intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo trình Nghiệp vụ vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa (Ngành: Thương mại điện tử - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Xây dựng số 1

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:80

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Giáo trình "Nghiệp vụ vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa (Ngành: Thương mại điện tử - Trung cấp)" được biên soạn với mục tiêu nhằm giúp sinh viên nắm được các kiến thức về: Khái niệm, đặc điểm, vai trò của vận tải; nội dung hợp đồng thuê phương tiện vận tải; các vấn đề khái quát về giao nhận hàng hóa; nội dung chính trong việc tổ chức giao nhận hàng hóa;... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo trình Nghiệp vụ vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa (Ngành: Thương mại điện tử - Trung cấp) - Trường Cao đẳng Xây dựng số 1

  1. BỘ XÂY DỰNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG XÂY DỰNG SỐ 1 GIÁO TRÌNH MÔN HỌC: Nghiệp vụ vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa NGÀNH/NGHỀ: Thương mại điện tử TRÌNH ĐỘ: Trung cấp Ban hành kèm theo Quyết định số: 368ĐT/QĐ-CDDXD1 ngày 10 tháng 08 năm 2021 của Hiệu trưởng Trưởng Cao đẳng Xây dựng số 1 Hà Nội, năm 2021 1
  2. TUYÊN BỐ BẢN QUYỀN Tài liệu này thuộc loại sách giáo trình nên các nguồn thông tin có thể được phép dùng nguyên bản hoặc trích dùng cho các mục đích về đào tạo và tham khảo. Mọi mục đích khác mang tính lệch lạc hoặc sử dụng với mục đích kinh doanh thiếu lành mạnh sẽ bị nghiêm cấm. 2
  3. LỜI GIỚI THIỆU Việt Nam đang trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hóa nhằm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp văn minh, hiện đại. Trong sự nghiệp cách mạng to lớn đó kèm theo xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực, các hoạt kinh doanh thương mai ngày càng phát triển. Giao nhận, vận tải và bảo hiểm là một trong những khâu rất quan trọng của hoạt động buôn bán trong nước cũng như các hoạt động giao thương. Nó là cầu nối không thể thiếu, đóng vai trò hết sức quan trọng trong lưu thông hàng hóa trên thị trường. Giáo trình “Nghiệp vụ vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa” là tài liệu cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản, cần thiết về lý luận lẫn khả năng thực hành về vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa. Giáo trình được biên soạn và phát hành lần đầu năm 2022, được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Vận tải hàng hóa Chương 2: Giao nhận hàng hóa Chương 3: Bảo hiểm hàng hóa Với kết cấu như vậy, về nội dung cơ bản thống nhất với chương trình quy định của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho đối tượng Trung cấp ngành Thương mại điện tử. Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã cân nhắc và lựa chọn các nội dung phù hợp nhất với mục tiêu đào tạo để đảm bảo tính khoa học, tính hiện đại của giáo trình, song chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc và các thầy, cô giáo. Xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2022 Người biên soạn Ths Bùi Thùy Linh 3
  4. MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU .................................................................................................. 3 CHƯƠNG 1: VẬN TẢI HÀNG HÓA .................................................................. 7 1.1. Khái niệm, đặc điểm và vai trò của vận tải .................................................... 7 1.1.1. Khái niệm .................................................................................................... 7 1.1.2. Đặc điểm ..................................................................................................... 8 1.1.3. Vai trò .......................................................................................................... 9 1.2.Các phương thức vận tải hàng hóa ................................................................ 11 1.2.1. Vận tải đường bộ ....................................................................................... 11 1.2.2. Vận tải đường sắt ...................................................................................... 13 1.2.3. Vận tải đường thủy .................................................................................... 14 1.2.4. Vận tải đường hàng không ........................................................................ 15 1.2.5. Vận tải đa phương thức ............................................................................. 17 1.3. Hợp đồng thuê phương tiện vận tải .............................................................. 18 1.3.1. Một số quy định liên quan ......................................................................... 18 1.3.2. Nội dung điều khoản hợp đồng ................................................................. 