Đề bài: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “Nói không với <br />
những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều đến một vấn đề nóng <br />
bỏng trong giáo dục. Nó đang từng ngày, từng giờ gây ra những tác hại không hề nhỏ đối <br />
với sự phát triển của xã hội. Đó là hiện tượng “tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích <br />
trong giáo dục”. Đứng trước những tác hại ghê gớm của hiện tượng này, Bộ Giáo dục đã <br />
phát động phong trào: “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong <br />
giáo dục”.<br />
<br />
“Những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là gì? Tại sao “thành tích” <br />
lại được gọi là bệnh? Câu hỏi ấy đã gây cho không ít băn khoăn, suy nghĩ. Có thể nói “tiêu <br />
cực trong thi cử” là những hành vi gian lận, vi phạm các quy chế thi (quay cóp trong giờ <br />
kiểm tra,chép bài của nhau,…). “Bệnh” hiểu theo nghĩa thông thường chính là virut, vi <br />
khuẩn làm cho trạng thái cơ thể hoặc bộ phận cơ thể hoạt động không bình thường. Còn <br />
“thành tích” chính là kết quả tốt đẹp do một cá nhân, hay một tập thể làm ra, được mọi <br />
người công nhận và đánh giá cao. Nhưng nếu chạy theo “thành tích”, bất chấp thủ đoạn, <br />
bỏ qua chất lượng thì “thành tích” lại là một căn “bệnh”, một tệ nạn cực kỳ nguy hiểm. <br />
Thật tiếc là trong xã hội hiện nay, lại có rất nhiều người mắc phải căn bệnh này.<br />
<br />
Hiểu được bản chất của “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, <br />
nhưng mấy ai biết được nó bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân sâu xa của nó chính là do <br />
những thói “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” mà từ ngày xưa, người lao động đã chê <br />
cười, phê phán. Những học sinh không chú ý nghe giảng, lười học bài, lười làm bài tập <br />
nên khi đến kỳ thi thì không biết gì cả, không làm được bài rồi lại dở trò quay cóp, gian <br />
lận, chép bài của nhau. Giám thị thấy thế không những không nhắc nhở, cảnh cáo, lập <br />
biên bản mà còn tiếp tay cho học sinh, dặn học sinh im lặng mà chép cho nhanh. Những <br />
việc làm gian lận của học sinh cùng với sự tiếp tay của giám thị đã làm cho kết quả cao <br />
lên vượt trội. Đó chỉ là “thành tích” dối trá, thực chất những học sinh đó lại chẳng biết gì. <br />
Việc làm gian lận ấy đã nhanh chóng bị thanh tra phát giác và không chỉ giám thị mà còn <br />
cả học sinh đó đều bị kỷ luật. Bên cạnh đó, có trường thì lại rất nghiêm túc, coi thi rất <br />
chặt chẽ. Vì thế mà học sinh không làm được bài, kết quả rất thấp. Trước sự việc này, <br />
nhiều giáo viên, nhiều trường lại ngấm ngầm nâng điểm học sinh để ít nhất là đạt chỉ <br />
tiêu đặt ra. Những hành vi ấy, những trường hợp ấy đã dần lan tỏa khắp nơi và do đó mà <br />
“bệnh thành tích” xuất hiện.<br />
<br />
Xung quanh chúng ta những biểu hiện của “bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu cực trong <br />
thi cử” nhiều không kể hết. Trong giáo dục từ cấp thấp đến cấp cao đều mắc phải căn <br />
bệnh này. Nhiều trường tiểu học ở vùng sâu vùng xa, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm <br />
lớp” khá phổ biến cho nên mới có chuyện cười ra nước mắt. Nhiều học sinh lớp bốn viết <br />
chữ chưa thành thạo, chưa thuộc hết bảng cửu chương, một phép tính đơn giản cũng <br />
không tính được. Ở các thành phố lớn, vì “bệnh thành tích” mà Ban Giám hiệu nhà trường <br />
sẵn sàng “thổi phồng” tỷ lệ học sinh khá giỏi lên tới con số đáng ngờ là 90%, trong khi <br />
thực tế lại thấp hơn rất nhiều. Có trường hợp kỳ quặc hơn là không cho học sinh yếu <br />
