các kỹ năng mềm, khi ra trường, người lao động thiếu kỹ năng, doanh nghiệp sử dụng phải mất thời gian đào tạo thêm (thậm chí là đào tạo lại). Do đó, công 175
  2. tác đào tạo đại học trong thời gian tới cần phải được đặt trong môi trường, điều kiện thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển chung của ngành và xã hội. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ số nhằm xây dựng thế giới siêu kết nối và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Những công nghệ đột phá, tiên tiến nhất hiện nay là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ in 3D, Xe tự lái, Người máy cao cấp, Internet kết nối vạn vật (IoT), Công nghệ nano, Công nghệ vật liệu mới và cảm biến, Công nghệ sinh học... Thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo cơ hội cũng như đặt ra yêu cầu tất yếu phải xây dựng nền giáo dục 4.0 [2]. Theo đó, giáo dục trở thành một hệ sinh thái mà mọi người có thể cùng học tập mọi lúc, mọi nơi với các thiết bị được kết nối. Các trường đại học, các tổ chức giáo dục trở thành một hệ sinh thái tạo sản phẩm sáng tạo mang tính cá thể, với kiến thức và năng lực đổi mới, sáng tạo riêng của cá nhân. Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong nền kinh tế tri thức, nhân lực chính là nguồn tài nguyên vô tận. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực, là những người có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, có kỹ năng lao động giỏi và có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của xã hội, có khả năng làm việc hiệu quả, khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là quá trình tạo ra sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực biểu hiện ở sự hình thành và hoàn thiện từng bước về thể lực, kiến thức, kỹ năng, thái độ và nhân cách nghề nghiệp đáp ứng những nhu cầu hoạt động, lao động của cá nhân và sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. 2. Thực trạng chất lượng đào tạo tại các trường đại học Quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi các quốc gia muốn tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng vào thực tiễn sản xuất để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra. Vì thế, ngay từ trên giảng đường đại học, nhà trường, các thầy cô giáo phải giúp cho sinh viên tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào cuộc sống, trang bị ngoại ngữ và các kỹ năng mềm thì các em sinh viên khi ra trường mới có cơ hội cạnh tranh việc làm, mở ra cánh cửa để bước vào sân chơi toàn cầu hóa. Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động này nhanh hơn cả bởi chính giáo dục cũng sẽ tạo ra những phiên bản mới của các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo. Công nghiệp 4.0 hứa hẹn những bước đột phá mới trong hoạt động đào tạo, thay đổi mục tiêu đào tạo, mô hình đào tạo truyền thống bằng cách chuyển tải và đào tạo kiến thức hoàn toàn mới. Sự phát triển công nghệ thông tin, công cụ kỹ thuật số, hệ thống mạng kết nối và siêu dữ liệu sẽ là những công cụ và phương tiện tốt để thay đổi cách thức tổ chức và phương pháp giảng dạy. Trong đó, giải pháp đổi mới phương pháp dạy học được xem là khâu vô cùng quan trọng hiện nay ở tất cả các cơ sở giáo dục. Có thể nói rằng, đổi mới phương pháp giảng dạy không 176
  3. phải là thay đổi từ cách giảng dạy này bằng cách giảng dạy khác mà là sử dụng những phương pháp dạy và học hiện tại như thế nào để tạo ra được những giờ học có hiệu quả thật sự. Tự thân từng phương pháp giảng dạy sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không được vận dụng một cách đúng lúc, đúng nơi và đúng đối tượng. Thực trạng quá trình dạy học ngày nay tại các trường đại học vẫn còn một số tồn tại như: Thứ nhất, chương trình học còn nặng với thời lượng lớn. Một thống kê và so sánh cho thấy, thời gian học 4 năm ở một lớp đại học tại Việt Nam là 2.138 giờ so với Mỹ là 1.380 giờ [1]. Như vậy, chương trình học ở Việt Nam dài hơn 60% so với Mỹ. Thời gian học nhiều như vậy nên người học khó tránh khỏi việc rơi vào trạng thái luôn bị áp lực hoàn thành các chương trình môn học, ít có thời gian để tự học, tự nghiên cứu, hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác. Nhìn chung, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay đã cải cách dạy và học theo hệ thống tín chỉ; tuy nhiên, trên thực tế, khả năng liên thông kiến thức giữa các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, ít thừa nhận và tiếp nhận các kết quả đào tạo của nhau, nên người học rất khó khăn khi chuyển trường, ngành học. Thứ hai, về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học. Mặc dù, những năm gần đây, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực, dựa trên nền tảng công nghệ, với quan điểm: “Lấy người học làm trung tâm”, đề cao vai trò của người học, tạo điều kiện tối đa cho người học có thể tự học, tự nghiên cứu. Tuy nhiên, tính chủ động của sinh viên vẫn còn yếu kém, kỹ năng xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống chưa được vận dụng vào tiễn. Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy trong các trường đại học ở nước ta hiện nay nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Các thiết bị giảng dạy, như máy chiếu, video... chỉ là phương tiện hỗ trợ để nâng cao chất lượng giảng dạy, điều quan trọng hơn cả là sự nhận thức rằng giáo dục phải mang tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm thể hiện qua việc cải tiến về phương pháp và chương trình học vẫn chưa được chú trọng. Thứ ba, việc đổi mới phương pháp dạy học phải tổ chức triển khai có mục tiêu và lộ trình rõ ràng. Muốn đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng lại tổ chức triển khai thiếu phương pháp và vội vàng sẽ phản tác dụng, hiện nay các trường đại học, cao đẳng người dạy đã sử dụng rất nhiều các phương pháp dạy học như: dạy học dựa trên vấn đề (problem-based learning), dạy học dựa trên dự án (project-based learning), nghiên cứu trường hợp điển hình (case study), thảo luận nhóm (group discussion), dạy học mô phỏng (simulation teaching), phương pháp seminar… nhưng cách hiểu và vận dụng các phương pháp này như thế nào để mang lại hiệu quả thì còn chưa thực sự thống nhất. Đơn cử có một số trường, phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy được quy chiếu về một khía cạnh hoàn toàn kỹ thuật là sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy. Chẳng hạn, nhiều nơi lao vào phong trào triển khai việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ trực quan như: overhead projector, LCD projector, 3D presentation projector trong giảng dạy một cách ồ ạt, vừa lãng phí chi phí đầu tư vừa làm méo mó bản chất của hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, gây ra những hiệu ứng phản cảm trong người học [5]. Ở Việt Nam hiện nay, ngay chính trong ngành giáo dục, kể cả ở bậc giáo dục đại học, đang tồn tại những nhầm lẫn hết sức kỳ lạ như nhầm lẫn “bài giảng sử dụng phần mềm trình chiếu PowerPoint” thành “bài giảng điện tử”, “giáo trình điện tử”, thậm chí có nơi còn gọi đó là “giáo án điện tử”… chưa kể học “trực tuyến qua mạng” và “học từ xa”… 177
  4. Thứ tư, chưa có sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Hiện nay, việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp diễn ra rất nhanh, trong khi chương trình đào tạo ở rất nhiều trường hiện nay vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu thực tế từ phía các doanh nghiệp. Đã từ lâu, các chuyên gia giáo dục Việt Nam cảnh báo về tình trạng chương trình giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam vẫn chưa bám sát với nhu cầu thực tế, khiến các sinh viên khi tốt nghiệp vẫn khó có thể xin được việc làm theo đúng ngành/chuyên ngành được đào tạo. Các chương trình đào tạo thường được giảng dạy hết năm này qua năm khác, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp thay đổi theo từng năm. Nguyên nhân này có thể là do các cơ sở đào tạo vẫn chưa xác định được khoảng cách giữa cung (tăng rất chậm) và cầu (đang ngày càng tăng nhanh) do chưa có sự phân tích nhu cầu lao động cũng như yêu cầu của thị trường lao động về chất lượng lao động. Do đó, một hệ thống phân tích nhu cầu lao động từ phía doanh nghiệp cũng như cập nhật liên tục các yêu cầu của thị trường lao động về chất lượng lao động là rất cần thiết, từ đó các cơ sở đào tạo có thể có những điều chỉnh cần thiết trong nội dung chương trình đào tạo để từng bước giảm sự mất cân đối giữa đào tạo và sử dụng lao động, đứng từ góc độ các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, sự chuyển dịch mô hình cũng như cơ cấu của nền kinh tế đã khiến cho cung và cầu trong lao động liên tục thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường vẫn chưa bắt kịp được xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp (Minh Ngọc, 2018). Nguyên nhân là do sự chưa nhạy bén của các cơ sở đào tạo, sự chưa chủ động trong việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường lao động trước bối cảnh chuyển dịch mô hình và cơ cấu của nền kinh tế cũng như các xu hướng thay đổi liên tục của thị trường lao động. 3. Giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo tại các trường đại học trước bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 Một là, chuyển đổi cơ cấu đào tạo và điều chỉnh chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục ở Việt Nam cũng cần điều chỉnh chương trình đào tạo để bám sát hơn với nhu cầu thị trường để giảm thiểu thời gian buộc các doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung để có thể làm việc được. Các cơ sở đào tạo ở Việt Nam nói chung cần phải nghiên cứu, rà soát, và triển khai đo lường kết quả thực tập tốt nghiệp ứng với các bậc học cao đẳng và đại học, dựa trên các thang đo phù hợp khi xây dựng thang đo về kết quả của thực tập tốt nghiệp như sau: (1) tổng hợp và vận dụng kiến thức và kỹ năng thu nhận từ nhà trường vào thực tiễn, (2) tiếp tục phát triển các kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp, (3) thay đổi thái độ và hành vi đối với việc học tập, (4) tạo mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, xã hội bên ngoài nhà trường, (5) điều chỉnh lại định hướng nghề nghiệp. Hơn nữa, cơ cấu đào tạo cũng cần phải chuyển đổi theo hướng gia tăng các chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng kết hợp với việc phát triển các trung tâm/lồng ấp khởi nghiệp ở các cơ sở đào tạo. Hai là, đổi mới phương pháp dạy học phải bắt nguồn từ yêu cầu học tập của người học, đòi hỏi sinh viên phải chủ động nhiều hơn trong việc học, với nguồn tài liệu đa dạng và phong phú. Bản thân sinh viên (người học) phải cảm thấy tự hứng thú với việc học, muốn tự tìm tòi, nghiên cứu thay vì dựa vào trí nhớ, “cầm tay chỉ việc”. Công việc này đòi hỏi người học phải có phương pháp học tập mới đó là “phương pháp học tập tích cực” hay còn gọi là “học đi đôi với hành” hay “Tôi nghe, tôi sẽ quên. Tôi nhìn, tôi sẽ nhớ. Tôi làm, tôi sẽ hiểu” [8]. Có nghĩa 178
  5. là, trong mỗi tiết học, nếu người giảng viên biết kết hợp vận dụng linh hoạt các phương pháp vừa sao chép, vừa phân tích, sáng tạo và người học được thực hành ứng dụng thì giờ học đó chắc chắn sẽ có hiệu quả tốt. Do đó, đổi mới phương pháp dạy - học là một hoạt động mang tính liên tục và sẽ không bao giờ có điểm dừng. Phương pháp này nhấn mạnh quá trình học tập và tiếp thu chứ không chú trọng đến kết quả học tập. Đây cũng là phương pháp giúp cho người học phát triển kỹ năng tự học và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ba là, các trường đại học khi đổi mới phương pháp giáo dục đại học phải gắn liền với nền tảng công nghệ kỹ thuật số như: dạy học trực tuyến E-learning, phương pháp giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (Giáo dục STEM) [6]... Đồng thời, các trường cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đón đầu áp dụng công nghệ mới. Chuyển đổi số phải bảo đảm 4 yếu tố, bao gồm: trao quyền cho giảng viên; tương tác với sinh viên; tối ưu hóa tổ chức và đổi mới phương pháp. Quá trình chuyển đổi số ở trường đại học diễn ra ở cả ba giai đoạn, bao gồm: (i) lập kế hoạch; (ii) xây dựng chiến lược một cách độc lập và thực hiện các đổi mới sáng tạo; (iii) giám sát tác động của việc triển khai công nghệ. Cuối cùng, bên cạnh các định hướng giải pháp dựa vào các nguyên nhân của vấn đề, về phía nhà trường, cần phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của người học trong xu hướng quốc tế hóa giáo dục ngày càng đóng vai trò tất yếu. Năng lực ngoại ngữ của người học còn hạn chế hiện nay cũng là nhân tố làm gia tăng khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động. Khi năng lực ngoại ngữ của người học bị hạn chế, các cơ sở đào tạo sẽ rất khó triển khai các chương trình học tiên tiến mang tính quốc tế hóa cho người học, người học cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức mới từ môi trường bên ngoài và cũng như vận dụng kiến thức đã học từ nhà trường vào thực tế trong tương lai khi bối cảnh thị trường lao động đang ngày càng quốc tế hóa. Không những vậy, cơ sở đào tạo cũng cần nghiên cứu, phát triển và mở rộng các hoạt động thực tập cho sinh viên ở nước ngoài, bởi vì hoạt động này sẽ nâng cao năng lực ngoại ngữ, tạo dựng các mối quan hệ quốc tế, phát triển kỹ năng làm việc của người học khi tiếp cận với thị trường lao động quốc tế. 4. Kết luận Văn Kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội” [3]. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học là vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục tại các trường đại học nhằm tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người học, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời. Sinh viên sẽ có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./. 179
  6. Tài liệu tham khảo 1. Agre, E. (2015), Information technology in higher education: The “Global Academic Village” and intellectual standardization, The Horizon. 2. Nguyễn Cúc (2017), Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Học viện Chính trị khu vực I, số 03/2017, tr.16. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, NXB Chính trị Quốc gia. 4. Michael Losey - Sue Meisinger - Dave Ulrich (2011), The future of human resource management, NXB Thời đại, tr.105. 5. Nguyễn Đắc Hưng (2017), Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân. 6. Đặng Vũ Hoạt (2013), Giáo trình Lý luận dạy đại học, NXB Thống kê, Hà Nội. 7. Phùng Xuân Nhạ (2018), Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB Đại học Vinh. 8. Minh Ngọc (2018), Việt Nam cần giảm thiểu khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động, Tạp chí Lao động và Xã hội, số 02/2018, tr.35. 180
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0