20 Chương 2: GIAO NHẬN HÀNG HÓA .............................................................. 29 2.1. Khái quát về giao nhận ................................................................................. 29 2.1.1. Khái niệm .................................................................................................. 29 2.1.2. Vai trò ........................................................................................................ 30 2.1.3. Các hình thức giao nhận hàng hóa: ........................................................... 33 2.1.4. Yêu cầu khi giao nhận hàng hóa ............................................................... 34 2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến giao nhận hàng hóa ........................................ 35 2.2. Tổ chức giao nhận hàng hóa ........................................................................ 37 2.2.1. Quy trình tổ chức giao nhận hàng hóa ...................................................... 37 2.2.2. Các dịch vụ giao nhận hàng hóa ............................................................... 46 2.2.3. Thực hành nghiệp vụ giao nhận hàng hóa ................................................ 49 CHƯƠNG 3: BẢO HIỂM HÀNG HÓA ............................................................ 55 3.1. Khái niệm và lợi ích của bảo hiểm hàng hóa ............................................... 55 4
  5. 3.1.1. Khái niệm .................................................................................................. 55 3.1.2. Lợi ích ....................................................................................................... 55 3.2. Một số nội dung cơ bản của bảo hiểm hàng hóa .......................................... 56 3.2.1. Đối tượng bảo hiểm................................................................................... 56 3.2.2. Rủi ro bảo hiểm ......................................................................................... 56 3.2.3. Giá trị bảo hiểm ......................................................................................... 60 3.2.4 Phí và số tiền bảo hiểm .............................................................................. 61 3.2.5. Số tiền bồi thường ..................................................................................... 64 3.2.6. Thực hành xác định một số chỉ tiêu về bảo hiểm hàng hóa ...................... 66 3.3. Hợp đồng bảo hiểm ...................................................................................... 66 3.3.1. Khái niệm .................................................................................................. 68 3.3.2. Các bên và nghĩa vụ liên quan .................................................................. 68 3.3.3. Nội dung hợp đồng .................................................................................... 70 5
  6. GIÁO TRÌNH MÔN HỌC Tên môn học: Nghiệp vụ vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa Mã môn học: MH23.1 Vị trí, tính chất, ý nghĩa và vai trò của môn học: - Vị trí: Môn học được bố trí ở học kỳ thứ II, học sau môn Kinh doanh thương mại. - Tính chất: Là môn học chuyên môn. - Ý nghĩa và vai trò của môn học: Môn học cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về lý luận lẫn khả năng thực hành về vận tải, giao nhận và bảo hiểm hàng hóa. Những nội dung này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường và đòi hỏi những nhà kinh doanh thương mại cần phải nắm được. Mục tiêu của môn học: - Về kiến thức: + Trình bày được khái niệm, đặc điểm, vai trò của vận tải; các phương thức vận tải chủ yếu hiện nay. + Trình bày được nội dung hợp đồng thuê phương tiện vận tải. + Trình bày được các vấn đề khái quát về giao nhận hàng hóa; nội dung chính trong việc tổ chức giao nhận hàng hóa. + Trình bày được khái niệm và lợi ích; các nội dung cơ bản của bảo hiểm hàng hóa; khái niệm và nội dung của hợp đồng bảo hiểm hàng hóa. - Về kỹ năng: + Lựa chọn các hình thức thuê phương tiện vận tải, giao nhận và bảo hiểm phù hợp với từng điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. + Tổ chức được các hoạt động giao nhận hàng hóa. + Tính được phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm và số tiền bồi thường. - Về năng lực tự chủ và trách nhiệm: Có năng lực tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 6
