intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

6
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa" thực hiện những nhiệm vụ sau: (1) Làm rõ các khái niệm có liên quan; (2) Nêu và mô tả mô hình cấu trúc âm nhạc truyền thống Việt Nam; (3) Nêu tình hình thực trạng giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay; (4) Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp cụ thể. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa

  1. GIÁO DỤC ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI TOÀN CẦU HÓA ThS. NCS. Nguyễn Huỳnh Thy Phương138 Tóm tắt Toàn cầu hóa được ví như là “chất dung môi” có khả năng hòa tan mọi nền văn hóa. Từ sau Đổi Mới, Việt Nam bước vào tiến trình hội nhập toàn diện với quốc tế, điều này mở ra con đường trình hiện văn hóa quốc gia ra thế giới, song cũng đối mặt với nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Đứng trước thực trạng này, việc giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam là một hành động cấp thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa, tuy nhiên, cũng là một hành động đầy khó khăn thử thách trước sự tiến nhập của nhiều thể loại âm nhạc đại chúng từ nhiều quốc gia khác ồ ạt tràn vào Việt Nam. Bài viết này thực hiện những nhiệm vụ sau: 1) Làm rõ các khái niệm có liên quan; 2) Nêu và mô tả mô hình cấu trúc âm nhạc truyền thống Việt Nam; 3) Nêu tình hình thực trạng giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay; 4) Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp cụ thể. Từ khóa: Giáo dục, âm nhạc truyền thống Việt Nam, toàn cầu hóa, địa phương hóa. Globalization is compared with a "solvent" capable of dissolving all cultures. Since Doi Moi, Vietnam has entered the process of comprehensive international integration, which opens up the way to present national culture to the world, but also faces the risk of losing national cultural identity. Faced with this situation, educating traditional Vietnamese music is an urgent action to preserve cultural identity, however, it is also a challenging action with the entry of many popular music genres from many other countries flooding into Vietnam. This article performs the following tasks: 1) Bring out the meaning of relevant concepts; 2) State and describe the structural model of Vietnamese traditional music; 3) Describe the current situation of traditional music education in Vietnam; 4) Appreciate the current situation and propose specific solutions. Keywords: Education, Vietnamese traditional music, globalization, localization. 1. Dẫn nhập Từ sau khi thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc vào ngày 20/9/1977, tuy nhiên do ảnh hưởng bởi “chiến tranh lạnh” trên thế giới và cơ chế kinh tế bao cấp khiến cho các chính sách ngoại giao với quốc tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cuộc chiến tranh biên giới xảy ra gián đoạn tình hữu nghị giữa Việt Nam với những nước láng giềng, như chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia từ năm 1975 đến 1978, đỉnh điểm là giai đoạn 1977 - 1978 và 1978 – 1979; chiến tranh biên giới Việt - Trung vào năm 1979 và năm 1984 làm căng thẳng mối quan hệ giao lưu hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc từ năm 1979 kéo dài đến năm 1991. 138 NCS. Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. 343
  2. Năm 1986 Đảng và nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Việt Nam từng bước tiến hành hợp tác với các nước trong khu vực, trong châu lục và thế giới. Ngày 28/7/1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trở thành thành viên thứ bảy của tổ chức này (bên cạnh sáu quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei), là bước đầu tiên giúp Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và các nước Đông Nam Á hải đảo, sau đó là toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Tiếp theo, ngày 15/11/1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), giúp Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước châu Á. Không dừng lại ở đó, ngày 11/01/2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), sự kiện này giúp Việt Nam mở rộng thị trường thương mại, dịch vụ, hàng hóa hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng liên tiếp thực hiện đàm phán và ký kết gia nhập nhiều điều ước quốc tế song phương, đa phương trên các lĩnh vực chính trị, thương mại, văn hóa, giáo dục, tài chính, y tế, xã hội, môi trường, giao thông - vận tải, v.v. với Hoa Kỳ, Australia, New Zealand và Liên minh châu Âu. Về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy nhiều loại hình nghệ thuật đại chúng, trong đó có nhiều thể loại âm nhạc mới tiến nhập vào Việt Nam thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của giới trẻ, điều này khiến âm nhạc truyền thống Việt Nam có nguy cơ bị mai một nếu không có giải pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả. Trước tình hình này, Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc khẳng định: “Những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế là cơ hội để chúng ta tiếp thu những thành quả trí tuệ của loài người, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”. Nghị quyết thể hiện nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam ngày càng tiến sâu vào sân chơi toàn cầu hóa, đó là thách thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì thế, việc giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa đóng vai trò quan trọng cho việc lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc trước những biến đổi của xã hội hiện đại. 2. Những khái niệm liên quan Giáo dục là từ Hán - Việt được ghép nghĩa từ hai chữ “giáo” và “dục”, chữ “giáo” (教) trong tiếng Hán nghĩa là dạy dỗ, truyền thụ; chữ “dục” (育) trong tiếng Hán nghĩa là sinh sản, nuôi cho khôn lớn. “Giáo dục” (教育) là quá trình vun trồng nhân tài, nhằm thực hiện sự nghiệp xây dựng quốc gia, phát triển xã hội. Trong tiếng Anh, danh từ “education” (sự giáo dục) được hiểu là quá trình giảng dạy (teaching), đào tạo (training) và học tập (learning), đặc biệt ở các trường, cao đẳng hoặc đại học, nhằm trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng. Tuy nhiên, về động từ “educate” và “train” đều là hành động “dạy” (teach), nhưng nội hàm khác nhau, theo đó “educate” là “dạy” trong một giai đoạn ở trường học hoặc trường đại học (The University of Oxford, 2020, tr 496), còn “train” là “dạy” cho con người (hoặc động vật) những kỹ năng thực hành công việc hoặc hành động đặc thù (như thể thao) bằng cách thực hiện nhiều bài luyện tập (The University of Oxford, 2020, tr 1663). Do đó, “giáo dục” và “đào tạo” là 344
  3. hai thuật ngữ độc lập trong tiếng Việt, “giáo dục” mang nghĩa là quá trình dạy và học kiến thức, “đào tạo” mang nghĩa là quá trình dạy và thực hành kỹ năng để thực hiện được một hành động nhất định. Tuy hai thuật ngữ này tồn tại độc lập nhưng luôn gắn bó mật thiết với nhau và bổ sung cho nhau, kiến thức phải được thực hành mới phát huy tác dụng, kỹ năng có kiến thức bổ trợ thì thực hành mới suông sẻ. Đây là mối quan hệ gắn bó giữa “kiến thức” và “kỹ năng”, chính vì vậy “giáo dục” không thể tách rời khỏi “đào tạo”. Âm nhạc truyền thống tạm dịch tiếng là Traditional Music là một khái niệm phức hợp, mặc dù tính từ “truyền thống” và “cổ truyền” trong tiếng Anh là “traditional”, nhưng theo nghĩa tiếng Việt phân chia thành hai khái niệm độc lập “âm nhạc cổ truyền” và “âm nhạc truyền thống”. Căn cứ theo quan điểm của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2014), hai khái niệm trên giống nhau ở chỗ đều là di sản âm nhạc của các dân tộc đã được hình thành và phát triển trong quá khứ được lưu truyền hoặc lưu giữ (ở dạng ghi chép) cho đến ngày nay. Riêng “âm nhạc truyền thống” có hai điểm khác biệt ở chỗ (1) bên cạnh âm nhạc cổ truyền bản địa thì “âm nhạc truyền thống” có sự tiếp biến văn hóa của những thể loại âm nhạc ngoại lai du nhập từ các nền văn hóa khác; (2) “âm nhạc truyền thống” có tính kế thừa và biến đổi, tức là nó đang còn tồn tại trong đời sống tinh thần của con người trong một cộng đồng nhất định, đồng thời nó được chuyển hóa và phát triển để phù hợp với thời đại mới. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2014) cũng đưa ra quan điểm về giới hạn không gian “Việt Nam” trong khái niệm “âm nhạc truyền thống Việt Nam”, đó là một quốc gia có lãnh thổ, biên giới riêng; có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, có chung một ngôn ngữ chính thức và bản sắc văn hóa (Việt Nam). Từ đó, rút ra khái niệm: âm nhạc truyền thống Việt Nam là một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Việt Nam, bao gồm nền âm nhạc của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ nước Việt Nam với những đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, tộc người; cùng hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử của đất nước và trở thành truyền thống chung của quốc gia - dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi khẳng định phạm vi nghiên cứu của Âm nhạc truyền thống Việt Nam là những thể loại âm nhạc được sáng tạo và truyền bá trong dân gian; những thể loại âm nhạc chuyên nghiệp; thể loại âm nhạc cung đình; những thể loại âm nhạc của các tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; và những thể loại âm nhạc được hình thành, phát sinh trong tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây (Trần Ngọc Thêm, 2004, tr 75). Thuật ngữ “toàn cầu hóa” trong tiếp Anh là (globalization), là một danh từ mới xuất hiện từ những năm 1960, từ này được ghép bởi tính từ “global” nghĩa là “toàn cầu” và hậu tố “-ization” nghĩa là hành động, quá trình hoặc kết quả của việc làm hoặc thực hiện một điều gì đó (theo Từ điển Collins, 2010). Hậu tố “-ization” trong tiếng Việt là “hóa”, diễn tả một quá trình xã hội đang diễn ra sự việc, hiện tượng nhưng chưa hoàn thành, chưa biết được kết quả chính xác của nó. Đa số các khái niệm “toàn cầu hóa” trong các công trình nghiên cứu hiện nay định nghĩa “toàn cầu hóa” là một “quá trình”. Theo Malcolm Waters (2001) trong công trình nổi tiếng Globalization (1995, 2001), thuật ngữ “toàn cầu hóa” được định nghĩa là:“Một quá trình xã hội trong đó những giới hạn địa lý đối với kinh tế, chính trị, xã hội và 345
  4. văn hóa toàn cầu ngày càng trở nên suy giảm; con người ngày càng nhận thức được sự suy giảm những giới hạn đó và ngày càng có hành động phù hợp với tình thế”(tr.5). Theo Manfred B. Steger (2003) viết trong Globalization: A Very Short Introduction (2003) cho rằng “thuật ngữ toàn cầu hóa nên được sử dụng để chỉ một tập hợp các quá trình xã hội được cho là sẽ biến điều kiện xã hội hiện tại của chúng ta thành một điều kiện toàn cầu” (tr.8). Peter N. Stearns (2010) trong Globalization in World History (2010) khẳng định: toàn cầu hóa: theo nghĩa đen là “quá trình biến đổi các hiện tượng địa phương thành hiện tượng toàn cầu… một quá trình trong đó người dân trên thế giới thống nhất thành một xã hội duy nhất và cùng nhau hoạt động”(tr.1). Nhìn chung, “toàn cầu hóa” là một quá trình tuyến tính, có điểm bắt đầu nhưng chưa có điểm kết thúc, quá trình này luôn tồn tại song hành với quá trình “địa phương hóa” (localization), đây là biểu hiện cụ thể của quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập theo lý luận của Chủ nghĩa Marx. Do đó, có thể phác thảo ra ba kịch bản toàn cầu hóa là: đồng nhất hóa, dị biệt hóa và lai ghép hóa. Việc giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa ở đây có thể hiểu là việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng về âm nhạc truyền thống Việt Nam, một thành tố của văn hóa nghệ thuật Việt Nam trước sự tiến nhập và biến đổi văn hóa bản địa của quá trình toàn cầu hóa. 3. Mô hình cấu trúc và một số đặc điểm của âm nhạc truyền thống Việt Nam 3.1. Mô hình cấu trúc âm nhạc truyền thống Việt Nam Với khái niệm đưa ra ở trên, chúng tôi đề xuất mô hình cấu trúc âm nhạc truyền thống Việt Nam như sau: Hình 1. Mô hình cấu trúc âm nhạc truyền thống Việt Nam Mô hình cấu trúc âm nhạc truyền thống Việt Nam gồm ba thành tố chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: 1) Âm nhạc truyền thống của người Việt, 2) Âm nhạc của các dân 346
  5. tộc ít người, 3) Các nhạc khí Việt Nam. Ở đây, chúng tôi dùng cách phân loại của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Mỹ Liêm trong Giáo trình Âm nhạc truyền thống Việt Nam - quyển giáo trình được biên soạn công phu cho sinh viên các trường âm nhạc chuyên nghiệp để diễn giải các thành tố như sau: 1) Âm nhạc truyền thống của người Việt, gồm: Dân ca của dân tộc Việt; Âm nhạc thính phòng và chuyên nghiệp trong dân gian; Âm nhạc sân khấu truyền thống Việt Nam; Âm nhạc cung đình. Trong đó, dân ca của dân tộc Việt được phân chia theo chức năng, gồm: Những làn điệu trong sinh hoạt - đời sống; Những làn điệu giao duyên (hát giao duyên); Những làn điệu trong lễ nghi - phong tục. Âm nhạc thính phòng và chuyên nghiệp trong dân gian, gồm: Âm nhạc thính phòng miền Bắc: Ca Trù; Âm nhạc thính phòng Huế: Ca Huế; Âm nhạc thính phòng miền Nam: Đờn ca Tài Tử; Âm nhạc chuyên nghiệp trong dân gian: Hát Xẩm; Các thể loại hát thờ; Các dàn nhạc lễ dân gian. 2) Âm nhạc của các dân tộc ít là dân ca của các cộng đồng dân tộc ít người phân bố theo các vùng văn hóa Việt Nam, gồm: Dân ca của các dân tộc vùng Việt Bắc; Dân ca của các dân tộc vùng Tây Bắc; Dân ca của các dân tộc vùng Tây Nguyên; Dân ca của các dân tộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Dân ca của các dân tộc Nam Bộ (chủ yếu là Khmer và Hoa). 3) Các nhạc khí Việt Nam được phân loại thành bốn họ lớn, gồm: Họ tự thân vang (idiophone); Họ màng rung vang (membranophone); Họ hơi rung vang (Aérophone); Họ dây rung vang (chordophone). Tuy nhiên, âm nhạc truyền thống Việt Nam chỉ tồn tại trong Không gian văn hóa âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khái niệm “Không gian văn hóa” được đề cập trong công trình Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam (2022) của Ngô Đức Thịnh, theo đó “không gian văn hóa” được hiểu theo hai nghĩa cụ thể và trừu tượng. Nghĩa cụ thể là “một không gian địa lý xác định, mà ở đó một hiện tượng hay một tổ hợp hiện tượng văn hóa nảy sinh, tồn tại, biến đổi và chúng liên kết với nhau như một hệ thống”. Theo nghĩa trừu tượng, có thể hiểu không gian văn hóa như “một “trường” (mượn khái niệm trường của vật lý), để chỉ một hiện tượng hay tổ hợp các hiện tượng (một nền văn hóa của tộc người, quốc gia hay khu vực) có khả năng tiếp nhiệm và lan tỏa (ảnh hưởng), tạo cho nền văn hóa đó một không gian (trường) văn hóa rộng hay hẹp khác nhau”. (Ngô Đức Thịnh, 2022, tr 7–9). Theo Trần Ngọc Thêm, trong bài viết Không gian văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh: Từ lý luận đến thực tiễn, ông đã định nghĩa lại “không gian văn hóa” như sau: “Không gian văn hóa của một chủ thể là nơi tồn tại và tác động của một hệ thống giá trị do chủ thể đó sáng tạo và tích lũy trong thời gian tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội” (Trần Ngọc Thêm, 2023). Khái niệm “không gian văn hóa” của Ngô Đức Thịnh xét theo nghĩa cụ thể hay nghĩa trừu tượng đều phụ thuộc vào một không gian địa lý xác định. Còn khái niệm của Trần Ngọc Thêm khẳng định “không gian văn hóa” là “nơi tồn tại và tác động của một hệ thống giá trị”, chính vì thế “không gian văn hóa” không nhất thiết phụ thuộc vào không gian địa lý. Từ những khái niệm “không gian văn hóa” nêu trên, theo quan điểm của chúng tôi, “không gian văn hóa âm nhạc truyền thống Việt Nam” có thể phụ thuộc vào không gian địa lý hoặc không. 347
  6. Từ cái nôi bắt nguồn là một vùng địa lý nhất định, một thể loại nghệ thuật âm nhạc truyền thống có thể được phổ biến sang những địa phương lân cận theo thuyết khuếch tán văn hóa. Hoặc có thể được mang đi lưu diễn sang vùng văn hóa khác, quốc gia khác để quảng bá với tỉnh bạn, nước bạn nghệ thuật âm nhạc của địa phương; đồng thời có thể trình diễn trên các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media) nên không phụ thuộc vào không gian địa lý. Chính vì thế, chúng tôi nhận xét rằng, khái niệm không gian văn hóa của Ngô Đức Thịnh và Trần Ngọc Thêm đều có những điểm hợp lý nhất định khi áp dụng vào không gian văn hóa âm nhạc truyền thống Việt Nam. 3.2. Một số đặc điểm của âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay 3.2.1. Nền âm nhạc bản địa chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa Nhà nghiên cứu Phạm Đức Dương với nhóm đề tài “Tiếp xúc, giao lưu và phát triển văn hóa: quan hệ giữa Việt Nam và thế giới” năm 1994 phân chia dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam thành ba giai đoạn: Giai đoạn hình thành (tiếp xúc và giao thoa với Đông Nam Á), giai đoạn xây dựng nền văn hóa quốc gia dân tộc (tiếp xúc và giao lưu với Trung Hoa và Ấn Độ), và giai đoạn hiện đại. Trên cơ sở nghiên cứu của Phạm Đức Dương, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm phân chia tiến trình văn hóa Việt Nam thành ba lớp văn hóa chồng lên nhau: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây (Trần Ngọc Thêm, 2004, tr 75). Theo đó, lịch sử âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng hòa theo dòng lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay. Trong sách giáo khoa Âm nhạc 11 Kết nối tri thức với cuộc sống (2023) có bài học thường thức âm nhạc Sơ lược về lịch sử âm nhạc Việt Nam phân chia lịch sử âm nhạc Việt Nam thành ba thời kỳ: 1) Âm nhạc thời kỳ dựng nước và giữ nước (khoảng từ thiên niên kỷ thứ II TCN đến đầu thế kỷ X), gồm: Âm nhạc thời Hùng Vương - An Dương Vương (thừ thiên niên kỷ thứ II TCN đến thế kỷ II TCN) và Âm nhạc thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc (từ thế kỷ II TCN đến đầu thế kỷ X); 2) Âm nhạc thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX), gồm: Giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XV và Giai đoạn từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX; 3) Âm nhạc thời kỳ Pháp thuộc và đấu tranh giành độc lập, thống nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ giữa thế kỷ XIX đến nay), gồm: Giai đoạn Pháp thuộc (từ giữa thế kỷ XIX đến trước năm 1945), Giai đoạn đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ 1945 đến nay): Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975 và Giai đoạn từ 1975 đến nay. 3.2.2. Sử dụng hệ thống ký hiệu âm nhạc kết hợp Đông - Tây Âm nhạc truyền thống Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá có trình độ chuyên nghiệp, bác học nhưng chủ yếu được phổ biến và lưu truyền theo phương pháp truyền khẩu (Nguyễn Thị Mỹ Liêm, 2014, tr 42). Tương truyền Việt Nam có hệ thống ký âm cổ từ thời Lý - Trần nhưng không có chứng cứ cụ thể, tài liệu về hệ thống ký âm cổ nhất được tìm thấy là của Phạm Đình Hổ (thế ký XVIII) trong Vũ Trung Tùy Bút, hệ thống ghi bằng chữ Hán thể hiện các từ tượng thanh như Tính, Tịnh, Tinh, Tình, Tung, Tàng, Tang,…; hoặc những bản 348
  7. ký âm cho đàn “nguyệt cầm” sử dụng các mẫu tự Hò, Xư, Xang, Xê, Công, Liu, Ú. Từ thế kỷ XIX, có một số bản ghi chép của Gustave Dumoutier, Gaston Knosp về hệ thống ký âm cổ có phần khác biệt so với bản ghi chép của Phạm Đình Hổ. Sau đó Hoàng Yến đã tạo ra một hệ thống ký âm mới trên nền tảng sao chép hệ thống ký âm cổ và kết hợp thêm những ký hiệu chỉ cách diễn tấu, dộ dài của các âm. Tiếp theo đến thập niên đầu thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi thì xuất hiện hệ thống ký âm theo chữ quốc ngữ được dịch từ chữ Hán cổ. Còn hệ thống ký hiệu âm nhạc kết hợp Đông - Tây hiện nay lối ghi trên năm dòng kẻ của phương Tây bắt đầu từ bản in đầu tiên của ông Nguyễn Kim Đại trong sách Nam điệu ngũ tiến phổ được xuất bản vào năm 1930 bởi Chín Sở xuất bản tại Sài Gòn. Hiện nay hệ thống ký âm kết hợp Đông - Tây và hệ thống ký âm theo âm nhạc phương Tây hiện nay được sử dụng rộng rãi để ghi chép các bài bản âm nhạc truyền thống Việt Nam để phổ biến trong các sách giáo khoa cho học sinh phổ thông và giáo trình âm nhạc truyền thống Việt Nam để giảng dạy trong các đơn vị đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Hình 2. Ký âm bài "Đi cắt lúa" (Dân ca Hrê) in trong sách giáo khoa Âm nhạc 6 - Chân trời sáng tạo (tr. 29) 3.2.3. Âm nhạc và khí nhạc có sự kết hợp Đông - Tây Hiện nay, các làn điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam được hòa âm lại trên nền nhạc phương Tây có thể dễ dàng đệm hát bằng đàn piano, organ, guitar. Một số sáng tác mới được các nhạc sĩ Việt Nam sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống kết hợp với kỹ thuật hòa âm phương Tây, các sáng tác mới cho dàn nhạc dân tộc được bổ sung các nhạc khí phương Tây (như violin, viola, cello, contrabass, guitar, guitar bass,…) bên cạnh các nhạc khí truyền thống. Ngoài ra, các nhạc phẩm âm nhạc truyền thống Việt Nam còn được các nghệ sĩ Việt Nam chuyển soạn (arrange) và biến tấu (variation) để trình diễn bằng nhạc cụ phương Tây, 349
  8. chẳng hạn bài Trống cơm (Dân ca Quan Họ Bắc Ninh) được Đặng Hữu Phước chuyển soạn cho piano độc tấu, bài Lưu Thủy (nhạc Cung đình Huế) được Tạ Tấn chuyển soạn cho guitar độc tấu, bài Bèo dạt mây trôi (Dân ca Quan Họ Bắc Ninh) được Lý Hồng Thanh chuyển soạn cho dàn nhạc mandolin - guitar,… Hình 3. Câu dạo “Lưu Thủy” do Tạ Tấn chuyển soạn cho đàn guitar cổ điển độc tấu 4. Thực trạng giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay 4.1. Giáo dục âm nhạc truyền thống trong trường học phổ thông Từ năm học 2021-2022 trở về trước, chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông được giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 9. Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, theo đó, môn Âm nhạc trở thành môn học chính thức để học sinh lựa chọn. Với phương châm “Giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và phát triển năng lực âm nhạc” và thực hiện mục tiêu “góp phần phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu âm nhạc”. Cho đến nay (năm học 2023-2024), chương trình giáo dục âm nhạc bậc Trung học phổ thông đã được triểu khai đối với học sinh lớp 10 và 11. Môn Âm nhạc trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chú trọng giảng dạy nhiều thể loại âm nhạc truyền thống, đặc biệt là dân ca ba miền của người Việt và dân ca của các dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Trung Bộ và Nam Bộ qua các nội dung bài học như: hát, thường thức âm nhạc, tập đọc nhạc và nhạc cụ. Nội dung học hát cụ thể có bài: Múa đàn (Dân ca Thái, lời việt: Việt Anh), Lý cây xanh (Dân ca Nam Bộ, Sưu tầm và ký âm: Trần Kiết Tường) ở lớp 1; Ngày mùa vui (Dân ca Thái, lời Việt: Hoàng Lân), Bắc Kim Thang (Dân ca Nam Bộ, Sưu tầm và ký âm: Trần Kiết Tường) ở lớp 2; Tiếng hát mùa sang (Dân ca Cống Khao, Lời mới: Tô Ngọc Tú), Miền biển quê em (Theo điệu Lý Kéo Chài - Dân ca Nam Bộ, Lời: Lê Vĩnh Phúc) ở lớp 4; Màu xanh quê hương (Theo điệu Sa-ri-ăng, Dân ca Khmer (Nam Bộ), đặt lời mới: Nam Anh) ở lớp 5; Đi cắt lúa (Dân ca Hrê, sưu tầm: Lê Toàn Hùng, đặt lời mới: Lê Minh Châu), Mưa rơi (Dân ca Khơ- mú, sưu tầm & ghi âm: Tô Ngọc Thanh) ở lớp 6; Lý kéo chài (Dân ca Nam Bộ, đặt lời mới: Hoàng Lân), Lý dĩa bánh bò (Dân ca Nam Bộ), Vùng cao quê em (Phỏng theo điệu Lượn nàng ới – Dân ca Tày, đặt tên và viết lời ca bài hát: Tố Mai) ở lớp 7; Soi bóng bên hồ (Dân ca Giáy, Sưu tầm, ghi âm, phỏng dịch: Nguyễn Tài Tuệ), Khi vui xuân sang (Theo làn điệu “Tứ quý” của hát chẻo, đặt lời mới: Hoàng Anh), Lý cây đa (Dân ca Quan Họ Bắc Ninh) ở lớp 8; Lý đất 350
  9. dòng (Dân ca Nam Bộ, Sưu tầm và ký âm Trần Kiết Tường), Lý hoài nam (Dân ca Quảng Trị - Thừa Thiên, sưu tầm và ký âm: Nguyễn Viêm) ở lớp 10; Lý quạ kêu (Dân ca Nam Bộ, ký âm: Hoa Sim) lớp 11. Nội dung bài học thường thức âm nhạc thường giới thiệu về các loại hình âm nhạc, tác giả, tác phẩm, nhạc cụ phương Đông và phương Tây. Trong đó, các bài thường thức âm nhạc có nội dung giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam chiếm dung lượng lớn trong chương trình, nổi bật là: Giới thiệu nhạc cụ Song loan, Giới thiệu đàn bầu Việt Nam và nghe bài Trống cơm ở lớp 2; Giới thiệu dàn trống dân tộc, Nghệ thuật hát Bài Chòi Trung Bộ ở lớp 3; Giới thiệu khèn và sáo trúc ở lớp 6; Dân ca một số vùng miền Việt Nam, Giới thiệu một số dân tộc miền núi phía Bắc: sáo Mông và đàn tính tẩu ở lớp 7; Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Đàn nguyệt và đàn tính, Giới thiệu một số nhạc cụ truyền thống Việt Nam ở lớp 8; Một số ca khúc mang âm hưởng dân ca ở lớp 9; Sơ lược về lịch sử âm nhạc Việt Nam lớp 11. Nội dung tập đọc nhạc và thực hành nhạc cụ cũng được giảng dạy một số giai điệu dân ca như Inh lả ơi (Dân ca Thái), Xòe hoa (Dân ca Thái, soạn bè đệm nhạc cụ: Đặng Khánh Nhật). Sách giáo khoa học sinh là loại sách phổ biến nhất, có giá thành phù hợp nên mọi người đều có thể tiếp cận được. Bằng việc sử dụng hệ thống ký âm phương Tây, những làn điệu dân ca dễ dàng phổ biến đến nhiều thế hệ học sinh và những người có quan tâm. Không chỉ như thế, ảnh bìa và những hình ảnh minh họa sinh động trong những quyển sách giáo khoa Âm nhạc phổ thông cũng góp phần gây ấn tượng mạnh cho học sinh, tạo cơ chế nhắc nhớ những ký ức lịch sử văn hóa về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Chẳng hạn, trong bộ sách Âm nhạc Chân trời sáng tạo (CTST) từ lớp 1 đến lớp 3 trang trí ảnh bìa bằng hình ảnh những em thiếu nhi nam nữ trong trang phục truyền thống đang trình diễn những loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam, nhắc nhớ đến ba loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể gồm Ca Trù (Bắc Bộ), Đờn ca Tài Từ (Nam Bộ) và Hát Bài Chòi (Trung Bộ). Bìa sách Âm nhạc 1 CTST là hình ảnh bốn em thiếu nhi mặc áo dài khăn đống, tay chơi nhạc cụ trong thể loại Ca Trù như đàn đáy, thanh phách, trống con, đàn nhị. Bìa sách Âm nhạc 2 CTST là bốn em thiếu nhi trong trang phục áo bà ba chơi các loại nhạc cụ Đờn ca Tài Tử như đàn kìm, đàn tranh, đàn nhị, sáo trúc. Bìa sách Âm nhạc 3 CTST là bốn em thiếu nhi trong trang phục áo vạt hò đeo thắt lưng đặc trưng của nghệ thuật Bài Chòi miền Trung và các nhạc cụ gồm: kèn bóp, song loan, trống đế, đàn nhị. Về nhạc cụ trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh được thực tập trên các nhạc cụ phương Tây như kèn melodica, sáo recorder, trống con, thanh phách, triangle và bộ gõ cơ thể (body percussion). Các nhạc cụ truyền thống thì môn Âm nhạc phổ thông chỉ dạy về lý thuyết qua các tiết học thường thức âm nhạc, chưa tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận trực tiếp với các nhạc cụ truyền thống. 4.2. Giáo dục âm nhạc truyền thống trong các trường Đại học Triển khai đề án Giáo dục âm nhạc truyền thống ở bậc Đại học. Từ năm học 2014 - 2015, Trường Đại học FPT triển khai giảng dạy môn Nhạc cụ dân tộc vào chương trình chính khóa, đây là một trong những trường đại học tiên phong thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống. Hình thức diễn tấu chủ yếu là hòa tấu, dùng nhạc cụ truyền thống để trình diễn dân ca, các tác phẩm âm nhạc đại chúng được hòa âm phối khí dựa trên chất liệu âm nhạc truyền thống và tác phẩm âm nhạc ngoại quốc. Tháng 10/2023, Trường 351
  10. FPT xác lập Kỷ lục Việt Nam về MV hòa tấu nhạc cụ truyền thống có số lượng người tham gia biểu diễn nhiều nhất Việt Nam qua nhạc phẩm “Thiên Âm”, một tác phẩm “mashup” những giai điệu dân ca ba miền Bắc - Trung - Nam gồm: Qua cầu gió bay (Dân ca Quan họ Bắc Ninh), Lý Tình Tang (Dân ca Huế) và Lý ngựa ô (dân ca Nam Bộ). Tác phẩm đã góp phần phổ biến âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế. 4.3. Giáo dục âm nhạc truyền thống tại các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp Ở miền Bắc, giữa năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam (về sau trường được đổi tên là Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) được thành lập do nhạc sĩ Tạ Phước làm hiệu trưởng, trường đóng vai trò quan trọng trong việc cổ vũ tinh thần lao động sản xuất của quân và dân, tuyên truyền vận động phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam. Còn lĩnh vực âm nhạc truyền thống được Ban Nghiên cứu Âm nhạc, Vụ Nghệ thuật tổ chức các đoàn đi sưu tầm tài liệu về các thể loại âm nhạc gồm tuồng, chèo, cải lương, nhạc tài tử Nam Bộ, hát văn, hát xẩm, ca trù, dân ca, dân nhạc của các dân tộc, hơn 100 loại nhạc cụ dân tộc và nhiều loại trang phục, đạo cụ khác. Từ năm 1957, tập san Âm nhạc thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam được xuất bản, trong đó có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc và nhạc cụ truyền thống Việt Nam (Nguyễn Thị Mỹ Liêm & Lâm Trúc Quyên, 2019, tr 251). Ở miền Nam, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn được thành lập năm 1956, Quốc nhạc là một trong hai ngành học đầu tiên được giảng dạy tại trường (ngành còn lại là Âm nhạc Tây phương). Ngành Quốc nhạc gồm ba ban; Cổ nhạc Bắc phần, Cổ nhạc Trung phần, Cổ nhạc Nam phần. Nội dung gồm dân ca người Việt ba miền, nhạc chèo, ca Huế, đời ca tài tử, v.v. Đến năm 1962, Trường Quốc gia Âm nhạc Huế được thành lập với chủ trương bảo tồn âm nhạc cung đình Huế và âm nhạc truyền thống của miền Trung, song song đó, trường cũng đào tạo các ngành Âm nhạc Tây phương và Quốc nhạc (Nguyễn Thị Mỹ Liêm & Lâm Trúc Quyên, 2019, tr 263). Hiện nay, ngoài ngành Âm nhạc truyền thống cũng đào tạo trình diễn những tác phẩm sáng tác mới mang âm hưởng dân ca bên cạnh những bài bản truyền thống. Những tác phẩm mới viết cho sáo trúc đáng chú ý có thể kể đến là: Xuân về Bản Mèo, Phiên chợ vùng cao của Triệu Tiến Vượng, Tùng Rinh (Chương 1 Giao hưởng Hương Nao) của Lê Phổ, Tiếng sáo trên nương của Hồng Thái, v.v. Những tác phẩm viết cho đàn tranh nổi bật là Khúc hát quê hương của Nguyễn Đình Long, Cánh chim tự do của Văn Thắng, Quê hương giải phóng của Quang Hải viết cho đàn tranh độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng, v.v. Những tác phẩm cho các nhạc cụ dân tộc khác có thể kể đến là Suối đàn T’rưng của Nguyễn Văn Thương viết cho đàn T’rưng độc tấu, Tiếng lòng của Văn Thắng viết cho đàn bầu, các concerto viết cho đàn kìm, t’rưng, sáo trúc, biến tấu viết cho đàn nguyệt của Quang Hải. Ngoài ra, các ngành Âm nhạc phương Tây cũng được giảng dạy âm nhạc truyền thống ở mức độ chuyên sâu, bao gồm 4 học kỳ Dân ca và âm nhạc thính phòng Việt Nam ở bậc Trung cấp và 2 học kỳ Âm nhạc truyền thống Việt Nam ở bậc Đại học. Trong nhiều năm qua, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh thường khuyến khích các học sinh - sinh viên ngành Nhạc cụ phương Tây biểu diễn một tác phẩm Việt Nam giàu chất kỹ thuật trong kỳ thi tuyển sinh đại học cũng như chương trình tốt nghiệp trung cấp và tốt nghiệp đại học chính quy. Còn Học viện âm nhạc Huế luôn bắt buộc thí sinh biểu diễn một tác phẩm âm nhạc Việt Nam trong chương trình 352
  11. tuyển sinh đại học. Để có thể biểu diễn tốt một tác phẩm âm nhạc Việt Nam, các nhạc sinh bắt buộc phải tìm hiểu về nguồn gốc tác phẩm cũng như các làn điệu dân ca được sử dụng và văn hóa của địa phương nơi phát sinh làn điệu dân ca. Đây là cách các học viện âm nhạc giáo dục ý thức thế hệ trẻ biết giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc 5. Đánh giá tình hình thực trạng và đề xuất một số giải pháp giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa 5.1. Đánh giá tình hình thực trạng giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa Từ những thực trạng nêu trên, có thể nhận xét rằng, âm nhạc truyền thống Việt Nam tồn tại song song với âm nhạc cổ điển và âm nhạc đại chúng phương Tây, các thể loại âm nhạc không chỉ hỗn dung mà còn hòa quyện vào nhau, lai ghép với nhau để tạo ra những biến tấu mới phù hợp với thời đại. Việc giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam được Nhà nước chú trọng phát triển ở các cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông và đại học. Lượng kiến thức về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong chương trình được giảng dạy liên tục từ lớp 1 đến lớp 11, trong tương lai gần sẽ đến lớp 12 tạo cơ chế nhắc nhớ về lịch sử văn hóa dân tộc các thế hệ học sinh. Song song đó cũng cần xem xét những mặt hạn chế trong trong thực trạng giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thứ nhất, những bài bản âm nhạc truyền thống Việt Nam có nhiều dị bản và hiện nay chưa được hệ thống hóa một cách hoàn chỉnh, việc truyền khẩu còn phổ biến đến ngày nay khiến cho việc sưu tầm, ký âm lại bài bản còn bị hạn chế. Thứ hai, các tác phẩm sáng tác mới dựa trên chất liệu âm nhạc truyền thống được phổ biến thịnh hành hơn những bài bản gốc, thường là những người làm công việc đặc biệt như khảo cứu, nghiên cứu âm nhạc mới có điều kiện tiếp cận những bài bản gốc. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu âm nhạc không đồng nghĩa với việc họ có khả năng biểu diễn âm nhạc tốt, do đó tồn tại nhiều bài bản gốc chưa được trình diễn và phổ biến với công chúng, điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong một chương trình tốt nghiệp đại học ngành âm nhạc truyền thống là trong 5 nhạc phẩm trình diễn thì có 3 nhạc phẩm sáng tác mới và 2 tác phẩm cổ bản. Cuối cùng, một số kiểu lai ghép các thành tố của âm nhạc truyền thống với âm nhạc phương Tây là chưa phù hợp, chẳng hạn những ca khúc nhạc trẻ tân thời kết hợp một câu vọng cổ ở cuối bài, hoặc những tác phẩm lắp ghép các thể loại nhạc underground như rap, hiphop vào dân ca hoặc vọng cổ. 5.2. Một số giải pháp giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa 5.2.1. Chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam của Nhà nước Việt Nam Âm nhạc truyền thống Việt Nam và nhạc khí Việt Nam thuộc loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian (TPVHNTDG). Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành quy định TPVHNTDG là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (điểm l, khoản 1, Điều 14). Quy định cụ thể về quyền tác giả đối với TPVHNTDG thể hiện tại Điều 23, theo đó tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian gồm: a) Truyện, thơ, câu đố; b) Điệu hát, làn điệu âm nhạc; c) Điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi; d) Sản phẩm nghệ thuật đồ họa, hội họa, điêu 353
