Luận án Tiến sĩ Kế toán: Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam
lượt xem 6
download
Mục tiêu của đề tài là đánh giá thực trạng vận dụng các văn bản pháp lý kế toán và tổ chức công tác kế toán tại các DNNVV trong thời gian gần đây để chỉ ra sự cần thiết phải có khung pháp lý về kế toán áp dụng riêng cho DNNVV ở Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Kế toán: Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam
- 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Theo số liệu do Tổng cục thống kê công bố, hiện nay phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Nếu phân loại theo quy mô lao động, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tính đến tháng 4/2014 chỉ 2% doanh nghiệp có quy mô lớn, 2% là doanh nghiệp quy mô vừa còn 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, còn nếu tính cả các hộ cá thể thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới 99,9% (Vũ Tiến Lộc, 2014). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có tốc độ tăng trung bình hàng năm rất lớn (doanh nghiệp siêu nhỏ tăng 24,7% trong khi doanh nghiệp nhỏ là 20,41%) (Sách trắng DNNVV 2011). Đến năm 2012, theo số liệu từ VCCI, các DNNVV sử dụng 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Trên phạm vi toàn thế giới, theo thống kê của OECD, DNNVV chiếm khoảng từ 96% - 99% trong tổng số doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, khối DNNVV đóng góp không nhỏ trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Mặc dù chiếm một tỷ trọng rất lớn và có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế nhưng công tác kế toán tại DNNVV hiện nay nhìn chung vẫn chưa được chú trọng. Nội dung tổ chức công tác kế toán chưa được gắn kết thành một hệ thống theo một trình tự khoa học mà được thực hiện một cách tùy tiện theo mục tiêu do chủ doanh nghiệp hoặc ban giám đốc đề ra nhằm để đối phó với cơ quan quản lý mà chủ yếu là cơ quan thuế chứ chưa thực sự mang lại thông tin kế toán hữu ích cho các đối tượng sử dụng. Sở dĩ có tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân nổi bật là do các quy định pháp lý về kế toán cho DNNVV chưa được nghiên cứu ban hành một cách riêng biệt, có hệ thống và phù hợp với thực tế hoạt động của DNNVV ở Việt Nam hiện nay. Có thể nói trong thời gian qua, công tác kế toán trong DNNVV ở nước ta được thực hiện
- 2 dựa trên nền tảng khung pháp lý về kế toán áp dụng cho doanh nghiệp nói chung mà chủ yếu là cho doanh nghiệp có quy mô lớn và có một số điều chỉnh thông qua các văn bản pháp lý để có sự phù hợp nhất định đối với DNNVV, chứ thực sự chưa hình thành khung pháp lý về kế toán một cách độc lập để áp dụng phù hợp cho DNNVV ở nước ta. Chính điều này đã tạo ra lỗ hổng về mặt pháp lý trong tổ chức thực hiện kế toán cũng như tính nghiêm túc trong việc tuân thủ các văn bản pháp lý được ban hành. Trong thời gian qua đã có nhiều công trình nghiên cứu có liên quan đến công tác kế toán tại DNNVV nhưng hầu như chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, có tính tổng thể về khung pháp lý kế toán áp dụng cho DNNVV. Xuất phát từ tình hình trên, chúng tôi chọn đề tài “Định hƣớng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam” làm luận án tiến sĩ. 2. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu Qua kết quả một số nghiên cứu đã thực hiện, có thể thấy thực tiễn hiện nay về công tác kế toán ở DNNVV còn nhiều bất cập, trong khi đó, các văn bản pháp lý về kế toán hiện hành quy định cho các đối tượng này chưa thực sự phù hợp với đặc điểm quản lý và hoạt động của DNNVV nên chưa giải quyết thỏa đáng các vấn đề phát sinh trên thực tế, việc vận dụng các văn bản này vào thực tiễn còn nhiều hạn chế. Để góp phần cải thiện thực trạng này, tác giả thực hiện luận án với mục tiêu tổng quát đó là: trên cơ sở đánh giá thực trạng của việc vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán áp dụng cho DNNVV hiện hành ở Việt Nam cùng với việc tiếp cận khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở một số quốc gia, luận án thực hiện việc xác lập khung pháp lý về kế toán một cách tổng thể cho các doanh nghiệp này và nghiên cứu việc áp dụng khung pháp lý này một cách hiệu quả. Từ mục tiêu tổng quát trên, luận án xác định các mục tiêu cụ thể như sau: 1. Đánh giá thực trạng vận dụng các văn bản pháp lý kế toán vào tổ chức công tác kế toán tại các DNNVV trong thời gian gần đây để chỉ ra sự cần thiết phải có khung pháp lý về kế toán áp dụng riêng cho DNNVV ở Việt Nam.
- 3 2. Khảo sát nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng khác nhau kết hợp với những đánh giá của các đối tượng sử dụng thông tin về nội dung và chất lượng thông tin kế toán do DNNVV cung cấp để định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán dành riêng cho các doanh nghiệp này, đảm bảo cung cấp thông tin đầu ra thích hợp với nhu cầu của các đối tượng sử dụng. 3. Nghiên cứu khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở một số quốc gia để từ đó tham khảo cho việc nhận định và xác lập một cách tổng thể khung pháp lý về kế toán hoàn chỉnh, phù hợp với DNNVV ở Việt Nam. Nội dung khung pháp lý được xác lập mang tính tổng quát, làm cơ sở cho việc thực hiện nghiên cứu sâu từng vấn đề có liên quan thông qua các nghiên cứu tiếp theo. 4. Nhận diện mô hình các nhân tố tác động đến việc áp dụng các văn bản pháp lý vào thực tiễn và làm rõ mức độ tác động của các nhân tố này, từ đó đề xuất các giải pháp góp phần đưa các văn bản này áp dụng vào thực tiễn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu nói trên, luận án đặt ra một số câu hỏi nghiên cứu cần phải giải quyết: - Hiện tại việc tổ chức thực hiện công tác kế toán ở DNNVV dựa trên những quy định pháp lý nào? Những quy định pháp lý này có những hạn chế gì? Và với việc vận dụng các quy định pháp lý này, nội dung và chất lượng thông tin kế toán do DNNVV cung cấp được các đối tượng sử dụng đánh giá như thế nào? - Có cần thiết ban hành riêng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV không? Nếu cần phải ban hành riêng thì khung pháp lý này phải được xây dựng trên cơ sở nào? Và nội dung khung pháp lý về kế toán cho DNNVV bao gồm những quy định và văn bản pháp lý nào? - Có những nhân tố nào ảnh hưởng đến việc áp dụng khung pháp lý về kế toán vào điều kiện thực tế tại DNNVV Việt Nam và cần có những tác động như thế nào để tăng cường tính hiệu lực của khung pháp lý đã nghiên cứu ban hành?
