intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

GS. LƯU HỮU PHƯỚC – CÂY ĐẠI THỤ TRONG NỀN ÂM NHẠC CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Chia sẻ: Thandong Datviet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

392
lượt xem
93
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chân dung GS. - nhạc sỹ Lưu Hữu Phước Có lẽ không phải ai cũng được biết nhạc sĩ Lưu Hữu Phước xưa kia lại là sinh viên Trường Y - Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương vào những năm 1940 - 1944 và cũng chính tại nơi đây ông bắt đầu tham gia cách mạng trong phong trào thanh niên - sinh viên yêu nước để rồi trở thành một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông đã cống hiến cả cuộc đời, tài năng cho đất nước và...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: GS. LƯU HỮU PHƯỚC – CÂY ĐẠI THỤ TRONG NỀN ÂM NHẠC CÁCH MẠNG VIỆT NAM

  1. GS. LƯU HỮU PHƯỚC – CÂY ĐẠI THỤ TRONG NỀN ÂM NHẠC CÁCH MẠNG VIỆT NAM Chân dung GS. - nhạc sỹ Lưu Hữu Phước Có lẽ không phải ai cũng được biết nhạc sĩ Lưu Hữu Phước xưa kia lại là sinh viên Trường Y - Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương vào những năm 1940 - 1944 và cũng chính tại nơi đây ông bắt đầu tham gia cách mạng trong phong trào thanh niên - sinh viên yêu nước để rồi trở thành một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông đã cống hiến cả cuộc đời, tài năng cho đất nước và đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp âm nhạc lớn lao, đa dạng, bao gồm nhiều thể loại
  2. từ những bài hát lịch sử hào hùng, những hành khúc hoành tráng, những ca cảnh, những bản nhạc múa cho đến những vở nhạc kịch cuối đời... Sinh ngày 12.9.1921, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lớn lên tại quê nhà - huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Thuở nhỏ được cha cho học đàn kìm, về sau có chơi cả mandoline, guitare và tự học lý thuyết âm nhạc. Vào năm 1940 khi còn là học sinh Trường Trung học Pétrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh), Lưu Hữu Phước đã sáng tác "Hành khúc của thanh niên Nam Kỳ" với mục đích cổ vũ tinh thần đoàn kết yêu nước nhân phong trào học sinh đang được phát động. Bước ngoặt của cuộc đời ông bắt đầu từ sau khi đỗ tú tài, Lưu Hữu Phước cùng với người bạn nổi tiếng Mai Văn Bộ lên tàu hoả ra Hà Nội để học tiếp bậc đại học. Dọc đường, ông có dịp được ngắm nhìn nhiều phong cảnh của đất nước và thực sự chưa bao giờ ông cảm nhận được tâm hồn và cái đẹp của quê hương một cách sâu sắc đến như vậy. Tinh thần yêu nước, yêu đồng bào lại càng được khơi dậy trong tâm trí của người thanh niên miền Nam mới ra Bắc lần đầu tiên đã cảm thấy như mình được trở về với quê nhà. Bắt đầu ý thức hướng về cội nguồn được nhen nhóm trong trái tim của ông qua ký ức ôn lại những chiến công oanh liệt của tổ tiên ta trong những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, những địa danh linh thiêng: Thăng Long, Đông Đô, Bạch Đằng, Chi Lăng..., những di tích lịch sử vẻ vang rải khắp miền Bắc, tất cả đã đem lại cho ông những cảm xúc mãnh liệt để từ đó sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thúc giục và động viên tinh thần yêu nước của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, tiến lên theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước...
  3. Những năm là sinh viên ở Hà Nội, Lưu Hữu Phước được sống trong bầu không khí sôi sục của cuộc đấu tranh chính trị giữa phong trào yêu nước của nhân dân ta với thực dân Pháp đang diễn ra, được chứng kiến những sự kiện trọng đại có liên quan đến vận mệnh dân tộc, từ việc Pháp đầu hàng phát xít Đức, thực dân Pháp ở Đông Dương đầu hàng phát xít Nhật đến hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ bị đàn áp khốc liệt. Trong phong trào hưởng ứng chủ trương hướng về nguồn, sinh viên đã tổ chức nhiều đoàn xe đạp đi thăm viếng những di tích lịch sử nhằm bồi dưỡng nâng cao tinh thần dân tộc, đấu tranh chống ngoại xâm. Từ những chuyến đi thâm nhập thực tế độc đáo và đầy ý nghĩa ấy, Lưu Hữu Phước đã sáng tác được nhiều ca khúc nổi tiếng như "Bạch Đằng Giang", "Ải Chi Lăng", "Hát giang trường hận" (sau đổi tên là "Hồn tử sĩ"), "Hờn sông Gianh", "Người xưa đâu tá" và "Hội nghị Diên Hồng" là đỉnh cao của thể loại bài hát về đề tài lịch sử. Một sự kiện quan trọng nữa là cuộc hành hương về Đền Hùng nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (năm 1942), dấy lên phong trào sinh viên từ bỏ mộng học giỏi đỗ cao để làm quan cho thực dân Pháp, đồng lòng quyết tâm trau dồi ý thức cứu dân, cứu nước, sẵn sàng tiến lên "đáp lời sông núi" khi Tổ quốc cần. Lần đầu tiên bài hát "Tiếng gọi sinh viên" tựa như một lời hiệu triệu đanh thép, hào hùng do một dàn hợp xướng mấy chục người trình diễn được vang lên ở chân núi Nghĩa Lĩnh trong một đêm lửa trại lịch sử (Bài hát này chính gốc là "Bài hát kêu gọi khởi nghĩa" được sáng tác năm 1940 sau cuộc khởi nghĩa Nam Bộ bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, về sau được đặt lời mới dành cho phong trào sinh viên để dễ được phổ biến). sau đổi tên thành "Tiếng gọi thanh niên" là một chính ca bất hủ nhanh chóng lan rộng từ Bắc chí Nam, theo sự lớn mạnh của phong trào sinh viên yêu nước, góp
  4. phần mạnh mẽ đánh bại mưu đồ của thực dân Pháp hòng làm lung lạc ý chí cách mạng của thanh niên ta thời bấy giờ bằng bài hát có tên gọi "Maréchal, nous voilà!" (Thưa thống chế, có chúng tôi sẵn sàng). Một sự kiện gây ấn tượng mạnh đối với mọi người là trong khi các bản nhạc hùng tráng của Lưu Hữu Phước đang lần lượt vang lên trong khí thế cách mạng tràn ngập trên cả nước thì vở ca kịch "Tục lụy" của ông được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 21.3.1943, minh chứng thêm tài năng của ông trong lĩnh vực âm nhạc trữ tình, lãng mạn, giàu bản sắc dân tộc, với bút pháp bay bổng độc đáo. Năm 1944, Lưu Hữu Phước được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vào Nam tham gia vận động cách mạng cùng với lúc nổ ra phong trào của đông đảo sinh viên ba miền Nam - Trung - Bắc rủ nhau bỏ học để trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng. Nhóm Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Đặng Ngọc Tốt trong một đêm đã tập trung soạn ba bài hát: "Xếp bút nghiên", "Mau về Nam" và "Gieo ánh sáng" để kịp thời cổ vũ cho phong trào này, còn được gọi là phong trào Xếp bút nghiên, rầm rộ kéo dài đến mãi tận ngày khởi nghĩa tháng 8.1945 cùng với sự ra đời của bài ca "Khúc khải hoàn" của ông mang đậm phong cách ngợi ca, hoành tráng... Tháng 5.1946, Lưu Hữu Phước được điều động ra Hà Nội, đầu tiên lãnh trách nhiệm thành lập Trung ương Nhạc viện (9.1946), sau đó ông cùng tập thể Hội Văn hoá Cứu quốc tản cư đi kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc. Ông được giao nhiệm vụ thành lập đội Thiếu nhi tuyên truyền xung phong, sau được đổi tên là Đoàn nhạc kịch Thiếu nhi kháng chiến thuộc Trung ương Nhạc viện. Đoàn đã lần lượt trình diễn một số vở ca kịch do ông sáng tác như "Con thỏ ngọc", "Diệt sói lang", "Phá mưu bù nhìn", "Hai chàng lưng gù" và "Hái hoa dâng Bác" nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh
  5. Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó Bác Hồ cho thành lập Trường Thiếu nhi Nghệ thuật và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được cử làm Giám đốc. Trong kháng chiến chống Pháp, vẫn ông là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị như "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch", "Đông Nam Á châu đại hợp xướng", "Tuổi hai mươi", "Thiếu nhi thế giới liên hoan", "Nông dân vươn mình", "Hăngri Máctanh", "Em yêu chị Rây-mông", "Cả cuộc đời về ta"... Sau kháng chiến chống Pháp, từ năm 1954 đến 1965, Lưu Hữu Phước được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Nghiên cứu Nhạc - Vũ thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hoá, sau đó làm Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và Múa, ngoài ra còn được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông đã có công tổ chức các nhạc sĩ đi thực tế sưu tầm dân ca và đã cho ra đời công trình nghiên cứu "Dân ca quan họ". Ông đã góp phần không nhỏ trong việc thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam đầu tiên của nước ta (nay là Nhạc viện Hà Nội), Trường Múa, Trường Sân khấu Điện ảnh, Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, trong đó có Dàn nhạc Giao hưởng đã biểu diễn thành công lừng lẫy tại thành phố Sài Gòn sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1975). Từ tháng 2.1965, Lưu Hữu Phước được cử đi B công tác, trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam vào thời điểm hết sức khốc liệt. Ông được cử làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng, sau đó Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hoá của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Dù ở cương vị lãnh đạo nào, ông vẫn không quên sự nghiệp âm nhạc thiêng liêng của mình. Lưu Hữu Phước đã sáng tác cho miền Nam một loạt các bài hát nổi tiếng như "Bài hát Giải phóng quân", "Giờ hành động",
  6. "Hành khúc giải phóng", "Xuống đường", "Tiến về Sài Gòn", đặc biệt "Giải phóng miền Nam" là một đỉnh cao của thể loại hành khúc của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông trở về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc (1978 - 1989), được phong học hàm Giáo sư và Viện sĩ thông tấn của Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức, được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc Quốc gia, Thành viên Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, ngoài ra còn là Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. GS. Lưu Hữu Phước là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, một trí thức lớn đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, đặc biệt đã để lại cho đất nước một di sản văn hoá âm nhạc vô cùng quý giá, xứng đáng là một trong những con chim đầu đàn của nền âm nhạc mới Việt Nam. Những tác phẩm của ông, đặc biệt là những bài hát lịch sử, những ca khúc cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có tác dụng to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc ta từ ngàn xưa đến nay, làm cho chúng ta hiểu một cách sâu sắc những giai đoạn quan trọng của cách mạng Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng hiều Huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất (1987) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996)./.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2