intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giữa Hai Dòng Nước

Chia sẻ: Phi Yến | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:21

64
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Ðây là Truyện Sáng Tác của tôi. Lê Xuyên đọc truyện này, nói với tôi: “Ông sài phí cốt truyện quá. Truyện này phải là một truyện dài.” Năm 1965 – hai năm sau ngày Nhật báo Sài gòn mới, Nhật báo Ngôn Luận bị đóng cửa, chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ – đời sống kinh tế của tôi đi vào chu kỳ đen như mõm chó. Từ năm 1957 đến Tháng Tư năm 1964 – 7 năm – tôi là nhân viên Nhật báo Sàigònmới, tôi viết tiểu thuyết trên Nhật báo Ngôn Luận, Tuần báo...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giữa Hai Dòng Nước

  1. vietmessenger.com Hoàng Hải Thủy Giữa Hai Dòng Nước Lời Mở Đầu Ðây là Truyện Sáng Tác của tôi. Lê Xuyên đọc truyện này, nói với tôi: “Ông sài phí cốt truyện quá. Truyện này phải là một truyện dài.” Năm 1965 – hai năm sau ngày Nhật báo Sàigònmới, Nhật báo Ngôn Luận bị đóng cửa, chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ – đời sống kinh tế của tôi đi vào chu kỳ đen như mõm chó. Từ năm 1957 đến Tháng Tư năm 1964 – 7 năm – tôi là nhân viên Nhật báo Sàigònmới, tôi viết tiểu thuyết trên Nhật báo Ngôn Luận, Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai, Ðiện Ảnh, Kịch Ảnh. Ðây là thời gian phong độ nhất của đời tôi. Mỗi tháng tôi có khoản tiền 20.000 đồng. Cuộc đảo chính năm 1963 xẩy ra. Hai tờ nhật báo chính của tôi – Sàigònmới, Ngôn Luận – bị Nguyễn Khánh- Ðỗ Mậu đóng cửa, vì cái tội bị cáo buộc ngang xương “cấu kết với nhà Ngô.” Sàigònmới, Ngôn Luận bị đóng cửa, tôi bị lao đao nhưng chưa sao, chưa đến nỗi nào. Tôi dạt sang làm trong toà soạn Nhật báo Ngày Nay của anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Ðược chừng năm, sáu tháng, cuối năm 1964 Nhật báo Ngày Nay chết, báo tự đình bản. Một số ông có tiền góp lại chừng Truyện ngắn đăng trên tuần báo VĂN một, hai triệu đồng, giao cho ông Hiếu Chân NGHỆ TIỀN PHONG, Sài Gòn năm Nguyễn Hoạt, ông Vũ Khắc Khoan làm tờ Nhật báo Ngày Nay. Ông Nguyễn Hoạt chủ nhiệm, ông Vũ 1965
  2. Khắc Khoan chủ bút. Hai ông cùng không biết làm nhật báo. Ngày Nay lỗ dài dài, lỗ đến hết vốn. Mấy ông bỏ tiền thấy tờ báo như cái thùng không đáy, không dại mà bỏ tiền ra nữa. Ngày Nay chết queo. Nhật báo Ngày Nay chết, tôi thực sự lao đao. Ðang kiếm được 20.000 đồng mỗi tháng, số tiền tôi kiếm được tụt dần đến chỉ còn khoảng 3.000 đồng. Vợ chồng tôi lâm vào cảnh túng bấn. Nhật báo Ngôn Luận bị đóng cưả, tất cả nhân viên tòa soạn Ngôn Luận bị thất nghiệp. Chủ nhiệm Hồ Anh đóng cửa nằm nhà, bỏ mặc ký giả tòa soạn đói dzài, đói dzẹt. Nhật báo Chính Luận do ông Ðặng Văn Sung làm chủ nhiệm ra đời. Toàn bộ nhân viên toà soạn Ngôn Luận, theo Tổng Thư Ký Toà soạn Từ Chung, sang làm tờ Chính Luận. Chính Luận, thay thế Ngôn Luận. Chính Luận có bề thế hơn, có giá hơn, hay hơn, có nhiều độc giả hơn. Bị mất Ngôn Luận, ông Hồ Anh còn tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Năm 1965, ông ra tờ nhật báo Thời Thế. Cũng nhật báo nhưng dường như Chủ nhiệm Hồ Anh không muốn phô trương, hay ông không có điều kiện làm nhật báo Thời Thế thành tờ báo lớn có thể cạnh tranh với báo Chính Luận, thay thế cho nhật báo Ngôn Luận của ông. Nhật báo Thời Thế ở chung với tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong trong toà soạn-nhà in Ngôn Luận, đường Lê Lai. Toà soạn nhật báo Thời Thế năm 1965 chỉ có hai nhân viên thường trực: Ký giả Lê Xuyên – Chú Tư Cầu – làm thư ký toà soạn, ký giả Trần Quân – bút hiện Sức Voi – phụ tá. Năm 1965 vợ chồng tôi về ở Xóm Chuồng Bò, xóm nhà cạnh bến xe đi Ðà Lạt đầu đường Petrus Ký. Chúng tôi phải chi cho căn nhà nhỏ đó khoảng 1.200 đồng một tháng. Tôi viết truyện “Giữa Hai Dòng Nước” trong căn nhà Xóm Chuồng Bò đó. Cần tiền, tôi viết mau mau cho xong, viết trong một ngày, đem đến Văn Nghệ Tiền Phong, lấy ngay 500 đồng. Khi báo in ra, Lê Xuyên có tờ Văn Nghệ Tiền Phong, anh đọc “Giữa Hai Dòng Nước” và nói: “Ông sài phí cốt truyện quá. Truyện này phải là một truyện dài.” Năm 1953 tôi là Lính Ðệ Nhất Ðại Ðội Võ Trang Tuyên Truyền, Phòng Năm, Bộ Tổng Tham Mưu. Tiểu đội của tôi phải ra đảo Phú Quốc phục vụ 6 tháng. Ðảo Phú Quốc năm 1952- 1953 có Trại Tù Binh do quân đội Pháp để lại, trại tù ở cuối đảo, nơi gọi là Mũi Cây Dưà. Giải đất nhô ra biển nên chỉ có ba mặt, hai mặt là biển, một mặt đi vào đảo. Trại quân giữ trại tù đóng chặn ngay trên phần đất đi vào đảo. Trại Tù Binh gồm 4 trại riêng, giam giữ đến 10.000 người. Toàn đàn ông. Tất cả những người bị tù ở đây đều bị quân Pháp bắt ở những mặt trận miền Bắc, quân Pháp coi họ là tù binh, nhưng trong số có nhiều nông dân bị bắt oan, quân đội Pháp đưa họ từ miền Bắc vào tận Phú Quốc, giam giữ họ cho đến ngày hết chiến tranh. Người Pháp gọi loại tù này là “Fin des Hostilités.” Những chuyện về đảo Phú Quốc tôi kể trong Giữa Hai Dòng Nước là những chuyện tôi nghe được trong thời gian tôi là Lính ở đảo Phú Quốc. Tôi sống trên đảo Phú Quốc năm 1953, năm 1965 tôi viết Giữa Hai Dòng Nước ở Sài Gòn; tôi viết những dòng chữ quí vị đang đọc đây năm 2010 ở Kỳ Hoa Ðất Trích. °°° 1 Kép hát – Tôi muốn nói đến những kép xi-nê văn minh, có học – và những đạo diễn điện ảnh, theo tôi nghĩ, không thể trở thành nhà văn. Những gì xẩy ra trong giới điện ảnh quốc tế cho tôi thấy điều tôi nghĩ là đúng. Sau bẩy mươi năm thế giới có phim ảnh và phim ảnh phát triển, tiến bộ vượt bực, người ta đã thấy có nhiều tài tử và đạo diễn viết sách, nghĩa là muốn trở thành nhà văn, ít nhất cũng muốn được người đời coi là người viết truyện, nhưng tất cả đều đã không thành công. Sự kiện này đúng cả với trường hợp Charles Chaplin, một thiên
  3. tài đúng nghĩa đứng hàng đầu của điện ảnh thế giới. Eric Von Stroheim viết tiểu thuyết, Peter Ustinov viết kịch và tiểu thuyết, nhưng những văn phẩm của họ đều không mang lại cho họ sự hưởng ứng của độc giả như họ từng được khán giả hoan nghênh với những vai trò họ đóng trong phim, những cuốn phim do họ đạo diễn. Riêng có đạo diễn Alfred Hitchcock thành công trong việc xuất bản tiểu thuyết, viết rõ hơn là trong nghề in và bán văn của người khác, dưới hình thức những tuyển tập truyện ngắn quái đản, kinh dị với nhan đề “Do Hitchcock giới thiệu”: Alfred Hitchcock’s Stories they wouldn’t let me do on TV, Stories for late at night, Bar the door, Fear and Trembling, v.v… Những truyện ngắn này nếu được do chính tác giả của chúng xuất bản khi bán ra chưa chắc đã được độc giả chịu bỏ tiền ra mua, nhưng cứ do Hitchcock trình bày, giới thiệu là bán được. Kể cũng lạ. Ngược lại, nhiều văn sĩ, kịch tác gia sau khi đã thành công trên văn đàn, đã nổi tiếng với văn phẩm, khi bước sang địa hạt điện ảnh lại hay thành công. Ðó là trường hợp của những Jean Cocteau, Tennessee Williams, William Inge – xa hơn nữa là Molière, Sacha Guitry và Blaise Cendras. Tôi thích cuộc sống nghệ sĩ vừa viết tiểu thuyết vừa đi khắp nơi trên trái đất để quay phim của Blaise Cendras, văn sĩ Pháp. Trong xã hội Âu Mỹ, người ta đặt rất cao giá trị của loại phim tài liệu. Nhiều cơ sở hoạt động xã hội, văn hóa của những hội tư nhân, nhiều cơ quan nghiên cứu địa dư, lịch sử nhân chủng học xuất vốn cho những người làm phim đem caméra lên Hy Mã Lạp Sơn, vào Tây Tạng, Tân Cương, Tây Bá Lợi Á, Bắc Cực, Trung Tâm Phi Châu, Kilimandjaro, v.v…, lên đỉnh núi cao, vào rừng sâu, tới giữa dòng sông Amazon mênh mang có chỗ rộng tới 35 cây số, đi khắp nơi trên trái đất, để thực hiện những cuốn phim tài liệu. Họ có những cuốn phim riêng về nghề săn hổ báo, sư tử, săn cá voi, cá sấu, về đời sống của những loài thủy tộc sống sâu dưới đáy biển con người không sao có thể nhìn thấy, có thể tưởng tượng ra hình dáng nếu không mạo hiểm xuống tận nơi, những cuốn phim dài về giống dân tí hon Pigmée sống trong rừng thẳm ngàn năm vẫn không đổi thay lối sống, về mọi săn đầu người, ăn thịt người… Và Blaise Cendras, tác giả những cuốn tiểu thuyết L’Or, Moravangine, La Main coupée, L’homme foudroyé... vẫn thường được cấp những số tiền lớn để một mình cùng với một người phụ tá, đem máy quay phim làm những cuộc phiêu lưu dài trên khắp trái đất, có những chuyến đi của ông kéo dài cả năm, để thực hiện những cuốn phim tài liệu. Tôi mê đọc những hồi ký của Blaise Cendras viết về những cuộc phiêu lưu với mục đích ghi lại đời sống lên phim ảnh của ông trong rừng núi Phi Châu. Tôi đọc tác phẩm đầu tiên của Cendras, tác phẩm Cendras đầu tiên tôi đọc, không phải là tác phẩm đầu tay của Cendras, năm tôi chưa đầy hai mươi tuổi. Ðó là thời gian tôi đọc tiểu thuyết Pháp chưa hiểu hết nghĩa nhưng vẫn say sưa và chịu khó đọc. Ðọc và đoán. Ðó cũng là thời gian tôi đọc nghiến ngấu, đọc quên ăn, quên ngủ những tác phẩm tiểu thuyết được đời công nhận là giá trị: Autant en emporte le vent, Guerre et Paix, Anna Karénine, Crimes et chatiments, Resurrection, Notre Dame de Paris, Les Misérables, Les Trois Mousquetaires, La Tempête, La Chute (Ehrenbourg). Thời ấy tôi ở nhà trọ, nằm ngủ chung giường với một người bạn. Bạn tôi là tư chức, anh đi làm nuôi tôi trong lúc tôi mỗi tháng bán được vài cái truyện ngắn mỗi truyện giá 200 đồng chỉ để đủ ăn sáng, hút thuốc lá. Tôi đọc sách khuya và buổi sáng tôi dậy muộn, bạn tôi cần ngủ sớm để sáng mai dậy sớm đi làm. Tôi mua cây đèn bin hộp, loại đèn bin dẹp mà tôi còn nhớ là xài những cục bin Wonder năm, bẩy đồng một cục, treo lên đầu giường. Vừng sáng của đèn bin chỉ soi vào vừa đúng trang sách tôi đọc, để không làm chói mắt bạn tôi cần ngủ. Sau năm 1954 công nghệ Pháp không còn làm những đèn pin vuông Wonder. Mười năm sau những ngày đó tôi vẫn chưa trở thành văn sĩ. Ðã có những ngày buồn nản tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ có thể trở thành văn sĩ, nhưng tôi đã có một lần được sống một cuộc phiêu lưu với máy caméra gần giống như Blaise Cendras. Hai mươi tám tuổi, chưa vợ con, tôi làm Interpretor – thầy Thông – cho một sở tư Hoa Kỳ. Những viên chức Hoa Kỳ trong sở đều là thường dân, có học, đa số họ là người tốt, lịch sự,
