intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Không gian, thời gian nghệ thuật trong Truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

3
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh chứa đựng những giá trị sâu sắc, không chỉ giáo dục nhân cách mà còn giáo dục những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em. Tiếp cận truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh từ góc nhìn thi pháp học, bài viết đề cập đến không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Không gian, thời gian nghệ thuật trong Truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh

  1. KHÔNG GIAN, THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA VÕ DIỆU THANH Lê Thị Hòa 1 1. Trường THPT Trần Văn Ơn, tỉnh Bình Dương TÓM TẮT Truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh chứa đựng những giá trị sâu sắc, không chỉ giáo dục nhân cách mà còn giáo dục những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em. Tiếp cận truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh từ góc nhìn thi pháp học, bài viết đề cập đến không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh. Những không gian quen thuộc với trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng Nam Bộ được nhà văn miêu tả tỉ mỉ, sinh động. Đồng thời, việc nhà văn khéo léo đan cài giữa thời gian tuyến tính, thời gian đảo tuyến và thời gian đồng hiện đã làm nổi bật đặc điểm tính cách, số phận của các nhân vật trẻ em. Qua đó, bài viết khẳng định những nét riêng của nhà văn Võ Diệu Thanh trong việc xây dựng hình tượng nhân vật trẻ em. Từ khóa: không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, truyện thiếu nhi, Võ Diệu Thanh. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” (Hồ Chí Minh). Trẻ em là đối tượng cần được che chở, bảo vệ và yêu thương. Quyền lợi của trẻ là được vui chơi, được học hành, được tạo điều kiện phát triển cả về thể chất và tinh thần để những đứa trẻ được sống vô tư, hồn nhiên đúng với lứa tuổi của mình. Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ em đó chính là môi trường sống. Là một nhà văn đồng thời là một nhà giáo, là một người mẹ đơn thân với những tháng ngày nuôi con vất vả, hơn ai hết, Võ Diệu Thanh hiểu rõ điều đó. Vì thế, trong những sáng tác của mình, đặc biệt là trong những truyện viết cho thiếu nhi, Võ Diệu Thanh đã dụng công xây dựng không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật nhằm làm nổi bật hình tượng nhân vật trẻ em. 2. ĐÔI NÉT VỀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT Theo cách hiểu thông thường, không gian là phạm vi ba chiều không biên giới trong đó các vật thể có vị trí và hướng tương đối với nhau. Trong tác phẩm văn học, không gian là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, được sắp xếp một cách có tổ chức theo dụng ý riêng nhằm gửi gắm tư tưởng, quan niệm nghệ thuật của tác giả. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chỉnh thể của nó” (Lê Bá Hán nnk., 1992, tr.160). Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học chính là môi trường sống, hay nói cách khác đó là môi trường hoạt động của nhân vật. Có không gian nhân vật mới bộc lộ rõ mọi hành động của mình, hành động càng nhiều thì môi trường không gian càng lớn. Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính cách, tâm lí của nhân vật “sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian” (Lê Bá Hán nnk., 1992, tr.322). Vai trò của thời gian nghệ thuật được các nhà nghiên cứu khẳng định:“Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới. Có thời gian nghệ thuật không tách rời với chuỗi biến cố cốt truyện như cổ tích, có thời gian nghệ thuật xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức như tiểu thuyết, có tác phẩm dừng lại chủ yếu trong quá khứ, khép kín trong tương lai, có thời gian nghệ thuật “trôi” trong các diễn biến sinh hoạt, có thời gian nghệ thuật gắn với các vận động của thời địa, lịch sử, lại có thời gian nghệ thuật có tính “vĩnh viễn”, đứng ngoài thời gian như thần thoại” (Lê Bá Hán nnk., 1992, tr.323). Không một vật chất nào có thể tồn tại ngoài không gian và thời gian. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không một nhân vật 529
  2. nào tồn tại biệt lập ngoài không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Chính vì lẽ đó, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật là những yếu tố quan trọng tạo nên hoàn cảnh để nhân vật bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc. Đồng thời, qua đó tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, quan niệm nghệ thuật của nhà văn cũng được bộc lộ một cách sâu sắc. 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA VÕ DIỆU THANH Tìm hiểu không gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh, chúng tôi nhận thấy có sự xuất hiện của không gian trường học, không gian gia đình và không gian sông nước. Đây là những khoảng không gian góp phần làm cho hình tượng nhân vật trẻ em được khắc họa rõ nét hơn. Đặt nhân vật trẻ em trong mối quan hệ với những không gian nghệ thuật nói trên, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm tính cách, số phận của các nhân vật. 3.1. Không gian trường học Trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh, nhân vật trẻ em là những cô cậu học sinh tiểu học. Vì thế, để làm nổi bật tính cách của những cô cậu học trò hồn nhiên, tinh nghịch, thông minh ham học hỏi, nhà văn đã dành nhiều trang viết miêu tả không gian trường học như: lớp học, sân trường, căn tin, nhà vệ sinh. Những khoảng không gian thân thuộc đó được nhà văn miêu tả đậm nét trong Lần đầu thấy trăng và Những cậu bé mặt trời. Trong Lần đầu thấy trăng, trường Dương Đôi hiện lên qua lời kể của Dẫu là một ngôi trường không đảm bảo cơ sở vật chất “tường nứt những đường dài, loằng ngoằng. Nền tường lún hình lòng chảo, càng ngày càng sâu” (Võ Diệu Thanh, 2014, tr.42). Tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất của trường còn được thể hiện rõ qua hình ảnh bàn ghế của học sinh “Đó là một cái bàn xệu xạo, một chân nó sắp văng ra” (Võ Diệu Thanh, 2014, tr.24). Tệ hại hơn nữa là trường Dương Đôi lại được xây dựng liền kể với nhà trọ Tình (ổ mại dâm). Đặt trường học liền kề ổ mại dâm, nhà văn cảnh báo với cách dạy hình thức, chạy theo thành tích của các thầy cô trường Dương Đôi thì con đường từ trường học đến nhà thổ của học sinh cũng ngắn và nhanh như việc chỉ cần bước qua hàng rào là tới nhà trọ Tình. Nếu ở tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng, không gian trường học gắn liền với những tiêu cực trong giáo dục thì trong tập truyện Những cậu bé mặt trời, người đọc lại bắt gặp không gian thân thuộc, bình dị gắn bó với học sinh. Khảo sát sáu truyện trong tập truyện Những cậu bé mặt trời, chúng tôi nhận thấy có 4/6 truyện có đề cập đến không gian trường học (Những cậu bé mặt trời, Khi hai vua về một nhà, Bí mật theo cô, Cáp treo cho những mặt trời). Những góc nhỏ trong trường học được nhà văn khắc họa. Đó là lớp học, vách tường, nền gạch, căn tin …Trong những khoảng không gian đó, tình cảm thầy trò, tình cảm bạn bè được bộc lộ rõ. Trong truyện ngắn Những cậu bé mặt trời, tác giả nhắc đến những khoảng không gian như: vách tường, nền gạch ở lớp học, cầu thang, sân trường … Đó là những nơi mà Tì Ti mỗi lúc nhớ mẹ lại dừng lại nói chuyện. Những không gian quen thuộc, bình bị này làm cho Tì Ti cảm thấy thoải mái. Khi ở trong những khoảng không gian đó, nỗi nhớ mẹ của Tì Ti cũng phần nào vơi đi. Trong truyện Cáp treo cho những mặt trời, nhà văn lại hướng người đọc đến không gian căn tin của trường. Đó là nơi có bà Tư tốt bụng, thân thiện. Góc nhỏ của trường học đó trở nên thân thuộc với những cô cậu học trò. Chính không gian nhỏ hẹp, thân thuộc đó đã giúp các bạn trong lớp sát lại gần nhau hơn. Điều đặc biệt trong cách miêu tả không gian trường học trong tập truyện Những cậu bé mặt trời đó là nhà văn không đi vào miêu tả quang cảnh trường học, cơ sở hạ tầng, thiết bị dạy học, … mà tác giả dành nhiều trang viết để miêu tả mối quan hệ giữa các thầy cô với học sinh, giữa các học sinh với nhau. Lòng nhiệt huyết của các thầy cô, sự đoàn kết của các học sinh khiến người đọc cảm thấy tin tưởng vào tương lai của giáo dục nước nhà. Là một cô giáo tiểu học, vì thế hơn ai hết, tác giả hiểu rõ không gian trường học có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của trẻ. Qua đó, tác giả muốn nhắn nhủ xã hội cần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh để học sinh được học tập một cách tốt nhất. Để làm được điều đó, điều quan trọng là mỗi thầy cô phải gần gũi, quan tâm đến học sinh của mình hơn nữa để có thể kịp thời “gỡ rối” những khó khăn của học sinh. 530
  3. 3.2. Không gian gia đình Cùng với không gian trường học, không gian gia đình có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh, chúng tôi nhận thấy không gian gia đình được nhà văn nhiều lần miêu tả. Có những không gian gia đình chật hẹp, hỗ tạp, ngột ngạt, căng thẳng với những tiếng mắng chửi nặng nề. Cũng có những không gian thoáng đãng, yên bình, thoải mái, tràn ngập tiếng cười. Những không gian này tạo nên bối cảnh để nhân vật trẻ em trẻ em xuất hiện. Tính cách, số phận của nhân vật từ đó được bộc lộ rõ nét hơn. Không gian gia đình chật hẹp, hỗn tạp, ngột ngạt, căng thẳng hiện lên chân thực trong Lần đầu thấy trăng, Bí mật theo cô và Thả diều. Trong Lần đầu thấy trăng, không gian sống của gia đình Dẫu là một căn nhà tạm bợ, sơ sài: “Kèo cột bạch đàn, mái và vách đều là tole. Mát tê người vào mùa đông và ấm đổ mồ hôi vào mùa hè” (Võ Diệu Thanh, 2014, tr.14). Trong không gian chật hẹp ấy, gia đình Dẫu gồm mười một người (bao gồm bố mẹ Dẫu và chín chị em Dẫu) chen chúc. Không chỉ chật chội, nóng bức, căn nhà nơi Dẫu sinh sống còn rách nát “nhìn lên trần nhà mà thấy chòm mây” (Võ Diệu Thanh, 2014, tr.14). Nơi đó tràn ngập tiếng cằn nhằn của mẹ Dẫu, tiếng chửi tục của ba Dẫu. Sống trong không gian đó, Dẫu và các anh chị em của Dẫu không phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tâm hồn. Những đứa trẻ đó bị nhiễm nhiều tật xấu như: chửi tục, ăn cắp vặt, giả bị què quặt để lợi dụng lòng thương của mọi người… Việc Dẫu trượt dài sa ngã là hậu quả của việc không được đi học, không được thầy cô, bố mẹ giáo dục đàng hoàng. Miêu tả không gian gia đình Dẫu nhà văn khẳng định môi trường sống không lành mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Không gian sống chật hẹp, tồi tàn, ngột ngạt còn được nhà văn khắc họa trong nhiều truyện khác. Trong truyện Thả diều, ta bắt gặp hình ảnh “ngôi nhà nhỏ của cu Lý trước đây là một ngôi nhà sàn nằm thoi loi dưới mé đê. Mùa nước lên, mỗi lần ba đi giăng lưới về, mũi xuống ghé vào bị gió đánh bạt cứ va vào cọc nhà bung bung. Ngôi nhà nhỏ lung lay như cái răng sắp rụng” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.21). Chỉ vài chi tiết khắc họa, người đọc đã cảm nhận được không gian sinh sống của gia đình Lý thật nhỏ hẹp, không vững chắc. Không gian ấy gợi hoàn cảnh khó khăn của gia đình Lý và cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm khi mưa lũ tràn tới. Trong truyện ngắn Bí mật theo cô, không gian gia đình bé Nhã thu nhỏ lại nơi căn bếp, bên mâm cơm. Mâm cơm thường gợi lên sự đầm ấm, vui vẻ nhưng ở gia đình Nhã nó lại lạnh lẽo buồn tẻ. Không gian nhỏ hẹp chật chội của nhà Nhã bỗng trở nên trống trải khi ba nó bỏ đi nhậu. Ba mẹ con ngồi bên mâm cơm – mâm cơm mà Nhã đã dành cả buổi để nấu nhưng không ai muốn ăn “nồi canh khổ qua đã lạnh tanh” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.46). Không gian đó cũng gợi lên sự căng thẳng, nặng nề trong gia đình Nhã. Mỗi lần ba say rượu đuổi đánh, ba mẹ con Nhã phải chạy sang nhà cô Chi để trốn. Đọc truyện ngắn này, ta còn bắt gặp không gian căn buồng nhỏ hẹp với “cái mùng xập xệ của ba” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.38). Chỉ một chi tiết nhỏ, người đọc đã có thể hình dung không gian sống bừa bộn, nhếch nhác của gia đình Nhã. Trong căn buồng ẩm tối đó, Nhã hầu như không đêm nào ngủ ngon. Nhà của Nhã có gian trước và gian sau nhưng khoảng cách từ các gian không xa. Ngồi ở gian sau Nhã vẫn có thể “nghe được cả tiếng ngáy của ba từ gian trước vọng lại” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.38). Không gian sinh sống chật hẹp cùng với không khí gia đình căng thẳng đã tác động tiêu cực đến tâm lí của trẻ em. Sống trong không gian ấy, Nhã lúc nào nó cũng cảm thấy lo lắng, bất an. Bên cạnh việc miêu tả không gian gia đình chật hẹp, bấp bênh, tác giả còn khắc họa không gian gia đình đầm ấm, vui vẻ. Đó là không gian gia đình của Bòn Bon trong truyện Tiền của thần cây. Đó còn là không gian gia đình của Chùa trong Quà tặng của ngày mai. Được sống trong không gian gia đình đầm ấm, Bòn Bon, Chùa, Út Tiền luôn cảm thấy an toàn, cảm thấy tin tưởng. Quán Nụ cười của ông Sáu trong truyện Quà tặng của ngày mai được miêu tả là một không gian thoáng đãng nằm ngay giữa chợ nhưng không hỗn tạp xô bồ. Không gian đó luôn ngập tràn tiếng đàn, tiếng cười nói vui vẻ. Ở đó, Chùa và các chị em của mình không chỉ có cơ hội được thể hiện tài năng âm nhạc mà còn học hỏi, rèn luyện được tính tự lập từ rất sớm. Trong tác phẩm nhà văn nhiều lần miêu tả chiếc giường ngủ của Chùa và ông Sáu. Đó là một chiếc giường do chính tay ông Sáu làm “một cái giường sắt gắn bánh xe”. Qua lời kể của Chùa, chiếc giường đó thật đặc biệt “Nó không thể tự chạy được nhưng cô Thanh nói cảm giác nó như một cái ghe có thể trôi chỗ này chỗ nọ” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.18). 531
  4. Không gian nhỏ nhưng thoáng đãng và cũng rất ấm áp. Ở đó, Chùa cảm thấy vui vẻ và bình yên “Hình như nó là cái giường thần kỳ. Ngủ trên đó tôi vui vì tôi có cảm giác bất cứ điều thần kì nào ông Sáu cũng có thể làm được và cũng có thể dạy cho tôi được” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.18). Trong không gian bình dị ấy, Chùa và ông Sáu thường hay trò chuyện tâm tình. Nhờ thế tình cảm giữa Chùa và ông Sáu ngày càng trở nên sâu đậm. Ông Sáu vốn không phải họ hàng thân thích của Chùa nhưng với Chùa ông vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là thầy. Chùa, Út Tiền, chị Hai từng là những đứa trẻ quậy phá, mê game, lười học, hay nói tục, khi được ông Sáu nuôi dạy cả ba chị em đều đã trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, ham học, học giỏi, tài năng và đặc biệt là rất hiểu thảo và biết tự lập từ rất sớm. Chính không gian gia đình vui vẻ, đầm ấm đã giúp ba chị em có sự thay đổi tích cực đó. Có thể nói, không gian gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Không gian sống bấp bênh như gia đình cu Lý, không gian sống chật hẹp, bừa bộn như gia đình Nhã đều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí của nhân vật. Còn những đứa trẻ được gia đình yêu thương như Hà, Bòn Bon thì lại luôn giữ được sự hồn nhiên đáng yêu của trẻ thơ. Qua việc miêu tả không khí gia đình căng thẳng và không khí gia đình đầm ấm, Võ Diệu Thanh muốn nhắn nhủ đến mọi người hãy để những đứa trẻ được lớn lên trong không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ. Hãy yêu thương và học cách yêu thương những đứa trẻ để trẻ em luôn được hạnh phúc. 3.3. Không gian sông nước Sông nước là khoảng không gian quen thuộc, gần gũi, gắn bó với người dân, đặc biệt là trẻ em vùng Nam Bộ. Có thể nói, không gian sống nước gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ Nam Bộ. Trên dòng sông xanh mát, những đứa trẻ nô đùa, lặn hụp. Trong sáu truyện ngắn của tập Những cậu bé mặt trời thì có tới bốn truyện nhà văn nhắc đến không gian này (Những cậu bé mặt trời, Thả diều, Tiền của thần cây, Cáp treo cho những mặt trời). Khoảng không gian sông nước làm nền cho các nhân vật trẻ em hiện lên. Con sông được nhà văn nhắc đến đó là sông Hậu. Đó là nơi mà Tì Ti hay ngồi nói chuyện với đôi dép mỗi khi nhớ mẹ. Đó cũng là nơi mà thằng Nhóc quăng đôi dép của Tì Ti xuống “Nhóc chịu hết nổi nó đem đôi dép của Tì Ti quăng ra nơi xa nhất của sông Hậu. Tao quăng chỗ nào nước chảy mạnh nhất. Nó không có trôi đâu, vì nó chìm mất tiêu” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.3). Miêu tả không không gian sông nước, Võ Diệu Thanh đã làm nổi bật tính chất đặc trưng của vùng Nam Bộ. Ở vùng sông nước Nam Bộ, mỗi khi vào mùa nước nổi, nước sông dâng lên rất nhanh. Với người dân nơi đây, mùa nước nổi là mùa của no ấm. Nước mang theo cá, tôm vào đồng ruộng. Người dân vui mừng khi thấy con nước tràn về. Trong khoảng không gian rộng lớn đó, những hình ảnh bình dị như xuồng, lưới, cá tôm xuất hiện. Trong truyện ngắn Thả diều, nhà văn đã miêu tả một cách chân thực cảnh người dân bắt cá vào lúc chiều, tối “Hừng đông, khi cu Lý và em chui ra khỏi mùng thì ba mẹ đã chuẩn bị chống xuồng đi ra đồng giăng lưới” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.24). Con nước tràn về mang theo cá tôm, mang đến ấm no cho người dân nhưng nó cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường. Con sông ngày thường vốn trong xanh, hiền hòa nhưng vào mùa nước lũ trông nó thật hung dữ như muốn nuốt chửng tất cả “Nước hung hăng quạnh đỏ. Đê lúc này chẳng thể gọi là đê vì nó mỏng như cái ranh. Phía ngoài là sông, phía trong là đồng, đâu đâu cũng trắng nước. Anh em cu Lý trên đê như hai con kiến nhỏ bò trên cọng rạ nổi giữa đồng” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.26). Dòng nước quạnh đỏ đó đã cuốn trôi, nhấn chìm bé Châu, dập tắt nụ cười trên môi cu Lý, xoáy nát tim gan của ba mẹ bé Châu. Nỗi đau mất đi người thân cuộn xoáy theo con nước. Miêu tả không gian sông nước với những mối nguy hiểm tiềm tàng, tác giả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước thường xuyên xảy ra ở Nam Bộ nói riêng, ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là ở các vùng quê vào dịp nghỉ hè. Từ đó, nhà văn nhắn nhủ mọi người, nhất là trẻ em cần trang bị kỹ năng bơi lội để biết cách ứng phó với những nguy hiểm bất ngờ ập đến từ sông nước. Không gian sông nước không chỉ gắn liền với cuộc sống mưu sinh vất vả, bấp bênh của người dân Nam Bộ mà còn gắn liền với sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân nơi đây. Đó là đờn ca tài tử. Có thể nói, sông nước là không gian lý tưởng để đờn ca tài tử được thăng hoa. Trong Quà tặng của ngày mai, qua lời kể của nhân vật Khánh Hưng – thần đồng đàn sến, không gian sông nước chính là nơi những nghệ nhân đàn sến có thể thỏa đam mê: “Thời cha, thời ông nội của mấy chú, những người chơi tài tử còn tài tử hơn cả bây giờ. Họ ôm đàn xuống những chiếc ghe thường dùng để giăng 532
  5. câu giăng lưới, bơi lên trên con nước một đối xa rồi bỏ chèo cầm đàn và cùng nhau hát. Họ mặc kệ cho chiếc xuồng trôi về đâu. Những tiếng hát ngọt lành rải trên mặt sông và trôi theo con nước. Cứ đàn cứ hát cho tới khi nào chán sẽ bơi xuồng trở về. Tàn cuộc chơi có khi hai ba giờ sáng xuồng mới về tới nhà” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.78). Điều làm nên sự khác biệt của Võ Diệu Thanh với các nhà văn khác khi viết về không gian sông nước Nam Bộ đó là: tác giả không đi sâu miêu tả tỉ mỉ kích thước dài rộng, nông sâu hay lưu tốc cảnh quan hai bên bờ của dòng sông mà dựng nên một không gian nghệ thuật bằng những nét vẽ khái quát để nhân vật xuất hiện. Qua đó thân phận, phẩm chất, tính cách của nhân vật được bộc lộ. Nhờ đó, người đọc hiểu được những nét văn hóa đặc sắc của vùng Nam Bộ với những hoạt động vật chất và tinh thần gắn với khoảng không gian này. 4. THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA VÕ DIỆU THANH Thời gian nghệ thuật trong văn học thiếu nhi vừa mang những đặc điểm của thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học nói chung vừa có những nét đặc trưng riêng “Trong văn học thiếu nhi cũng có sự hiện diện của thời gian hiện tại, thời gian quá khứ, thời gian tương lai và cả thời gian “ngoài thời gian” – bình diện vĩnh viễn trường tồn. Các bình diện đó có thể xuất hiện độc lập, cũng có thể xuất hiện đồng thời” (Bùi Thanh Truyền, 2009, tr. 76). Trong truyện thiếu nhi hiện đại, thời gian nghệ thuật có sự đa dạng hóa hình thức trần thuật. Bên cạnh hình thức trần thuật tuyến tính, hình thức trần thuật đảo ngược cũng được nhiều nhà văn sử dụng. Điều này đã tạo nên sức hấp dẫn cho lời kể đồng thời tạo nên tính đa chiều trong tiếp nhận tác phẩm. Cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật góp phần thể hiện đời sống tâm lí nội tâm của nhân vật. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh, chúng tôi nhận thấy có thời gian trần thuật tuyến tính, thời gian trần thuật đảo ngược và thời gian tâm trạng theo dòng ý thức của nhân vật. 4.1. Thời gian tuyến tính Thời gian trần thuật tuyến tính là thời gian vận động theo đường thẳng, sự kiện diễn ra trước được kể trước, sự kiện diễn ra sau được kể sau. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong truyện thiếu nhi của Võ Diệu Thanh, chúng tôi nhận thấy có nhiều truyện được kể theo thời gian tuyến tính: Siêu nhân cua, Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm, Chúng mình bay đầy trời, Khi hai vua về một nhà. Thời gian trần thuật trong các truyện này chủ yếu là thời gian sinh hoạt gắn với các hoạt động của các nhân vật trẻ em như: lao động, học tập, vui chơi, nghỉ ngơi …trong đó, hoạt động vui chơi trong giờ ra chơi ở trường học được nhà văn đề cập đến nhiều hơn cả. Với học sinh, giờ ra chơi là khoảng thời gian được chờ đợi nhất trong suốt ngày dài ở trường. Những trò nghịch ngợm quậy phá, những cãi vã, giận hờn cũng bắt đầu từ khoảng thời gian ít ỏi đó. Bảng thống kê trạng từ chỉ thời gian trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh Stt Tên tác phẩm Trạng từ chỉ thời Trạng từ chỉ thời Trạng từ chỉ thời gian hiện tại gian quá khứ gian tương lai 1 Siêu nhân cua 5 22 0 2 Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm 6 7 0 3 Chúng mình bay đầy trời 5 10 0 4 Tiền của thần cây 19 30 7 5 Quà tặng của ngày mai 5 30 1 Thời gian nghệ thuật trong Siêu nhân cua được bắt đầu từ thời điểm giờ ra chơi và kết thúc là lúc nhóm bạn thân Hưng, Nam, Mai làm hòa, vui vẻ chơi đùa sau những cãi vã hiểu lầm. Truyện về Hưng – Nam – Mai bắt đầu từ một buổi ra chơi ông ngoại của Nam đến tìm cháu. Cái biệt danh Nam Trán Dồ cũng bắt đầu từ đó: “Chẳng qua là một buổi ra chơi nọ có một ông già mặc bộ đồ bà ba đen bước vô lớp tôi” (Võ Diệu Thanh, 2015, tr.5). Những chương tiếp theo của truyện được kể theo các sự việc lần lượt diễn ra từ sau buổi ra chơi hôm đó. Trong truyện dài này, thời gian trần thuật tuyến tính được thể hiện rõ nét nhất trong chương 9 và chương 18. Ở chương 9 (Siêu nhân cua), các sự kiện trong lời 533
  6. kể của Hưng diễn ra theo trình tự thời gian bắt đầu từ lúc Mai nghỉ học, rồi Hưng và Nam cùng với cô Thanh đến thăm nhà Mai, tiếp đó là lúc mọi người từ nhà Mai trở về và khi Hưng về nhà mình. Để tạo sự lên kết giữa các sự kiện, nhà văn dùng các từ chỉ thời gian như: “Cho tới một bữa”, “vậy là chiều hôm đó”, “lúc về tôi lại”, “trên đường về nhà”. Ở chương 18 (Cô Thanh có vấn đề Mĩ Thuật), thời gian trần thuật cũng được sắp xếp theo trình tự tuyến tính với các từ chỉ thời gian như: “từ sau ngày dự thi không đậu”, “rồi một ngày”, “một ngày kế đó”, “ngày hôm sau”, “từ đó về sau”. Trong Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm, thời gian trần thuật được bắt đầu từ một “buổi trưa vắng tanh” Dưa Leo và chú mèo nằm nói chuyện. Sau đó là cuộc hành trình đi lạc tới xứ sở Bồ Câu, lạc vào vườn trái đỏ, đi gặp những những người có thể giúp gỡ biển báo cấm cư dân xứ Bìm Bìm. Và kết thúc là một ngày Dưa Leo cùng chú mèo đến gặp ông già Râu Đỏ. Hành trình Dưa Leo bị lạc ở xứ sở Bồ câu được kể theo thời gian tuyến tính. Mạch truyện được tiếp nối nhờ những từ ngữ chỉ thời gian xuất hiện trong lời người kể chuyện như: “lúc qua cổng soát vé”, “lúc tàu cặp bến”, “lúc hành khách xuống tàu”, khi “rời tàu và đặt chân lên đất Bồ Câu”, “đêm nay”, “tối thật rồi”, “ngày rời khỏi ngôi nhà ông cụ Râu Đỏ”. Truyện Bí mật theo cô được bắt đầu từ một đêm Nhã nằm chiêm bao rồi tè dầm. Sáng đi học nó lo lắng bị mọi người phát hiện mình đã tè dầm. Đến lớp học nó lúng túng không tập trung học và không thể hoàn thành được bài tập làm văn cô giáo. Chiều đi học về nó quyết tâm nấu món cánh khổ qua ba nó thích với mong muốn cả nhà sẽ có một bữa cơm quây quần “Ba muốn chiều nay ăn cơm với món gì vậy ba” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.43). Cuối cùng ba bỏ đi uống rượu, mâm cơm gia đình nguội lạnh. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm không chỉ thể hiện qua các từ ngữ chỉ thời gian trong ngày (sáng, chiều, đêm) mà còn biểu hiện qua thời gian cụ thể (giờ): “Một giờ. Nhã đã không thể kéo mí mắt lên được chút nào … Hai giờ. Nước đã mất tác dụng với đôi mắt đang cứ chờ nó sơ hở là cụp xuống” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.48). Với việc dùng từ chỉ thời gian cụ thể “một giờ”, “hai giờ”, tác giả đã giúp cho người đọc thấy được tâm trạng bồn chồn lo lắng của Nhã khi ngủ nhờ nhà cô Chi. Trong truyện Cáp treo cho những mặt trời, lời kể của nhân vật tôi cũng theo trình tự thời gian tuyến tính. Các sự kiện xảy ra trong ba ngày liên tiếp được tác giả kể lại trong một đoạn văn ngắn gọn: “Ngày đầu tiên về trường, ngày đầu nhận lớp, tôi thấy nó đánh bạn nó chảy máu mũi … Ngày thứ hai tôi nghe nội nó kể nó phạm một tội tày trời hơn … Sáng hôm sau người ta thấy nội nó vừa làm nước mời khách vừa ngồi quỳ lạy tứ phương, đốt vàng mã đỏ rực trước cổng nhà” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.48). Trong truyện Khi hai vua về một nhà, các sự kiện được kể theo trật tự thời gian tuyến tính. Truyện bắt đầu từ buổi sáng Ngàn vào chùa giúp cô Mai hái rau. Những ngày sau đó, Ngàn giúp Hà học bài. Hai đứa nhờ vậy mà trở nên thân thiết. Thời gian sự kiện trong tác phẩm chỉ vỏn vẹn ba ngày ngắn ngủi. Những từ chỉ thời gian được tác giả sử dụng trong tác phẩm đó là: “Xế chiều”, “sáng”, “hôm sau”. Với cách kể chuyện theo thời gian tuyến tính như vậy, các sự kiện được kể có sự liền mạch. Nhờ đó, độc giả dễ nắm bắt nội dung tác phẩm hơn. Khảo sát thời gian trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh, chúng tôi nhận thấy thời gian sinh hoạt giờ ra chơi có số lần xuất hiện rất nhiều. Trong Chúng mình bay đầy trời, “giờ ra chơi” được tác giả nhắc đến 9 lần (ở các trang: 5, 68, 69, 73, 79, 84, 85, 91, 92). Trong Siêu nhân cua, thời điểm giờ ra chơi cũng được tác giả nhiều lần nhắc tới (ở các trang 5, 68, 69, 73). Những trò nghịch ngợm của các cô cậu học trò tiểu học hầu hết diễn ra trong giờ ra chơi. Hưng trêu chọc Nam vào giờ ra chơi, Hào bắt nạt các bạn trong lớp cũng trong giờ ra chơi: “Giờ ra chơi nó cầm cây roi đứng giữa lớp” (Võ Diệu Thanh, 2015, tr.69). Có thể nói, giờ ra chơi là khoảng thời gian mà bất kì học sinh nào cũng chờ đợi. Điều này cũng được Nguyễn Nhật Ánh nhắc đến trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Nhân vật Cu Mùi trong tác phẩm này khẳng định: “Tôi chỉ thích mỗi giờ ra chơi … Ra chơi có nghĩa là được tháo cũi sổ lồng” (Nguyễn Nhật Ánh, 2008, tr.18). Thời gian nghệ thuật đó tạo bối cảnh cho nhân vật xuất hiện. Qua đó, sự tinh nghịch, dí dỏm, hồn nhiên của nhân vật Cu Mùi dần được bộc lộ. Cùng với đó, thời gian buổi trưa cũng là khoảng thời gian nghệ thuật xuất hiện nhiều trong các truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh. Trong Siêu nhân cua, thời gian buổi trưa gắn liền với nỗi ám ảnh bị cua kẹp của nhỏ Mai: “Nó còn kể cái bữa trưa đó bên sân có con gà trống đứng mổ cái áo. Mai nói rõ ràng là bữa trưa nhỏ Mai bị cua kẹp cón con gà trống đứng mổ cái áo và con mèo 534
  7. đứng bên cửa chòi ngủ chỉ một mắt” (Võ Diệu Thanh, 2015, tr.52). Trong Chúng mình bay đầy trời, thời gian buổi trưa là lúc Hưng, Nam, Mai, Quý mày mò, thử nghiệm những ý tưởng của mình “Trưa hôm sau, mọi thứ mới bắt đầu.” (Võ Diệu Thanh, 2016, tr.21, 22). Trong Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm, thời gian buổi trưa là lúc Dưa Leo đi chơi cùng chú mèo và bị lạc “Chợt một ngày nào đó trong một ngôi nhà vắng tanh giữa buổi trưa vắng tanh” (Võ Diệu Thanh, 2016, tr.5). thời gian buổi trưa vắng là thời điểm những đứa trẻ thường hay đi chơi rất dễ bị lạc. 4.2. Thời gian đảo tuyến Bên cạnh kiểu thời gian trần thuật tuyến tính, trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh còn có thời gian trần thuật có sự đảo ngược. Thời gian trần thuật đảo ngược là thời gian có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ trong lời kể chuyện. Sự đảo ngược trật tự các sự kiện được kể trong tác phẩm gắn với sự hồi tưởng của nhân vật. Điều này được thể hiện rõ trong Siêu nhân cua, Tiền của thần cây, Thả diều. Thời gian trần thuật đảo ngược thể hiện rõ ở việc tác giả sử dụng kết hợp các trạng từ chỉ thời gian hiện tại, quá khứ và tương lai. Trong Siêu nhân cua, sự đảo lộn giữa thời gian hiện tại và quá khứ được thể hiện rõ. Thống kê các trạng từ chỉ thời gian trong tác phẩm này, chúng tôi thấy có 5 lần tác giả nhắc đến thời gian hiện tạ (vừa lúc đó (trang 6), lúc (trang 13), bây giờ (trang 75, 80 ), giờ (trang 85) và có 22 lần nhắc đến thời gian quá khứ (một buổi ra chơi nọ (trang 5), một bữa (trang 19, 79), cho tới một bữa (trang 46), cho tới một ngày (trang 71), một bữa nọ (trang 25), bữa đó (trang18, 71), tới hôm (trang 23), hồi nãy (trang 25), hồi nhỏ xíu (48), hồi còn nhỏ (trang 48), có lần (trang 33), từ đó (trang 34), bữa (trang 35), sáng đó (trang 61), hồi nãy (trang 69), hôm qua (trang 78), trước đó (trang 80), ngày hôm sau (trang 85), một ngày kế đó (trang 93), từ đó về sau (trang 94). Bên cạnh đó, nhà văn cũng dùng nhiều từ chỉ thời gian như: gần nửa tháng (trang 33), cả tháng nay (trang 75), ba mươi giây (trang 89), mỗi giờ học vẽ (trang 38), ngày con Mai được lãnh phần thưởng bự (trang 84), từ sau ngày dự thi không đậu (trang 91). Tiền của thần cây được mở đầu bằng việc Bòn Bon đang trò chuyện cùng con chó cưng của mình. Tiếp đó là lời kể của ông nội Bòn Bon về cây bằng lăng cổ thụ: “Bốn mươi năm trước cái bọng bằng lăng đã lớn như vầy”. Bốn mươi năm trước vùng này vắng tanh” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.53). Kết thúc tác phẩm là việc Bòn Bon và chú chó cưng cùng nhau chơi đùa vui vẻ. Trong truyện dài này, lời kể của tác giả, lời kể của các nhân vật đan lồng vào nhau. Lời của ông nội về cây bằng lăng cổ thụ, về chú chó cưng, về Bòn Bon lồng trong lời kể của Bòn Bon về chú chó, về những lần cùng Vĩ đi tắm mương, về việc nhặt được tiền trong hốc cây bằng lăng. Trình tự thời gian có sự đảo lộn, đan xen giữa hiện tại và quá khứ “Có lần hai đứa nó đã đi vòng quanh bụi tre hơn một trăm bận để tìm cái máy Bòn Bon phóng vào đó. Lần tắm sông này Bòn Bon cũng bàn bạc với Ban Đêm rất kỹ” (Võ Diệu Thanh, 2016c, tr.14). Sự đảo ngược thời gian trần thuật được thể hiện rõ qua các trạng từ chỉ thời gian trong hiện tại, quá khứ và cả tương lai. Khảo sát truyện Tiền của thần cây, chúng tôi nhận thấy các trạng từ chỉ quá khứ xuất hiện nhiều nhất (30 lần), sau đó là các trạng từ chỉ hiện tại (19 lần), các trạng từ chỉ tương lai ít xuất hiện (7 lần). Các trạng từ chỉ thời gian hiện tại trong tác phẩm gồm: tới bây giờ, bây giờ (các trang 38, 106, 113, trang 38), ngay bây giờ (trang 83), ngay lúc đó (các trang 78, 112), đang (các trang 8, 32, 101), khi (trang 44), lần này (các trang 88, 93), trong lúc (các trang 91, 113), lúc (trang 96), dạo này (trang 97), hôm nay (trang 97), giờ (trang 106). Các trạng từ chỉ thời gian quá khứ trong tác phẩm gồm: khi đó, hôm đó (trang 77), một ngày, từ đó, có lần (trang 14, 41, 96), một lần (49), lần này, trước đây, hôm qua (trang 114), lúc đó (các trang 14, 23, 26, 77, 80), hôm sau (trang 23), hổm rày (53), hồi (các trang 86, 101), hồi nãy (trang 80), hồi khuya (trang 88), mỗi lần (trang 83, 88), suốt ngày đó (trang 82), đêm đó (trang 87), sáng ra (trang 87), hồi tối (trang 88, 113), có một thời (trang 94). Các trạng từ chỉ thời gian tương lai trong tác phẩm gồm: lớn lên (trang 76), bốn mươi năm sau (trang 96), vài năm nữa (trang 97), khi lớn (trang 98), sáng mai (trang 111), mười lăm năm sau (trang 115), khi làm người lớn (trang 115), vài hôm sau đó (trang 35), hồi sáng (53). Bên cạnh đó, nhà văn cũng dùng nhiều từ chỉ thời gian như: sáng (trang 51), sáng chủ nhật (trang 112). Cách đếm thời gian cũng được tác giả sử dụng để làm nỗi bật nỗi buồn của các bạn trong lớp khi Nam không đến lớp học “ba ngày trôi qua” (trang 63). 535
  8. Thả diều cũng bắt đầu bằng thời điểm hiện tại. Đó là một buổi chiều . Những kỉ niệm trong quá khứ ùa về. Kí ức đau buồn vì mất đi đứa em bé bỏng, xinh xắn, dễ thương chợt hiện ra khi cu Lý nhìn theo những con diều: “Buổi chiều ngồi nhìn những đứa trẻ trong khi dân cư thả diều ở bãi đất trồng, Cu Lý nhớ về đứa em gái của mình bị đuối nước khi thả diều. “Nó nhìn trân trân vào con diều đẹp ... Ừ hồi đó bé Châu cũng mê diều đẹp” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.24). Sau đó quay trở về thực tại cu Lý nhìn con diều đang bay không kìm được cảm xúc nó vung tay xé con diều: “Giờ thì mắt cu Lý nhìn chằm chằm vào con Điêu Thuyền. Rồi nó vung tay bức xé con diều” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.32). Kết thức tác phẩm là hình ảnh cu Lý trong hiện tại đã vui vẻ trở lại sau những ngày tháng tâm hồn chịu thương tổn nặng nề: “Giờ cu Lý cũng không biết phải làm gì. Ngoài mấy lúc đi học nó hay lân la lại gần mấy đứa trẻ để chơi với mấy đứa nhỏ” (Võ Diệu Thanh, 2017, tr.36). Cái kết đó cũng hé mở tương lai của nhân vật bước qua mặc cảm, mở lòng với mọi người. Tìm hiểu thời gian trần thuật đảo ngược trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh, chúng tôi nhận thấy thời gian quá khứ được kể nhiều hơn cả. Sự đan xen giữa thời gian hiện tại, quá khứ và tương lai trong lời kể giúp nhân vật có cái nhìn soi chiếu nhiều chiều từ đó hướng đến việc hoàn thiện nhân cách. 4.3. Thời gian tâm trạng Kí ức của mỗi người luôn gắn liền với những năm tháng tuổi thơ. Hồi tưởng lại những năm tháng tươi đẹp đó, chúng ta như được trở về với chính mình, sống lại những kỉ niệm ngọt ngào của những năm tháng hồn nhiên, vô tư. Đọc truyện viết cho thiếu nhi, chúng ta sẽ tìm thấy điều đó. Trong các truyện viết cho thiếu nhi đương đại, nhiều nhà văn đã sử dụng thủ pháp dòng ý thức để khắc họa hình tượng nhân vật trẻ em. Điều này được thể hiện rất rõ trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Thủ pháp này cũng được Võ Diệu Thanh sử dụng trong nhiều truyện viết cho thiếu nhi của mình. Tiêu biểu hơn cả là Lần đầu thấy trăng và Quà tặng của ngày mai. Để làm bật lên những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của nhân vật, Võ Diệu Thanh đã sử dụng thủ pháp dòng ý thức. Thời gian trần thuật trong truyện gắn với sự hồi tưởng của nhân vật về quá khứ. Trong Lần đầu thấy trăng, Dẫu từ sau đêm trăng gặp chàng trai tên Nhiều đã tỉnh ngộ sau những năm tháng trượt dài sa ngã. Hồi tưởng về quá khứ, Dẫu không khỏi không xót xa, tiếc nuối. Theo dòng hồi tưởng của nhân vật, những kỉ niệm về những năm tháng là học sinh của Trường tiểu học Dương Đôi sống lại. Trong kí ức của Dẫu, ngày đầu đến trường, đặc biệt là hơn hai năm học cùng lớp với Dị và Hậu hằn in, sâu đậm nhất. Dòng hồi tưởng với nhịp điệu chậm rãi đã tạo nên sự sâu lắng trong lời kể của nhân vật “Giờ nhớ lại thấy tướng mình lúc đó giống đi ăn xin hơn là đi học” (Võ Diệu Thanh, 2014, tr.18). Qua đó, ta thấy được sự ngậm ngùi, thương xót của nhà văn trước những thiệt thời, bất hạnh của trẻ em. Trong truyện Quà tặng của ngày mai các sự kiện hiện lên theo dòng hồi tưởng của nhân vật tôi – Chùa – một cậu bé tám tuổi có biệt tài đánh đàn sến. Trước hết, Chùa nhớ lại những năm tháng sống cùng ba mẹ. Đó là những năm tháng Chùa còn là một cậu bé quậy phá, nghịch ngợm. Theo dòng hồi tưởng của nhân vật, những kỉ niệm năm Chùa lên hai, lên bốn, lên năm dần hiện ra. Cậu bé vẫn nhớ như in lần đầu gặp cô Sáu:“Hồi hai tuổi, tôi nhớ có lần cô Sáu lên nhà ba mẹ tôi chơi, không biết tôi phá phấy gì đó mà cô Sáu bẻ nhánh trứng cá quất tôi một roi. Vậy là sau đó hai năm, khi gặp cô Sáu, tôi chui xuống gầm giường trốn chớ nhất định không ra chào hỏi” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.23). Tiếp đó ló là kỉ niệm năm Chùa lên năm tuổi. Lần quậy phá bị bà ngoại dọa chúi đầu vào lửa vẫn hằn in trong tâm trí cậu bé: “Lúc đó tôi mới bốn năm tuổi mà. Sự nhớ nó không được liền lạc. Tôi có nhớ bà ngoại chịu hết nổi những cơn khóc dầm của tôi rồi, bà ngoại nhiều khi tức quá bồng tôi lại cái bếp lửa lớn người ta đang nấu bánh gì đó chúi đầu tôi vào đó” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.23). Chùa không thể quên được những lần mê chơi bị ba đánh đòn:“Có lần đang rửa, còn hai cái nồi nhưng tôi nghiền game quá chộp ngay tiền đi chơi mà không rửa cho hết. Lần đó ba cầm cây roi là sợi dây cao su bằng ngón tay đánh tôi” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.29). Việc nhớ lại những tật xấu lúc nhỏ (vô lễ, quậy phá, mê chơi) giúp Chùa hiểu hơn về ý nghĩa của những điều mà ông Sáu dạy bảo. Theo dòng hồi tưởng của Chùa, quá trình “lột xác” của ba chị em (chị Hai, Chùa, Út Tiền) hiện lên chân thực. Những trạng từ chỉ thời gian quá khứ được tác giả nhiều lần sử dụng như: hồi, khi đó, lúc đó. Đặc biệt trạng từ “những ngày” được tác giả nhiều lần sử dụng: Những ngày mới làm quen 536
  9. đàn ca tài tử, ông Sáu dạy tôi hát bài Ngũ điểm bài tạ” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.40), “Những ngày tháng ngủ chung với ông Sáu, tôi hay kể chuyện hồi còn ở với ba má” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.70),“những ngày ở với mẹ, chúng tôi được tự do nên rất khoái dẫu bị đòn, dẫu bị hết thảy mọi người ghét bỏ” (Võ Diệu Thanh, 2021, tr.114). Khảo sát thời gian tâm trạng theo dòng hồi tưởng của nhân vật Chùa, chúng tôi nhận thấy dòng hồi tưởng của nhân vật trải dài từ lúc hai tuổi đến lúc lên mười. Trong dòng hồi tưởng ấy, những kỉ niệm khi sống cùng với má, và những ngày tháng mới về sống cùng ông Sáu được ông Sáu dạy đàn được nhân vật nhiều lần nhắc đến. Với việc sử dụng kết hợp kỹ thuật dồn nén thời gian kết hợp kéo căng thời gian, tác giả đã tạo nên nhịp điệu kể chuyện linh hoạt cho tác phẩm. Thời gian trần thuật trong các truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh có nhiều nét khác nhau: có truyện kể về sự kiện diễn ra trong thời gian ngắn (một tháng – Siêu nhân cua), có truyện kể về sự kiện diễn ra trong thời gian rất dài (gần hai mươi năm – Lần đầu thấy trăng). Thời gian sự kiện trong Lần đầu thấy trăng là gần hai mươi năm (từ lúc Dẫu, Hậu còn là những cô bé tiểu học (Dẫu 8 tuổi, Hậu 6 tuổi) đến khi đã khôn lớn trưởng thành (Hậu tốt nghiệp đại học và đã đi dạy nhiều năm). Thời gian sự kiện trong Siêu nhân cua có độ dài là “một tháng nay” thì thời gian sự kiện trong Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm có độ dài gần một năm (từ lúc Dưa Leo đi lạc (năm lớp Tám) đến lúc trở lại thăm cụ Râu Đỏ (năm lớp Chín)). Thời gian sự kiện trong Quà tặng của ngày mai có độ dài khoảng tám năm (từ lúc Chùa 2 tuổi đến lúc Chùa 10 tuổi). Có thể nói, cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật đã góp phần tạo bối cảnh phù hợp để nhân vật trẻ em xuất hiện. 5. KẾT LUẬN Ở trên chúng tôi đã trình bày sơ lược lí thuyết về không gian, thời gian nghệ thuật và chỉ rõ những đặc sắc về không gian nghệ thuật thời gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh. Xây dựng hình tượng nhân vật trẻ em qua không gian nghệ thuật (trường học, gia đình, sông nước) nhà văn khẳng định môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triểm nhân cách của trẻ. Vì thế, thầy cô và các bậc phụ huynh hãy tạo dựng cho học trò và con em của mình một môi trường lành mạnh, an toàn để trẻ được phát triển cả về thể chất và tinh thần một cách tốt nhất. Vận dụng lí thuyết về thi pháp học để tìm hiểu truyện viết cho thiếu nhi của Võ Diệu Thanh là hướng đi phù hợp. Hướng tiếp cận này có thể áp dụng trong việc nghiên cứu hình tượng nhân vật nhân vật trẻ em trong các tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi của Võ Diệu Thanh cũng như các tác phẩm văn học thiếu nhi khác. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Thanh Truyền. (chủ biên). (2009). Thi pháp trong văn học thiếu nhi. Hà Nội: Nxb Giáo dục Việt Nam. 2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi. (1992). Từ điển thuật ngữ văn học. Hồ Chí Minh: Nxb Giáo dục. 3. Võ Diệu Thanh. (2014). Lần đầu thấy trăng. Hà Nội: Nxb Phụ nữ. 4. Võ Diệu Thanh. (2015). Siêu nhân cua. Hà Nội: Nxb Kim Đồng. 5. Võ Diệu Thanh. (2016 a). Bảng đỏ cho xứ Bìm Bìm. Hồ Chí Minh: Nxb Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. 6. Võ Diệu Thanh. (2016 b). Chúng mình bay đầy trời. Hà Nội: Nxb Kim Đồng. 7. Võ Diệu Thanh. (2016 c). Tiền của thần cây. Hà Nội: Nxb Phụ nữ. 8. Võ Diệu Thanh. (2017). Những cậu bé mặt trời. Hà Nội: Nxb Kim Đồng. 9. Võ Diệu Thanh. (2021). Quà tặng của ngày mai. Quảng Nam: Nxb Đà Nẵng. 537
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2