intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Gió qua nhà máy cũ

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

62
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Khu Nhà Máy Lửa dẫn tới Bùng Binh đang ngập ngụa trong vũng bùn sền sệt. Vì chưa làm nổi bờ bao khiến bùn trộn lẫn nước mặn phụt ra từ chiếc ống đen ngòm to tướng năm vắt qua lộ, len vào mọi hóc hẻm khu Nhà Máy Lửa. Dân chúng vừa mừng thầm vừa chống đỡ với một môi trường bẩn thỉu. Duy có nhà máy xay xát – Nhà Máy Lửa – thôi không khọt khẹt phun ra những tàn lửa vọt lên không trung như thường lệ, nằm im ỉm trên nền gạch khá cao vì...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Gió qua nhà máy cũ

  1. Gió qua nhà máy cũ TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THANH Khu Nhà Máy Lửa dẫn tới Bùng Binh đang ngập ngụa trong vũng bùn sền sệt. Vì chưa làm nổi bờ bao khiến bùn trộn lẫn nước mặn phụt ra từ chiếc ống đen ngòm to tướng năm vắt qua lộ, len vào mọi hóc hẻm khu Nhà Máy Lửa. Dân chúng vừa mừng thầm vừa chống đỡ với một môi trường bẩn thỉu. Duy có nhà máy xay xát – Nhà Máy Lửa – thôi không khọt khẹt phun ra những tàn lửa vọt lên không trung như thường lệ, nằm im ỉm trên nền gạch khá cao vì chủ cỗ máy già nua chạy bằng than trấu ngán ngẩm cách làm ăn mới, hoặc vì không cạnh tranh nổi với nhà máy xay xát Vạn Thông bên kia sông nên chủ bỏ cuộc. Trước, sau Nhà Máy Lửa vẫn còn đầy ắp những đống trấu ẩm mục xen lẫn những đống tro trấu ngả màu đen nhánh. Chốc chốc từng đàn chim sẻ từ những đống tro than bay vọt lên mái vòm gỉ sét, lên mái thiếc bật rung khe khẽ mỗi khi gió lùa qua. Thêm một con hẻm trải đá vào tận nhà cha con ông Sáu Đangchưa bị ngập bùn. Dân rải rác sau Khám Tạm Giam chui ra bờ xáng Phụng Hiệp bằng con hẻm này, có cả anh em Đội xáng hút bùn lui tới nhà cha con ông Sáu Đang. Đặcbiệt anh em Độixáng thổi dần dà hóa ra người của khu Nhà Máy Lửa: Một anh Độitrưởng Chín Trọng người thấp lùn, to ngang, mặt chữ điền thường hay lặng lẽ, nói ít hơn làm. Ngược lại, anh phụ trách hành chính (chưa có Quyết định chánh văn phòng) Trương Thanh Nam có thể hình nở nang, bô trai, lém lỉnh với đôi vành tai to to thường hay ửng đỏ mỗi lần tiếp xúc với phái nữ. Một thằng bé làm tạp vụ trẻ măng mặt búng ra sữa, người đen trũi, nhanh nhẩu như con rái cá thỉnh thoảng xuất hiện sau lái chiếc xáng thổi. Đứabé được anh em Đội xáng đặt cho cái tên ngộ nghĩnh: Bé Lạp Xường. Không phải đương nhiên Độixáng thổi tới lui, thậm chí ở nhờ nhà ông Sáu Đanglạ hoắc lạ huơ trong tí mú hẻm cùng. Một lần đi thực địa để san lấp mặt bằng, một vài anh em
  2. trong Độixáng có Chín Trọng, Trương Thanh Nam, Bé Lạp Xường... được dịp làm quen với người thợ mộc già nua và đứa con gái Út của ông. Đochính là ông Sáu Đangxởi lởi, hiếu khách, và Út Thêm hồn nhiên, vui tính mời khách nán lại dùng bữa cơm chiều. Thêm nữa, nhà rộng thênh thang chỉ hai người ở, sàn gác không ai lui tới bám đầy bụi bặm. Rồi không bao lâu, văn phòng Độixáng từ túp lều nóng nực, ọp ẹp dưới chiếc xáng thổi dời hết lên gác xép nhà ông Sáu Đang. Thế là gia đình ông Sáu bị đảo lộn mọi sinh hoạt thường ngày. -Vậy là tao xích ra phía trước một chút, giường con Út kéo tụt xuống chân cầu thang. Nhường hết trên gác cho mấy anh mầy ở cho tiện – Ông Sáu Đangvới cặp kính trắng nghếch trên mũi nói để Út Thêm nghe. Bé Lạp Xường chỉ cười tủm tỉm rồi đếm “một, hai, ba” trước khi phụ khiêng chiếc giường với cô chủ. Út Thêm im thin thít khiêng một đầu