  4. dân chủ, lương thiện và có đời tư đàng hoàng, họ không sống xô bồ, hỗn tạp và bất cần như những người Mỹ lính tráng đến nước ta trong những năm mới đây. Nhưng lẽ tất nhiên không phải tất cả những người Mỹ tôi gặp thời ấy đều là người Mỹ tốt. Sau một thời gian làm việc với những người Mỹ tốt, tôi gặp một anh Mỹ xấu – An Ugly American như tên gọi của Nhà Văn Graham Greene – Vì anh Mỹ xấu này mà tôi bỏ việc để rồi từ đó đến nay, không bao giờ tôi còn trở lại làm việc cho người Mỹ nữa. Cô đầm phụ trách về nhân viên của sở – Miss Carter, Personal Officer – trạc 40 tuổi, một cô gái già, cô chưa có chồng nên cô vẫn là Cô. Miss Carter có cảm tình với tôi. Cô muốn tôi tiếp tục làm việc với Sở, cô buồn vì vụ bất hòa giữa tôi và người Mỹ xếp của tôi. Khi tôi bỏ việc, cô giới thiệu tôi với một ông bạn Hoa Kỳ của cô vừa ở Mỹ quốc sang Việt Nam. Ông Mỹ này tới Việt Nam để quay một số phim tài liệu cho các đài Tivi Mỹ. Lúc này dân Mỹ đang rất muốn biết về Việt Nam nên Việt Nam là đề tài số một của báo chí và những đài Tivi Mỹ. Ông ta cần một thanh niên Việt Nam vừa làm phụ tá vừa là thông ngôn kiêm hướng dẫn viên. Ông sẽ đi khắp miền rừng núi Việt Nam và đi dọc bờ biển từ Nha Trang tới đảo Phú Quốc, Côn Sơn. Vào thời này, ba năm sau ngày ký Hiệp Ước Genève, miền Nam vẫn còn thanh bình. Tôi sốt sắng nhận lời giới thiệu của Miss Carter. Tôi đang cần xa Sài Gòn với những phố phường chật hẹp, tôi đã sống quá nhiều tháng trong những bức tường văn phòng và những dẫy nhà che kín chân trời, những đêm ngắn được soi sáng bằng ánh đèn điện, những đêm không thấy ánh trăng hay mặt trăng. Tôi gặp ông Foster – James M. Foster – lần đầu cùng với Miss Carter vào một buổi sáng ở phòng điểm tâm của Hotel Majestic. Miss Carter cho tôi biết ông Foster trước đây là Thiếu Tá trong Hải Quân Mỹ, ông đã có thời sống ở Việt Nam trong Phái Bộ Viện Trợ Quân Sự. Hiện ông làm việc cho U.N.E.S.C.O với cái chức vụ nghe lạ tai và gợi cảm là Cố Vấn Siêu Nhiên và Dã Thú – Wild Life and Animals Advisor – Trước mắt tôi, ông Foster trạc ngoài bốn mươi. Ông có khổ người quắc thước, cao và gầy, nét mặt ông có vẻ khắc khổ, ông nói vừa đủ và rất ít cười. Trong cuộc gặp gỡ giới thiệu ấy cả ba chúng tôi cùng hài lòng. Miss Carter, một cô gái già không chồng dễ đến bốn mươi nhăm tuổi, gầy và răn reo như củ khoai tây héo, có lẽ vì là đàn bà, gái già Mỹ cũng vẫn là đàn bà, nên để lộ sự hài lòng của cô ra nét mặt. Cô hài lòng vì đã tìm được người đúng, người tốt cho ông bạn. Tôi hài lòng vì sắp được làm một chuyến đi chơi thú vị lại có tiền. Riêng Foster vẫn bình thản như thường. Về sau này, với những chuyện dữ dội xẩy ra trong chuyến đi quay phim, tôi mới được biết rõ sức mạnh tinh thần chế ngự tình cảm của James M. Foster. Foster và tôi, sau đó, ngồi nói chuyện riêng với nhau về chuyến đi. Anh dự tính anh và tôi sẽ đi và trở về Sài Gòn nhiều lần. Chuyến đầu chúng tôi sẽ đến các đảo Côn Sơn và Phú Quốc và những hòn đảo nhỏ nằm quanh hai đảo lớn này. Anh muốn quay cuốn phim ngắn đầu tiên về đời sống ngư dân và một số cá biển có nhiều ở miền biển cực Nam Ðông Dương. Anh ngỏ ý muốn quay phim về chim yến và nghề lấy tổ yến, chất thực phẩm thiên nhiên bổ dưỡng nhất nhưng cũng đắt tiền nhất thế giới. Dân Mỹ giầu tiền khoái ăn yến nhưng họ yên chí rằng chỉ có Trung Hoa mới có tổ yến. Sau nữa, chúng tôi sẽ đi lên rừng núi để quay phim về cọp, voi, heo rừng, về những sắc dân thiểu số. Chương trình này kéo dài tới 12 tháng, hứa hẹn với tôi nhiều bình minh hồng trên núi cao, nhiều hoàng hôn vàng trên biển rộng và nhiều đêm xa Sài Gòn chật chội. Tôi nghe anh nói và tôi có lại cái cảm giác hào hứng, say sưa của những ngày tôi còn là Hướng Ðạo Sinh sửa soạn đi cắm trại hè ở Sầm Sơn, Rừng Sặt, Tam Ðảo ngày xưa. Tôi nói cho Foster biết rằng muốn quay phim về chim yến và tổ yến, cách lấy yến sào, chúng
  5. tôi phải ra Nha Trang. Còn Côn Sơn thì khó xin được phép vào vì đó là khu quân sự, ở đó chỉ có tù và gần như hoàn toàn không có thường dân, trái lại, ở Phú Quốc, ngoài đời sống ngư dân và các loại cá biển, anh có thể quay phim nghề làm nước mắm đặc biệt của Việt Nam, và về những thứ gỗ quí trên núi, về những di tích của vua Gia Long, vị vua khai sáng ra triều Nguyễn của Việt Nam. Foster tỏ ra hiểu biết khá nhiều về địa dư và lịch sử Việt Nam, anh biết vua Gia Long từng đánh nhau với quân Tây Sơn và quân Xiêm La ở Phú Quốc và trên đảo này có những hang đá vua Gia Long ngày xưa đã đúc tiền, đã ẩn nấp, anh biết nước mắm là thứ nước chấm không thể thiếu trong bất cứ bữa ăn nào của người Việt. Tôi trình bầy với Foster việc chúng tôi cần một người hướng dẫn nữa. Người này phải là người sinh trưởng ở miền biển miền Nam, thông thạo các đảo, biết lái đò máy, biết chèo đò và bơi lội giỏi, biết cả đánh cá, nếu có thể, biết nói tiếng Miên vì đi ra biển miền Nam, chúng tôi sẽ gặp nhiều người Việt gốc Miên nói không rành tiếng Việt mà tôi thì lại là người sinh trưởng ở Hà Nội, tôi có thể nói tiếng Anh cho người Anh, người Mỹ hiểu dễ dàng hơn là nói tiếng Việt cho chính đồng bào miền Nam ở xa Sài Gòn của tôi hiểu. Foster đồng ý và sau khi thỏa thuận về lương và các khoản chi tiêu khác, tôi đi tìm chú Năm, người mà tôi nghĩ đến trước khi đề nghị với Foster về việc mượn người địa phương hướng dẫn. Tôi sợ chú Năm bận việc và không thể đi được với tôi chuyến này. Chú Năm độ bốn mươi tuổi, nước da ngăm ngăm đen như mầu da của những người Miên lai Việt Nam. Tuy chưa bao giờ hỏi về gia đình chú, tôi chắc chú Năm phải là người có hai dòng máu Việt Miên trong huyết quản. Chú vui tính, chất phác, thẳng thắn và hăng hái làm việc. Quê hương chú ở miền Cà Mau giáp với biển. Từ nhỏ, chú đã đi theo ông già chú trên những chiếc ghe buồm chở hàng đi Tân Gia Ba, Mã Lai, đảo Hải Nam. Khi tôi gặp chú Năm, chú đang làm cai đóng tầu – loại tàu gỗ có động cơ dùng để đánh cá biển do Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ mướn đóng để giúp chánh phủ Việt Nam bán trả góp cho dân chài lưới – một người bạn tôi thầu việc đóng tầu. Anh bằng lòng cho tôi mướn chú Năm với điều kiện là vấn đề tiền nong phải được chú Năm bằng lòng. Thực ra, việc đi với ông Mỹ quay phim không đem lại cho chú Năm nhiều tiền hơn việc đóng tầu, chú còn được hưởng những khoản tiền thưởng khi đóng tầu đúng điều kiện, đúng kỳ hạn, nhưng chú thích đi vì chú cũng thích phiêu lưu, chú cũng chán sống luẩn quẩn ở Sài Gòn, chú có cảm tình với tôi và nhất là chú có dịp được trở về thăm những hải đảo và vùng biển mà chú đã sống trong thời niên thiếu. Cũng như tôi, chú thấy chuyến đi quay phim này là một cuộc đi chơi dài được trả tiền. Chú Năm, tôi và James F. Foster gặp nhau để hoạch định chương trình và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị lên đường. Chú Năm sẽ xuống Rạch Giá và mướn một chiếc thuyền máy để chúng tôi dùng suốt trong thời gian lênh đênh trên biển quanh Phú Quốc. Gặp chú Năm, James cũng đồng ý với tôi rằng chú là một người có vẻ tin được và được việc. Bộ ba chúng tôi hứa hẹn một sự ăn ý và cộng tác hữu hiệu. James Foster ngụ trong khách sạn Majestic. Trong thời gian chuẩn bị, tôi và chú Năm thường lên phòng anh. Gần James ít ngày, tôi đã biết sơ về tính tình của anh. James sống đơn độc, khắc khổ và ít nói như một nhà tu hành trầm lặng. Anh không hút thuốc lá, không uống rượu – trừ những trường hợp bắt buộc – và gần như hoàn toàn không chú ý đến đàn bà. Hình như anh chỉ say mê có việc săn bắt hình ảnh. Trước khi giải ngũ và trở thành chuyên viên quay phim nhà nghề, anh từng đoạt giải thưởng về phim tài liệu tài tử, từng được Walt Disney khen ngợi, khuyến khích. Và anh là một tay bắn súng trường thiện xạ, anh từng đi săn sư tử ở Kenya. Trong một chuyến đi săn sư tử này, anh được gặp văn hào Hemingway và thực hiện được một đoạn phim về nhà văn này.
  6. Miss Carter khi giới thiệu James Foster với tôi không nói gì đến chuyện vợ con anh. Những lần lên phòng của anh ở khách sạn Majestic, tôi không thấy có một bức hình đàn bà hay trẻ con nào ở đó mặc dầu anh mướn dài hạn phòng này. Tôi chỉ thấy anh có nhiều tấm bản đồ Việt Nam, những bản đồ ghi chi tiết chi li mà tôi chưa từng thấy bao giờ. James không nói gì về đời tư của anh và tôi cũng không hỏi. Tôi và chú Năm cùng nghĩ rằng có thể anh góa vợ hoặc vợ anh là một thiếu phụ Mỹ không hào hứng lắm với nghề đi lang thang khắp thế giới quay phim của chồng. Tôi và chú Năm ngạc nhiên nhiều khi, mọi sự chuẩn bị đã xong chỉ còn ba hôm nữa là đến ngày xuất phát, chúng tôi thấy một người đàn bà xuất hiện trong phòng ông chủ Mỹ. Người đàn bà này là bà chủ, là vợ chính thức có hôn thú của James F. Foster chứ không phải là một cô gái chơi bời được Mỹ bao. Ðiều làm chúng tôi ngạc nhiên và bỡ ngỡ hơn nữa là nàng lại là phụ nữ Việt. Nàng tên An, chừng hai mươi sáu, hai mươi bẩy tuổi, người nàng mảnh mai – loại đàn bà mình dây, chân dài, dẻo dai và đa tình, mảnh mai nhưng vẫn “có da, có thịt” – đôi mắt nàng hơi sếch. Buổi sáng ấy tôi vào phòng James và thấy An bận sơ-mi trắng, quần jeans xanh, chân đi dép mỏng, đang quì gối xếp lại những đống dụng cụ phim ảnh để trên sàn. Tôi có cảm giác như James miễn cưỡng và khó chịu khi anh giới thiệu vợ anh với tôi – hai người Việt Nam – bằng tiếng Mỹ. An nhanh nhẹn đứng lên, mỉm cười và đưa tay bắt tay tôi. Trước mặt chồng, nàng thản nhiên nói tiếng Việt với tôi. Qua giọng nói của nàng, tôi biết nàng là người xứ Huế, sông Hương, thôn Vỹ Dạ miềnTrung: - Tôi cùng đi ra biển với các anh chuyến này. Tên tôi là An… Anh cứ gọi tôi là An cũng được đừng Mít-sí, Mít-sớt gì cả… Tôi gượng cười và cố gắng tỏ cho vợ chồng họ biết rằng việc James đưa vợ đi theo là việc riêng của anh, không liên can gì đến tôi. Nhưng có một cái gì đó mơ hồ làm cho tôi cảm thấy khó chịu, sờ sợ vì sự có mặt trong chuyến đi của người đàn bà này. Tôi hiểu vì sao James có thái độ miễn cưỡng khi vợ anh nói tiếp: - Nhà tôi không muốn cho tôi đi, nhưng tôi muốn đi. Tôi không chịu ở lại thành phố một mình. Có tôi đi, tôi sẽ giúp được các anh nhiều việc. Tôi quay phim cũng được lắm. James còn khó chịu hơn tôi nhiều, tôi nghĩ thế và tôi bỗng có cảm tình với James nhiều hơn. Tôi cũng nghĩ ý muốn đi theo của người đàn bà này chỉ là một ý muốn đàn bà, rồi nàng sẽ chóng chán và rồi nàng sẽ bỏ về thành phố sớm hơn là chúng tôi tưởng. Ngay trong phút gặp An đầu tiên ấy, tôi đã cảm thấy có một tình trạng là lạ trong thái độ đối xử với nhau của vợ chồng Foster. Khi đó tôi nghĩ rằng tình trạng đó có thể lạ với tôi nhưng không lạ với vợ chồng họ, vì vợ chồng người Mỹ đối xử với nhau như thế, vợ chồng Mỹ, dù là chồng Mỹ vợ Việt, không đối xử như vợ chồng Việt Nam. Tôi nghĩ vì tôi quen thấy lối sống của những cặp vợ chồng Việt Nam nên nay thấy vợ chồng Mỹ, tôi cho là lạ. Tuy vậy, tôi cũng thấy không lầm ngay từ phút đầu rằng An có vẻ không thích thú lắm với cái tên Mrs. Foster. Nói rằng nàng không kiêu hãnh với cái tên đó có lẽ đúng hơn. Về sau, chỉ ít ngày sau đó thôi, tôi thấy ngay vợ chồng họ sống không có hạnh phúc. Tôi đoán biết James yêu vợ nhiều hơn là An yêu chồng. Nhưng anh yêu theo lối yêu, cách yêu riêng của anh và An, vợ anh, lại không thích, không cảm động gì với cách yêu ấy. Nhìn cặp vợ chồng chồng Mỹ, vợ Việt ấy, người kém nhận xét nhất cũng nhận thấy ngay là họ không hợp nhau. Họ đúng là cặp vợ chồng “thất bại” của hai giống người đúng như câu nhận xét về những cặp vợ chồng hai giống của một nhà văn Pháp – “les ratés des deux races” – họ cũng sẽ đẻ ra những đứa con lai không giống ai, những đứa nửa tẹt, nửa lõ, tóc đen, mắt
  7. xanh như cả ngàn cặp vợ chồng Pháp Việt đề huề trước đây nửa thế kỷ. Vợ chồng Foster không hợp tính lại không hợp cả tuổi. James Foster hơn vợ tới hai mươi tuổi. Người đàn bà ở vào số tuổi từ hai mươi nhăm cho đến ba mươi tuổi là tuổi phơi phới xuân tình nhất. Trong số tuổi này, người đàn bà đã chín chắn, đã không còn là con gái nữa nhưng chưa hẳn già, chưa già nhưng đã nhận biết là mình sắp già. Trong số tuổi này người đàn bà đang yêu nhiều và cần được yêu nhiều. Với người vợ chưa đầy ba mươi tuổi, ông chồng năm mươi đã bị kể là già. Dù là đàn ông Mỹ ham hoạt động không giống như đàn ông Á Ðông thích nhàn, chưa già đã cả ngày ngồi đánh cờ, uống trà, James Foster cũng không có thể nhẩy Tuýt suốt đêm với vợ, không thể bận y phục playboy cho hợp với kiểu trang phục nouvelle vague của vợ. Ði với ông chồng già vào dạ hội, vào những chỗ đông người, người vợ trẻ sẽ thấy ngượng, hoặc ít nhất nàng cũng không thấy hào hứng vì vẻ già lão của chồng. Nàng biết rằng những người khác nhìn nàng bằng những con mắt ái ngại, thương hại. 2 Ngay từ phút đầu, tôi đã không gọi An bằng bà, có lẽ vì tôi thấy nàng nhí nhảnh, hồn nhiên và hãy còn như ngây thơ, nàng không giống chút nào với hình ảnh những người đàn bà lấy chồng ngoại quốc mà tôi đã có thời xửa, thời xưa khi tôi đọc phóng sự Kỹ Nghệ Lấy Tây của Vũ Trọng Phụng. Và nhất là vì nàng hãy còn trẻ. - Ði làm việc này sẽ vất vả lắm, An không sợ ư? Tôi gọi nàng là An và cô và nàng không để lộ vẻ gì bất mãn hay thích thú vì hai tiếng cô ấy: - Tôi muốn đi coi phong cảnh nước mình. Tôi chưa được biết gì về nước mình ngoài Huế và Sài Gòn. Thời nhỏ tôi sống ở Huế, lớn lên tôi vào Sài Gòn rồi ra ngoại quốc. Người Việt Nam như tôi thật là bậy… Nàng cười, nụ cười hồn nhiên và không có lý do, hàm răng nàng trắng bóng, sạch và đẹp, lộ ra giữa hai đường môi hồng hơi mỏng: - Anh biết không… tôi là người Việt Nam mới chỉ biết có hai thành phố Việt Nam trong khi tôi đã đi gần hết nước Mỹ. Hoa Kỳ rộng lớn lắm, nói là đi hết thì bậy nhưng tôi đã qua chừng ba mươi tiểu bang của họ, ngay cả người Mỹ cũng ít người đi hết được nước Mỹ. Tôi sống nhiều nhất ở California, Texas. Tôi có sang Mexico. Về Âu Châu, tôi được đến Paris, Roma, Brussels, Vienna… Ở Á Châu, tôi đã đến Manila, Hongkong, Tokyo… Ở Việt Nam, ngoài Huế và Sài Gòn, tôi chỉ mới được đi chơi ít ngày ở Ðà Lạt và Vũng Tàu. Tôi tức nhất là không có dịp được ra Hà Nội. Bây giờ có dịp được đi trong nước là tôi đi. Người Việt mình phải sống trong nước ai cũng ao ước đi ngoại quốc, tôi thì nếu phải chọn giữa đi ngoại quốc và đi trong nước, tôi bỏ đi ngoại quốc ngay… Ði các nơi thấy nước người ta tiến bộ quá mà nước mình thì nghèo, chỉ thêm buồn. An nói cho tôi biết chồng nàng phản đối việc nàng theo đi quay phim. Nhưng sự phản đối ấy dù có quyết liệt đến chừng nào đi chăng nữa, vẫn không phải là một hành động cấm đoán. Chồng nàng không cấm được nàng và anh cũng không có ý muốn cấm nàng, muốn ra lệnh cho nàng. Người Mỹ rất trọng phụ nữ. Người phụ nữ trong xã hội Mỹ có nhiều quyền mặc dầu họ vẫn sống bám vào chồng. Người vợ Mỹ có quyền làm theo ý mình, sống theo ý mình dù chồng họ có không bằng lòng. Nghe An nói, tôi nghĩ nếu chồng nàng là người Việt Nam, có lẽ nàng đã lãnh vài cái bạt tai, đôi khi thêm… vài cái đạp. Tôi đoán nàng là người đàn bà bướng bỉnh và thích làm theo ý mình. - Tại sao ông ấy lại không muốn cho cô đi theo? – Tôi hỏi – Có cô đi làm thông ngôn, ông ấy đỡ phải mượn tôi. Có hơn không?
  8. - James không tin tôi… James không tin là tôi có đủ tiếng Mỹ để thông ngôn… Có thể James còn không tin rằng tôi có đủ tiếng Việt nữa… James khó tính lắm… - Tôi lại thấy ông ấy dễ tính… Nàng gật đầu: - Anh nhận xét đúng đó. James thuộc loại đàn ông dễ tính với đàn ông nhưng rất khó khăn với đàn bà, nhất là khó với vợ. Và nàng nhìn tôi như để đánh giá tôi: - Anh có vẻ mến James. Tôi chắc trong công việc, anh và James sẽ hợp nhau. Người Mỹ họ thích những người trẻ và hoạt động. Họ không thích ngồi rỗi. Với họ, nhàn rỗi như là chết vậy. Anh đừng nghĩ là họ hăng hái làm việc chỉ vì mục đích kiếm tiền. Họ thích làm việc. Như James chẳng hạn, nếu bây giờ James phải chọn giữa hai việc, một việc làm việc nhiều nhưng ít tiền và một việc được lãnh nhiều tiền nhưng chỉ ngồi chơi, tôi tin James sẽ chọn việc phải làm nhiều. Tôi đã từng thấy nhiều người Mỹ như James. Anh không nghĩ rằng tôi đề cao họ chớ? Tôi chưa biết An đã sống chung với người Mỹ trong xã hội của họ trong bao nhiêu lâu, tôi chỉ thấy nàng có lối hỏi thẳng ngay vào việc của người Mỹ, những câu hỏi không bóng gió xa xôi, bằng lòng hay không, “Yes or No?”. Lối hỏi này hay vì thẳng thắn, được việc nhưng dở vì nhiều khi trắng trợn. Không để cho tôi bày tỏ ý nghĩ của tôi về cá tính của những người Hoa Kỳ, An nói sang chuyện khác: - Trước năm 1954, trước ngày ký Geneve chia đôi đất nước mình, anh ở đâu? Tôi sống ở Huê Kỳ bẩy năm rồi. Ðây là lần thứ hai trong vòng bẩy năm tôi về nước. Lần trước mẹ tôi mất, tôi chỉ về nước được có bẩy ngày. Anh thấy tôi nói tiếng Việt có ngượng lắm không? Tức cười quá, lúc mới về tới phi trường, tôi nói với mấy ông phu khuân vác. Tôi cố tình nói tiếng Việt và yên trí mình đang nói tiếng Việt nhưng mở miệng ra là cứ nói tiếng Mỹ. Chắc các ông ấy chửi tôi làm tàng quên tiếng mẹ đẻ… Bẩy năm, An lấy chồng xong là theo chồng về Mỹ, nhưng họ vẫn chưa có với nhau đứa con nào. Có lẽ họ không muốn có con. Tôi được An cho biết James đã có một đời vợ và hai đứa con một trai, một gái đang đi học ở Hoa Kỳ. James và người vợ Mỹ trước ly dị nhau. James sang Việt Nam gặp nàng, yêu nàng, cưới nàng làm vợ và đưa nàng trở về Hoa Kỳ, để rồi bây giờ vợ chồng họ lại trở về Việt Nam. Rất có thể James chỉ sốt sắng nhận việc quay phim ở Việt Nam để có dịp đưa vợ anh trở về quê hương nàng, cho nàng đỡ nhớ quê hương. Năm ngày sau, chúng tôi – James Foster, ông trưởng đoàn, An, tôi và chú Năm lên đường ra Vũng Tầu. Chúng tôi ở lại đây vài ngày để làm quen với chiếc du thuyền James mướn trong chuyến đi biển này trước khi khởi hành đi Côn Sơn và Phú Quốc. Tuy tôi đã nói rõ với James về tình trạng Côn Ðảo, anh cũng vẫn muốn đến thăm cho biết, dù là không được quay phim ở đó. Du thuyền James mướn thuộc loại thuyền gỗ vừa có buồm vừa gắn máy. Du thuyền này đẹp ngang với du thuyền Hương Giang của Cựu hoàng Bảo Ðại, du thuyền Hương Giang không biết bây giờ phiêu lạc đi đâu, về tay ai. Du thuyền James mướn nguyên là của Công Ty Ðồn Ðiền Cao Su Terre Rouge chuyên dùng để chở những ông chủ Tây đồn điền đi chơi
  9. trên biển. Thuyền tên là Neptuna, có hai ca-bin. Ca-bin chính có máy điều hòa không khí, có phòng tắm riêng, trang hoàng lịch sự, dành cho vợ chồng James. Tôi và chú Năm ở trong ca-bin nhỏ. Chú Năm biết lái du thuyền này, James cũng biết điều khiển du thuyền, tôi phụ lực với họ. Tới Cấp, chúng tôi xuống ở ngay dưới thuyền. An thích tắm biển. Nàng bận bộ bikini mousse mầu xanh rêu viền trắng, trông thân thể nàng đẹp và gọn như một Lolita đôi mươi. Trong những ngày ở Cấp, khi chú Năm và James xem xét máy móc du thuyền, cho du thuyền chạy thử, chuẩn bị mọi thứ, An và tôi suốt ngày nằm trên bãi. An thoa một chất dầu nắng lên người và làn da nàng hồng lên như mầu bồ quân, có chỗ trông như hổ phách. James bơi thật giỏi. Anh có thể bơi không dai sức bằng chú Năm nhưng anh bơi nhanh hơn, mạnh hơn. Anh tắm biển ít và anh thích câu cá. Ngoài những dụng cụ quay phim, anh mang theo súng trường, súng bắn cá dưới nước, đồ lặn và nhiều cần câu cá. Lúc rảnh, James mướn một chiếc thuyền nhỏ ngồi một mình ở những đầu ghềnh đá vắng câu cá. Trong cái cộng đồng gồm bốn người này, James như một đơn vị biệt lập tuy vẫn gần nhưng vẫn riêng hẳn với ba đơn vị kia. Trong một lúc vắng An, chú Năm rủ rỉ nói với tôi: - Sao tôi ngại chuyến đi này quá. Ði biển mà có đàn bà, khó tránh được chuyện lộn xộn. Tôi coi bà này làm sao ấy… Khó nói quá. Sao ông ấy già rồi mà lại lấy vợ quá trẻ? Vợ thiệt chứ đâu phải gán ghép chơi bời, phải không cậu? Thường thì anh gọi tôi là thầy, những lúc thân mật anh gọi tôi là cậu. Cậu đây là cậu em theo lối gọi thân mật mà anh thấy ở những người bạn sinh trưởng ở miền Bắc, không phải cậu là em mẹ mình, cậu ngang với dượng như danh từ cậu được dùng ở miền Nam. Khi nghe anh nói thế, tôi cười anh vì nghĩ anh ngây ngô, sợ hão nhưng tôi không ngờ ở những người bản tính chất phác, thành thật và đơn sơ như anh, linh tính cảm nhận được có tình yêu đâu đây, tình yêu sắp đến cũng thật mạnh. Chú Năm đã nhìn thấy tôi và người thiếu phụ ấy sẽ yêu nhau trước cả khi tôi nghĩ rằng tôi có thể yêu nàng. Tuy cười nhưng tôi cũng cảm thấy hai má nong nóng. Kể từ ngày có An xuất hiện, tôi đã gần nàng quá nhiều. Tôi tự bào chữa với ý nghĩ chuyện chúng tôi gần nhau là chuyện tự nhiên, không có ẩn ý, và tôi đoan quyết: - Chú sợ… bà ấy và tôi lộn xộn chứ gì? Chú yên trí đi. Làm gì có chuyện đó. Tôi không bậy bạ đâu. Bà ấy quen sống theo lối Âu Mỹ nên tự do, cởi mở như vậy đó thôi. Chú Năm giơ bàn tay gân guốc lên xoa mái tóc quăn và chú nhìn An, trong bộ bikini, làn da nâu hồng, đi từ triền nước lên chỗ chúng tôi ngồi, hàm răng nàng cười sáng trong ánh nắng. - Tôi không dám khuyên cậu… nhưng tôi cũng phải dặn cậu coi chừng. Ðể có chuyện bê bối xẩy ra trong chuyến đi này thì thật là… nhục quốc thể. Tôi phải cố gắng để khỏi phì cười vì danh từ “nhục quốc thể” quan trọng chú dùng. Chú hạ giọng nói vội: - Không có bà ấy đi chuyến này, tôi yên tâm hơn. Trông bà ấy tắm với cậu, ngồi nằm cạnh cậu, tôi ngán quá. Coi bả hấp dẫn chịu không nổi. Thiệt mà… Cậu đừng có cười. Cậu chết lúc nào không biết đó. Ổng bắn súng hay vàng trời… Tôi được coi ổng bắn súng ngoài biển đêm qua. Ổng bắn mấy lon la-ve liệng xuống biển. Trúng bóc bóc. Mười phát không trật một. Ðừng quên ổng có súng nghe cậu. Chồng Mỹ cũng ghen như người Việt mình vậy. Có khi
  10. họ còn ghen hơn là khác… Mình ghen mình không dám làm dữ chứ họ ghen là họ nổ liền… Sống xa quê hương lâu ngày, An thèm ăn mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm Huế, khô mực, đậu phụng, bánh hỏi thịt nướng, bánh xèo, nước mắm. James cho những thứ đó đều không có vệ sinh nhưng vì lịch sự, anh không ngăn cấm vợ anh ăn những thức ăn mọi rợ đó trước mặt chúng tôi. An biết thế và nàng càng ăn dữ, như ăn để trả thù những ngày nàng phải nhịn thèm, nhịn nhạt ở Huê Kỳ. Nàng kể chuyện ở bên đó người ta không ăn thịt mỡ luộc như ở Việt Nam, người ta ăn toàn thịt nạc và không có nơi nào bán thịt mỡ để nàng có thể mua về nhà luộc ăn cho đỡ thèm. Muốn ăn thịt mỡ, nàng phải năn nỉ người giao thịt đến nhà xin dùm cho một miếng ở lò thịt. Tất cả những món, kể cả những món ăn Tầu do chính người Tầu nấu ở Mỹ đều có bơ hoặc có mùi bơ, cơm Việt Nam nấu ở bển vì không đủ gia vị cũng biến thành món ăn lai Mỹ. James cũng ăn cơm nhưng anh chỉ ăn cơm nếp với giò chấm muối hoặc thịt nguội, thịt hộp. Anh nhìn vợ anh ăn mắm nêm với đôi mắt ái ngại của người khỏe mạnh nhìn một kẻ sắp chết vì dịch tả ăn những miếng cuối cùng. °°° Thuyền rời mũi Ô Cấp vào lúc năm giờ chiều. Nước lớn, biển lặng, du thuyền lướt đi êm như trên sông lớn. Ðêm xuống, trăng lên. Ðêm nay trăng thật sáng. Cảnh vật này hứa hẹn với chúng tôi một chuyến đi êm đẹp, gặt hái nhiều kết quả. Tôi như người mê mẩn nhìn ngắm mặt trăng. Ở trong thành phố, tôi vẫn thèm được thấy mặt trăng, được ngồi trong ánh trăng chan hòa, vằng vặc, được sống những đêm chỉ có ánh trăng soi chứ không còn ánh sáng của bất cứ thứ gì khác. Ở thành phố, ánh đèn làm người ta quên mất ánh trăng, những căn nhà chật hẹp, chen lấn nhau cũng không cho phép người ta nhìn thấy được mặt trăng. Giờ đây, khi vừa đi xa thành phố, tôi đã gặp mặt trăng thật đẹp. Chín giờ tối, những dẫy đèn ở Cấp đã chìm mất nơi chân trời, trăng sáng tỏ như ban ngày. Chú Năm và tôi ngồi trong phòng lái. Chú Năm lái thuyền và tôi ra đó ngồi ngắm trăng, nói chuyện với chú. An lên đó ngồi với chúng tôi. Ðêm nay, chú Năm sẽ lái thuyền đến hai giờ sáng, James sẽ thế chú lái đến tám giờ sáng hôm sau. Chúng tôi chỉ đi đêm có một đêm nay mà thôi. Sau ngày mai, thuyền sẽ chỉ đi toàn ban ngày. Ðêm nay, An bận áo sơ-mi nylon mầu đỏ, hai vạt áo buộc lại trước bụng, quần jeans xanh, chân đi dép cói, một dây nhung đỏ buộc cho tóc khỏi bay. Nàng ngồi hơi xa chúng tôi, lưng dựa vào thành ca-bin, nghe chú Năm kể chuyện. Chú Năm đã đi nhiều và sống nhiều. Chú đi nhiều trên rừng núi cũng như trên biển. Từ năm mười lăm tuổi, chú đã theo thuyền buôn của ông thân chú tải hàng đi Tân Gia Ba, Hương Cảng, Hải Nam. Phần nhiều những chuyến đi đó đều có hàng lậu. Chú đã đặt chân lên gần hết những hải đảo quanh nước ta. Và chú kể chuyện rất có duyên, tuy chất phác, không khoa trương, không thổi phồng sự thật hoặc làm cho sự thật thành mơ mộng để tự đề cao, những chuyện chú kể hấp dẫn người nghe một cách lạ lùng. Hấp dẫn có lẽ chính cái cảm giác mình được nghe một chuyện thực, mình không bị lừa dối. Chú có những nhận xét tế nhị chỉ những người thành thật lắm mới có, và ký ức của chú cũng thật mạnh, chuyện xảy ra từ những năm xa xưa nhưng chú vẫn kể lại được với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, chú có cái biệt tài trời cho của những người kể chuyện có duyên là làm dĩ vãng sống lại, đặt chuyện đã xảy ra trở vào hiện tại. Những cảnh chú Năm diễn tả bằng giọng nói còn nhiều lơ lớ như vẽ ra bằng những nét vàng son rực rỡ trước mắt tôi. Chắc An cũng mê nghe chuyện chú Năm kể như tôi vì tôi thấy nàng ngồi yên nghe cả giờ đồng hồ trong lúc thuyền lướt trên sóng bạc ra khơi, đi thẳng vào vùng ánh sáng bàng bạc thần tiên của đêm trăng trên biển. Làn môi nàng hé mở để lộ đường răng trắng và đôi mắt nàng sáng long lanh trong ánh trăng.
  11. Chưa sống gần nhau được bao lâu, chúng tôi dường như đều đã có cái cảm giác như đã quen biết, đã thân thiết và đã hiểu biết nhau từ lâu lắm. Cuộc sống thu hẹp lại trên chiếc du thuyền này đã gây cho chúng tôi cái cảm giác gần gụi ấy và mỗi giờ, mỗi phút đến và qua tô đậm thêm. Thế giới thâu hẹp lại trên phạm vi một chiếc thuyền và loài người cùng không biết bao nhiêu chủng tộc đã thâu lại còn có bốn người và hai mầu da, hai giống người. Phần cô đơn nghiêng nặng về phía người Mỹ James M. Foster, nhưng anh có vẻ không coi chuyện đó là quan trọng. Tôi không thấy có phút nào James tỏ ra thèm nói chuyện hoặc muốn hòa mình với chúng tôi. Chú Năm kể chuyện về những hải đảo ở ngoài biển cực Nam Việt Nam, nhiều nhất là chuyện về đảo Phú Quốc, hòn đảo nếu xét theo vị trí biển, nằm gần đất Cao Miên hơn là đất Việt Nam, từ Phú Quốc thả thuyền theo gió đi vào tới bờ đất Cao Miên chỉ mất có sáu tiếng đồng hồ trong lúc muốn về Rạch Giá, nơi gần với Phú Quốc nhất, phải mất ít nhất là mười hai tiếng. Mới đây, người cầm đầu chính phủ Cao Miên là Thái Tử Sihanouk thực hiện chính sách bất thân thiện với chính phủ Việt Nam miền Nam, có nói xa gần đến việc định đòi lại đảo Phú Quốc. Ðảo Phú Quốc với lãnh thổ Việt Nam có thể được ví với đảo Ðài Loan của lục địa Trung Hoa. Ðảo có nhiều di tích của vua Gia Long đời nhà Nguyễn khi ông chỉ mới là Nguyễn Ánh và đang bôn ba mưu đồ vương vị. Ðảo Phú Quốc trong một thời được coi là căn cứ điểm của vua Gia Long. Ðảo dài khoảng bẩy mươi cây số và chiều ngang, ở chỗ lớn rộng nhất, khoảng năm mươi cây số, đảo có nhiều gỗ quí, nhiều dừa, nhiều cọp, nhiều voi, nhiều cá biển. Ðặc biệt ở đây có loài chó mà những người sành về giống chó nói là khôn nhất, quí nhất Việt Nam, chó nhỏ thôi nhưng người ta nói cả đến hổ báo cũng phải sợ. Phú Quốc có Dương Ðông là thị trấn, nơi sản xuất nước mắm ngon nổi tiếng. Ở đầu kia của đảo, đối lại với Dương Ðông là khu gọi là Cây Dừa, hoặc An Thới, nơi trước kia có một nhà máy làm sà-bông bằng dầu dừa của người Pháp, nơi trước năm 1954 có một trại giam 12,000 tù binh Cộng Sản. Vào khoảng năm 1948, một số đơn vị Quốc Quân Trung Hoa bỏ lục địa trước làn sóng tấn công của Trung Cộng đã dùng thuyền đi xuống miền Nam và được phép ghé vào Phú Quốc ở tạm trước khi rút hết về Ðài Loan. Chú Năm không rõ thời đó số binh sĩ Trung Hoa lên đảo là bao nhiêu, chú chỉ biết họ được sống tạm ở khu An Thới và ở đó họ kiến tạo lên một khu nhà tới ngàn chiếc, toàn là nhà gỗ mái tranh, hiện nay vẫn còn nhưng không có ai ở. Cả ngàn chiếc nhà làm lên ở sườn núi. Họ dựng lên một rạp hát lớn mà không cần đến một cái đinh sắt. Tư dinh của những ông tướng cũng có hồ sen, nhà mát ở giữa hồ. Trên đỉnh núi có một bãi đất rộng cả trăm mẫu, phẳng lì như bãi đá banh, không cây cối mà chỉ có cỏ xanh, gọi là bãi Voi. Hàng năm, đến mùa voi làm ái tình, cả ngàn con voi sống trên đảo vẫn kéo nhau về bãi này để gặp nhau. Trước khi làm hành động sinh lý, voi đực, voi cái như lên cơn điên, quật phá cây cối đến vài ba ngày. Trên núi có nhiều hang động khá lớn trước đây được vua Gia Long chọn làm nơi cư ngụ. Tục truyền trong cái hang lớn nhất được vua ở nhiều tháng có hai cái vú đá – một cặp thạch nhũ – rỏ nước ngọt và vua sống được nhờ nước ngọt rỏ ra từ hai cặp vú đá này trong hang, nhưng có một lần vua táy máy sờ vào một vú đá tức thì vú đá đó ngừng rỏ nước. Chú Năm kể cho chúng tôi nghe một giai thoại đáng chú ý nữa là câu nói để đời của vua Gia Long nhà Nguyễn, câu: “Sơn bất cao, thủy bất thâm, nam đa trá, nữ đa dâm” mà người Việt ta vẫn cho là vua nói tới một số người ở một địa phương miền Trung, chính là lời vua nói đến một số người ngày xưa sống ở Phú Quốc và đảo này. Chú Năm nói là lý do làm nhà Vua thốt ra lời sỉ vả nặng ký đó là vì trong một chuyến Vua về đất liền và bị quân Tây Sơn đuổi chạy có gió, dân Phú Quốc thời đó thấy Vua thất trận, lưu vong sang xứ Tiêm La mất nên nghĩ rằng Vua đã thua luôn, Vua sẽ không còn bao giờ trở lại nữa, và họ bảo nhau bỏ đói một bà vợ Vua cùng với một hoàng tử ở trong hang trên núi. Bà vợ Vua và hoàng tử này chết đói. Khi trở lại, Vua cay cú thốt ra lời nói đó. 3
  12. Phú Quốc, theo lời chú Năm, cũng là nơi ngày xưa từng xẩy ra những trận hải chiến giữa thuyền của vua Quang Trung Tây Sơn với hải thuyền Tiêm La. Hai trăm năm trước đây, xuất phát từ Qui Nhơn hay Nha Trang, đoàn hải thuyền của vua Quang Trung đã đi tới tận Phú Quốc và đánh thắng hải thuyền Tiêm La ở đó. Sự kiện này chứng tỏ quân đội Tây Sơn thời xưa cả hải lục đều mạnh và có tổ chức nhưng không hiểu vì sao quân đội mạnh mẽ ấy lại chóng suy tàn đến thế, vua Quang Trung vừa mất chưa được bao năm quân đội ấy đã thảm bại tan tành để cho nhà Tây Sơn bị diệt thê thảm gây cho người hậu thế bao nhiêu luyến tiếc. Sau chuyện vua Gia Long, chú Năm kể đến chuyện một nhân vật khác mới hơn từng sống trên đảo Phú Quốc: chuyện ông Sư Muôn. Ðồng bào miền Nam, nhất là những người bây giờ đã có tuổi sống ở vùng Sài Gòn-Gia Ðịnh trong khoảng những năm 1935-1940, đa số đều biết chuyện Sư Muôn. Ông này là một nhà tu hành thuộc loại sư cải lương, mở chùa Long Vân Tự ở miệt Gia Ðịnh. Chùa có sư nam, sư nữ tu chung và ngoài những giờ tụng đọc kinh kệ, học Phật pháp còn có cả giờ tập sì-po, sư nam đánh bóng chuyền, bóng rổ, sư nữ đánh ping-pong, v.v… Tôi có được nghe một đĩa hát cải lương riễu theo chuyện Sư Muôn do một hãng đĩa hát ở Sài Gòn thâu. Ông sư văn minh này tu ở Chùa Long Vân được ít lâu thì bị dân chúng tố cáo có nhiều hành vi bê bối, trong số những hành vi này nặng nhất là chuyện sư nữ có thai và phá thai do chính Sư Muôn thực hiện. Người Pháp thời đó có lẽ muốn tránh dính vào việc mà họ cho là tôn giáo bản xứ, và cũng có lẽ đồng bào chỉ tẩy chay Sư Muôn mà thôi, không ai đứng ra tố cáo ông ta trước pháp luật, nên Sư Muôn chỉ phải bỏ Chùa Long Vân ở Gia Ðịnh để ra đi. Ông dẫn tám ni cô, những ni cô truhg thành với ông nhất, những nữ tu sống chết với Thày, chú Năm nói đúng là tám chứ không nói mơ hồ là năm bẩy hoặc chừng một chục, từ Sài Gòn xuống Rạch Giá, mướn thuyền ra đảo Phú Quốc. Tới đây ông lập chùa trên một hòn đảo nhỏ và ông tu hành cùng với tám ni cô trên đó. Ông canh tác lấy, ông nuôi gà vịt bán cho dân, dân chúng thời đó vắng vẻ, chẳng ai tò mò làm rối cuộc tu hành thần tiên của ông cho đến năm 1946 khi chiến tranh Việt Pháp nổ ra, hải quân Pháp chiếm Phú Quốc. Sư Muôn thường đem gà vịt do chùa ông nuôi được về Dương Ðông bán để mua gạo muối, vải vóc. Chẳng biết ông có thực sự liên lạc với quân Pháp hay là không, chỉ biết sau đó ông bị Việt Minh nghi là Việt gian, làm do thám cho Tây, họ bắt ông đưa lên một hòn đảo khác xử tử. Chú Năm kể rõ ông bị trói vào cột đá và chém đầu. Chú biết cả tên hòn đảo nơi ông chết, nơi bây giờ còn ngôi mộ cũng bằng đá do các sư nữ đến xây cho ông trước khi họ phân tán đi bốn phương. Chú Năm nói vanh vách đến tên những hòn đảo quanh Phú Quốc như tôi và An cũng đã biết rõ như chú vậy. Những đảo nhỏ được gọi là Hòn, có lẽ vì đó chỉ là những hòn đá lớn nổi lên trên mặt biển: Hòn Phú Dự, Hòn Dừa, Hòn Thơm, Hòn Ngang, Hòn Minh Hoa, Hòn Nghệ, Hòn Thủ Chu. Tên những đảo quá nhỏ này không được ghi trên bản đồ. Hòn Thủ Chu là nơi ông Sư Muôn từ Sài Gòn tới với tám ni cô lập chùa, Hòn Sơn Ráy là nơi Việt Minh giết Sư Muôn, cột đá nơi Sư Muôn bị trói và chém đầu, sau đó bị chôn ở Hòn Sơn Ráy tên là Hàm Ếch. Rồi chú kể tên những hòn đảo nhỏ quanh Côn Sơn: Hòn Trắc lớn, Hòn Trắc nhỏ, Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ, Hòn Thỏ, Hòn Trứng. Có tới mười ba, mười bốn hòn đảo nhỏ quanh nơi người Pháp đặt tên là Poulo Condore và trên những hòn đảo nhỏ này đều có chim yến làm tổ và đều có tổ yến. Yến ở đây không nhiều bằng yến ở những hải đảo miền Trung nhưng cũng là một nguồn lợi thiên nhiên đáng kể. Hiện lúc này Côn Sơn được chính phủ đặt lên thành một tỉnh, các ông Tỉnh Trưởng giữ quyền khai thác tổ yến ở bốn hòn đảo nhiều yến nhất. Tổ yến là nguồn lợi chắc chắn nhất và lương thiện nhất của những ông Tỉnh thời nay ở đây. Chú Năm kể cho chúng tôi nghe cách chim yến sống và làm tổ. Không ai biết chúng ăn thức gì để sống, có người nói chúng ưa ăn bọt nước biển. Vào mùa này, khi ở miền Nam sắp là mùa mưa và đã có mưa lớn một hai trận đầu mùa, chim yến bắt đầu làm tổ. Chúng vào những hang núi tìm những vách đá nào kín nhất, sạch nhất, những vách đá ít gió và không có rong rêu, tức là không bị nước chẩy lên hoặc hắt vào. Ở đó, chim yến nhả rãi của chúng lên vách đá. Những sợi nước rãi của chúng khô lại thành những dây trăng trắng nhỏ như sợi
  13. miến, cuộn lại thành một cái tổ nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay người. Chúng nhả rãi như thế làm trong khoảng hai mươi ngày thì xong một tổ. Xong, chim cái nằm vào tổ đẻ trứng và nằm ấp trứng. Tổ yến này nếu chim vừa làm xong mà đến lấy đi ngay thì sạch, không có lông chim, trắng và bán được nhiều tiền. Khi yến bị mất tổ, lập tức chim tìm chỗ khác và nhả rãi làm một tổ khác. Chim cứ tiếp tục nhả rãi làm tổ mãi cho đến khi nào chúng có tổ nằm đẻ và ấp trứng mới chịu thôi. Những tổ yến được làm sau vì chim đã yếu, hết nước rãi nên nhỏ hơn. Có khi nước rãi của những chim yến bị mất tổ nhiều lần nhả ra có lẫn cả máu nên tổ yến có sắc hồng, người ta gọi những tổ yến sắc hồng này là yến huyết và cho là quí hơn, bổ hơn những tổ yến bạch. Theo lời chú Năm, người từng đi lấy tổ yến và từng ăn từng nồi yến nấu với đường cát trắng, yến huyết thật ra không có gì bổ hơn là yến trắng như người ta vẫn tưởng. Sở dĩ tổ yến có dính máu chỉ là vì yến đã nhả hết rãi mà vẫn cứ cố nhả mãi nên rãi có dính cả máu mà thôi. Ðến Côn Sơn, cả bốn người chúng tôi cùng vào gặp vị đại diện chính quyền ở đây. Tỉnh Trưởng là một vị Thiếu Tá từng giữ chức Quản Ðốc Trung Tâm Cải Huấn Trung Ương, tức khám lớn Chí Hòa, nhiều năm. Ông có vẻ là một quân nhân cương quyết nhưng bề ngoài hiền hòa, thản nhiên, ông rất hiếu khách. Có lẽ ông hiếu khách vì cuộc sống coi tù trên đảo buồn quá, đảo có rất ít khách từ Sài Gòn đến và vì công vụ, ông không có dịp nào về được Sài Gòn. Tỉnh có đủ các ty, sở nhưng chỉ quanh quẩn trong một khu ven biển lớn không bằng một quận lỵ nhỏ nhất trong đất liền. Thiếu Tá Tỉnh Trưởng cho phép chúng tôi ở lại với điều kiện không được quay phim trên đảo, không được quay phim tù nhân hay tiếp xúc với tù nhân. Ở đây trừ những tù nhân nguy hiểm bị tù cấm cố hay vi phạm kỷ luật bị giữ trong khám, có nhiều tù nhân được tự do đi lại trên đảo suốt ngày để làm việc như trồng rau, nuôi heo, sửa đường xá, tạp dịch trong những ty, sở. Trong những giờ nghỉ, tù nhân có quyền xuống biển bắt cá đem ra chợ bán lấy tiền tiêu riêng. Chúng tôi được phép quay phim về tổ yến và cách lấy tổ yến ở những hòn đảo nhỏ ngoài kia. Chúng tôi bắt tay vào việc. James và chú Năm là hai người làm việc nhiều nhất. Họ có vẻ ăn ý nhau. Chú Năm biết hai câu tiếng Mỹ. Ðó là Yes và No nhưng chú đoán được ý muốn của James. Họ nói chuyện với nhau bằng tay và dễ hiểu nhau hơn là khi có tôi hay An ở đó để thông ngôn cho họ. An là người nhàn rỗi nhất. Nàng mang máy ảnh một mình đi lang thang suốt ngày trên bãi. Nàng thích hỏi chuyện những tù nhân được ra làm việc bên ngoài mặc dầu chồng nàng đã dặn nàng đừng hỏi chuyện tù nhân theo lời anh đã hứa với Thiếu Tá Tỉnh Trưởng. An cãi rằng nàng chỉ hỏi chuyện như người Việt hỏi thăm người Việt, nàng không chụp ảnh tù nhân và nàng cũng không dùng những lời tù nhân nói vào việc gì hết. Tôi cho rằng James có lý khi anh nói rằng những người có quyền trên đảo không biết như vậy và họ sẽ khó chịu khi thấy nàng nói chuyện với tù nhân với chiếc máy hình sẵn sàng để chụp trước ngực. Việc này gây ra trận cãi lộn đầu tiên giữa vợ chồng An. Quay phim ban ngày không có gì khó. Các cuộc quay phim ban đêm mới vất vả, chú Năm phải đi chọn trước, thăm thú trước những hang đảo ở xa Côn Sơn nhất, ít người lui tới nhất, những hang đá có nhiều yến ở nhất. Mọi việc đều phải sắp sẵn trước hoàn toàn vì mỗi lần đèn bật lên là yến trong hang ào ào bay ra như mưa, chỉ một loáng là trong hang không còn một con nào cả. Một chiều gần tối, khi cho thuyền chạy ra hòn đảo được chọn để quay phim đêm nay, tôi thấy chú Năm đem xuống thuyền một bình rượu đế. Chú cười và quan trọng bảo tôi: - Tôi làm bình rượu này tuyệt lắm. Rồi cậu sẽ biết. Cậu có bao nhiêu bệnh nan y thuốc Tây không trị được khai hết cả ra với tôi coi nào. Uống rượu yến này của tôi cam đoan cậu sẽ hết mọi bệnh. Bảo đảm với cậu là cậu sẽ dứt luôn chứng sốt rét mang vô đây từ Việt Bắc của cậu…
  14. Chú tìm được một hang yến có nhiều yến mới nở. Ðêm nay, sau việc quay phim, chú sẽ làm một cuộc lấy trộm tổ yến. Chú leo lên vách đá cậy tổ yến bỏ vào túi đeo trước bụng. Phải là người có nghề mới trèo lên được những vách đá cheo leo, trơn nhẵn không chỗ bấu víu. Hàng trăm con chim yến mới nở nhỏ bằng đầu ngón tay, chưa mở mắt, đỏ hồng, chưa có một sợi lông, được chú bỏ tõm vào bình rượu. Chỉ một lúc sau soi đèn vào bình rượu, tôi thấy rượu trở thành đỏ tươi. Xương thịt những con chim nhỏ xíu ấy đã tan ra trong chất rượu mạnh. Ðêm ấy, sau khi quay phim, chúng tôi cho thuyền đưa James trở về Côn Sơn với An, tôi và chú Năm ở lại trên hòn đảo nhỏ này, hòn đảo nhỏ trơ vơ giữa biển. Chú Năm mang sẵn gà quay, cơm nếp, nước ngọt và nồi gang theo. Chú sẽ nấu một nồi yến và dọn tiệc ăn ngay trên bãi cát dưới trăng, bữa tiệc đặc biệt chỉ có tôi và chú hưởng thụ. Rồi chúng tôi sẽ ngủ ngay trên cát. Tôi dự định sẽ thức hết đêm nay, thức để xem đêm đi qua trên hải đảo như thế nào, thức để mai sau khi nghĩ lại chuyến đi này, ký ức tôi sẽ nổi bật hình ảnh một đêm dài không ngủ trên đảo vắng. Trăng lên, trời biển sáng vằng vặc, tôi ngồi dựa lưng vào một gốc dừa trên bãi biển, miệng hút pipe thuốc Half and Half, tâm hồn nhẹ nhõm và lâng lâng. Tôi ngồi đó tưởng tượng đến những nhà Ðăng-xinh ở Sài Gòn vào giờ này đang đầy nghẹt những người, đầy khói thuốc lá, khói thuốc lá ở đó nhiều đến nỗi làm cho những người mới đi nhẩy, chưa quen với không khí của tiệm nhẩy, sau mỗi đêm ở đó về nằm ngủ nước mắt chảy ràn ra. Tôi nghĩ đến những gã bạn tôi đang ăn chơi hoặc đang vất vả kiếm tiền để ăn chơi bằng đủ mọi thứ nghề ở Sài Gòn, và đây là lần thứ nhất trong những lần đi xa Sài Gòn, tôi không thấy khổ sở vì phải xa Sài Gòn. Những lần xa Sài Gòn trước đây, mỗi khi ngồi mơ về Sài Gòn như thế này, tôi đều có cảm tưởng như tôi đang chết, như chỉ có những người đang ở Sài Gòn mới được sống, như có được sống trong lòng Sài Gòn tôi mới là sống. Nhìn khuôn mặt xương xương của chú Năm với đôi gò má cao gồ, với xương quai hàm bạnh, với đôi lông mày rậm được ánh lửa của bếp nấu nồi yến bập bùng soi sáng, tôi nghĩ đến chuyện tôi là chàng Robinson sống trên hoang đảo, tôi nẩy ra ý muốn được sống mãi cuộc sống phiêu lưu này, chỉ thỉnh thoảng mới về Sài Gòn với một bộ râu phong trần, về để đập phá, để ăn chơi, để yêu đương vài người đàn bà sống với nghề ca-ve, tức gái nhẩy, rồi lại đi. Trong tiếng gió phần phật và tiếng sóng ì ầm, bỗng có tiếng máy tầu nổ tạch tạch ngoài bể xa vang lại. Chú Năm nghe thấy tiếng máy tầu trước cả tôi. Chú chạy ra bãi cát, tôi đến gần chú và cùng nhìn về phía phát ra tiếng động: - Tầu Hải quân đi tuần chắc? – Chú Năm cất tiếng – Tiếng máy này nghe như tiếng máy tầu của mình chứ không phải tầu Hải quân… Bóng chiếc thuyền lờ mờ hiện ra trên sóng. Chú Năm reo lên như một đứa trẻ: - Thuyền nhà mình… Ông Phốt Tưa trở lại ăn tiệc với mình, ngủ lại đây với mình… Ổng chán ngủ với bà An rồi… Có tiếng người gọi chúng tôi từ ngoài biển vọng vào. Gió bạt tiếng gọi đi, nghe lúc xa, lúc gần, như tiếng gọi trong giấc mơ. Chú Năm cẩn thận đặt bếp khuất sau những tảng đá để cho tầu Hải quân đi tuần bên ngoài không nhìn thấy, tránh việc họ lên đảo hỏi han lôi thôi, khi chú biết chắc thuyền người nhà trở lại, chú cầm cây củi đang cháy lên múa như một cây đuốc để trả lời. Tôi chạy xuống triền nước đón thuyền. Nhưng người đứng trên mũi thuyền là An chứ không phải là James. Từ trên mũi thuyền trờn tới nàng nhẩy xuống bãi khi thuyền chưa ngừng hẳn, nước biển tóe lên ngực tôi, nàng loạng choạng ôm chầm lấy tôi và cất
  15. tiếng cười khanh khách: - Xấu quá… Ði ăn, đi chơi một mình… Nàng trách tôi và tay nàng vẫn không rời nắm cánh tay tôi, chúng tôi đứng cạnh nhau với nước biển ở dưới chân. Chưa bao giờ nàng tỏ ra thân mật với tôi đến thế: - Thấy anh và chú Năm không về, em biết ngay là anh có trò gì vui đêm nay rồi… Em hỏi ông tài… Ổng phải khai hết với em ngay… Ðâu, các cô bạn của anh với chú Năm trốn đâu cả rồi…? Mời ra đây cho em được làm quen chớ… Tôi cười và đỡ nàng đi lên bãi: - Làm gì có ai là đàn bà. Ở trên đảo này chỉ có tôi với chú Năm, và bây giờ, có thêm An. Có nồi yến nữa thôi. Ðang nấu. An ra vừa vặn để ăn yến. James đâu? - Hắn ở nhà không đi. Nếu có hắn ở đây đêm nay, em đã không ra… Qua giọng nói của An, tôi biết vợ chồng nàng lại vừa cãi nhau một trận nữa và nàng tự ý ra đây mặc dầu chồng nàng không bằng lòng. Tôi cảm biết chú Năm hơi lo vì việc An một mình ra đảo đêm nay không có chồng nàng đi theo nhưng nỗi lo của chú cũng chóng tan biến đi ngay. Ðêm nay trời biển quá đẹp, quá thơ mộng. Giữa cảnh bao la, bát ngát, trong sạch này, khi mà hơn 2,000 triệu con người, có sách nói rằng gần 3,000 triệu con người, với cả 200 giống dân, chỉ thu gọn lại còn có ba người, khi cả trái đất rút lại còn có một hòn đảo nhỏ, những nỗi lo buồn thường ngày và thường tình của loài người không còn đất đứng, không còn có thể có mặt, không còn hành lạ được người sống. Chúng tôi bầy thức ăn lên bãi cát. Dưới ánh trăng, cả ba chúng tôi cười đùa hồn nhiên như những đứa trẻ thơ. Mỗi bát yến lèo tèo vài sợi yến thật còn thì toàn là yến giả, được long trọng tiêu thụ ở những cao lâu lớn nhất Sài Gòn, kém xa những bát yến của bọn tôi đêm nay. Những ly rượu yến đỏ tươi được rót ra. Chú Năm và tôi thi nhau uống. An cũng uống vài ly nhỏ. Sau khi ăn no, uống say, máu nóng rạo rưc như muốn làm nổ huyết quản trong thân xác chúng tôi. Chú Năm cởi trần như mọi da đỏ nhẩy Tuýt với An trên bãi cát. Tôi đứng bên vỗ tay cho họ nhẩy. Chú Năm biểu diễn solo như đánh vật với không khí cho đến lúc chú mệt, rượu bốc làm mờ mắt, chú ngã lăn trên cát, nằm thở dốc. Tôi và An đứng nhìn nhau, nàng chợt nói: - Uống rượu nóng quá. Xuống biển tắm cho mát… Nàng quay phắt đi và nhanh như một con nai tơ, chạy về phía sau đảo, về bãi biển khuất sau những ghềnh đá trắng toát dưới ánh trăng. Tôi loạng choạng chạy theo nàng, mắt tôi cũng mờ đi vì rượu. Tôi khó nhọc trèo qua ghềnh đá, suýt ngã mấy lần trên những mỏm đá nhẵn lì vì sóng biển. Trên một mũi đá, tôi trông thấy bóng người đàn bà đứng nổi bật trên sóng biển và nền trời. Khi vượt qua được những mũi đá ướt và nhọn để tới gần nàng, tôi không thấy nàng đâu cả. Mặt biển dưới chỗ nàng đứng phản chiếu ánh trăng thành một vũng bạc sáng ngời. Dường như nàng vừa nhẩy xuống vũng bạc đó vì tôi thấy nước ở đó rung động. Mắt tôi hoa lên, da thịt tôi nóng điên, gan ruột tôi như bốc lửa, tôi cũng cần nước mát làm dịu chất rượu. Mắt vẫn nhìn quanh tìm nàng, tôi cởi vội quần áo quăng bừa trên cát. Tôi nhẩy xuống nước, phóng mình ra xa. Khi nổi lên, tôi vẫn không thấy An. Chỗ đó có nhiều sóng, những làn sóng theo nhau đánh vào bờ. Rồi tôi nhìn thấy nàng ở một chỗ cách tôi chừng hai mươi sải tay. Có tiếng nàng cười vang trên sóng:
  16. - Ê… Ðố bắt được đấy… Tôi nhoài mình bơi tới nhưng nàng đã lặn sang chỗ khác. Làm sao nàng bơi nhanh được bằng tôi. Tôi trước đó mười lăm năm, mùa hè ở Hà Nội, vẫn từng bơi ngang Hồ Tây. Tôi hụp xuống lặn đến chỗ nàng nhưng nàng, tuy chưa từng bơi ở Hồ Tây, cũng nhanh không kém. Khi tôi nổi lên nàng vẫn ở cách chỗ tôi khoảng mười sải tay. Tôi bơi nhanh tới rồi bơi nhanh tới, bơi hết sức nhanh. Tôi bắt đầu thấm mệt và vì vô ý, tôi bị sóng đánh vào miệng, tôi sặc nước, tôi ho. Tiếng cười của nàng vang lên gần đó như khiêu khích, như kêu gọi tôi. Tôi nhắm mắt bơi về phía tiếng cười. Có lúc tôi đã vớ được tay hoặc chân nàng, mình nàng trườn khỏi vòng tay tôi, trơn như một con cá lớn. Tôi bắt được nàng, tôi ôm chặt nàng để nàng không còn thoát được. Nàng chống cự và tôi dìm nàng xuống nước mặc dầu tôi không muốn. Tiếng cười của nàng lẫn trong tiếng ho sặc nước… Sóng đánh chúng tôi ra xa bờ. Khi tôi tỉnh lại đủ để ghi nhận nguy hiểm, chúng tôi đã dạt ra khá xa bờ, dưới chân tôi chỉ có khoảng không đầy nước. Tôi la lên bảo An bơi vào nhưng đến lúc đó, không biết nàng giả vờ hay nàng mệt thật, tôi thấy chân tay nàng bất động. Vừa buông nàng ra, tôi thấy nàng chìm lỉm. Tôi lại ôm nàng và dìu nàng bơi vào bờ. Khi hai chân tôi đặt lên được trên mặt cát, tôi không biết tôi đỡ nàng hay nàng đỡ tôi đi lên cạn. Tôi chỉ biết chúng tôi ôm nhau đi lên được tới triền cát và chúng tôi cùng ngã xuống. Chúng tôi thở dốc và vòng tay đàn bà như từ mặt cát bay lên choàng lấy cổ tôi. Ðến lúc ấy, tôi mới biết là nàng trần truồng. 4 Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời chưa lên hết trên đường chỉ biển phía Ðông, chúng tôi đã xuống thuyền trở về Côn Sơn. Chú Năm, An và tôi đều như ba đứa trẻ hư lủi thủi trở về sau một cơn phá phách và biết là mình có lỗi. Chú Năm – như mắc cỡ vì cơn say rượu nhẩy Tuýt đêm qua – tránh không nhìn mặt tôi và An. Có lẽ chú nghĩ rằng vì chú bầy đặt ra vụ ăn yến, uống rượu yến đêm qua nên mới xẩy ra cơ sự. Ðêm qua, sau khi lưng chú chạm xuống cát và mặt chú ngửa lên trời, chú đã ngủ say, ngủ không biết có những chuyện gì xẩy ra quanh chú, ngủ từ lúc trăng mới ngang đầu cho tới lúc trăng lặn về Tây, nhưng chú cũng đã biết rõ có những chuyện gì xẩy tới cho tôi và An. Như vậy là chú đã tiếp tay làm cho xẩy ra cái chuyện mà chú vẫn sợ xẩy ra giữa tôi và An. Và chú hối hận, lo âu, vì thế. Tôi và An ngồi hai bên mạn thuyền. Nàng nghiêng mặt nhìn về phía mặt trời mọc, sáng nay mặt nàng như hơi nặng, đôi môi nàng mím chặt như để chuẩn bị đối phó với những bất hạnh sắp đến. Tôi cũng nhìn về phía đông và trong ánh hồng của bình minh, tưởng tượng lại khuôn mặt của An đêm qua dưới ánh trăng – khuôn mặt có vừng hào quang xuất thần, đam mê, hào hứng, sung sướng – và tiếng nàng hỏi như tiếng gió, tha thiết, thê thảm, bồi hồi, như tiếng thở của một người đang thời trẻ xuân yêu đời khi thấy mình sắp chết, như một tiếng gì ở ngoài hệ thống âm thanh của cõi đời này, một tiếng mà tôi khó còn có lần được nghe lại bên tai – tiếng hỏi của nàng sau đó nghe như tiếng hỏi của kẻ tử tù trước kẻ có quyền tha cho mình khỏi chết: - Anh… Anh có yêu em không? Anh có yêu em chút nào không? Sáng sớm hôm nay, trước khi chúng tôi xuống thuyền, trên bãi cát hoang sơ như cảnh một thời tiền sử, khi mặt biển xám như bạc loãng và buổi sáng sắp đến trang trọng nhưng vẫn vô hồn như buổi sáng đầu tiên khi trái đất này thành hình, nàng nói với tôi:
  17. - Em yêu anh. Dù anh có yêu em hay không, em cũng yêu anh. Anh là người đàn ông đầu tiên em yêu kể từ ngày em có chồng. Em không muốn yêu vụng trộm, em không muốn lừa dối James, em sẽ nói cho James biết em đã yêu người khác. Em sẽ không nói là em yêu anh nhưng em chắc James biết. Em phải cho James biết để ly dị nhau. Em không yêu James, em chỉ bằng lòng làm vợ James vì hoàn cảnh riêng của em cách đây gần mười năm, khi em còn là người thiếu nữ mười bẩy, mười tám tuổi. Ngày ấy em đã chọn lối thoát dễ dàng nhất mà em có: đi lấy chồng, và lấy chồng ngoại quốc để có thể đi ra khỏi xứ, đoạn tuyệt với tất cả. Bây giờ em biết là em đã lầm. Không biết người khác thì sao, riêng em, em không đoạn tuyệt được. Cắt bỏ hết với những cái cũ, những gì mình yêu thương, em có cảm giác như em đã chết. Em đã tưởng em sẽ không còn bao giờ yêu một người Việt Nam nào nữa, không bao giờ em còn trở lại xã hội Việt Nam nữa… Nhưng đó chỉ là những gì em tưởng, sự thật khác hẳn như thế… Dù anh có không yêu em, em sẽ khổ lắm nhưng em cũng vẫn trở về… Tôi không thể hiểu được tất cả những gì An muốn nói lúc đó với tôi và dường như nàng cũng không đòi hỏi tôi phải hiểu nàng ngay. Nàng không thể nói hết được trong một lúc tất cả những gì chất chứa trong tâm tư nàng từ mười năm trời nay. Chỉ có sống gần nàng trong một thời gian lâu, qua những gì nàng làm tôi mới có thể hiểu được tâm trạng của nàng. Lúc đó, tôi chỉ thấy nổi lên rõ rệt sự nhận thức là người thiếu phụ này không sung sướng, không hài lòng với cuộc sống nàng có như tôi tưởng, nàng không có tình yêu và nàng đang khao khát tình yêu, ở đời này khó có người nào sống được mà không có tình yêu, và người ta có thể yêu mà không cần được yêu lại. Tôi không biết tôi phải nói với nàng ra sao, khuyên nàng ở lại với chồng nàng, vì lý do đàn ông nào cũng giống nhau, ích kỷ, hèn nhát, ngu si, vì bỏ James Foster, nàng sẽ không bao giờ còn gặp được một người chồng tốt như hắn, hay khuyến khích nàng trở về với xã hội đã cấu tạo ra nàng, hay hứa hẹn sẽ yêu nàng? Tình yêu đến đột ngột như sóng biển cao vạn trượng úp chụp lấy con thuyền nhỏ làm tôi hoang mang. Cuộc ái ân đã xô đẩy chúng tôi đến trước tình yêu chứ không phải là rơi vào nhục dục. Tôi mơ hồ thấy rằng tôi vừa bị lôi cuốn vào một dòng nước chẩy xiết cùng với người đàn bà đa tình này, dòng nước trôi không biết đến đâu là cùng và có thể làm cho tôi, cho nàng, hoặc cả tôi và nàng cùng chết đuối. °°° Chiếc thuyền nhỏ đưa chúng tôi về đến Côn Sơn vào lúc chín giờ sáng, khi ánh nắng chan hòa cảnh vật. James M. Foster đợi chúng tôi trên du thuyền, anh đã sửa soạn xong để ra đi, chúng tôi đã làm xong những gì chúng tôi đến đây để làm. Nơi đến thứ hai của chúng tôi là đảo Phú Quốc. Từ Côn Sơn đi Phú Quốc, đường biển phải đi vòng mũi Cà Mau. Cuộc sống của chúng tôi trên thuyền bề ngoài không có gì khác với chuyến chúng tôi đi từ Vũng Tàu tới Côn Sơn, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Tâm hồn chúng tôi đã thay đổi nhiều, nhất là An và tôi, nhưng sự thay đổi ấy chưa phát hiện. Tôi và nàng vẫn gặp nhau, vẫn nói chuyện với nhau như thường ngày, chúng tôi cùng nghĩ rằng tránh gặp nhau hay thái độ đổi khác là một bằng chứng tội lỗi, nhưng dù không muốn, tình yêu vẫn lộ ra trong mắt, trong giọng nói, trong từng cử chỉ của An. Chúng tôi sống trong tình trạng vừa khổ sở, vừa sung sướng lẫn lộn. Sung sướng vì biết là mình được yêu, khổ sở vì không phát hiện được tình yêu của mình, không được tự do ôm nhau, hôn nhau, hòa hợp thể xác làm một. Tôi không biết James biết những gì về tình yêu của tôi và An, tôi chỉ thấy anh vẫn sống trầm lặng, thản nhiên, xa cách như mọi ngày. Tôi cũng không thấy anh chất vấn An đã làm những gì trong đêm nàng đi ra đảo không có anh. Cuộc sống trôi qua với những công việc thường ngày. Cả chú Năm cũng không dám đả động với tôi câu chuyện mà chú không thể hiểu sẽ giải quyết ra sao. Và cuộc khủng hoảng
  18. xẩy đến sớm hơn là tất cả chúng tôi cùng tưởng. Nhưng cuộc khủng hoảng không xẩy ra vì nguyên nhân An yêu tôi hay vì tôi và nàng yêu nhau. Cuộc khủng hoảng, cũng như tình yêu, đến không ngờ và làm cho chúng tôi choáng váng, như một trái bom nổ giữa lúc không ai ngờ nhất, để khi bom đã nổ rồi, những nạn nhân vẫn chưa ai biết là bom đã nổ. Một buổi sáng, du thuyền của chúng tôi ghé vào một bãi cát gần khu An Thới, nơi ven biển có một xóm dân chài, vào lúc một số ghe chài vừa đánh cá ở ngoài biển về đổ cá lên đó bán. James đang quay đoạn phim về đời sống của ngư phủ trong miền biển này và tất cả mọi điều kiện đều có để anh thực hiện một đoạn phim đẹp. Ánh nắng tốt, cảnh đẹp, đồng bào chài lưới ở đây sau khi biết bọn chúng tôi định làm gì, không còn chú ý đến chúng tôi nữa. Họ làm việc tự nhiên và hồn nhiên. Tôi vẫn sợ họ sẽ chú ý đến người ngoại quốc và việc quay phim hơn là những công việc của họ, nhưng tôi đã lầm khi sợ hãi như thế. Ðàn bà, trẻ con ở thành thị mới xúm xít một cách vô ý thức để coi những đám quay phim, đàn bà, trẻ con ở đây ai cũng có việc phải làm và họ chỉ chú ý đến người lạ một cách vừa phải, đúng mức. Ngay cả sự chú ý của họ cũng cho James thâu được những hình ảnh tốt cần có trong những cuốn phim tài liệu. Một chiếc thuyền đánh cá mới về bến và tôi thấy đồng bào nhốn nháo. Hình như thuyền này đánh về được một con cá lớn. Tôi nghĩ thế và nói thế với James. Anh và chú Năm đem máy tới quay cảnh thuyền ghé bến. Và đúng như lời tôi nói, người ta đem lên bến một con cá lớn khủng khiếp. Ðứng xa, tôi thấy con cá dài như cái ghế bố và tôi nghĩ đó có thể là một con cá đuối, hoặc cá mập, thứ cá thịt không ngon và ít khi dân chài hào hứng đem về. Tôi đến gần và từ một góc khác của bãi biển, An cũng đến gần. Nàng cũng bị hấp dẫn vì sự náo động của đám đông. Con cá lớn nằm giữa bãi cát và mọi người xúm đông chung quanh. Người ta, trong số có chú Năm, đang bàn cãi sôi nổi vì cái bụng lớn của con cá. Nhiều người bảo là con cá đang có chửa, nhiều người khác quả quyết cá không có chửa. Mùa này không phải là mùa cá có chửa và cá chửa bụng không lớn như thế. Chú Năm nói rằng con cá này vừa đớp một vật gì đó vào bụng, vật đó có thể là một con cá khác, hoặc một đồ vật gì rớt xuống từ một chiếc thuyền chở khách nào. Loài cá đuối này vẫn có thói quen lội theo những chiếc tầu chở khách và đớp tất cả những vật gì ở trên tầu rơi xuống, kể cả những cục đá người ta cố tình vứt xuống để giết chúng. Một người đưa cho chú Năm con dao nhọn dài tới hai gang tay. Chú quì gối bên con cá và lẹ tay, dễ dàng như khi cắt một miếng thịt bò bằng lưỡi dao thật sắc, chú đưa mạnh lưỡi dao trên làn da bụng căng lồi của con cá… Vật nằm trong bụng cá lòi ra từ vết cắt. Thật nhanh, như trong cơn ác mộng, tôi thấy chú Năm bật ngửa ra cùng với tiếng kêu ghê sợ của đám người vây quanh… Tôi và An tuy đứng hơi xa nhau nhưng cùng ở dưới làn gió. Gió thổi mùi hôi thối kinh khiếp ập đến chúng tôi trước khi mắt chúng tôi kịp nhìn rõ vật vừa lòi ra từ bụng cá. Ðó là một cái đầu người. Một đầu người con gái bị cá táp tới cổ. Mái tóc dài còn mướt trên làn da mặt nhợt nhạt của kẻ xấu số. Mùi tanh hôi theo gió ào tới làm tôi lộn mửa và tối tăm mặt mũi. Tiếng nôn của An kéo tôi trở lại thực tại. Nàng quì gối trên cát và đang nôn ọe như làn hơi đó là một sức mạnh vật chất đánh tới làm cho nàng phải ngã xuống. Tôi cố nén kinh tởm để thốc nách An, dìu nàng đi ra ngoài chiều gió. Mọi người tán loạn, sợ hãi. Riêng có một người vẫn nhớ đến việc mình phải làm và làm trọn mọi việc của mình. Người đó là James Foster, người Hoa Kỳ đi quay phim tài liệu về đời sống ở Việt Nam. James vẫn đứng thâu hình bất chấp mùi tanh hôi, thản nhiên trước cảnh
  19. ghê rợn. Ðoạn phim này với anh sẽ là đoạn phim vàng. Anh có nhiều may mắn lắm mới tình cờ gặp được cảnh này. Chỉ cần một cảnh này là đủ làm cho khán giả Âu Mỹ xúc động và phim của anh chiếm giải thưởng quốc tế làm cho tên tuổi anh nổi sáng. Chú Năm chạy tới sau tôi, chú vừa thở vừa nói: - Thầy phải ngăn không cho ông ấy thâu hình cảnh này… Dã man lắm… Khi phim đem chiếu, người ta sẽ cho dân mình là dân dã man… Lời nói của chú làm tôi thức tỉnh. Tôi nhớ lại những đoạn phim tài liệu về đời sống của những giống dân bán khai ở Phi Châu tôi từng được thấy trên màn ảnh. Tôi từng ghê rợn khi thấy những cảnh sống man rợ ấy. Những người Âu Mỹ thích chứng kiến những cảnh man rợ của những dân tộc mà họ cho là kém văn minh tiến bộ hơn là thấy những cảnh đẹp. Chỉ một đoạn phim đầu người lòi ra từ bụng cá mà tình cờ người quay phim James M. Foster vừa thâu được sẽ làm cho không biết bao nhiêu khán giả Âu Mỹ hiểu sai về dân tộc Việt Nam. James M. Foster đã quay xong đoạn phim và chiếc đầu người con gái xấu số đã được mang ra khỏi bụng cá, được đặt nằm ở một chỗ khác dưới mảnh bao bố phủ lên chờ đem đi mai táng khi tôi và chú Năm đến trước mặt James. Anh nở nụ cười hài lòng khi thấy chúng tôi đến. Tôi ít khi thấy anh cười nhưng nụ cười này báo trước cho chúng tôi biết anh sẽ không chịu rời bỏ đoạn phim quí báu anh vừa thực hiện được, dù cho chúng tôi có nói rõ với anh rằng đoạn phim đó sẽ có hại đến hình ảnh của cả một dân Việt Nam. - Các anh nghĩ thế là lầm – Anh lắc đầu nói với chúng tôi, sự hài lòng vì thành công làm cho anh nói nhiều hơn thường ngày – Ðây chỉ là một tai nạn, đã gọi là tai nạn thì có thể xẩy ra bất cứ ở đâu. Ở những bãi biển Florida, Miami bên Hoa Kỳ cũng có thể có những tai nạn này… Bên Hoa Kỳ còn có những tai nạn thảm thiết, ghê gớm hơn nhiều nhưng có ai căn cứ trên những tai nạn ấy để nói rằng Hoa Kỳ chậm tiến, dã man đâu?… Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để giải thích với James rằng người ta sẽ không nghĩ đến chuyện dã man khi những tai nạn tương tự xẩy ra trên đất Hoa Kỳ nhưng chắc chắn người ta sẽ cho là dã man, sơ khai khi thấy cảnh này trong một cuốn phim tài liệu về đời sống của những ngư dân Việt Nam, và vì danh dự dân tộc, chúng tôi quyết liệt yêu cầu anh hủy bỏ đoạn phim đó. Tôi nói chúng tôi sẽ không lùi trong yêu cầu này và nếu cần, chúng tôi sẽ dẹp lòng hiếu khách và lịch sự đi để thực hiện cái việc mà chúng tôi cho rằng chúng tôi có bổn phận phải làm. Chú Năm quyết liệt hơn tôi trong việc này. Có lẽ vì chú không nói được nên chú phải thực hiện ngay ý muốn bằng hành động. Chú đi thẳng tới và không nói nửa tiếng, chú vớ lấy cái túi da đựng những cuộn phim vừa thâu hình xong của James. Chú biết trong túi này có cuộn phim thâu hình lúc chú mổ bụng cá và đầu người con gái lòi ra từ làn da căng như mặt trống. Cái túi da được James đeo bên mình. James M. Foster từng ở trong quân đội Hoa Kỳ, anh từng là sĩ quan và quân đội anh từng huấn luyện anh những thế võ cận chiến để tự vệ và cũng để tấn công khi chạm mặt với kẻ thù. Tôi thấy James bình tĩnh xoay mình đưa cái túi da ra khỏi tầm tay của chú Năm đồng thời cái máy quay phim trên tay anh được sử dụng như một võ khí, cái máy đập vào mang tai chú Năm, tôi thấy chú lảo đảo rồi ngã xuống cát… Tôi thấy như có ánh lửa lóe lên trong mắt người đàn ông chất phác ấy khi anh chống hai tay trên cát và một dòng máu tươi chẩy trên má. James đã buông chiếc máy xuống và đứng thủ
  20. thế. Trước khi tôi kịp kêu lên nửa tiếng, chú Năm từ dưới mặt cát bay lên… Không một tiếng hét, như trong một đoạn phim quay chậm, tôi nhìn thấy hai chân chú liên tiếp đá vào ngực, vào bụng James. Một đá, hai đá, rồi ba đá, bốn đá… Hình như hai chân chú không cần chấm đất. Như chỉ trong một cái bay lên, chú đá được tới năm sáu cái, và cái đá nào cũng trúng người địch thủ. James lùi lại, anh loạng choạng trên cát – những đòn cận chiến anh học được tỏ ra vô ích trước những cú đá tới tấp này – và đến lượt anh ngã ngồi trên cát. Chú Năm xua xua hai tay. Chú ra hiệu cho James hiểu chú không đánh nữa và chú chỉ muốn lấy cuộn phim, chú như muốn làm cho James biết là võ nghệ của anh không địch lại được với ý muốn của chú. Và chú đi tới. James chuyển mình đứng dậy và từ chuyển mình của anh phát ra tiếng nổ. James có để khẩu súng lục trong túi da. Anh rút súng và bắn xuống mặt cát giữa hai chân chú Năm. Chú Năm dừng lại và đứng sững như pho tượng. Người Tây Phương, một lần nữa, chế ngự người Ðông Phương nhờ phương tiện cơ khí. Chú Năm không thể thắng được James khi anh đã có khẩu súng trong tay. An chạy tới và James đưa cho nàng túi da. Tôi nghe rõ tiếng James bảo An mang túi da về thuyền trước và đừng cho ai đến gần nàng. Trong cơn xúc động, trao cái túi da cho An, James đã làm một việc lầm lẫn và dại dột. Lúc ấy, James không biết là anh lầm. Không ai biết là anh lầm. Không ai nhớ rằng người đàn bà ấy tuy là vợ anh nhưng nàng vẫn còn là một người đàn bà Việt Nam. Trước khi làm vợ một người Hoa Kỳ và trở thành công dân Hoa Kỳ, nàng đã là đàn bà Việt và lúc này, bản chất đàn bà Việt trong nàng gặp những điều kiện, hoàn cảnh để sống lại mạnh nhất. Nhưng James biết là anh lầm ngay sau khi An vừa mang túi da đi xa anh. Nàng không mang túi da với những cuộn phim trong đó chạy về du thuyền, nàng chạy lên ghềnh đá. James chạy theo nhưng không kịp, anh dừng lại bên triền nước và anh giơ súng về phía người đàn bà đang chạy trên ghềnh đá. Con người văn minh trong James M. Foster không cho phép anh bắn một người đàn bà, dù người đàn bà đó có làm hại anh. An không quay lại nhìn và nàng không biết những gì xẩy ra sau lưng nàng. Nếu nàng biết và nếu James có bắn, tôi chắc nàng vẫn làm cái việc nàng chạy lên ghềnh đá để làm. Ðứng trên đỉnh đá cao nhô ra ngoài biển, với những làn sóng bạc dưới chân, mái tóc phất phơ bay trong gió, nàng giơ cao tay quăng túi da xuống biển. Cuộc khủng hoảng kết thúc trong im lặng, như không hề có xung đột xẩy ra. Người đàn bà đứng trên đỉnh đá nhìn ra biển như pho tượng vọng phu trong huyền sử, chỉ khác với tượng đá là pho tượng bằng da thịt này có mái tóc mềm tung bay trên vai, có những giọt nước mắt trong như ngọc lăn trên gò má. Người đàn ông cô đơn đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương lủi thủi xách máy quay phim đi bên triền nước. Anh là đại diện của giống dân da trắng bị những người da vàng đoàn kết lại để chống đối. Anh chấp nhận thất bại một cách thẳng thắn, không che giấu, không bao biện, theo bản chất thực tế của giống dân anh. Anh biết rằng một người đàn ông khi đã bị cả vợ mình chống đối không còn hy vọng nào có thể chiến thắng. James M. Foster vào một căn cứ Hải quân Hoa Kỳ trên đảo và từ đó, anh lên một chiếc trực thăng để trở về đất liền. Du thuyền được anh gửi lại căn cứ chờ người khác đến đem về
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2