- 4 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là các văn bản pháp lý chi phối công tác kế toán DNNVV đã được ban hành và hiện đang được áp dụng ở Việt Nam và khung pháp lý về kế toán áp dụng cho DNNVV ở một số quốc gia cũng như chuẩn mực kế toán quốc tế áp dụng cho DNNVV. 3.2. Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nội dung: Phạm trù khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp được nghiên cứu dưới nhiều cấp độ khác nhau, có thể nghiên cứu một cách tổng thể hoặc đi vào cụ thể ở từng cấp văn bản. Trong luận án này, tác giả tập trung vào nghiên cứu tổng thể các văn bản pháp lý chi phối công tác kế toán tại DNNVV ở Việt Nam. Phạm vi không gian: Đối tượng khảo sát, các thang đo và mô hình nghiên cứu được kiểm định cho trường hợp điển hình là các DNNVV giới hạn trong phạm vi TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Phạm vi thời gian: Việc thực hiện nghiên cứu, tiến hành khảo sát và thu thập dữ liệu được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2014. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, trong luận án này tác giả sử dụng kết hợp giữa hai phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được sử dụng trong nghiên cứu này với kỹ thuật phỏng vấn ý kiến chuyên gia đại diện cho những nhà nghiên cứu, giảng dạy kế toán kiểm toán, những người có kinh nghiệm trực tiếp làm kế toán và các đối tượng sử dụng thông tin kế toán DNNVV. Kết quả của nghiên cứu này là cơ sở để tác giả phát triển bản nháp của bảng câu hỏi khảo sát. Từ bước này, bảng câu hỏi được xây dựng để sau đó tiến hành khảo sát thử nhằm phát hiện những câu từ khó hiểu hoặc dễ gây hiểu lầm, xác định tính phù hợp của nội dung các câu hỏi, phát hiện những sai sót của bản nháp và bước đầu kiểm tra thang đo, từ đó cho ra sản phẩm là bảng khảo sát hoàn chỉnh.
- 5 Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng trong luận án để phân tích, đánh giá về thực tiễn tổ chức công tác kế toán tại DNNVV Việt Nam, nội dung và chất lượng thông tin kế toán các doanh nghiệp này cung cấp. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp phân tích ý kiến của các đối tượng khảo sát về định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam và kiểm định mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dung các văn bản pháp lý về kế toán vào các doanh nghiệp này. Nghiên cứu định lượng được thực hiện qua các giai đoạn: thiết kế mẫu nghiên cứu, thu thập thông tin từ mẫu khảo sát, phân tích dữ liệu bằng phần mềm xử lý SPSS 20 thông qua các bước thống kê mô tả, phân tích nhân tố khám phá và phân tích hồi quy. Trước hết, phân tích thống kê mô tả giúp luận án đưa ra các nhận định về thực tiễn tổ chức công tác kế toán tại DNNVV và chất lượng thông tin kế toán các doanh nghiệp này cung cấp. Bên cạnh đó, luận án còn dùng Independent Sample T-test để kiểm định sự khác biệt trong nhận định giữa các nhóm đối tượng. Trong quá trình phân tích mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng các văn bản pháp lý tại các DNNVV Việt Nam, tác giả đã thực hiện kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach Alpha, loại bỏ các biến có hệ số tương quan biến tổng nhỏ; sử dụng công cụ phân tích nhân tố khám phá (EFA - Exploratory factor analysis) trên SPSS 20 và loại bỏ các biến có thông số nhỏ bằng cách kiểm tra các hệ số tải nhân tố (Factor loading) và các phương sai trích được; đánh giá sự phù hợp của mô hình nghiên cứu qua hệ số KMO (Kaiser-Meyer- Olkin). Bước tiếp theo là kiểm định Cronbach Alpha (CRA) đối với các thang đo. Đây là phép kiểm định thống kê về mức độ chặt chẽ của tập hợp các biến quan sát. Sau đó, tác giả tiếp tục chạy mô hình hồi quy để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình và xem xét ảnh hưởng của các nhân tố đến việc vận dung các văn bản pháp lý về kế toán tại các DNNVV Việt Nam. 5. Những đóng góp mới của luận án Về mặt khoa học Luận án hoàn thành đã có những đóng góp về mặt khoa học như sau:
- 6 - Hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới cũng như ở Việt Nam; các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng các văn bản pháp lý kế toán vào công tác kế toán ở các DNNVV. - Định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán dành riêng cho DNNVV, gồm hệ thống các văn bản pháp lý cần thiết và kết cấu cũng như nội dung chính của các văn bản đó. - Góp phần phát triển thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán tại các DNNVV trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Về mặt thực tiễn - Làm rõ thực trạng công tác kế toán tại DNNVV ở Việt Nam, phân tích thực tiễn tình hình vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán để tổ chức công tác kế toán tại các DNNVV; đồng thời phân tích nội dung và chất lượng thông tin kế toán do DNNVV cung cấp; qua đó giúp các cơ quan, ban ngành, nhà quản lý đánh giá tính hiệu quả và khả thi của các văn bản pháp lý về kế toán hiện hành đối với các doanh nghiệp này; giúp nhìn nhận toàn diện hơn về thông tin kế toán do DNNVV cung cấp cũng như nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng. - Kết quả nghiên cứu sẽ là luận cứ khoa học có giá trị cho các nhà nghiên cứu, cơ quan lập pháp tham khảo trong quá trình xây dựng khung pháp lý về kế toán hoàn chỉnh cho DNNVV; đồng thời luận án còn đưa ra những gợi ý có ý nghĩa giúp quá trình triển khai vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán vào thực tiễn tại các DNNVV một cách nhanh chóng và hiệu quả. 6. Bố cục của luận án Kết cấu của luận án ngoài phần mở đầu giới thiệu bối cảnh nghiên cứu, mục tiêu, phạm vi và đối tượng nghiên cứu, tóm tắt phương pháp nghiên cứu cũng như những đóng góp mới của luận án; phần nội dung chính của luận án được trình bày thành 5 chương. Nội dung cơ bản của từng chương như sau:
