intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến đặc điểm sinh học của loài vi tảo lục Pediastrum duplex

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

7
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến đặc điểm sinh học của loài vi tảo lục Pediastrum duplex tiến hành khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến đặc điểm sinh học của Pediastrum duplex để bổ sung những dữ liệu khoa học về phản ứng của các loài vi tảo đối với các áp lực từ môi trường sống.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến đặc điểm sinh học của loài vi tảo lục Pediastrum duplex

  1. BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÂNG DÄY SINH HỌC Ở VIỆT NAM - HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 5 DOI: 10.15625/vap.2022.0074 KHẢO SÁT ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ ĐẾN ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA LOÀI VI TẢO LỤC Pediastrum duplex Trần Thị Kiều Thảo1,2, Phan Nhật Trường2, Nguyễn Minh Lý2,*, Trịnh Đăng Mậu2 Tóm tắt. Nghiên cứu này được thực hiện để khảo sát sự thay đổi đặc điểm sinh học của loài vi tảo lục Pediastrum duplex dưới tác động của nhiệt độ. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng nhiệt độ từ 25-32 ºC làm giảm đáng kể tốc độ sinh trưởng của tảo (từ 0,088 ± 0,007/ngày xuống còn 0,039 ± 0,006/ngày). Chu kỳ sống của tảo cũng bị ảnh hưởng, thể hiện qua sự thay đổi cấu trúc quần thể. Ở nhiệt độ 25 ºC, tảo chuyển trạng thái từ giai đoạn trẻ sang sinh trưởng sang sinh sản bình thường trong khi ở các mức nhiệt độ cao hơn, tảo đã bị ức chế khiến sự chuyển trạng thái rất chậm, hay thậm chí bị ức chế mạnh về mặt sinh sản tăng số lượng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hàm lượng chlorophyll a tích lũy trong tế bào cũng có xu hướng tăng mạnh khi nhiệt độ tăng. Từ khóa: Hình thái, nhiệt độ, Pediastrum duplex, sinh trưởng. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đối với các hệ sinh thái dưới nước, nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các sinh vật sản xuất sơ cấp (Reynolds, 2006). Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ được dự đoán sẽ tăng lên trong thời gian tới, có thể dẫn đến những thay đổi về đa dạng và cấu trúc quần xã thực vật phù du. Sự hấp thụ chất dinh dưỡng và hoạt động trao đổi chất tổng thể (Litchman và cộng sự, 2007) của thủy vực cũng sẽ bị xáo trộn do những thay đổi về số lượng và chất lượng ở đáy lưới thức ăn có thể làm thay đổi quá trình truyền năng lượng dinh dưỡng được chuyển đến sinh vật tiêu thụ (Behrenfeld, 2014). Do dó, các nghiên cứu đánh giá tác động trực tiếp của nhiệt độ lên vi tảo ở các cấp độ từ cá thể đến quần thể, quần xã là cần thiết. Pediastrum duplex là một loài vi tảo lục nước ngọt có hình dạng khá đặc trưng, phát triển theo dạng tập đoàn định số. Tập đoàn Pediastrum duplex được cấu tạo từ một nhóm tế bào (8, 16, 32, 64… tế bào) sắp xếp tỏa tròn thành một hình đĩa phẳng. Các tế bào ngoại biên của tập đoàn thường có vết lõm sâu hình chữ V tạo thành hai thùy dài (Komárek và Jankovská, 2001). Môi trường sống tự nhiên của chúng là các ao, đầm lầy nông, nơi có thể tiếp xúc với điều kiện môi trường khắc nghiệt và thay đổi nhanh chóng (Komárek và Jankovská, 2001; Lenarczyk và Saluga, 2018). Các loài thuộc chi Pediastrum được xem là loài chỉ thị tốt cho những bất thường trong môi trường nhờ sự nhạy cảm và phản ứng trước các áp lực môi trường là rất đa dạng, từ thay đổi cấu trúc quần thể, tăng giảm tốc độ sinh 1 Trường THPT Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng 2 Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng * Email: nmly@ued.udn.vn
