YOMEDIA
ADSENSE
Lời "đề từ" trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
101
lượt xem 18
download
lượt xem 18
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
1. Trước khi có cuộc “Đối thoại với Cánh đồng bất tận” trên báo Tuổi trẻ tháng 4. 2006, Nguyễn Ngọc Tư đã được bạn đọc biết đến với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi XX (lần 2) năm 2000, được tặng thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000, giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001....
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Lời "đề từ" trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
- Lời "đề từ" trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư 1. Trước khi có cuộc “Đối thoại với Cánh đồng bất tận” trên báo Tuổi trẻ tháng 4. 2006, Nguyễn Ngọc Tư đã được bạn đọc biết đến với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi XX (lần 2) năm 2000, được tặng thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000, giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001... Nhưng quả là đến cuộc “Đối thoại...” chị trở thành một hiện tượng văn học đáng chú ý, một sự kiện văn học hy hữu trong lịch sử văn học nước ta, thể hiện tinh thần dân chủ hoá của thời kỳ đổi mới và hết sức tập trung, đến mức chỉ trong một thời gian ngắn, báo Tuổi trẻ đã nhận được 868 ý kiến gửi về tham gia diễn đàn, trong đó có 855 ý kiến khen và chỉ có 13 ý kiến chê. Nhìn chung, cả khen và chê tác phẩm Cánh đồng bất tận đều theo tư duy kiểu cũ, đều lấy hiện thực đời sống làm thước đo, làm tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm. Người chê, phản đối tác phẩm thì cho rằng những chi tiết, nhân vật, vấn đề trong tác phẩm đều không thể có trong hiện thực đời sống, chủ yếu đó là ý kiến của những người làm công tác chính trị.
- Ở phía đa số, những người khen Nguyễn Ngọc Tư cũng lấy hiện thực đời sống làm tấm gương phản chiếu, bởi “đó là sự chân thực, đôn hậu, trong sáng toả ra từ những gì cô viết”(1). Sự khen – chê đều xoay quanh vấn đề nội dung, vấn đề hiện thực và hư cấu, mà không căn cứ vào văn bản ngôn từ để lý giải vì sao, bằng quan niệm nào mà tác giả viết như thế và cách viết ấy tạo được hiệu ứng thẩm mỹ như thế nào? Một trong những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của Nguyễn Ngọc Tư, thu hút đông đảo người đọc, đó chính là những yếu tố nằm ngoài cốt truyện, mà chủ yếu là những yếu tố thuộc về thi pháp hình thức độc đáo như cách đặt tên tác phẩm, tên nhân vật, lời đề từ, đề tặng, những đoạn trữ tình ngoại đề, hình thức trình bày tác phẩm,... Ở đây, tôi chỉ xin khảo sát một trong những yếu tố đó (chủ yếu là thông qua Cánh đồng bất tận), là lời đề từ trong tác phẩm văn xuôi. 2. Lời đề từ là “thành phần nằm ngoài văn bản tác phẩm, được viết ở đầu sách hoặc sau tiêu đề mỗi chương trong cuốn sách nhằm hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc tư tưởng của tác phẩm”(2). Các tác phẩm trữ tình hay sử dụng lời đề từ cho cả tập sách, như lời đề từ cho Nhật ký trong tù là bài thơ in ở bìa sách: Thân thể ở