giường. Chỉ vậy, mọi việc sắp xếp trong nhà coi như tạm ổn. Kể ra từ lúc dời nhà ra chợ, ông Sáu sống một đời sống túng quẫn nhưng nhàn rỗi đến chán ngán. Lâu nay hết giờ đục đẽo, hốt dâm bào, ông Sáu phụ hợ với con ngâm gạo, xay bột, vặn bún... Rồi đùng một cái, cây gỗ trôi nổi trên sông chảy vào nhà kho những xí nghiệp gỗ, mớ gạo hạt tròn hạt dài trắng phao chui hết vào những cửa hàng phân phối lương thực... Cha con ông Sáu đành phải buông trôi một nghề thành thục – nghề làm bún – từ lúc nhà còn ở Cây Khô, Tân Lợi. Chính đeo nghề làm bún mà bà Sáu hứng một viên đạn mồ côi từ đồn Tắc Thủ trên đường đi chà gạo trở về nhà lúc nửa đêm. Út Thêm liêu xiêu mươi hôm sau khi mẹ mất, rồi sau đó không bao lâu dần dà gượng dậy theo cha về chợ ở. Ông Sáu quyết định dời chỗ ở vì mất điểm tựa tinh thần là bà vợ gan lì chịu đựng với nhiều tình huống giặc chà đi xát lại vùng đất Cây Khô, Tân Lợi ; bản thân ông Sáu nhát gan, bị hẫng hụt giữa chừng đành phải tìm chỗ lánh nạn tạm thời và vẫn chọn nghề vặn bún. Thôi làm bún, con gái Út của ông tự chạy vạy xin việc làm tại Ban quản lý thị trường. Hết loay hoay bên những sạp thực phẩm, bách hóa, Út đứng xếp hàng chờ chực cân gạo, mua nhu yếu phẩm thay cho cha và anh em Độixáng.
  3. Không bao lâu, Út Thêm quyện vào nhịp sống mới, đã nhập cuộc. Cô gái trở nên hoạt bát, linh lợi và thường hay nhịn ăn không phải vì lý do đong gạo bằng tem phiếu ; Út nhịn ăn chỉ để giữ cho đôi tay, đôi chân, eo lưng thon gọn và dáng người thanh mảnh hơn. Nhưng hoàn toàn không như Út tưởng, ngược lại, người cô dần dà đẫy đà ra thêm mới khổ. Ngực căng tròn. Khuôn ngực càng nhô cao những đêm cô quên không mặc áo nịt vú. Đuôi tóc sập dài xuống thắt lưng thường hay ngúng nguẩy lúc bước vào nhà trước mặt tốp đàn ông ở trọ. - Hay là con gái nhà này dời ra phía cửa cái để tiện nằm canh chừng nhà. Tao dời vô chỗ chân cầu thang – Đương nhiên, ông Sáu giữ ý thốt lên câu ấy. Nhưng đời thuở nào người luống tuổi trong gia đình xếp con gái mình ra ngủ phía trước. Ông nghĩ, và sau đó ông già buông tiếng thở dài. - Út Thêm hồn nhiên, dửng dưng. Đêm đêm Út vẫn ngả lưng trên chiếc giường dưới chân cầu thang. Trông Út càng trẻ khỏe hơn trong chiếc mùng lưới buông thõng: Khuôn ngực nhô cao, căng đầy. Đôi chân trần duỗi thẳng. Một cánh tay co lại tựa dưới gáy và mớ tóc xoã bung hết ra trên chiếu. Chốc chốc nghe tiếng ngáy ngủ khe khẽ của cô chủ giữa lúc tiếng thang gác chuyển động do tốp đàn ông thức khuya dậy sớm lên lên xuống xuống. Điềuđó hóa ra chuyện sinh hoạt bình thường. Nhưng, riêng đối với Thanh Nam biết ngượng ngập, áy náy khi tò mò đứng ngấp nghé nhìn cô chủ đang nằm ngủ bên lối đi hép té. Đóchính là lúc Nam và thằng bé Lạp Xường thân thiện với cô chủ. Nam giở ra trăm thứ chuyện, dĩ nhiên không có chuyện gia đình, người thân của anh, toàn chuyện mông lung trời biển mà bé Lạp Xường vô phương hiểu nổi. “Cục than” của cô chủ chỉ biết ngồi chăm bẳm vo gạo, lặt rau và chạy lăng xăng làm hết việc cho Chín Trọng đến việc Thanh Nam. Lạp Xường ít chịu rời Thanh Nam trừ lúc thằng bé phải theo Chín Trọng đi kiểm tra công trình xáng ở xa, hoặc lân la chơi thân với ông Hai Ký chuyên quét rác phía bên kia sông, đường Lâm Thành Mậu. Phải thừa nhận rằng, mối quan hệ thân thiện giữa Nam và cô chủ do Lạp Xường góp vào một phần ngoài chuyện mười anh em Đội xáng dưới sự chỉ huy của Chín Trọng hè nhau sửa lại nhà cho ông Sáu Đang: Dỡ hết mái thiếc cũ. Thêm đòn tay. Kê nền. Vá víu hai mái nhà kín đáo.
