JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 25-30<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0055<br />
<br />
HÀNH TRÌNH SỐNG HAY LÀ SỰ HÌNH THÀNH CỦA CỔ MẪU MẸ<br />
TRONG CHÙM NHO PHẪN NỘ CỦA JOHN STEINBECK<br />
Nguyễn Thị Thu Hằng<br />
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế<br />
Tóm tắt. Ở bài viết này, chúng tôi phân tích mối liên hệ giữa cổ mẫu Mẹ và Hành trình<br />
sống của gia đình Joad để hiểu được đặc điểm của cổ mẫu Mẹ tạo sinh trong Chùm nho<br />
phẫn nộ của John Steinbeck. Hành trình sống là quá trình hình thành và khẳng định vai trò<br />
quan trọng của cổ mẫu Mẹ. Mặt khác, sự hình thành của cổ mẫu Mẹ cũng là một quy luật<br />
tất yếu, tựa như sự vận hành của vũ trụ.<br />
Từ khóa: Hành trình sống, cổ mẫu Mẹ, John Steinbeck, Chùm nho phẫn nộ. . .<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Trong phê bình văn học, “các mô hình trần thuật, các loại hành động, các kiểu nhân vật, các<br />
chủ đề và các hình ảnh lặp lại được nhận diện trong hàng loạt tác phẩm văn học, cũng như trong<br />
các huyền thoại, các giấc mơ và thậm chí trong các nghi lễ xã hội” [4;15] được xem là cổ mẫu. Là<br />
biểu tượng phổ quát, hiện hữu trong tâm thức của nhân loại, cổ mẫu liên tục được tái sinh trong<br />
các sáng tác văn chương. Trong thế giới cổ mẫu của văn chương nhân loại, từ Kinh Thánh, Thần<br />
thoại Hy Lạp cho đến những tác phẩm văn học hiện đại, có thể nói, Mẹ là một cổ mẫu nhân vật<br />
sớm xuất hiện và giữ vị trí quan trọng. Mỗi áng văn (chứa đựng cổ mẫu Mẹ) không chỉ thừa hưởng<br />
các đặc điểm vốn có của cổ mẫu Mẹ mà còn tạo sinh cho nó những nét nghĩa mới mẻ, độc đáo.<br />
Ở Chùm nho phẫn nộ, cổ mẫu Mẹ được khắc họa với những đặc điểm chung của cổ mẫu<br />
Mẹ trong tâm thức nhân loại. Điều đó được thể hiện rõ qua cổ mẫu Mẹ thế giới và cổ mẫu Mẹ gia<br />
đình. Bên cạnh đó, John Steinbeck còn kiến tạo những đặc điểm riêng của cổ mẫu Mẹ (cổ mẫu<br />
Mẹ tạo sinh) làm nên bản sắc của cổ mẫu Mẹ trong tác phẩm. Ở bài viết này, chúng tôi tập trung<br />
tìm hiểu mối liên hệ giữa cổ mẫu Mẹ và Hành trình sống như là một trong những đặc điểm của cổ<br />
mẫu Mẹ tạo sinh. Đó là sự gắn kết giữa cổ mẫu Mẹ và Hành trình sống của những con người đói<br />
khổ, không nơi nương tựa.<br />
<br />
2.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
<br />
“Hành trình” là một cổ mẫu được hình thành từ xa xưa trong tâm thức nhân loại. Mẫu gốc<br />
nguyên thủy của nó có thể kể đến là Hành trình của những người Do Thái từ Ai Cập đến Canaan<br />
(Miền Đất Hứa). Kinh Thánh đã ghi lại sự kiện này như sau: một lần trong khi Moses dẫn cừu đi<br />
Ngày nhận bài: 5/1/2016. Ngày nhận đăng: 25/5/2016<br />
Liên hệ: Nguyễn Thị Thu Hằng, e-mail: hangvsphue@gmail.com<br />
<br />
25<br />
<br />
Nguyễn Thị Thu Hằng<br />
<br />
sâu vào vùng núi thiêng Sinai, bỗng nhiên Thiên Chúa hiện ra ở giữa một bụi gai đang bốc cháy.<br />
Ngài nói với Moses: “Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta ở Ai Cập, nơi họ đang bị đối xử như nô<br />
lệ. Ta sẽ giải phóng chúng khỏi đất nước tàn bạo đó, và ban cho chúng một mảnh đất khác tốt lành,<br />
đượm sữa và mật. Vì thế, ngươi, Moses, phải dẫn dắt dân ta ra khỏi Ai Cập về Miền Đất Hứa”<br />
[3;36]. Trải qua bốn mươi năm ròng rã, Moses đã đưa người Do Thái đến Miền Đất Hứa, vùng đất<br />
hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Từ đó, cổ mẫu Hành trình được xem như là ước muốn thay đổi hiện<br />
tại, tìm kiếm những miền đất mới hoặc trở về với cội nguồn. Trên con đường đó, con người phải<br />
trải qua nhiều gian truân, khổ ải, thậm chí hi sinh mồ hôi, xương máu nhưng đích đến của Hành<br />
trình luôn hứa hẹn những giá trị tốt đẹp.<br />
Giống như những người Do Thái hành hương đến Miền Đất Hứa, những người nông dân<br />
trong Chùm nho phẫn nộ phải đi tìm một Miền Đất Hứa cho riêng mình. Là một nhà văn của thời<br />
đại khủng hoảng, Steinbeck được tận mắt chứng kiến “dòng suối người tị nạn” khắp nơi di tản về<br />
miền tây. Tiếp nối “truyền thống viết về sự di chuyển” trong văn học phương tây, ông đã tái hiện<br />
cuộc trốn chạy của những con người bất hạnh. Họ là nạn nhân của cuộc Đại Suy Thoái (The Great<br />
Depression) những năm 1930: mùa màng thất bát, nợ nần chồng chất cùng với công cuộc cơ khí<br />
hóa nông nghiệp đã khiến người nông dân mất đi ruộng đất và bị xua đuổi khỏi quê hương xứ<br />
sở. Những người vô gia cư buộc phải lìa xa mảnh đất gắn liền với quá khứ của họ, tổ tiên của họ,<br />
nơi họ đã trải qua “những năm tháng lụt lội, những năm tháng mưa lũ và những năm tháng khô<br />
hạn”, để tiếp tục Hành trình sống nhọc nhằn với ước mơ có thể bắt đầu làm lại ở một miền đất<br />
mới, “miền đất trù phú. . . tại California, bốn mùa hoa trái” [1;285]. Trên Hành trình đến Đất Hứa<br />
California, những người di cư “đã trải qua bao nhiêu chuyện lạ lùng, bao nhiêu chuyện đắng cay<br />
khốc liệt với bao nhiêu chuyện cao đẹp đến nỗi niềm tin luôn được thổi bùng lên, nhen lên mãi<br />
mãi” [1;256]. Xuất phát từ cổ mẫu Hành trình trong Kinh Thánh, Steinbeck đã tái tạo nên một cổ<br />
mẫu Hành trình mới. Đó là Hành trình sống của những người nông dân vô gia cư, mà cụ thể là<br />
Hành trình sống của gia đình Joad. Sở dĩ, chúng tôi gọi tên là Hành trình sống. Bởi vì mục đích<br />
của cuộc Hành trình này là duy trì sự sống, tìm kiếm sự sống. Những người nông dân rời bỏ quê<br />
hương xứ sở không phải để đi tìm một lý tưởng cao vợi, cũng không phải đi tìm một tình yêu thánh<br />
thiện, với họ, quan trọng và thiết thực nhất trong thời đại đầy biến động là giữ lấy sự sống cho bản<br />
thân và gia đình.<br />
Nổi bật trong đoàn người di tản đến miền tây là gia đình Joad. Cùng với hàng loạt gia đình<br />
bất hạnh khác, cả nhà Joad buộc phải rời bỏ mảnh đất cha ông để lại, tìm kiếm một vùng đất mới<br />
để duy trì sự sống. Nếu như trước đây, người lãnh đạo, người chỉ huy mọi cuộc Hành trình phần<br />
lớn là đàn ông thì giờ đây, trong thời buổi khủng hoảng, Steinbeck phát hiện thấy sức mạnh của<br />
người phụ nữ và để cho họ vươn lên nắm lấy vai trò quan trọng đó. Bởi lẽ, theo Steinbeck, phụ nữ<br />
dễ thay đổi hơn đàn ông. Họ dễ thích nghi và vững vàng trước những biến động của xã hội. Vì vậy,<br />