trong lao Tinh thần ở ngoài lao Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần càng phải cao Có thể nói, đó là cảm hứng chủ đạo của toàn bộ tập thơ, thể hiện tư tưởng - chủ đề của tác phẩm, là người tù - người tự do. Các bài thơ trong tập, dù nhiều bài không nhắc đến tự do, nhưng vẫn cứ bàng bạc tư tưởng ấy trong toàn bộ tác phẩm. Các tác phẩm nghiên cứu phê bình, thường sử dụng lời đề từ cho mỗi chương như Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Phan Cảnh, Chân trời có người bay của Đỗ Lai Thuý... Nguyễn Ngọc Tư là một trong số người hiếm hoi sử dụng lời đề từ cho văn xuôi tự sự. “Trong tập tản văn Sống chậm thời @ một nửa là của chị và tác phẩm nào chị cũng đưa ra lời đề từ như dấu ấn sâu đậm khắc ghi trong lòng độc giả và đó dường như cũng là nỗi day dứt lớn nhất trong chị”(3). Cánh đồng bất tận gồm 14 truyện, thì có 11 truyện được tác giả sử dụng lời đề
- từ. Theo cách trình bày, do yêu cầu các truyện đều phải bắt đầu từ trang lẻ, trong khi đó ba truyện Thương quá rau răm, Huệ lấy chồng, Dòng nhớ các truyện đặt trước đều kết thúc bằng các số trang chẵn, không có trang trống nên không có lời đề từ. Thực ra, tác giả hoàn toàn có cách trình bày khác, đồng thời khi đọc lời đề từ của các truyện còn lại mới thấy hết giá trị nội dung của tác phẩm. Ở đây, lời đề từ có thể là một danh ngôn, một đoạn trích từ kinh Phật, một câu hát dân gian, hoặc đôi khi chỉ là một ý nghĩ bâng quơ, nêu một sở thích ngộ nghĩnh, hoặc một đoạn tự sự tồn tại song song với truyện... nhưng tất cả đều có thể vận vào, đều thể hiện chiều sâu của tư tưởng, là một phần bổ sung không thể thiếu cho văn bản tác phẩm, góp phần tạo nên sự toàn vẹn của chỉnh thể, thực chất là một bộ phận của chỉnh thể tác phẩm, thể hiện ý đồ sáng tạo của tác giả và tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm, cần phải được lưu ý xem xét, nếu bỏ qua, hoặc bỏ sót sẽ không khám phá hết giá trị nội dung của tác phẩm. Truyện Cải ơi! có lời đề từ sau: “Mỗi lần nghe câu hát “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại...”, tôi hơi quạu, ông bà mình quá hiền lành đi, thí dụ có bị phụ phàng, thì cũng có chanh chua, hằn học một tí. “Gió đưa thằng quỷ sứ về thành. Để tôi ở lại chành ành... đắng cay”. Đau, tức vậy mà trách cứ nhẹ hều... Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giận dỗi, nặng lời. Và mình thì chưa bao giờ yêu ai đến như vậy ?!!!”(4). Đó là nỗi oan của ông già Năm Nhỏ, bỏ nhà đi tìm đứa con riêng của vợ, tên là Cải. Từ năm mười ba tuổi, khi đi chăn trâu, vì ham chơi đôi trâu lạc mất, Cải sợ bị đòn không dám về nhà, ông già Năm bị vợ và bà con lối xóm nghi là đã xua đuổi, thậm chí đánh chết Cải rồi vùi xác ở đâu đó. Hơn mười hai năm ông đi tìm, ông xin làm chân sai vặt cho đoàn ca múa nhạc, để trước giờ biểu diễn, ông lên thông báo tìm con: “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè con”; rồi ông đẩy xe kẹo kéo đi bán, cố tình vi phạm pháp luật như lấn chiếm lòng lề đường để bị phạt, ăn trộm trâu để bị bắt, được đưa lên ti vi, cũng chỉ để được gọi hai tiếng “Cải ơi...”. Ở truyện Một trái tim khô, lại được mở đầu dòng tự sự bằng những câu hát sướt mướt để đối lập với hành động phi nhân thuê người giết vợ: “Dạo trước, hồi chưa có phong trào nhạc “Sáng sáng anh uống cà phê. Tối tối anh uống cà phê...” hay “ở bên người ấy xin đừng nhớ đến tôi, ở bên cạnh tôi xin đừng làm khổ tôi...”, mấy chiếc xe kẹo kéo, khoai mì luộc hay mở bản nhạc như vầy “Một trái tim khô, một trái tim mùa đông. Trái tim đã nhiều lần, nhiều lần chạy trốn tình yêu. Suốt đời tôi
- mãi mãi là người đến sau...”, nghe cũng hay hay / Mà hơi mắc cười, tình yêu, ai cũng khoái, sao cha nội nầy đòi chạy trốn ?!” (tr.144). Đây là truyện có nhiều tình tiết éo le, hấp dẫn như truyện hình sự. Truyện xuất sắc nhất trong tập là truyện ngắn có dung lượng tiểu thuyết Cánh đồng bất tận, vốn ít nhiều thể hiện tư tưởng nhân quả của nhà Phật, chị dẫn ngay kinh Phật làm đề từ: “Tôi hiểu biết về Phật giáo không nhiều, vớ được quyển sách nào thì đọc cái ấy. Cũng có điều hiểu được, học được, làm được, nhưng nhiều điều buộc phải “bó tay”. Ví dụ như mấy lời này: “Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì – dù chỉ một lời. Hãy yên lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ” (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương - Tỳ kheo VISUDDHÀCÀRAZ). Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê? Đạt được đạo mới khó làm sao...” (tr.154). Ở một truyện khác, truyện Mối tình năm cũ, có lời đề từ ngắn gọn mà sâu sắc: “Chiến tranh, theo tôi hiểu, có nhiều người nhói đau khi nhắc về nó / Những huân chương, huy chương chỉ làm ấ m ngực, niềm đau khuất ở một góc lòng, có kẻ nhìn thấy, có người không” (tr.72). Đó là câu chuyện của ông Mười yêu và lấy dì Thấm là vợ liệt sĩ Nguyễn Thọ nổi tiếng trong chiến tranh, vì muốn vợ dứt ra khỏi mối tình năm cũ, ông đã đem bốn mươi chín bức thư tình ra đốt, làm cho đứa con riêng của vợ giận bỏ về nhà ngoại ở, khi đoàn làm phim về liệt sĩ Nguyễn Thọ đến nhà ông không cho vợ tiếp, vì sợ khơi lại chuyện cũ vợ buồn, thế mà mọi người không hiểu, ai cũng trách cứ ông. Lời đề từ như một ẩn dụ của nội dung câu chuyện. Cũng viết về những số phận sau chiến tranh, trong Biển người mênh mông mỗi người mỗi cảnh ngộ trớ trêu: cha Phi tham gia kháng chiến, mẹ ở nhà bị giặc làm nhục sinh ra Phi, khi cha mẹ đoàn tụ anh trở thành kẻ lạc loài, bỏ học theo đoàn hát, gặp già Sáu Đèo, gần bốn mươi năm đi bán vé số khắp các hang cùng ngõ hẻm, để cố tìm lại người vợ đã bỏ nhà đi, tác giả lại dẫn dắt bằng một lời đề từ khái quát, đau xót hơn, trong nỗi cô đơn đến da diết, riết róng của phận người: “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời... / Lúc ấy, tôi có một cảm giác kỳ lạ, chỉ mình trên đời này, chỉ một mình... Chẳng ai
- là tri âm, chẳng ai cả...” (tr.98). Khác với những truyện trước, lời đề từ truyện này như phần mở đầu cho câu chuyện, là một bộ phận của truyện, nếu thiếu nó, truyện mất đi phần mở đầu trong phương thức tự sự của tác giả. Tương tự, ở Cái nhìn khắc khoải, được mở đầu bằng lời đề từ: “Một ngày khác thường của tuổi hai mươi - tuổi bè bạn, tuổi vui chơi, tôi lùa mười sáu con vịt - một trong những gia tài của má tôi - ra đồng, mưa đầm đìa vào mùa. Tôi thường ngồi ở bờ ruộng, mắt trông chừng bầy vịt, không cho chúng lân la đến những đám mạ muốt xanh, và da diết thèm người, thèm được nói chuyện / Bây giờ, quay quanh tôi bao nhiêu là người, tôi lại thèm cảnh đồng nước vắng tanh...” (tr.48). Những số phận trong văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư, là những con người sống giữa mọi người, không cô đơn nhưng lại cô độc, con người cá thể với những ý thức cá nhân không được đầy đủ. Một ông lão chăn vịt, trước đã từng tham gia chiến tranh, khi trở về vợ đã bị chết vì đạn pháo, sống một mình giữa bầy vịt, nhặt được một người phụ nữ bị chồng bỏ rơi đưa về chăm sóc, rồi tìm nơi chồng cô ta ở để chỉ đường cho cô ta tìm đến, còn mình chỉ ngoái nhìn theo với cái nhìn khắc khoải. Hầu hết những con người trong truyện đều có đời sống nội tâm phong phú, có lương tâm, có nhân phẩm, sống lặng lẽ, không phô bày tâm trạng. Cũng là những mối tình thầm lặng, kín đáo, nhưng ở Nhà cổ được diễn đạt theo một hướng khác: “Tôi thích những mối tình câm, tình thầm. Tôi tưởng tượng đó là những mối tình da diết, sâu sắc. Mãi mãi chẳng dám nói thật lòng, cho đến cuối đời, tình ấy vẫn bàng bạc, rập rờn, và mỗi khi có dịp (như đi qua chỗ ngồi cũ, con đường cũ, gương mặt cũ...), ta bỗng thấy nhói ran / Chắc là khó chịu lắm, khi yêu mà giả bộ không yêu, khi buồn cố diễn mặt vui, khi đau tình phải tỏ ra vô tình...” (tr.62). Đó là mối tình giữa anh em Tứ Hải, Tứ Phưng với Thể. Phương nhường Thể cho anh, để suốt đời đau khổ, mà không hề hay biết cô hàng xóm Út Nhỏ cũng thầm yêu... Nhiều truyện, lời đề từ được dẫn dắt một cách dài dòng, như là một câu chuyện bổ sung, tồn tại song song bên cạnh tác phẩm, vừa góp phần làm nổi bật tư tưởng - chủ đề của tác phẩm, vừa như một đoạn trữ tình ngoại đề thổi vào không gian tâm tưởng của người đọc những day dứt khôn nguôi. Trong 22 chương của tiểu thuyêt Paris 11 tháng 8 của Thuận, tác giả người Việt sống tại Pháp, không có chương nào là không sử dụng lời đề từ, cái ngắn nhất là gần một trang sách, có cái dài hơn ba trang sách, nó tạo nên sự
- dồn nén thông tin, lần giở từng trang sách, người đọc cảm nhận được cái sức nặng của đời sống hiện đại. Nguyễn Ngọc Tư cũng đã làm được điều ấy trên cái nền của đời sống đồng bằng Nam bộ. Cuối mùa nhan sắc kể về cuộc đời ông Chín Vũ, xuất thân là “công tử Bạc Liêu”, mê cô đào Hồng, bỏ nhà đi theo gánh hát làm chân kéo màn, giờ về già tập trung về nhà dưỡng lão “Buổi chiều”, đi bán vé số kiếm sống vẫn yêu tha thiết đào Hồng – nay đã trở thành bà lão. Trong khi đó đào Hồng lại yêu và có con với một người khác. Truyện có lời đề từ dài kín cả trang sách, là những ý nghĩ hết sức ngộ nghĩnh buộc người ta phải quan tâm: “Hồi nhỏ tôi có nhiều mơ ước kỳ cục lắm. Thí dụ như lớn lên tôi sẽ làm chủ tịch nước, hay lấy một ông già làm... chồng. Già như ông ngoại tôi vậy. Lúc nào cũng chậm rãi, cũng hiền hiền, cũng trầm lặng, cũng tràn đầy bao dung (một ông chồng giống như vậy đáng mong chờ lắm chớ bộ). “Ảnh hưởng” lớn nhất có lẽ vì ông luôn nhặt mấy cây sậy... giập để đánh khi tôi phạm lỗi, và dành cho tôi những con tép, con cua lớn nhất, trong chén luôn đầy ắp phần nạc của thịt, cá... Tôi nhớ, cứ đôi ba ngày, ông ngoại lại cứ nhấp nhổm cồng cồng trên chiếc xe đạp cũ hiện ra chỗ rẽ vào hàng dâm bụt trước nhà tôi. Ông hiện ra với dáng vẻ của một ông tiên không có phép thuật thần kỳ, nghèo, mắc đoạ. Mồ hôi chảy nhễ nhại trên gương mặt già nua, mồ hôi đầm đìa lưng áo, ông phèo phào vừa thở vừa cười nhìn đám cháu xúm xít lục lọi mớ đồ ăn trong giỏ ra. Những trái vú sữa, khế, mãng cầu... không khi nào còn nguyên vẹn do bị dằn xóc trên đoạn đường gần mười cây số nhưng với đám cháu nghèo, đó là tất cả nỗi vui / Những ước mơ ngày xưa như bong bóng lên trời nhiều khi vì lý do lãng xẹt. Lớn lên tôi nhận ra người già quá... nhăn nheo, không được... đẹp (trong khi có nhiều thằng con trai hấp dẫn, trắng trẻo, thẳng thớm phát mủi lòng) / Cũng tiếc lắm chứ, cái tình đằm thắm, sâu lắng của những người già. Hay là tôi thi vị hoá cuộc sống của họ, lo chiến đấu với tuổi tác, bệnh tật mệt muốn bứt gân, hơi đâu mà yêu iếc...?!” (tr.84). Nhớ sông viết về ba bố con ông Chín. Vợ chết đuối ở một đoạn sông, ba cha con suốt năm này qua năm khác gắn bó với sông, thương con ông cho đứa lớn lấy chồng lên bờ, nhưng vẫn cứ nhớ sông, đêm không ngủ được, lời đề từ dàn trải như một câu chuyện thứ hai: “Tôi thường đứng trên Gành Hào, nhìn về chợ nổi, ở đó có thể trông thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chổng lên loang loáng dưới mặt trời / Mỗi chiếc ghe là
- một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa để xoay lưng, để nằm co, để cúi người... mà cũng dài cũng rộng vô phương bởi cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh / Những chiều tà, chợ nổi đìu hiu bập bềnh đâu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu ngó chăm chăm xới nồi cơm dào dạt khói, những người đàn ông xếp bằng ngồi trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu những ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô con gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi soi mình xuống sông, chải tóc / Họ chắc cũng từng yêu từng vui từng đau, từng nghe phảng phất niềm thương nhớ đất” (tr.112). Có thể coi đây là một đoạn văn miêu tả đầy đủ nhất về sinh hoạt đời sống của người dân buôn bán trên chợ nổi ở Cà Mau. Duyên phận So Le viết về nhóm tiếp viên nhà hàng một khu du lịch ở đất Mũi, trong đó diễn ra mối tình giữa cô Xuyến và những người đàn ông chợt đến, chợt đi, tác giả đã có dòng tự sự bổ sung: “Tôi mới gặp lại thằng bạn cũ, cái thằng mỗi khi cười làm tim tôi thút thít thòm thèm. Tốn tới bốn năm, ủa, vậy thì bốn năm đó, chúng tôi chẳng rời xa cái thành phố chật chội này, cớ sao không gặp nhau? / Tôi ngồi ngẫm nghĩ mấy giả thuyết (tất nhiên là trong lúc rảnh), có thể, khi tôi tất tả trên con đường này thì thằng bạn lại đi trên con đường khác; tôi đi chợ mua cá nấu cơm, bạn đang nhậu; tôi