Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 1<br />
<br />
<br />
<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ<br />
Loạt bài<br />
Lịch sử hành chính Việt Nam<br />
<br />
<br />
Hồng Bàng<br />
<br />
An Dương Vương<br />
<br />
Bắc thuộc lần I (207 TCN - 40)<br />
<br />
Bắc thuộc lần II (43 - 541)<br />
<br />
Tiền Lý và Triệu Việt Vương (541 - 602)<br />
<br />
Bắc thuộc lần III (602 - 905)<br />
<br />
Tự chủ (905 - 938)<br />
<br />
Nhà Ngô (938 - 967)<br />
<br />
Nhà Đinh (968 - 980)<br />
<br />
Nhà Tiền Lê (980 - 1009)<br />
<br />
Nhà Lý (1009 - 1225)<br />
<br />
Nhà Trần (1225 - 1400)<br />
<br />
Nhà Hồ (1400 - 1407)<br />
<br />
Bắc thuộc lần IV (1407 - 1427)<br />
<br />
Lê sơ (1428 - 1527)<br />
<br />
Nam Bắc triều (1527 - 1592)<br />
<br />
Trịnh Nguyễn phân tranh (1593 - 1786)<br />
<br />
Nhà Tây Sơn (1778 - 1802)<br />
<br />
Nhà Nguyễn (thời độc lập) (1802 - 1884)<br />
<br />
Pháp thuộc (1884 - 1945)<br />
<br />
Thời kì Chiến tranh Đông Dương (1945 -<br />
1975)<br />
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa<br />
Việt Nam Cộng hòa<br />
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam<br />
<br />
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ<br />
1976)<br />
<br />
Xem thêm<br />
• Niên biểu lịch sử Việt Nam<br />
• Nam tiến<br />
• Phân cấp hành chính Việt Nam<br />
<br />
<br />
Hành chính Đại Việt thời Lê sơ, đặc biệt là sau những cải cách của Lê Thánh Tông, hoàn chỉnh hơn so với thời Lý<br />
và thời Trần, mang tính quan liêu và chuyên chế cao độ.<br />
Từ thời Lê Thánh Tông, có sự sắp xếp lại bộ máy nhằm tập trung quyền lực vào tay hoàng đế và kiểm soát chặt chẽ<br />
cấp địa phương. Bộ máy tổ chức thời Lê Thánh Tông là bộ máy quân chủ chuyên chế quan liêu được tổ chức khá<br />
chặt chẽ và hoàn chỉnh.<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 2<br />
<br />
<br />
Chính quyền trung ương<br />
Bộ máy chính quyền thời Lê Thái Tổ cơ bản theo mô hình thời Trần. Giúp việc trực tiếp cho hoàng đế là trung khu<br />
gồm các quan tả, hữu tướng quốc, tam thái (thái sư, thái uý, thái bảo), tam thiếu (thiếu sư, thiếu uý, thiếu bảo), tam<br />
tư (tư mã, tư không, tư khấu), bộc xạ. Dưới trung khu là hai ban văn, võ.<br />
Đứng đầu ban văn là quan đại hành khiển. Các bộ, ngành thuộc văn ban là bộ Lại, bộ Lễ, khu mật viện, hàn lâm viện,<br />
ngũ hình viện, ngự sử đài, quốc tử giám, quốc sử viện, nội thị sảnh, và các cơ quan khác gọi là quán, cục, hay ty.<br />
Đứng đầu các bộ là quan thượng thư.<br />
Đứng đầu ban võ là đại tổng quan. Tiếp đến là các chức đại đô đốc, đô tổng quản, tổng quản, tổng binh, tư mã. Ban<br />
võ gồm 6 quân điện tiền và 5 quân thiết đột.<br />
Tổng số quan lại thời Hồng Đức là 5.370 người, trong đó quan lại trong triều 2.755 người[1].<br />
<br />
<br />
Lục bộ<br />
Thời Lê Thái Tổ chỉ có 3 bộ: Lại, Lễ, Dân (tức Hộ Bộ). Đến năm 1466, Lê Thánh Tông tổ chức thành sáu bộ[2]:<br />
• Lại Bộ: Trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng và thăng quan tước;<br />
• Lễ Bộ: Trông coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, tiệc yến, học hành thi cử, đúc ấn tín, cắt giữ người coi giữ đình,<br />
chùa, miếu mạo;<br />
• Hộ Bộ: Trông coi công việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế kho tàng, thóc tiền và lương, bổng của quan,<br />
binh;<br />
• Binh Bộ: Trông coi việc binh chính, đặt quan trấn thủ nơi biên cảnh, tổ chức việc giữ gìn các nơi hiểm yếu và ứng<br />
phó các việc khẩn cấp;<br />
• Hình Bộ: Trông coi việc thi hành luật, lệnh, hành pháp, xét lại các việc tù, đày, kiện cáo;<br />
• Công bộ: Trông coi việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện thành trì và quản đốc thợ thuyền.<br />
Mỗi bộ có 1 viên Thượng thư và 2 Tả bộ thị lang và cơ quan thường trực là Vụ tư sảnh đứng đầu. Giám sát Lục bộ là<br />
Lục khoa tương ứng, gồm Lại khoa, Lễ khoa, Hộ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa. Đứng đầu các khoa là Đô<br />
cấp sự trung và Cấp sự trung. Giúp việc cho Lục bộ là Lục tự.<br />
<br />
<br />
Lục tự<br />
Gồm có:<br />
• Đại lý tự: cơ quan phụ trách hình án. Xét xong án chuyển sang Bộ Hình để tâu lên vua quyết định<br />
• Thái thường tự: cơ quan phụ trách lễ nghi, âm nhạc cung đình<br />
• Quang lộc tự: phụ trách hậu cần đồ lễ trong các buổi lễ của triều đình<br />
• Thái bộc tự: cơ quan phụ trách xe ngựa của vua và coi sóc chuồng ngựa của vua<br />
• Hồng lô tự: Tổ chức việc xướng danh những người đỗ trong kỳ thi đình; lo an táng đại thần qua đời và tiếp đón<br />
các ông hoàng ngoại quốc<br />
• Thượng bảo tự: Cơ quan coi việc đóng ấn vào quyển thi của các thí sinh thi Hội<br />
<br />
<br />
Các cơ quan chuyên môn<br />
Lê Thánh Tông tổ chức thêm một số cơ quan chuyên môn không lệ thuộc vào 6 Bộ, bao gồm:<br />
• Thông Chính ty: cơ quan phụ trách chuyển đạt giấy tờ của triều đình xuống và nhận đơn từ của nhân dân tâu lên<br />
vua. Đứng đầu là Thông chính sứ, trật Tòng tứ phẩm.<br />
• Quốc Tử Giám: cơ quan giáo dục cao nhất trong cả nước. Đây là trường đại học của triều đình có nhiệm vụ đào<br />
tạo nhân tài cho quốc gia. Đứng đầu là Tế tửu, trật chánh tứ phẩm.<br />
• Quốc sử viện: cơ quan chép sử của triều đình. Nhà vua nói gì, làm gì, sử quan đều phải ghi chép cẩn thận và trung<br />
thực. Đứng đầu là Quốc sử viện Tu soạn, trật chánh bát phẩm<br />
• Khuyến nông và Hà đê xứ: Hai cơ quan coi việc nông nghiệp và trông nom về thủy lợi.<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 3<br />
<br />
<br />
Chính quyền địa phương<br />
Năm 1428, Lê Lợi khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Thuận Thiên (tuân theo Trời), chia đất nước thành 5 đạo: Đông,<br />
Tây, Nam, Bắc (đều ở vùng Bắc bộ) và Hải Tây (từ Thanh Hóa trở vào). Dưới đạo là trấn, dưới trấn là lộ, dưới lộ là<br />
châu và huyện. Cấp hành chính địa phương thấp nhất là xã. Xã lại chia làm đại xã, trung xã và tiểu xã tùy theo số<br />
dân.<br />
Đứng đầu chính quyền các đạo là chức hành khiển (phụ trách cả dân sự lẫn quân sự). Đứng đầu các trấn là các an<br />
phủ sứ, các lộ là tuyên phủ sứ, các châu, huyện là tri châu hay tri huyện, các xã là xã quan (từ thời Lê Thánh Tông<br />
đổi thành xã trưởng).<br />
Đến năm Quang Thuận thứ 5 (1464) thời vua Lê Thánh Tông, Đại Việt được chia thành 1 phủ và 12 đạo "thừa<br />
tuyên"; năm 1490 đổi gọi phần lớn các "thừa tuyên" là "xứ"; sang thời Lê Uy Mục và Lê Tương Dực đổi gọi các đơn<br />
vị cấp cao nhất là "trấn". Các đơn vị hành chính cao nhất gồm gồm: Phủ Trung Đô (phủ Phụng Thiên), Thanh Hóa,<br />
Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường (Sơn Nam), Hải Dương (Nam Sách), Sơn Tây (Quốc Oai), Bắc Giang (Kinh<br />
Bắc), An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên (Ninh Sóc), Lạng Sơn. Từ năm 1471 mở rộng đất đai phía<br />
nam, đặt thêm thừa tuyên Quảng Nam. Tuy địa giới có một số điều chỉnh và riêng Sơn Tây không còn là đơn vị cấp<br />
cao nhất, một nửa trong số các đơn vị hành chính lớn nhất thời kỳ này (Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc<br />
Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam) có tên gọi được dùng làm tên các đơn vị hành chính lớn<br />
nhất (tỉnh) của Việt Nam hiện nay[3].<br />
Bộ máy chính quyền của mỗi đạo thừa tuyên gồm 3 ty: đô tổng binh sứ ty (phụ trách quân sự), thừa tuyên ty (phụ<br />
trách các việc dân sự), hiến sát ty (phụ trách các việc thanh tra, giám sát).<br />
Các quan địa phương được ban ngạch cao nhất là chánh tứ phẩm, hưởng lương 48 quan mỗi năm. Tổng số quan lại<br />
địa phương thời Hồng Đức là 2.615 người.<br />
Cụ thể về các đơn vị như sau:<br />
<br />
<br />
Phủ Trung Đô/Phụng Thiên<br />
Tức trung tâm Hà Nội hiện nay. Năm 1466 đổi là Phủ Trung Đô, từ năm 1469 được đổi tên thành phủ Phụng Thiên.<br />
Gồm có 2 huyện:<br />
• Quảng Đức: là huyện phụ quách kinh thành.<br />
• Vĩnh Xương, sau đổi là Thọ Xương.<br />
<br />
<br />
Thiên Trường/Sơn Nam<br />
Vốn có tên là thừa tuyên Thiên Trường, năm 1469 đổi thành thừa tuyên Sơn Nam. Năm 1490 đổi làm xứ Sơn Nam,<br />
sang đời Lê Uy Mục lại gọi là trấn Sơn Nam. Gồm có[4]:<br />
• Phủ Thường Tín: gồm các huyện Thanh Trì (nay là một phần huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai, một phần quận<br />
Hai Bà Trưng, quận Đống Đa và quận Thanh Xuân Hà Nội), Thượng Phúc (huyện Thường Tín và một phần<br />
huyện Thanh Trì, Hà Nội hiện nay), Phù Vân (đến thời Lê Chiêu Tông đổi là huyện Phú Nguyên, nay là huyện<br />
Phú Xuyên, Hà Nội)<br />
• Phủ Ứng Thiên, gồm có các huyện: Thanh Oai (nay là huyện Thanh Oai và một phần quận Hà Đông, Hà Nội),<br />
Chương Đức (tức huyện Chương Mỹ và một phần quận Hà Đông, Hà Nội), Sơn Minh (tức huyện Ứng Hòa, Hà<br />
Tây cũ), Hoài An (phần nam huyện Ứng Hòa và một phần huyện Mỹ Đức, Hà Nội).<br />
• Phủ Lý Nhân: tương đương tỉnh Hà Nam hiện nay; gồm các huyện: Nam Xang (huyện Lý Nhân và một phần<br />
thành phố Phủ Lý, Hà Nam hiện nay), Kim Bảng (Kim Bảng hiện nay), Duy Tiên (Duy Tiên hiện nay), Thanh<br />
Liêm (Thanh Liêm và một phần thành phố Phủ Lý hiện nay), Bình Lục (Bình Lục hiện nay).<br />
• Phủ Khoái Châu: gồm các huyện Đông Yên (nay là huyện Khoái Châu thuộc Hưng Yên), Kim Động (huyện Kim<br />
Động và một phần thành phố Hưng Yên hiện nay), Tiên Lữ (huyện Tiên Lữ và một phần thành phố Hưng Yên<br />
hiện nay), Thiên Thi (Ân Thi hiện nay), Phù Dung (Phù Cừ hiện nay).<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 4<br />
<br />
<br />
• Phủ Thiên Trường (một phần Nam Định hiện nay): gồm các huyện Tây Chân (Nam Trực, Trực Ninh và một phần<br />
thành phố Nam Định hiện nay), Giao Thủy (Giao Thủy và Xuân Trường hiện nay), Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc và<br />
một phần thành phố Nam Định hiện nay), Thượng Nguyên (nam Mỹ Lộc hiện nay).<br />
• Phủ Nghĩa Hưng (tức phủ Kiến Hưng thời Trần, một phần Nam Định hiện nay): gồm các huyện Đại An (Nghĩa<br />
Hưng hiện nay), Vọng Doanh (nam Ý Yên hiện nay), Thiên Bản (Vụ Bản hiện nay), Ý Yên (bắc Ý Yên hiện nay)<br />
• Phủ Thái Bình (một phần tỉnh Thái Bình hiện nay): gồm các huyện Thụy Anh (phía bắc huyện Thái Thụy hiện<br />
nay), Phụ Dực (phía đông huyện Quỳnh Phụ hiện nay), Quỳnh Côi (phía tây huyện Quỳnh Phụ hiện nay), Đông<br />
Quan (một phần huyện Đông Hưng hiện nay).<br />
• Phủ Tân Hưng (Long Hưng thời Trần, phía tây bắc Thái Bình hiện nay): gồm các huyện: Ngự Thiên (một phần<br />
huyện Hưng Hà hiện nay), Duyên Hà (một phần huyện Hưng Hà hiện nay), Thần Khê (một phần huyện Đông<br />
Hưng và thành phố Thái Bình hiện nay), Thanh Lan (phía nam huyện Thái Thụy hiện nay).<br />
• Phủ Kiến Xương (nam Thái Bình hiện nay) gồm các huyện: Thư Trì (một phần huyện Vũ Thư và thành phố Thái<br />
Bình hiện nay), Vũ Tiên (một phần các huyện Vũ Thư và Kiến Xương hiện nay), Chân Định (một phần huyện<br />
Kiến Xương hiện nay).<br />
• Phủ Trường Yên (đông Ninh Bình hiện nay) gồm các huyện: Gia Viễn (phía đông Gia Viễn, huyện Hoa Lư và<br />
thành phố Ninh Bình hiện nay), Yên Mô (huyện Yên Mô và thị xã Tam Điệp hiện nay), Yên Khang (Yên Khánh<br />
hiện nay).<br />
• Phủ Thiên Quan (tây Ninh Bình hiện nay) gồm các huyện Phụng Hóa (Nho Quan hiện nay), Yên Hóa (tây Gia<br />
Viễn hiện nay), Lạc Thổ (các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy và Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình hiện nay).<br />
<br />
<br />
Bắc Giang/Kinh Bắc<br />
Thời Lê Thái Tông vốn là 2 đạo Bắc Giang thượng và Bắc Giang hạ, năm 1466 đổi là thừa tuyên Bắc Giang, năm<br />
1469 đổi là thừa tuyên Kinh Bắc, thời Lê Tương Dực đổi là trấn Kinh Bắc. Gồm có các phủ[5]:<br />
• Phủ Từ Sơn gồm các huyện Đông Ngàn (sau là huyện Từ Sơn, nay là thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và một phần<br />
các huyện Đông Anh, Gia Lâm của Hà Nội và huyện Kim Anh của tỉnh Phúc Yên cũ, tức là một phần huyện Sóc<br />
Sơn, Hà Nội hiện nay), Yên Phong (huyện Yên Phong và một phần thành phố Bắc Ninh hiện nay), Tiên Du<br />
(huyện Tiên Du, một phần thành phố Bắc Ninh và một phần huyện Gia Lâm hiện nay), Võ Giàng (một phần<br />
huyện Quế Võ và một phần thành phố Bắc Ninh hiện nay), Quế Dương (một phần Quế Võ hiện nay).<br />
• Phủ Thuận An gồm các huyện: Gia Lâm (quận Long Biên và một phần huyện Gia Lâm, Hà Nội hiện nay), Siêu<br />
Loại (huyện Thuận Thành hiện nay), Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên và xã Kim Lan, huyện Gia Lâm,<br />
Hà Nội hiện nay), Gia Định (huyện Gia Bình hiện nay).<br />
• Phủ Bắc Hà gồm các huyện: Tân Phúc (Đa Phúc cũ, một phần Sóc Sơn hiện nay), Kim Hoa (một phần Sóc Sơn<br />
hiện nay), Hiệp Hòa (Hiệp Hòa hiện nay), Yên Việt (Việt Yên hiện nay).<br />
• Phủ Lạng Giang gồm các huyện Phượng Nhãn (một phần Yên Dũng hiện nay), Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng, tỉnh<br />
Lạng Sơn hiện nay), Bảo Lộc (Lạng Giang hiện nay), Yên Thế (Yên Thế và Tân Yên hiện nay), Lục Ngạn (Lục<br />
Ngạn và Lục Nam hiện nay).<br />
<br />
<br />
Quốc Oai / Sơn Tây<br />
Vốn là lộ Quốc Oai thượng, trung và hạ thời Lê Thái Tổ, năm 1466 đổi là thừa tuyên Quốc Oai, năm 1469 đổi là thừa<br />
tuyên Sơn Tây, năm 1490 đổi là xứ Sơn Tây, thời Lê Tương Dực đổi là trấn Sơn Tây. Gồm các phủ[6]:<br />
• Phủ Quốc Oai gồm các huyện: Từ Liêm (quận Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần quận Thanh Xuân và<br />
một phần huyện Từ Liêm hiện nay), Thạch Thất (Thạch Thất hiện nay), Đan Phượng (huyện Đan Phượng và một<br />
phần huyện Từ Liêm hiện nay), Mỹ Lương (Mỹ Đức, Hà Nội và Lương Sơn, Hòa Bình hiện nay), Phúc Lộc<br />
(huyện Phúc Thọ và một phần thị xã Sơn Tây hiện nay).<br />
• Phủ Tam Đái gồm có các huyện: Yên Lãng (thị xã Phúc Yên hiện nay), Yên Lạc (Yên Lạc hiện nay), Bạch Hạc<br />
(Vĩnh Tường hiện nay), Lập Thạch (các huyện Lập Thạch và Sông Lô hiện nay), Phù Ninh (huyện Phù Ninh, một<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 5<br />
<br />
<br />
phần thị xã Phú Thọ và một phần thành phố Việt Trì hiện nay).<br />
• Phủ Thao Giang gồm các huyện Sơn Vi (Lâm Thao hiện nay), Thanh Ba (Thanh Ba hiện nay), Hoa Khê (Cẩm<br />
Khê hiện nay), Hạ Hòa (Hạ Hòa hiện nay), Tam Nông (Tam Nông hiện nay).<br />
• Phủ Đoan Hùng gồm các huyện Đông Lan (Lê Hiến Tông đổi là Đông Quan, tương đương khu vực ngã ba sông<br />
Lô và sông Chảy hiện nay), Tây Quan (hữu ngạn sông Lô cạnh Phù Ninh hiện nay), Sơn Dương (Sơn Dương<br />
thuộc Tuyên Quang hiện nay), Đương Đạo (đông bắc Sơn Dương hiện nay), Tam Dương (các huyện Tam Dương<br />
và Tam Đảo, Vĩnh Phúc hiện nay).<br />
• Phủ Quảng Oai gồm các huyện Ma Nghĩa (đến Lê Chiêu Tông đổi là Minh Nghĩa, tức một phần thị xã Sơn Tây<br />
và một phần Ba Vì, Hà Nội hiện nay), Tân Phong (một phần Ba Vì hiện nay).<br />
<br />
<br />
Nam Sách/Hải Dương<br />
Vốn là lộ Nam Sách thượng và Nam Sách hạ, năm 1466 gộp vào là thừa tuyên Nam Sách, năm 1469 đổi là thừa<br />
tuyên Hải Dương. Gồm các phủ[7]:<br />
• Phủ Thượng Hồng gồm các huyện: Đường Hào (Mỹ Hào, Hưng Yên hiện nay), Đường Yên (Bình Giang, Hải<br />
Dương hiện nay), Cẩm Giàng (huyện Cẩm Giàng và một phần thành phố Hải Dương hiện nay), Thanh Miện<br />
(Thanh Miện hiện nay), Tứ Kỳ (Tứ Kỳ hiện nay), Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo, Hải Phòng hiện nay).<br />
• Phủ Nam Sách gồm các huyện: Thanh Lâm (huyện Nam Sách và một phần thành phố Hải Dương, Hải Dương<br />
hiện nay), Chí Linh (Chí Linh hiện nay), Thanh Hà (huyện Thanh Hà và một phần thành phố Hải Dương hiện<br />
nay), Tiên Minh (Tiên Lãng, Hải Phòng hiện nay).<br />
• Phủ Kinh Môn gồm các huyện: Giáp Sơn (Kinh Môn hiện nay), Đông Triều (huyện Đông Triều và thành phố<br />
Uông Bí hiện nay), An Lão (An Lão hiện nay), Nghi Dương (Kiến Thụy hiện nay), Kim Thành (Kim Thành hiện<br />
nay), Thủy Đường (Thủy Nguyên hiện nay), An Dương (huyện An Dương và quận Hải An hiện nay).<br />
<br />
<br />
An Bang<br />
Thời Lê Thái Tổ là An Bang thuộc Đông Đạo, từ năm 1466 là thừa tuyên An Bang, năm 1490 gọi là xứ An Bang,<br />
thời Lê Tương Dực đổi là trấn An Bang. Gồm có 1 phủ[8]:<br />
• Phủ Hải Đông gồm các huyện: Hoành Bồ (huyện Hoành Bồ và một phần thành phố Hạ Long hiện nay), Yên<br />
Hưng (thị xã Quảng Yên và một phần thành phố Hạ Long hiện nay), Hoa Phong (Cát Hải hiện nay) và các châu:<br />
Tiên Yên (huyện Tiên Yên hiện nay), Vạn Ninh (Móng Cái hiện nay), Vĩnh An (thuộc Quảng Tây, Trung Quốc<br />
hiện nay), Vân Đồn (cù lao Lợn Lòi phía đông vịnh Bái Tử Long).<br />
<br />
<br />
Lạng Sơn<br />
Thời Lê Thái Tổ thuộc Bắc Đạo, năm 1466 đặt thừa tuyên Lạng Sơn, năm 1490 đổi là xứ Lạng Sơn, thời Lê Tương<br />
Dực đổi là trấn Lạng Sơn. Gồm 1 phủ[9]:<br />
• Phủ Trùng Khánh (tỉnh Lạng Sơn hiện nay) gồm các châu: Thất Nguyên (huyện Tràng Định hiện nay), Văn Uyên<br />
(huyện Văn Lãng hiện nay), Văn Lan (một phần Chi Lăng và Văn Quan hiện nay), Ôn (một phần Chi Lăng hiện<br />
nay), Lộc Bình (Lộc Bình và Cao Lộc hiện nay), An Bác (Sơn Động, Bắc Giang hiện nay).<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 6<br />
<br />
<br />
Thái Nguyên/Ninh Sóc<br />
Thời Lê Thái Tổ thuộc Bắc đạo, năm 1466 đặt thừa tuyên Thái Nguyên, năm 1469 đổi là thừa tuyên Ninh Sóc. Gồm<br />
các phủ[10]:<br />
• Phủ Phú Bình gồm các huyện Phổ Yên (Phổ Yên hiện nay), Đại Từ (Đại Từ hiện nay), Tư Nông (Phú Bình hiện<br />
nay), Bình Nguyên (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc hiện nay), Đồng Hỷ (Đồng Hỷ hiện nay), Văn Lãng (Văn Lãng,<br />
Lạng Sơn hiện nay), Võ Nhai (Võ Nhai hiện nay) và châu Định Hóa (huyện Định Hóa hiện nay).<br />
• Phủ Thông Hóa (tỉnh Bắc Kạn hiện nay) gồm huyện Cảm Hóa (Ngân Sơn và Na Rì hiện nay) và châu Bạch<br />
Thông (thị xã Bắc Kạn, các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Chợ Mới hiện nay).<br />
• Phủ Cao Bình, vốn là phủ Bắc Bình (tỉnh Cao Bằng hiện nay) gồm các châu: Thạch Lâm (Hòa An, Nguyên Bình<br />
và Thạch An hiện nay), Quảng Uyên (Quảng Uyên và Phục Hòa hiện nay), Thượng Lang (Trà Lĩnh và Trùng<br />
Khánh hiện nay), Hạ Lang (Hạ Lang hiện nay).<br />
<br />
<br />
Tuyên Quang<br />
Thời Lê Thái Tổ thuộc Tây đạo, năm 1466 đặt thừa tuyên Tuyên Quang, năm 1490 đổi là xứ Tuyên Quang, thời Lê<br />
Tương Dực đổi là trấn Minh Thuận. Gồm có 1 phủ[11]:<br />
• Phủ Yên Bình gồm huyện Phúc Yên (Yên Sơn và Hàm Yên hiện nay), và các châu: Vị Xuyên (Vị Xuyên và<br />
Hoàng Su Phì thuộc tỉnh Hà Giang hiện nay), Thu Vật (Yên Bình thuộc Yên Bái hiện nay), Đại Man (Chiêm Hóa<br />
hiện nay), Bảo Lạc (Bảo Lạc thuộc Cao Bằng hiện nay).<br />
<br />
<br />
Hưng Hóa<br />
Thời Lê Thái Tổ là 2 lộ Gia Hưng và Quy Hóa thuộc Tây đạo, năm 1466 đặt thừa tuyên Hưng Hóa, năm 1490 đổi là<br />
xứ Hưng Hóa, thời Lê Tương Dực đổi là trấn Hưng Hóa. Gồm các phủ:<br />
• Phủ Gia Hưng gồm các huyện: Thanh Nguyên (Tân Sơn, Thanh Sơn và Thanh Thủy thuộc Phú Thọ hiện nay),<br />
Phù Hoa (Phù Yên thuộc Sơn La hiện nay), Mai Châu (nam Mai Châu thuộc Hòa Bình hiện nay), Mộc Châu<br />
(phần còn lại của Mai Châu thuộc Hòa Bình và Mộc Châu thuộc Sơn La hiện nay), Việt Châu (Yên Châu và Bắc<br />
Yên hiện nay), Thuận Châu (Thuận Châu hiện nay).<br />
• Phủ Quy Hóa gồm các huyện: Văn Chấn (Văn Chấn thuộc Yên Bái hiện nay), Yên Lập (Yên Lập thuộc Phú Thọ<br />
hiện nay), Trấn Yên (Trấn Yên thuộc Yên Bái hiện nay), Văn Bàn (Văn Bàn thuộc Lào Cai hiện nay), Thủy Vĩ<br />
(thành phố Lào Cai hiện nay).<br />
• Phủ An Tây gồm các châu: Chiêu Tấn (thị xã Lai Châu, các huyện Tam Đường và Phong Thổ hiện nay), Quỳnh<br />
Nhai (Quỳnh Nhai thuộc Sơn La hiện nay), Lai (thị xã Mường Lay và huyện Mường Tè hiện nay), Luân (giữa<br />
Quỳnh Nhai và Tuần Giáo hiện nay).<br />
<br />
<br />
Thanh Hóa<br />
Thời Lê Thái Tổ thuộc đạo Hải Tây, thời Lê Thái Tông gồm 6 phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia, Thanh Đô,<br />
Trường Yên, Thiên Quan; năm 1466 đặt thừa tuyên Thanh Hóa; năm 1490 đổi là xứ Thanh Hóa, Lê Tương Dực đổi<br />
là trấn Thanh Hóa. Gồm các phủ[12]:<br />
• Phủ Thiệu Thiên (Thiệu Hóa) gồm các huyện Thụy Nguyên (từng mang tên Ứng Thụy và Lương Giang, tức phía<br />
Bắc huyện Thiệu Hóa, phía Bắc huyện Thọ Xuân và phần lớn huyện Ngọc Lặc hiện nay), Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc<br />
hiện nay), Đông Sơn (huyện Đông Sơn và một phần huyện Thiệu Hóa, một phần thành phố Thanh Hóa hiện nay),<br />
Lôi Dương (một phần các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa và Thường Xuân hiện nay), Yên Định (Yên<br />
Định hiện nay), Cẩm Thủy, Thạch Thành (một phần Thạch Thành hiện nay), Bình Giang (tây bắc Thạch Thành<br />
hiện nay).<br />
• Phủ Hà Trung có các huyện: Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa và một phần thành phố Thanh Hóa hiện nay), Thuần<br />
Hựu (Hậu Lộc hiện nay), Tống Sơn (huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn hiện nay).<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 7<br />
<br />
<br />
• Phủ Tĩnh Gia có các huyện: Nông Cống (các huyện Như Xuân, Như Thanh, phần lớn huyện Nông Cống và một<br />
phần huyện Triệu Sơn hiện nay), Ngọc Sơn (huyện Tĩnh Gia và một phần huyện Nông Cống hiện nay), Quảng<br />
Xương (huyện Quảng Xương, thị xã Sầm Sơn và một phần thành phố Thanh Hóa hiện nay).<br />
• Phủ Thanh Đô có huyện Thọ Xuân (phần lớn huyện Thường Xuân hiện nay, khác với huyện Thọ Xuân hiện<br />
tại[13]) và các châu: Quan Gia (gần biên giới Lào hiện nay), Tầm (tây bắc Quan Hóa hiện nay), Lang Chánh (Lang<br />
Chánh hiện nay), Sầm (Sầm Nưa thuộc Lào hiện nay[14]).<br />
<br />
<br />
Nghệ An<br />
Thời Lê Thái Tổ thuộc đạo Hải Tây, năm 1466 đặt thừa tuyên Nghệ An, năm 1490 đổi là xứ Nghệ An, Lê Tương<br />
Dực đổi làm trấn Nghệ An. Tương đương tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay, gồm các phủ[15]:<br />
• Phủ Diễn Châu gồm các huyện Đông Thành (Diễn Châu và Yên Thành hiện nay), Quỳnh Lưu (huyện Quỳnh Lưu,<br />
một phần huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa hiện nay).<br />
• Phủ Anh Đô gồm các huyện: Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên và một phần thành phố Vinh hiện nay), Nam<br />
Đường (Anh Sơn và Nam Đàn hiện nay).<br />
• Phủ Đức Quang gồm các huyện Thiên Lộc (huyện Can Lộc, một phần huyện Lộc Hà và một phần thị xã Hồng<br />
Lĩnh hiện nay), Chân Phúc (huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và một phần thành phố Vinh hiện nay), Thanh<br />
Chương (Thanh Chương hiện nay), Hương Sơn (các huyện Hương Sơn, Hương Khê và một phần huyện Vũ Quang<br />
hiện nay), Nghi Xuân (Nghi Xuân hiện nay).<br />
• Phủ Hà Hoa gồm các huyện Thạch Hà (thành phố Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà và một phần huyện Lộc Hà hiện<br />
nay), Kỳ Hoa (Kỳ Anh và Cẩm Xuyên hiện nay).<br />
• Phủ Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu hiện nay), gồm các huyện Thúy Vân và Trung Sơn.<br />
• Phủ Trà Lân gồm 4 huyện Tương Dương (Tương Dương, Nghệ An hiện nay), Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An hiện<br />
nay), Vĩnh Khang (một phần Tương Dương, Nghệ An hiện nay), Hội Nguyên (tả ngạn sông Lam từ Thanh<br />
Chương đến cửa Rào).<br />
• Phủ Ngọc Ma gồm có châu Trịnh Cao (châu gồm 12 động) thuộc Lào hiện nay.<br />
• Phủ Lâm An chỉ có 1 châu Quỳ Hợp gồm 12 động và 11 sách, vốn là đất Bồn Man nay khoảng huyện Hương Khê<br />
Hà Tĩnh và huyện Nakai Khăm Muộn của Lào, đầu nguồn của sông Ngàn Sâu[16]<br />
• Phủ Trấn Biên: thuộc đất Lào hiện nay.<br />
• Phủ Trấn Ninh: là đất Bồn Man, nhập vào Đại Việt từ thời Lê Thánh Tông, gồm 7 huyện: Quang Vinh, Minh<br />
Quảng, Cảnh Thuần, Kim Sơn Thanh Vị, Châu Lang, Trung Thuận, đều thuộc Lào hiện nay.<br />
<br />
<br />
Thuận Hóa<br />
Thời Lê Thái Tổ là hai lộ Tân Bình và Thuận Hóa thuộc đạo Hải Tây, năm 1466 đặt thừa tuyên Thuận Hóa, năm<br />
1490 đổi là xứ Thuận Hóa, Lê Tương Dực đổi là trấn Thuận Hóa. Gồm các phủ[17]:<br />
• Phủ Tân Bình: gồm các huyện Kiến Lộc (Quảng Ninh, Quảng Bình hiện nay), Lệ Thủy (Lệ Thủy hiện nay), Minh<br />
Linh (Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc Quảng Trị hiện nay) và châu Bố Chính (Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa,<br />
Minh Hóa tỉnh Quảng Bình hiện nay).<br />
• Phủ Triệu Phong gồm các huyện Vũ Xương (Triệu Phong hiện nay), Hải Lăng (Hải Lăng hiện nay), Đan Điền<br />
(Quảng Điền và một phần Phong Điền hiện nay), Kim Trà (Hương Trà và một phần Phong Điền hiện nay), Tư<br />
Vang (Hương Thủy và Phú Lộc hiện nay), Điện Bàn (Điện Bàn thuộc Quảng Nam hiện nay).<br />
• Châu Tỉnh An thuộc Lào hiện nay.<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ 8<br />
<br />
<br />
Quảng Nam<br />
Năm 1471, vùng đất phía Nam Thuận Hóa mới chiếm được từ Chiêm Thành được đặt thành đạo thừa tuyên thứ 13,<br />
gọi là Quảng Nam. Gồm các phủ[18]:<br />
• Thăng Hoa gồm các huyện Lê Giang (Thăng Bình hiện nay), Hà Đông (Tam Kỳ hiện nay), Duy Xuyên (Duy<br />
Xuyên hiện nay).<br />
• Phủ Tư Nghĩa gồm các huyện Nghĩa Giang (Tư Nghĩa và một phần Nghĩa Hành hiện nay), Mộ Hoa (Mộ Đức và<br />
một phần Đức Phổ hiện nay).<br />
• Phủ Hoài Nhơn gồm các huyện Bồng Sơn (thị trấn Bồng Sơn và một phần huyện Hoài Ân hiện nay), Phù Ly (Phù<br />
Mỹ và Phù Cát hiện nay), Tuy Viễn (An Nhơn và Tuy Phước hiện nay).<br />
<br />
<br />
Tham khảo<br />
• Trương Hữu Quýnh chủ biên (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.<br />
• Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, NXB Khoa học xã hội<br />
• Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Văn hóa thông tin<br />
<br />
<br />
Chú thích<br />
[1] Viện Sử học, sách đã dẫn, tr 154<br />
[2] Viện sử học, sách đã dẫn, tr 149-150<br />
[3] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 172-173<br />
[4] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 174-179<br />
[5] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 179-180<br />
[6] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 181-183<br />
[7] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 183-185<br />
[8] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 186<br />
[9] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 187<br />
[10] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 191-192<br />
[11] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 190-191<br />
[12] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 193-196<br />
[13] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 195<br />
[14] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 196<br />
[15] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 196-198<br />
[16] Đại Nam nhất thống chí, quyển 26, trang 255.<br />
[17] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 200-201<br />
[18] Đào Duy Anh, sách đã dẫn, tr 201-203<br />
Nguồn và người đóng góp vào bài 9<br />
<br />
<br />
<br />
Nguồn và người đóng góp vào bài<br />
Hành chính Việt Nam thời Lê sơ Nguồn: http://vi.wikipedia.org/w/index.php?oldid=16212750 Người đóng góp: ASM, Ashitagaarusa, Bình Giang, Hungda, Trungda, 6 sửa đổi vô danh<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Nguồn, giấy phép, và người đóng góp vào hình<br />
Hình:Viet Nam Trong.png Nguồn: http://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Tập_tin:Viet_Nam_Trong.png Giấy phép: Creative Commons Attribution-ShareAlike 3.0 Unported Người đóng<br />
góp: Original uploader was DHN at en.wikipedia<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Giấy phép<br />
Creative Commons Attribution-Share Alike 3.0<br />
//creativecommons.org/licenses/by-sa/3.0/<br />