khi người đàn ông bị chao đảo, bất lực trước thực tại thì phụ nữ là người đứng lên nắm lấy quyền<br />
chỉ huy. Điều này đã được nhà văn thể hiện thành công qua nhân vật Ma Joad. Nhân vật này không<br />
có tên riêng, người kể chuyện gọi bà là Ma Joad [Ma (Mẹ) + họ của chồng] như một biểu tượng<br />
của người mẹ, người vợ. Nhân vật Ma Joad là một người mẹ, người phụ nữ lý tưởng (chứ không<br />
phải điển hình), với vẻ đẹp nữ tính, tình yêu thương, quyền năng sinh sản và nuôi dưỡng. . . Đó<br />
cũng là những đặc điểm ưu việt của cổ mẫu Mẹ trong tâm thức nhân loại. Ở Chùm nho phẫn nộ,<br />
Ma Joad còn là một người mẹ mạnh mẽ. Bằng sức mạnh của niềm tin và tình yêu thương, bà đã<br />
thay thế vị trí của người đàn ông, trở thành chỗ dựa vững chắc, “bức thành lũy” của gia đình Joad.<br />
Sự thay đổi vị trí trụ cột của gia đình, phẩm tính của nhân vật Ma Joad được đặt trong một hoàn<br />
cảnh hết sức đặc biệt. Đó là lúc gia đình Joad bị xua đuổi khỏi quê hương xứ sở, rong ruổi hàng<br />
tháng dài đến miền tây và tìm cách duy trì sự tồn tại ở vùng đất mới. Như vậy, cổ mẫu Mẹ trong<br />
tác phẩm được hình thành trên Hành trình sống của gia đình Joad.<br />
26<br />
<br />
Hành trình sống hay là sự hình thành của cổ mẫu Mẹ trong Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck<br />
<br />
Hành trình sống đó có thể khái quát qua ba giai đoạn và tương ứng với mỗi giai đoạn là<br />
từng bước hình thành cổ mẫu Mẹ trong tác phẩm: chuẩn bị cho Hành trình (Ma Joad bắt đầu ý<br />
thức được vị trí của mình trong gia đình); Hành trình đến miền đất hứa (Ma Joad dần dần khẳng<br />
định vai trò chỉ huy của mình); Hành trình trên miền đất hứa (Ma Joad là người chỉ huy, người dẫn<br />
đầu). Không giống như cuộc Hành trình của người Do Thái, đặt chân đến “Miền Đất Hứa” là hoàn<br />
tất hành trình, trong Chùm nho phẫn nộ, sau khi đến Miền Đất Hứa, Hành trình của gia đình Joad<br />
vẫn chưa dừng lại, họ vẫn tiếp tục di chuyển khắp nơi trong vùng California để kiếm miếng cơm<br />
manh áo, duy trì sự sống. Thậm chí đến cuối tác phẩm, cả nhà Joad vẫn tiếp tục di chuyển với hi<br />
vọng tìm được một nơi tốt đẹp hơn. Thiết nghĩ đâu phải Hành trình nào cũng mang lại kết quả tốt<br />
đẹp, mĩ mãn. Người Do Thái tìm thấy vùng đất đượm sữa và mật, còn người nông dân trong tác<br />
phẩm của Steinbeck vẫn không thoát khỏi cảnh đói rách, kì thị. Tình cảnh của gia đình Joad tiêu<br />
biểu cho số phận bi đát của những người nông dân vô gia cư trong thời kì Đại Suy Thoái. Trong<br />
hoàn cảnh đặc biệt ấy, vai trò của người mẹ càng được khẳng định và thể hiện xuyên suốt trên<br />
Hành trình sống. Ngay cả khi tác phẩm đã kết thúc thì Hành trình sống của gia đình Joad vẫn có<br />
thể tiếp tục trong tâm tưởng của bạn đọc.<br />
Ở giai đoạn chuẩn bị cho Hành trình, thực ra lúc này gia đình Joad đã bị xua đuổi khỏi ngôi<br />
nhà của họ, mảnh đất của họ và đến ở tạm nhà chú John. Vào trước ngày ra đi, nhà Joad bán đồ đạc<br />
và họp gia đình. Đây cũng là thời điểm nhân vật Ma Joad bắt đầu ý thức được vai trò của mình.<br />
Khi Casy rụt rè ngỏ ý muốn đi cùng với gia đình Joad đến miền tây, Mẹ nhìn Tom, “nhường lời cho<br />
anh vì anh là đàn ông, nhưng Tom không lên tiếng” [1;198]. Bà chờ anh con trai sử dụng quyền<br />
của mình, thế nhưng Tom đã tự đánh mất quyền quyết định và Mẹ là người thay thế anh. Bà nói với<br />
Casy bằng tấm lòng hào hiệp, chân thành: “Ồ, sao ông lại hỏi thế, có ông đi với chúng tôi, đấy là<br />
một vinh dự” [1;198]. Tuy nhiên, lúc này Mẹ vẫn chưa trả lời dứt khoát, bà nghĩ “tốt nhất là không<br />
quyết định gì hết, chờ cho người lớn về đủ cả” [1;198]. Thời điểm Mẹ thực sự ý thức được vai trò<br />
của mình là vào cuộc họp gia đình. Khi Bố tỏ ra lúng túng, do dự không biết có thể “đèo bòng”<br />
thêm một miệng ăn hay không thì chính bà là người đưa ra tiếng nói quyết định: “Không nên nói<br />
có thể hay không có thể mà phải nói muốn hay không muốn. . . Không đủ chỗ cho sáu người, ấy<br />
thế mà chắc chắn có mười hai người đi. Thêm một người, có hại quái gì lắm đâu, mà lại là một<br />
người khỏe mạnh, thế thì chả bao giờ có chuyện phiền hà, khó xử” [1;216]. Lí lẽ và tấm lòng bao<br />
dung của Mẹ khiến Bố cảm thấy hổ thẹn và xấu hổ. Kể từ đây, các thành viên còn lại đều thừa<br />
nhận vị trí quan trọng của bà mẹ trong gia đình: “Mẹ lại trở vào nhà. . . Cả nhà nhìn vào cái sân<br />
tối sầm, chờ bà trở lại, vì bà có uy lực trong nhóm” [1;218].<br />
Trong tâm thức nhân loại, Hành trình là một sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà ở đó<br />
con người thường xuyên gặp phải những nguy hiểm và tích lũy kinh nghiệm. Hành trình đến Miền<br />
Đất Hứa của gia đình Joad không nằm ngoài quy luật đó. Từ Oklahoma đến California, cả nhà<br />
Joad rong ruổi trên con đường cao tốc 66, “con đường cái chính của những cuộc di tản” [1;246],<br />
và cũng là “con đường của sự trốn tránh” [1;247]. Họ bị xua đuổi khỏi xứ sở bởi thiên tai và văn<br />
minh cơ khí. John Steinbeck đã nhìn thấy mặt trái của sự phát triển văn minh cơ khí mà đứng đằng<br />
sau nó là các bộ máy doanh nghiệp, ngân hàng. Những con người đó sẵn sàng vì “lợi nhuận” của<br />
một số ít mà xua đuổi những người nông dân khốn khổ, đẩy họ vào con đường đói khát, không<br />
chốn nương tựa. Số phận của tầng lớp nghèo khổ trong xã hội Mỹ đã được nhà văn tái hiện như<br />
một huyền thoại hiện đại. Hành trình đến Miền Đất Hứa của hàng nghìn gia đình như nhà Joad<br />
luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro: thiếu thốn, đói khát và mất đi người thân. Ông Nội và bà Nội chưa kịp<br />
thấy Đất Hứa thì đã qua đời vì nỗi đau xa lìa quê hương và sức lực có hạn mà đường trường lắm<br />
gian nan. Rồi Noah, Connie, Tom cũng lần lượt bỏ đi. Trên Hành trình đến miền đất hứa, Mẹ Joad<br />
từng bước một khẳng định vai trò dẫn đầu của mình. Trong bài viết “Phân tích nhân vật cổ mẫu<br />
27<br />
<br />
Nguyễn Thị Thu Hằng<br />
<br />
Jim Casy trong Chùm nho phẫn nộ”, Yanhong Fan cho rằng Jim Casy là “người dẫn đầu gia đình<br />
Joad và những người khác để thăm dò vùng đất mới” [5]. Theo chúng tôi, người dẫn đầu gia đình<br />
