intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khóa luận " Đặc điểm ngữ nghĩa logic trong truyện cười bác Ba Phi "

Chia sẻ: Bút Màu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:23

107
lượt xem
15
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Logic tôn trọng sự thật, hướng đến chân lí. Phóng đại bóp méo, làm sai lệch sự thật, làm sự vật sự việc mất đi bản chất vốn có ban đầu. Phóng đại là một biểu hiện của sự phi logic. Truyện cười bác Ba Phi sử dụng ngôn ngữ để phóng đại hiện thực dẫn đến có sự bất tương thích giữa ngữ nghĩa ngôn từ và logic.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khóa luận " Đặc điểm ngữ nghĩa logic trong truyện cười bác Ba Phi "

  1. Khóa luận Đặc điểm ngữ nghĩa - logic trong truyện cười bác Ba Phi
  2. MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU.. 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 4. Phương pháp nghiên cứu. 5. Kết cấu khóa luận. PHẦN NỘI DUNG.. CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN.. 1.1. Khái quát về mối quan hệ giữa logic và ngữ nghĩa. 1.2. Lập luận trong logic hình thức và logic phi hình thức. 1.3. Khái quát về tác giả và truyện cười bác Ba Phi CHƯƠNG 2: PHÓNG ĐẠI – MỘT BIỆN PHÁP TU TỪ NGỮ NGHĨA – LOGIC TRONG TRUYỆN CƯỜI BÁC BA PHI. 2.1. Phóng đại khả chấp. 2.1.1. Phóng đại sự vật 2.1.2. Phóng đại sự việc.
  3. 2.2. Phóng đại bất khả chấp. CHƯƠNG 3: CÁI LÍ CỦA SỰ PHÓNG ĐẠI VÀ LẬP LUẬN THEO LOGIC PHI HÌNH THỨC TRONG TRUYỆN CƯỜI BÁC BA PHI 3.1. Cơ sở để xác định cái lí trong truyện cười bác Ba Phi 3.2. Lập luận và các kiểu lí lẽ trong truyện cười bác Ba Phi PHẦN KẾT LUẬN.. TÀI LIỆU THAM KHẢO.. PHỤ LỤC: TRUYỆN BÁC BA PHI
  4. Logic tôn trọng sự thật, hướng đến chân lí. Phóng đại bóp méo, làm sai lệch sự thật, làm sự vật sự việc mất đi bản chất vốn có ban đầu. Phóng đại là một biểu hiện của sự phi logic. Truyện cười bác Ba Phi sử dụng ngôn ngữ để phóng đại hiện thực dẫn đến có sự bất tương thích giữa ngữ nghĩa ngôn từ và logic. Tất cả các truyện cười bác Ba Phi đều có yếu tố phóng đại. Vì vậy, muốn thuyết phục người nghe tin vào các câu chuyện của mình thì người kể phải kể chuyện một cách hợp lí. Nghĩa là người kể phải có những lập luận chặt chẽ, logic và phải dựa trên những cơ sở có thật. Như vậy, câu chuyện mới có thể thuyết phục người nghe. Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ đi tìm cái lí, cái cơ sở của sự phóng đại và phân tích lập luận trong truyện cười bác Ba Phi. Đồng thời, chúng tôi cũng phân tích các loại lí lẽ mà bác Ba Phi đã sử dụng để thuyết phục người đọc, người nghe. CHƯƠNG 3: CÁI LÍ CỦA SỰ PHÓNG ĐẠI VÀ LẬP LUẬN THEO LOGIC PHI HÌNH THỨC TRONG TRUYỆN CƯỜI BÁC BA PHI 3.1. Cơ sở để xác định cái lí trong truyện cười bác Ba Phi Không kể những truyện phóng đại đến mức phi lí, không thể chấp nhận được, các câu chuyện còn lại có thể thuyết phục được người nghe tin vào sự việc bác Ba Phi kể. Các câu chuyện đều có yếu tố phóng đại. Vì vậy, đi tìm cái lí của sự phóng đại là rất cần thiết.
  5. Trước tiên, những câu chuyện của bác Ba Phi đều dựa vào thực tại làm nền. Truyện kể Ba Phi thường xuất phát từ những sự việc, hiện tượng vốn đã tồn tại trong thực tế. Cơ sở thực tế của phóng đại Lúa nở ngầm chính là hiện tượng lúa nổi ở đồng bằng Nam Bộ. Lúa nổi đã giúp hàng trăm ngàn hộ dân cầm cự với cái đói sau các cơn hồng thủy. Cơ sở của phóng đại Nếp dẻo chính là loại nếp Cò Hương nổi tiếng của đất rừng U Minh. Chính cái hiện thực rất màu mỡ, trù phú của đất rừng phương Nam đã làm nền cho những phóng đại của một loạt các truyện kể Ba Phi khác. Sự giàu có về sản vật tự nhiên làm cho sự phóng đại được bay bổng. Miền đất U Minh hồi mới khai phá là nơi thiên nhiên hoang dã. Chính vì thiên nhiên hoang dã, chưa có dấu chân người đã tồn tại một lượng lớn các sản vật đa dạng về loài và phong phú về số lượng. Người nghe có thể cảm nhận và tin vào các hình ảnh phóng đại: cá dưới kinh quẫy ùn ụt, chim bay từng đàn mát trời, trứng le le trắng mặt nước…Quả thật, nếu không sống giữa một thiên nhiên giàu có, trù phú thì không thể kể được những câu chuyện khó tưởng tượng như vậy. Cách sử dụng các trạng ngữ chỉ thời gian: Hồi nẳm, năm đó, hồi đất rừng mới khai phá…cũng góp phần giúp câu chuyện thêm kì bí, xa xôi. Những trạng ngữ này, làm người nghe không thể xác định được thời gian cũng như kiểm chứng các sự việc bác Ba Phi kể. Thiên nhiên hoang dã có rất nhiều bí ẩn và khoảng thời gian không thể xác định được, người nghe sẽ bị đặt vào trạng thái mông lung không hoàn toàn tin nhưng cũng không thể chối bỏ. Trong các câu chuyện của bác Ba Phi, bác Ba chỉ kể chuyện cho trẻ em và những người lạ từ nơi khác đến, không am hiểu rừng U Minh như những
  6. người lớn tuổi. Vì không hiểu biết về vùng đất này nên cho dù bác Ba Phi phóng đại đến mức nào đi nữa, người nghe cũng phải “tin sái cổ”. Cuối cùng, điều làm mọi người tin vào các câu chuyện là vì bác Ba Phi có rất nhiều kiến thức và am hiểu vùng đất quê mình. Tiếng kêu của các loại chim, thói quen di chuyển của kì đà, cách ăn của nai…bác Ba đều biết rõ, làm cho các câu chuyện bác thêm sinh động và hấp dẫn. Đặc biệt, với thủ pháp chuẩn bị ngữ cảnh, các chi tiết được sắp xếp một cách hợp lí làm người đọc, người nghe thán phục trí thông minh của người kể. Để nói chuyện mình đã cho heo đi cày, một chuyện lạ ở xứ này, heo ở đây không khác gì trâu, bò, bác Ba Phi đã có sự rào đón, dẫn dắt bằng các chi tiết: Xứ U Minh muỗi nhiều, phải giăng mùng cho thú vật ngủ, chuồng heo và chuồng trâu đặt kế nhau, mùa màng bận bận rộn nên phải đi cày từ lúc tối mịt nên đã bắt nhầm hai con heo to…Để nói chuyện “Chà gạc nai” đã có các chi tiết dẫn dắt: con trăn gấm nuôi to quá cỡ, kiếm đồ ăn cho nó không xuể, thỉnh thoảng phải thả nó vào rừng kiếm ăn, thức ăn nó từng ăn cũng đủ thứ: chồn đèn, chuột cống…nên chuyện nó ăn nai chà là không lạ gì! Hay để kể được chuyện thu hoạch mấy tấn lưỡi nai, người kể đã có những chi tiết dẫn dắt từ đầu: nai ở xứ này nhiều, cả bầy phá lúa rất dữ, có người đã nói rằng phải để xứ này cho nai ở… Ngoài ra, những kết thúc mang tính khẳng định trong văn bản giúp cho các truyện kể có vẻ như hoàn toàn chân thật. Thường thì phần kết của truyện kể Ba Phi kết thúc văn bản với một kiểu rất độc đáo: “Hổng tin hỏi bả mà coi!” (Gài bẫy bắt chim), “Hổng tin, bà con cứ hỏi “bà xã” tui thử coi!” (Bắt chim
  7. trời ăn lúa), “Đứa nào hổng tin vô sau bếp coi bác gái bây đang giở mắm ra thì biết liền” (Ong mật rừng Tràm), “Không tin đi hỏi bả coi có phải thiệt vậy hông?” (Bắt heo rừng) hay “Hổng tin cứ làm thử thì biết!” (Căn bệnh da cổ của tôi)... 3.2. Lập luận và các kiểu lí lẽ trong truyện cười bác Ba Phi 3.2.1. Lập luận trong truyện cười bác Ba Phi Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên phải thuyết phục người khác để người đó tin hoặc làm theo những gì chúng ta mong muốn. Đứa trẻ có thể thuyết phục để mẹ mua cho mình một cuốn truyện tranh; người bán hàng thuyết phục người mua mua sản phẩm của mình; chứng minh một điều gì đó cho bạn bè, người thân bằng lời nói… Có thể nói rằng, lập luận là một hoạt động thường xuyên trong quá trình sử dụng ngôn ngữ của con người. Theo Nguyễn Đức Dân thì “Lập luận là một hoạt động ngôn từ. Bằng công cụ ngôn ngữ, người nói đưa ra những lí lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một hệ thống xác tín nào đó: rút ra một (/một số) kết luận hay chấp nhận một (/một số) kết luận nào đó”. Trong một lập luận, thường có 3 thành tố là: tiền đề, lí lẽ và kết đề. Tiền đề (luận cứ) là một hoặc nhiều dữ kiện xuất phát làm căn cứ cho lập luận, từ đó suy ra kết đề. Lí lẽ (dẫn chứng) là những yếu tố mà nhờ đó từ tiền đề chúng ta có thể suy ra kết đề. Kết đề là một khẳng định đích mà người nói muốn thuyết phục người nghe. Một lập luận có thể chỉ có hai thành tố: tiền đề và lí lẽ, còn kết đề thì người đọc, người nghe phải tự suy ra.
  8. Ví dụ: Quảng cáo điện thoại Nokia 6630 – Thế hệ thông minh, năng lực vượt trội Thế là đã có một chiếc điện thoại hội tụ những công nghệ tối ưu Nghe nhạc kĩ thuật số Xem video clip Văn phòng di động Máy ảnh 1.3 megapixel Quảng cáo trên chỉ có tiền đề và các lí lẽ. Còn kết luận, người nghe phải tự suy luận ra “Đây là một chiếc điện thoại tốt, nên mua dùng”. Vì những câu chuyện của bác Ba Phi là những câu chuyện được phóng đại hơn mức bình thường nên bác Ba Phi phải dùng lí lẽ để thuyết phục người nghe. Lập luận trong truyện cười bác Ba Phi là lập luận phi hình thức. Loại lập luận này không đi đến chân lí mà nhằm mục đích về tính hiệu quả; thuyết phục người nghe tin vào một điều gì đó. Lập luận trong truyện này được chia thành hai loại: Lập luận đầy đủ các thành tố và lập luận không đầy đủ các thành tố. 3.2.1.1. Lập luận đầy đủ các thành tố
  9. Là loại lập luận ngoài thành tố bắt buộc phải có là lí lẽ, còn có đầy đủ hai thành tố: tiền đề và kết đề. Trong truyện cười Bác Ba Phi chỉ có một số lượng truyện nhỏ thuộc loại lập luận này (4/56 truyện). Câu chuyện “Cái tĩn Nam Vang lẻ bạn” có tiền đề là một câu hỏi “Tại sao tui đập hả? và kết đề là “Bị bả cằn nhằn một hồi, tui nổi khùng, xách cây đập cái tĩn một phát cho xong”. Từ tiền đề, để người nghe tin có sự việc mình đã đập bể một cái tĩn, bác Ba Phi đã dùng những lí lẽ để thuyết phục người nghe. Phương thức gây hiệu quả trong lập luận này là sự giải thích. Bằng cách sử dụng cấu trúc đảo trình tự kết quả lên trước nguyên nhân, các chi tiết của sự việc trong quá khứ trở thành những lí lẽ thuyết phục được người nghe :Vì bắt cá rô bỏ vô tĩn, cá rô to quá phải bỏ từng con ấn đầu thật mạnh mới vô, bắt ngược cá ra không được, bị bác gái cằn nhằn. Lập luận của bác Ba Phi dựa trên lí lẽ thông thường “Khi người ta bực mình, nổi khùng lên thì không kiểm soát được hành vi của mình”. Cái lí lẽ này đã được mặc định sẵn bởi xã hội, không cần phải chứng minh. Hầu hết, con người không thể kiềm chế được cơn nóng nảy, giận dữ của mình. Trong lúc bắt cá ra không được, đang bực mình mà còn bị bác gái cằn nhằn thì chuyện bác Ba đập cái tĩn là để giải tỏa sự bực bội đang tồn tại trong bản thân mà thôi. Hay trong câu chuyện “Cái đìa ngầm”, từ tiền đề “Cái đìa nhà tui ngày trước công đâu mà đào lớn đến vậy, tới tám thước bề rộng chớ ít sao” để đi đến kết luận “ Thì ra cả mấy tháng nay, cả ngàn con cá rủ nhau tập trung đào cái đìa ngầm này bằng cách cạp đất đem ra ngoài đìa bỏ, phòng ngừa hữu sự thì có chỗ ẩn nấp” bác Ba Phi đã đưa ra những lí lẽ là các sự việc thật: cá quẫy không ngủ được nên muốn kéo cá đi bán,…phát hiện được cái đìa ngầm do