- 7 Chương 1: Giới thiệu tổng quan về tình hình nghiên cứu có liên quan đến luận án, các nghiên cứu về khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng được thực hiện ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, từ đó rút ra nhận xét về các nghiên cứu đã công bố và xác định vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Chương 2: Trình bày một số vấn đề chung về DNNVV và khung pháp lý về kế toán áp dụng cho DNNVV, đồng thời giới thiệu các lý thuyết nền làm cơ sở cho nghiên cứu. Cũng trong chương này, luận án giới thiệu tóm tắt nội dung chuẩn mực kế toán quốc tế áp dụng cho DNNVV và giới thiệu khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở một số quốc gia đại diện cho các khu vực địa lý và các trường phái kế toán khác nhau như: Mỹ, Pháp, Romania, Singapore, Trung Quốc, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Chương 3: Xây dựng khung phân tích của luận án, trình bày từng bước trong quy trình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu luận án. Chương 4: Trình bày kết quả khảo sát về công tác kế toán của DNNVV trên địa bàn TP.HCM, đánh giá của các đối tượng sử dụng thông tin về chất lượng thông tin kế toán DNNVV cung cấp cũng như các nhân tố tác động đến việc vận dụng các văn bản pháp lý vào thực tiễn công tác kế toán tại các doanh nghiệp này. Trên cơ sở phân tích kết quả khảo sát, chương này đưa ra một số giải pháp để định hướng xác lập khung pháp lý về kế toán dành riêng cho DNNVV ở Việt Nam và các giải pháp hỗ trợ để tăng cường tính khả thi cho các văn bản này khi áp dụng thực tiễn. Chương 5: Phần kết luận nêu ra những kết quả mà luận án đã đạt được cũng như những hạn chế của luận án và các định hướng nghiên cứu tiếp theo. Phần cuối cùng của luận án là các công trình khoa học của tác giả có liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục đính kèm.
- 8 CHƢƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN Sự phát triển của khoa học luôn có sự kế thừa, dựa trên nền tảng của những kết quả nghiên cứu trước đó. Việc xác lập khung pháp lý về kế toán riêng biệt cho DNNVV có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế. Với ý nghĩa trên, khi thực hiện luận án này tác giả đã tiến hành lược khảo các công trình nghiên cứu, các bài viết tham gia các diễn đàn, hội thảo, luận án của các tác giả trong và ngoài nước. Với cơ sở dữ liệu hiện có, tác giả đã tìm ra khá nhiều nghiên cứu có liên quan và lựa chọn để tổng hợp, trình bày trong luận án các bài nghiên cứu có giá trị, được tham chiếu và trích dẫn nhiều, nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu, là các nghiên cứu của các tác giả tiêu biểu có kinh nghiệm và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Các nghiên cứu này được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau có mối liên hệ mật thiết để qua đó có được cái nhìn toàn diện về các nghiên cứu trước, từ đó xác định khe hỗng nghiên cứu. 1.1. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp đã công bố trên thế giới 1.1.1. Nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý chi phối công tác kế toán ở doanh nghiệp nói chung Trước khi tổng hợp các nghiên cứu về khung pháp lý về kế toán đặc thù riêng cho DNNVV thì việc xem xét các nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp nói chung cũng không kém phần quan trọng. Theo thống kê của tác giả, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề này theo các khía cạnh khác nhau như nghiên cứu quá trình ban hành và vận dụng khung pháp lý về kế toán hay vấn đề áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế ở các quốc gia. Như chúng ta đã biết, hoạt động kế toán tại các quốc gia trên thế giới (ngoại trừ các quốc gia mang đậm nét đặc trưng của trường phái kế toán Châu Âu lục địa như Pháp, Trung Quốc,…) thì nhìn chung đều dựa trên nền tảng pháp lý là hệ thống chuẩn mực kế toán. Do vậy nghiên cứu về khung pháp lý kế toán thực chất là
- 9 nghiên cứu về sự ra đời, các yếu tố tác động đến sự ra đời chuẩn mực kế toán cũng như quá trình vận dụng các chuẩn mực này vào thực tiễn. Nội dung nghiên cứu liên quan đến vấn đề này khá đa dạng, do vậy luận án sắp xếp kết quả các nghiên cứu theo từng nhóm vấn đề có liên quan như sau. Các nghiên cứu liên quan đến quá trình hình thành, soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán Một trong những mảng đề tài mà các tác giả tập trung nghiên cứu nhiều đó là bàn về quá trình hình thành và ban hành khung pháp lý về kế toán. Liên quan đến vấn đề này, Katherine Schipper (1994) cho rằng, các nhà nghiên cứu kế toán có đóng góp đáng kể trong quá trình hình thành các chuẩn mực kế toán. Theo tác giả, các nghiên cứu về kết quả thông tin kế toán được sử dụng như thế nào, chi phí để tạo ra thông tin, nghiên cứu về sự lựa chọn chính sách kế toán,…có ý nghĩa hết sức quan trọng và tác động tích cực đến quá trình hình thành chuẩn mực. Vì thế, các nhà lập quy ở các quốc gia cần quan tâm đến vấn đề này trong quá trình ban hành các văn bản pháp lý về kế toán. Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng đó là những ảnh hưởng chính trị trong quá trình ban hành chuẩn mực. Roland Konigsgruber (2010) chỉ rõ những ảnh hưởng chính trị trong quá trình ban hành chuẩn mực ở Mỹ và cộng đồng Châu Âu (EU) đại diện cho hai trường phái kế toán là Anglo-Saxon và Châu Âu lục địa thông qua việc so sánh quy trình ban hành chuẩn mực kế toán ở Mỹ và EU, phân tích thủ tục làm việc qua từng khâu, vai trò của các bộ phận và sự can thiệp của các cơ quan có liên quan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở các nước EU tác động của chính trị và khu vực công lên quy định kế toán mạnh hơn ở Mỹ thể hiện qua nhiều cách thức chi phối khác nhau. Điều này xuất phát từ cơ chế ban hành chuẩn mực, tính độc lập của tổ chức lập quy và đặc điểm văn hóa của các quốc gia thuộc hai trường phái kế toán này. Bên cạnh đó, các quốc gia, tổ chức đều nhận thức được vai trò của chuẩn mực kế toán trong nền kinh tế vì các quyết định đầu tư, phân bổ nguồn lực chủ yếu dựa trên tính đáng tin cậy, đầy đủ và dễ hiểu của thông tin kế toán tài chính, vì vậy quá trình ban hành chuẩn mực cần tham khảo ý kiến của nhiều bên liên quan (như ủy ban chứng khoán, các hội nghề nghiệp, ngân hàng, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp...) để
- 10 đảm bảo nhu cầu và quyền lợi của họ được xem xét đến (Douglas P. Letsch, 2010). Do đó, khi nghiên cứu về quy trình ban hành chuẩn mực kế toán của Mỹ, Douglas P. Letsch (2010) đã tập trung vào khâu thu thập ý kiến các bên có liên quan. Theo tác giả, Thư lấy ý kiến (comment letters) là một công cụ quan trọng được Ủy ban chuẩn mực kế toán Mỹ (FASB) sử dụng trong việc phát triển hệ thống chuẩn mực kế toán, vì vậy cần cải tiến quy trình lấy ý kiến, mở rộng đối tượng thu thập ý kiến,..để từ đó nhiều nhóm đối tượng chủ động tham gia vào quá trình phát triển các chuẩn mực kế toán. Ban hành các văn bản pháp quy đầy đủ, phù hợp không có nghĩa là quá trình vận dụng vào thực tiễn hoàn toàn thuận lợi mà muốn các văn bản này phát huy tác dụng thì cần sự hợp tác từ phía người làm công tác kế toán. Muốn đạt được điều này, trước hết cần tăng cường mối liên hệ giữa công tác kế toán với việc ban hành chuẩn mực và việc giám sát tuân thủ chuẩn mực. Những người làm kế toán sẽ tích cực tham gia đóng góp phản hồi cho các bản dự thảo nếu ý kiến của họ có tác động đến việc chỉnh sửa và nội dung chuẩn mực ban hành chính thức. Tiếp đó là phương thức lấy ý kiến đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia ý kiến của những người làm thực tế. Những người này phải thực sự cảm thấy họ có cơ hội tác động đến nội dung các chuẩn mực kế toán và thực sự ý kiến của họ được lắng nghe chứ không phải là một chiêu trò hình thức. Mặc dù tổ chức ban hành chuẩn mực khó có thể tiếp thu hết các đóng góp này do chúng có thể mâu thuẫn với nhau nhưng ít ra họ sẽ xem xét và giải thích tại sao các ý kiến này không được đưa vào chuẩn mực (Sylvain Durocher & Anne Fortin, 2011) và điều này hết sức có ý nghĩa trong việc đảm bảo các chuẩn mực được ban hành mang tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn. Các nghiên cứu liên quan đến vấn đề vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào từng quốc gia. Bên cạnh chủ đề về quá trình nghiên cứu, soạn thảo và ban hành chuẩn mực, trong những thập niên gần đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế và xu hướng hội tụ kế toán quốc tế, chuẩn mực kế toán quốc tế đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia thuộc nhiều khu vực trên thế giới. Vì thế rất nhiều công trình đã công bố liên quan đến mảng đề tài này nghiên cứu vấn đề áp dụng
- 11 chuẩn mực kế toán quốc tế vào các quốc gia. Một số nghiên cứu được thực hiện ở phạm vi rộng, như nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế ở các nước đang phát triển (Daniel Zeghal & Karim Mhedhbi, 2006), hay nghiên cứu ở phạm vi hẹp khi đề cập đến các vấn đề nảy sinh xung quanh việc áp dụng bộ chuẩn mực này ở từng quốc gia cụ thể như Australia (Wayne Lonergan, 2003), Ireland (Fennell David, 2005), Trung Quốc (Songlan Peng, 2005),…Nhìn chung, kết quả của các nghiên cứu này cho thấy hệ thống kế toán, quy định pháp lý của mỗi quốc gia tồn tại nhiều điểm khác biệt so với chuẩn mực kế toán quốc tế và viêc tiếp cận để áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào từng quốc gia là một thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Theo đó, việc áp dụng IFRS ngoài thuận lợi là triển vọng về bộ chuẩn mực được chấp nhận trên toàn thế giới thì còn nhiều bất lợi như những khó khăn khi áp dụng bộ chuẩn mực mới này, giảm vai trò của cơ quan ban hành chuẩn mực kế toán quốc gia, dẫn đến cơ quan này đánh mất khả năng thiết lập chuẩn mực kế toán độc lập, chuyển giao quyền kiểm soát việc ban hành chuẩn mực cho IASB (Wayne Lonergan, 2003). Hay trường hợp Trung Quốc cũng gặp những khó khăn tương tự trong quá trình hòa hợp và hội tụ với kế toán quốc tế (Songlan Peng, 2005); Bên cạnh đó, đất nước này còn gặp trở ngại lớn do đặc thù về thể chế chính trị, nhà nước nắm quyền kiểm soát, chi phối và ban hành các văn bản pháp quy để quản lý hoạt động kế toán; các quy định kế toán ở quốc gia này theo hướng cụ thể, chi tiết chứ không theo hướng nguyên tắc như quy định của chuẩn mực quốc tế làm cho việc tiếp cận chuẩn mực quốc tế càng thêm khó khăn. Ngay cả Ireland, một quốc gia thành viên EU cũng đối mặt với nhiều thách thức khi cộng đồng Châu Âu (EU) bắt buộc công ty niêm yết ở các nước thành viên EU phải lập báo cáo tài chính hợp nhất theo IFRS thì những khác biệt đáng kể giữa IFRS so với quy định kế toán hiện tại ở Ireland (Irish GAAP) (như tăng cường sử dụng giá trị hợp lý thay cho giá gốc, những nguyên tắc kế toán mới về hợp đồng tỷ giá tương lai, gia tăng việc vốn hóa chi phí,..) đã gây trở ngại cho các công ty trong nhiều vấn đề (Ireland Fennell David, 2005). Đồng thời, qua nghiên cứu, các tác giả cũng đã xác định được một số nhân tố có tác động đáng kể đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán
- 12 quốc tế vào các quốc gia như: mức độ phát triển kinh tế và giáo dục, mức độ mở cửa nền kinh tế, sự tồn tại của thị trường tài chính và đặc điểm trường phái kế toán của quốc gia,…. Theo đó, những quốc gia có nền giáo dục phát triển ở mức cao, có thị trường vốn phát triển và thuộc trường phái Anglo-Saxon dễ dàng vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế hơn các nước khác (Daniel Zeghal & Karim Mhedhbi, 2006). Với kết quả này, phía IASB và các tổ chức liên quan cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò chủ động và hỗ trợ tích cực hơn nữa trong việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển trên lộ trình vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để quá trình hội tụ kế toán quốc tế được diễn ra một cách thuận lợi. 1.1.2. Nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý về kế toán cho DNNVV Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi có chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV (IFRS for SMEs) năm 2009, kế toán cho DNNVV là vấn đề được các nhà nghiên cứu quan tâm, phân tích và thảo luận sôi nổi trong nội dung các cuộc hội thảo, diễn đàn và các bài nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong quá trình thực hiện luận án này, tác giả đã tìm hiểu tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến văn bản pháp lý về kế toán cho DNNVV đã công bố trên thế giới, trong đó tập trung vào các nghiên cứu về việc ban hành quy định pháp lý, việc vận dụng các văn bản pháp lý về kế toán ở các DNNVV và tác động của việc vận dụng này cũng như vấn đề sử dụng thông tin kế toán DNNVV cung cấp. Các nghiên cứu này nhìn chung đều đi theo xu thế hội tụ kế toán quốc tế nói chung và tiến trình hội tụ ở các quốc gia nói riêng. Từ kết quả nghiên cứu, có thể thấy các quốc gia trên thế giới dù thuộc khu vực địa lý nào, theo trường phái kế toán nào đều có xu hướng hội tụ với kế toán quốc tế, tuy nhiên mức độ hội tụ khác nhau giữa các quốc gia, có quốc gia hoàn toàn áp dụng chuẩn mực quốc tế như Hàn Quốc, Malaysia, Philippine, Singapore…có quốc gia lại dựa trên cơ sở chuẩn mực quốc tế để xây dựng riêng khung pháp lý về kế toán phù hợp với cách thức quản lý và đặc điểm của doanh nghiệp tại quốc gia mình, như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam (Venus Ibarra & Martha G.S, 2011). Các nghiên cứu về lợi ích mang lại và thách thức đặt ra khi vận dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV vào từng quốc gia.
- 13 Trong mảng nghiên cứu rộng lớn về xu thế hội tụ kế toán quốc tế nói chung và tiến trình hội tụ kế toán ở các quốc gia nói riêng, vấn đề nghiên cứu được đề cập nhiều nhất có lẽ là các vấn đề nảy sinh khi đưa chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV vào áp dụng ở từng quốc gia. Theo đó, IFRS for SMEs mang lại nhiều lợi ích cho cả bản thân doanh nghiệp áp dụng và cho người sử dụng thông tin kế toán. Chuẩn mực này đã giúp khôi phục và xây dựng lòng tin của các đối tượng sử dụng về nghề nghiệp kế toán, cải thiện khả năng so sánh và tính minh bạch của BCTC (Fazeena Fazneen Hussain et al, 2012), giúp làm giảm chi phí và thời gian kiểm toán, thông tin kế toán minh bạch hơn, bảo vệ quyền lợi của các đối tượng sử dụng thông tin (LJ Stainbank, 2010). Nhiều nhà nghiên cứu, như Hana Bohusova (2011) khi nghiên cứu về việc áp dụng IFRS for SMEs trên toàn thế giới hay Grosu Veronica & Bostan Ionel (2010) khi nghiên cứu tác động của việc vận dụng bộ chuẩn mực này đến hệ thống kế toán Romania cũng đưa ra kết luận tương tự. Không những thế, việc đưa IFRS for SMEs vào áp dụng góp phần giúp nghề nghiệp kế toán phát triển và cải thiện môi trường kinh doanh (Adela Deaconu et al, 2012). Tuy nhiên việc áp dụng chuẩn mực quốc tế này cho các DNNVV ở nhiều quốc gia cũng phải đối mặt với không ít thách thức, có những yêu cầu trình bày của IFRS for SMEs khó có thể áp dụng cho DNNVV ở các nước đang phát triển hay việc hướng dẫn vận dụng IFRS for SMEs chưa thật đầy đủ gây khó khăn cho doanh nghiệp (Fazeena Fazneen Hussain et al, 2012). Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều điểm không tương đồng cả về chuẩn mực lẫn thực tiễn vận dụng ở nhiều quốc gia nên việc triển khai áp dụng IFRS for SMEs vào thực tiễn tại các quốc gia không phải là vấn đề dễ dàng (Cătălin Nicolae Albu et al, 2010). Ngoài ra, trong khi kế toán ở nhiều nước theo trường phái Châu Âu lục địa vốn đã quen với việc tuân thủ những quy định chi tiết thì khi áp dụng IFRS for SMEs sẽ gặp khó khăn không nhỏ vì phải thường xuyên vận dụng khả năng đánh giá và xét đoán nghề nghiệp (Cătălin Nicolae Albu et al, 2010). Do đó, các nhà nghiên cứu cảnh báo cần thận trọng từng bước trong quyết định vận dụng IFRS for SMEs cho các nước đang phát triển và các quốc gia nên đi theo hướng vận dụng IFRS for SMEs như là
- 14 cơ sở để xây dựng riêng bộ chuẩn mực cho mỗi nước, bên cạnh đó cần có những điều chỉnh nhất định để tăng cường khả năng ứng dụng vào thực tiễn, phù hợp với nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng (Fazeena Fazneen Hussain et al, 2012). Các nghiên cứu về vấn đề đưa chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV vào áp dụng ở từng quốc gia Qua việc phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đặt ra từ việc vận dụng IFRS for SMEs, dẫn đến xuất hiện hai luồng quan điểm trái chiều. Một phía cho rằng việc IASB ban hành IFRS for SMEs là một hướng đi đúng và các quốc gia nên đưa vào áp dụng trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ để áp dụng phù hợp với DNNVV ở từng quốc gia (Ha Van Wyk & J Rossouw, 2009) do những lợi ích từ việc áp dụng bộ chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV là không thể phủ nhận như đã trình bày ở trên. Kết quả khảo sát từ nhiều nghiên cứu cho thấy nhìn chung các doanh nghiệp đều ủng hộ việc áp dụng bộ chuẩn mực kế toán riêng cho DNNVV (Asuman Atik, 2010) bởi vì lợi ích từ việc có được thông tin kế toán tài chính kịp thời cao hơn chi phí bỏ ra để có được các thông tin đó (C.E. Anton & A.Trifan, 2011). Tuy nhiên cũng có luồng quan điểm trái chiều cho rằng IFRS for SMEs hiện nay vẫn phải tiếp tục được rút gọn, đơn giản hóa hơn nữa các nguyên tắc đo lường và ghi nhận mới phù hợp với đặc điểm của DNNVV (Stefan Bunea et al, 2012; Ha Van Wyk & J Rossouw, 2009). Theo Gregory Kenneth Laing (2012), việc tuân thủ theo các yêu cầu của chuẩn mực kế toán sẽ tạo ra gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp vì các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các công ty gia đình không có nhu cầu báo cáo tài chính cho mục đích chung theo tinh thần của IFRS for SMEs. Tác giả này chỉ ra các đối tượng sử dụng thông tin như ngân hàng, khách hàng, chủ nợ,..có những yêu cầu thông tin riêng khác với các thông tin mà chuẩn mực kế toán buộc doanh nghiệp phải cung cấp. Do đó việc áp dụng IFRS for SMEs không mang lại lợi ích như mong đợi đối với các doanh nghiệp nhỏ và các công ty gia đình. Đồng quan điểm, Hana Bohusova (2011) cho rằng việc vận dụng IFRS for SMEs ở nhiều quốc gia trước hết là sẽ tốn kém chi phí và yêu cầu cần có
- 15 lộ trình về thời gian do sự khác biệt về nền tảng lý thuyết, các nguyên tắc, phương pháp ghi nhận giữa IFRS for SMEs với quy định kế toán của từng quốc gia. Nói tóm lại, mặc dù có những nội dung phức tạp nhất định không thể thích hợp hoàn toàn với quy định kế toán ở các nước đang phát triển, hay thành ý của các nhà soạn thảo chuẩn mực không thỏa mãn mong muốn của người sử dụng thông tin, bất chấp sự khác biệt văn hóa có thể làm giảm sự tổng quát hóa của các chuẩn mực, thì vẫn tồn tại những tiền đề, cơ sở cho thấy IFRS for SMEs có thể được chấp nhận trên thế giới (Adela Deaconu et al, 2012). Các nghiên cứu về vấn đề vận dụng các quy định kế toán ở DNNVV và liên quan đến thông tin kế toán DNNVV cung cấp. Một vấn đề cũng khá quan trọng liên quan đến vấn đề khung pháp lý về kế toán cho DNNVV đó là việc vận dụng các quy định như thế nào. Nghiên cứu vấn đề này, Dang Duc Son (2011) tìm thấy năm nhân tố chủ yếu tác động đến việc vận dụng chuẩn mực kế toán ở DNNVV, trong đó: Tính bắt buộc tuân thủ, yêu cầu cải thiện chất lượng thông tin của các đối tượng bên ngoài là hai nhân tố chính. Bên cạnh đó, mối quan hệ lợi ích – chi phí, việc thiếu kỹ năng quản lý và kế toán, thiếu cơ sở hạ tầng cũng có tác động đến việc vận dụng các quy định và chuẩn mực kế toán của DNNVV. Một nghiên cứu khác cũng đã tìm ra các nhân tố tác động đến sự lựa chọn chính sách kế toán của DNNVV và mức độ tác động của các nhân tố này. Theo đó, các nhân tố chủ yếu tác động theo thứ tự mức độ ảnh hưởng là: nhu cầu thông tin của người sử dụng, ảnh hưởng của thuế, hình ảnh của doanh nghiệp đối với bên ngoài, và cuối cùng là quan điểm trung thực hợp lý (Szilveszter Fekete et al., 2010). Các kết quả này có giá trị tham khảo trong vấn đề nâng cao tính khả thi cho các quy định kế toán ban hành. Ở khía cạnh khác, nhiều tác giả đã đề cập đến sản phẩm đầu ra sau khi vận dụng các quy định pháp lý vào tổ chức thực hiện công tác kế toán, đó là thông tin kế toán. Các nhà nghiên cứu khá đồng quan điểm khi nghiên cứu về nhu cầu thông tin kế toán và việc sử dụng thông tin kế toán do DNNVV cung cấp. Jill Collis & Robin Jarvis (2000) nhận định, trong khi mục đích BCTC của các doanh nghiệp lớn là cơ sở để đánh giá trình độ lãnh đạo của ban quản lý thì đối với các doanh
- 16 nghiệp nhỏ, điều này hoàn toàn không phải mà thay vào đó, báo cáo chỉ đóng vai trò như là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp – nhà quản lý với ngân hàng. Ở các doanh nghiệp nhỏ này, phạm vi sử dụng thông tin thu hẹp đáng kể so với doanh nghiệp lớn, các thông tin này chủ yếu phục vụ cho ngân hàng và công tác điều hành quản lý (điều này cũng dễ hiểu vì nghiên cứu này được thực hiện ở Anh), do đó cần thiết phải có những bộ BCTC khác nhau tùy theo quy mô doanh nghiệp (LJ Stainbank, 2010). Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu người sử dụng, BCTC của DNNVV cần đơn giản hơn so với BCTC của doanh nghiệp lớn, nhờ đó tính hữu ích sẽ được nâng lên (Sorin Briciu et al, 2009). Đặc biệt, thực tế tại Việt Nam cho thấy, đối tượng sử dụng thông tin kế toán tài chính khá hạn chế, chủ yếu là cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước (Dang Duc Son et al, 2006). Kết quả khảo sát của nhóm tác giả này cũng phản ánh thực trạng là các đối tượng bên ngoài tỏ ra lo ngại về tính trung thực của thông tin do DNNVV cung cấp. Ngoài ra, bên cạnh các thông tin tài chính quen thuộc trên báo cáo, thông tin về dòng tiền cũng như các thông tin mang tính dự báo cũng được xem khá quan trọng nhưng các thông tin này lại không được cung cấp hoặc được cung cấp một cách sơ sài. Từ đó, nhóm tác giả đi tới kết luận, BCTC của DNNVV cung cấp theo quy định hiện hành (ở Việt Nam) không hữu ích cho việc ra quyết định, vì thế nếu các DNNVV muốn tồn tại và tăng trưởng trong điều kiện nền kinh tế phát triển nhanh chóng thì các doanh nghiệp này cần nỗ lực hơn nữa mới phần nào đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng báo cáo thực sự hơn là chỉ tuân thủ đúng theo quy định như hiện nay (Dang Duc Son et al, 2006). 1.2. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp ở Việt Nam 1.2.1. Nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý chi phối công tác kế toán ở doanh nghiệp nói chung ở Việt Nam. Ở Việt Nam, đã có rất nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý về kế toán cho các doanh nghiệp nói chung. Nội dung các nghiên cứu này có thể được phân thành nhóm căn cứ vào vấn đề các tác giả đề cập.
- 17 Các nghiên cứu về vấn đề hòa hợp giữa quy định kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế. Những năm gần đây, hòa chung xu thế hòa hợp và hội tụ kế toán quốc tế, các nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam cũng tập trung phản ánh nội dung này. Vì thế, vấn đề đầu tiên được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đó là xem xét sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế ở khía cạnh chuẩn mực hoặc khía cạnh vận dụng trong thực tiễn. Chúng ta biết rằng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) về cơ bản được xây dựng dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS), theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, VAS đã cơ bản tiếp cận với IAS/IFRS, phản ánh được phần lớn các giao dịch của nền kinh tế thị trường, nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin về BCTC của các doanh nghiệp (Võ Văn Nhị & Lê Hoàng Phúc, 2011). Tuy nhiên, có bằng chứng để kết luận rằng chuẩn mực kế toán của Việt Nam về lập và trình bày BCTC hợp nhất có mức độ hòa hợp thấp so với các IAS/IFRS được ban hành sau năm 2004. Mức độ hòa hợp giảm do các bộ IAS/IFRS sau năm 2004 có những thay đổi đáng kể so với bộ IAS ban hành trước năm 2004 nhưng chuẩn mực kế toán của Việt Nam vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung tương ứng (Trần Hồng Vân, 2014). Có tác giả còn minh chứng điều này một cách thuyết phục bằng cách đo lường định lượng mức độ hài hòa giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực quốc tế để khẳng định còn tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa hai bộ chuẩn mực này, đặc biệt là vấn đề khai báo thông tin (Phạm Hoài Hương, 2010). Đồng thời, nhiều tác giả cũng cho rằng VAS hiện nay vẫn bộc lộ nhiều điểm khác biệt với IAS/IFRS (Võ Văn Nhị & Lê Hoàng Phúc, 2011). Những điểm khác biệt này thể hiện cụ thể ở yêu cầu trình bày báo cáo tài chính, tính chất luật định, việc sử dụng giá gốc trong việc ghi nhận tài sản,… (Hoàng Thị Phương Lan, 2011). Có nhiều lý do để giải thích cho sự khác biệt hay thiếu hòa hợp giữa VAS và IAS/IFRS, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chuẩn mực kế toán Việt Nam không có những điều chỉnh cần thiết để bắt kịp những thay đổi căn bản của chuẩn mực kế toán quốc tế, đồng thời có sự khác nhau đáng kể về cơ sở đo lường giữa hai hệ thống chuẩn
- 18 mực, chuẩn mực kế toán quốc tế cũng yêu cầu khai báo thông tin nhiều hơn so với chuẩn mực kế toán Việt Nam (Phạm Hoài Hương, 2010). Bên cạnh đó, sự thiếu hòa hợp này còn bởi một số nguyên nhân như: IAS/IFRS cho phép sử dụng xét đoán và ước tính nhiều hơn so với VAS và những nguyên nhân thuộc về môi trường kế toán (như nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn khá non trẻ, đặc điểm văn hoá của người Việt Nam, đặc điểm hệ thống pháp lý…) (Võ Văn Nhị & Lê Hoàng Phúc, 2011). Trong một chừng mực nào đó, rõ ràng những khác biệt này có ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế về kế toán của Việt Nam (Võ Văn Nhị & Lê Hoàng Phúc, 2011). Mặc dù hội tụ kế toán quốc tế là một xu thế tất yếu khách quan trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và là hướng đi tích cực trong quá trình phát triển nhưng hội tụ toàn bộ không phải là vấn đề dễ dàng (Trần Quốc Thịnh, 2014). Về lâu dài, để đạt được mức độ hài hòa cao với hệ thống chuẩn mực kế toán các nước trong khu vực và thông lệ quốc tế, cần quan tâm đến một số vấn đề cơ bản như: xây dựng lộ trình cụ thể để tiếp tục nghiên cứu ban hành các chuẩn mực kế toán còn thiếu; cấu trúc lại khung pháp lý về kế toán theo hướng không quy định chế độ kế toán cụ thể mà chuẩn mực kế toán trở thành cơ sở để các doanh nghiệp vận dụng vào công tác kế toán; tăng cường vai trò của các tổ chức nghề nghiệp và sự phản biện xã hội trong việc xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực (Mai Ngọc Anh & Trần Thị Kim Chi, 2012). Các bài viết giới thiệu quy định của kế toán quốc tế về một số vấn đề cụ thể. Bên cạnh rất nhiều nghiên cứu về quá trình hòa hợp giữa kế toán Việt Nam với kế toán quốc tế, xuất hiện các bài viết mang tính giới thiệu một số vấn đề cụ thể trong quy định của kế toán quốc tế, đối chiếu với Việt Nam để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Như tác giả Chúc Anh Tú giới thiệu nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế số 1 về trình bày báo cáo tài chính, những nguyên tắc kế toán cơ bản, cấu trúc và nội dung của các BCTC (Chúc Anh Tú, 2011). Tác giả Hà Thị Ngọc Hà thì lại phân tích và so sánh để chỉ ra nội dung chuẩn mực kế toán số 26 theo quy định hiện hành chưa cụ thể, rõ ràng và thiếu nhiều nội dung so với yêu cầu của chuẩn mực kế toán quốc tế số 24 – thông tin về các bên liên quan (Hà Thị Ngọc Hà, 2013). Hay nghiên cứu của Trần Hồng Vân tìm thấy bằng chứng để kết luận
- 19 rằng đối với cùng một nhóm công ty mẹ - công ty con, thông tin được cung cấp bởi BCTC hợp nhất lập theo CMKT của Việt Nam và cung cấp bởi BCTC hợp nhất lập theo IAS/IFRS có sự khác biệt đáng kể (Trần Hồng Vân, 2014). Tác giả Chu Thị Bích Hạnh lại đề cập tới một vấn đề nhỏ liên quan đến một số chuẩn mực cụ thể khi phân tích ảnh hưởng của một số chuẩn mực kế toán đến việc xác định và hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp, như: chuẩn mực số 15 – Hợp đồng xây dựng, chuẩn mực số 14 – Doanh thu và thu nhập khác, chuẩn mực số 29 – Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót,… (Chu Thị Bích Hạnh, 2012). Các nghiên cứu về mối quan hệ giữa kế toán với các chính sách khác. Một vấn đề nữa được đề cập trong các nghiên cứu đó là mối quan hệ giữa kế toán với các chính sách khác trong nền kinh tế. Theo đó, kế toán, thuế và tài chính là ba bộ phận có mối quan hệ thân thiết hợp thành công cụ quản lý kinh tế tài chính của mỗi quốc gia và của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam khi nghiên cứu xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán, mối quan hệ và sự liên kết giữa các chính sách này bị phá vỡ nên không đảm bảo sự hài hòa cao nhất giữa các chính sách, gây khó khăn trong quá trình áp dụng (Nguyễn Vũ Việt, 2012). Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khi nghiên cứu về hệ thống kế toán Việt Nam là cần phải xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến đặc điểm của hệ thống kế toán. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố như: hệ thống luật pháp, thuế, chế độ sở hữu và nguồn cung tài chính, mức độ phát triển kinh tế, sự phát triển và quy mô của các tổ chức nghề nghiệp kế toán, mức độ phát triển của giáo dục, hệ thống chính trị, văn hóa,… chi phối đặc điểm hệ thống kế toán Việt Nam (Đường Nguyễn Hưng, 2012). Do vậy, trong quá trình phát triển nền kế toán nước ta cần phải lưu ý đến các yếu tố này. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến khung pháp lý về kế toán cho doanh nghiệp còn được rất nhiều học viên cao học quan tâm nghiên cứu chọn làm đề tài cho luận văn thạc sỹ, cụ thể như: “So sánh và đối chiếu chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt Nam trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất” (Nguyễn Thị Kim Oanh, 2010); “Vận dụng chuẩn mực kế toán Hàn Quốc để hoàn thiện chuẩn
- 20 mực kế toán và hệ thống báo cáo tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam” (Võ Duy Trinh, 2010); “Nhận diện những khác biệt giữa chuẩn mực hợp nhất kinh doanh của Việt Nam với quốc tế và định hướng hoàn thiện chuẩn mực hợp nhất kinh doanh của Việt Nam theo yêu cầu hội tụ quốc tế” (Đoàn Thị Mỹ Duyên, 2012);…và còn rất nhiều đề tài khác nữa. Tuy nhiên ở cấp độ đề tài thạc sĩ, các tác giả chỉ giải quyết một khía cạnh rất nhỏ, phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích, suy luận nên chưa có nhiều đóng góp mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. 1.2.2. Nghiên cứu liên quan đến khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam. Vấn đề kế toán cho DNNVV không chỉ được các nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm mà ngay tại Việt Nam, số lượng các bài viết, công trình nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án về đề tài này những năm trở lại đây cũng không ngừng tăng lên. Các nghiên cứu này chủ yếu xoay quanh một số vấn đề như giới thiệu về chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV, định hướng xây dựng các văn bản pháp lý kế toán cho DNNVV hay nghiên cứu về việc vận dụng các văn bản pháp quy về kế toán tại các doanh nghiệp này. Cụ thể như sau: Các bài viết giới thiệu về chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV Trước hết, số lượng các bài viết giới thiệu các nội dung liên quan đến chuẩn mực kế toán quốc tế cho DNNVV (IFRS for SMEs) chiếm số lượng khá lớn. Theo đó, mục đích của hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế đối với DNNVV là đưa ra các quy định để thông tin kế toán có chất lượng, dễ hiểu và có khả năng so sánh, nhằm giúp các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán và các đối tượng khác đưa ra các quyết định chính xác; đưa ra hướng dẫn về sự áp dụng chuẩn thông tin đối với các DNNVV (Chúc Anh Tú, 2010), nhiều tác giả cũng chỉ ra sự khác biệt giữa chuẩn mực quốc tế cho DNNVV so với bộ chuẩn mực kế toán cho doanh nghiệp nói chung. Các quy định của IFRS for SMEs được xây dựng trên cơ sở bộ chuẩn mực đầy đủ IFRS hiện hành theo hướng đơn giản hóa một số nội dung phức tạp mà các DNNVV không phát sinh hoặc có phát sinh nhưng ảnh hưởng thường không trọng yếu. Khác với bộ chuẩn mực đầy đủ xây dựng nhiều chuẩn mực riêng cho từng vấn đề của kế toán, IFRS for SMEs chỉ xây dựng một
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu ảnh hưởng của cấu trúc tài chính đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng Việt Nam
187 p | 40 | 18
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam
264 p | 41 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu tác động của kiểm soát nội bộ đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam
327 p | 50 | 11
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Hoàn thiện kế toán quản trị trong các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
199 p | 30 | 11
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Ảnh hưởng của cấu trúc sở hữu đến điều chỉnh lợi nhuận tại các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
249 p | 32 | 11
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu mức độ thực hiện nguyên tắc thận trọng trong kế toán của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
162 p | 47 | 10
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện kế toán môi trường và tác động của thực hiện kế toán môi trường đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam
302 p | 22 | 10
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu áp dụng kế toán tinh gọn tại các doanh nghiệp may Việt Nam
216 p | 24 | 9
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
244 p | 51 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
201 p | 48 | 8
-
Luận án Tiến sĩ: Kế toán doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam
259 p | 17 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu ảnh hưởng của vốn trí tuệ tới hiệu quả tài chính và chất lượng lợi nhuận tại các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
175 p | 17 | 5
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phù hợp của hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam
243 p | 9 | 5
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Tác động của quản trị công ty đến chất lượng lợi nhuận kế toán của các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
186 p | 11 | 5
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Hệ thống thông tin kế toán trong các bệnh viện công trên địa bàn Hà Nội
249 p | 19 | 5
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu lực kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
215 p | 11 | 5
-
Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu ảnh hưởng của thông tin kế toán tài chính đến giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
219 p | 14 | 3
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kế toán: Nghiên cứu ảnh hưởng của thông tin kế toán tài chính đến giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
27 p | 15 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn