intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục văn hóa - nghệ thuật dân tộc từ dân ca Việt Nam cho sinh viên – Góc nhìn từ một khảo sát ở khoa Quản lý văn hóa, Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giáo dục văn hóa - nghệ thuật dân tộc từ dân ca Việt Nam cho sinh viên – Góc nhìn từ một khảo sát ở khoa Quản lý văn hóa, Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh" đề cập đến hát dân ca tạo cơ sở nền tảng phục vụ giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, giúp sinh viên có tình cảm yêu quý, nhận thức vẻ đẹp, biết trân trọng nền âm nhạc dân gian - dân tộc. Có thể nhận diện sự trân trọng và ý thức giữ gìn văn hóa – nghệ thuật dân tộc qua nhận thức của sinh viên ở giảng đường Đại học qua những làn điệu dân ca. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục văn hóa - nghệ thuật dân tộc từ dân ca Việt Nam cho sinh viên – Góc nhìn từ một khảo sát ở khoa Quản lý văn hóa, Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh

  1. GIÁO DỤC VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT DÂN TỘC TỪ DÂN CA VIỆT NAM CHO SINH VIÊN – GÓC NHÌN TỪ MỘT KHẢO SÁT Ở KHOA QUẢN LÝ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT, TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ThS. Hồ Thị Như Vui140 Tóm tắt Kiến thức về văn hóa dân tộc là hành trang không thể thiếu để mỗi sinh viên khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh bước vào nghề nghiệp tương lai. Hiểu về các làn điệu dân ca của dân tộc, của các vùng, các dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam là một phần trong hành tranh tri thức cần có của sinh viên. Hát dân ca tạo cơ sở nền tảng phục vụ giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, giúp sinh viên có tình cảm yêu quý, nhận thức vẻ đẹp, biết trân trọng nền âm nhạc dân gian - dân tộc. Có thể nhận diện sự trân trọng và ý thức giữ gìn văn hóa – nghệ thuật dân tộc qua nhận thức của sinh viên ở giảng đường Đại học qua những làn điệu dân ca. Chính dòng chảy dân ca tiếp cận từ góc độ văn hóa dân tộc đã tạo môi trường văn hóa độc đáo, giúp sinh viên trang bị vốn kiến thức cơ bản và những hiểu biết về văn hóa, về âm nhạc, về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Từ khóa: Dân ca Việt Nam; Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh; Giáo dục văn hóa - nghệ thuật dân tộc; Sinh viên. Mở đầu Nghị quyết TW5 – Khóa VIII đã khẳng định: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”. Quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cả mỗi người dân Việt Nam là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – nguồn cội của “sức mạnh mềm” Việt Nam. Điều này xuất phát từ tình cảm, ý thức trách nhiệm và niềm tự hào từ những gì mà những thế hệ trước để lại. Dân ca Việt Nam là một trong những thành phần tạo nên kho tàng di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Không thể phủ nhận sức sống mãnh liệt của dân ca bởi đây là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO ghi danh nhiều lần như: Dân ca quan họ (2009), dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (2014). Dân ca không chỉ là một loại âm nhạc, mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa của đất nước. Sức sống mãnh liệt của dân ca đã góp phần quan trọng tạo nên nét đằm thắm, quyến rũ riêng cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Giáo dục văn hóa dân tộc, giáo dục âm nhạc, bao gồm dân ca có tác dụng rất quan trọng trong quá trình giáo dục toàn diện sinh viên. Việc được học, được nghe các làn điệu dân ca giúp sinh viên không chỉ có sự hiểu biết sâu hơn kiến thức về âm nhạc dân tộc mà còn chuyển tải các thông điệp văn hóa độc đáo. Kiến thức âm nhạc sẽ trở nên gần gũi, dễ nghe, dễ học hơn thông qua các bài hát dân ca, đặc điểm âm nhạc dân ca. Bên cạnh đó, việc chuyển tải các làn điệu dân ca qua cách đổi mới hình thức tiếp nhận còn giúp các làn điệu này được 140 . Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh 358
  2. giữ gìn, trao truyền lâu bền hơn. Sinh viên có năng lực tìm hiểu nắm vững nguồn gốc xuất xứ, phong tục tập quán khi học hát dân ca sẽ giúp quá trình cảm thụ bài hát đầy đủ, sâu sắc hơn. Từ đó, bồi dưỡng thị hiếu và tình cảm đạo đức đúng đắn, giúp sinh viên tự giáo dục, hình thành và nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp đối với văn hóa truyền thống của dân tộc. 1. Dân ca Việt Nam – Cội nguồn của giáo dục văn hóa – nghệ thuật dân tộc Theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm trong “Hát dân ca” xuất bản năm 2008, khái niệm dân ca là những bài hát thường ngày, là bài hát không có tác giả và được sáng tác do nhu cầu sinh hoạt, từ cuộc sống của người dân [5;tr7] Tác giả Phạm Phúc Minh đã viết ở cuốn “Tìm hiểu dân ca Việt Nam”: Dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được nhân dân ca hát theo phong tục tập quán của từng địa phương, từng dân tộc” [6;tr11]. Ở một góc nhìn sâu rộng hơn trong “Từ điển thuật ngữ văn học” thì các tác giả Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi cho rằng, dân ca là một loại hình sáng tác dân gian mang tính tổng hợp bao gồm lời nhạc, động tác, điệu bộ kết hợp với nhau trong diễn xướng. Xét về đặc điểm âm nhạc, làn điệu, có thể chia dân ca thành hai loại hình là loại đa điệu và đơn điệu. Đa điệu (nhiều làn điệu) như dân ca quan họ Bắc Ninh (khoảng hai ba trăm làn điệu khác nhau). Đơn điệu như hát ví, giặm Nghệ – Tĩnh, hát trống quân, hát đúm…[12,tr174] Theo những nhận định, khái niệm trên chúng ta có thể thấy dân ca có nguồn gốc từ sinh hoạt, lao động của ông cha ta từ thời xưa. Đó là những hoạt động trong cuộc sống thường ngày, trong các hội hè, đình đám, sinh hoạt tín ngưỡng, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nam nữ… Nhịp điệu của lao động được tạo nên những làn điệu đầu tiên của dân ca thể hiện qua các điệu hò như: hò Giã Gạo, hò Kéo Gỗ, hò Dô Ta, hò Chèo Thuyền… Âm nhạc trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ nghi, phong tục cũng là một trong những nguồn gốc của dân ca. Con người sáng tạo dân ca như một ngôn ngữ để giao tiếp với thần linh thông qua phong tục tập quán vùng miền như: hát Xoan, hát Dô, hát Cách, hát Dậm… Và qua những cuộc tế lễ, hội hè, sinh hoạt, lao động, vui chơi cũng là dịp để nam nữ thanh niên gặp gỡ nhau. Tình yêu nảy sinh, xây dựng gia đình trở thành đề tài của biết bao làn điệu dân ca nổi tiếng. Từ tình yêu con người rồi dẫn đến tình yêu quê hương đất nước, yêu nguồn cội cũng là khởi đầu cho những bài dân ca trữ tình. Những làn điệu mượt mà đẹp đẽ đó được thể hiện qua các làn điệu: hát Trống Quân, hát Đò Đưa, hát Ghẹo, hát Quan Họ. Đối với sinh viên nói chung và đặc biệt là sinh viên chuyên ngành Quản lý văn hóa, nghệ thuật nói riêng, việc học tập, thực hành, nghiên cứu, am hiểu về di sản văn hóa phi vật thể, cụ thể là loại hình hát dân ca là góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần dân tộc rất quan trọng, góp phần xây dựng, phát triển môi trường văn hóa nghệ thuật ở trường đại học. Qua các hoạt động ở khoa và trường, sinh viên hiểu biết một số đặc điểm cơ bản của hát dân ca, hiểu thêm về nét văn hóa, nhân văn, địa lý vùng miền các tộc người, biết phân loại, giải thích, so sánh các đặc điểm về phong cách của từng thể loại dân ca các vùng miền.Việc sử dụng hát dân ca trong giảng dạy, nghiên cứu, các hoạt động cộng đồng nhằm thực hiện các mục tiêu: góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát hiện, bồi 359
  3. dưỡng năng khiếu, tài năng cho sinh viên; bồi dưỡng tình yêu với văn hóa âm nhạc dân tộc; hình thành và nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị di sản văn hóa; rèn luyện tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, qua các hoạt động này các em sẽ có thái độ trân trọng, bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng như giá trị lịch sử của đất nước, của nhân loại. Từ đó, giáo dục toàn diện cho sinh viên. Qua các làn điệu dân ca sâu lắng mượt mà sinh viên có thể sống đẹp hơn, tốt hơn nhờ việc cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, đất nước, tình cảm giữa người với người... Bên cạnh đó, việc thấm nhuần các giai điệu dân ca còn giúp học sinh không chỉ biết thưởng thức cái đẹp mà còn hình thành nên năng lực sáng tạo về nghệ thuật, từ đó có khả năng đem cái đẹp vào đời sống trên mọi phương diện, học tập, lao động, ứng xử có văn hóa… Do đặc điểm đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán, âm điệu tiếng nói của các vùng dân tộc trên đất nước khác nhau nên dân ca mỗi địa phương mang màu sắc đặc trưng rất riêng biệt. Theo TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm dân ca có các đặc trưng: Do phổ biến bằng truyền khẩu, không có ghi chép nhất định, truyền từ vùng này sang vùng khác, do âm điệu mỗi địa phương khác nhau nên dân ca có nhiều dị bản, xuất hiện quá trình thay đổi âm điệu dân ca. Dân ca liên tục được sáng tạo thành những bài bản mới [5;tr10]. Đây chính là nguyên nhân làm cho dân ca có dị bản, đồng thời là nguyên nhân của sự phát triển, phong phú về số lượng làn điệu. Cụ thể, dân ca được khởi nguồn từ thơ dân gian, ca dao được phổ nhạc, bằng các cách thức: điệp từ trong câu; thêm nguyên âm thành tiếng láy dựa hơi (a, i, ư, ơ…); dùng tiếng đệm phụ nghĩa hoặc không có nghĩa (mà, cái mà, mà để, tình bằng, tình tang…); đảo lộn, cắt xén hoặc thêm bớt câu thơ… Các cách thức này góp phần xây dựng, hình thành và phát triển các giai điệu dân ca, làm đa dạng phong phú thêm các làn điệu, giúp làm rõ các đặc điểm của từng thể loại, phân loại dân ca các vùng miền. Dân ca luôn mang màu sắc địa phương rất đặc biệt, tuỳ theo phong tục ngôn ngữ, giọng nói và âm nhạc của từng vùng miền, gồm nhiều thể loại vô cùng phong phú: dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Ví, hát Dặm (Nghệ An), hát Xoan (Phú Thọ), hát Trống quân ở nhiều làng quê Bắc Bộ, hát Dô (Hà Tây), hò Huế, lý Huế ở Trung Bộ, Nam Bộ có các điệu Lý, điệu Hò… dân ca của các dân tộc miền núi phía Bắc, đồng bào Thái, H’mông, Mường, dân ca các dân tộc Tây nguyên… đều có những nét riêng, mang bản sắc riêng. Dân ca dân tộc Kinh gồm có dân ca 3 miền: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Bên cạnh đó dân ca các dân tộc cũng vô cùng phong phú. Để phân định và gọi theo vùng miền hay từng tỉnh, người ta phân định bằng "ca từ", bằng "âm giọng" bằng cách "nhấn nhá", "luyến láy", "ngân nga", "rê giọng",... chỉ ở vùng miền đó mới có thể hát được. Tuy chữ đọc giống nhau nhưng âm khi phát ra khác nhau, những nơi khác không dùng hay cách nhấn nhá, luyến láy theo địa phương của minh ở nơi khác không hát. Dân ca Bắc Bộ thường có những từ đệm như: "rằng, thì, chứ..." và các dấu giọng như: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng được dệt bởi những nốt nhạc sao cho việc phát âm được rõ nét. Một số phụ âm được phát âm một cách đặc thù như: "r, d, gi" hay "s và x" phát âm giống nhau, không phân biệt nặng nhẹ. Những làn điệu dân ca đồng bằng và trung du miền Bắc 360
  4. trong sinh hoạt có nhiều bài nổi tiếng như: Cò lả, Bèo dạt mây trôi, Trống cơm, Lý cây đa,... hay các bài dân ca địa phương như: Cây trúc xinh, Trên rừng ba sáu thứ chim, Người ở đừng về (Dân ca Quan họ), Bà rằng bà rí, Xe chỉ vá may (Dân ca Phú Thọ); Ba quan, Mời trầu, Hát chào, Hát thầm, Trúc mai (Dân ca Hà Nam); Đi cấy (Dân ca Thanh Hóa),... Dân ca Trung Bộ thì thường có chữ " ni, nớ, chi, răng, rứa..." dấu sắc được đọc thành dấu hỏi (so với giọng người Bắc), dấu hỏi và ngã đều được đọc giống nhau và trầm hơn chữ không dấu. Dân ca miền Trung có những bài nổi tiếng như: Hò Sông Mã, hát Ghẹo (Thanh Hóa), Lý mười thương (ca Huế), Lý thương nhau (dân ca Quảng Nam), Hò đối đáp, Hát ví, Dặm…(dân ca Nghệ Tĩnh), Hò hụi, Hò giã gạo (Dân ca Bình Trị Thiên), Lý vọng phu, Lý thiên thai (Dân ca khu 5), ... Dân ca Nam Bộ thì thường có chữ "má (mẹ), bậu (em), đặng (được)..." chữ "ê" đọc thành chữ "ơ", dấu ngã đọc thành dấu hỏi,... Nhưng nhìn chung thì vẫn là thoát thai từ lòng dân với đậm tính chất mộc mạc giản dị của họ. Dân ca miền Nam gồm các điệu hò, lý, vè, tiêu biểu như: Lý con sáo, Lý đất giồng, Lý chiều chiều, Lý dĩa bánh bò, Lý ngựa ô, Lý cây bông, lý quạ kêu, Lý bông dừa, Lý qua cầu, Ru con, Bắc Kim Thang… Đồng bào dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt nên các làn điệu dân ca cũng rất phong phú và thú vị. Cùng với sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân dân gian, dân ca của các dân tộc đã góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Một số làn điệu điển hình của các dân tộc như: hoén lục, then, bụt, tào, giáo (dân ca Tày), ứ Lục, si, lượn (dân ca Nùng), khổng mi nhủa, khâu xinh plềnh (H’mông), khắp Ỉn Sao, khắp Kin Lẩu, khắp Hạn Khuống (Thái), rằng đều và đập bông, thường, rang (Mường), roi, khan a-tôôk (BaNa, Jrai), khan, anhông (Ê Đê)… 2. Thực trạng giáo dục nghệ thuật dân tộc từ dân ca Việt Nam - khảo sát từ khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu ảnh hưởng của dân ca trong đời sống và học tập của sinh viên. Chúng tôi đã gửi phiếu điều tra đến các lớp năm thứ 4 tại khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 3/2024, với tổng số 68 phiếu thu về. Ở câu hỏi đầu tiên, tìm hiểu nhận thức của sinh viên về: Mức độ cần thiết của hát dân ca trong học tập và đời sống có kết quả như sau: 361
  5. Bảng 2.2.1: Mức độ cần thiết của dân ca Việt Nam trong học tập và đời sống của sinh viên (Nguồn: Hồ Thị Như Vui - https://forms.gle/dTRkQFKNTn3ebfmUA) Theo thống kê cho ta thấy, 35,3 % sinh viên cho là rất cần thiết, và 58,8 % cho là cần thiết, số cho rằng không cần thiết lắm chiếm tỉ lệ khá nhỏ 5,9 %. Khi được hỏi, tại sao không cần thiết lắm, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Em chỉ thỉnh thoảng nghe thôi, có nhiều thể loại nhạc khác nghe hay hơn”. Trong đó, với câu hỏi: Bảng 2.2.2: Các thể loại dân ca vùng miền sinh viên thường nghe và hát (Nguồn: Hồ Thị Như Vui - https://forms.gle/dTRkQFKNTn3ebfmUA) Qua kết quả khảo sát, chúng ta thấy rõ kết quả khá chênh lệch ở các lựa chọn. Có thể thấy, sinh viên trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh hầu hết đến từ các tỉnh phía Nam, vì vậy nhu cầu nghe và thực hành thể loại dân ca Nam Bộ chiếm tỉ lệ cao nhất: 50%. Sau đó là các thể loại còn lại được lựa chọn với số ít bạn sinh viên đến từ miền Trung và miền Bắc. Con số 25% là tỉ lệ không nhỏ khi nhận được kết quả rằng các em ít nghe nhạc dân ca và không thể hát được bất kì loại dân ca vùng miền nào. Bên cạnh đó, khả năng nghe và hát dân ca cả 362
  6. 3 miền chỉ có 8,8% sinh viên lựa chọn. Từ đó cho thấy thực trạng nghe và hát dân ca ở sinh viên chưa cao, cần sự lan tỏa, giáo dục, rèn luyện hơn nữa ở loại hình nghệ thuật này. Tìm hiểu về mức độ thực hiện các nội dung hoạt động liên quan đến dân ca trong nhà trường, kết quả khảo sát như sau: Bảng 2.2.3: Mức độ thực hiện các nội dung liên quan đến hát dân ca trong trường hiện nay (Nguồn: Hồ Thị Như Vui - https://forms.gle/dTRkQFKNTn3ebfmUA) Phần trả lời của câu hỏi có tính tham khảo về mức độ thực hiện các hoạt động liên quan đến dân ca, kết quả thu về lần lượt là 25% - 44,1% - 19,1% và 8,8 % cho các đánh giá “Ít thực hiện” – “Bình thường” – “Tốt” và “Rất tốt”. Đây là thông số khá sát với thực tế hoạt động tại trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh. Bởi ngoài dân ca nhà trường còn triển khai rất nhiều các hoạt động liên quan tới nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Tuy nhiên, cá biệt có 2 bạn sinh viên đánh giá là “chưa thực hiện”, chắc hẳn do không bám sát các hoạt động chuyên đề hay sinh hoạt câu lạc bộ ở khoa. Chỉ qua một khảo sát nhỏ nhận thức về dân ca, có thể thấy đối với sinh viên khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh khá yêu thích, quan tâm di sản văn hóa phi vật thể này. Các em ý thức được giá trị, ý nghĩa và vai trò của loại hình nghệ thuật hát dân ca, từ đó mong muốn được rèn luyện, học hỏi và hòa mình vào dòng chảy của những làn điệu âm nhạc dân gian quý báu của dân tộc. Vì vậy, giáo dục văn hóa nghệ thuật dân tộc là mục tiêu tác giả bài viết hướng tới, với mong muốn giúp sinh viên hiểu sâu thêm và có kỹ năng thực hành các thể loại dân ca; từ đó, làm đẹp thêm hành trang cho nghề nghiệp mai sau. 2.3. Giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa nghệ thuật dân tộc qua dân ca Việt Nam Câu hỏi được chúng tôi đặt ra là, sinh viên trong xã hội hiện đại đang cần nhận thức và gìn giữ các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc như thế nào? Giáo dục nâng cao nhận thức cho sinh viên nhằm thay đổi, phát huy vai trò, giá trị của văn hóa nghệ thuật dân tộc là hướng đến mục tiêu cùng chung tay gìn giữ bảo vệ di sản của dân tộc. Giáo dục về dân ca là một 363
  7. hướng chủ đạo để nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành văn hóa nghệ thuật dân tộc cho sinh viên. Với quan điểm đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau: Giải pháp 1: Đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục nghệ thuật dân tộc ở các cấp học. Điều quan trọng đối với việc giáo dục nghệ thuật dân tộc là chúng ta cần gìn giữ, phát triển di sản phi vật thể ấy sống giữa cuộc đời, như chính bản chất của nó. Đó là việc phải phổ biến, trao truyền di sản phi vật thể, cụ thể là dân ca Việt Nam tới học sinh-sinh viên, tới cộng đồng. Ngoài những lưu truyền văn hóa nghệ thuật dân tộc bằng văn tự là những ấn phẩm nghe nhìn... việc dạy và học, nghiên cứu trong nhà trường từ các cấp từ phổ thông đến đại học cần được thực hiện triệt để hơn, quy mô hơn và chi tiết hóa hơn. Lâu nay nhiều người băn khoăn tại sao giới trẻ lại không mặn mà với những di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc... nhưng chúng ta lại không có kế hoạch, chương trình giáo dục cụ thể về di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc cho thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường. Ở trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh hiện đã và đang thực hiện các hoạt động truyền thông như tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật về âm nhạc truyền thống; các buổi tọa đàm giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế, quốc gia; các hội thảo chuyên ngành nghiên cứu về nghệ thuật dân tộc; thường xuyên giao lưu học hỏi qua các câu lạc bộ nghệ thuật trong và ngoài nhà trường như câu lạc bộ hát ru, câu lạc bộ đờn ca tài tử…. Tiếp nối truyền thống của nhà trường, của khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, giảng viên, sinh viên cần phát huy vai trò của mình trong xây dựng và phát triển các không gian văn hóa dân tộc quý báu nhằm lan tỏa nhiều hơn tới sinh viên trong và ngoài nhà trường; từ đó tạo tác động đến sự quan tâm của các nhà trường phổ thông thúc đẩy các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc dành cho học sinh các cấp. Qua thực tiễn khảo sát ở khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật như tác giả đã trình bày ở phần 2.2, tầm quan trọng của dân ca Việt Nam trong học tập và đời sống từ góc nhìn sinh viên đã thể hiện khá rõ diện mạo một bức tranh chung về giáo dục nghệ thuật dân tộc trong nhà trường. Tuy nhiên để nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện hơn, vấn đề đặt ra là cần tổ chức thực hiện một đề tài nghiên cứu chính thức có quy mô sâu và rộng về giáo dục nghệ thuật dân tộc trong học sinh sinh viên. Nghiên cứu này cần sự chung tay của các cấp từ chính quyền địa phương, các trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Để thực hiện được đề tài đó, vấn đề cần quan tâm trước mắt là phải có một kế hoạch hoàn chỉnh, xác định những mốc thời gian cụ thể, đối tượng cụ thể mới đem lại những kết quả thiết thực. Chỉ có như vậy chúng ta mới có tiền đề cho những nghiên cứu, kế hoạch cụ thể bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật của dân ca Việt Nam, từ đó mới có cơ sở khoa học và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ giáo dục văn hóa nghệ thuật dân tộc cho sinh viên. Giải pháp 2: Đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục văn hóa nghệ thuật dân tộc qua các môn học nghệ thuật ở khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật trường Đại học Văn hóa tp. Hồ Chí Minh. Ở khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật, có khá nhiều môn học nghiên cứu về các loại hình nghệ thuật dân tộc như: Đại cương nghệ thuật học, Kỹ năng biểu diễn, Kỹ thuật thanh nhạc, 364
  8. tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật… Thông qua các môn học này, sinh viên sẽ được tìm hiểu chung, thực hành về cả 7 loại hình nghệ thuật khác nhau. Vì thế, thời lượng dành cho các loại hình nghệ thuật cũng dàn trải, chia đều cho thời lượng lên lớp của các học phần. Tuy nhiên, với các loại hình nghệ thuật truyền thống thời lượng học tập còn nghiêng về nghiên cứu kiến thức (học lý thuyết) nhiều hơn so với thực hành. Do đó giảng viên cần cân đối thời lượng, phương pháp nhằm giúp sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn ở các loại hình nghệ thuật dân tộc như hát dân ca, cải lương.... Bởi dân ca có thể giúp sinh viên hiểu được tình yêu lao động, nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, thúc đẩy sự phát triển văn hóa dân tộc thông qua lời hát; sinh viên có thể rèn luyện kỹ thuật hát ngân nga, luyến láy uyển chuyển qua các học phần thanh nhạc; ngoài ra còn giúp sinh viên diễn tả được sâu sắc, rõ nét cảm xúc của nhân vật khi các em kết hợp diễn xướng dân ca với diễn xuất trong các môn học biểu diễn trên sân khấu. Càng được thực hành nhiều bao nhiêu sinh viên càng thấm nhuần, càng yêu nghệ thuật dân ca; càng có điều kiện lan tỏa các làn điệu, những đặc trưng tuyệt đẹp của loại hình di sản văn hóa này đến với bạn bè, thầy cô và toàn cộng đồng. Giải pháp 3: Đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục nghệ thuật dân tộc qua các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sinh viên trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh được sinh ra và lớn lên tại vùng đất – cái nôi của dân ca Nam Bộ nên các em có tình yêu rất lớn với các loại hình nghệ thuật phương Nam như: Hát sắc bùa Phú Lễ, là loại hình dân ca cổ nhất của Nam Bộ, tìm hiểu về thể loại này ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ 23/01/2017. Nói đến hát sắc bùa chúng ta sẽ nhớ ngay đến xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre – nơi được xem là cái nôi của hát sắc bùa. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp, kết hợp cả nghệ thuật hát, múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, có hình thức cử hành nghi lễ. Một đội hát sắc bùa phải có ít nhất 4 thành viên hoặc phát triển theo số chẵn nhưng không quá 12 người và được điều khiển bởi một “ông bầu”, các thành viên sẽ vừa là nhạc công vừa là ca sĩ. Trống cơm, đờn cò, sanh tiền, sanh cái là các nhạc cụ của đội hát sắc bùa thường sử dụng [1]. Hát sắc bùa Phú Lễ có ba phần cơ bản gồm: nghi lễ; hát chúc tụng, giúp vui và giã từ. Mỗi phần có nhiều bài như: mở cửa rào, khai môn, rước xuân, tiên sư, chúc làm ruộng, chúc nghề dệt vải, lý lơ thơ, giã từ… Hát sắc bùa thường giúp người dân cầu cho mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, con người được mạnh khỏe, khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sự đoàn kết gắn bó, thắm tình quê hương. Mặc dù đã được ghi danh là loại hình văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng Hát sắc bùa Phú Lễ hiện chỉ còn khoảng 20 nghệ nhân và có một số nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre biết biểu diễn loại hình nghệ thuật này [3]. Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này, rất cần sự quan tâm chung tay của nhà trường cùng cộng đồng bảo tồn các giá trị của Hát sắc bùa Phú Lễ, trước hết là sưu tầm, truyền dạy, trao truyền thực hành diễn xướng Hát sắc bùa Phú Lễ, loại dần các nguy cơ mai một. Trong đó, cần có kế hoạch chung để mở lớp truyền dạy cho các thế hệ kế cận, tạo không gian biểu diễn ở các khu du lịch, bảo tàng, trường học... 365
  9. Ngoài loại hình dân ca hát sắc bùa Phú Lễ, Bến Tre còn có Nói thơ Vân Tiên, ở các địa phương khác trong khu vực Nam Bộ hiện vẫn còn rất nhiều làn dân ca, diễn xướng dân gian có giá trị ở tầm quốc gia và thế giới chưa được quan tâm phổ biến, lồng ghép với giáo dục nghệ thuật dân tộc. Để không bị mai một, chúng ta cần chung tay lan tỏa giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã xếp hạng, ghi danh lẫn chua ghi danh các cấp đến cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể là qua giáo dục, qua các lễ hội truyền thống, kết hợp các sự kiện, qua truyền thông báo đài, internet, qua các cuộc tọa đàm, các đề tài nghiên cứu khoa học… Kết luận Học tập, nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật, trong đó dân ca Việt Nam có thế mạnh và tác dụng tích cực thúc đẩy nâng cao khả năng phát triển toàn diện trí lực của sinh viên. Bởi dân ca phản ánh tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của người dân với gia đình, quê hương, đất nước, thậm chí phản ánh đời sống xã hội, lịch sử của các thời kỳ. Sinh viên được nghe nhiều dân ca, các làn điệu, diễn xướng dân gian ... sẽ dần nhận biết được đặc điểm về lịch sử, văn hóa, xã hội, con người của từng vùng miền trong nước. Được học, được nghe các làn điệu dân ca giúp sinh viên có thêm hiểu biết, kiến thức về văn hóa nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Kiến thức âm nhạc cổ truyền của dân tộc sẽ trở nên gần gũi, dễ nghe, dễ học hơn thông qua các trải nghiệm khác nhau trong nhà trường. Bên cạnh đó, việc chuyển tải các làn điệu dân ca thông qua sáng tạo, đổi mới hình thức giáo dục nghệ thuật dân tộc sẽ giúp các làn điệu này được giữ gìn lâu hơn thay vì cách truyền khẩu truyền thống. Bằng quá trình gìn giữ, rao truyền từ các thế hệ cha ông của dân tộc, qua bao thăng trầm lịch sử, dân ca Việt Nam trong cuộc sống đương đại vẫn tràn đầy sức sống và gắn bó bền chặt trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Vì thế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần học tập, rèn luyện, nghiên cứu, tham gia các hoạt động nhiều hơn để có thể ngày càng thêm yêu mến, biết cách trân trọng, gìn giữ và thực hành hát dân ca – một loại hình văn hóa phi vật thể - tinh hoa văn hóa đặc sắc, linh hồn của dân tộc Việt Nam. Tài liệu tham khảo Du lịch tôi và bạn, Hát sắc bùa Phú Lễ – Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Bến Tre. Dẫn nguồn từ: https://dulichtoivaban.com/hat-sac-bua-phu-le-ben-tre.html truy cập ngày 20/3/2024. Đào Việt Hưng, Tìm hiểu dân ca Bắc Trung Bộ, Nxb Âm nhạc. Hoàng Trung, Bến Tre: Không để mai một di sản hát sắc bùa Phú Lễ; Dẫn nguồn từ: https://vietnamtourism.gov.vn/post/35904 truy cập ngày 20/3/2024. Ngô Huỳnh (1977), Dân ca Nam Bộ, một kho tàng âm điệu dân gian phong phú, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2008), Hát dân ca, Nxb Âm nhạc 366
  10. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội Ngô Thị Nam (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc - tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc. Trần Quang Hải, Sơ lược về dân ca Việt Nam. Dẫn nguồn từ: http://tranquanghai.info/p566-so-luoc-ve-dan-ca-viet-nam.html, truy cập ngày 20/3/2024. Nhiều tác giả (2001), Bản sắc dân tộc trong văn hóa văn nghệ, Nxb Văn học, Hà Nội. Nhiều tác giả (2001), Dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội. Nhiều tác giả (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục. Vũ Nhật Thăng (1993), Thanh niên với việc bảo tồn âm nhạc dân tộc, Tạp chí Văn hóa Dân gian. 367
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2