Joad là nhân vật Ma Joad. Bởi vì, bà luôn là người đưa ra tiếng nói quyết định mọi việc trên Hành<br />
trình. Khi cả nhà khởi hành, Bố đã nhường vị trí danh dự cạnh tài xế cho Mẹ và Bà: “Mẹ mày và<br />
Bà ngồi lên phía trước với Al một lúc. Sẽ lần lượt đổi chỗ cho nhau, như vậy sẽ dễ dàng hơn, mẹ<br />
mày với bà lên trước đi” [1;238]. Nghĩa là lúc này, sự phân biệt vị trí của đàn ông - đàn bà không<br />
còn quan trọng, điều quan trọng là làm sao để cả nhà có thể đến California an toàn và nhanh nhất<br />
có thể; đồng thời, vị trí của người mẹ, người phụ nữ trong gia đình cũng được những thành viên<br />
khác thừa nhận. Trên Hành trình đến Miền Đất Hứa, có hai lần Mẹ “nổi loạn”: một lần suýt đánh<br />
lại Bố và một lần suýt đánh viên cảnh sát. Lần thứ nhất là lúc xe của nhà Wilson bị hỏng, Tom đề<br />
nghị cả nhà lên đường trước, còn anh và Casy ở lại sửa xe xong hẵng đuổi theo. Bố đồng ý: “nếu<br />
chỉ còn cách đó thì chẳng thà lên đường ngay thôi” [1;358]. Ngay lập tức, Mẹ bước lên đứng ngay<br />
phía trước ông và nói gay gắt: “Tôi, tôi không đi đâu hết” [1;358] khiến Bố sửng sốt. Rồi bà lại<br />
gần chiếc xe, lôi ra một cái chuôi kích, thong thả đu đưa trong tay: “Muốn cho tôi đi, chỉ có cách là<br />
ông cứ đánh tôi xem. . . Rồi ông sẽ phải xấu hổ với tôi, Bố nó ạ. Tôi không chịu để ông đánh đâu,<br />
tôi chẳng khóc lóc, chẳng lạy van gì hết. Tôi sẽ nhảy bổ vào ông” [1;359]. Cuộc khởi loạn của Mẹ<br />
khiến mọi người thêm một phen sửng sốt, ai nấy theo dõi, chờ đợi Bố nổi cơn thịnh nộ, nhưng cơn<br />
giận của ông không dâng lên và cả nhóm hiểu rằng mẹ đã thắng thế: “Tất cả mọi người lại dồn con<br />
mắt vào bà. Bà là quyền uy. Bà nắm lấy quyền điều khiển” [1;361]. Lần thứ hai Mẹ nổi loạn là lúc<br />
cả nhà dừng chân ở con sông cạnh dãy núi Needles. Khác với lần trước, lần này Mẹ nổi loạn với<br />
người ngoài để bảo vệ danh dự của gia đình. Khi tên cảnh sát tới xua đuổi và có thái độ vô lễ, bà<br />
giận dữ, cầm lấy cái xoong bằng sắt và tiến lại gần y: “Cứ bắn đi. . . Dọa một người đàn bà. May<br />
mà đàn ông nhà tôi không ở đây, không thì họ sẽ xé xác ông ra. Ở xứ tôi những người như ông phải<br />
trông chừng lời ăn tiếng nói” [1;453]. Với tính cách mạnh mẽ và tình yêu thương vô bờ bến, bà là<br />
“thành lũy của gia đình”, là một nữ thần mẹ, là người nắm lấy quyền uy trong gia đình. Còn Casy<br />
thì lại thiên về kiểu người anh hùng đi tìm kiếm chân lí và điều ông đúc kết được là tinh thần đoàn<br />
kết sẽ tạo nên sức mạnh vô biên giúp con người chiến thắng mọi nỗi khốn khổ trên thế gian này.<br />
Đối với gia đình Joad và nhiều gia đình di tản khác, Hành trình vượt qua hàng nghìn cây<br />
số, qua núi cao hiểm trở, qua sa mạc khô cằn để đặt chân đến Miền Đất Hứa gian nan bao nhiêu<br />
thì Hành trình mưu sinh trên Miền Đất Hứa khổ cực bấy nhiêu. Bởi lẽ, Đất Hứa không phải chỉ có<br />
những vườn cây trái um tùm, những ngôi nhà nhỏ bé xinh xắn mà ở đó cánh cửa của sự bất công,<br />
sự phân biệt giàu nghèo cũng được mở ra để “nghênh đón” họ. Trái ngược với tất cả những suy<br />