  7. CHƯƠNG 1: VẬN TẢI HÀNG HÓA Giới thiệu: Giao thông vận tải giữ một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế quốc dân, nó là nhân tố trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước nhất là trong thời kỳ kinh tế mở như hiện nay. Đối với hàng hóa, vận tải là một mắt xích quan trọng trong các dịch vụ Logistics giúp đáp ứng được mọi nhu cầu vận chuyển hàng hóa để đáp ứng được nhu cần mua bán và sản xuất của tất cả mọi người. Nó cũng giúp đảm bảo được quá trình sản xuất của các ngành khác bằng việc lấy nguyên liệu từ vùng này để vận chuyển và sản xuất tại vùng khác và vận chuyển các sản phẩm đầu ra đi các nơi. Vận tải tuy không tạo ra sản phẩm để trực tiếp tiêu thụ như các ngành khác nhưng nó lại tạo ra khả năng sử dụng các sản phẩm xã hội bằng cách vận chuyển sản phẩm đó từ nơi này đến nơi khác và làm tăng giá trị của sản phẩm. Chương này sẽ đề cập đến những nội dung chính về vận tải hàng hóa trong phạm vi nội địa Việt Nam. Mục tiêu: - Trình bày được khái niệm, đặc điểm và vai trò của vận tải. - Trình bày được nội dung chính của các phương thức vận tải. - Trình bày được nội dung các điều khoản của hợp đồng thuê phương tiện vận tải. Nội dung chính: 1.1. Khái niệm, đặc điểm và vai trò của vận tải 1.1.1. Khái niệm Vận tải là một hoạt động kinh tế có mục đích của con người nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển vị trí của đối tượng vận chuyển. Đối tượng vận chuyển gồm con người (hành khách)và vật phẩm (hàng hoá). Sự di chuyển vị trí của con người và vật phẩm trong không gian rất đa dạng, phong phú và không phải mọi di chuyển đều là vận tải. Vận tải chỉ bao gồm những di chuyển do con người tạo ra nhằm mục đích kinh tế (lợi nhuận) để đáp ứng yêu cầu về sự di chuyển đó mà thôi. Tất cả của cải vật chất chủ yếu cần thiết cho sự tồn tại và phát triển xã hội loài người, của cải vật chất của xã hội được tạo ra ở 4 ngành sản xuất vật chất cơ bản: công nghiệp khai khoáng; công nghiệp chế biến; nông nghiệp và vận tải. Đối với một ngành sản xuất vật chất như công nghiệp, nông nghiệp... trong quá trình sản xuất đều có sự kết hợp của 3 yếu tố, đó là công cụ lao động, đối tượng lao động và sức lao động. Vận 7
  8. tải cũng là một ngành sản xuất vật chất vì trong quá trình sản xuất của ngành vận tải cũng có sự kết hợp của 3 yếu tố trên. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất của ngành vận tải cũng đã tiêu thụ một lượng vật chất nhất định như: vật liệu, nhiên liệu, hao mòn phương tiện vận tải... Hơn nữa, đối tượng lao động (hàng hoá, hành khách vận chuyển) trong quá trình sản xuất vận tải cũng trải qua sự thay đổi nhất định. Có thể khái niệm về vận tải như sau: vận tải là một hoạt động kinh tế có mục đích của con người, nhằm thay đổi vị trí của hàng hóa và bản thân con người từ nơi này đến nơi khác bằng các phương tiện vận tải. Vận tải phải bao gồm 3 yếu tố: có phương tiện di chuyển, phải chở người hoặc hàng hóa, nơi đi và nơi đến phải khác nhau. 1.1.2. Đặc điểm Vận tải là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt: đối với một ngành sản xuất vật chất, như công nghiệp, nông nghiệp... thì trong quá trình sản xuất đều có sự kết hợp của ba yếu tố: công cụ lao động, đối tượng lao động và sức lao động. Vận tải là một ngành sản xuất vật chất vì trong quá trình sản xuất của ngành vận tải có sự kết hợp của ba yếu tố đó. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất của ngành vận tải cũng đã tiêu thụ một lượng vật chất nhất định, như vật liệu, nhiên liệu, hao mòn phương tiện vận tải... đối tượng lao động (hàng hoá, hành khách) trong quá trình sản xuất của vận tải cũng trải qua sự thay đổi vật chất nhất định. Là ngành sản xuất vật chất nên vận tải cũng có sản phẩm của riêng mình, sản phẩm của vận tải chính là sự di chuyển của con người và vật phẩm trong không gian. Sản phẩm vận tải cũng là hàng hoá và cũng có giá trị và giá trị sử dụng, giá trị của hàng hoá là lượng lao động xã hội cần thiết kết tinh trong hàng hoá đó, giá trị sử dụng của sản phẩm vận tải là khả năng đáp ứng nhu cầu di chuyển. Tuy nhiên, so với các ngành sản xuất vật chất khác, vận tải có những đặc điểm khác biệt về quá trình sản xuất, về sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm, thể hiện ở các điểm sau đây: – Môi trường sản xuất của vận tải là không gian, luôn di động chứ không cố định như trong các ngành khác; – Sản xuất trong vận tải là quá trình tác động về mặt không gian vào đối tượng lao động chứ không phải tác động về mặt kỹ thuật, do đó không làm thay đổi hình dáng, kích thước của đối tượng lao động; 8