  2. 672 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÂNG DÄY SINH HỌC Ở VIỆT NAM trưởng đến thay đổi sự hình thành tập đoàn định số hay biến dạng hình thái tế bào (Salvucci và Crafts-Brandner, 2004). Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến đặc điểm sinh học của Pediastrum duplex để bổ sung những dữ liệu khoa học về phản ứng của các loài vi tảo đối với các áp lực từ môi trường sống. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Bố trí thí nghiệm Giống tảo Pediastrum duplex được nuôi trong môi trường BBM ở nhiệt độ 25 ℃, chiếu sáng dưới ánh sáng đèn LED với cường độ 2500 lux tại phòng Công nghệ Tảo thuộc Khoa Sinh-Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Để đánh giá được ảnh hưởng nhiệt độ môi trường đến đặc điểm sinh học của vi tảo Pediastrum duplex, các nghiệm thức bao gồm 25 ºC (đối chứng), 28 ºC và 32 ºC đã được bố trí với 3 lần lặp lại mỗi nghiệm thức. Các bình thí nghiệm được đặt trong một bể nước cạn với nhiệt độ của bể nước được điều chỉnh đến nhiệt độ mong muốn bằng thanh sưởi nhiệt. 2.2. Phương pháp xác định tốc độ sinh trưởng Thí nghiệm được tiến hành trong 12 ngày từ ngày 2 dến ngày 14 tháng 3 năm 2022. Mật độ tế bào được theo dõi mỗi 2 ngày bằng cách đếm số lượng dưới kính hiển vi. Tế bào thuộc các giai đoạn phát triển khác nhau được xác định dựa trên hình thái của tế bào ngoại biên trong tập đoàn định số. Tốc độ sinh trưởng trung bình (/ngày) được tính theo công thức: trong đó: t0, t là thời gian bắt đầu và kết thúc thời điểm thí nghiệm. n0 và nt là mật độ tế bào ở thời điểm bắt đầu và kết thúc thí nghiệm. 2.3. Phương pháp xác định hàm lượng chlorophyll a Hàm lượng chlorophyll-a [μg/ml] được xác định vào cuối thí nghiệm dựa trên phương pháp của Lichtenthaler (Lichtenthaler và Wellburn, 1983). Cụ thể, lấy 10 ml sinh khối tảo, ly tâm 6000 vòng/phút trong 10 phút để loại bỏ môi trường, sau đó thêm 2 ml methanol 100 %, giữ mẫu trong bóng tối. Sau đó tiến hành siêu âm mẫu trong 30 phút ở 40 oC. Sau khi siêu âm, chuyển mẫu sang ống eppendorf 2 ml và tiến hành ly tâm lạnh ở 5 ºC trong 10 phút với tốc độ 10.000 vòng/phút. Thu dịch trong phía trên và tiến hành đo OD ở bước sóng 652,4 nm và 665,2 nm so với methanol. Chlorophyll a tính theo công thức: Chl-a = 16.72 (A665.2) – 9.16 (A652.4) Hàm lượng chlorophyll-a tích lũy trong mỗi tế bào [μg/ml] được xác định bằng cách chia hàm lượng chlorophyll-a cho mật độ tế bào. 2.4. Phương pháp xử lý số liệu Số liệu thu thập được được xử lý thống kê và phân tích trên phần mềm R (R Core Team, 2013). Phân tích phương sai ANOVA được áp dụng để xem xét sự sai khác giữa các cặp nghiệm thức.
  3. PHẦN 2. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG SINH HỌC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 673 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự sinh trưởng của vi tảo lục Pediastrum duplex Kết quả thí nghiệm cho thấy nhiệt độ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của vi tảo lục Pediastrum duplex khi tăng nhiệt độ trong môi trường nuôi (Hình 1). Hình 1. Biểu đồ thể hiện mật độ của vi tảo Pediastrum duplex ở môi trường nuôi khác nhau về nhiệt độ Xu hướng chung quan sát được là mật độ tăng mạnh trong những ngày đầu, sau đó chững lại hay thậm chí giảm nhẹ, tuy nhiên mức độ tăng giảm là khác biệt giữa các nghiệm thức. Cụ thể, ở nghiệm thức đối chứng (25 oC), mật độ tăng mạnh từ 126.933 ± 16.958 tế bào/ml đến đạt 560.000 ± 49.960 tế bào/ml sau 8 ngày thí nghiệm, cao hơn hẳn so với mật độ trong nghiệm thức 28 oC (294.667 ± 51.588 tế bào/ml) và nghiệm thức 32oC (182.667 ± 28.095 tế bào/ml). Ở những ngày tiếp theo, mật độ tảo trong nghiệm thức đối chứng giảm xuống còn 368.267 ± 65.387 tế bào/ml, trong khi mật độ ở 2 nghiệm thức còn lại không có sự thay đổi đáng kể, đạt 294.667 ± 37.166 và 220.000 ± 18.330 tế bào/ml. Hình 2. Tốc độ sinh trưởng trung bình của vi tảo Pediastrum duplex ở môi trường nuôi khác nhau về nhiệt độ
  4. 674 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÂNG DÄY SINH HỌC Ở VIỆT NAM Tốc độ sinh trưởng trung bình của tảo giảm dần khi nhiệt độ môi trường tăng cao. Kết quả thí nghiệm cho thấy tảo phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 25 ºC với tốc độ sinh trưởng đạt 0,088 ± 0,007 /ngày. Quần thể tảo có tốc độ sinh trưởng thấp hơn khi được nuôi trong môi trường có nhiệt độ 28 ºC (0,065 ± 0,001 /ngày) và thấp nhất trong nhiệt độ 32 ºC, chỉ đạt 0,039 ± 0,006 /ngày. Phân tích ANOVA cho thấy sự khác biệt về tốc độ sinh trưởng trung bình giữa các nghiệm thức là có ý nghĩa thống kê với các giá trị P-values < 0,05. Bảng 1. Kết quả phân tích ANOVA về sự khác biệt tốc độ sinh trưởng trung bình của các nghiệm thức ANOVA DC 28oC 32oC DC x 0,019 0,000 o 28 C x x 0,010 o 32 C x x x Kết quả này có thể được giải thích là do nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với sự sinh trưởng và phát triển của vi tảo. Hầu hết các loài tảo đều duy trì được khả năng quang hợp và phân chia tế bào trong một khoảng nhiệt độ rộng từ 15-30 o C, tối ưu trong khoảng 20-25 oC (Ras và cộng sự, 2013). Trong khoảng nhiệt độ tối ưu này, việc tăng nhiệt độ sẽ có những ảnh hưởng tích cực lên sự sinh trưởng và sinh sản của tảo do các hoạt động của enzim liên quan đến chu trình Calvin được tăng cường (Falkowski, 1980). Ngoài khoảng tối ưu, sự thay đổi nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến chức năng của các enzym (gây bất hoạt hoặc biến tính) hay thay đổi cấu trúc các protein có liên quan đến hoạt động quang hợp, do đó ức chế sự sinh trưởng (ở nhiệt độ thấp) hay thậm chí gây chết tế bào (ở nhiệt độ cao) (Salvucci và Crafts-Brandner, 2004). Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi được nuôi ở nhiệt độ 28 oC và 32 oC, tốc độ sinh trưởng của tảo giảm còn 0,065 ± 0,001 và 0,039 ± 0,006/ngày. Kết quả này cho thấy khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng của tảo Pediastrum cũng nằm trong khoảng tối ưu phổ biến (20-25 oC). Cùng với đó, sự thay đổi cấu trúc quần thể dưới tác động của nhiệt độ (Hình 3) cho thấy khi nhiệt độ tăng lên 28 oC và 32 oC, dường như sự phát triển (chuyển trạng thái) của tảo bị chậm lại so với trong điều kiện thuận lợi (nghiệm thức đối chứng). 3.2. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến cấu trúc quần thể của vi tảo lục Pediastrum duplex Những tế bào tảo ở giai đoạn sinh trưởng chiếm một tỉ lệ lớn (khoảng 75 %) trong quần thể tảo ở tất cả nghiệm thức vào thời điểm bắt đầu thí nghiệm, tiếp đến là nhóm tảo ở giai đoạn trẻ. Rất ít tế bào ở giai đoạn sinh sản được quan sát thấy trong cả ba nghiệm thức. Sự khác biệt trong cấu trúc quần thể tảo thể hiện rõ ở những ngày tiếp theo. Ở nghiệm thức đối chứng, tỉ lệ nhóm tế bào sinh trưởng tăng mạnh trong 8 ngày đầu sau đó giảm dần, còn tỉ lệ nhóm sinh sản tăng đều theo thời gian. Khi gặp môi trường thuận lợi, tảo chuyển từ trạng thái sinh trưởng sang sinh sản và nảy mầm tạo ra rất nhiều các tế bào trẻ. Các tế bào trẻ này sau đó tiếp tục chuyển sang trạng thái sinh trưởng và cuối cùng là sinh sản. Xu hướng tương tự cũng đã được báo cáo trong nghiên cứu của Rojo và cộng sự (2008) khi khảo sát những yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc tập đoàn tảo Pediastrum tetras.
  5. PHẦN 2. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG SINH HỌC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 675 Tốc độ các tế bào trẻ phát triển thành sinh trưởng và từ tế bào sinh trưởng thành sinh sản dường như tương đương nhau, nên tỉ lệ tế bào sinh trưởng được duy trì ở khoảng 20 % trong suốt thí nghiệm. Khi không được bổ sung dinh dưỡng, các tế bào chỉ tiếp tục tích lũy và duy trì trạng thái sinh sản mà không nảy mầm tạo ra các tập đoàn mới, đó là lý do mà tỉ lệ nhóm tế bào sinh sản được ghi nhận tăng dần theo thời gian. Hình 3. Cấu trúc quần thể vi tảo lục Pediastrum duplex theo thời gian trong các nghiệm thức nhiệt độ khác nhau Xu hướng thay đổi quần thể trên dường như bị tác động mạnh bởi nhiệt độ khi ở nghiệm thức 28 oC và 32 oC, cấu trúc quần thể tảo là hoàn toàn khác biệt. Trong nghiệm thức 28 oC, quần thể tảo không thể hiện một xu hướng phát triển nào rõ rệt. Từ ngày 4 đến ngày 12, tỉ lệ nhóm trẻ giảm dần, nhóm sinh trưởng tăng dần và nhóm sinh sản dao động không đáng kể. Điều này chứng tỏ sự phát triển của tảo đã bị ức chế khiến tảo chuyển trạng thái rất chậm. Đối với nghiệm thức 32 oC, rất ít tế bào mới được tạo ra (Hình 3). Nhóm tế bào ở giai đoạn sinh sản chiếm một tỉ lệ lớn kể từ ngày thứ hai với khoảng 60 %, tăng dần lên đến khoảng 90 % vào thời điểm kết thúc thí nghiệm. Kết quả này chứng tỏ nhiệt độ 32 ॰ C đã ức chế mạnh sự sinh sản tạo tế bào mới của tảo nhưng không làm chết tảo hoàn toàn. 3.3. Ảnh hưởng của nhiệt độ đến hàm lượng Chl-a trong vi tảo lục Hàm lượng Chlorophyll a trong mỗi tế bào Pediastrum duplex vào lúc kết thúc thí nghiệm được thể hiện ở Hình 4.
  6. 676 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÂNG DÄY SINH HỌC Ở VIỆT NAM Hình 4. Hàm lượng Chl-a trong mỗi tế bào tảo trong các nghiệm thức nhiệt độ vào ngày thứ 12 của thí nghiệm Hàm lượng chlorophyll-a trên mỗi tế bào tảo giữa các nghiệm thức có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P-values < 0.05). Giá trị thấp nhất được ghi nhận ở nghiệm thức đối chứng (8,345 ± 1,530 pg/tb), tiếp đến là nghiệm thức 28 oC với 12,635 ± 0,746 pg/tb và cao nhất ở nghiêm thức 32 oC với 21,589 ± 2,915 pg/tb. Có sự tích lũy hàm lượng chlorophyll a mạnh trong tế bào tảo khi tăng nhiệt độ. Đây có thể là kết quả của việc cung cấp dinh dưỡng như ức chế sự sinh sản do nhiệt độ. DC 28oC 32oC Hình 5. Hình thái đặc trưng của các tế bào vào ngày kết thúc thí nghiệm với nhiệt độ Về mặt hình thái, các tế bào đang ở giai đoạn sinh sản trong nghiệm thức 32oC có sự khác biệt rõ rệt so với 2 nghiệm thức còn lại (Hình 5). Ở nghiệm thức đối chứng và 28 oC, tảo vẫn duy trì được hình thái đặc trưng với các phần thân và 2 thùy rõ rệt. Trong khi đó, tảo ở nghiệm thức 32 oC lại bị biến dạng mạnh, phình tròn ra và rất khó phân biệt các phần thân và thùy. Cấu trúc của tập đoàn cũng bị phá vỡ, nhiều tế bào trong tập đoàn bị chết.