kém lưu ban vì sợ ảnh hưởng đến “thành tích” của trường và “uy tín” của Ban Giám hiệu. <br />
Trong các kỳ thi hết cấp, cũng vì “bệnh thành tích” mà nhiều học sinh “đỗ oan”; do đó, <br />
càng học lên cao càng đuối. Có trường hợp một số giám thị trường này chấm thi chéo đã <br />
cố ý hạ điểm của học sinh trường kia với mục đích để tỷ lệ đỗ của trường kia kém hơn <br />
trường mình. Sự giả dối kéo dài đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là chất lượng học tập <br />
của học sinh ngày càng đi xuống.<br />
<br />
Gần đây nhất, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, cả nước có 72 thí sinh và 02 cán <br />
bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Con số này, tuy có giảm so với năm trước, song nó vẫn <br />
đang từng ngày gây nhiều bức xúc dư luận, đồng thời hạ uy tín, chất lượng của ngành <br />
Giáo dục. Và cách đây sáu năm, đúng vào mùa thi tốt nghiệp, tuyển sinh, đã có một sự <br />
việc xảy ra gây bức xúc lớn trong dư luận và là vết nhơ rất nghiêm trọng của ngành Giáo <br />
dục. Đó là, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang đã <br />
gian lận trong thi cử và có học sinh đã ghi lại được hình ảnh gian lận của những học sinh <br />
đó. Những hình ảnh ấy được tung lên mạng Internet, ngay lập tức thanh tra đã xuống <br />
kiểm định lại hành động gian lận đó. Không chỉ học sinh bị kỷ luật mà còn cả giám thị, <br />
giáo viên, cán bộ coi thi cũng bị kỷ luật. Cũng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường <br />
THPT Vân Nham, Hữu Lũng, Lạng Sơn năm 2012, rất nhiều học sinh thi môn Toán chỉ <br />
được 0.25 điểm. Có những học sinh xếp loại học lực giỏi ở cấp THCS, nhưng khi đi thi <br />
kết quả điểm môn Toán cũng chỉ đạt vẻn vẹn 2.0 điểm. Không hiểu sao cái “thành tích” <br />
học lực giỏi ấy là như thế nào. Phải chăng, đó chỉ là bộ mặt của trường còn chất lượng <br />
thì chẳng ra đâu vào đâu. Trở lại những năm trước nữa, vào tháng 10 năm 2007, trên thời <br />
sự có đưa tin ở một số trường THCS, học sinh lớp 7 không biết đọc, biết viết. Đọc, viết <br />
là những điều căn bản trong suốt 5 năm học Tiểu học, vậy mà không biết thì làm sao các <br />
học sinh đó có thể lên lớp, có thể tốt nghiệp được. Tất cả cũng chỉ vì “bệnh thành tích” <br />
mà ra. Giáo viên lo cho đạt chỉ tiêu tốt nghiệp 100%, phụ huynh học sinh lo chạy chọt, ăn <br />
điểm để lên lớp. Cứ như thế thì làm sao giáo dục có chất lượng được. Ngay khi chính <br />
sách “3 không” được Nhà nước ban hành một cách quyết liệt, thì hiện tượng ấy vẫn cứ <br />
diễn ra và ngày càng nặng hơn.<br />
<br />
Biểu hiện của “bệnh thành tích trong giáo dục, tiêu cực trong thi cử” không chỉ xuất hiện <br />
đối với học sinh, giáo viên, cán bộ ở cấp Trung học, Tiểu học mà nó còn xuất hiện đối <br />
với sinh viên, giảng viên, cán bộ ở cấp Đại học, sau Đại học. Hiện tượng sinh viên Đại <br />
học không lo học hành, lười biếng, chỉ chăm chăm ăn chơi, sa vào các tệ nạn tìm mọi cách <br />
lót phong bì mỗi mùa thi cử rất phổ biến. Việc sinh viên lo lót phong bì để qua môn, để <br />
điểm cao và việc giảng viên nhận lời giúp những sinh viên đó dường như đã trở thành <br />
truyền thống. Những việc làm ấy đã cho ra đời những lứa cử nhân, kỹ sư kém cỏi và đang <br />
từng ngày là gánh nặng cho xã hội, cho đất nước. Và thời sự đã từng đưa tin có một vài <br />
trường hợp bản thân là một bác sỹ học y những 6 năm nhưng chuyên môn nghề nghiệp <br />
lại vô cùng kém. Thử hỏi một bác sỹ như vậy liệu có ích hay không, hay lại là gánh nặng, <br />
là vết nhơ cho xã hội. Rồi những mùa tuyển công chức, có rất nhiều hồ sơ ứng tuyển với <br />
rất nhiều ứng viên sáng giá, tiềm năng. Việc thi tuyển vẫn diễn ra bình thường, nhưng ít <br />
ai biết được rằng những xuất công chức đó đã nằm chắc trong tay những người có đôi ba <br />
trăm triệu mặc cho điểm chác thế nào. Điều đó đã làm cho một số người ngậm ngùi khóc <br />
trong khi điểm rất cao. Thật thất vọng khi có những đối tượng “tiêu cực” như vậy.<br />
Hay những cán bộ thi tuyển rồi học thạc sỹ, tiến sỹ…. Có rất nhiều trường hợp là thạc <br />
sỹ, tiến sỹ “giấy". Bởi lẽ danh hiệu đó là kết quả của việc học bằng tiền, bằng quan hệ; <br />
thuê viết luận án, luận văn. Phải chăng, những danh hiệu trình độ đó cũng chỉ là cái “thành <br />
tích” rồi làm tiền đề, cơ sở để thăng chức, tăng lương; là cho đúng, cho đạt với chỉ tiêu <br />
của cơ quan, Nhà nước đề ra. Như vậy, chẳng khác gì đang làm cho ngành Giáo dục nước <br />
nhà đi xuống, làm hạn chế sự phát triển của xã hội…<br />
<br />
Những “tiêu cực trong thi cử”, chạy đua theo “thành tích” gây hậu quả vô cùng nghiêm <br />
trọng. Việc làm đó là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nó đã làm thái hóa nhân cách con <br />
người, thiếu trung thực, lừa mình, lừa người; tạo tâm lí học sinh ỷ lại, không phát huy <br />
được năng lực học tập, không có động lực học, không tiếp thu đựơc tri thức, ảnh hưởng <br />
đến chất lượng dạy học; giáo viên dễ đánh mất lương tâm nghề nghiệp, không có động <br />
lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học…. Đồng thời, nó còn ảnh <br />
hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, cản trở sự phát triển của xã hội. Và nếu hiện <br />
tượng này không sớm chấm dứt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới việc đào tạo nhân <br />
tài, đẩy chất lượng giáo dục Việt Nam tụt lại so với thế giới.<br />
<br />
Đứng trước những nguy cơ, những hậu quả nghiêm trọng của hiện tượng ấy, chúng ta <br />
cần có biện pháp tích cực ngăn ngừa, từng bước đẩy lùi, chữa trị dứt điểm…. Muốn làm <br />
được điều đó, các cấp các ngành phải đồng bộ ra tay, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra <br />
để kịp thời phát hiện những “tiêu cực”, những “thành tích” ảo. Đối với những kẻ cố tình <br />
sai phạm thì phải nghiêm trị. Mặt khác, cần giáo dục, tuyên truyền thường xuyên để nâng <br />
cao nhận thức của mỗi người về hậu quả mà “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành <br />
tích trong giáo dục” đã gây ra. Đồng thời, cần điều chỉnh, xây dựng và đổi mới một cách <br />
toàn diện, đồng bộ phương án giáo dục hiệu quả nhất nhằm rèn luyện, phát huy năng lực <br />
tự học, bỏ đi tính ỷ lại của học sinh; quán triệt, khích lệ, động viên giáo viên làm việc <br />
đúng lương tâm, cố gắng tìm tòi phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, thực <br />
hiện kiểm tra, đánh giá đúng năng lực của học sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng <br />
giáo dục Việt Nam, đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang với cường quốc năm châu.<br />
<br />
Chúng ta phải nhận thức rõ rằng “những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong <br />
giáo dục” là thói xấu, là hiện tượng tiêu cực cản trở quá trình phát triển của đất nước. <br />
Chúng ta phải khiêm tốn, học hỏi điều hay, điều tốt, vận dụng nó vào đời sống thực tiễn <br />
và có thái độ đúng đắn trong thi cử. Đặc biệt, hãy kiên quyết “nói không với những tiêu <br />
cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Có như vậy, xã hội mới phát triển, <br />
đất nước ta mới có cơ hội sánh với các cường quốc trên thế giới.<br />