  9. – Sản phẩm vận tải không tồn tại dưới hình thức vật chất và khi sản xuất ra là được tiêu dùng ngay. Hay nói cách khác sản phẩm vận tải mang tính vô hình. Trong ngành vận tải, sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời, do đó không có khả năng dự trữ sản phẩm vận tải để tiêu dùng về sau mà chỉ có khả năng dự trữ năng lực vận tải mà thôi; – Quá trình sản xuất của ngành vận tải không tạo ra sản phẩm vật chất mới mà chỉ làm thay đổi vị trí của hàng hoá và qua đó cũng làm tăng giá trị của hàng hoá. 1.1.3. Vai trò Vận tải giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của mỗi nước, thể hiện ở những mặt sau: - Vai trò của vận tải đối với sản xuất Đối với sản xuất công nghiệp: Mối liên hệ giữa công nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân do vận tải đảm nhận. Việc cung cấp nguyên, nhiên liệu cho sản xuất và thành phẩm cho khu vực tiêu dùng là một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất công nghiệp. Việc hoạt động bình thường của các doanh nghiệp công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vận tải. Vận tải là điều kiện quan trọng để phát triển công nghiệp, vận tải có ảnh hưởng rất lớn đến số lượng và chất lượng công tác xây dựng cơ bản, đến việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp và giá thành sản phẩm công nghiệp. Đối với sản xuất nông nghiệp: Vận tải phát triển đã đáp ứng hoạt động kịp thời nhu cầu vận chuyển của nông nghiệp và có tác dụng to lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vận tải cung cấp tư liệu sản xuất đúng thời vụ cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo hàng hoá tiêu dùng cho nông dân. ðồng thời vận chuyển sản phẩm của nông nghiệp đến nơi tiêu dùng một cách nhanh chóng và đảm bảo chất lượng. Giá thành vận chuyển hạ đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển và cải thiện đời sống của nông dân. Trong thời gian hiện nay khi quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng, sự phân vùng sản xuất nông nghiệp được thực hiện và ngày càng hoàn chỉnh, trình độ cơ giới hoá trong nông nghiệp ngày càng cao, cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất trên các địa bàn được hình thành và từng bước hoàn chỉnh thì vận tải càng có tác dụng to lớn đến sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân và liên minh công nông. - Đối với lưu thông phân phối 9
  10. Vận tải là tiếp tục quá trình sản xuất trong phạm vi lưu thông, đây là khâu chủ yếu trong quá trình lưu thông. Muốn cho sản xuất ngày càng phát triển, mở rộng phạm vi tiêu dùng thì phải mở rộng lưu thông hàng hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi, giữa địa phương này với địa phương khác, giữa các quốc gia với nhau. Việc trao đổi hàng hoá thuộc phạm vi ngành thương mại nhưng hoạt động của nó phải thông qua vận tải mới có thể thực hiện được. Như vậy vận tải hoạt động tích cực, giá thành vận chuyển hạ sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ, kích thích tiêu dùng và kích thích sản xuất phát triển. - Vai trò của vận tải trong phục vụ con người Vận tải làm cho con người gần lại với nhau hơn đặc biệt là những người sống ở các vùng có nền văn hoá khác nhau. Nhờ tiếp xúc về văn hoá khoa học kỹ thuật, du lịch, tôn giáo và gia đình mà xuất hiện những đồng cảm khác nhau làm giầu thêm đời sống văn hoá xã hội của mỗi quốc gia, của mỗi vùng. Sự phát triển của vận tải trong mục đích gần lại nhau của con người không chỉ đảm bảo tính chất nhân đạo mà còn nhìn thấy mặt lợi của kinh tế. Sự có lợi này được biểu hiện ở sự gia tăng về thông tin, kiến thức, sự khéo léo, việc giải quyết các vấn đề nhanh hơn, dễ hơn, năng suất lao động cao hơn trong đời sống xã hội. Vận tải thực hiện nhiệm vụ vận chuyển con người với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó mục đích quan trọng nhất là vận chuyển con người với mục đích đi làm, học tập, công tác. Sau đó phải kể đến các mục đích để thực hiện các chức năng cơ bản của đời sống như mua bán, thăm viếng, nghỉ ngơi trong những ngày cuối tuần nghỉ phép nghỉ lễ tết, phục vụ cho nhu cầu du lịch. - Đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc vận tải có ý nghĩa quan trọng. Trong chiến tranh vận tải thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm quân trang quân dụng. Trong thời bình vận tải cùng quân đội bảo vệ an ninh quốc phòng xây dựng lực lượng đồng thời thực hiện cả nhiện vụ làm kinh tế. - Chức năng Quốc tế của vận tải Vận tải có vai trò quan trọng đối với việc giao lưu của nền kinh tế quốc gia với nền kinh tế thế giới đặc biệt trong thời đại hiện nay việc quan hệ kinh tế với nước ngoài đã đem lại một hiệu quả vô cùng to lớn cho đất nước. Vận tải đã thể hiện mối quan hệ quốc tế thông qua các chức năng sau đây: + Phát triển xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt đối với các quốc gia có khoảng cách địa lý lớn; 10
  11. + Nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu và sản phẩm cần thiết; + Phát triển hợp tác quốc tế về công nghiệp; + Phát triển du lịch quốc tế; + Phát triển lưu thông quốc tế về văn hoá khoa học kỹ thuật. 1.2.Các phương thức vận tải hàng hóa 1.2.1. Vận tải đường bộ * Khái niệm Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ như: ô tô, xe khách, xe tải, xe bồn, xe fooc, xe container, rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo theo ô tô ...để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ. * Ưu điểm - Vận tải đường bộ có tính linh hoạt và cơ động cao do: + Các phương tiện vận tải đường bộ nhỏ, có khả năng hoạt động ở mọi nơi từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược. + Vận tải đường bộ không bị lệ thuộc vào đường sá, bến bãi như ga, sân bay, cảng biển như các phương thức vận tải đường biển, đường sắt hay đường hàng không. + Thủ tục vận tải đường bộ thường đơn giản, do số lượng hàng chuyên chở từng chuyến nhỏ, dễ kiểm tra, kiểm đếm khi giao nhận hàng, thời gian giao nhận nhanh, ít tranh chấp. - Tốc độ vận chuyển của đường bộ khá cao. Tốc độ vận tải đường bộ tuy nhỏ hơn vận tải hàng không, nhưng gần ngang bằng với đường sắt và lớn hơn nhiều so với vận tải đường thủy. Tốc độ vận tải đường bộ đứng thứ 3, sau máy bay và tàu hỏa nhưng lại có ưu điểm về giao nhận hàng nhanh chóng, thực hiện vận chuyển thẳng từ nơi nhận hàng tới nơi giao hàng, vì vậy thời gian hàng hóa bị lưu giữ lại ở các điểm vận tải trong quá trình vận tải ngắn, làm cho tổng thời gian vận tải đường bộ thường ngắn hơn so với vận tải đường sắt và đường hàng không. Điều này đem lại hiệu quả kinh tế cao. -Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của vận tải đường bộ ít tốn kém. + Làm đường bộ không đòi hỏi nhiều vốn và vật tư như đường sắt. Kỹ thuật làm đường cũng không đòi hỏi trình độ kỹ thuật phức tạp như xây dựng đường sắt hay 11
  12. sân bay. Gía thành xây dựng đường bộ tương đối thấp, nếu chưa có nhiều vốn thì có thể xây dựng loại đường bộ cấp thấp với chi phí rất nhỏ. Trong điều kiện số lượng hàng hóa vận chuyển không lớn thì xây dựng các tuyến đường vận tải bộ là hợp lý. + Đầu tư mua phương tiện vận tải đường bộ không đòi hỏi nhiều tiền như tàu hỏa, máy bay nên có thể chủ động mua nhiều hoặc ít phương tiện trong khả năng tài chính của mình. + Phương tiện vận tải đường bộ (ô tô) không bị hao mòn vô hình, do vậy ô tô là loại hình vận chuyển rất thông dụng. Nhu cầu vận chuyển bằng ô tô thường xuyên lớn và phạm vi rất rộng không giống như vận tải đường sắt và đường hàng không vì không bị hạn chế về tuyến đường. Mặt khác, giá trị một ô tô nhỏ, sử dụng đơn giản vì thế ô tô dễ được mua bán, trao đổi bởi các cá nhân. -Là phương tiện vận tải phối hợp hoạt động của các phương tiện vận tải khác. -Có hiệu quả kinh tế cao trên những tuyến đường có cự ly ngắn và trung bình. Có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng về vận chuyển hàng hóa trên tất cả các tỉnh thành trong nước. * Nhược điểm: - Cước vận tải bằng đường bộ rất cao do: + Trọng tải nhỏ: các phương tiện vận tải đường bộ như ô tô có trọng tải nhỏ nhất so với các phương tiện máy bay, tàu hỏa, tàu thủy. Chuyên trở hàng hóa có khối lượng nhỏ thường dẫn đến chi phí lớn. + Chủ yếu chuyên chở hàng hóa đoạn đường ngắn: Khối lượng hàng hóa vận chuyển nhỏ, chạy trên cự ly ngắn thường có giá thành cao. + Thời gian chạy không hàng hóa thường nhiều. Hệ số sử dụng về thời gian rất thấp. - Năng suất lao động trong vận tải đường bộ thấp do sử dụng máy móc, thiết bị còn ít, chủ yếu là lao động thô sơ. - Hạn chế về mặt chuyên chở. Do cước phí cao làm cho vận tải đường bộ không có khả năng vận chuyển những mặt hàng có giá trị thấp. - Trọng tải và dung tích của các phương tiện nhỏ nên năng lực vận tải thấp, không thích hợp vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, cồng kềnh trong một khoảng thời gian ngắn. 12
  13. - Vận tải đường bộ chịu lệ thuộc bởi các điều kiện tự nhiên tuy không nhiều như các phương tiện khác nhưng còn bị lệ thuộc vào các yếu tố khác như: sự gồ ghề của mặt đường, không thể hoạt động trong điều kiện mưa hay gió bão ở mức trung bình trong khi đó tảu thủy hay tàu hỏa vẫn hoạt động được bình thường. 1.2.2. Vận tải đường sắt * Khái niệm Đường sắt hay vận tải đường sắt là loại hình vận chuyển/ vận tải hành khách và hàng hóa bằng phương tiện có bánh được thiết kế để chạy trên loại đường đặc biệt là đường ray. * Ưu điểm: - Vận chuyển đường sắt là hình thức vận chuyển cơ giới trên bộ hiệu quả. - Vận tải đường sắt sử dụng diện tích và không gian hiệu quả vì chiếm ít diện tích đất hơn so với giao thông đường bộ; trong cùng khoảng thời gian, hai làn đường sắt đặt có thể vận chuyển nhiều hàng hóa và hành khách hơn so với một con đường bốn làn xe. Vận tải đường sắt tiêu tốn ít năng lượng hơn đường bộ, cho phép mang tải lớn hơn vận chuyển đường bộ mà hao mòn đường lại thấp hơn. - Gía cước tương đối thấp. Gía thành vận tải đường sắt chỉ cao hơn đường thủy nội địa và thấp hơn vận tải đường bộ và đường hàng không. Khối lượng hàng hóa và khoảng cách chuyên chở là hai yếu tố quan trọng trong việc giảm giá thành chuyên chở trong vận tải đường sắt. - Thích hợp với các loại hàng có trọng lượng lớn, khối lượng vận chuyển nhiều và cự ly vận chuyển dài. - Có thể chuyên chở hàng hóa quanh năm, suốt ngày đêm, ít phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Vận tải đường sắt có thể chuyên chở liên tục, thường xuyên, đúng giờ và an toàn hơn các phương tiện vận tải khác - Vận tải đường sắt có năng lực vận chuyển lớn. Trọng tải và dung tích của toa xe đường sắt chỉ thua kém các phương tiện chuyên chở đường biển và đường thủy nội địa. Năng lực thông qua của tuyến đường sắt (đặc biệt là đường đôi) đạt đến vài chục triệu tấn hàng/ năm, nhờ vào hệ thống trang thiết bị hiện đại, hệ thống tổ chức vận chuyển khoa học, hệ thống hậu cần đắc lực… - Tốc độ chuyên chở của vận tải đường sắt tương đối cao, đều đặn và ít gián đoạn. Tốc độ của tàu hỏa chậm hơn máy bay nhưng lại nhanh hơn tàu biển, tàu sông, đôi khi còn nhanh hơn cả ô tô. 13
  14. * Nhược điểm: - Tàu hỏa thường đi, đến theo lịch trình cố định, tần suất khai thác các chuyến không cao. - Cần đầu tư lớn về phương tiện, đường ray. Đường sắt có chi phí cố định cao (tàu, nhà ga, bến bãi) và chi phí biến đổi thấp. - Tính linh hoạt, cơ động rất thấp, vận tải đường sắt không có khả năng chuyên chở trực tiếp từ kho tới kho, rất khó khăn trong việc thay đổi tuyến đường chuyên chở, thời gian chuyên chở. Tàu hỏa chỉ có thể cung cấp dịch vụ từ ga này tới ga kia, chứ không thể đến một địa điểm bất kì theo yêu cầu của doanh nghiệp. Hoạt động vận chuyển của đường sắt giới hạn trên phạm vi tuyến đường, muốn mở rộng phạm vi cần phải xây dựng các tuyến đường mới hoặc các tuyến đường nhánh. 1.2.3. Vận tải đường thủy * Khái niệm Vận tải đường thủy là phương thức vận tải vận chuyển hàng hóa, hành khách trên đường thủy bao gồm: sông, hồ chứa nước nhân tạo, kênh đào, ven biển và đại dương. Vận tải thủy nội địa ra đời sớm nhất so với các nghành vận tải khác và phát triển khá thuận lợi ở Việt Nam. Ngành vận tải thủy nội địa sử dụng dòng nước của các con sông tự nhiên. Riêng ở nước ta từ khi cách mạng tháng 8 thành công, vận tải sông đã chiếm 1/3 khối lượng hàng hóa vận chuyển của toàn ngành giao thông, trong đó có 124 con sông trên tổng số 2.360 con sông được khảo sát để vận chuyển và 6000km đường sông được sử dụng, một số tuyến đường được cải tạo. Vận tải thủy nội địa nước ta có những ưu điểm và nhược điểm như sau: * Ưu điểm: - Vận tải thủy nội địa vận chuyển được nhiều loại hàng đa dạng, khối lượng lớn mà một số ngành vận tải không thể đảm nhận được. Đặc biệt thích hợp hàng nặng, hàng cồng kềnh, lâu hỏng, giá trị thấp (vật liệu xây dựng, than đá, cao su) và hàng đồ rời (cà phê, gạo), trên các tuyến đường trung bình và dài... Hệ thống sông nước ta có khả năng thông qua lớn, cho phép nhiều tàu thuyền qua lại cùng một lúc. Tàu, thuyền có khả năng qua lại cả ngày lẫn đêm. - Gía thành vận tải đường thủy nội địa là thấp hơn so với một số ngành vận tải khác. 14
  15. + Vốn đầu tư cho ngành vận tải thủy ít hơn so với một số ngành vận tải khác. Chủ yếu đầu tư vào việc mua sắm phương tiện, còn một phần đầu vào việc xậy dựng bến bãi, phao tiêu, báo hiệu, xây dựng kè... tốn kém ít hơn so với ngành khác. + Tiêu hao nhiên liệu ít, chi phí nhiên liệu tính bình quân cho 1Km thấp, nó chỉ bằng 1/16 so với ngành vận tải đường sắt, 1/6 so với ngành vận tải ô tô và bằng 1/20 so với ngành vận tải hàng không. Nó chỉ cao hơn ngành vận tải đường ống. + Chi phí kim loại để đóng 1 tấn phương tiện là thấp nhất. + Năng suất lao động của ngành vận tải thủy nội địa cao hơn nhiều so với một số ngành khác. So sánh về năng suất lao động ta thấy: năng suất lao động của ngành vận tải thủy nội địa > vận tải sắt > vận tải ô tô > vận tải hàng không và chỉ thấp hơn ngành vận tải biển. * Nhược điểm: - Tốc độ trung bình của ngành vận tải thủy nội địa thấp nhất và được thống kê qua bảng sau: Vận tải sắt Vận tải ô tô Vận tải thủy nội địa 25 ÷ 50 km/h 30 ÷ 60 km/h - Tàu đẩy: 9 ÷ 12 km/h - Tàu khách: 15 ÷ 18 km/h Qua bảng trên ta thấy: Tốc độ trung bình của ngành vận tải thủy nội địa < vận tải sắt < vận tải ô tô. - Do các con sông là thiên nhiên, nên nó phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thời tiết, thủy văn, thủy triều... do vậy không tận dụng được khả năng sử dụng phương tiện. - Tính linh hoạt cơ động kém, đòi hỏi phải có ngành vận tải khác đảm nhận để nối liền các khu vực kinh tế với nhau. - Chỉ thích hợp với chuyên chở nội địa, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua hình thức liên hợp vận tải sông biển. Vận tải đường sông được sử dụng trong công tác điều vận hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất hạn chế. 1.2.4. Vận tải đường hàng không * Khái niệm 15
  16. Vận tải hàng không là hình thức vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu kiện từ một địa điểm này đến một địa điểm khác bằng máy bay trong không trung. Vận tải hàng không là một ngành vận tải non trẻ nhất. Trước đây, nó chủ yếu phục vụ chuyên chở hành khách, ngày nay vận tải hàng không đã được sử dụng rộng rãi vào chuyên chở hàng hóa trong phạm vi nội địa cũng như quốc tế. Sở dĩ vận tải hàng không phát triển vì nó đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế thế giới hiện nay. * Ưu điểm - Tuyến đường trong vận tải hàng không là không trung và hầu như là đường thẳng, không phụ thuộc vào địa hình mặt đất, mặt nước, không phải đầu tư xây dựng tuyến đường. Thông thường tuyến đường hàng không bao giờ cũng ngắn hơn tuyến đường sắt và đường ô tô khoảng 20% và tuyến đường sông khoảng 10%. - Tốc độ vận tải hàng không cao, thời gian vận chuyển ngắn. - Vận tải hàng không an toàn nhất: so với các phương thức vận tải khác thì vận tải hàng không ít tổn thất nhất vì thời gian vận chuyển ngắn nhất, trang thiết bị phục vụ vận chuyển hiện đại nhất, máy bay bay ở trên độ cao trên 9000m, trừ lúc hạ cánh, cất cánh, hầu như không bị tác động bởi các điều kiện thiên nhiên như: sét, mưa bão…trong hành trình chuyên chở. - Vận tải hàng không luôn đòi hỏi sử dụng công nghệ cao: do có tốc độ cao, phục vụ chuyên chở hành khách, một số hàng hóa có giá trị cao, hàng cứu trợ khẩn cấp… là chính nên đòi hỏi phải an toàn tuyệt đối trong quá trình chuyên chở. Vận tải hàng không không cho phép sai sót dù là nhỏ nhất, vì thế vận tải hàng không đòi hỏi những tiêu chuẩn rất khắt khe về công nghệ kĩ thuật. + Vận tải hàng không cung cấp dịch vụ có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn hẳn so với các phương thức vận tải khác và được đơn giản hóa về thủ tục, giấy tờ do máy bay bay thẳng, ít qua các trạm kiểm tra, kiểm soát… + Thích hợp với chuyên chở hàng lẻ, giá trị cao, hàng mau hỏng, hàng có nhu cầu vận chuyển gấp. * Nhược điểm: - Cước vận tải hàng không cao nhất, do chi phí trang thiết bị hiện đại, chi phí sân bay, chi phí khấu hao máy bay, chi phí dịch vụ cao… - Vận tải hàng không bị hạn chế đối với chuyên chở hàng hóa có khối lượng lớn, hàng công kềnh, do máy bay có trọng tải và dung tích nhỏ. 16
  17. - Vận tải hàng không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất kĩ thuật, phương tiện máy bay, sân bay, đào tạo nhân lực, xây dựng hệ thống kiểm soát không lưu, đặt chỗ toàn cầu, chi phí tham gia các Tổ chức quốc tế về hàng không… - Sức chở hạn chế, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu thời tiết, ảnh hưởng đến lịch trình và tính chất đều đặn của vận tải hàng không. Nếu gặp rủ ro tai nạn thì thiệt hại thường lớn. 1.2.5. Vận tải đa phương thức * Khái niệm: Vận tải đa phương thức là phương pháp vận tải trong đó hàng hóa được vận chuyển bằng hai hay nhiều phương thức vận tải khác nhau, trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức, một chứng từ vận tải, một chế độ trách nhiệm và chỉ một người chịu trách nhiệm về hàng hóa trong suốt quá trình chuyên chở từ một địa điểm nhận hàng tới một địa điểm khác để giao hàng. Vận tải đa phương thức có: - Ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau tham gia vận chuyển hàng hóa - Phải qua ít nhất 2 nước( đối với vận tải quốc tế), hoặc 2 nơi (đối với vận tải nội địa) - Dựa trên một hợp đồng đơn nhất và được thể hiện trên một chứng từ vận tải đơn nhất hoặc một vận đơn vận tải đa phương thức hay vận đơn vận tải liên hợp. - Người kinh doanh vận tải đa phương thức hành động như người chủ ủy thác chứ không phải như đại lý của người gửi hàng hay đại lý của người chuyên chở tham gia vào vận tải đa phương thức. - Người kinh doanh vận tải đa phương thức là người phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển từ khi nhận hàng để chuyên chở cho tới khi giao xong hàng cho người nhận, kể cả việc chậm giao hàng ở nơi đến. - Người gửi hàng phải trả cho người kinh doanh vận tải đa phương thức tiền cước phí trở của tất cả các phương thức vận tải mà hàng hóa đi qua theo một giá đơn nhất được thoải thuận, bao gồm cả phí dịch vụ, chuyển tải, lưu kho… - Hàng hóa thường được chuyên chở bằng các công cụ vận tải container, pallet, trailer… * Ưu điểm: 17
  18. - Vận tải đa phương thức có khả năng vận tải từ cửa đến cửa thông qua việc sử dụng những công nghệ mới nhất trong vận tải và thông tin, một đầu mối duy nhất, một hợp đồng và một chứng từ, những thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan đơn giản nhất, nhanh chóng nhằm giảm đến mức thấp nhất chi phí bỏ ra. - Người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm xuyên suốt từ khi bắt đầu hàng hóa xuất đến khi hàng hóa về đúng nơi nhận hàng nên khách hàng có thể yên tâm hơn về độ an toàn của hàng hóa. - Vận tải đa phương thức cho phép chuyên chở nhiều loại hàng, vận chuyển hàng hóa với một khối lượng, kích cỡ lớn. - Độ an toàn cao, hiếm xảy ra thiệt hại khi vận chuyển hàng hóa theo hình thức vận tải đa phương thức. *Nhược điểm: - Vận tải đa phương thức đòi hỏi nhiều cơ sở vật chất hoàn thiện, phát triển vận tải đa phương thức đòi hỏi phải đầu tư khá lớn cho cơ sở hạ tầng (đường xá, ga, cầu cống, bến bãi, phương tiện vận chuyển…). Đây là trở ngại rất lớn đối với những nước đang phát triển như nước ta. - Trong một số mô hình của vận tải đa phương thức thường có tốc độ chuyên chở chậm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi điều kiện ngoại cảnh. - Vận tải đa phương thức hạn chế với một số hàng hóa nhanh hỏng, chất lượng giảm theo thời gian. 1.3. Hợp đồng thuê phương tiện vận tải 1.3.1. Một số quy định liên quan Hợp đồng vận tải hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Cơ sở pháp lý điều chỉnh hợp đồng vận tải hàng hóa là Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005. Ngoài ra, tùy theo từng hình thức vận tải mà có những quy định cụ thể riêng. * Đối với phương thức vận tải đường thủy, thông tư số 61/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 2/11/2015 quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa, gồm các chương chính như sau: Chương 2: Vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa 18
  19. Chương 3: Giao nhận, xếp, dỡ và bảo quản hàng hóa Chương 4: Giải quyết tranh chấp, bồi thường Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 30/12/2014 quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa, gồm: Chương 2: Vận tải hành lý, hành khách, bao gửi trên đường thủy nội địa Chương 4: Vận tải và bảo quản hành lý ký gửi, bao gửi Chương 5: Giải quyết tranh chấp, bồi thường * Đối với phương thức vận tải đường sắt, thông tư số 22/2018/TT-BGTVT ban hành ngày 02 tháng 05 năm 2018 “quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia”, có các chương chính quy định như sau: Chương 2 và 3 là quy định về tổ chức và thực hiện vận tải hàng hóa Chương 4 là quy định về giải quyết sự cố trong quá trình vận chuyển Chương 5 quy định về việc bồi thường và giải quyết tranh chấp Chương 6 quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh vận tải hàng hóa trên đường sắt * Phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ là loại hình phổ biến nhất hiện nay. Các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp vừa và lớn tại Việt Nam hầu như sử dụng phương tiện xe tải, xe container để vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ. Các doanh nghiệp cần nắm rõ và chấp hành nghiêm túc các quy định về vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Các văn bản pháp lý có liên quan: Luật số 23/2008/QH12 của Quốc hội về luật giao thông đường bộ, ban hành ngày 13/11/2008. Chương VI, mục 1 có các quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Thông tư số 14/VBHN-BGTVT của bộ Giao thông vận tải, ban hành ngày 28/12/2015 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ: chương 2 là quy định vận tải hành khách bằng xe ô tô và chương 3 quy định vận tải hàng hóa bằng xe ô tô. *Vận tải đường hàng không: Ra đời sau những phương thức vận tải khác, song đến nay vận tải hàng không giữ vai trò rất quan trọng trong ngành vận tải. Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam chưa có một hãng nào sử dụng máy bay chuyên dụng vào mục đích vận chuyển hàng hóa, việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu là được kết hợp 19
  20. trên các chiếc may bay chở khách. Với tiềm năng thị trường lớn như Việt Nam hiện nay, việc phát triển một hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một nhu cầu tất yếu, cần được khai thác. Một số cơ sở pháp lý quan trọng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không cần chú ý: luật hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 của quốc hội ban hàng ngày 29/06/2006. Thông tư số 81/2014/TT- BGTVT ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2014 “quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”. Các nội dung chính như sau: Chương 3: Điều lệ vận chuyển hàng không Chương 5: Xuất vận đơn hàng không thứ cấp Chương 6: Cấp quyền vận chuyển hàng không Theo luật hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11 của quốc hội ban hàng ngày 29/06/2006, chương 6 là các quy định về vận chuyển hàng không về: doanh nghiệp vận chuyển hàng không; Khai thác vận chuyển hàng không; Vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý; Vận chuyển theo hợp đồng và vận chuyển thực tế; Vận chuyển hàng hóa đặc biệt. *Căn cứ pháp lý quy định vận tải đa phương thức theo nghị định số: 87/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/10/2009 gồm các chương quy định cụ thể như sau: Chương 3 là quy định về kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa Chương 4: Chứng từ vận tải đa phương thức Chương 5: Trách nhiệm và quyền hạn của người kinh doanh vận tải đa phương thức Chương 6: Trách nhiệm và quyền hạn của người gửi hàng Chương 7: Trách nhiệm và quyền hạn của người nhận hàng 1.3.2. Nội dung điều khoản hợp đồng 1.3.2.1. Các nội dung chính Các điều khoản cơ bản của hợp đồng vận tải hàng hóa là những điều khoản không thể thiếu được. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng vận tải hàng hóa không thể giao kết được. 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2