  7. PHẦN 2. NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG SINH HỌC PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI 677 Hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận trong nghiên cứu của Neustupa và cộng sự (2008) về ảnh hưởng của nhiệt độ lên hình thái và đặc điểm sinh học của một loài tảo Desmid khác là Micrasterias rotata. Theo tác giả, khi tảo Micrasterias rotata được nuôi trong môi trường có nhiệt độ 30 oC, một số cá thể có sự dị dạng về hình thái tại các thùy bên, đây là biểu hiện gây ra bởi sự stress từ môi trường, dẫn đến các hoạt động bất thường trong việc tạo ra hình thái đặc trưng của tập đoàn tảo. Như đã đề cập, tảo vẫn có khả năng quang hợp, tích lũy thêm hợp chất nhưng dường như chức năng sinh sản (nảy mầm tạo tập đoàn mới) hay sinh bào tử đều đã bị ảnh hưởng. Ảnh chụp vào ngày kết thúc thí nghiệm cho thấy tế bào tảo phình to ra và dị dạng. Đồng thời, hàm lượng chlorophyll a cũng tăng lên đáng kể (Hình 4). 4. KẾT LUẬN Nhiệt độ có ảnh hưởng rõ rệt đến những đặc điểm sinh học của vi tảo lục Pediastrum duplex. Kết quả thí nghiệm cho thấy tốc độ sinh trưởng của tảo giảm dần khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cao nhất khi nuôi ở nhiệt độ 25 oC (0,088 ± 0,007/ngày) và giảm còn thấp nhất ở nhiệt độ 32 oC (0,039 ± 0,006/ngày). Xu hướng thay đổi quần thể dường như cũng bị tác động mạnh. Ở nhiệt độ 25 oC, tảo chuyển trạng thái theo đúng chu kỳ trong khi ở các mức nhiệt độ cao hơn, sự phát triển của tảo đã bị ức chế khiến tảo chuyển trạng thái rất chậm, thậm chí ở mức nhiệt 32 oC tảo bị ức chế mạnh về mặt sinh sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra tích lũy hàm lượng chlorophyll a mạnh trong tế bào tảo khi tăng nhiệt độ. TÀI LIỆU THAM KHẢO Behrenfeld, M. J., 2014. Climate-mediated dance of the plankton. Nature Climate Change, 4(10): 880-887. Falkowski, P. G., 1980. Light-shade adaptation in marine phytoplankton. In Primary productivity in the sea, 99-119. Springer. Komárek, J., & Jankovská, V., 2001. Review of the green algal genus Pediastrum. J. Cramer. Lenarczyk, J., & Saluga, M., 2018. Evolutionary relationships between the varieties of green algae Pediastrum boryanum and P. duplex sl (Chlorophyceae, Hydrodictyaceae). Fottea, 18(2): 170-188. Lichtenthaler, H. K., & Wellburn, A. R., 1983. Determinations of total carotenoids and chlorophylls a and b of leaf extracts in different solvents. Portland Press Ltd. Litchman, E., Klausmeier, C. A., Schofield, O. M., & Falkowski, P. G., 2007. The role of functional traits and trade-offs in structuring phytoplankton communities: Scaling from cellular to ecosystem level. Ecology Letters, 10(12): 1170-1181. Neustupa, J., Stastny, J., & Hodac, L., 2008. Temperature-related phenotypic plasticity in the green microalga Micrasterias rotata. Aquatic Microbial Ecology, 51(1): 77-86. Ras, M., Steyer, J.-P., & Bernard, O., 2013. Temperature effect on microalgae: A crucial
  8. 678 BÁO CÁO KHOA HỌC VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIÂNG DÄY SINH HỌC Ở VIỆT NAM factor for outdoor production. Reviews in Environmental Science and Bio/Technology, 12(2): 153-164. Reynolds, C. S., 2006. The ecology of phytoplankton. Cambridge University Press. Rojo, C., Segura, M., Rodrigo, M. A., & Salazar, G., 2009. Factors controlling the colonial structure of Pediastrum tetras (Chlorophyceae). Hydrobiologia, 617(1): 143-155. Salvucci, M. E., & Crafts-Brandner, S. J., 2004. Relationship between the heat tolerance of photosynthesis and the thermal stability of Rubisco activase in plants from contrasting thermal environments. Plant Physiology, 134(4): 1460-1470. Team, R. C., 2013. R: A language and environment for statistical computing. INVESTIGATING THE EFFECTS OF TEMPERATURE ON BIOLOGICAL CHARACTERISTICS OF MICROALGAE Pediastrum duplex Tran Thi Kieu Thao1,2, Phan Nhat Truong2, Nguyen Minh Ly2,*, Trinh Dang Mau2 Abstract. This study was conducted to investigate changes in biological characteristics of microalgae Pediastrum duplex under effects of elevating temperature. Results of study indicated that an increase of temperature from 25 ºC to 32 ºC led to a significant decrease in the growth rate of the algae (from 0,088 ± 0,007/day down to 0,039 ± 0,006/day). The life cycle of the P. duplex was also impacted, expressed by the changes in population structure. At 25 ºC, algae developed from a juvenile to growth to reproductive stage normally while at higher temperature levels, the development was inhibited, even being unable to reproduce at 32 ºC. Besides, an increasing concentration of chlorophyll-a was also observed in treatment with 28 ºC and 32 ºC compared to control. Keywords: Growth, morphology, Pediastrum duplex, temperature. 1 Lien Chieu High School, Danang city 2 University of Science and Education, The University of Danang * Email: nmly@ued.udn.vn
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2