thức gần trắng đêm để viết lách kiếm cơm, bạn phải ngủ; khi tôi ngược về vùng sâu vùng xa công tác, bạn được sếp cử đi Sài Gòn... Kẻ xuôi người ngược. Nhưng tôi nghĩ, cũng không loại trừ chúng tôi từng bị mắc trong một vụ kẹt xe, có cách nhau chừng năm ba thước cũng vô phương đối mặt. Hay chúng tôi cùng học, ở, thí dụ như học nghị quyết, chắc là tôi ngồi đằng cuối còn thằng bạn ngồi dãy đầu, tôi lên cầu thang bên này bạn xuống cầu thang bên kia... / Về cái sự chúng tôi không gặp (dù thi thoảng cũng nhớ nhau), có quá nhiều giả thuyết. nhưng, nếu quyết lòng, thì có khó khăn gì để gặp nhau, hở trời?!” (tr.134). Hiu hiu gió bấc tả mối tình của anh Hết và chị Hoài yêu nhau dữ dội mà không lấy được nhau, do mẹ chị Hoài chê anh Hết nghèo. Anh thầm lặng chôn chặt tình yêu trong lòng. Anh có biết đâu bên cạnh anh còn có chị Hảo, thương anh, chờ đợi anh đến thành gái lỡ thì, tác giả đã có lời đề từ: “Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang. Mừng đó rồi bực đó. Sao tôi lại chờ đợi nó, chẳng phải năm nào cũng vậy, lúc
- cầm cây chổi ra quét sân, đứng trong gió đầm đìa tôi cũng buồn. Trời ơi, gió này là hết năm đây, già thêm một tuổi đây, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy... Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống... / Cuối mùa gió chướng, trời bỗng lạnh hơn, thêm vào một chút buồn, nó kia, gió bấc! Những đám cưới được tôi cho xuất hiện trên cái nền gió nầy, nhưng chỉ là cái cớ cho buồn thấm hơn, sắc lại trên những mối tình dang dở. Chắc tại gió quá dịu dàng, nên có cảm giác gờn gợn buồn, có cảm giác như gió mồ côi, cúi đầu hiu hắt đi giữa đời. Hay tại tôi đã già, đã nhận ra không mùa vui nào là vui trọn. Đến đám cưới vốn là hỷ sự, tôi cũng “gây sự” để nó phải buồn chút chút. Chỉ có đá m trẻ con là không biết, nên mới sướng rơn vỗ tay cười hát “Cô dâu chú rể. Làm bể bình bông. Đổ thừa con nít...” Hà hà, thấy vậy mà không phải vậy đâu, mấy cưng...” (tr.26). 3. Những lời đề từ mà tôi đã dẫn trên, tuy có nhiều cái dài cả gần trang sách, nhưng tôi vẫn phải dẫn nguyên văn, không lược bỏ một câu chữ nào. Bởi vì mỗi cái có một chỉnh thể riêng không thể chia cắt. Nếu tách mỗi cái riêng ra, có cái hoàn toàn có giá trị như một đoản văn, một tác phẩm nghệ thuật độc lập, hoàn chỉnh. Nó có tính tự đầy đủ để tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất. Trong lời đề từ Nhà cổ có câu mở đầu đáng chú ý: “Tôi thích những mối tình câm, tình thầm” (tr.62). Đó chính là cảm hứng chủ đạo chi phối toàn bộ cốt truyện, tình huống, xây dựng đời sống nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Tình yêu thầm lặng là tình yêu giữa Phương và Thể, Út Nhỏ và Phương (Nhà cổ) giữa ông Hai và cô Út (Cái nhìn khắc khoải), giữa Hụê và Thi (Huệ lấy chồng), giữa Hảo và Hết (Hiu hiu gió bấc), giữa Nga và Văn (Thương quá rau răm), giữa ông Chín Vũ và đào Hồng (Cuối mùa nhan sắc), giữa Năm Già và Xuyến (Duyên phận So Le) và có ít nhiều bản năng theo kiểu hiện sinh như giữa Điền và chị Sương (Cánh đồng bất tận)... Yêu lặng lẽ. Không cần thổ lộ. Những mối tình âm thầm đơn phương, không cần đáp lại, không cần đi đến kết quả cuối cùng. Yêu để mà yêu. Đó mới thật sự là tình yêu đích thực, bền vững ở cõi nhân gian tạm bợ, lắm đổi thay này. Phương thức biểu hiện sinh động các yếu tố thi pháp hình thức của Nguyễn Ngọc Tư còn thể hiện ở việc miêu tả thiên nhiên, thời tiết như nắng, mưa, bụi, khói... mà nhất
- là gió, ở ngay chính các lời đề từ. Trong Cánh đồng bất tận không dưới hai mươi lần chị miêu tả các loại gió: gió bấc, gió chướng, gió thốc, gió lùa, gió cười, gió hiu hiu, gió dịu dàng, gió mồ côi, gió đầm đìa,... Thật ít có tác giả nào phổ vào gió nhiều cung bậc đến như vậy. Ngay trong lời đề từ của truyện mở đầu Cải ơi!, chị cũng mở đầu bằng câu hát cửa miệng của người dân Nam bộ: “Gió đưa cây cải về trời”... (tr. 6); mở đầu cho lời đề từ Hiu hiu gió bấc, chị thổ lộ: “Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang”... Gió thổi xuyên suốt tập sách dày mấy trăm trang của chị (ở các trang 6, 26, 36, 61, 71, 120, 136, 158, 191, 198, 202, 208...). Cái không gian đ ủ các kiểu gió trên vùng sông nước kênh rạch, đồng ruộng ấy, đậm đặc chất liệu của đời sống đồng bằng Nam bộ, nó thổi vào tâm trạng, vào đời sống nội tâm của những con người có tâm hồn trong như ngọc, chất phác, thánh thiện nhưng cũng hết sức bản năng. Những gì hiện ra trên văn bản, trên ngôn từ mà ta thường gọi là hiển ngôn hữu hạn hơn rất nhiều so với sự hàm ngôn, ở tầng sâu hơn, chị có khả năng mở ra những ngóc ngách tận đáy tâm hồn của con người, trong sự đồng hiện, đồng cảm giữa người đọc và thế giới nhân vật. Một trong những thủ pháp nghệ thuật tạo cho chị thành công, đó chính là việc sử dụng nhuần nhuyễn các lời đề từ. Có lẽ nhờ vậy, mà gần đây Cánh đồng bất tận của chị vừa được dịch giả Ha Jae Hong dịch ra tiếng Hàn, được Nhà xuất bản Châu Á (Asia Publishers) cho ra mắt độc giả Hàn Quốc. Đánh giá về sự kiện này, Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) đã có bài viết trang trọng giới thiệu về tác giả và tác phẩm, trong đó có đoạn: “Trở thành một nhà văn có sách bán chạy ở tuổi 31 là một kỳ công để nhiều tác giả khác phải thèm muốn. Nhà văn Việt Nam Nguyễn Ngọc Tư - người đã “độc chiếm” độc giả ở tuổi 31 - không chỉ bán được khoảng tám mươi ngàn bản cho cuốn sách mới nhất, chị còn được giới thiệu như một giọng văn riêng ăn khách ở đất nước mình...”(5). Ở nơi nào chị chưa thấu đáo, chưa thật sự chín hay như có người nói còn ít nhiều bị ảnh hưởng trào lưu này trào lưu khác cũng là điều tất yếu. Nhưng với tôi, sau những bậc trưởng bối đã thành danh không thể thay thế ở Nam bộ trước đây như Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức,... nay tôi mới gặp được một tâm thức, một giọng điệu Nam bộ trong thế hệ trẻ là Nguyễn Ngọc Tư. Ở chị có sự đậm đặc của một giọng điệu văn chương Nam bộ, trong đó có những kế
- thừa thế hệ trước, nhưng lại là giọng điệu của đời sống hiện đại, không trộn lẫn với bất kỳ ai. Đó là điều đáng quí, cần được khẳng định ở Nguyễn Ngọc Tư
ADSENSE
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn