Hoàn thiện khung pháp lý về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi
lượt xem 1
download
Bằng phương pháp phân tích luật, bài viết "Hoàn thiện khung pháp lý về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi" đã đưa ra những bình luận về khung pháp lý của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bao gồm: đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; điều kiện yêu cầu và tuyên bố; xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, phân biệt với người đại diện; việc sử dụng kết quả giám định pháp y tâm thần. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Hoàn thiện khung pháp lý về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi
- HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ VỀ NGƯỜI CÓ KHÓ KHĂN TRONG NHẬN THỨC VÀ LÀM CHỦ HÀNH VI Trần Minh Chiến1,*, Lê Văn Sơn2 1 Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 2 Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. *Tác giả liên hệ, Email: chien.tm112@gmail.com. TÓM TẮT Nhằm bảo vệ “bên yếu thế” trong các quan hệ pháp luật dân sự, pháp luật Việt Nam đã bổ sung chủ thể người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự 2015. Xuất phát từ mục tiêu đó, người làm luật đã đưa ra các điều kiện để cá nhân có thể bị Tòa án tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Qua đó, bằng phương pháp phân tích luật, bài viết đã đưa ra những bình luận về khung pháp lý của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bao gồm: đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; điều kiện yêu cầu và tuyên bố; xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, phân biệt với người đại diện; việc sử dụng kết quả giám định pháp y tâm thần. Kết quả của mỗi vấn đề phân tích, bài viết đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Từ khóa: bên yếu thế; người có khó khăn; nhận thức và làm chủ hành vi. 1. Tổng quan Vấn đề về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi lần đầu tiên được Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận nhằm giải quyết các vấn đề xảy ra trong thực tế mà trước đây Bộ luật Dân sự 1995, 2005 chưa đề cập. Đó là trường hợp một người không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi mà chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Bộ luật Dân sự hiện hành đã đưa ra những điều kiện để một người có thể bị tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhằm bảo vệ “bên yếu thế” trong trong quan hệ pháp luật dân sự. Bài viết đi sâu phân tích các điều kiện cần và đủ để một cá nhân bị tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bao gồm: điều kiện về thể chất và tinh thần, độ tuổi, khả năng nhận thức, điều kiện về giám định pháp y tâm thần và thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố. Qua đó, bài viết bình luận các vấn đề có liên quan đến khung pháp lý của người có khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: (1) đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; (2) xác định cụ thể phạm vi giám hộ; (3) trường hợp nhầm lẫn trong xác định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người mất năng lực hành vi dân sự cũng như xác định được hệ quả của sự nhầm lẫn đó; (4) cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những định hướng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. 2. Quy định pháp luật về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi Bộ luật Dân sự 2015 chỉ thừa nhận tư cách chủ thể của cá nhân và pháp nhân trong quan hệ pháp luật dân sự, theo đó, cá nhân là chủ thể đầu tiên và quan trọng nhất. Chính các cá nhân là chủ thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các quan hệ xã hội tạo nên một mạng lưới vô cùng đa dạng. Với vai trò đó, khi xem xét chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân thì yếu tố cần quan tâm đầu tiên là năng lực chủ thể (Phùng Trung Tập & Kiều Thị Thùy Linh, 2020). 601
- Năng lực chủ thể của cá nhân theo lý thuyết chung được hình thành bởi hai loại năng lực là năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự (Phạm Văn Tuyết, 2017). Theo đó, năng lực chủ thể của cá nhân là khả năng cá nhân có và thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự (Điều 16 và Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015). Theo định nghĩa về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của cá nhân tại Bộ luật Dân sự, năng lực pháp luật dân sự là điều kiện để hình thành năng lực hành vi dân sự, vì khi cá nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự thì mới có khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự đó. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, khi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự là khả năng có quyền và nghĩa vụ dân sự nhưng việc thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự đó còn phụ thuộc vào nhiều cấp độ năng lực hành vi dân sự mà pháp luật cho phép thực hiện. Theo đó, căn cứ vào độ tuổi được phân loại thành người thành niên và người chưa thành niên, căn cứ vào năng lực được phân loại thành người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. So với Bộ luật Dân sự 1995 và 2005 chỉ ghi nhận các trường hợp về người không có năng lực hành vi dân sự; người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, Bộ luật Dân sự 2015 đã bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Sự bổ sung này hoàn toàn phù hợp để khắc phục trường hợp không phải người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay mất năng lực hành vi dân sự mà Bộ luật Dân sự 2005 chưa ghi nhận. Sự ghi nhận này được coi là xuất phát từ thực tiễn và học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong có Nhật Bản (Nguyễn Thị Lan, 2018). Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 Điều 23 khoản 1, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Các điều kiện đó được phân tích: Thứ nhất, người có thể được vào tình trạng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải là người thành niên không có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi như người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Điều kiện này làm nổi bật lên các yếu tố: (1) chủ thể của trường hợp này phải là người thành niên; (2) có khiếm khuyết về thể chất và tinh thần; (3) có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Các tình trạng của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như giảm sút trí nhớ, khả năng diễn đạt ý chí do tuổi tác đã cao, bệnh tật, tai nạn hay câm, điếc (Nguyễn Ngọc Điện, 2022),… và hệ quả của những tình trạng này làm cho chủ thể khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Với điều kiện này, cá nhân đó vẫn có thời điểm nhận thức, làm chủ hành vi như một người bình thường. Thứ hai, từ điều kiện về thể chất như một điều kiện cần, tình trạng của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được ghi nhận về mặt pháp lý bằng một quyết định của Tòa án. Với điều kiện đó phải có đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố cá nhân này có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của chính người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan. Một chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố đáng lưu ý là chính cá nhân đó. Bộ luật Dân sự 2015 cho phép họ được yêu cầu Tòa án tuyên bố mình có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi họ hoàn toàn tỉnh táo, nhận thức được hành vi của mình (Phùng Trung Tập & Kiều Thị Thùy Linh, 2020). Chính vì quyền này của cá nhân được pháp luật cho phép nên cũng thừa nhận ngược lại về tình trạng “không đủ” nhận thức của cá nhân. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 cũng gián tiếp thừa nhận vấn đề này khi cho phép: “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý”. Do vậy, cá nhân khi có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì vẫn có những thời điểm họ sẽ nhận thức, làm chủ hành vi như người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Trần Thị Hoa, 2020). 602
- Thứ ba, cơ sở để Tòa án tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan giám định về tình trạng nhận thức và làm chủ hành vi của người bị tuyên bố. Quy trình thực hiện việc giám định này hiện nay được thực hiện theo quy định tại Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 và Thông tư số 23/2019/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần. Theo đó, chủ thể có quyền yêu cầu trưng cầu giám định là Tòa án trên cơ sở văn bản gửi yêu cầu trưng cầu giám định của người quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong trường hợp bị Tòa án từ chối, người yêu cầu mới có quyền yêu cầu giám định (khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi, bổ sung 2020). Thứ tư, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần (Văn bản giám định pháp y tâm thần này có thể do chính Tòa án yêu cầu trưng cầu giám định hoặc văn bản do chính người yêu cầu yêu cầu cơ quan giám định thực hiện giám định như đã phân tích), Tòa án ra quyết định tuyên bố cá nhân này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Ngoài ra, trong quyết định này Tòa án phải chỉ định người giám hộ và xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (ngược được giám hộ). Đó là những điều kiện cần và đủ để Tòa án có thể tuyên bố một cá nhân có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Người làm luật cũng đặt ra những yêu cầu để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân đó khi yêu cầu Tòa án phải chỉ định người giám hộ. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân đó không còn đủ cơ sở để tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan (khoản 2 Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015). Khung pháp lý điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được đề cập ở các chế định: Giám hộ (quyền và nghĩa vụ người giám hộ, phạm vi giám hộ); đại diện; giao dịch dân sự do người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi xác lập; năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 3. Một số vấn đề pháp lý đặt ra và kiến nghị hoàn thiện Như đã phân tích, căn cứ để xác định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trước hết phải người đã thành niên và tình trạng thể chất hoặc tinh thần không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự (Văn Chiến, 2017). Quy định này ra đời đã giải quyết được các trường hợp về tình trạng thể chất hoặc tinh thần của một cá nhân không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng không đủ điều kiện để yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Rõ ràng, đây là một quy định mới được ghi nhận, do vậy không thể tránh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết các trường hợp thực tế. Theo đó, hành lang pháp lý về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có những vấn đề pháp lý cần được bình luận: Thứ nhất, độ tuổi để có thể được Tòa án tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải là người thành niên, tức phải từ đủ 18 tuổi trở lên. Tương quan với điều kiện về thể chất để tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì người đó phải bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi và ở bất cứ độ tuổi nào (khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015). Có thể thấy, người làm luật đã bỏ sót một trường hợp về năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Trong trường hợp người chưa thành niên có khó khăn về thể chất và tinh thần nên không thể nhận thức, làm chủ hành vi một cách đầy đủ thì chỉ có thể được đặt dưới một tình trạng pháp lý giám hộ hoặc đại diện (nếu còn cha, mẹ). Khi đó, người giám hộ/đại diện này không có trách nhiệm đảm bảo rằng phải điều trị bệnh cho người được giám hộ/được đại diện (Nguyễn Ngọc Điện, 2022). Ngoài ra, vấn đề về tài sản cũng cần được quan tâm và việc thực hiện các giao dịch dân sự sẽ không được đảm bảo về lợi ích của người được giám hộ/đại diện. Do vậy, để đảm bảo được quyền và lợi ích của “bên yếu thế” - người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người làm luật cần phải bổ sung trường hợp về năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên nhưng có khó khăn về thể chất và tinh thần nên không thể nhận thức, làm chủ hành vi một cách đầy đủ. Dưới góc 603
- độ nghiên cứu, bài viết kiến nghị bổ sung trường hợp này vào người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi bằng cách sửa đổi độ tuổi, cụ thể: “Một người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.” Thứ hai, các điều kiện về thể chất và tinh thần của cá nhân bị tuyên bố có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi còn chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn khi áp dụng vào thực tiễn. Xét về điều kiện thể chất để tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì người đó phải bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi (khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015) và điều kiện để tuyên bố một người hạn chế năng lực hành vi dân sự phải là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình (Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015). Rõ ràng, cả hai trường hợp về năng lực hành vi của chủ thể trên đều đưa ra những điều kiện cụ thể, xác định. Riêng đối với trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chỉ được xác định là người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Quy định này đã tạo ra những quan điểm khác nhau trong áp dụng pháp luật và gây nhẫm lẫn đối với Tòa án khi tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Bởi lẽ họ không được xác định trong một trường nào cụ thể mà chỉ có thể được xác định qua những trường hợp có liên quan về khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng không phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, việc quy định như vậy sẽ gây ra sự nhầm lẫn khi xác định đối tượng đó thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi cả hai đều phải dựa trên kết luận giám định pháp y tâm thần. Trong trường hợp một người bị bệnh tâm thần trên cơ sở giám định pháp y tâm thần nhưng vẫn có thời điểm họ tỉnh táo, hoạt động bình thường thì có được coi là tình trạng mất năng lực hành vi dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Hai vấn đề này được đặt ra để thấy rằng, cả hai mức độ năng lực hành vi dân sự đều dựa trên cơ sở giám định pháp y tâm thần để Tòa án quyết định có thể dẫn đến một số hệ quả làm ảnh hưởng đến cá nhân bị tuyên bố và những cá nhân, tổ chức liên quan có yêu cầu. Xét việc dân sự, anh A và chị B đăng ký kết hôn năm 1999, có hai người con chung là X (22 tuổi) và Y (20 tuổi). Năm 2021, anh A sau khi đi nhậu về đã có hành vi đánh đập chị B và gây ra hậu quả cho chị B bị tâm thần phân liệt, nguyên nhân là do yếu tố gia đình (hành vi bạo lực gia đình của anh A), xuất hiện cả hai triệu chứng hoang tưởng bị hại và ảo thanh (Trương Oanh, 2022). Sau đó, anh A mất vì căn bệnh ung thư. X đã gửi đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố chị B (mẹ của X) là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi vì X cho rằng, ngoài những lúc mẹ có suy nghĩ hoang tưởng và ảo thanh thì cũng có lúc tỉnh táo và sinh hoạt bình thường. Tòa án đã trưng cầu giám định và kết luận của cơ quan giám định pháp y tâm thần là chị B có bệnh lý tâm thần: Tâm thần phân liệt thể paranoid (F20.0 - ICD10).Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả giám định, Tòa án đã ra quyết định tuyên bố chị B là người mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp trên, có ý kiến cho rằng, chị B vẫn có thể là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi vì chị có đôi lúc vẫn sinh hoạt bình thường, chưa phải là người bị tâm thần đến mức không thể nhận thức và làm chủ hành vi. Do vậy, Tòa án cần phải tuyên chị A là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Hệ quả của vấn đề trên được xác định sẽ có sự khác nhau. Trong trường hợp chị B bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch dân sự của chị B sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (khoản 2 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015). Ngược lại, nếu chị bị tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ và xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của người đại diện và người giám hộ là khác nhau. Đối với người đại diện của người mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện thực hiện các giao dịch dân sự mà không phải thực hiện việc chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho 604
- người được giám hộ; quản lý tài sản của người được giám hộ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ như người giám hộ. Do vậy, để Tòa án có thể vận dụng pháp luật để tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ một cách chính xác và tốt nhất, người làm luật cần phải có sự kết hợp với các tổ chức có liên quan về chuyên môn về thể chất và tinh thần của con người để có thể cụ thể hóa các trường hợp như thế nào là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Qua đó, cũng phân biệt rõ với các trường hợp về thể chất và tinh thần để xác định một người mất năng lực hành vi dân sự. Thứ ba, vấn đề về xác định phạm vi thực hiện việc giám hộ của người giám hộ. Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 yêu cầu Tòa án khi xác định người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Bởi vì, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người “không đủ” khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, nghĩa rằng, họ vẫn còn có một phần khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình (Trần Ngọc Tuấn, 2021). Tuy nhiên, Tòa án khi xét xử rất lúng túng trong việc xác định phạm vi giám hộ của người giám hộ đối với người được giám hộ. Theo đó, Tòa án luôn nêu lên tất cả quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý tài sản của người giám hộ theo quy định tại Điều 57, Điều 58 và Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 (Quyết định số 165/2021/QĐST-VDS ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận Bình Chánh, TPHCM về tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; Quyết định số 17/2020/QĐST-VDS ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng về tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi…). Khi đó, người giám hộ có toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến nhân thân và tài sản của người được giám hộ phù hợp với quy định pháp luật. Quyết định này của Tòa án dẫn đến những hệ quả gây khó khăn cho người giám hộ và người được giám hộ. Bởi vì, có những việc làm, giao dịch liên quan đến người được giám hộ và người được giám hộ có thể tự mình thực hiện được mà không cần có sự hỗ trợ hay quyền quyết định của người giám hộ; hoặc trong trường hợp không xác định được cụ thể quyền và nghĩa vụ của người giám hộ thì cả người giám hộ và người được giám hộ sẽ không biết phải thực hiện những quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm tài sản nào. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu lên trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi thực hiện các giao dịch dân sự sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu nếu những giao dịch dân sự đó pháp luật quy định phải do người đại diện xác lập. Từ quy định trên có thể thấy rằng: (1) người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi thực hiện giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu; (2) như đã phân tích, thực tế Tòa án không thể xác định được phạm vi giám hộ của người giám hộ. Từ đó, dẫn đến tất cả các giao dịch dân sự liên quan đến người được giám hộ đều phải do người giám hộ xác lập; và (3) trường hợp những giao dịch dân sự do người giám hộ xác lập, thực hiện đều bị vô hiệu. Theo đó, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rằng, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. Tuy nhiên, chỉ có người hạn chế năng lực hành vi dân sự mới có người đại diện do Tòa án chỉ định (khoản 1 Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015). Mặt khác, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không có một quy định nào về thủ tục chỉ định người đại diện cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Qua đó, có thể thấy rằng, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi thực hiện các giao dịch dân sự của mình đều phụ thuộc vào người giám hộ và không thể có hiệu lực pháp luật theo quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Từ những phân tích trên, nhà làm luận cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp mức độ thể chất và tinh thần như thế nào sẽ xác định tương ứng quyền, nghĩa vụ giám hộ cũng như trong trường hợp nào được xác định mà chính người bị tuyên bố được thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình. Ngoài ra, phải xây dựng thống nhất quy định pháp luật về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự do người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi xác lập và quy định về việc Tòa án chỉ định người đại diện cho người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. 605
- Thứ tư, về thủ tục tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015, để công nhận một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được Tòa án ra quyết định tuyên bố. Thủ tục để tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, cơ sở để Tòa án tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là dựa trên kết quả giám định pháp y tâm thần của cơ quan giám định theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015, tuy nhiên, tại Điều 377 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án sử dụng cụm từ “có thể”, nghĩa rằng, ngoài việc sử dụng kết quả giám định pháp y tâm thần của cơ quan giám định theo yêu cầu trưng cầu giám định của Tòa án, Tòa án còn có thể sử dụng kết quả giám định của chủ thể yêu cầu. Điều này cũng phù hợp với quy định về quyền yêu cầu trưng cầu giám định đối với Tòa án nhưng không được chấp nhận của người có quyền yêu cầu theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi, bổ sung 2020. Quy định này đã tạo ra hệ quả trong thực tế, giả sử trong trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của người có quyền yêu cầu và sử dụng kết quả giám định của người yêu cầu (khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi, bổ sung 2015) thì sẽ không thể hiện sự khách quan, chính xác trong kết quả giám định, ngoài ra, có thể sẽ không bảo vệ được quyền và lợi ích của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Do vậy, người làm luật cần phải có sự thống nhất giữa quy định của luật nội dung, luật tố tụng và cả Luật Giám định tư pháp để có thể xác định và đánh giá chính xác về mức độ thể chất và tinh thần của người bị tuyên bố. Theo đó, trên quan điểm nghiên cứu, cần phải sửa đổi quy định tại Điều 377 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 theo hướng thống nhất với Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015, Luật Giám định tư pháp 2012, Tòa án chỉ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trên cơ sở giám định pháp y tâm thần của cơ quan giám định được thực hiện do Tòa án yêu cầu trưng cầu giám định. 4. Kết luận Phải thừa nhận rằng, việc bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong Bộ luật Dân sự 2015 đã góp phần giải quyết những trường hợp trong thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong các quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng quy định pháp luật để tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đã cho thấy một số bất cập liên quan đến vấn đề này. Bài viết đã phân tích, bình luận các vấn đề pháp lý đó để đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo đó, việc hoàn thiện những vấn đề đó phải luôn đảm bảo được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của “bên yếu thế” - người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ luật Dân sự 1995. 2. Bộ luật Dân sự 2005. 3. Bộ luật Dân sự 2015. 4. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. 5. Luật Giám định tư pháp 2012, sửa đổi, bổ sung 2020. 6. Nguyễn Thị Lan (2018). Một số điểm mới về năng lực hành vi dân sự của cá nhân trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 88. 7. Nguyễn Ngọc Điện (2022). Giáo trình Luật Dân sự tập 1. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh. 8. Phùng Trung Tập và Kiều Thị Thùy Linh (2020). Nhập môn Luật Dân sự 1. Nhà xuất bản Lao Động. Hà Nội. 9. Phạm Văn Tuyết (2017). Hướng dẫn môn học Luật Dân sự tập 1. Nhà xuất bản Tư pháp. Hà Nội. 10. Quyết định số 165/2021/QĐST-VDS ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận Bình Chánh, TPHCM về tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. 606
- 11. Quyết định số 17/2020/QĐST-VDS ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng về tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. 12. Trương Oanh (17/02/2022). Bệnh tâm thần phân liệt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị. https://tamlytrilieunhc.com/benh-tam-than-phan-liet-7374.html. truy cập ngày 21/9/2022. 13. Trần Ngọc Tuấn (2021). Bảo vệ người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi tham gia hoạt động tố tụng dân sự. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 23 (447). 14. Trần Thị Hoa (2020). Vướng mắc trong thực tiễn xét xử vụ, việc dân sự có đương sự bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tạp chí Nghề luật, số 07. 15. Văn Chiến (2017). Khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi. https://kiemsat.vn/kho-khan-trong-nhan-thuc-va-dieu-khien-hanh-vi-46832.html. truy cập ngày 20/9/2022. 607
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi của người chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện nay
8 p | 99 | 13
-
Kỷ yếu Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về thuế và thanh toán điện tử trong thời kỳ công nghiệp 4.0
118 p | 70 | 12
-
Ảnh hưởng của hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong việc hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hợp đồng thương mại điện tử
6 p | 65 | 6
-
Hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam để hội nhập kinh tế quốc tế
6 p | 107 | 5
-
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý về thanh toán bằng tiền điện tử ở Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp 4.0
14 p | 59 | 5
-
Hoàn thiện khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan
4 p | 9 | 4
-
khung pháp lý cho hợp đồng thông minh - Một số gợi mở cho Việt Nam từ pháp luật Trung Quốc
17 p | 10 | 4
-
Hoàn thiện quy định pháp lý về tội tài trợ khủng bố trong Bộ luật Hình sự 2015
5 p | 8 | 4
-
Hoàn thiện quy định pháp lý về tội khủng bố trong bộ Luật Hình sự năm 2015
6 p | 48 | 4
-
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và việc hoàn thiện khung pháp lý về biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam
8 p | 43 | 4
-
Khung pháp lý cơ bản về giao dịch điện tử của Việt Nam
8 p | 57 | 4
-
Những bất cập trong khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam và giải pháp hoàn thiện
8 p | 63 | 4
-
Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với các cam kết trong một số hiệp định thương mại tự do
13 p | 27 | 3
-
Khung pháp lý đối với các Không gian sáng tạo Việt Nam: Bản thảo để tham vấn
20 p | 65 | 3
-
Các chuẩn mực pháp lý quốc tế và pháp luật một số quốc gia về điều chỉnh hoạt động của xã hội dân sự
9 p | 67 | 2
-
Hoàn thiện khung pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế
9 p | 19 | 1
-
Thực trạng khung pháp lý về hòa giải thương mại trực tuyến và kiến nghị giải pháp hoàn thiện
13 p | 0 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn