intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Dự án học tập “Du lịch văn hóa bản địa thời đại 4.0” – Giải pháp giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Dự án học tập “Du lịch văn hóa bản địa thời đại 4.0” – Giải pháp giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc" dựa trên kết quả khảo sát thực tế, xây dựng và thực hiện 01 dự án thử nghiệm; từ đó đề xuất một mô hình giáo dục hữu ích cần được tiếp tục triển khai đối với các nhà trường phổ thông khác có cùng cảnh huống. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Dự án học tập “Du lịch văn hóa bản địa thời đại 4.0” – Giải pháp giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc

  1. DỰ ÁN HỌC TẬP “DU LỊCH VĂN HÓA BẢN ĐỊA THỜI ĐẠI 4.0” – GIẢI PHÁP GIÁO DỤC VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC PGS.TS. Dương Thu Hằng33 Tóm tắt Trong thời đại 4.0, đổi mới mô hình giáo dục và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trở thành nhiệm vụ kép trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là đối với các nhà trường có đặc thù đa dân tộc, đa văn hóa – mô hình nhà trường phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. “Du lịch văn hóa bản địa thời đại 4.0” là một dự án học tập có ưu thế phát huy được năng lực của học sinh, góp phần xây dựng ngữ liệu học tập mới cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các cộng đồng người người dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay. Bài viết này dựa trên kết quả khảo sát thực tế, xây dựng và thực hiện 01 dự án thử nghiệm; từ đó đề xuất một mô hình giáo dục hữu ích cần được tiếp tục triển khai đối với các nhà trường phổ thông khác có cùng cảnh huống. Từ khóa: dự án học tập, du lịch văn hóa, văn hóa bản địa, dân tộc thiểu số, thời đại 4.0 1. Vấn đề giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS trong nhà trường phổ thông Là một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, bên cạnh dân tộc Kinh, Việt Nam có tới 53 dân tộc thiểu số (DTTS) anh em, chiếm 13% dân số cả nước. Các DTTS có bản sắc văn hóa riêng do đặc điểm tộc người, ngôn ngữ, lịch sử di cư, sự phân bố, địa bàn cư trú, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán,…tạo nên. Nói cách khác, văn hóa các DTTS là những giá trị vật chất và tinh thần được tích tụ, gìn giữ trong suốt quá trình phát triển của các DTTS, là bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được một thực tế là: cùng với xu thế hội nhập và phát triển, nhiều luồng văn hóa khác lạ đã và đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng DTTS, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, đặc biệt là làm mai một, biến dạng bản sắc tộc người (Dương Thu Hằng và cộng sự, 2022). Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS là một nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Trong thực tế, các nhà trường THCS và THPT ở khu vực miền núi phía Bắc đều có đặc điểm đa dân tộc, đa văn hóa bởi đây là nơi học tập của học sinh nhiều DTTS khác nhau. Đặc biệt, với các nhà trường THCS và THPT bán trú, nội trú ở vùng cao thì sự đa dạng về thành phần dân tộc còn thể hiện rõ hơn. Điều quan trọng là, mỗi HS DTTS này chính là chủ nhân của một nền văn hóa bản địa cần được bảo tồn và phát huy nhằm đảm bảo tính đa dạng văn hóa và phát triển bền vững vùng DTTS trong hiện tại và tương lai. Trước hiện thực đó, các nhà trường phổ thông ở khu vực miền núi phía Bắc đã có nhiều nỗ lực, kiên trì và linh hoạt, sáng tạo để khai thác đặc thù này như một thế mạnh để giáo dục 33 . Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên 139
  2. văn hóa truyền thống và phát huy phẩm chất, năng lực cho người học. Mô hình “Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch nhí” ở trường THCS bán trú Y Tý, Bát Xát, Lào Cai đã phát huy hiệu quả tích cực khi HS tham gia CLB này có thể giới thiệu mô hình văn hóa của người Hà Nhì tại khuôn viên nhà trường bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. Theo báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Đề án giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020 ngày 18/11/2019 và Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND và 01 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU; phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2023-2025 ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh Hà Giang, công tác giới thiệu, truyền dạy về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được các đơn vị trường học triển khai thực hiện với các nội dung và hình thức phong phú, đa đạng: Giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian ở địa phương cũng như của tỉnh Hà Giang; truyền dạy một số làn điệu dân ca của địa phương như hát sli, hát lượn, dân ca Lô Lô, dân ca Mông,…; sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như khèn môi, khèn lá, sáo Mông, đàn Tính,…Nhiều nhà trường đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tại địa phương như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Nhảy lửa, lễ hội mừng lúa mới, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh yến, tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê,… Các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, cuộc thi được các trường học tổ chức nhằm giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc…Thông qua đó các nhà trường bước đầu đã cung cấp cho học sinh những hiểu biết về văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương, góp phần vào công tác bảo tồn giá trị và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, không thể phủ nhận một thực tế là tất cả những cố gắng đó mới chỉ đáp ứng được một phần mục tiêu giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS bởi hiện tại các hoạt động đó mới chỉ tập trung vào một số DTTS trong tổng số 53 DTTS anh em, chưa kể nhiều DTTS còn được chia nhỏ thành các nhóm địa phương với ngôn ngữ, văn hóa, ý thức tộc người riêng (Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh cb, 2022). Thêm nữa, trước những tác động của thời đại, đa số HS không có sự hiểu biết cần thiết, đầy đủ về văn hóa và giá trị văn hóa tộc người của chính mình và của các dân tộc khác. Phần lớn các em có xu hướng yêu thích những loại hình văn hóa, nghệ thuật hiện đại, mới lạ hơn văn hóa cổ truyền dân tộc. Một số bạn HS DTTS chưa hiểu biết và chưa thật sự thấy được nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình như trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán,... Bên cạnh đó, việc sử dụng tiếng Việt làm công cụ học tập, giao tiếp và bắt buộc học tiếng Anh khiến cho tiếng mẹ đẻ của các dân tộc không có cơ hội xuất hiện trong chương trình chính khóa. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động phát triển văn hóa đa sắc tộc còn eo hẹp. Chưa có điều kiện cho các bạn HS tham quan, trải nghiệm nhiều. Việc xây dựng và thực hiện một môn học riêng để nâng cao nhận thức của HS về văn hóa dân tộc mình cũng như dân tộc khác được đặt ra như một thử thách lớn đối với các nhà trường hiện nay. Từ đó, rất cần có những giải pháp cụ thể để giúp HS người DTTS vừa có cơ hội phát huy năng lực, phẩm chất vừa có ý thức cao trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người. 140
  3. Như vậy, có thể hiểu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là việc làm nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc tốt đẹp vốn có của các DTTS để phát triển những giá trị tốt đẹp. Những giá trị văn hóa cần được bảo tồn gồm: các danh lam thắng cảnh, các phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, các lễ hội cổ truyền, tín ngưỡng văn hóa, dân ca, nghề thủ công truyền thống,…của đồng bào các DTTS. Đây là nhiệm vụ của mọi người, mọi nhà, mọi cấp, mọi ngành… trong cả nước, trong đó giáo dục phổ thông được coi là một mắt xích quan trọng. Điều này cũng đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu trước đó (Xavier Roegiers,1996 ); (Phan Thanh Long,2016); (Đỗ Thị Thanh Hà & Cao Thị Hoa, 2019) và (Phan Minh Tiến, 2019), (Dương Thu Hằng & Nguyễn Thị Thu Trang, 2020),… 2. Du lịch văn hóa bản địa và dự án học tập “du lịch văn hóa thời đại 4.0” Với điều kiện đặc biệt về địa văn hóa và nhiều ưu thế khác, Việt Nam là một trong những nước được ghi nhận là nước có thị trường du lịch tốt nhất khu vực, trong đó có du lịch văn hóa. Nếu du lịch là đi đến nơi khác không gian mình đang sống để thưởng thức, trải nghiệm những cái mới, cái lạ mà mình chưa biết, quê mình chưa có… thì “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống” (Trần Thúy Anh cb, 2014, Tr.7). Hình thức du lịch này ngày càng hấp dẫn được khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, đây cũng có thể coi là giải pháp tình thế trong thời đại 4.0 và để ứng phó với tình hình dịch bệnh như Covid 19 vừa qua; khi mà nhu cầu khám phá những điều mới lạ của con người vẫn gia tăng, du lịch văn hóa còn được thể nghiệm ở một hình thức mới, đó là du lịch tại chỗ/du lịch 4.0, du lịch qua màn ảnh nhỏ… Nghĩa là, các chủ thể văn hóa sẽ huy động tất cả vốn liếng của mình cũng như phối hợp với gia đình, bạn bè,… sưu tầm, phục dựng hình ảnh, tái hiện các câu chuyện cổ, luật tục,…của dân tộc mình; hoàn thiện thành hệ thống hợp lí, hấp dẫn để giới thiệu văn hóa của dân tộc mình, địa phương mình đến mọi người. Dự án (Project) được hiểu là một đề án, một dự thảo hay một kế hoạch cần được thực hiện nhằm đạt mục đích đề ra. Ban đầu, khái niệm này được sử dụng phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực KT - XH và trong các nghiên cứu khoa học. Đến đầu thế kỷ XX, các nhà sư phạm Mĩ đã xây dựng cơ sở lí luận cho phương pháp dự án (The project Method) và coi đó là một phương pháp dạy học (PPDH) quan trọng để thực hiện nội dung DH lấy HS làm trung tâm, nhằm khắc phục nhược điểm của DH truyền thống coi thầy giáo là trung tâm. Ở Việt Nam, từ năm 2003 đã có khá nhiều bài báo viết về sự tiếp cận DH dự án từ góc độ lí luận trên các tạp chí và Website. Có nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau về DH dự án nhưng khái niệm được nhiều người biết đến là: DH dự án là một PPDH, trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, thực hành, tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và và kết quả thực hiện. Một dự án học tập có giá trị phải đảm bảo được các đặc điểm mang tính ưu thế vượt trội của hình thức DH này như sau: 141
  4. Một là định hướng thực tiễn: chủ đề của dự án xuất phát từ những tình huống/nhu cầu của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp cũng như thực tiễn đời sống; phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của người học; góp phần gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn đời sống, xã hội. Trong những trường hợp lí tưởng, việc thực hiện các dự án có thể mang lại những tác động xã hội tích cực. Hai là khơi gợi được hứng thú của người học: HS được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân. Ngoài ra, hứng thú của người học cần được tiếp tục phát triển trong quá trình thực hiện dự án. Ba là mang tính phức hợp, liên môn: nội dung dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực hoặc nhiều môn học khác nhau nhằm giải quyết một nhiệm vụ, vấn đề mang tính phức hợp. Bốn là định hướng hành động: trong quá trình thực hiện dự án có sự kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và vận dụng lý thuyết vào trong hoạt động thực tiễn, thực hành. Thông qua đó, kiểm tra, củng cố, mở rộng hiểu biết lý thuyết cũng như rèn luyện kỹ năng hành động, kinh nghiệm thực tiễn của người học. Năm là phát huy được tính tự chủ của HS: trong dạy học theo dự án, người học cần tham gia tích cực, tự lực vào các giai đoạn của quá trình dạy học. GV chủ yếu đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ. Sáu là phát triển khả năng làm việc nhóm: các dự án học tập thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự cộng tác làm việc và sự phân công công việc giữa các thành viên trong nhóm. Dạy học theo dự án đòi hỏi và rèn luyện tính sẵn sàng và kỹ năng công tác làm việc giữa các thành viên tham gia, giữa HS và GV cũng như với các lực lượng xã hội khác tham gia trong dự án. Đặc điểm này còn được gọi là học tập mang tính xã hội. Bảy là định hướng sản phẩm: trong quá trình thực hiện dự án, các sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong những thu hoạch lí thuyết, mà trong đa số trường hợp các dự án học tập tạo ra những sản phẩm vật chất của hoạt động thực tiễn, thực hành. Những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu. Theo đó, áp dụng mô hình DH theo dự án vào việc xây dựng các chuyên đề học tập “Du lịch văn hóa bản địa thời đại 4.0” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS sẽ mở ra cho người dạy cũng như người học một hướng tiếp cận mới cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn. Từ đó, tạo ra sự say mê, hứng thú trong hoạt động học tập cho HS người DTTS đang học tập và rèn luyện tại các nhà trường đa dân tộc, đa văn hóa. Điều này phù hợp với chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” của Đảng và Nhà nước hiện nay. 3. Dự án “Du lịch văn hóa bản Thẳm” – một thử nghiệm thành công 3.1. Cơ sở xây dựng dự án Với 65 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc hiện là môi trường giáo dục đa dân tộc, đa văn hóa tiêu biểu trong nước, trong khu vực. Theo khảo sát của chúng tôi, HSDTTS không chỉ chiếm số lượng rất lớn (88,52%) số HS trong toàn trường mà còn có sự phong phú và đa dạng về các dân tộc (xem Biểu đồ H.1): 142
  5. H1. Thành phần và tỉ lệ % HS ở trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc Từ năm học 2005- 2006, Trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo hệ phổ thông dân tộc nội trú rất ít người. Trong 16 dân tộc rất ít người trên cả nước thì hiện nay ở trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc đã và đang đào tạo con em các dân tộc Lự, Mảng, Ngái, Bố Y, Pà thẻn, La Chí, La Hủ, Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô …). Hàng năm nhà trường tuyển sinh khoảng 40- 45 HS khối 9,10 là dân tộc rất ít người. Từ năm 2005 đến nay nhà trường đào tạo được khoảng hơn 600 em HS dân tộc rất ít người. Mỗi HSDTTS nói chung, DTTS rất ít người nói riêng đang học tập tại trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc hiện nay đang sở hữu một nền văn hóa bản địa. Đồng thời, với vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS nhằm đảm bảo tính đa dạng văn hóa và phát triển bền vững vùng DTTS là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của học sinh nhà trường trong hiện tại và tương lai. Ý thức được điều đó, trong suốt quá trình phát triển, Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã luôn chú trọng tới các hoạt động nhằm giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc bằng các cuộc thi “Trang phục dân tộc”, “ Người đẹp văn hóa các dân tộc”, “Thi vũ dân tộc”, “hội chợ Xuân”, Câu lạc bộ Võ thuật cổ truyền”,…; các chương trình sinh hoạt dưới cờ “Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc”, các câu lạc bộ nghệ thuật: Múa, Hát then, Sáo, Khèn… Tuy vậy, như đã nói trên, trước những tác động của thời đại, đa số HS DTTS trong trường đều đang phấn đấu học tập để hội nhập, phát triển nên dấu hiệu mai một văn hóa truyền thống hiển lộ khá rõ ràng: rất hiếm khi sử dụng tiếng mẹ đẻ, không hiểu biết nhiều về trang 143
  6. phục, ẩm thực, phong tục tập quán,...của dân tộc mình. Đồng thời, các em cũng ít có cơ hội tìm hiểu hay trải nghiệm văn hóa các dân tộc khác trong quá trình học tập hiện nay. Với quyết tâm hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, xây dựng chương trình nhà trường theo hướng giảng dạy tiếp cận năng lực học sinh, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học để phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, sáng tạo nhằm mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy; tạo điều kiện tốt nhất cho các em là HS dân tộc rất ít người tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động học gắn với thực hành tại các trường đại học; luôn quan tâm đặc biệt tới nhóm HS dân tộc rất ít người, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em về học tập, sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng, phát triển trí tuệ, đức trí, thể mĩ…; Trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc đã thử nghiệm xây dựng một dự án học tập mang tính tổng hợp, sáng tạo, phát huy được đặc trưng của HS DTTS đang học tập tại trường mang tên “Du lịch văn hóa Bản Thẳm”. Việc lựa chọn dự án thử nghiệm này dựa vào thực tế là: Khu du lịch sinh thái Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với những nét độc đáo về cảnh quan, về vị trí địa lí, đặc biệt là về những đặc sắc trong văn hóa cổ truyền của dân tộc Lự - một trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam đã bắt đầu đi vào khai thác. Tuy nhiên, hiện nay khu du lịch sinh thái Bản Thẳm chưa trở thành một điểm du lịch được nhiều người biết đến. Vì vậy, thực hiện tốt dự án này, hình ảnh khu du lịch sinh thái Bản Thẳm và các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Lự sẽ được giới thiệu và quảng bá; Thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước; Nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn các DTTS ở Việt Nam hiện nay. 3.2. Tổ chức thực hiện dự án “Du lịch văn hóa Bản Thẳm” ở trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc 3.2.1. Giai đoạn chuẩn bị *Xác định mục tiêu: Dự án “Du lịch văn hóa Bản Thẳm” được thiết kế nhằm các mục tiêu sau: Một là: Phát triển phẩm chất và năng lực cho HS người Lự - một trong những DTTS ít người nhất ở Việt Nam hiện đang học tập tại trường, cụ thể như sau: củng cố và phát huy kiến thức về các lĩnh vực văn hóa tộc người, lịch sử, địa lí; đặc biệt là kĩ năng sử dụng công nghệ 4.0 để xây dựng bộ sản phẩm giới thiệu về quê hương, dân tộc mình; có tinh thần trách nhiệm, có tinh thần hợp tác: biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án,… Hai là: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Lự qua việc giới thiệu, quảng bá khu du lịch sinh thái Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu qua bộ sản phẩm gồm: 01 báo cáo tổng hợp kết quả dự án; các video clip; bộ ảnh, website, kênh youtube. Mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng trong việc truyền thông, quảng bá chủ thể văn hóa - người dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch địa phương, gắn với truyền thông phát triển. 144
  7. Ba là: Góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức DH theo định hướng phát triển năng lực người học - khâu quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. 3.2.2. Phương pháp, phương tiện nghiên cứu Phương pháp: Thuyết trình, đàm thoại, nêu vấn đề, làm việc nhóm, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp điều tra thống kê, phương pháp truyền thông đại chúng, phương pháp nghiên cứu các sản phẩm hoạt động, PPDH từ di sản văn hóa. Phương tiện: tài liệu tham khảo thứ cấp, Internet, máy quay phim, máy ghi âm, chụp ảnh, máy tính bảng, laptop, phương tiện trình chiếu và các phương tiện hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, các sản phẩm mềm; facebook, fanpage, youtube,… 3.3.3. Đối tượng tham gia và thời gian thực hiện dự án Đối tượng: HS người Lự đang học tập tại trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc. Đây là những HS có ý thức sâu sắc về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tộc người trong đời sống xã hội hiện đại. Đứng trước nguy cơ bị mai một văn hóa, cần khơi dậy ở các em lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc về văn hóa, con người, quê hương mình. Thời gian: Dự án được thực hiện vào học kì 1 của lớp 11 và kéo dài 10 tuần (gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị: 1 tuần; Giai đoạn học kĩ năng, trải nghiệm và ứng dụng thực hành: 2 tuần; Giai đoạn nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm: 6 tuần; Giai đoạn tổng kết dự án: 1 tuần). 3.3.4. Các hoạt động của dự án Giai đoạn chuẩn bị (1 tuần): GV giới thiệu cho HS hình thức DH dự án và thiết lập dự án: “Du lịch văn hóa Bản Thẳm”; GV đặt vấn đề và định hướng cho HS các nhiệm vụ cần giải quyết: Du lịch văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện tại? Những đặc sắc của khu du lịch sinh thái Bản Thẳm là gì? Người Lự còn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống nào? Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện dự án “Du lịch văn hóa Bản Thẳm”? Dự kiến đóng góp của dự án… Yêu cầu HS vận dụng và huy động tối đa công nghệ thông tin, ứng dụng công cụ hỗ trợ hiện đại, thiết bị kỹ thuật để tìm kiếm, chia sẻ, trao đổi các kiến thức, kĩ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả các HS đều phải có nhật kí dự án để ghi chép nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ, các nhóm trưởng, nhóm phó phân công, theo dõi mức độ tham gia và hiệu quả công việc. Tất cả HS đều tham gia với tinh thần tự nguyện, hợp tác, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo. Lên danh sách nhóm và chia nhóm, các nhóm phân công nhóm trưởng, thư kí và nhiệm vụ cho các thành viên; Chuẩn bị tài liệu; Thiết kế chương trình. 145
  8. Giai đoạn học kĩ năng và trải nghiệm (2 tuần): HS được chuyên gia sư phạm, GV báo chí và các cô giáo hướng dẫn tìm kiếm, xử lí kiến thức liên quan đến nhiệm vụ dự án và các phần mềm công nghệ thông tin để thực hiện dự án; thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo: + Khảo sát thực tế, thực hiện thâm nhập 3 cùng với người Lự tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; + Phỏng vấn lãnh đạo, khảo sát người dân bằng phiếu khảo sát đã chuẩn bị sẵn; + Tham quan khu du lịch sinh thái Bản Thẳm và các cảnh quan xung quanh. Trong quá trình tham quan, GV yêu cầu HS vừa quan sát, lắng nghe giới thiệu vừa ghi chép, chụp ảnh làm tư liệu học tập. Giai đoạn nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm (6 tuần): GV hướng dẫn HS nghiên cứu, xây dựng bộ sản phẩm theo mục tiêu đã đặt ra; gửi chuyên gia đọc phản biện và hoàn thiện theo góp ý. Giai đoạn tổng kết dự án (1 tuần): HS thực hiện dự án sẽ báo cáo, thuyết trình về bộ sản phẩm của đề tài; chia sẻ quá trình thực hiện đề tài qua video tư liệu; Phát biểu của lãnh đạo nhà trường, của Đoàn thanh niên, của các bạn HS trong trường,… Để động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em HS, GV đưa ra mẫu để đánh giá các sản phẩm mà các em thu hoạch được trong quá trình học tập. GV cần khuyến khích HS đánh giá và tự đánh giá, đảm bảo kết quả đánh giá dự án phản ánh đúng năng lực của từng HS. 3.3.5. Kết quả đạt được và ý nghĩa của dự án Sau thời gian 10 tuần thực hiện, dự án đã thu được các sản phẩm là: 01 website, 01 fanpage và 01 kênh Youtube tập hợp của các sản phẩm video giới thiệu về các giá trị đặc trưng của khu du lịch sinh thái Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, có điểm nhấn là văn hóa truyền thống của người Lự. Nội dung của website, fanpage, youtube xoay quanh các đặc trưng về văn hóa, đời sống, phong tục, tập quán... kiến trúc, tập tục sinh sống, văn hóa, âm nhạc, trang phục, ẩm thực... của đồng bào dân tộc. Thông qua đó, bức tranh về không gian văn hóa dân tộc Lự được tái hiện một cách rõ nét, đặc sắc. Ngoài ra, dự án còn có ý nghĩa lớn trong việc góp phần giúp HS người Lự nói riêng, HS trường PT Vùng Cao Việt Bắc nói chung hiểu được tầm quan trọng của truyền thông phát triển du lịch địa phương; Nhận thức được giá trị của bộ sản phẩm truyền thông trong quảng bá văn hóa du lịch ở Bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khu vực Tây Bắc; Thấy được giá trị riêng của chủ thể văn hóa trong phát triển du lịch – mà gắn với đề tài là người dân tộc Lự - một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, HS làm quen và nâng cao dần với kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tổ chức, kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng thu thập xử lí tài liệu, kĩ năng đánh giá và tự đánh giá, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, kĩ năng quay phim, chụp ảnh,…, nghiên cứu theo nhóm; có thái độ yêu quý, tự hào về vẻ đẹp quê hương và bản sắc người dân tộc Lự. HS được phát triển các năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực thuyết trình, năng lực nghiên cứu, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực đọc hiểu, năng lực tạo lập văn bản. Sau khi thực hiện xong dự án, những em nhút nhát trở nên tự tin 146
  9. hơn, hòa đồng hơn và có tinh thần trách nhiệm, có ý thức hợp tác, chủ động, linh hoạt và sáng tạo. 4. Kết luận Trước thực trạng mai một văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào các DTTS ở Việt Nam, ngành giáo dục nói chung, mỗi nhà trường phổ thông nói riêng có vai trò quan trọng việc xây dựng và phát triển các hoạt động giáo dục bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS cho HS. Đã có rất nhiều hình thức giáo dục bảo tồn nhưng chúng tôi cho rằng việc giáo dục bảo tồn và phát huy văn hóa các DTTS cho HS phổ thông bằng hình thức tổ chức dạy học theo dự án ở trường Phổ thông Vùng Cao Việt Bắc là một hình thức dạy học mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Đây là một dự án học tập có quy mô lớn, có tính chất liên môn, cùng lúc kết hợp nhiều nhiệm vụ như tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành. Điều quan trọng hơn cả là sản phẩm của dự án mang tính ứng dụng cao. Hiện nay, bộ sản phẩm đã được chuyển giao cho UBND xã Bản Hon và Ban Quản lí dự án du lịch sinh thái Bản Thẳm. Với ưu thế phát huy được năng lực của học sinh, góp phần xây dựng ngữ liệu học tập mới cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa của người Lự - một trong những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam hiện nay, mô hình dạy học theo dự án “Du lịch văn hóa Bản Thẳm” góp phần khẳng định một mô hình giáo dục thiết thực, hữu ích trong thời đại 4.0; cần được tiếp tục triển khai đối với HS các dân tộc khác trong nhà trường và đối với các nhà trường khác có cùng cảnh huống như Trường phổ thông Vùng Cao Việt Bắc. Tài liệu tham khảo Trần Thúy Anh (chủ biên). (2014). Du lịch văn hóa – những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, Nxb Giáo dục Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018). Chương trình giáo dục phổ thông chương trình tổng thể, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Đặng Thị Phương Duyên - Dương Thị Thanh Xuân. (2016). Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong việc phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Đỗ Thị Thanh Hà - Cao Thị Hoa. (2019). Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Giáo dục giá trị trong nhà trường”, NXB Đại học Huế. Dương Thu Hằng – Nguyễn Thị Thu Trang. (2020). Dân ca Pu Péo - Một ngữ liệu quý cần đưa vào chương trình môn Ngữ văn mới ở Đồng Văn, Hà Giang, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 6, ISSN 1859 – 2694. Dương Thu Hằng, Vi Thị Phương, Vũ Thị Thanh Hương, Đỗ Thùy Ninh, Tao Thị Ún Nguyễn Đình Tuấn. (2020). Learning project “Ban Tham cultural tourism” – education model for protection and culture development of ethnic minorities in the 4.0 era at Viet Bac highland high school, Proceedings of the 3rd International conference on teacher education 147
  10. renovation (ICTER 2020): “Teacher competencies for education 4.0”, Thai Nguyen University Publishing house, March 2021, ISBN:978-604-9984-82-2. Dương Thu Hằng, Nguyễn Thu Quỳnh (Đồng chủ biên), Nguyễn Văn Lợi, Tạ Quang Tùng. (2022). Các ngôn ngữ có nguy cơ mai một ở Việt Nam - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Phan Thanh Long (chủ biên). (2016). Giáo dục đa văn hóa cho sinh viên các trường đại học phục vụ quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, NXB Giáo dục Việt Nam. Trần Thị Thanh Thủy (chủ biên). 2016. Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, quyển 2. NXB Đại học Sư phạm. Phan Minh Tiến. 2019. Giáo dục giá trị trong nhà trường, Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Giáo dục giá trị trong nhà trường”, NXB Đại học Huế. Xavier Roegiers.1996. Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực ở nhà trường (người dịch: Đào Trọng Quang, Nguyễn Ngọc Nhị). NXB Giáo dục. 148
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2