  12. khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào. Tại khoản 2, Điều 23 cũng quy định: “Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của các loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian”. Có thể nhận xét rằng, loại hình TPVHNTDG có quy định bảo hộ quyền tác giả rất đặc thù, không có quy định về thời hạn bảo hộ tác phẩm, cũng không có quy định về chủ sở hữu quyền tác giả như các loại hình tác phẩm khác. Do đó, không thể xếp loại hình này vào tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ 75 năm (điểm a, khoản 2, Điều 27) và cũng không thuộc quyền sở hữu của Nhà nước vì đó là trí tuệ tập thể cộng đồng sáng tạo nên. Đồng thời cũng không thể xếp loại hình TPVHNTDG vào tác phẩm thuộc về công chúng (là những tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả) bởi vì không thể xác định được thời điểm tác phẩm được “định hình dưới một hình thức thức vật chất nhất định” (khoản 1, Điều 6) nên cũng không thể xác định được thời điểm kết thúc việc bảo hộ quyền tác giả. 5.2.2. Bảo tồn âm nhạc truyền thống Việt Nam trên cơ sở khoa học Đầu thế kỷ XX, bộ phận “hồi hải mã” (Hippocampus) trong não người được giới khoa học đặc biệt quan tâm vì vai trò của nó trong việc cải thiện khả năng ghi nhớ của con người. Trong công trình Gateway to Memory - Introduction to Neural Network Modeling of the Hippocampus and Learning (2001) của Mark A. Gluck và Catherine E. Myers đã được ra kết luận sau nhiều cuộc thử nghiệm và phân tích rằng: “Hồi hải mã tương tác với các vùng não khác là đối tác của nó trong học tập và trí nhớ, bao gồm vỏ não nội khứu, não trước, tiểu não và vỏ não cảm giác và vận động chính. Trong mối quan hệ tương tác này, hồi hải mã hoạt động như một bộ xử lý thông tin, lấy đầu vào từ một số vùng não, vận hành nó và gửi đầu ra đến các vùng não khác”. (Mark A. Gluck & Catherine E. Myers, 2001, tr 345) Theo kết quả nghiên cứu này thì bộ phận “hồi hải mã” đóng vai trò như một người “lính gác”, tất cả những thông tin mới tiếp nhận phải được hồi hải mã xử lý mới truyền đến các vùng não lưu giữ trí nhớ. Từ kết quả nghiên cứu này, phương pháp ghi nhớ bằng cách ôn tập lặp đi lặp lại một kiến thức trong thời gian dài được phổ biến rộng rãi. Điều này có ý nghĩa trong việc giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam, nó lý giải vì sao mỗi con người không thể quên được những điệu hát ru đầu đời, vì người mẹ đã lặp đi lặp lại điệu hát đó trong một khoảng thời gian dài. Đối chiếu với kết quả nghiên cứu khoa học trên, chương trình giáo dục âm nhạc trong sách giáo khoa phổ thông là đúng khoa học, học sinh được tiếp xúc với âm nhạc truyền thống mỗi năm học sẽ góp phần củng cố những kiến thức đã học, những làn điệu dân ca được hồi hải mã xử lý hiệu quả và gửi đến những bộ phận lưu giữ trí nhớ nên ký ức âm nhạc sẽ khó phai mờ. Không những thế, nếu các kênh phương tiện truyền thông đại chúng phổ biến những bài bản âm nhạc truyền thống trong thời gian dài sẽ hình thành ký ức lịch sử văn hóa cho những con người thế hệ mới. 354
  13. 5.2.3. Bảo vệ bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) có định nghĩa “bản sắc dân tộc” ở dạng liệt kê như sau: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…Bản sắc văn hoá dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”. Như vậy, khái niệm “bản sắc” được giới quản lý nhà nước nhận định đúng đắn là “những giá trị bền vững, những tinh hoa” đây là lõi values trong mô hình củ hành của Hofstede, những giá trị cốt lõi bất biến hoặc rất khó để thay đổi. Khái niệm “bản sắc” nêu trên còn bao gồm những giá trị vật chất có thể nhận thấy bằng các giác quan con người như các hình thức biển hiện mang tính dân tộc độc đáo; và những giá trị tinh thần là những đức tính cao đẹp của người Việt lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, v.v. Đây là một hệ giá trị văn hóa dân tộc mang tính lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước gắn với chủ thể văn hóa là cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Điểm hạn chế trong nhận thức về bản sắc của giới quản lý nhà nước là chỉ mới nhìn nhận “bản sắc” ở góc độ ý thức, mà chưa nhìn nhận ở góc độ vô thức. Bản sắc của một cộng đồng, giúp cộng đồng này khu biệt với một cộng đồng khác không chỉ nằm trong ý thức tôi/ chúng ta khác cộng đồng khác như thế nào. Mỗi thành viên của cộng đồng còn mang “cảm thức sở thuộc” (sense of belonging) ở dạng vô thức tập thể. Mặt khác, cái vô thức chỉ được kích hoạt khi có một tình huống/ một sự kiện ngoại cảnh đối lập xảy ra nhất định, nó giống như ánh sáng đèn điện chỉ nổi bật khi bao trùm xung quanh là bóng tối. Người Việt ở trong nước sẽ không chú ý đến âm nhạc truyền thống Việt Nam mà để ý đến những cái ngoại lai nhiều hơn, nhưng khi họ xuất ngoại nếu lắng nghe một câu hò, một điệu dân ca của Việt Nam thì họ sẽ nhận ra đó là những giai điệu của quê hương Việt Nam. Do đó, ta cần nhìn nhận cái vô thức là giống như một phản xạ có điều kiện được lưu giữ trong “ký ức” (theo Carl Gustav Jung), nó đòi hỏi con người cần được luyện tập, trau dồi thường xuyên trong những tình huống và hoàn cảnh nhất định để nó trở thành bản năng, khi có một tình huống tương tự xảy ra thì con người dễ dàng ứng phó với hoàn cảnh. Đôi khi, mối đe dọa với bản sắc văn hóa dân tộc không phải đến từ toàn cầu hóa mà đến từ địa phương hóa, bởi vì tính cấp hệ của hệ thống mà chúng tôi đã bàn luận ở trên, mỗi tầng lớp xã hội, mỗi nghề nghiệp, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi giới tính đều là một tiểu hệ thống trong hệ thống nền văn hóa quốc gia. Trong mỗi nền văn hóa, ý chí của nhóm nắm quyền lực về chính trị, kinh tế, xã hội, thông tin truyền thông là văn hóa chủ lưu, các nhóm khác là văn hóa phụ lưu. Theo đó, nhóm chủ lưu có khả năng kiến tạo ký ức lịch sử văn hóa và xây dựng cơ chế nhắc nhớ theo ý chí và mong muốn của mình. Do đó, với vai trò là nhánh văn hóa “chủ lưu”, Nhà nước cần quan tâm kiểm soát tính phù hợp với thuần phong mỹ tục trong những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bằng cách lai ghép âm nhạc truyền thống Việt Nam. 355
  14. Vì lý do đó, việc gìn bản sắc văn hóa dân tộc cần chú trọng cả hai phương diện toàn cầu hóa và địa phương hóa. Sự điều phối, phân công, phân nhiệm giữa các thành tố trong một hệ thống văn hóa/ một nền văn hóa cần được duy trì trạng thái ổn định để giảm thiểu mức độ hỗn loạn (entropy) ở mức thấp nhất. Điều đó có nghĩa là phải tìm giải pháp hữu ích để toàn cầu hóa không xâm nhập quá sâu vào mọi phương diện của một nền văn hóa dẫn đến tình trạng đồng hóa văn hóa, đồng thời không để sự hỗn loạn giữa các tiểu hệ thống trong một nền văn hóa gây xáo trộn làm mất cân bằng hệ thống văn hóa. Trọng trách duy trì cân bằng tính ổn định của một hệ thống văn hóa đặt nặng lên ý chí của nhóm văn hóa chủ lưu – quyền lực nhà nước, thể hiện qua các chính sách, pháp luật điều hành xã hội. Đến đây, ta có thể rút ra nhận xét, cái vô thức suy cho cùng là do cái hữu thức/ ý thức quyết định. Chúng ta muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, muốn mỗi người trong cộng đồng thể hiện ý thức căn tính hay cảm thức sở thuộc trong hệ quy chiếu với các quốc gia dân tộc khác thì cần giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp (bản sắc văn hóa) của thế hệ hiện tại, đồng thời giáo dục những giá trị văn hóa một cách đúng đắn cho thế hệ tương lai. Kết luận Tóm lại, việc giáo dục âm nhạc truyền thống Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa. Cần nhìn nhận mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa giống như sự hấp thụ chất và trao đổi năng lượng với môi trường bên ngoài của một hệ thống mở, ta có thể hình dung dễ dàng bằng sự hít thở, trao đổi chất của con người với môi trường tự nhiên. Từ đó, có thể suy rộng ra hệ quả toàn cầu hóa là quy luật tất yếu của nhân loại, trong quá trình toàn cầu hóa, mỗi cộng đồng, mỗi nền văn hóa tiếp thu những thành tựu giá trị văn hóa chung của toàn cầu để nhào nặn thành cái riêng của mình139 trên cơ sở những cái cũ có sẵn và những cái cũ đã được đổi mới; cũng như chia sẻ cái riêng của cộng đồng mình ra khỏi biên giới để mong muốn sự công nhận quốc tế. Vì thế, Epstein đã nhận định rằng: “quá trình tự tương tác giữa các nền văn hóa, trong đó những cá thể nhận ra rõ hơn mình “ở ngoài” một nền văn hóa cá biệt nào đó, “ở ngoài” những giới hạn quốc gia, chủng tộc, giới, tương tưởng hệ và những giới hạn khác” (Mikhail Epstein, 2013). Lịch sử văn hóa Việt Nam trải qua những biến động lịch sử quan trọng, nổi bật là ở điểm giao lưu với văn hóa khu vực và giao lưu với văn hóa phương Tây hình thành nên diện mạo văn hóa Việt Nam hiện nay, đó là hệ quả của sự tiếp nhận những thành tựu văn hóa ngoại lai và chia sẻ ra khỏi biên giới những thành tựu văn hóa Việt Nam. Trên con đường tiến nhập vào quá trình toàn cầu hóa, những giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam có phần mất đi, cũng có phần được thêm vào. Cái mất đi hòa vào văn hóa chung của nhân loại, cái được thêm vào cũng là nhận được những thành tựu chung của văn hóa nhân loại. Do đó, bản sắc văn hóa của bất kỳ nền văn hóa nào, kể cả văn hóa Việt Nam là sản phẩm của toàn cầu hóa, nhờ sự cho và nhận những giá trị cốt lõi của nền văn hóa riêng mình trong sân chơi toàn cầu hóa mà mỗi cá nhân trong mỗi cộng đồng đều hình thành “ý thức căn tính” - nhận ra cái riêng của mình 139Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Phan Ngọc gọi là “vượt gộp” (dépassement) có nghĩa là tiếp thu được cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. 356
  15. trong những cái chung được lai ghép bởi tất cả những cộng đồng khác đóng góp vào. Cần lưu ý những quan điểm học thuật về “bản sắc” ở Việt Nam được nhìn nhận là những giá trị cốt lõi, giúp khu biệt cộng đồng này với cộng đồng khác, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Vì vậy, không nên có tư tưởng bài xích âm nhạc phương Tây mà bảo tồn âm nhạc truyền thống Việt Nam một cách bảo thủ, nên dùng những phương tiện tiên tiến như hệ thống lý thuyết của âm nhạc phương Tây để lưu trữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tài liệu tham khảo Malcolm Waters. (2001). Globalization (2nd a.b). Routledge. Manfred B. Steger. (2003). Globalization: A Very Short Introduction. Oxford University Press. Mark A. Gluck, & Catherine E. Myers. (2001). Gateway to Memory—Introduction to Neural Network Modeling of the Hippocampus and Learning. The MIT Press. Mikhail Epstein. (2013). Văn hóa học và xuyên văn hóa (Nguyễn Văn Hiệu, B.d.v). NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ngô Đức Thịnh. (2022). Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam. NXB. Văn hóa dân tộc. Nguyễn Thị Mỹ Liêm. (2014). Giáo trình Âm nhạc Truyền thống Việt Nam. NXB Âm nhạc. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, & Lâm Trúc Quyên. (2019). Giáo trình Lịch sử âm nhạc Việt Nam. NXB. Giáo dục Việt Nam. Peter N. Stearns. (2010). Globalization in World History (pdf). Routledge. The University of Oxford. (2020). Oxford Advanced Learner’s Dictionary (10th a.b). Oxford University Press. Trần Ngọc Thêm. (2004). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (4th a.b). NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Trần Ngọc Thêm. (2023). Không gian văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh: Từ lý luận đến thực tiễn. Văn hóa Nghệ thuật, Số 536, 8–13. 357
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
15=>0