  10. cá tra đào. Lí lẽ của lập luận này là “Cá sợ con người bắt nên đào ngầm phòng có hữu sự thì trốn”. Dựa vào lí lẽ thông thường là con người và ngay cả loài vật khi thấy mình có khả năng bị nguy hiểm đến tính mạng thì cố gắng tìm nơi ẩn nấp để bảo đảm cho sự an toàn của mình. Thời chiến tranh, con người đào hầm để trốn sự truy lùng của quân địch. Thời bình, con người tìm chỗ an toàn để tránh thiên tai. Ai cũng muốn được sống thật lâu. Do vậy, các lí lẽ đưa ra hợp lí để đến kết luận là cá cũng muốn tồn tại nên nó phải đào hang ngầm thuyết phục được người nghe. Trong các câu chuyện của bác Ba Phi, không nhất thiết người kể phải sử dụng đầy đủ cả ba thành tố của lập luận để thuyết phục. Đôi khi lập luận khuyết tiền đề hay kết đề là để người nghe tự lấp đầy khoảng trống ấy và tin vào câu chuyện hơn. 3.2.1.2. Lập luận không đầy đủ các thành tố Là loại lập luận ngoài thành tố bắt buộc phải có là lí lẽ thì chỉ có tiền đề hoặc chỉ có kết đề. Truyện bác Ba Phi, chủ yếu sử dụng thủ pháp phóng đại, nên phải lập luận hợp lí để thuyết phục được người nghe tin vào sự giàu có của sản vật Nam Bộ. Bác Ba Phi chỉ cần đưa ra tiền đề và lí lẽ, còn kết luận người nghe phải tự suy luận ra. Chủ yếu, các kết luận của truyện bác Ba Phi là hướng người ta tin vào sự giàu có của sản vật U Minh, Nam Bộ. Trong truyện “Rắn hổ mây tát cá”, tiền đề đưa ra là “khi mới tới đất này khai phá, nghe người ta kể rắn trong rừng U Minh con nào con nấy lớn lắm”. Sau đó dùng lí lẽ: ban đầu chưa tin nhưng khi tận mắt chứng kiến thấy rắn tát được cá mới tin là có thật. Bằng cách dẫn dắt câu chuyện dí dỏm, hài hước
  11. “Cái đuôi nó ngoéo một đầu, cái đầu nó ngoéo một một bên, thân hình dẹp lại đu đưa. Thì ra nó đang tát nước cho cạn để bắt cá ăn…cái đìa đã cạn…” các chi tiết này trở thành những công cụ trợ giúp đắc lực để xây dựng một lí lẽ thuyết phục người nghe. Từ đó người nghe có thể có một kết đề, một sự suy luận: rắn có thể tát cá, rắn ở U Minh này thiệt lớn quá cỡ. Vậy, không cần bác Ba Phi phải thêm một kết đề “khi thấy rắn tát cá tui mới tin những chuyện người ta kể là có thật” mà người nghe cũng đã tin qua những chi tiết bác Ba kể. Quá trình kiểm chứng tin đồn của bác Ba trong câu chuyện đã thuyết phục được người nghe. Tương tự, trong truyện “Bắt kì đà…chết”, tiền đề đưa ra là “Giống kì đà rừng U Minh coi chạy lềnh khênh như gà con vậy chớ không dễ gì bắt được”. Sau đó đưa ra các lí lẽ: “Một là chúng lặn giỏi,…Hai là chúng chạy giỏi…Như vậy, người nghe có thể đưa ra kết đề là “rất khó để bắt được kì đà”. Với cách mở đầu bằng một lập luận logic và hợp lí, người nghe cảm nhận được người kể rất am hiểu về loại động vật này. Khi bác Ba Phi đưa ra lí lẽ là những đặc điểm của loài kì đà và việc người nghe tự lấp đầy kết đề bằng một điều xác tín (bắt kì đà rất khó khăn) nên các chi tiết của sự việc bác Ba Phi đưa ra sau đó, dễ dàng thuyết phục người nghe. Cách gài bẫy dựa theo thói quen của bầy kì đà mà bác Ba dẫn dắt qua từng chi tiết trong truyện và kết quả là phải dùng trâu mà cộ kì đà về làm người nghe thật sự bị thuyết phục. Người nghe tin rằng, kì đà ở Nam Bộ có số lượng rất phong phú. Nhờ sự mào đầu bằng các chi tiết, sự việc có thật, câu chuyện của bác Ba Phi đã lấy được lòng tin của người nghe. Cho dù sau các sự việc đó là các chi tiết bác phóng đại để cường điệu hóa số lượng sản vật quê hương mình.
