intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Lạm dụng và lệ thuộc vào chất gây nghiện

Chia sẻ: Nhậm Ngạn Đông | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tài liệu "Lạm dụng và lệ thuộc vào chất gây nghiện" nhằm giúp học viên trình bày được nội dung tư vấn phòng bệnh, phát hiện sớm các trường hợp lạm dụng và nghiện chất. Trình bày được nguyên tắc điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Lạm dụng và lệ thuộc vào chất gây nghiện

  1. LẠM DỤNG VÀ LỆ THUỘC VÀO CHẤT GÂY NGHIỆN Mục tiêu: 1. Trình bày được nội dung tư vấn phòng bệnh, phát hiện sớm các trường hợp lạm dụng và nghiện chất. 2. Trình bày được nguyên tắc điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng. ĐẠI CƯƠNG Chất gây nghiện, sự lạm dụng và lệ thuộc vào chất gây nghiện đã trở thành vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một mâu thuẫn đang tồn tại đó là chất gây nghiện có thể đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia như chè, thuốc lá, bia, rượu…; sự phát triển của y học cũng đồng hành với sự tham gia của các thuốc gây nghiện (Morphin, Seduxen…), nhưng chất gây nghiện khi lạm dụng sẽ có thể khiến con người bị lệ thuộc vào chúng (hay còn gọi là nghiện) và từ đó mất kiểm soát nhận thức và hành vi, gây tác động tiêu cực tới bản thân, gia đình và xã hội. Vấn đề đặt ra là cần phải hiểu biết về chất gây nghiện để sử dụng nó đem lại lợi ích, nhưng cũng cần có những biện pháp can thiệp dựa trên các bằng chứng khoa học để ứng phó với những tác động tiêu cực của chất gây nghiện, đặc biệt là khi đã lệ thuộc vào chất gây nghiện. Ở Việt Nam, điều trị nghiện ma túy trong những năm qua đã có một sự thay đổi và bước phát triển đáng kể dựa trên các bằng chứng khoa học của thế giới, đặc biệt là vấn đề điều trị thay thế chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone. 1. SƠ LƯỢC VỀ CHẤT GÂY NGHIỆN 1.1. Khái niệm về chất gây nghiện Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chất gây nghiện là “chất hóa học sau khi được hấp thu sẽ làm thay đổi chức năng thực thể và tâm lý của người sử dụng”. Điều 2, Luật Phòng, Chống ma túy số 23/2000/QH10 của Quốc hội “Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng”. Chất gây nghiện ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả chất gây nghiện được sử dụng hợp pháp như thuốc gây nghiện trong điều trị (Benzodiazepine; Morphine, Codein), như rượu, bia, thuốc lá, trà, cà phê, và bao gồm cả chất gây nghiện bất hợp pháp hay còn gọi là ma túy (heroin, thuốc phiện, cần sa, thuốc lắc, các loại chất gây nghiện kích thích dạng Amphetamins (ATS)… 1.2. Tình hình sử dụng chất gây nghiện trên thế giới và ở Việt Nam 1.2.1. Tình hình sử dụng rượu Theo báo cáo của WHO năm 2011, hàng năm có 2,5 triệu người chết vì rượu, trong đó có đến 1/3 số người là giới trẻ. Rượu có liên quan đến nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng bao gồm cả bạo lực và lạm dụng trẻ em. Gánh nặng kinh tế, xã hội và sức khỏe do lạm dụng rượu, bia trên toàn cầu đã đạt mức báo động trong những năm gần đây. Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu “Đánh giá tình hình lạm dụng rượu, bia tại Việt Nam” của Viện Chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế công bố năm 2012 cho 408
  2. thấy: Bình quân một người đàn ông Việt Nam uống 15,8 lít bia, 3,9 lít rượu trong một năm. Tỷ lệ người Việt Nam đang lạm dụng rượu là 18%, bia là 5%. Lạm dụng rượu, bia gây ra các hệ quả lâu dài về sức khỏe như đau dạ dày, viêm nhiễm thường xuyên, tổn thương gan, rối loạn tim mạch, tổn thương cơ quan sinh sản, tổn thương não bộ như: sa sút trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm; ngòai ra còn các hệ quả tinh thần và các vấn đề xã hội khác. 1.2.2. Tình hình sử dụng thuốc lá Theo báo cáo của WHO ngày 31/5/2012, hút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Hút thuốc gây tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm. Uớc tính số tử vong do thuốc lá sẽ tăng lên thành hơn 8 triệu ca vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới (56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới), 2/3 số phụ nữ và 1/2 số trẻ em bị ảnh hưởng thụ động của khói thuốc lá. Theo ước tính của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 40.000 ca tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất hóa học, trong đó có 43 chất gây ung thư, gây ra 25 căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, vô sinh... 1.2.3 Tình hình sử dụng ma túy Theo báo cáo về tình hình ma túy thế giới năm 2012 của Chương trình kiểm soát tội phạm và ma túy của Liên hiệp quốc (UNODC), ước tính năm 2010 trên toàn cầu có 230 triệu người sử dụng ma túy, trong đó 27 triệu người có vấn đề nghiêm trọng do sử dụng ma túy; 200.000 người tử vong hàng năm do sử dụng heroin, cocain và các loại ma túy khác. Trong số người tiêm chích ma túy, khoảng 20% nhiễm HIV, 46,7% mắc viêm gan C và 14,6% mắc viêm gan B, tạo thêm gánh nặng về bệnh tật cho toàn cầu; khoảng 1/100 ca tử vong ở người lớn là do sử dụng ma túy bất hợp pháp. Ở Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Công an, tính tới cuối tháng 6 năm 2012, cả nước có 171.400 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lí. So với cuối năm 1994, số người nghiện ma túy đã tăng gấp 3 lần (55.445 người nghiện năm 1994) với mức tăng xấp xỉ 6.000 người nghiện mỗi năm. 1.3. Một số loại ma túy ở Việt Nam 1.3.1. Thuốc phiện và các chế phẩm thuốc phiện (Opiats) Thuốc phiện là nhựa của quả cây thuốc phiện (cây Anh túc). Các chất dạng thuốc phiện (opioid) là những chất được chiết xuất từ nhựa thuốc phiện như: morphine, heroine, codeine, thuốc phiện (opium)....). Heroin là dạng được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam chiếm khoảng 70% các loại ma tuý được sử dụng trong những năm 90 của thế kỷ trước (Reid và Crofts 1999), đặc biệt là trong giới trẻ sống tại các đô thị, thành phố. Tuy nhiên, thuốc phiện vẫn tiếp tục được sử dụng bởi những người lớn tuổi sống ở vùng nông thôn và miền núi. Thuốc phiện thường được sử dụng thông qua hút bằng dụng cụ chuyên dùng (tẩu, bàn đèn), một số ít người chích dung dịch sái thuốc phiện vào tĩnh mạch. Heroin có thể được sử dụng bằng nhiều cách như tiêm vào tĩnh mạch; Hút bằng tẩu có nước hoặc tẩu thông thường, hít dưới dạng bột qua mũi; Đốt và hít khói trực tiếp 409
  3. Quả cây thuốc phiện Bột Heroin Đốt và hít Heroin Tiêm chích ma tuý Biểu hiện lâm sàng khi lạm dụng thuốc phiện và các chế phẩm dạng thuốc phiện *Sau khi sử dụng thuốc phiện thường xuất hiện các biểu hiện: Cảm giác ấm vùng thắt lưng, ấm bụng, người nhẹ nhõm, lâng lâng như sóng lượn. Khoái cảm, liên tưởng nhanh, tái hiện dễ.Tiếp theo là trạng thái ức chế vận động, ý thức thu hẹp, mất cảm giác đói, khát, chỉ còn cảm giác yên tĩnh, ngủ lim dim, đầy mơ mộng, sau đó ngủ sâu nếu dùng liều cao. Tác dụng cũng có sự đa dạng, tùy thuộc vào từng người. Sau khi phê người sử dụng thường cảm thấy buồn ngủ trong vài giờ. Tâm thần thường u ám, nhịp tim chậm, nhịp thở chậm. Khi tác dụng của thuốc hết, cảm giác phê cũng mất đi. * Khi tình trạng phụ thuộc kéo dài người nghiện có nhiều biến đổi về mặt tâm lý, xã hội như: Hứng thú thu hẹp, khó tập trung chú ý, rối loạn trí nhớ, khí sắc không ổn định. Mất khả năng đánh giá hành vi của bản thân, nhân cách suy đồi và biến đổi. Chịu ảnh hưởng của nhóm xấu. Có thái độ thờ ơ với xã hội. Có hành vi tự sát. 1.3.2. Amphetamine Amphetamin được tổng hợp vào năm 1932 tại Mĩ. Trước đây, người ta sử dụng nó như 1 thuốc giảm đau, chống trầm cảm, điều trị suy nhược thần kinh, béo phì. Tuy nhiên, hiện nay do quá nhiều tác dụng khác mà nó mang lại, đặc biệt là khả năng gây nghiện thuốc nên đã bị cấm sử dụng trong y học. Biểu hiện lâm sàng ở người nghiện khi sử dụng amphetamine chủ yếu là trạng thái kích thích, hưng phấn gây khoái cảm, Tâm thần khoan khoái, dễ chịu, tan biến các ức chế, tăng lòng tự tin, hoà nhã và cởi mở với mọi người. 410
  4. Nếu người bệnh dùng amphetamine liều cao, có thể dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát. Sảng do dùng amphetamine thường liên quan đến việc sử dụng liều cao hoặc dùng kết hợp với các loại ma tuý khác, đặc biệt là những người có tổn thương não. Các rối loạn loạn thần thường gặp khi giảm hoặc ngừng sử dụng amphetamine là hoang tưởng ảo giác tương tự trong bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid. Tuy nhiên các triệu chứng này chỉ kéo dài vài ngày và trên bệnh cảnh lâm sàng ít gặp cảm xúc bàng quan so với người bệnh tâm thần phân liệt. Chỉ định điều trị tình trạng này là sử dụng an thần kinh (Haloperidol) trong một thời gian ngắn. Các rối loạn cảm xúc khi dùng amphetamine là hưng cảm hoặc loạn cảm còn khi ngừng sử dụng amphetamine có thể là trầm cảm. Các rối loạn chức năng tình dục. Amphetamine thường được sử dụng để tăng cường năng lực tình dục.Tuy nhiên khi sử dụng liều cao, dài ngày có thể gây rối loạn sự cương cứng và các chức năng tình dục khác. 1.3.3. Cần sa Cần sa còn có tên như tài mà, gai dầu, gai mèo, lanh mèo, lanh mán, đại ma, hỏa ma, bồ đà (Cannabis) là một chi thực vật có hoa bao gồm ba loài: Cannabis sativa L, Cannabis indica Lam và Cannabis ruderalis Janisch. Ba loài này là thực vật với bản địa ở Trung Á và các khu vực xung quanh. Cần sa đã được sử dụng từ lâu để lấy sợi, hay dùng như chất ma túy hay trị bệnh Cần sa thường được sử dụng dưới dạng lá (khô, tươi) hoặc nhựa (hachich) bằng cách hút như thuốc lá hoặc hút bàn đèn... Tác dụng của cần sa xuất hiện sau khi sử dụng khoảng 30 phút và kéo dài 3-4 giờ. Biểu hiện lâm sàng ở người nghiện khi sử dụng cần sa chủ yếu là trạng thái kích thích, hưng phấn gây khoái cảm. Tâm thần khoan khoái, dễ chịu, tan biến các ức chế, tăng lòng tự tin, hoà nhã và cởi mở với mọi người. Người sử dụng cảm thấy tăng cảm giác với các kích thích bên ngoài. Kỹ năng vận động suy giảm. Sau 6-8 giờ dùng cần sa sự suy giảm kỹ năng vận động còn làm ảnh hưởng đến việc lái xe, vận hành máy móc…hơn nữa, những tác động không tốt này còn nặng thêm do tác dụng của rượu là thứ rất phổ biến mà những người sử dụng cần sa thường dùng kết hợp. Khi sử dụng cần sa liều cao có thể gây trạng thái suy giảm khả năng nhận thức, giảm nhớ, rối loạn tri giác, chú ý... 1.3.4. Cocaine Cocain là loại ma túy chiết xuất từ lá coca, có tinh thể hình kim, không màu và không mùi, vị hơi đắng mát và gây cảm giác hơi tê cho đầu lưỡi. Cocain lần đầu tiên được một dược sĩ - hóa học người Đức (tên là Albert Niemann), chiết xuất từ lá cây coca vào năm 1860. Đến năm 1883 cocain mới được một bác sĩ thử nghiệm với binh lính Đức và cho kết quả là sự hồi phục sức khỏe đáng kinh ngạc. Năm 1884 dược tính của cocain lại được phát hiện thêm tác dụng giảm đau, có công hiệu với bệnh lao phổi, hen suyễn, đau thần kinh liên sườn, đau răng. Những tác dụng làm tăng sức khỏe của cocain đã khiến trong những năm đầu của lịch sử chế phẩm, cocain có mặt trong nhiều loại thuốc bổ, kẹo, bánh và nước giải khát. Tuy vậy, với sự phổ biến của cocain, các nhà khoa học cũng nhận thấy tác dụng gây nghiện, gây hoang tưởng bộ phận rất mạnh của thuốc. Bởi vậy, cocain được 411
  5. xếp vào nhóm ma túy và bị luật pháp của hầu hết quốc gia ngăn cấp tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép. 1.3.5. Nước biển Nước biển hay GHB thực chất là có tên gọi Gramma hydroxy axit butyrat, được bào chế và sử dụng như một loại thuốc gây mê và giảm đau cách đây gần 50 năm. GHB khi được sử dụng trực tiếp với một lượng vừa phải mang lại cho người “chơi” nó cảm giác hưng phấn lâng lâng và kích thích dục vọng 1.3.6. Một số loại ma túy mới Cỏ Mỹ (K2/spice) Đây thực chất là lá, thân, rễ của một loại cây thực vật được tẩm ướp chất gây nghiện nguồn gốc từ nước ngoài, thẩm lậu vào trong nước chủ yếu từ Trung Quốc. Vấn đề đáng chú ý là để gây sự thu hút, các loại này thường đóng gói trong bao bì có mẫu mã đẹp, bắt mắt. Cỏ Mỹ là loại thực vật dạng cỏ có tẩm ướp chất gây nghiện (XLR-11, JWH-018, 073, 200… Tất cả chất này đều có trong danh mục cấm theo nghị định 126). Cũng như muối tắm, trên bao bì luôn có dòng chữ “không dùng cho người – not for human consumption”. Cỏ Mỹ (K2/spice). Cách sử dụng cỏ Mỹ cũng giống như là cần sa là cuốn hút như thuốc rê. Nhưng khi hút cỏ Mỹ không gây mùi khét đặc trưng như cần sa nên khó bị phát hiện hơn. Khi sử dụng cỏ Mỹ sẽ gây ảo giác mạnh, giãn đồng tử, căng thẳng, kích động cực đoan. Do gây kích thích tên hệ thần kinh mạnh hơn so với cần sa nên Cỏ Mỹ được nhiều người ưa chuộng hơn và gây tác hại nặng nề hơn. Lá "Khát" Lá khát (hay Kat, Qat, Ghat hoặc Chat) còn gọi với cái tên khá hay là lá "Thiên đường" (tên khoa học: Catha edulis) là loại cây bụi được trồng, sử dụng và buôn bán ở nhiều nước châu Phi, vùng Nam Ả Rập. Lá Khát mới xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 3 năm 2016 nhưng lực lượng chức năng đã tịch thu được gần 5 tấn. Lá Khát có chứa thành phần Cathinone, là chất ma túy rất độc hại thuộc Danh mục I – Nghị định 82/2013/NĐ-CP, có tác dụng tương tự như loại ma túy đá Amphetamine. Muối tắm (bath salts) 412
  6. Muối tắm là tên lóng của một loại ma túy tên hóa học là mephedrone và cathinone được xuất xứ từ cây Khát. Muối tắm có hình dạng kết tinh và cách sử dụng như đá (đốt hít). So với “đá” thì muối tắm không “phê” bằng một loại ma túy khác được điều chế từ lá khát là muối tắm tên lóng của ma túy tổng hợp từ mephedrone và cathinone. Muối tắm (bath salts). Muối tắm gây rối loạn tâm thần, hoảng loạn và có hành vi bạo lực, cũng như gây đau tim và tăng nhiệt độ cơ thể. Ngụy trang dưới cái tên muối tắm, 1 loại muối dùng để thư giãn khi tắm, loại ma túy này có thể dễ dàng mua trực tuyến. Hiện nay trên thị trường Việt Nam chưa có các test nhanh phát hiện muối tắm trong nước tiểu. Nghị định 82 đã đưa muối tắm (mephedrone và cathinone) vào danh mục chất ma túy bị cấm. “Tem giấy” Tem giấy còn được gọi là bùa lưỡi, thực chất là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide), là chất bán tổng hợp được chiết xuất từ nấm cựa gà. Chất gây nghiện này tái xuất hiện trong thời gian gần đây sau một thời gian dài (từ cuối thập niên 1970) ngưng sản xuất. Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ vài chục mcg là có thể gây ảo giác nên được xem chất ma túy nguy hiểm nhất. Tem giấy Nhìn bên ngoài, “Tem giấy” là một miếng giấy dán tem giấy kích thước 1,5x1,5 cm, trong một miếng bìa có khoảng 25 tem giấy. Trên bìa in hình các nhân vật nổi tiếng như Einstein hay các ca sĩ nổi tiếng, giống như miếng bìa chơi của trẻ con. Giá mỗi miếng tem này chỉ khoảng 20.000 đồng. Về cách thức sử dụng tem giấy rất đơn giản, chỉ cần liếm như dán giấy hoặc ngậm trên lưỡi. Tuy nhiên, LSD có tác dụng rất nhanh, chỉ sau 5 phút liếm, ngầm người dùng đã có cảm giác. Sử dụng LSD nhiều sẽ gây loạn thần, phụ thuộc về tâm thần. Nước vui 413
  7. “Nước vui” có xuất xứ từ Trung Quốc, thành phần gồm một số ma túy tổng hợp phổ biến hện nay, trong đó có thành phần Methamphetamine, Ketamine… và tồn tại dưới dạng lỏng, đựng trong các lọ nhỏ khoảng 10-15ml. Khi sử dụng, các đối tượng thường trộn lẫn với các loại nước có ga theo một tỷ lệ nhất định sau đó uống trực tiếp vào cơ thể. Ma túy “Nước vui” Khi vào cơ thể, loại ma túy này sẽ tạo cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài, đặc biệt khi kết hợp với nghe nhạc mạnh. Giá thành mỗi lọ “Nước vui” trên thị trường dao động từ 1,2-1,5 triệu đồng/lọ. Ma túy “Trà sữa” “Trà sữa” là một loại hỗn hợp chứa nhiều loại ma túy tổng hợp, tồn tại ở dạng bột thường được đựng trong các túi nilon có bao bì bắt mắt, in chữ Trung Quốc. Ma túy “Trà sữa” dạng bột, có mùi sữa. Khi sử dụng, ma túy “Trà sữa” được pha cùng với các loại nước có ga tạo thành dung dịch có màu sắc và mùi vị giống như trà sữa thông thường, một loại đồ uống ưa thích của giới trẻ. Việc sử dụng các loại ma túy “Trà sữa”, “Nước vui” sẽ gây nguy hiểm đối với bản thân người sử dụng. Tác động trực tiếp vào não bộ, gây kích thích thần kinh trung ương, tạo ảo giác ở người sử dụng làm cho họ cảm thấy sung , tự tin, thích được thực hiện những hành vi có cảm xúc mạnh, lắc lư quay cuồng, la hét, đặc biệt khi đi kèm với âm thanh có cường độ lớn. Sau khi sử dụng, trạng thái hưng phấn gây rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến trụy tim mạch và đột tử. Mặt khác, kích thích hệ thần kinh trung ương nên thường xuyên tạo trạng thái kích động và căng thẳng, suy sụp, chán chường, lo lắng, trầm cảm hoang tưởng, mất trí nhớ, mất phương hướng, lâu dần sẽ dẫn đến tâm thần. Shisha Shisha là tên gọi của một loại thuốc hút có xuất xứ từ Ả Rập từ hơn 400 năm trước, còn có tên gọi là thuốc lào Ả Rập, có chứa Nocotine – một chất gây hưng phấn, gây nghiện. Shishađược hút qua “bộ lọc” là nước, tương tự như hút thuốc lào của Việt Nam, gồm sợi thuốc lá trộn với mật ong và hương liệu bạc hà, chocolate hoặc trái cây táo, dâu, cherry… Chính vì được “lọc” qua nước nên lầm tưởng là ít gây tác hại. 414
  8. Tuy nhiên, đã có rất nhiều báo cáo trên thế giới về khói Shisha cho thấy tác hại không thua kém gì thuốc lá, thậm chí còn độc hơn. Chính vì thế, một người hút Shisa thường xuyên sẽ vẫn chịu những rủi ro mắc bệnh giống như người hút thuốc lá như ho lao, trụy tim và cả ung thư. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Hiệp hội Ung thư Mỹ, lượng khói hít vào cơ thể khi hút Shisa trong vòng 1 giờ tương đương với khi hút từ 100 đến 200 điếu thuốc lá, đồng thời, tỷ lệ Nicotine ngấm vào cơ thể khi hút Shisha cao hơn thuốc lá 70%. Một bình Shisha như hiện tại thường được hút trong thời gian khoảng 40 phút – như vậy số lần hút vào sẽ là từ 50 – 200 lần. Lượng khói này tương đương với 0,15 – 0,5 lít khói. Đó quả là số lượng khủng khiếp. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo hút Shisha có thể gây ung thư miệng, phổi, dạ dày, thực quản, suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giảm khả năng sinh sản. Shisha. Cùng với đó việc nhiều người dùng chung một ống có thể lây nhiễm các bệnh như lao, viêm gan, các bệnh răng miệng… Hương liệu trái cây được dùng để hút Shisha cũng thường có chất lượng kém và dễ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe như ảnh hưởng thần kinh, nhức đầu. Một dụng cụ mới nổi hiện nay là thuốc lá điện tử shisha pen. Khác với kiểu hút shisha truyền thống, shisha pen sử dụng tinh dầu pha chế sẵn và người hút có thể chọn lựa hương liệu (mùi) tùy theo sở thích. Shisha pen ít khói hơn và nhỏ gọn nên hiện được giới trẻ ưa chuộng. Shisha không phải là ma túy nên hiện chưa bị cấm. Tuy nhiên đây là khởi đầu của thói quen và hành vi nghiện ngập. Nguy hiểm hơn, để thu hút khách hàng, một số vũ trường, quán Bar đã bất chấp đạo đức kinh doanh, sử dụng “chiêu” chế Shisha: họ bỏ thêm vào bình Shisha nguyên chất một vài nguyên liệu như rượu, ma túy để tăng độ “phê” và gây nguy hiểm khó lường cho người sử dụng. 2. LẠM DỤNG VÀ LỆ THUỘC VÀO CHẤT GÂY NGHIỆN 2.1. Một số khái niệm Không phải ai sử dụng chất gây nghiện đều có thể bị nghiện. Đa số những người bắt đầu sử dụng chất gây nghiện là để thử, hoặc dùng có chủ đích (để tỉnh táo, vui vẻ, bớt căng thẳng, phê/sướng, khoái cảm...). Nhiều người trong số họ sẽ tự dừng lại không tiếp tục sử dụng nữa và sẽ không chuyển sang hình thức dùng nhiều. Một phần trong số họ sẽ tiếp tục sử dụng chất gây nghiện ở mức độ quá mức, quá giới hạn 415
  9. sẽ trở thành lạm dụng. Một số những người lạm dụng tiếp tục sử dụng và sử dụng ngày một nhiều hơn dẫn đến lệ thuộc vào chất gây nghiện sẽ trở thành người nghiện. Quá trình từ dùng thử rồi trở thành nghiện là một khoảng thời gian dài, có thể tính bằng nhiều tháng hoặc nhiều năm. Lệ = Nghiện thuộc Dùng = Lạm dụng nhiều Dùng có mục đích Dùng thử Hình 1. Lạm dụng và nghiện chất 2.1.1 Lạm dụng rượu/bia/đồ uống có cồn khác Theo Quyết định số 244/2014/QĐ-TTg về “Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020", “Lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác là việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác với mức độ, liều lượng, đối tượng không thích hợp dẫn đến sự biến đổi về chức năng của cơ thể hoặc xuất hiện dấu hiệu về lâm sàng ảnh hưởng có hại đến sức khỏe người sử dụng”. Mức độ, liều lượng, đối tượng không thích hợp là: - Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; - Uống hơn 14 đơn vị rượu/tuần, hơn 2 đơn vị rượu (cốc chuẩn)/ngày, hơn 1/2 đơn vị rượu/giờ; - Sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong trường hợp pháp luật nghiêm cấm. 2.1.2 Nghiện ma túy Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa: “Nghiện ma túy là tình trạng nhiễm độc tính hay chu kỳ do sử dụng nhiều lần chất ma túy, với những đặc điểm cơ bản là: Không cưỡng lại được nhu cầu sử dụng ma túy và sẽ tìm mọi cách để có ma túy; Liều dùng tăng dần; Lệ thuộc chất ma tuý cả về thể chất và tâm thần”. 416
  10. Nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính tái phát của não bộ vì nó làm thay đổi cấu trúc, chức năng và cơ chế hoạt động của não và do vậy người nghiện cần phải được điều trị lâu dài. Các biện pháp xét nghiệm nước tiểu để tìm chất gây nghiện và các sản phẩm chuyển hóa của chất gây nghiện chỉ chứng tỏ là người đó có sử dụng chất gây nghiện, chưa đủ khẳng định họ đã nghiện. 2.2. Chẩn đoán lạm dụng chất Theo tiêu chuẩn của theo DSM-IV (1991), chẩn đoán xác định Lạm dụng chất khi người sử dung chất gây nghiện có ít nhất một trong các biểu hiện sau trong 12 tháng: 1. Sử dụng một chất lặp đi lặp lại dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ chính, chủ yếu tại nơi làm việc, trường học hoặc gia đình (vắng mặt nhiều lần hoặc hiệu suất làm việc kém do việc sử dụng các chất, thường xuyên bỏ bê công việc gia đình). 2. Sử dụng một chất lặp đi lặp lại trong tình huống mà khi sử dụng nó là nguy hiểm (ví dụ uống rựơu khi lái xe); 3. Vấn đề pháp lý lặp đi lặp lại liên quan đến việc sử dụng các chất (bị bắt giữ cho hành vi bất thường liên quan đến việc sử dụng các chất); 4. Sử dụng các chất bất chấp những vấn đề xã hội hoặc cá nhân tồn tại dai dẳng hoặc tái phát, mà những vấn đề này được gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bởi ảnh hưởng của các chất (cãi nhau với bạn đời). 2.3. Chẩn đoán lệ thuộc chất gây nghiện Theo WHO để chẩn đoán nghiện chất nếu người sử dụng chất gây nghiện, có ít nhất 3 trong số 6 các tiêu chí sau trong 12 tháng : - Cảm giác buộc phải tìm kiếm sử dụng; - Khó khăn trong việc kiểm soát hành vi sử dụng; - Xuất hiện hội chứng cai thực thể (hội chứng đói, thiếu chất gây nghiện); - Có bằng chứng về sự dung nạp (tăng liều); - Xao nhãng các thú vui, sở thích khác; - Tiếp tục sử dụng chất gây nghiện đó bất chấp mọi hậu quả. 2.5. Hướng tiếp cận mới trong dự phòng lạm dụng và nghiện chất Theo mô hình các hình thái sử dụng chất gây nghiện đã được phân tích ở phần trên, có thể thấy số người dùng thử thì nhiều nhưng số người tiến tới nghiện là tương đối ít. Mặc dù người nghiện ít, nhưng lại gây ra những tác động tiêu cực, tạo ra những gánh nặng quá lớn cho xã hội. Chính vì vậy, khi nói đến sử dụng chất gây nghiện, người ta thường chỉ tập trung vào những đối tượng nghiện và nói đến những vấn đề tiêu cực. Tương tự như vậy, khi xây dựng các chiến lược can thiệp, chúng ta cũng chỉ hướng tới nhóm người nghiện với ý chí quyết tâm đạt được mục tiêu CAI mà bỏ qua những nhóm người đang ở hình thái dùng thử, dùng có mục đích hoặc dùng nhiều. Điều đó đã bộc lộ khoảng trống trong quản lí cũng như dự phòng lạm dụng và nghiện chất. Không phải đến lúc nghiện thì người sử dụng ma túy mới gặp những nguy cơ, mới tạo những gánh nặng về y tế và xã hội, mà ngay từ lúc dùng thử, dùng có mục 417
  11. đích, dùng nhiều họ đã có nguy cơ bị tử vong do sốc thuốc, rối loạn nhân cách và hành vi, lây nhiễm viêm gan B, C, HIV... và nhiều hậu quả xã hội khác. Mặt khác, các chiến lược can thiệp với ý chí quyết tâm đạt được mục tiêu CAI đã tỏ ra thiếu thực tiễn, bởi vì nghiên cứu của thế giới cho thấy hầu hết người nghiện sau khi cai đều tái nghiện, nguyên nhân là do sự thức tỉnh của “hạch hạnh nhân sáng” trong não bộ người nghiện, gây ra sự thèm khát ma túy trở lại. Người nghiện ma túy sau một thời gian cai nghiện tập trung, do được điều trị cắt cơn, do trong cơ sở cai nghiện không có ma túy, do phải cải tạo lao động v.v…cho nên người nghiện đã tạm thời bỏ được ma túy. Nhưng khi ra khỏi cơ sở cai nghiện tập trung, người nghiện được tiếp cận với những người sử dụng ma túy, cơ hội “thức tỉnh” của “hạch hạnh nhân sáng” trở lại, người nghiện thèm khát và tái sử dụng ma túy. Hình 2. Hạch hạnh nhân sáng ở người nghiện ma túy Chính vì vậy, ở các nước trên thế giới, các trung tâm dự phòng và điều trị lạm dụng và nghiện chất hoạt động không phải vì mục tiêu CAI NGIỆN mà vì mục tiêu dự phòng và điều trị lâu dài cho bệnh nghiện. 3. QUAN NIỆM MỚI VỀ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN MA TÚY Ở VIỆT NAM Ngày 27 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính Phủ đã có Quyết định số 2596/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Trong đó xác định nghiện ma túy là một bệnh mạn tính, để điều trị hiệu quả cần phải điều trị lâu dài với nhiều liệu pháp phối hợp, với các hoạt động liên ngành trong các lĩnh vực như: y tế, tâm lý, xã hội… Quan điểm đổi mới theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg của Chính phủ bao gồm: * Đổi mới về quan niệm: Từ quan niệm “tệ nạn xã hội” chuyển thành “bệnh mạn tính của não bộ”. * Đổi mới cơ chế chính sách: + Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Bộ Y tế ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. + Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2009, bỏ Điều 199, theo đó bỏ hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy. * Đổi mới phương pháp điều trị + Chuyển từ điều trị cai nghiện sang điều trị bệnh mạn tính; 418
  12. + Chuyển từ cai nghiện bắt buộc tập trung sang hình thức điều trị lâm sàng, tý vấn tâm lý, tự nguyện tại cộng đồng; + Chuyển từ cai nghiện bắt buộc tại trung tâm sang điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone. * Trách nhiệm của các Bộ ngành trong phòng chống ma túy: - Bộ Công an: Có trách nhiệm thi hành pháp luật về vận chuyển, buôn bán, tàn trữ matúy; xóa bỏ trồng thuốc phiện, cần sa… - Bộ Lao động Thương Binh và xã hội: Có trách nhiệm giáo dục, dự phòng nghiện ma túy; quản lí, tổ chức cai nghiện. - Bộ Y tế: Có trách nhiệm quản lí, tổ chức thực hiện các biện pháp giảm hại cho người nghiện: Điều trị thay thế; phòng chống HIV, viêm gan B; phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su... Dưới đây là một số liệu pháp cơ bản trong điều trị nghiện ma túy: 3.1. Liệu pháp thay thế bằng Methadone Điều trị thay thế bằng Methadone hiện nay được áp dụng đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện (Thuốc phiện, heroin). Bản chất của Methadone là một loại ma túy, tuy nhiên khi sử dụng Methadone thay thế Heroin sẽ có nhiều lợi ích: - Độc tính thấp hơn: Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống; - Dùng uống: Giảm lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường máu; - Đào thải chậm hơn heroin rất nhiều, mỗi ngày chỉ cần uống 1 liều (heroin phải 3 lần) - Không gây tăng liều; - Được kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở điều trị; - Chi phí giảm hơn; - Ổn định trật tự xã hội, giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật Chính phủ Việt Nam quy định, nếu quận/huyện nào có trên 200 người nghiện Heroin đều phải có 1 cơ sở điều trị methadone. Thẩm quyền xác định người nghiện ma túy được thực hiện theo Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA, theo đó người có thẩm quyền xác nhận nghiện ma túy là bác sỹ hoặc y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy. 3.2. Liệu pháp tâm lý xã hội Mục tiêu cơ bản của liệu pháp tâm lí xã hội là hỗ trợ người nghiện học được các kĩ năng thay đổi hành vi, tiến tới dừng sử dụng và đối phó với các vấn đề gặp phải mà không phải sử dụng chất gây nghiện. Hỗ trợ người bệnh trong việc giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bằng cách: Hỗ trợ người bệnh trong việc giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bằng cách: 419
  13. - Giúp người bệnh tạo và duy trì động lực giảm hoặc dừng việc sử dụng ma túy, tăng cường động lực với các hành vi hỗ trợ cho mục tiêu trị liệu - Xác định và đối phó với các tình huống nguy cơ tái sử dụng - Phát triển kĩ năng từ chối, giải quyết vấn đề và dự phòng tái nghiện - Hỗ trợ đề ra mục tiêu và xây dựng kế hoạch thực hiện - Hỗ trợ người bệnh tìm tới các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc, bao gồm cả dịch vụ giảm hại Biện pháp tâm lí xã hội được sử dụng rộng rãi và được chứng minh tính hiệu quả là biện pháp can thiệp ngắn theo tinh thần phỏng vấn tạo động lực. Nó giúp tạo động lực cho người bệnh ngừng sử dụng chất gây nghiện và duy trì hành vi đó trên cơ sở cân nhắc và so sánh những lợi ích và hậu quả do việc sử dụng ma túy mang lại, giúp củng cố động lực để thay đổi. Nhóm tự hỗ trợ (nhóm đồng đẳng) cũng là một hình thức điều trị nằm trong liệu pháp tâm lí xã hội. Các nhóm này thường theo đuổi mục đích điều trị nghiện mà ở đó người sử dụng ma túy tự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. 3.3. Mô hình các nhóm tự lực Mô hình các nhóm tự lực là một cấu thành có hiệu quả hoặc đóng vai trò là liệu pháp bổ sung cho các mô hình điều trị khác. Ngày nay các nhóm tự lực được thành lập dưới nhiều hình thức và mục đích hoạt động khác nhau, chủ yếu nhằm mục tiêu giảm tác hại. Các thành viên đồng đẳng giúp đỡ lẫn nhau đạt được mục đích giảm nguy cơ cá nhân như giảm sử dụng, tham gia điều trị thay thế bằng methadone, hoặc về lâu dài cùng nhau ngừng hẳn sử dụng chất gây nghiện. Kết luận: Lạm dụng và lệ thuộc vào chất gây nghiện đang là vấn đề cần phải giải quyết mang tính đa ngành, không chỉ của ngành y tế. Đối mặt với sự tổn thất của vấn đề lạm dụng và nghiện chất đang là gánh nặng cho cá nhân, gia đình và xã hội. Các can thiệp để giải quyết vấn đề này, ngoài trách nhiệm của đa ngành, cần có sự vào cuộc của gia đình, của cộng đồng và toàn xã hội. Mục đích của sự can thiệp là dự phòng và điều trị giảm hại lâu dài. Trong hệ thống y tế hiện nay, bác sỹ gia đình trạm y tế xã/phường là người đáp ứng tốt nhất trong việc phối hợp triển khai các hoạt động nêu trên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật số 23/2000/QH10 của Quốc hội: Luật Phòng, Chống ma túy 2. Luật số 09/2012/QH10 của Quốc hội: Luật Phòng, Chống tác hại của thuốc lá 3. Quyết định số 244/QĐ-TTg về “Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020". 4. Quyết định số 2596/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 5. Thông tư số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác nhận nghiện ma túy 6. Thông tư số 60/2014/TT-BCT Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu 420
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2