tưởng, mơ ước của họ, Miền Đất Hứa trở thành nơi chôn vùi những người thân yêu; nơi cái đói cái<br />
khát đeo bám, rình rập; nơi những người vô gia cư bị hắt hủi và xua đuổi; nơi luật pháp chỉ dành<br />
cho người có tiền, có quyền; nơi người nghèo không có gì để ăn trong khi các doanh nghiệp đốt/<br />
chôn/ đổ xuống biển hàng tấn hoa quả, thực phẩm. . . Vì vậy, để mưu sinh, gia đình Joad và những<br />
gia đình khác buộc phải chạy trốn từ vùng này sang vùng khác, họ rong ruổi khắp mọi nẻo đường<br />
miền tây, dừng chân ở đâu có việc làm và ra đi khi mùa vụ kết thúc. Trên Hành trình nhọc nhằn,<br />
đầy may rủi đó, mỗi quyết định ra đi hay ở lại đều liên quan đến số phận của họ. Vào những thời<br />
khắc cam go đó, Ma Joad thực sự khẳng định vai trò trụ cột của mình. Hầu hết đàn ông trong nhà<br />
đều bất lực, phó mặc cho số phận, không dám đối diện với thực tế nghiệt ngã, chỉ có Mẹ là luôn<br />
luôn vững tin, bình tĩnh đưa cả nhà vượt qua tình cảnh bi đát. Ở trại Weedpatch, tuy nhà Joad được<br />
đối xử tử tế nhưng cả tháng trời không có việc làm. Thấy tình hình không thể kéo dài thêm nữa, Mẹ<br />
là người lên tiếng đầu tiên: “Chúng ta không còn tiền nữa. Các ông không dám nói ra. Các ông sợ<br />
không dám nói ra. Tối tối ăn xong, các ông lại đi tha thẩn. Các ông không chịu nói ra. Thế không<br />
được. Phải nói ra. . . Ai ở đâu cứ ngồi đấy, vắt óc nghĩ xem” [2;257]. Chính bà đã nói trắng ra mọi<br />
việc, dẫu cho ở đây có nước nóng, có nhà vệ sinh thì những thứ đó đâu có ăn được, Rosasharn sắp<br />
28<br />
<br />
Hành trình sống hay là sự hình thành của cổ mẫu Mẹ trong Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck<br />
<br />
đến ngày ở cữ còn tụi nhỏ ốm yếu vì đói. Không còn lựa chọn nào cả, cả nhà phải ra đi. Chưa biết<br />
nơi sắp đến có tốt hơn hay không nhưng không thể đứng yên nhìn cả nhà chết đói. Lời lẽ rành mạch<br />
và quả quyết của Mẹ đã thức tỉnh cả gia đình, Tom cũng phải thừa nhận: “Mẹ thắng rồi, mẹ ơi. Con<br />
thiết nghĩ ta nên rời đi” [2;260]. Tuy phải chống chọi với cái đói, cái rét đe dọa sự sống còn của<br />
gia đình nhưng niềm tin vào tương lai không bao giờ lụy tắt trong trái tim người mẹ mạnh mẽ ấy.<br />
Ở đoạn cuối tác phẩm, trận mưa lũ lớn ập đến và kéo dài hàng chục ngày, đứa con của Rosasharn<br />
chết trước khi ra đời, cả nhà ngồi co rúm trên chiếc xe tải, Mẹ cũng là người quyết định: “Chúng<br />
ta đi thôi. . . Ta đi tìm một xó nào cao ráo hơn. Đi hay không thì tùy các ông. Tôi đưa Rosasharn và<br />
bọn nhỏ đi” [2;464]. Giọng nói gay gắt của bà khiến Bố chỉ có thể phản đối yếu ớt và miễn cưỡng<br />
chấp nhận. Cả nhà lại kéo nhau chạy trốn đến một nơi khác để tránh mưa, rét.<br />
Có thể nói, Ma Joad là người mẹ mạnh mẽ hơn cả trong số các nhân vật nữ của Steinbeck.<br />
Juana trong Viên ngọc trai cũng là một người mẹ mạnh mẽ, giàu sức chịu đựng, nhưng Juana vẫn<br />
còn bị động khi tuân theo mọi quyết định của người chồng và chưa thực sự có tiếng nói riêng.<br />
Ngược lại, tính cách của Carthy trong Phía đông vườn địa đàng phát triển theo chiều hướng tiêu<br />
cực như một người mẹ khủng khiếp, cô bỏ rơi hai đứa con trai vừa mới chào đời, bỏ rơi người<br />
chồng tội nghiệp để đi tìm cuộc sống cho riêng mình. Rõ ràng, nhân vật Carthy đối lập hoàn toàn<br />
với Ma Joad và Juana.<br />
Cổ mẫu Mẹ trong Chùm nho phẫn nộ còn ánh xạ hình bóng người mẹ của Steinbeck, bà<br />
Olive Halminton, người đã truyền cho cậu bé Steinbeck tình yêu văn chương. Olive là một phụ nữ<br />
mạnh mẽ, luôn ý thức rạch ròi về cái đúng, cái sai và ý thức về đúng sai cũng là điểm nổi bật trong<br />
sáng tác của Steinbeck. Khi bố của Steinbeck mất việc do tác động của cuộc Đại Suy Thoái, ông<br />
cũng đánh mất vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình và bị trầm cảm nặng, chính bà Olive là người<br />
cáng đáng mọi việc, vừa lo tài chính vừa nuôi dưỡng giáo dục con cái. Có thể nói, John Steinbeck<br />
chịu ảnh hưởng rất lớn từ mẹ. Hình ảnh người mẹ đã bám rễ sâu vào tâm hồn của Steinbeck, chi<br />
phối cách xây dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của ông. Do đó, nhân vật Ma Joad có nhiều nét<br />
tương đồng với bà mẹ của Steinbeck.<br />
Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Hemingway cũng nhìn thấy những người mẹ, người<br />
phụ nữ là điểm tựa tinh thần cho những người đàn ông. Tiêu biểu là nhân vật Pilar trong Chuông<br />
nguyện hồn ai. Pilar và Ma Joad đều là những người phụ nữ, người vợ giàu tình yêu thương, sức<br />
chịu đựng và sức mạnh tinh thần phi thường. Họ cũng là những người nữ nắm quyền chỉ huy trong<br />
nhóm. Tuy nhiên, Pilar chỉ nắm giữ vai trò dẫn đầu khi Pablo (chồng Pilar) mất niềm tin, trở nên<br />
hèn nhát vì không chịu đựng được thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến tranh. Vị trí dẫn đầu của<br />
Pilar cũng chỉ mang tính tức thời, bởi cuối tác phẩm, Pablo đã khôi phục niềm tin và sức mạnh<br />
tranh đấu để tiếp tục dẫn dắt nhóm du kích đấu tranh cách mạng. Còn Ma Joad nắm giữ vị trí trụ<br />
cột của gia đình, là người chỉ huy nhóm trên Hành trình sống khi Pa Joad bất lực, chao đảo bởi<br />
những tác động của cuộc Đại suy thoái. Thiết nghĩ, ở những hoàn cảnh khó khăn, thử thách (trong<br />
chiến tranh hay đời thường), người phụ nữ, người vợ, người mẹ lại là những người mạnh mẽ hơn<br />
cả, họ dễ dàng trở thành chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông.<br />
Hành trình sống của những con người bất hạnh còn được Steinbeck thể hiện qua biểu tượng<br />
con Rùa với cuộc hành trình về phía tây nam ở đầu tác phẩm. Tuy chậm chạp, di chuyển một cách<br />
nặng nhọc và suýt bị một chiếc xe con nghiến nát nhưng con Rùa vẫn ráng sức và chăm chỉ trên<br />
Hành trình của mình. “Đôi mắt già nua và châm biếm” của nó luôn nhìn thẳng ra phía trước. Sau<br />
khi được Tom trả tự do, con Rùa “lại đi ra và rẽ về hướng tây nam như lúc mới đầu” [1;96]. Sự cần<br />
mẫn và ý chí của con Rùa được thể hiện qua nhận xét của Tom: “Đời tôi, tôi đã thấy ối rùa. Bao<br />
giờ chúng cũng có một cái đích. Bao giờ chúng cũng có vẻ muốn đi tới đâu đó” [1;97]. Đây cũng<br />
là biểu tượng của sự kiên cường và niềm tin của những người di tản. Sự trùng hợp ở đây là Hành<br />
29<br />
<br />