intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đổi mới tư duy quản lý kinh tế – Nhìn từ những lần sửa đổi luật doanh nghiệp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

34
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết chứng minh rằng, các đạo luật về doanh nghiệp không chỉ là kết quả của sự chuyển hướng quản lý sang nền kinh tế thị trường, mà còn là công cụ để thuận lợi hóa cơ hội tham gia thị trường cho nhà đầu tư, bảo vệ cổ đông/thành viên/chủ sở hữu, tôn trọng quyền tự chủ của chủ thể kinh doanh và tăng cường hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đổi mới tư duy quản lý kinh tế – Nhìn từ những lần sửa đổi luật doanh nghiệp

  1. ĐỔI MỚI TƯ DUY QUẢN LÝ KINH TẾ – NHÌN TỪ NHỮNG LẦN SỬA ĐỔI LUẬT DOANH NGHIỆP ThS Tô Thị Đông Hà* TÓM TẮT Luật Doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua 4 lần sửa đổi. Mỗi phiên bản của đạo luật này là một sự đột phá, là một cuộc cách mạng. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính các quy định pháp luật cụ thể, bài viết đặt mục tiêu làm rõ sự phát triển tích cực về tư duy quản lý kinh tế của Nhà nước ta, thể hiện trong các phiên bản Luật Doanh nghiệp. Bài viết chứng minh rằng, các đạo luật về doanh nghiệp không chỉ là kết quả của sự chuyển hướng quản lý sang nền kinh tế thị trường, mà còn là công cụ để thuận lợi hóa cơ hội tham gia thị trường cho nhà đầu tư, bảo vệ cổ đông/thành viên/chủ sở hữu, tôn trọng quyền tự chủ của chủ thể kinh doanh và tăng cường hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra một số tồn tại chính, cản trở việc đưa những quy định tiến bộ của Luật Doanh nghiệp vào đời sống kinh doanh. Từ khóa: Đổi mới tư duy, Luật Doanh nghiệp, quản lý kinh tế, sửa đổi luật. 1. Giới thiệu Văn bản luật đầu tiên về doanh nghiệp ở Việt Nam là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, được ban hành năm 1990. Đây là hai đạo luật đánh dấu sự chính thức thừa nhận về mặt pháp lý đối với khu vực kinh tế tư nhân, đoạn tuyệt với nền kinh tế chỉ tồn tại thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Kể từ đó, cho đến nay, đạo luật về doanh nghiệp đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1999, 2005, 2014 và năm 2020. Nhằm so sánh và hệ thống hóa các thành tựu mà các đạo Luật Doanh nghiệp đạt được sau mỗi lần sửa đổi, như là kết quả của tiến trình đổi mới tư duy quản lý kinh tế của Nhà nước ta; đồng thời chỉ ra những rào cản cần tiếp tục gỡ bỏ, để quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp thực sự được giải phóng, tiệm cận với quan niệm của thế giới, bài viết hy vọng góp thêm ý kiến nhỏ cho công tác xây dựng và thực hiện pháp luật về doanh nghiệp trong thời gian tới. 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết Đổi mới tư duy quản lý kinh tế là chủ đề được nhiều công trình khoa học và bài báo đề cập vào mỗi lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp, thể hiện qua các bài viết về những điểm Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing. * 296 -
  2. mới của Luật Doanh nghiệp, về hiệu quả thực tế mà đạo luật mang lại. Bài viết này cùng chủ đề nghiên cứu đó nhưng có sự liên kết, hệ thống hóa những thành tựu của đổi mới tư duy quản lý kinh tế, theo chiều dài lịch sử của các đạo luật về doanh nghiệp. Bài viết dựa trên cơ sở lý thuyết chủ yếu là quyền tự do kinh doanh của con người, ngọn cờ cho những sáng tạo lập pháp về doanh nghiệp. Chủ trương xây dựng, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường chính là nền tảng quan trọng nhất cho việc ghi nhận và bảo vệ quyền tự do kinh doanh, là điều kiện ra đời của quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. Từ khi thực hiện công cuộc “Đổi mới”, Quốc hội đã khẩn trương ban hành các đạo luật ghi nhận và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân Việt Nam và người nước ngoài như Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1987, Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990. Với Hiến pháp 1992, lần đầu tiên quyền tự do kinh doanh trở thành một quyền hiến định ở Việt Nam:“Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (Điều 57), và quyền này tiếp tục được ghi nhận trong Hiến pháp mới (năm 2013) với phạm vi rộng và rõ hơn: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Quy định này hàm chứa hai tuyên bố quan trọng: i) mọi người có quyền tự do kinh doanh; ii) giới hạn của quyền tự do đó là những gì luật cấm. Hiện thực hóa các quyền tự do kinh doanh tại Hiến pháp, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, thể chế hóa các quan điểm quản lý kinh tế tiến bộ của Nhà nước ta, với mục tiêu tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, nhằm giải phóng hết khả năng sáng tạo của cá nhân, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội. 3. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp phân tích định tính kết hợp phương pháp so sánh luật học để làm rõ những thay đổi của Luật Doanh nghiệp qua mỗi lần sửa đổi. Phương pháp lịch sử được sử dụng để đánh giá các quy định của Luật Doanh nghiệp trong quá khứ, gắn với bối cảnh và điều kiện xây dựng và thực hiện pháp luật kinh tế của đất nước lúc đương thời. 4. Kết quả đạt được của các đạo luật về doanh nghiệp qua các kỳ sửa đổi Đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước không thể không kể đến vai trò của của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật kinh tế, ngày càng tăng về số lượng và hoàn thiện về chất lượng, cung cấp một khuôn khổ pháp lý hiện đại cho các quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Sự lớn mạnh của các đạo luật về doanh nghiệp không nằm ngoài xu thế chung đó, phản ánh đậm nét những cải cách tích cực trong tư duy quản lý kinh tế của Nhà nước, nổi bật là các thành tựu chủ yếu sau: - 297
  3. a. Tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường Đoạn tuyệt với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ, ghi nhận tư cách pháp lý của nhiều thành phần kinh tế khác nhau, nghĩa là sẵn sàng đón nhận sự ra đời của hàng loạt các doanh nghiệp dân doanh trong điều kiện kinh nghiệm quản lý nhà nước chưa nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, khi xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999, Nhà nước không thực hiện chủ trương “quản được đến đâu mở đến đó” mà là “cản đến đâu gỡ đến đó”. Điều này không những thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường mà còn trong cả “dọn dẹp” tư duy quản lý cũ. Thể hiện rõ nét mục tiêu này là các quy định nhằm tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường, để khu vực tư nhân không ngần ngại bỏ vốn kinh doanh. Trước khi có Luật Doanh nghiệp 1999, thủ tục thành lập doanh nghiệp phải trải qua 2 bước là: i) thành lập doanh nghiệp tại UBND cấp tỉnh; và ii) đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế nhà nước. Thời gian trung bình cho việc thành lập một doanh nghiệp là từ 3 đến 6 tháng, thậm chí đến gần 1 năm với nhiều loại giấy tờ khác nhau. Chẳng hạn như điều 15 Luật Công ty 1990 quy định: “Công dân, tổ chức có quyền tham gia thành lập công ty phải có các điều kiện sau đây mới được cấp giấy phép thành lập: 1) Mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh rõ ràng, có phương án kinh doanh ban đầu; có trụ sở giao dịch; 2) Có vốn điều lệ phù hợp với quy mô và ngành, nghề kinh doanh. Vốn điều lệ không được thấp hơn vốn pháp định do Hội đồng bộ trưởng quy định; 3) Người quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh phải có trình độ chuyên môn tương ứng mà pháp luật đòi hỏi đối với một số ngành, nghề”. Sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ mất từ 4 tuần cho đến 6 tuần để thành lập với yêu cầu về hồ sơ đơn giản hơn nhiều (bao gồm đơn, điều lệ, danh sách thành viên). Nối tiếp tinh thần của Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005 đã bãi bỏ những thủ tục không còn cần thiết, như bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; bỏ yêu cầu báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới cũng không cần phải thực hiện. Luật Doanh nghiệp 2005 quy định cụ thể hơn, rõ hơn trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh (khoản 2 và 3 điều 15); điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (điều 24); rút ngắn hơn thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (còn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ) (khoản 2 điều 15), đồng thời, quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với từng loại hình doanh nghiệp (từ điều 16 đến điều 20). Tuy vậy, theo Luật Doanh nghiệp 2005 doanh nghiệp vẫn còn phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh: i) đăng ký doanh nghiệp; ii) làm dấu tại cơ sở khắc dấu; iii) thông báo mẫu con dấu; iv) mở và thông báo việc mở tài khoản; v) xin các loại giấy tờ thỏa các điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, một số thủ tục hành chính khác thực 298 -
  4. sự không rõ mục tiêu quản lý vẫn còn tồn tại trong luật như: yêu cầu về báo cáo thông tin của người quản lý công ty, yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thường xuyên gửi thông tin về đăng ký doanh nghiệp cho tất cả quận, huyện, thị xã... Những tồn tại của Luật Doanh nghiệp 2005 đã được tiếp tục khắc phục trong Luật Doanh nghiệp 2014. Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thay vào đó, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Với quy định này, Luật Doanh nghiệp 2014 đã chuyển cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư nhanh chóng được tham gia “sân chơi”. Rõ ràng, so Luật Công ty 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 thì quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 là một bước tiến dài, thể hiện những chuyển biến mạnh mẽ và cụ thể tư duy quản lý từ “ dễ quản lý” sang “dễ doanh nghiệp”. Thứ hai,  Luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp chỉ còn ba ngày làm việc (khoản 2 điều 27). Điều này có được là nhờ hệ thống đăng ký thuế sẽ tự động tạo mã số thuế mà không cần sự kiểm tra, xem xét của cán bộ đăng ký thuế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý doanh nghiệp không những giảm bớt thủ tục phiền hà, mà còn minh bạch hóa quá trình gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh. Thứ ba, Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao việc quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu cho doanh nghiệp. Cụ thể, điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp” (khoản 1). “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” (khoản 2). Bởi vì các nhà làm luật nhận thức rằng, con dấu của doanh nghiệp chỉ mang tính chất là dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp, do doanh nghiệp tự thiết kế. Quy định này công nhận quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có việc công nhận quyền tự sáng tạo mẫu dấu; Nhà nước cũng không hướng tới việc quản lý chặt chẽ đối với con dấu như quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 (phải lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp), Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép Điều lệ công ty quy định việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu. Những thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2014 đã mang lại những kết quả tích cực trong thực tế. Trong nửa cuối năm 2015 đã có 46.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 302.674 tỷ đồng, tăng 24,5% về số doanh nghiệp và tăng hơn 50% về số vốn đăng ký mới so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 - 299
  5. là 93.868, là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn nhất từ trước tới nay. Đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã lên gần 50% GDP (Tư Giang, 2016). Những đổi mới về quản lý con dấu của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn chưa dừng lại. Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 về việc doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh; đồng thời, việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành (điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020). Cải cách này giảm bớt rất nhiều sự vướng mắc trong sử dụng con dấu ở ngoài trụ sở chính của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Người đại diện theo pháp luật có thể mang con dấu đi bất kỳ địa điểm nào để tiện cho việc quản lý và sử dụng, mà không lo đã làm trái quy định của pháp luật. Như vậy, với những cải cách mà các đạo luật doanh nghiệp mang lại, quyền tự do thành lập doanh nghiệp đã đạt những bước tiến đáng kể với thủ tục ngày càng đơn giản, ít tốn kém hơn, những trở ngại trong gia nhập thị trường đã được liên tục giải phóng. b. Mở rộng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Pháp luật tôn trọng và bảo hộ tích cực quyền tự do kinh doanh của công dân đồng nghĩa với việc mở rộng ngày càng nhiều quyền tự chủ của doanh nghiệp như: quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh, quyền tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế, quyền tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn; quyền tự do cạnh tranh lành mạnh,... Nói cách khác, khác với nền kinh tế bao cấp, Nhà nước không can thiệp vào công việc của doanh nghiệp mà chỉ là “bà đỡ” về chính sách, còn chính doanh nghiệp là “chiến binh” trên thương trường, tự chịu trách nhiệm cho sự hoạt động của mình. Quy định như vậy không những giảm đáng kể chi phí tuân thủ thực hiện thủ tục hành chính mà còn nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có hơn một người đại diện theo pháp luật (khoản 2 Điều 13). Dưới góc độ đảm bảo quyền tự do kinh doanh, việc cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật. Đồng thời, quy định này cũng giải quyết tình trạng người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành nội bộ doanh nghiệp cũng như giao dịch với bên ngoài. Mặt khác, bằng quy định có nhiều hơn một người đại diện, pháp luật triệt tiêu sự lạm quyền. Quyền tự chủ của doanh nghiệp được Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục mở rộng. Công ty TNHH 2 thành viên có 11 thành viên trở lên không bắt buộc phải có Ban kiểm soát. Điều 54 Luật Doanh nghiệp quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên 300 -
  6. là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định”. Như vậy, luật đã để cho khu vực tư nhân tự quyết định khi nào cần thành lập hay là thuê tổ chức bên ngoài làm cơ quan kiểm soát. Điều này thể hiện, pháp luật quan niệm cơ cấu của doanh nghiệp là câu chuyện nội bộ của doanh nghiệp, doanh nghiệp biết cần tổ chức các cơ quan quản lý như thế nào cho hiệu quả và tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Hiệu quả của Luật Doanh nghiệp 2020 trong thực tế thể hiện ở sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký kinh doanh– một trong các điểm sáng kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021, trước khi bùng phát đợt dịch Covid hiện nay. Có 44.166 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp và tăng 41% vế số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong các năm 2017 – 2021 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế. Bên cạnh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, những kết quả trên có được là nhờ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian qua (Tổng cục Thống kê, 2021). c. Nâng cao mức bảo vệ cổ đông/chủ sở hữu/thành viên thiểu số Để doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn, thu hút vốn đầu tư thì cổ đông/chủ sở hữu/thành viên phải được bảo vệ tốt. Các quy định của pháp luật về bảo vệ cổ đông phải đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; kiểm soát được các xung đột lợi ích; quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông nhỏ không bị cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty xâm hại; cổ đông dễ dàng khởi kiện người quản lý khi vi phạm trách nhiệm trong điều hành công ty. Luật Doanh nghiệp 1999 và sau đó được bổ sung, sửa đổi bởi Luật Doanh nghiệp 2005 cũng còn một số khiếm khuyết khi chưa có những quy định cụ thể để bảo vệ cổ đông hay người góp vốn thiểu số. Chẳng hạn, luật không quy định cổ đông được quyền: yêu cầu công ty cung cấp thông tin về giấy tờ, hồ sơ kế toán của công ty; khởi kiện Hội đồng quản trị; yêu cầu Tòa án xem xét miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát trong trường hợp cần thiết; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc Tòa án hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị…Sự thiếu vắng trong pháp luật những quyền quan trọng này của cổ đông chẳng khác nào khiến cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các đầu tư nhỏ không có “tấm khiên” sống còn để bảo vệ quyền lợi của mình, không có công cụ chuyên dụng để đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật của các nhà quản lý hoặc cổ đông khác. Luật Doanh nghiệp 2014 cũng vậy, tuy đã có những cải cách lớn nhưng vẫn tồn tại một số quy định chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền của mình; một số - 301
  7. quy định cản trở cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình hoặc bị cổ đông lớn, công ty lạm dụng gây thiệt hại. Ví dụ, khoản 2, điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết, báo cáo tài chính bán niên và hàng năm... Quy định này dẫn đến tình trạng nhà đầu tư bỏ số vốn lớn, sở hữu tỷ lệ cổ phiếu đáng kể nhưng phải chờ sau 6 tháng mới có quyền đề cử người tham gia kiểm soát, điều hành doanh nghiệp. Nguy hại hơn, trong một số trường hợp, 6 tháng là thời gian đủ dài để các nhà quản lý có thể làm nhiều việc gây rủi ro và thiệt hại cho các cổ đông mới. Thấu hiểu vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ điều kiện “sở hữu cổ phiếu trong tối thiểu 6 tháng liên tục”. Thêm nữa, điều kiện “sở hữu cổ phiếu trong 6 tháng” để thực hiện quyền khởi kiện của cổ đông, tại khoản 1 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 cũng không còn (xem khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020). Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có một số quyền như: xem xét sổ biên bản, nghị quyết, quyết định, báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị (khoản 2 Điều 115). So với mức 10% được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014, tỉ lệ 5% nói trên là một bước tiến rất đáng quý trong kỹ thuật lập pháp và là kết quả của sự lắng nghe tâm tư của cổ đông nhỏ. Bởi lẽ, việc tập hợp tỷ lệ 10% gần như là bất khả thi với các cổ đông nhỏ, nhất là trường hợp các công ty chuyển đổi từ quá trình cổ phần hóa, thường có tình trạng cổ phiếu “cô đặc”. Ðó là chưa kể với các doanh nghiệp lớn như ngân hàng, các tập đoàn lớn,.. việc tập hợp đủ tỷ lệ 1% đã rất khó khăn, chứ chưa nói đến một tỷ lệ cao hơn.  Một số quyền khác của các cổ đông cũng được bảo vệ đắc lực hơn trong Luật Doanh nghiệp 2020. Khoản 1 điều 144 đã bãi bỏ việc uỷ quyền cho một người và không giới hạn số lượng ủy quyền. Đặc biệt, tất cả cổ đông đều có quyền yêu cầu huỷ bỏ quyết định của Hội đồng quản trị. Khoản 4 điều 153 quy định: trường hợp nghị quyết, quyết định do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nói trên. Những cải cách pháp lý về doanh nghiệp đã tác động rõ nét đến thứ bậc của nước ta trên thế giới về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư – chỉ số quan trọng nhất trong quản trị doanh nghiệp: trước Luật Doanh nghiệp 2005, Việt Nam đứng thứ 159/169 thế giới về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư; sau khi có Luật Doanh nghiệp 2005 và tiếp đó là Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ số này đã tăng 70 bậc, lên vị trí thứ 89/190 nước (Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 2019). 302 -
  8. d. Chuẩn hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế Quản trị không chỉ là vấn đề thể chế mà là yếu tố quan trọng trong kinh doanh và phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Quản trị yếu kém sẽ dẫn hậu quả khôn lường: xung đột lợi ích không được kiểm soát, cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích, một cổ đông lớn chi phối toàn bộ hoạt động của công ty và bộ máy quản trị, quản lý bị vô hiệu,… Khung quản trị doanh nghiệp được Luật Doanh nghiệp 2005 hoàn thiện hơn, rõ ràng hơn và bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền và lợi ích của thành viên, cổ đông thiểu số, cụ thể: i) Khung quản trị được thiết kế tùy theo loại hình doanh nghiệp và được áp dụng thống nhất đối với tất cả các doanh nghiệp; ii) Xác định rõ hơn các nghĩa vụ của người quản lý (điều 110, 111), đặc biệt là nghĩa vụ trung thành, trung thực và cẩn trọng (điều 119); quy định rõ điều kiện và tiêu chuẩn của một chức danh quản lý quan trọng trong công ty (điều 57, 116); iii) Tăng thêm quy định yêu cầu công khai và minh bạch hóa, nhất là đối với những người quản lý; iv) Nâng cao, tăng cường và quy định cụ thể hơn vai trò, vị trí và trách nhiệm của Ban kiểm soát; v) Tăng cường thêm các quy định về quản lý vốn, hạn chế nguy cơ lạm dụng trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2005 chưa có quy định xác định tư cách và thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên đối với doanh nghiệp nhà nước còn thiếu rõ ràng và cao hơn so với hoàn cảnh và yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, yêu cầu Trưởng Ban kiểm soát phải làm việc “chuyên trách”, trong khi khái niệm “chuyên trách” lại không rõ ràng. Khoản 2, Điều 164, Luật Doanh nghiệp yêu cầu Kiểm soát viên của công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng kiểm toán viên, kế toán viên không nhiều nên công ty rất khó có được kiểm soát viên đáp ứng yêu cầu của Luật. Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh là những tiêu chuẩn, điều kiện để làm Giám đốc, Tổng Giám đốc được quy định tại khoản 2, Điều 65 của Luật Doanh nghiệp 2014. Quy định này được cho là không cần thiết vì các chủ doanh nghiệp khi trực tiếp làm giám đốc hay thuê giám đốc sẽ đủ sức đánh giá sự cần thiết của các chứng chỉ, bằng cấp, kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Khắc phục các vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 tập trung vào hai điểm yếu nhất trong khung quản trị của Việt Nam để sửa đổi là: trách nhiệm của người quản lý và cơ chế cho cổ đông khi khởi kiện người quản lý. Khoản 2 Điều 165 quy định: thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị - 303
  9. mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao quản trị và bảo vệ cổ đông thiểu số. Mặt khác, điểm k, l, m khoản 2 Điều 138 quy định thêm một số quyền hạn cho Đại hội đồng cổ đông như: quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn Kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết. Tóm lại, Luật Doanh nghiệp 2020 không chỉ tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 mà tiến thêm một bước, nâng cấp mạnh mẽ khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp chỉ đưa ra khung pháp lý tối thiểu, doanh nghiệp cần phải tuân thủ theo Bộ Nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển để có được một nền quản trị thực sự tốt. Đây cũng là một điều không đơn giản đối với nhiều doanh nghiệp. 5. Những thách thức và yêu cầu tiếp theo trong xây dựng và thực hiện Luật Doanh nghiệp Mặc dù các quy định của Luật Doanh nghiệp không ngừng được cải cách để đem lại môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn cho doanh nghiệp; tuy nhiên, thực tiễn thực thi Luật Doanh nghiệp trong những năm qua cho thấy nhiều rào cản, thách thức vẫn hiện diện; đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Luật Doanh nghiệp trong tương lai. Thứ nhất, dù luật đã mở nhưng một số ngành thì vẫn áp dụng nguyên tắc “không quản được thì cấm” để kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh. Ví dụ, đáng lý ra, thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư, từ ngày 01/7/2016, khoảng 3500 loại “giấy phép con” (tức là các điều kiện kinh doanh đã quy định tại các Thông tư, Quyết định của các Bộ, ngành) phải bị bãi bỏ vì hết hiệu lực. Song trên thực tế, nhiệm vụ này diễn ra rất chậm, thậm chí còn có tình trạng “lách luật” để bỏ giấy này, lại ban hành giấy khác, với các điều kiện kinh doanh tương tự. Không ít những quy định từ giấy phép con đã được bỏ, lại được đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành,… Thứ hai, chi phí tuân thủ có giảm nhưng vẫn còn cao, đặc biệt là chi phí không chính thức. Chẳng hạn, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI năm 2016, có đến 11% trong tổng số hơn 110.000 doanh nghiệp được điều tra cho biết phải trả các chi phí không chính thức lên tới 10% tổng doanh thu; 65% doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan quản lý các cấp khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp diễn ra rất phổ biến. Thứ ba, hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp chủ yếu là nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà chưa chú trọng đến việc hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Điều này có thể khiến 304 -
  10. cho Việt Nam trở nên kém hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và khó giữ chân được các tập đoàn tư nhân mạnh nói riêng, yên tâm phát triển trên lãnh thổ đất nước. Những tồn tại và bất cập trên cho thấy những quyết tâm và ý tưởng đổi mới quản lý kinh tế của Nhà nước ta muốn thực hiện thành công hơn nữa thì rất cần sự đồng lòng, quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đặt lợi ích của sự phát triển kinh tế đất nước lên hàng đầu. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp và xã hội phải dũng cảm đấu tranh, không tiếp tay cho các hành vi tiêu cực, đi ngược lại tiến trình trao trả quyền tự do kinh doanh cho công dân và doanh nghiệp. Kết luận Thực tiễn áp dụng các Luật Doanh nghiệp từ khi ra đời cho đến nay đã chứng tỏ các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch. Kết quả đó là nhờ quyết tâm đổi mới tư duy quản lý kinh tế của Đảng ta, được thể chế thành pháp luật, với nhận thức đúng đắn rằng quyền tự do kinh doanh là của công dân và doanh nghiệp, là quyền mà Nhà nước phải tôn trọng. Tuy nhiên, những quy định tiến bộ của pháp luật rất cần bàn tay “sắt và sạch” của Nhà nước cùng sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để hoàn thành được các mục tiêu tốt đẹp. TÀI LIỆU THAM KHẢO Quốc hội (1990). Luật Công ty, ban hành ngày 21/12/1990. http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan. aspx?ItemID=1817 Quốc hội (1990). Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, ban hành ngày 21/12/1990. http://vbpl.vn/ TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=1816 Quốc hội (1999). Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10, ban hành ngày 12/6/1999. http://vbpl.vn/ TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=7040 Quốc hội (2005). Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, ban hành ngày 12/12/2005. http:// vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?mode=detail&document_ id=29656 Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, ban hành ngày 26/11/2014. http:// vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_ page=1&mode=detail&document_id=178115 Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, ban hành ngày 17/06/2020. http:// vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_ page=1&mode=detail&document_id=200447 Tư Giang (2016). Phía sau một đạo luật làm thay đổi Việt Nam. Báo Đấu thầu Online, số ra ngày 12/02/2016. https://baodauthau.vn/phia-sau-mot-luat-lam-thay-doi-viet-nam-post9507.html - 305
  11. Tổng cục Thống kê. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/05/doanh-nghiep- dang-ky-thanh-lap-moi-tang-ca-ve-so-luong-va-so-von-dang-ky-trong-4-thang-dau- nam-2021/, truy cập ngày 25/8/2021. Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2019). Hội thảo: “20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách”. http://ciem.org.vn/tin-tuc/6609/hoi-thao-20-nam-luat-doanh-nghiep-thanh-tuu-bai-hoc-va- yeu-cau-cai-cach?newsgroup=TIN%20T%E1%BB%A8C%20-%20S%E1%BB%B0%20 KI%E1%BB%86N%09, truy cập ngày 17/8/2021. 306 -
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2