  12. Cũng vậy, truyện “Chém trực thăng” của bác Ba Phi với lí lẽ nêu ra là: Mẹ con nhà Hai Xoài bị địch phát hiện được căn hầm đang trú nên chúng chọi lựu đạn vô, mấy mẹ con khóc la rầm trời, bác Ba Phi chịu không nổi bèn vọt lên tiếp cứu, tiếng trẻ con khóc, tiếng phụ nữ la nghe thảm thiết làm ruột gan bác Ba như bị ai cắt đứt. Để rồi với tinh thần không biết sợ là gì, bác Ba vung phảng chém đại ngay đầu một chiếc trực thăng. Tuy tiền đề không được nêu ra cụ thể, nhưng những chi tiết mào đầu câu chuyện đều làm người nghe biết được nguyên nhân tụi Mỹ - Diệm đánh phá làng xóm. Vì tên lái trực thăng lạc tay lái đâm vào cây dừa nhà bác Ba làm cây dừa gãy “tróc củ hủ” , bị bác Ba chửi nên hắn quay lại trả thù. Lập luận trong truyện này dựa trên lí lẽ “Khi đã tới bước đường cùng thì người ta có thể làm được những chuyện phi thường”. Cũng như tức nước thì vỡ bờ trong câu chuyện tắt đèn của Ngô Tất Tố, vì thương chồng nên chị Dậu đã làm được những việc phi thường: đánh lại những người có chức quyền – Một việc mà bình thường chị không dám làm. Bác Ba Phi cũng vậy, có thể ngày thường bác Ba không dám hoặc không thể chém được trực thăng, mặc dù rất giận vì trực thăng phá hại vườn tược nhà bác nhưng trong trường hợp phải cứu người thì việc chém trực thăng để cứu mẹ con Hai Xoài là có thể xảy ra. Có thể thấy, lập luận khuyết tiền đề hoặc kết đề chiếm phần lớn số lượng truyện Ba Phi. Tuy nhiên, người đọc, người nghe có thể thấy được có những tiền đề, kết đề ngầm ẩn. Từ những cách lí giải bằng cách đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng của bác Ba Phi, người đọc có thể điền vào những phần khuyết nhờ quan hệ logic (từ điều đã biết có thể suy ra điều chưa biết). Nhờ đó, các câu chuyện đã thuyết phục được người nghe.
  13. 3.2.2. Các kiểu lí lẽ trong truyện cười bác Ba Phi Ngoài lí lẽ chung (lí lẽ thường) có thể áp dụng cho mọi trường hợp, lập luận trong truyện cười bác Ba Phi còn có những lí lẽ: lí lẽ gây bất ngờ, lí lẽ ngụy biện, lí lẽ lệ làng, lí lẽ ngược đời và lí lẽ ngây ngô. 3.2.2.1. Lí lẽ gây bất ngờ “Điều kiện cần thiết và quan trọng bậc nhất trong mỗi nụ cười, mỗi truyện cười là gây bất ngờ trong nhận thức của độc giả hoặc thính giả. Có như vậy mới tạo ra khoái cảm nhận biết, khoái cảm phát hiện dẫn tới khoái cảm thắng lợi của độc giả hoặc thính giả”1 Vận dụng sự logic của tư duy, người tạo lập truyện cười thường sử dụng những lí lẽ thông thường trước đó nhằm tạo ra một sự “phẳng lặng” trong nhận thức người đọc, người nghe rồi đột ngột đổi hướng ở cuối truyện bằng kiểu lí lẽ sao cho càng gây được bất ngờ, thú vị càng tốt. Kiểu lí lẽ này xuất hiện dày đặc trong truyện cười bác Ba Phi. Để nói đến việc rùa trở thành một động cơ đẩy xuồng đi nhanh như xuồng máy, bác Ba Phi đã dẫn dắt người đọc qua những sự việc bình thường: “Mùa khô năm đó, túng tiền xài, tui mới nghĩ ra một cách bắt rùa để chở ra chợ Sông Đốc bán. Ra nhà dượng Tư nó, tui mượn một chiếc ghe cà đom chở chừng năm trăm giạ lúa, chống vô Lung Tràm, đậu cặp mé dưới gió, cặm sào hai đầu cho thiệt chắc. Tui còn kéo tấm đòn dày bắc thẳng lên bờ. Làm xong, tui đi vòng phía trên gió, nổi lửa đốt một hàng dài…Thấy chúng tràn xuống quá xá, tui ngồi gần đầu cây đòn dày, coi con nào lớn thì cho đi, con nào nhỏ
  14. cứ hất mạnh tay một cái là lọt xuống sông. Một hồi, rùa xuống đầy ghe, tui nhổ sào rút đòn dày, chống luôn ra chợ…”. Để rồi kết thúc câu chuyện, bác Ba Phi đưa ra một lí lẽ làm người đọc, người nghe bất ngờ “Số rùa nhỏ bị rớt dưới nước cứ bấu theo ghe kết thành bè, một chưn chúng vịn vào be ghe, còn ba chưn cứ đạp nước theo trớn ghe mà tới” (Chiếc tàu rùa). Hay để nói tới việc mình đã từng ngồi suốt đêm trên lưng một con kình đước trong truyện “Mô đất biết đi”, bác Ba Phi cũng đã bắt đầu với những sự việc đời thường của mình “Bữa đó tui cũng vác phảng ra ruộng phát như thường lệ. Trời chưa rõ mặt mà đã đến ruộng. Đồng nước mênh mông, lã chã, không có chỗ để viên đá mài phảng. Lội xà quần một hồi mới gặp được một mô đất cứng, cao hơn mặt nước độ hai gang tay. Mừng quýnh, tui rề lại, để viên đá mài lên, ngồi mài phảng. Mài “nước lớn” xong, tui lại mài “nước ngót”, rồi liếc mép. Xong xuôi đâu đó, tui còn rề rà hút thuốc để chờ trời sáng…”. Rồi kết thúc bằng một lí lẽ “…tui mới hay hồi hôm tới giờ mình ngồi mài phảng, hút thuốc trên lưng một con kình đước. Nó bò, đem mình vô tận nhà mà cũng không hay biết gì”. 3.2.2.2. Lí lẽ ngụy biện Lí lẽ ngụy biện là “những lí lẽ bề ngoài có vẻ rất logic, rất đúng bài bản lập luận, nhưng trong thực tế lại chứa đựng nhiều sai lầm”. [5;273] Loại lí lẽ này xuất hiện trong rất nhiều mô hình truyện cười. Đôi khi người ta cố tình dùng chúng trong những cuộc tranh luận nhưng hiệu quả không cao. Chỉ cần sử dụng tư duy logic và các chứng cứ xác thực thì sẽ “lật tẩy” được lí
  15. lẽ ngụy biện. Tuy nhiên, trong truyện cười bác Ba Phi, loại lí lẽ này tỏ ra rất hiệu quả vì mục đích của truyện cười là để gây cười. Để chứng tỏ bẫy lươn dùng để bắt giang sen, gà đãy của mình hiệu nghiệm hơn cách bắt thông thường là dùng bẫy cò ke, bẫy đạp, bác Ba Phi đã đưa ra các lí lẽ, dẫn chứng “Tui làm bẫy không phải loại bẫy cò ke, bẫy đạp như người ta đâu. Tui đặt trúm lựa loại lươn da đen, bắt những con thiệt mạnh, se nhợ gai cho chắc, một đầu nhợ cột vô chỗ rún lươn, một đầu cột giữa một khúc cây chừng vài thước, đem thả lan ra ruộng. Mấy thứ chim đó ham ăn dữ lắm! Gặp lươn là cứ nhào tới mổ nuốt. Con này mổ một cái làm con lươn bị đau, vọt mạnh vô họng, chun tọt ra sau đít, con khác thấy vậy nhảy tới mổ một cái, con lươn cũng đau, vọt tuốt vô bụng rồi chun ra đít…Như vậy là một con lươn tui gài nó vọt xỏ xâu tới năm bảy con giang sen, gà đãy” (Gài bẫy bắt chim). Mới nghe qua, chúng ta có thể thấy câu chuyện kể của bác Ba Phi rất có lí, cũng như cách bắt chim rất hiệu quả. Nhưng khi tìm hiểu kĩ, ta sẽ phát hiện ra đó là một sự phi lí, không thể có một cách bắt chim lạ đời như vậy. Hay cũng để chứng minh mình đã từng bị ong đóng ổ trên người, bác Ba Phi đã thuyết phục người nghe bằng những lí lẽ “Số là vầy, nằm nghỉ mà nắng cứ rọi vô mặt tao hoài, bực mình, tao bẻ bốn cây sậy cắm bốn góc rồi lấy cái khăn rằn căng ra như cái lều để che nắng. Gió thổi, cái khăn nhảy lên nhún xuống hoài, chợp mắt hổng được, thành thử tao mới bẻ thêm mấy cây sậy cột như che rạp gác đòn tay vậy đó. Vậy mà hổng biết có con ong chúa nào xớn xác, dẫn nguyên bầy nhào đại vô đóng ngay trên cây sậy tao làm đòn tay mới ác chớ. Đã vậy thôi sao, đóng tới cần cổ tao đáng lẽ nó dừng lại
  16. mới đúng chớ. Đằng này nó đóng vòng qua hai bên đụng đất luôn. Tới chừng tao nghe nghẹt thở như bị ai bóp cổ vội mở mắt ra nhìn thì, trời đất ơi, trước mắt tao là ổ ong bự bằng ba cái nia nhứt treo chình ình trước mắt. Tới nước đó thì tao muốn khóc rồi. Bởi tụi bây biết đó, nếu tao cục cựa thì bầy ong xáp vô mặt tao là còn giống ôn gì…”. Cách bịa chuyện tài tình của bác Ba mới nghe qua tưởng chừng như rất thật, rất có lí nhưng nó chỉ tạo cho người đọc, người nghe một trận cười thoải mái, không làm người nghe tin vào sự việc. 3.2.2.3. Lí lẽ lệ làng Lí lẽ lệ làng là loại lí lẽ làm theo số đông, làm theo tập thể, được sử dụng nhiều trong cuộc sống. Trong truyện cười bác Ba Phi, loại lí lẽ này chỉ tồn tại ở một số truyện: Lúa nở ngầm, hàng xuất khẩu, ven rừng U Minh thuở trước,…Các lí lẽ đưa ra đều dựa vào kinh nghiệm, lời nhận xét của rất nhiều người có mặt trong truyện qua lời kể của bác Ba Phi. “…Theo đồng bào chợ nói là chúng càn ra tới Bãi Ghe rồi “quận” cho tàu sắt xuống rước về. Nhưng bà con ở gần mé biển Bãi Ghe đều thấy đám lính ra mé biển cụm quân lại, rồi trời tối dần, từ đó về sau họ không biết nữa…” (Chiếc tàu ngầm không người lái), “Người ở trong tầm pháo riết rồi cũng đâm chai lì. Nghe bầy pháo nào hú hú thì thây kệ cha nó; chỉ để ý đến bầy nào đi kêu khè khè, khẹt khẹt như tiếng vịt trống Xiêm cồ gù thì mới sửa soạn chun vô hầm” (Tờ giấy khen), “Thôi thì ai ai cũng tính mùa ruộng năm này đi theo bà thủy hết. Kẻ đi sắm câu, người đi mua lưới, kẻ đươn lờ, làm trúm…để chờ hạ cơn nước chum mà đi bắt cá, đặt lươn ăn qua ngày” (Lúa nở ngầm), “Người ta nói ở Cạnh Đền “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”, chớ vùng
  17. này những năm đầu mới khai rừng thì người ta thường hát ru em như vầy: “Ở đâu bằng xứ Lung Tràm, chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ mắm nêm”(Ven rừng U Minh thuở trước). 3.2.2.4. Lí lẽ ngược đời Lí lẽ ngược đời là loại lí lẽ lấy những điều vô lí để chứng minh cho một điều vô lí. Trong truyện bác Ba Phi, chỉ những truyện thuộc loại phóng đại bất khả chấp mới tồn tại loại lí lẽ này. Để chứng minh có cây mận biết đi hay cây bần biết chạy (một điều vô lí), bác Ba Phi đã đưa ra những lí lẽ “Hết cơn mệt, tui nhìn kĩ lại, cây ấy là cây mận, nó đang sai oằn trái. Tui vói bẻ trái mận ăn thử. Mận này cũng khá ngọt nhưng sao có mùi hơi tanh tanh! Tui vói bẻ một trái nữa, nào ngờ cây mận vụt nhích đi chỗ khác và kêu lên một tiếng “bét”. Tui giựt mình đứng đậy. Ối trời ơi! Cây mận tốc ào về phía rừng. Tui rượt theo để coi thử, không ngờ, tui càng rượt, cây mận càng chạy nhanh hơn, để lại phía sau tiếng kêu “bét, bét””(Cây mận biết đi), “…Tui lần mò chống xuồng tới ngắm nhìn và leo lên ngồi, bẻ trái ăn. Nhưng tui chưa ăn được nửa miếng sao nghe trái bần có mùi tanh tựa như mùi thịt…nai sống! Tui liền nhìn xuống gốc bần coi kĩ lại và nhận ra “cây bần” nãy giờ đã đưa tui qua ba, bốn con lung trong rừng tràm. Chiếc xuồng be tám khi nãy đậu dưới gốc cây bần giờ ở đâu tui không biết vì quanh tui toàn rừng tràm mịt mùng và nước. Tui hốt hoảng tụt xuống thì “cây bần”phóng chạy. Trời ơi! Không còn cách nào khác, tui phải ôm cứng gốc cây bần. Lúc đó coi như tui “thí mạng cùi” rồi, mặc tình cho cây bần chạy tới đâu thì chạy. Rồi cơ hồ tui như người bay trong rừng tràm, bay giữa “rừng thiêng nước độc”, giữa bốn bề đầy chim muông thú rừng. Vậy mà người tui không sao cả, không hề bị
  18. một nhánh cây nào cọ quẹt hay bị trầy xuể. Lạ quá, giữa mênh mông rừng tràm dày đặc như đũa giắt trong ống, mà không hiểu sao “cây bần” chạy tránh né được, không đụng đâu hết.(Cây bần biết chạy). Hay để chứng minh một điều vô lí là trứng rồng ăn xảm xịt mùi tro, những lí lẽ bác Ba Phi đưa ra cũng là những lí lẽ không có thực “Bữa trưa đó, tui thấy mấy con rồng bay qua ngó dáo dác để tìm nước. Có một con bay sau chót, vóc dáng coi bề sề, liếc mắt thấy mấy thau nước coi mòi thèm lắm. Tui định bắt một con rồng mần thịt chơi!... Chiều bữa đó, tui bắc nước luộc rồi kêu bà con lối xóm lại ăn thử một miếng cho biết. Ôi! Cái thứ trứng rồng có ngon lành gì đâu. Nó xảm xịt mà hôi tro thấy mồ. Mấy chú hổng tin đi hỏi bả mà coi!”. 3.2.2.5. Lí lẽ ngây ngô Lí lẽ ngây ngô được hiểu là loại lí lẽ đưa ra một cách ngây ngô, kém tinh khôn hoặc kém hiểu biết đến mức như khờ dại. Kiểu lí lẽ này tạo nên tiếng cười hiệu quả trong truyện bác Ba Phi. Đây là những lí lẽ được cố ý đưa ra nhằm mục đích tạo ra tiếng cười cho người đọc, người nghe. Loại lí lẽ ngây ngô có trong các truyện: Con chó săn dũng cảm, căn bệnh da cổ của tui, bắt rắn hổ,… Trong truyện “Con chó săn dũng cảm”, bác Ba Phi đưa ra những lí lẽ ngây ngô “Tám con chó mới đẻ liền nhào tới cắn vào bốn cái giò con heo. Con Nô tuy bị thương nhưng lại nhảy vô chính diện. Hổng ngờ nó bị con độc chiếc đánh bồi thêm một cái nữa, sọ đầu bể làm tư. Thấy vậy tui nhảy lai bứt nắm cỏ thuốc hàn, vò vò đắp vô vết thương và bứt cọng mây dóc kiềng cái
  19. đầu con Nô lại. Con chó ngồi dậy nghỉ mệt một lúc lại xáp trận nữa… Tám con chó con cắn bốn cái giò căng ra, con Nô táp dính cái đuôi kéo nhũng nhẵng…Lũ chó con còn sung sức, nên sủa gâu gâu. Con Nô, tuy cái đầu mới bị bể được ràng lại chưa ăn khớp, nhưng cũng cất tiếng sủa trợ chiến “cạch!cạch!cạch!cạch…”. Đây là một cách giải thích sự việc một cách “ngây ngô”: Chó con mới đẻ ra thường chưa mở mắt, chưa đi được đằng này những con chó con trong truyện không những biết chạy mà còn biết nhận diện kẻ địch, chó sủa “cạch!cạch” vì cái đầu bị bể được ràng lại…Những chi tiết này đã tạo được sự hài hước cho câu chuyện qua sự tưởng tượng phong phú của bác Ba Phi. Hay để chứng minh vết sần sùi ngay dưới cổ mình không phải là lang ben hay đồi mồi, bác Ba Phi đã đưa ra lí lẽ ngây ngô là: Vì cái đầu bị đứt ra nên phải gắn lại bằng xi măng và vì ban đêm không thấy đường, không có cái bay nên nghè không được láng “Tui không còn thấy đường nữa. Sợi dây kẽm chằng cột đáy gạt văng cái đầu tui mất rồi!...Tui nghe tiếng nói của tui phát ra chỗ cần cổ chớ không phải chỗ cửa miệng. Nghe vậy, dượng Tư nó lật đật chạy lại mò cái đầu tháp lại cho tui, và ổng hốt xi măng trét trét quanh cổ. Vì ban đêm ban hôm lụp chụp, với nữa không có cái bay nên ổng nghè xi măng không láng được, đến bây giờ da cổ mới sần sượng vậy đó đa! Hổng tin cứ làm thử thì biết!”. Hay để giải thích về những tật hay gãi đầu, mằn mò, thích bắt chí của khỉ, bác Ba Phi đã đưa ra những lí lẽ “Mà nghĩ cho cùng, khỉ hồi đó đâu có đưa tay gãi đầu hay mằn mò, ngoèo móc thường như khỉ bây giờ. Cũng tại tui thôi. Lần ấy, tui lấy được ổ ong mật đem về đựng gần đầy một mái mật mà quên
  20. đậy nắp. Buổi trưa, con khỉ đi cấy về, mừng quá, nó nhảy tót, chuyền qua, chuyền lại trên mấy cây xiên nhà, rồi trật tay té xuống nằm trọn lỏn trong mái mật ong, làm cho mật dính đầy đầu cổ. Từ đó kiến bu vô mình nó cắn hoài không ngớt, làm cho con khỉ phải mằn mò, lâu ngày rồi thành “tật” cho tới bây giờ!”(Con khỉ biết mần ruộng), “Chiều về, cơm nước xong, bác Ba bắc ghế ra sân hóng mát, thì con khỉ bỗng kêu chí! chí! Bác Ba trực nhớ chuyện hồi trưa, sợ lộ nên đưa đầu cho con khỉ bắt chí. Từ đó, nó truyền nghề cho con cháu sau này.” (Khỉ đi phát 2). Hay lí lẽ về một con ếch có những hành động như con người “Trông thấy con vịt ta mập ú, nó ngó dáo dác, mặt mày hớn hở, gật đầu mấy cái. Con ếch khỏa bèo, hớp nước súc miệng sào sạo, phun ra cái phèo, rồi chồm tới bên con vịt. Nó nhướng mắt, táp bụp, rồi nhai rau ráu, nuốt một cái ực. Như vướng phải lưỡi câu, nó nhợn trở ra.” Trên đây là những nhận xét sơ lược về lập luận cũng như về các kiểu lí lẽ trong truyện cười bác Ba Phi. Còn có rất nhiều vấn đề về lập luận nhưng chưa được nhắc đến trong truyện này. Lập luận trong truyện cười bác Ba Phi là một đề tài thú vị cho những ai quan tâm tìm hiểu. TIỂU KẾT: Trong chương ba, chỉ áp dụng những kiến thức sơ khảo về lập luận để phân tích sự lập luận trong truyện cười bác Ba Phi. Ở đây, chỉ phân biệt hai loại lập luận: đầy đủ các thành tố và không đầy đủ các thành tố. Sau đó, dựa vào các lí lẽ thường (một hệ thống logic xã hội đời thường) để phân tích các lí lẽ và hiệu quả của các lí lẽ trong lập luận.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2