  4. Quét vôi bốn bức tường... Dân xáng thổi ăn khỏe, làm khỏe. Vỏn vẹn ba hôm, tốp xáng thổi làm xong xuôi mọi việc khiến ông già Sáu và đứa con gái Út của ông vô cùng mãn nguyện. Người làm lụng vượt trội hơn anh em Đội xáng được ông Sáu lẫn cô chủ chú ý nhất không ai ngoài chàng trai nhanh nhẩu, lém lỉnh Trương Thanh Nam. Một năm trôi qua. Nhà ông Sáu Đangcho khách nghỉ trọ. Khách hóa ra như người nhà. Khác hẳn Trương Thanh Nam, Chín Trọng chậm rãi bộc bạch hết chuyện quê quán làng mạc, chuyện nhà. Mỗi lần rảnh rỗi, anh Chín thường bị cuốn vào từ chuyện đất Giồng Trà Vinh đến chuyện vợ anh một cô giáo hiền lành, đảm đang vào loại bậc nhất đất Tiểu Cần quê anh. Khi đó, Thanh Nam càng tỏ ra khó hiểu đối với tốp khách cùng nghỉ trọ và hai người chủ nhà. Chỉ riêng anh Độitrưởng Chín Trọng biết Nam là con trai độc nhất trong một gia đình khá giả phất lên từ hai nguồn tôm biển và nuôi tôm ở Ông Trang. Nam làm Kinh tài ở ấp. Nam đứng vững vì còn cậy vào người cha của anh – ông Ba Bến – hai thời kỳ kháng chiến làm Bí thư Chi bộ, không lên không xuống, sừng sững như cây su già đứng giữa khu rừng đước bạt ngàn. Cơn lốc Cách mạng tháng 4, năm 1975, cuốn Trương Thanh Nam vào đội dân công hỏa tuyến, chỉ kịp ném lại nhà cái thùng sắt rỗng đựng đầy ắp sổ ghi nợ, sổ khai thác rừng, thuế thủy hải sản. Sáng sớm ngày mùng 1, tháng 5, năm 1975, Nam có mặt tại bến đò ngang Rạch Rập, rồi từ đó, Nam tách Đội dân công hỏa tuyến, dắt theo thằng bé Lạp Xường từ trong ngôi nhà đổ nát ở ngoại ô lùng sục tìm kiếm ba-lô, dây xăng-tuya, súng ngắn 12 ly trong các kho đạn dược ngổn ngang của giặc. Rồi không mấy chốc, hai chàng trai trẻ biến thành “hai anh lính cách mạng chính quy”. Trời cao vòi vọi, trong xanh, đầy gió. Đấtmở thêm rất rộng... Tất cả là của Nam, của Lạp Xường... Lạp Xường theo sau Nam như cái đuôi đen trùi trũi. Không theo Nam thằng bé biết sống bằng cách nào? Không có cha, mẹ đi làm thuê suốt ngày ngâm tay trong nước với mớ chén bát đầy đàng đầy đống ở nhà hàng ăn uống Hưng Thịnh. Thị xã được giải phóng một ngày, mẹ Lạp Xường mất biến cùng với ông bà chủ nhà hàng Hưng Thịnh. Nhưng đặc biệt thằng bé không biết buồn, không biết đánh cắp một vật gì ngoài mấy món đồ chơi. Cả hai rong rổi, phơi phới hơn mười hôm mới tình cờ gặp Chín Trọng đang tiếp quản hậu cứ Trung đoàn 32 quân ngụy. Và cả hai bị cuốn vào những công việc mới lạ,
  5. càng xăng xốm hơn khi Công ty thủy lợi mới hình thành mà người khoác áo lính thuộc Đoàn962 mở đường Hồ Chí Minh trên biển như Chín Trọng làm Phó Giám đốc kiêm Độitrưởng Độixáng. Chín Trọng thu hút Nam và anh em Độixáng một cách kỳ lạ. Chín Trọng đi đi về về như ăn cơm bữa, khi mang theo bé Lạp Xường, lúc kéo gần hết anh em Đội xáng xuống tận nơi những chiếc xáng cẩu của Công ty đang hoạt động, chỉ để lại một mình Thanh Nam trông coi chiếc xáng đang hút bùn dưới bến sông. Nhà ông Sáu Đangtrở lại vắng vẻ gần như lúc Độixáng chưa tới nghỉ trọ. Thêm ông Sáu Đang buồn hiu thường đi vắng nhà. Ông già về quê chỉ một việc thăm mồ mả bà Sáu, và khi về mang theo lỉnh kỉnh mớ dừa ta, dừa xiêm, chuối, ổi chua, mãng cầu... Nếu bán hết mấy thứ từ trong quê mang ra không đủ trả tiền tàu. Ấy thế, dễ gì Út Thêm ngăn ông được. Út đành phải ở nhà một mình. Và chính nhờ người khách thường thức khuya với tàn thuốc cháy đỏ trên gác xép khiến cô chủ yên tâm ngủ thẳng chân thẳng cẳng dưới chân cầu thang. Rồi bỗng có một đêm giữa khuya, Út thức giấc trông thấy một bóng người to sầm, lừng lững dưới chân mùng sát chỗ mình nằm. Thoạt đầu, Út sợ cuống lên nhưng kịp thì trấn tỉnh vì vừa nhận dạng một người khách duy nhất còn sót lại. Út nằm bất động và có điều gì xui khiến buộc cô không kịp lên tiếng phản ứng. Lạ kia, khách đứng yên giờ lâu. Chiếc bóng to sầm chờn vờn ngoài vách mùng. Chính người khách cũng không hiểu sao lần này mình không vượt qua khỏi chân cầu thang như vài lần trước, nấn ná, do dự một chốc vì mùi nước hoa rồi lầm lũi, uể oải bước lên gác xép. Vẫn mùi nước hoa chết tiệt – một thứ hương thơm không hẳn dành cho người dùng mà, chính người dùng muốn gây cho nhiều người chung quanh quan tâm đến mình. Thanh Nam không vượt qua nổi chân cầu thang, ngước nhìn thân thể người thiếu nữ trải ra hết trên chiếu. Phảng phất mùi nước hoa thơm phức, mùi ẩm mốc dưới chân cầu thang, mùi da thịt con gái, tất cả pha trộn kết thành từng mảnh vỡ bay lượn lờ như có cánh. Rồi lẳng lặng sờ soạng, quờ tìm những gì phơi bày đêm đêm dưới chân cầu thang. Không phải một, mà cả hai người rạo rực tìm kiếm, xoắn xít lấy nhau. Họ ôm nhau thật chặt khiến kiềm nén được tiếng thở dồn, tiếng rên khẽ trong bốn bức tường tĩnh mịch. Gian
  6. nhà trống vắng, lạnh lẽo bỗng dưng như có những bếp than chợt cháy. Và tất cả đều đắm chìm trong đêm... Rồi không ngờ rằng sau cái đêm cuống quýt, vụng dại, người Út Thêm thay đổi khang khác: biếng ăn, đi lại không mấy dễ dàng, thường mệt mỏi, uể oải... Và sau đó có một ngày, một mình trên gác xép, Út phờ phạc hằng giờ, Út ôm bụng, lặng đi, cảm giác trong sâu thẳm , xa xăm có vật gì xuất hiện, nẩy nở, chuyển động dính dấp tới mình. Hoàn toàn có liên quan mật thiết đến mình và người khách ở trọ. Rõ ràng là thế, nhưng những thèm khát dục vọng cháy bỏng và những cuộc tình vụng trộm tiếp diễn từ trong nhà ra tới Nhà Máy Lửa. Ở đây, trên nền gạch ẩm mốc, người khách trọ không ngại thốt lên: “Út. Anh yêu em. Hãy tin anh đi. Út!” Út im lặng. Thay vào tiếng cô gái là tiếng gió lùa qua nhà máy cũ ; thỉnh thoảng gió giật rung bần bật mái thiếc từng hồi dài phát ra một thứ âm thanh rì rầm, khe khẽ. Út hoàn toàn yên tâm trao thân gởi phận cho người khách ở trọ từ lúc nầy. Cô cảm thấy vui sướng và hạnh phúc! Vẫn lẳng lặng quét dọn gian gác xép. Lo cơm trưa, cơm chiều cho khách ở trọ. Khách cũ thường đi vắng, khách mới của Công ty càng nhiều thêm. Ngoài những công việc thường nhật, Út thường đứng chực chờ mua nhu yếu phẩm cho khách ở trọ bận rộn san lấp mặt bằng. Và cứ vài đêm một lần, Út ngồi luộm thuộm trong bóng tối tém dẹp những viên sỏi đá chinh chông trên lối đi vào nhà cho Nam say xỉn về khuya không bị vấp ngã. Út ngồi gò lưng trên lối đi, hai bàn tay lạnh cóng nhấc từng viên đá lăn lóc dọc đường, bụng bảo dạ: “Đêm hôm ảnh ngã sấp chỗ này. Người sao mà nặng trình trịch làm người ta dìu vào nhà muốn hụt hơi. May mà ảnh ngã sấp!”. Vẫn lẳng lặng quét dọn căn gác xép. Vẫn chờ chực, lo liệu: Ủi một bộ đồ cho Nam đi dự buổi tổng kết. Sắm sanh thêm cho Nam bộ đồ ngủ. Một chiếc khăn tay đút túi, thêm một chiếc nhét hờ vào cặp. Nửa đêm vắng khách, Út len lén leo lên gác xép chui vào mùng soi muỗi cho Nam...
  7. Tất cả những thay đổi bất thường của cô chủ lẫn người khách nghỉ trọ không hẳn qua mắt được hết những người ở trong nhà. Chính ông Sáu Đangtrở lại nghề mộc ngồi gò lưng đục đẽo suốt ngày vẫn vương vướng một ít nghi ngại về đứa con gái của ông. Nhưng sự cả tin vào lòng tốt của Chín Trọng và anh em Độixáng, kể cả đứa gần gũi, san sẻ với ông nhiều nhất như Thanh Nam khiến ông chỉ gợn buồn và lo lắng. Ngược lại, Chín Trọng bộc trực vịn vào cớ công việc để phăng ra câu chuyện không hay cho Đội xáng, cho Công ty thủy lợi mới hình thành. - Chú Nam rảnh chưa, lên gác tôi bàn công chuyện – Đương nhiên Chín Trọng nghiêm sắc mặt, nói. Hai vành tai Nam ửng đỏ. Dáng cao lêu khêu men theo sau Chín Trọng như một cái đuôi chẳng khác Lạp Xường lẽo đẽo theo anh. Ngồi đối diện với Nam, Chín Trọng lên giọng rin rít: - Chú có biết không, còn biết bao công việc phải làm ở thị xã nầy, chưa nói đến ĐồngChó Ngáp, chưa kể cánh rừng U Minh Hạ... làm cả đời chưa hết. Té ra là chuyện nầy – chuyện thường nhật của thủ trưởng – Nam nghĩ thế nhưng cứ ngẩn cổ chờ đợi chuyện gì xảy ra. Chín Trọng nói: -Thậm chí tới đời con cháu mình – Giọng Chín Trọng lầm bầm – “Vùng đất bất trị!”. Thằng giặc đã liệt kê đất Cà Mau vào loại ấy, nên có xây có dựng được gì? Một dinh Tỉnh trưởng. Vài doanh trại lính. Nhà máy điện không bằng một nửa khu thể thao Kim Thanh. Cây cầu quay mục ruỗng... Giờ ta phải bắt đầu xây lại trên nền ngập nước, chú biết rồi. Namgãi tóc, hai vành tai càng ửng đỏ: - Em biết. Nhưng chuyện kia... Em thề! Chín Trọng trố mắt hỏi vặn lại: - Chuyện kia là chuyện gì, chú Nam?
  8. Nam ngồi há hốc, lúng túng. Té ra vẫn là chuyện thường nhật của thủ trưởng, chưa hề gì – Nam tự trấn tỉnh. Chín Trọng gằn giọng: -Ta không lo xây lo làm thì đổ cho ai? Phải làm thật nhiều vào! Namtỉnh dần. Chín Trọng thôi nói nhưng chưa trở lại bình thường. Nhược điểm của Chín Trọng là chỗ ấy, bộc trực, vờn bóng nhưng rụt rè ít khi dám đi thẳng vào vấn đề. Nhưng dẫu sao cuộc gặp gỡ tay đôi nầy bắt đầu có một hố ngăn cách nhỏ giữa Thanh Nam và Chín Trọng, giữa Nam và nhiều người khác trong đó có ông già Sáu Đang. Nam cảm nhận được điều đó, càng giữ kẽ nhưng vẫn một mực thương quí ông Sáu và anh Chín Trọng. Namlàm quần quật suốt ngày. Không ai bảo ai nhưng tự dưng Nam và hầu hết anh em thợ xáng đều cuốn hút vào công việc trong lúc nhịp sống chung quanh chảy băng băng, cuồn cuộn: Người di dời nhà về nông thôn sinh sống; người trong quê tìm cách ra chợ ; người yên tâm vun vén cho cuộc sống mới ; người hoang mang ngoảnh mặt vượt biên ra nước ngoài ; thị xã giờ tan tầm lũ lượt từng tốp học sinh ; đò ngang, đò dọc, xuồng ghe ken đầy dưới các bến nước ; xuất hiện nhiều xe ủi đất, xe cán đá lam lũ mở đường và nâng cấp nhiều quãng đường nhựa ; công trình thi công xây Cầu Mới, cầu Gành Hào bắt đầu... Trong vô vàn xáo trộn, đan xen trong nhịp sống mới, bé Lạp Xường đột nhiên chia tay vĩnh viễn anh em Độixáng. Lý do bé Lạp Xường giúp ông Hai Ký người quét dọn vệ sinh Phường 4 khơi thông miệng cống không may bị kẹt trong vách dựng toàn cọc gỗ đước gỗ tràm, nước từ miệng cống đổ ra mạnh như cắt làm thằng bé chết ngộp lập tức. Đámtang bé Lạp Xường được tổ chức trên một khu đất rộng bên cạnh Nhà Máy Lửa. Lạp Xường nằm tự nhiên như đang ngủ, đôi mắt khép hờ trước mặt đông đủ tốp thợ xáng, người trong gia đình ông Sáu Đangvà đông đảo bà con ở nhiều phường được tin kéo đến. Người đau đớn nhất chính là người bạn già của bé Lạp Xường – ông Hai Ký – và cô con gái Út của ông Sáu Đang.
  9. Út Thêm đưa hai tay sờ vuốt nhẹ lên mặt Lạp Xường, lúc bấy giờ đôi mắt thằng bé mới chịu khép lại. Một bầu không khí đau buồn, thương tiếc đổ ập xuống khu Nhà Máy Lửa nơi đứa bé từ thủa lọt lòng mẹ lên năm mười bốn tuổi sống dưới đáy xã hội, chưa thừa hưởng được gì đã để lại một nghĩa cử cao đẹp giữa con người với con người! Út Thêm liêu xiêu đưa tiễn “cục than đen” của cô đến nơi an nghỉ cuối cùng trong một tâm trạng giống như hồi mẹ cô mất vì viên đạn mồ côi từ đồn Tắc Thủ. Mười hôm cô xin nghỉ việc nhưng chưa hoàn hồn. Và kế tiếp, Thanh Nam trong cơn sốt nặng từ ĐồngChó Ngáp được chuyển về chợ chữa trị. Namnằm thiêm thiếp trên gác xép, hơi nóng từ người bệnh tỏa ra khiến căn phòng thêm ngột ngạt. Túc trực bên Nam không ai khác hơn cô chủ nhà. Út chầu chực không muốn rời Nam nửa bước trừ khi phải bận giặt giũ, xoay ra miếng thuốc, miếng nước cho Nam uống. Đêm đêm Út ngồi sụp người xuống mép giường kề sát bên Nam. Bụng nằng nặng, chuyển động. Dần dần hiện ra một hạt mầm từ cơ thể cô chủ sắp tách ra cộng với hơi thở nóng hổi, khe khẽ của người bịnh khiến cô chủ khóc rấm rứt một mình. Khi Thanh Nam gượng dậy dần dà hồi phục, Út Thêm mau mắn trở lại công sở và nẩy ra nhiều việc làm kiếm tiền. Phải kiếm sống thôi, Thêm nghĩ, và sau đó cô xoay ra tiền từ việc cắc ca cắc củm mang về nhà từ thanh gỗ cho cha đục đẽo đến việc chăn giữ năm mười đứa trẻ ngỗ nghịch giữa trưa, và gói bánh dừa bán cho tốp tù nhân trước cửa Khám Lớn... Nhờ tốp tù nhân đang cải tạo bụng đói miệng khát, Út vớt ra trăm cái bánh dừa gạo nếp nóng hổi chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ buổi trưa đã tiêu tán hết sạch. Lo cho cha hay buồn, hay mặc cảm vì làm không ra tiền, yêu hết mình người khách nghỉ trọ, đặc biệt với đứa con không biết trai hay gái đã bắt đầu nếm trải vật vã, Út quên chăm chút bản thân mình. Mỗi lần thúng bánh ấm nóng áp sát vào thắt lưng, vào bụng, đứa bé cựa mình nhè nhẹ bên trong, lúc nhoài người liên hồi, Út vui sướng đến rơm rớm nước mắt. Và đêm đêm, Út thường ngồi lặng đi hồi lâu, tay tém dẹp những viên đá lăn lóc trên đường vào nhà, bụng dạ bồn chồn vì vui sướng, lo toan lẫn sợ hãi.
  10. Út Thêm đang sống trong tâm trạng day dứt như thế cho đến một ngày chạm trán với một thiếu phụ lạ hoắc lạ huơ chưa gặp lần nào. Người thiếu phụ đó chính là Mức, vợ Thanh Nam. Mức tỉnh táo, dửng dưng từ lúc gặp Út Thêm ngoài đường cho đến khi hai người đi vào bên trong Nhà Máy Lửa. Thanh Nam âm thầm tạo ra một cuộc gặp gỡ tay đôi nầy vì một phần sợ nể anh Chín Trọng, một phần vì Nam thấy không thể giấu giếm với vợ con được nữa. Và mặt khác, Nam vẫn chưa dứt ra được tình cảm nồng nàn của cô chủ dành riêng cho anh. Mà sao có thể làm như thế được! Namđứng ngoài hiên Nhà Máy Lửa bên cạnh chiếc cân to tướng, gỉ sét. Người Nam luống ca luống cuống, đôi vành tai ửng đỏ hiện nguyên hình một người tập tễnh gác cổng không lấy được một chút điềm tĩnh. Còn bên trong Nhà Máy Lửa, Mức ngồi đối diện với Út Thêm trên nền gạch nham nhở, lạnh lẽo. Gương mặt người thiếu phụ tròn, ngăm ngăm, sắc lạnh. Tóc cắt ngắn và do chiếc áo vải xoa Pháp màu rong đuôi chồn cổ rộng đang kéo nhè nhẹ về phía sau làm hiện ra một mảng da thịt trắng mịn màng sau gáy. Thoạt nhìn, chị mang dáng dấp nửa quê nửa chợ nhưng mềm mại và thanh mảnh. Chị đẹp. Chỉ mấy phút, Mức đã xếp được chỗ cho hai người ngồi bằng cách kê lên mấy viên gạch trên nền gạch bám đầy bụi bặm, ẩm mốc. Và chị bắt đầu câu chuyện. - Cô Út cứ tự nhiên ngồi xuống! – Chị vừa nói vừa hất hàm ra mái hiên – Còn ông Nam nữa, ông cứ đứng tự nhiên... Út Thêm hoàn toàn bất ngờ, run rẩy giống như một thân cây sắp ngã. Út nhìn ra mái hiên liệu Nam có giúp được gì cho cô lúc nầy? Rồi Út lại day mặt về hướng khác vì bị cái nhìn trân trân của người thiếu phụ. Giọng Mức bỗ bã: - Cô cứ tự nhiên. Ta bắt đầu được rồi... Lại một cái hất hàm nhẹ nhàng ra phía hiên nhà, giọng Mức đanh lại:
  11. - Có một chuyện nầy, cô Út: cô Út có biết không, anh Nam không phải là người như cô tưởng. Tôi là vợ anh Nam đây!... Giọng Mức chuyển sang kể lể: - Hồi học chung với anh Nam, từ hậu cứ Năm Căn, anh chèo chống đưa tôi đi sâu vào rạch Ông Định. Muỗi ở xứ nầy phải biết, nói chuyện không dám há miệng lớn sợ muỗi chui vào, vậy mà anh Nam to tiếng thề với tôi trước cái miễu ông Bổn kề bên gốc đước bự tổ. Anh thề: “Ông Bổn bẻ cổ đứa nào thay lòng đổi dạ với Mức của anh!”. Lúc bấy giờ cả hai ánh mắt đổ dồn ra mái hiên: người đàn ông càng luống ca luống cuống, lưng tựa hẳn vào chiếc cân bàn, mặt quay ra đường và mắt hướng đâu đâu. Út Thêm khẽ rùng mình và sau đó, rất lạ, Út tỉnh lại: Nhìn thẳng mặt Mức, môi mấp máy, Út nói: -Tôi hiểu cả rồi, nhưng không như chị tưởng tôi không dò xét đời tư anh Nam. Hoàn cảnh đưa đẩy, tôi khó có thể nói hết với chị. Bây giờ đã muộn. Út Thêm thôi nói, day mặt ra mái hiên, lại tiếp: - Đã muộn... Tại tôi tất cả. Chị đừng dằn vặt anh Nam, tội nghiệp cho ảnh. Anh Nam sống thiếu thốn, sống khổ, chị à. Mức cười mỉm, nhưng chỉ thoáng chốc thôi, gương mặt ngăm ngăm đượm buồn. Đôimắt to đen trông càng buồn, càng xa xăm hơn. Chốc sau Mức nói như để người ngoài hiên nghe: - Cực chẳng đã từ Ông Trang tôi đổ đường lên đây chỉ chút chuyện nầy. Thằng con đang đeo chân ông nội. Lúc nào nó cũng muốn đi cho biết chợ búa với tôi. Nó luôn nhắc thằng bé Lạp Xường nào đó qua thư của ba nó gởi về. Mức ngồi buồn buồn. Đôimắt to đen, thân thiện. Bỗng Mức nhẹ nhàng đứng dậy. Mức đổi khác xa lúc mới bước chân tới khu Nhà Máy Lửa. Giọng Mức hạ thấp xuống:
  12. - Cô Út nhỏ tuổi hơn tôi, cho phép tôi xưng bằng chị với cô Út. Chị nghĩ kỹ rồi, Út có điều kiện chăm sóc anh Nam hơn chị. Nhà ở xa tí mù, còn anh Nam phải làm việc tại thị xã. Cha chồng chị là người trầm tĩnh, độ lượng. Cô Út hãy tin tôi nói thật. Tôi về... Nói xong, Mức cúi xuống cầm chiếc giỏ xách rồi lật đật bước ra khỏi Nhà Máy Lửa. Cả hai người ở lại đều ngơ ngác nhìn nhau. Thanh Nam càng ngơ ngác, bẽn lẽn, đôi chân như bắt rễ xuống đất một lúc lâu mới bước gấp gảy ra tới mặt đường trải đá. Dáng ngượng ngập, bối rối, anh không đi thẳng theo hướng đi của người thiếu phụ xuống bến tàu về Ông Trang, cũng không về nhà nghỉ trọ, anh đứng sững giây lâu trước khi cắm cúi bước xuống chiếc xáng thổi nơi anh Chín Trọng đang ngồi ngong ngóng trong túp lều cơi trên mui chiếc xáng đợi anh... *** 20 năm sau. Vì chỗ thân tình với anh Chín Trọng tôi được dịp tháp tùng theo anh Chín từ Tiểu Cần – Trà Vinh về dự đám tang ông Ba Bến ở thị xã tỉnh lỵ Cà Mau. Mặc dù nghỉ hưu mươi mười năm tại quê Tiểu Cần, Chín Trọng luôn theo dõi người cấp dưới của mình đã giúp anh làm được nhiều việc, và kể cả gia cảnh cha con ông Sáu Đanglẫn ông Ba Bến dời nhà ra chợ ở từ lúc Trương Thanh Nam lên làm Phó Giám đốc Công ty thủy lợi. Ông Sáu Đang, ông Hai Ký qua đời khá lâu vì bịnh hoạn, còn ông Ba Bến vì tuổi già sức yếu không thể tiếp tục làm thân cây su già che chắn cho đám đước sinh sôi trên bãi mặn Ông Trang. Phăng theo câu chuyện kể của ông anh quê Tiểu Cần, tôi lần dò tìm đến khu Nhà Máy Lửa, con hẻm lởm chởm đá năm xưa... Tôi không thể hình dung được bất cứ chỗ nào ở đây trong câu chuyện kể của anh Chín Trọng : Nơi Nhà Máy Lửa được dựng lên một Trụ sở Công ty cấp nước khang trang ; con hẻm ngót nghét hai trăm mét được tráng lên một lớp xi-măng bằng phẳng ; còn bàu cá được nạo vét sâu thêm làm bến bãi cho những phương tiện đi nhanh trên sông rạch chen chật vỏ lãi, ô-bo ; tiếp giáp với bến bãi, phía Đông là khu chợ nhóm của phường; xế khu chợ nhóm phường 5, phía bên kia bờ Tây, là
  13. Sở Lâm nghiệp, Sở Thủy lợi... Trên một mặt bằng rộng lớn do xáng hút bùn từ đáy sông bồi lấp hai mươi năm về trước nổi lên nhiều con đường xẻ dọc xẻ ngang, tất cả đều đổ ra con đường chính hai chiều Phan Ngọc Hiển với hai dãy đèn cao áp đêm đêm sáng choang trông chẳng khác một góc nhỏ quãng trường Ba Đình – Hà Nội. Tôi nghĩ một thị xã cuối đất cùng trời cách đây hơn 20 năm gầy guộc, tẻ ngắt, nay mang dáng dấp sang sang thị thành khiến anh Chín Trọng người khởi công xây dựng tha hồ nhìn ngắm, khiến một nghĩa cử cao đẹp của bé Lạp Xường không nguôi trong lòng mỗi người, và cũng như ông Ba Bến khi sắp trút hơi thở cuối cùng gắng gượng phân bua rằng ông còn nợ nhiều việc đời nhưng thật thanh thản vì đã hưởng được ngày độc lập. Đúnggiờ Ngọ ngày mai động quan, trưa nay tạm một lúc thưa thớt khách cúng viếng nên có dịp hiện ra những khuôn mặt con cháu, dâu rể, thân nhân gia đình ông Ba Bến. Trong số những đứa cháu chít khăn tang nổi lên một thanh niên giống Thanh Nam như đúc: cao dong dỏng, to ngang, vành tai to và gương mặt thường ửng đỏ mỗi lần có người gọi đến tên “Thanh Liêm” của nó, và càng lúng ta lúng túng mỗi lần người đàn bà tháo vát tổ chức mọi việc bếp núc phía sau bước lên cắt đặt công việc cho nó. Dĩ nhiên không phải là mẹ Út Thêm của Thanh Liêm. Út Thêm có đến đây từ lúc ông Ba Bến hấp hối và ở lại với Mức, với Thanh Nam suốt đêm sau khi ông Ba Bến trút hơi thở cuối cùng. Hai mươi năm đằng đẳng làm mờ nhòa gần hết những vết rạn nứt của đời sống, của mỗi hoàn cảnh riêng tư cá biệt nên không mấy ai nhắc lại chuyện cũ vì sau một lần vỡ chuyện tại Nhà Máy Lửa Thanh Nam được Chín Trọng phân công phụ trách một chiếc xáng cẩu hoạt động vùng bãi mặn Năm Căn, còn Út Thêm sau khi sanh nở trong sự cưu mang của Độixáng cắn răng chịu đựng, gan lì vượt qua mọi nghiệt ngã, và điều đó được chứng minh Thanh Liêm học hết năm thứ hai Đại học. Thanh Liêm thành đạt. Trước mặt đông đủ thân nhân gia đình ông Ba Bến trong ngôi nhà ngoại ô, chỉ vắng Út Thêm, tôi và anh Chín Trọng thắp một nén hương tưởng niệm ông Ba Bến lẫn ông Sáu Đang, ông Hai Ký và bé Lạp Xường... Khói nhang lượn lờ và hương nhang lan tỏa thơm ngát.
  14. Buổi trưa thật im vắng nghe rõ mồn một lời khấn vái của anh Chín Trọng, và từ phía sau, gió nổi lên từ một giang đồng mùa khô nham nhở cỏ năn cháy sém lùa thông thốc vào dãy nhà chung cư nơi chúng tôi đang đứng. Tiếng gió lúc rì rào, phe phẩy vỗ lên nóc mái từng hồi dài, lúc rung lên bần bật, lúc lắt lay nao nao buồn giống in tiếng gió đang lùa qua nhà máy cũ.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2