Luận ngữ - Mạnh tử - Đại học - Trung dung - Tứ thư bình giải: Phần 2
lượt xem 134
download
Nối tiếp nội dung của phần 1 Tài liệu Tứ thư bình giải (Luận ngữ - Mạnh tử - Đại học - Trung dung), phần 2 giới thiệu tới người đọc các nội dung của hai Đại học và Trung dung bao gồm: Chu Hy chương cú, Minh Minh đức, chỉ ưa chí thiện, bản mạt, cánh vật trí tri, thành ý, chính tâm tu thân,... Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận ngữ - Mạnh tử - Đại học - Trung dung - Tứ thư bình giải: Phần 2
- CHƯƠNG VIII: LY LÂU HẠ 離婁下 Ly Lâu, phần sau 1. 孟子曰:舜生於諸馮,遷於負夏,卒於鳴條,東夷 之人也。文王生於岐周,卒於畢郢,西夷之人也。 地之相去也,千有餘里;世之相後也,千有餘歲。 得志行乎中國,若合符節。先聖後聖,其揆一也。 Mạnh Tử viết: “Thuấn sinh ư Chư Phùng, thiên ư Phụ Hạ, tốt ư Minh Điều, Đông di chi nhân dã. Văn Vương sinh ư Kỳ Châu, tốt ư Tất Dĩnh, Tây di chi nhân dã. Địa chi tương khứ dã, thiên hữu dư lý; thế chi tương hậu dã, thiên hữu dư tuế. Đắc chí hành hồ trung quốc, nhược hợp phù tiết. Tiên thánh, hậu thánh, kỳ quỹ nhất dã.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Vua Thuấn sinh ở Chư Phùng, dời đến Phụ Hạ, mất ở Minh Điều, là người thuộc miền rợ Đông. Vua Văn Vương sinh ở Kỳ Châu, mất ở Tất Dĩnh, là người thuộc miền rợ Tây. Từ đất này đến đất kia, có trên nghìn dặm; đời nọ sang đời kia, có trên nghìn năm. Đạt được chí hướng mà hành động tại Trung quốc, dường như mảnh thẻ tre làm tin kết với nhau. Thánh trước, thánh sau, đường lối của hai ngài là một.” BÌNH GIẢI: Vua Thuấn là người miền rợ Đông; Văn Vương là người miền rợ Tây; cả hai đều không phải là những người gốc ở Trung quốc. Ngày xưa, người Trung quốc vẫn có thành kiến cho những người ở miền cực bắc, cực nam, cực đông, cực tây đều là những giống dân man di, mọi rợ, kém văn hoá, thiếu lễ nghĩa (Bắc địch, Nam man, Đông di, Tây nhung). Tuy nhiên, vua Thuấn và Văn Vương mặc dầu sinh ở hai miền đất xa cách nhau trên một nghìn dặm, sống ở hai thời đại cách nhau trên một nghìn năm (khoảng năm 2206 và năm 1072 trước Công nguyên), đều là những người mang tiếng mọi rợ, nhưng lại là hai vị thánh vương của Trung quốc vào thời cổ. 758
- MẠNH TỬ Đường lối cai trị của hai ngài giống nhau như hai mảnh tre dùng làm tin của cùng một phù tiết vậy. Phù tiết là một phiến tre để làm tin. Người xưa muốn kết ước với nhau thì viết chữ trên phiến tre ấy rồi chẻ đôi ra thành hai mảnh, mỗi bên giữ một mảnh. Một thời gian sau, hai bên xa cách. Khi hai người hay hậu duệ của hai người gặp lại nhau, cùng đem hai mảnh tre ghép lại, thấy dấu vết in khít; cả hai sẽ cùng nhận ra nhau đã từng kết ước, rồi cùng thực hiện điều kết ước. Đường lối cai trị của vua Thuấn và Văn Vương ăn khớp với nhau như hai mảnh tre của một phù tiết. Đó là đường lối đức trị, lấy nhân nghĩa mà trị dân. Đường lối này còn có tên là vương đạo, luôn luôn lấy ý dân làm trọng, lấy hạnh phúc của dân làm mục tiêu. Cũng nhờ cách cai trị ấy, đời sau đã tôn hai ngài là thánh vương. 2. 子產聽鄭國之政,以其乘輿濟人於溱,洧。 孟子曰:惠而不知為政,歲十一月徒杠成,十二月 輿梁成,民未病涉也。君子平其政,行辟人可也; 焉得人人而濟之?故為政者,每人而悅之,日亦不 足矣。 Tử Sản thính Trịnh quốc chi chính, dĩ kỳ thặng dư tế nhân ư Trăn, Vĩ. Mạnh Tử viết: “Huệ, nhi bất tri vi chính. Tuế, thập nhất nguyệt, đồ giang thành; thập nhị nguyệt, dư lương thành. Dân vị bệnh thiệp dã. Quân tử bình kỳ chính, hành tịch nhân, khả dã. Yên đắc nhân nhân nhi tế chi? Cố vi chính giả, mỗi nhân nhi duyệt chi, nhật diệc bất túc hỹ.” Dịch nghĩa: Tử Sản coi sóc nền chính trị của nước Trịnh, đã lấy xe cộ của mình giúp người ở sông Trăn, sông Vĩ. Mạnh Tử nói: “Đó là làm ơn, nhưng không biết làm chính trị. Mỗi năm, vào khoảng tháng 11, hãy hoàn thành những cây cầu nhỏ; vào khoảng tháng 12, hãy hoàn thành những cây cầu lớn. Dân chúng sẽ không bị nỗi khổ phải lội sông. Người quân tử cân bằng việc cai trị của mình, cần phải khiến người ta biết nhường tránh. Sao lại phải đi giúp đỡ từng người này người kia? Vì thế, nếu làm chính trị cứ làm cho mỗi người được vui lòng thì hằng ngày làm cũng chẳng đủ.” 759
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI BÌNH GIẢI: Tử Sản là quan đại phu và cũng là một hiền nhân nước Trịnh, tên gọi Công Tôn Kiều. Ông điều khiển nền hành chính nước Trịnh vào thời Xuân Thu, được nhiều người ái mộ. Khổng Tử từng khen ngợi Tử Sản là người giữ đạo quân tử được bốn điều: giữ mình khiêm cung, phụng sự bậc trên một cách kính cẩn, thường làm ơn cho dân, sai khiến dân hợp lẽ. Ông làm chính trị vào thời đại trước Mạnh Tử gần 200 năm. Dân nước Trịnh quý mến ông vì ông đã lấy xe cộ của mình chở người qua sông Trăn, sông Vĩ. Ở đây, Mạnh Tử khen Tử Sản có đức huệ, đó là hay làm ơn cho dân, nhưng chê Tử Sản chưa thông tỏ phép cai trị. Nếu giỏi cai trị, mỗi năm, vào khoảng tháng 11, là mùa gặt, dân chúng phải bận rộn việc thu gom thóc lúa, thường xuyên qua lại trên sông, nhà cầm quyền hãy làm mới hay tu sửa những cây cầu nhỏ, khiến cho dân chúng có thể đi bộ qua lại dễ dàng. Vào khoảng tháng 12, là thời gian cận Tết, dân chúng phải chuyên chở hàng hoá buôn bán rộn rịp trên những xe cộ năng nề, nhà cầm quyền hãy làm mới hay tu sửa những cây cầu lớn, khiến cho dân có thể đem xe ngựa qua lại trên cầu. Làm được như vậy trong khắp nước, dân chúng sẽ tránh được nỗi khổ lội sông vất vả. Người quân tử trị nước cần phải có biện pháp sao cho toàn dân được hưởng chung những tiện nghi, lợi ích cân bằng như nhau và cũng phải biết tạo một khoảng cách xa tránh với dân để cho dân khỏi đến quấy rầy phiền rộn mình (bình kỳ chính, hành tịch nhân). Nếu lúc nào cũng gần gũi thân mật với dân, đem xe nhà đi chở từng người dân qua sông, khiến cho mỗi người dân đều được vui lòng thì chở sao cho xuể! Có chở cả ngày như vậy suốt năm cũng không đủ thời gian hoàn tất việc giúp đỡ. Nếu cứ tiếp tục làm như thế, người cầm quyền lấy thời giờ đâu mà lo nghĩ đến những kế sách lớn cho đất nước?! 3. 孟子告齊宣王曰:君之視臣如手足,則臣視君如腹 心;君之視臣如犬馬,則臣視君如國人;君之視臣 如土芥,則臣視君如寇讎。 王曰:禮,為舊君有服。何如斯可為服矣? 曰:諫行言聽,膏澤下於民;有故而去,則使人導 760
- MẠNH TỬ 之出疆,又先於其所往;去三年不反,然後收其田 里。此之謂三有禮焉。如此則為之服矣。 今也為臣,諫則不行,言則不聽,膏澤不下於民; 有故而去,則君搏執之,又極之於其所往;去之 日,遂收其田里。此之謂寇讎。寇讎何服之有? Mạnh Tử cáo Tề Tuyên Vương viết: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù.” Vương viết: “Lễ, vị cựu quân hữu phục. Hà như, tư khả vị phục hỹ?” Viết: “Gián hành, ngôn thính; cao trạch hạ ư dân. Hữu cố nhi khứ, tắc quân sử nhân đạo chi xuất cương; hựu tiên ư kỳ sở vãng; khứ tam niên bất phản, nhiên hậu thâu kỳ điền lý. Thử chi vị tam hữu lễ yên. Như thử, tắc vị chi phục hỹ. Kim dã, vi thần gián, tắc bất hành; ngôn tắc bất thính; cao trạch bất hạ ư dân. Hữu cố nhi khứ, tắc quân bác chấp chi; hựu cực chi ư kỳ sở vãng; khứ chi nhật, toại thâu kỳ điền lý. Thử chi vị khấu thù. Khấu thù, hà phục chi hữu?” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương rằng: “Vua mà coi bề tôi như tay chân, bề tôi sẽ coi vua như lòng dạ. Vua mà coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi sẽ coi vua như người dưng. Vua mà coi bề tôi như bùn rác, bề tôi sẽ coi vua như cừu địch.” Vua nói: “Theo lễ, đối với vua cũ phải để tang. Như thế nào thì đáng phải để tang?” Đáp: “Can ngăn thì thi hành, nói thì nghe; ân lộc thấm nhuần xuống tới dân. Có duyên cớ mà ra đi, vua sai người dẫn đưa ra tới bờ cõi; lại giới thiệu trước với nơi đến; ra đi ba năm không trở lại, rồi mới thu lấy ruộng đất. Thế gọi là ba điều có lễ. Như vậy thì đáng phải để tang. “Nay, bề tôi can ngăn thì không thi hành, nói thì không nghe, ân lộc thấm nhuần không xuống tới dân. Có duyên cớ mà ra đi, vua bắt giữ lại; 761
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI còn khiến cho cùng cực ở nơi đến; vào ngày ra đi, đã thu hết ruộng đất. Thế gọi là cừu địch. Đã là cừu địch, sao còn phải để tang?” BÌNH GIẢI: Giữa vua và bề tôi có một tương quan hai chiều cân xứng với nhau. Nếu vua quý mến bề tôi, bề tôi sẽ tôn trọng đáp lại. Nếu vua khinh rẻ bề tôi, bề tôi sẽ coi vua như người dưng, nước lã. Nếu vua miệt thị bề tôi, bề tôi sẽ coi vua như kẻ thù. Xưa kia, Kinh Lễ có cho biết: nếu vua cũ của mình từ trần, bề tôi dù đang phục vụ ở nước khác cũng phải để tang ba tháng. Để tang là tạ lại mối ân tình cũ giữa vua và bề tôi. Ân tình của vua đối với bề tôi tức là vua có lễ với bề tôi. Ba điều lễ đó là: - Bề tôi can ngăn vua, vua sửa đổi; bề tôi nói phải, vua nghe theo. Vì vậy, ân huệ của vua mới thấm nhuần xuống tới dân chúng. - Bất đắc dĩ bề tôi có duyên cớ phải đến nước khác, vua sai người dẫn đưa đến biên giới; trước đó lại còn tìm cách tiến cử với nước người để cho bề tôi được trợ giúp nơi đất khách. - Sau ba năm mà bề tôi không trở về, vua mới cho thu lấy ruộng đất cũ đã từng cấp cho ngày trước. Nếu vua có ba điều lễ đó, khi ngài mất đi, dĩ nhiên bề tôi dù ở bao xa cũng phải nhớ mà chịu tang. Trái lại, vua chẳng giữ lễ với bề tôi: - Bề tôi can ngăn, vua không chịu sửa lỗi; bề tôi nói phải, vua không thèm nghe. Do đó, chẳng có ân huệ nào của vua thấm nhuần xuống tới dân chúng. - Có việc cần phải ra đi, vua sai người bắt giữ lại; nếu đi thoát được, sẽ bị vua tìm cách gièm pha với nước người để cho bề tôi lâm cảnh khốn cùng. - Vừa ra khỏi nhà, vua đã tịch thu hết ruộng đất gia sản. Nếu vua thất lễ với bề tôi như vậy, bề tôi sẽ coi vua như kẻ thù. Ai lại chịu tang kẻ thù bao giờ? Người ta còn ăn mừng nữa đấy chứ! 4. 孟子曰:無罪而殺士,則大夫可以去;無罪而戮 民,則士可以徙。 762
- MẠNH TỬ Mạnh Tử viết: “Vô tội nhi sát sĩ, tắc đại phu khả dĩ khứ; vô tội nhi lục dân, tắc sĩ khả dĩ tỉ.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Không có tội mà giết người trí thức, thì quan đại phu có thể ra đi; không có tội mà phanh xác dân chúng, thì người trí thức có thể rời bỏ.” BÌNH GIẢI: Những người trí thức trong nước được coi như bộ não của toàn dân. Đất nước càng có nhiều trí thức càng có điều kiện để tiến bộ. Nếu người trí thức không có tội gì rõ rệt, không vi phạm an ninh quốc gia, có chăng chỉ là vài lời nhận xét phê phán, biểu lộ sự ưu tư trước thời cuộc; thế mà nhà cầm quyền nỡ đem ra giết; đó là chính sách tàn bạo, chuyên chế. Trước tình hình ấy, các quan đại phu trong triều nên bỏ nước mà ra đi, không nên cộng tác với vua và chính quyền ấy nữa. Dân chúng là những người ít học, thiếu hiểu biết, nhưng lại là một đại bộ phận xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế cho một nước. Nếu dân không có tội, không phạm hình luật nặng nề, đôi khi bị vu oan mà không được xét xử công minh, lại bị nhà cầm quyền giết chóc một cách tàn nhẫn; đó là chính sách đàn áp, coi dân như kẻ thù. Trước tình hình ấy, những người trí thức không nên lưu lại, mà nên bỏ nước ra đi để tỏ bày sự chống đối của mình. Một khi các quan đại phu, các nhà trí thức ùn ùn kéo nhau bỏ đi; đó là những phần tử ưu tú nhất đã biểu lộ thái độ bằng đôi chân vậy. Đất nước mà mất những phần tử ưu tú, sớm muộn cũng suy tàn; chính quyền cai trị không bị ai đánh cũng tự sụp đổ! 5. 孟子曰:君仁莫不仁,君義莫不義。 Mạnh Tử viết: “Quân nhân, mạc bất nhân. Quân nghĩa, mạc bất nghĩa.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Vua có nhân, chẳng có ai bất nhân. Vua có nghĩa, chẳng có ai bất nghĩa.” BÌNH GIẢI: Trong chương Ly Lâu thượng, tiết 20, đã có câu này. Vua mà có lòng nhân, chẳng có vị quan nào bất nhân. Vua mà cư xử có tình nghĩa, chẳng có vị quan 763
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI nào cư xử bất nghĩa. Có ai bất nhân, bất nghĩa trong triều, tức khắc người ấy tự sửa; nếu không sửa được, chắc chắn người ấy sẽ bị đào thải nhanh chóng. Dĩ nhiên, với một triều đình bao gồm vua và các quan đều sống nhân nghĩa, thì đức nhân nghĩa sẽ tràn lan khắp nước, cảm hoá được tất cả mọi người. 6. 孟子曰:非禮之禮,非義之義,大人弗為。 Mạnh Tử viết: “Phi lễ chi lễ, phi nghĩa chi nghĩa, đại nhân phất vi.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Điều lễ mà chẳng phải lễ, điều nghĩa mà chẳng phải nghĩa, bậc đại nhân không làm.” BÌNH GIẢI: Khổng Tử viết trong Kinh Dịch: “Gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hoà nghĩa: gom góp mọi điều tốt đẹp đủ để cho hợp với lễ, làm lợi ích cho mọi vật đủ để điều hoà điều nghĩa.” (Quẻ Càn, Văn ngôn). Lễ là khuôn phép, mẫu mực, nghi thức cần thiết tạo thành các thuần phong mỹ tục để tiết chế, điều hoà tình cảm, cử chỉ, hành vi con người. Tinh thần của lễ là sự tốt đẹp hoà ái; nếu thi hành điều lễ mà chỉ chú trọng hình thức, không tiềm tàng tinh thần lễ thì chẳng phải lễ đích thực. Nghĩa là cách cư xử đem lợi ích cho người. Nếu thi hành điều nghĩa mà làm cho người phiền lòng, thì chẳng phải nghĩa đích thực. Lễ nghĩa không phát huy được sự tốt đẹp, không khiến cho người được thỏa lòng, thì đó chỉ là lễ nghĩa giả dối. Bậc đại nhân là những người tiến bước trong đạo quân tử, hiền thánh, không bao giờ làm những điều lễ nghĩa giả dối như vậy. 7. 孟子曰:中也養不中,才也養不才,故人樂有賢父 兄也。如中也棄不中,才也棄不才,則賢不肖之相 去,其間不能以寸。 Mạnh Tử viết: “Trung dã dưỡng bất trung, tài dã dưỡng bất tài; cố nhân lạc hữu hiền phụ huynh dã. Như trung dã khí bất trung, tài dã khí bất tài, tắc hiền bất tiếu chi tương khứ, kỳ gian bất năng dĩ thốn!” 764
- MẠNH TỬ Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Người trung dạy dỗ kẻ bất trung, người tài dạy dỗ kẻ bất tài; cho nên người ta vui vẻ mà có cha anh hiền. Nếu như người trung bỏ kẻ bất trung, người tài bỏ kẻ bất tài, thì sự xa cách nhau giữa người hiền kẻ ngu chỉ là khoảng cách không bằng một tấc!” BÌNH GIẢI: Trung là không thiên lệch khỏi đạo Trời. Người trung sống trong chính đạo, cho nên có nhiều đức hạnh tốt. Tài là khả năng thực hiện được những công việc khó. Người tài có thể điều khiển guồng máy cai trị và có thể đảm đương các ngành chuyên môn. Người ta chẳng có ai không được dạy dỗ, huấn luyện mà trở thành người trung, người tài. Vì vậy, người trung có bổn phận dạy dỗ kẻ bất trung, người tài có bổn phận dạy dỗ kẻ bất tài. Người vừa có đức trung vừa có tài năng được gọi là người hiền. Trong gia đình, cha anh là bậc hiền thì có bổn phận dạy dỗ con em trở nên có đức, có tài như mình. Cha anh có thi hành bổn phận dạy dỗ, con em mới vui mừng tự hào có cha anh hiền và tỏ lòng tôn kính, quý mến. Nếu như người trung, người tài từ bỏ kể bất trung, bất tài, không thi hành bổn phận dạy dỗ họ, sao có thể xứng danh bậc hiền? Bậc hiền mà không biết thương người, không dạy dỗ nâng đỡ kẻ kém hơn mình thì có khác gì kẻ dốt nát, hư hỏng đâu; nếu có xa cách nhau thì khoảng cách đó không bằng một tấc. Bậc hiền mà không được con em tôn kính, quý mến thì cũng đồng hàng với con em dốt nát mà thôi! 8. 孟子曰:人有不為也,而後可以有為。 Mạnh Tử viết: “Nhân hữu bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Người ta phải biết có những điều không được làm, rồi sau mới biết có những điều được làm.” BÌNH GIẢI: Những điều không được làm là những điều xấu (ác), có hại cho bản thân mình và cho người. Dĩ nhiên người ta phải học cho biết những điều xấu gây 765
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI ra hậu quả gần và hậu quả xa như thế nào; hoặc phải biết những điều xấu nào có hại cho thể chất, những điều nào có hại cho tinh thần. Có những điều tưởng chừng vô hại nhất thời nhưng lại tiềm tàng điều hại mai sau. Ví dụ: việc uống nhiều rượu có thể gây hại (hậu quả gần) cho gan (thể chất), lại có thể làm rối loạn thần kinh (tinh thần) và còn di hại cho con cháu mai sau (hậu quả xa)... Biết những điều không được làm, rồi sau người ta cần phải biết những điều được làm. Những điều được làm là những điều tốt (thiện), có ích cho mình và cho người. Người ta cũng cần học cho biết những điều gì có lợi cho thể chất, điều gì có lợi cho tinh thần, điều nào có lợi cho cả ta lẫn người, điều nào đáng làm trước, điều nào đáng làm sau... Để trở nên bậc quân tử, người ta cần học cả đời, bởi vì có rất nhiều điều đáng học; học cho mình biết sống tốt và sau đó dạy lại cho người. 9. 孟子曰:言人之不善,當如後患何? Mạnh Tử viết: “Ngôn nhân chi bất thiện, đương như hậu hoạn hà?” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Nói về những điều không tốt của người, sẽ nhận lấy tai vạ về sau biết dường nào?” BÌNH GIẢI: Khi ta nói về những điều không tốt của người, ta sẽ trở thành đối thủ của người; dĩ nhiên người sẽ nói xấu lại ta hoặc tìm cách hại ta. Vì thế, vạ miệng là điều cần phải đề cao cảnh giác. 10. 孟子曰:仲尼不為已甚者。 Mạnh Tử viết: “Trọng Ni bất vi dĩ thậm giả.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Thầy Trọng Ni không làm gì thái quá.” BÌNH GIẢI: Thái quá là tình trạng vượt qua lẽ thường. Vượt qua lẽ thường thì không hợp với qui luật tự nhiên, không hợp đạo Trời, và trái với tâm lý con người, 766
- MẠNH TỬ khiến cho người đời khó lòng hiểu được, theo được. Vả lại, thái quá sẽ có hại. Nắng thái quá, mưa thái quá có hại cho mùa màng. Chạy thái quá khiến người ta kiệt sức, nằm thái quá khiến người ta yếu đuối, ăn thái quá khiến người ta bội thực, bệnh hoạn... Đức Khổng Tử là bậc quân tử. Ngài luôn làm gương mẫu cho các đệ tử, nên luôn sinh hoạt chừng mực, không làm điều gì thái quá. 11. 孟子曰:大人者,言不必信,行不必果,惟義所 在。 Mạnh Tử viết: “Đại nhân giả, ngôn bất tất tín, hạnh bất tất quả; duy nghĩa sở tại.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Bậc đại nhân, lời nói không nhất thiết phải giữ niềm tin, hành động không nhất thiết phải quả quyết; chỉ chú trọng vào điều nghĩa thôi.” BÌNH GIẢI: Đại nhân là người đã tiến xa trên đạo quân tử. Đối với kẻ tiểu nhân mới bắt đầu học đạo, thì được dạy phải giữ niềm tin trong giao thiệp, phải có tính quả quyết trong hành động; thấy điều gì đáng làm phải làm ngay. Khi đã tiến xa trên đạo quân tử, người ta cần phải biết linh động quyền biến tùy cảnh, tùy thời cho hợp điều nghĩa. Điều nghĩa là điều tốt đẹp cho tha nhân. Điều nghĩa lại luôn luôn đi với thời, tạo nên thời nghĩa. Thời mà qua đi thì nghĩa cũng mất theo. Do đó để đáp ứng với thời nghĩa, đôi khi người ta cần phải bỏ qua điều tín và sự quả quyết. Lúc nào cũng khăng khăng giữ cho được điều tín và quả quyết làm cho được điều đã dự định mà bỏ qua thời nghĩa; đó là người cố chấp. Cố chấp có thể hại nghĩa. Bỏ qua điều tín nhỏ để đạt điều nghĩa lớn; không quả quyết hành động theo dự định để duy trì điều nghĩa lớn; như thế mới xứng đáng là bậc đại nhân thức thời. 12. 孟子曰:大人者,不失其赤子之心者也。 Mạnh Tử viết: “Đại nhân giả, bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã.” 767
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Bậc đại nhân là người không đánh mất cái tâm trẻ thơ của mình.” BÌNH GIẢI: “Tâm trẻ thơ” theo quan niệm của Mạnh Tử chính là thiên mệnh trong sách Trung dung, là minh đức trong sách Đại học. Đó là “tính bản nhiên” được Trời phú bẩm cho con người khi mới thành thai. Công giáo gọi là “linh hồn”. Ấn giáo gọi là “tự ngã” (atman). Là người, ai cũng có thực thể đó. Tuy nhiên, kẻ tiểu nhân thì đánh mất, bậc đại nhân thì giữ được hay tìm lại được. Công phu tu tập của con người là tìm lại được cái “tâm trẻ thơ” đã bị đánh mất vì dục vọng, danh lợi. 13. 孟子曰:養生者,不足以當大事,惟送死可以當大 事。 Mạnh Tử viết: “Dưỡng sinh giả, bất túc dĩ đương đại sự; duy tống tử, khả dĩ đương đại sự.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Nuôi sống chưa đủ thành được việc lớn; phải tiễn đưa khi chết nữa, mới thành được việc lớn.” BÌNH GIẢI: Ở đây, việc lớn (đại sự) là đạo hiếu đối với cha mẹ. Ngày xưa, khi Chu Công chưa quy định lễ an táng trọng hậu cho cha mẹ, người ta chỉ cho cha mẹ ăn uống khi còn sống, còn lúc chết rồi thì chôn cất sơ sài cho xong việc. Làm như vậy, con cháu không bày tỏ được sự thương nhớ kính mến đối với cha mẹ, ông bà. Sự thương nhớ kính mến đối với những người đã khuất không được vun đắp, thì tình cảm giữa những người còn sống với nhau cũng lạt lẽo. Muốn cho tình người được đằm thắm vượt thời gian, đạo hiếu phải bao gồm cả việc nuôi nấng chu đáo cha mẹ khi còn sống và việc an táng tử tế cha mẹ khi đã chết. Thực hiện được cả hai việc đó mới gọi được là đảm đương đại sự (đạo hiếu) trong đời. Vì người ta đã không hiểu hết ý câu nói của Mạnh Tử; cho nên mới có chuyện chẳng buồn nuôi nấng cha mẹ khi còn sống, nhưng lại tổ chức lễ an táng thật to để được tiếng là có hiếu! 768
- MẠNH TỬ 14. 孟子曰:君子深造之以道,欲其自得之也。自得之 則居之安,居之安則資之深,資之深則取之左右逢 其原。故君子欲其自得之也。 Mạnh Tử viết: “Quân tử thâm tháo chi dĩ đạo, dục kỳ tự đắc chi dã. Tự đắc chi, tắc cư chi an. Cư chi an, tắc tư chi thâm. Tư chi thâm, tắc thủ chi tả hữu phùng kỳ nguyên. Cố quân tử dục kỳ tự đắc chi dã.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Người quân tử đi sâu vào cõi đạo, muốn tự mình đạt được đạo. Tự mình đạt được đạo sẽ sống an vui. Sống an vui, sẽ có vốn liếng sâu sắc. Có vốn liếng sâu sắc sẽ lấy được ở bên trái bên phải của mình mà gặp được cội nguồn. Cho nên người quân tử muốn tự mình đạt được đạo.” BÌNH GIẢI: Quân tử là người đang tiến bước trên con đường chân chính, khởi đầu từ tiểu nhân lên bậc hiền nhân và thánh nhân. Tiến lên bậc hiền, bậc thánh tức là người quân tử đang đi sâu vào cõi đạo. Bao giờ nên thánh ấy là đạt được đạo, tức là nắm được chân lý diệu huyền, hay là chân lý diệu huyền bừng sáng nơi mình, hiện hữu nơi mình. Như vậy, tự mình đạt được đạo, thấy chân lý diệu huyền hiện hữu nơi mình, con người sẽ sống an vui. Sống an vui, con người sẽ không còn vong thân, nhưng tự nhận ra nơi mình có một vốn liếng sâu sắc dồi dào. Người nào đã có vốn liếng sâu sắc dồi dào ấy là có nền tảng chân lý ở mình; người ấy thoát khỏi tình trạng phóng ngoại, tha hoá (táng vu vật: chôn vùi trong vật); trái lại, người ấy sẽ biết gặt hái quanh mình (bên trái, bên phải) những phương tiện thuộc về thế giới hiện tượng để dùng làm hành trang cho mình, giúp mình đi hết đường đời, hoàn thành sứ mệnh mà gặp được cội nguồn chân lý (phùng kỳ nguyên) ở chung cuộc. Vì thế, người quân tử muốn tự mình đạt được đạo, đích thân tiếp cận Chân lý tối cao. 15. 孟子曰:博學而詳說之,將以反說約也。 Mạnh Tử viết: “Bác học nhi tường thuyết chi; tương dĩ phản thuyết ước dã.” 769
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Học rộng mà giải bày rõ ràng; rồi mới trở lại giải bày những điều trọng yếu.” BÌNH GIẢI: Câu trên nói về phương pháp học và phương pháp giảng dạy những điều đã học. Trước hết, người ta phải học cho rộng để thu gom các kiến thức; sau đó các kiến thức ấy phải được giải thích và hệ thống hoá cho rõ ràng. Thế rồi, trong việc giảng dạy cho người khác, người dạy phải biết rút ra những điều trọng yếu để truyền đạt, người nghe mới có thể hiểu và nhớ được. 16. 孟子曰:以善服人者,未有能服人者也。以善養人, 然後能服天下。天下不心服而王者,未之有也。 Mạnh Tử viết: “Dĩ thiện phục nhân giả, vị hữu năng phục nhân giả dã. Dĩ thiện dưỡng nhân, nhiên hậu năng phục thiên hạ. Thiên hạ bất tâm phục nhi vượng giả, vị chi hữu dã!” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Đem điều thiện chinh phục người thì chưa thể chinh phục người được. Đem điều thiện dưỡng dục người, rồi sau mới có thể chinh phục thiên hạ. Thiên hạ không tâm phục mà nên thịnh vượng, chưa hề có vậy.” BÌNH GIẢI: Nhà cầm quyền nếu chỉ nêu điều thiện của mình ra mà mong rằng dân chúng phải tùng phục mình; điều đó chưa được. Cần phải đem điều thiện giáo dưỡng dân chúng, khiến cho người ta quen sống trong điều thiện, bấy giờ thiên hạ mới tùng phục mình. Khi cả thiên hạ đều khâm phục nhà cầm quyền tận đáy lòng, nhà cầm quyền xướng xuất điều gì, dân chúng nghe ngay, thì đất nước mới hưng vượng được. 17. 孟子曰:言無實,不詳。不詳之實,蔽賢者當之。 Mạnh Tử viết: “Ngôn vô thật, bất tường. Bất tường chi thật, tế hiền giả đương chi.” 770
- MẠNH TỬ Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Lời nói không thật là điều chẳng lành. Cái thật của điều chẳng lành là che lấp lời nói ngay thẳng của bậc tài đức.” BÌNH GIẢI: Lời nói không thật là lời nói dối, lời nói xấu. Nói dối, nói xấu hẳn là điều chẳng lành, ắt sẽ gây hậu quả tai hại. Tuy nhiên, điều tai hại nhất (cái thật của điều chẳng lành) là che lấp mất lời nói ngay thẳng của bậc tài đức. “Đương” nghĩa là nhận; bậc tài đức (hiền giả) chỉ nhận lời nói ngay thẳng, chứ không bao giờ nói không thật. Chỉ có lời nói ngay thẳng mới xây dựng được quốc gia. Nay lời nói không thật của bọn gian nịnh đã che lấp lời nói ngay thẳng của người tài đức, thì quốc gia không thể phát triển tốt đẹp được. 18. 徐子曰:仲尼亟稱於水曰:“水哉!水哉!”何取 於水也? 孟子曰:源泉混混,不舍晝夜,盈科而後進,放乎 四海;有本者如是,是之取爾。茍為無本,七,八 月之間雨集,溝澮皆盈;其涸也,可立而待也。故 聲聞過情,君子恥之。 Từ Tử viết: “Trọng Ni khí xưng ư thủy viết: ‘Thủy tai! Thủy tai!’ Hà thủ ư thủy dã?” Mạnh Tử viết: “Nguyên tuyền hỗn hỗn, bất xả trú dạ, doanh khoa nhi hậu tiến, phóng hồ tứ hải. Hữu bản giả như thị. Thị chi thủ nhĩ. Cẩu vi vô bản, thất bát nguyệt chi gian, vũ tập, câu khối giai doanh. Kỳ hạc dã, khả lập nhi đãi dã. Cố thanh văn quá tình, quân tử sỉ chi.” Dịch nghĩa: Từ Tử1 nói: “Thầy Trọng Ni luôn luôn đề cao nước rằng: ‘Nước thay! Nước thay!’ Lấy gì ở nước vậy?” Mạnh Tử nói: “Suối nguồn cuồn cuộn, không nghỉ ngày đêm, đầy các hầm hố rồi sau tiến lên, phóng ra bốn biển. Có cội nguồn mới như vậy. Đó là lấy cái ý ấy. Ví bằng chẳng có cội nguồn, vào khoảng tháng bảy, 1 Từ Tử, tức Từ Tịch, là một môn đệ hầu cận Mạnh Tử 771
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI tháng tám, mưa xong, ngòi rãnh đầy cả. Chỉ cần đứng đợi rồi nước cạn hết. Cho nên danh tiếng vượt quá sự thực, người quân tử lấy làm xấu hổ.” BÌNH GIẢI: Sở dĩ Khổng Tử ca ngợi nước vì nước có cội nguồn, chảy liên miên bất tận. Vì có cội nguồn cung cấp thường xuyên, nước sông, nước suối chảy cuồn cuộn không ngừng nghỉ đêm ngày, phóng ra bốn biển mà chẳng cạn. Còn như nước mưa vào dịp tháng bảy, tháng tám mỗi năm, tuy gây ra ngập lụt lênh láng nhưng chẳng bao lâu cũng rút hết. Lý do là nước mưa không có cội nguồn như nước sông, nước suối. Con người cũng vậy. Nếu chịu khó học hành tu tập lâu ngày trau giồi tài đức, người ta mới có một nguồn tài đức dồi dào để giúp dân, giúp nước không cạn. Nếu không có nguồn tài đức, mà được danh tiếng một thời, cái danh tiếng ấy chỉ là hư danh mà không có tình thực; chẳng bao lâu, hư danh tan đi, sự bất tài vô đức mới lộ ra. Trước tình cảnh ấy, người quân tử lấy làm xấu hổ. Vì vậy, người quân tử luôn luôn tu tập để có tài đức đích thực. 19. 孟子曰:人之所以異於禽獸者,幾希,庶民去之, 君子存之。舜明於庶物,察於人倫;由仁義行,非 行仁義也。 Mạnh Tử viết: “Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả, cơ hy. Thứ dân khử chi; quân tử tồn chi. Thuấn minh ư thứ vật, sát ư nhân luân, do nhân nghĩa hành; phi hành nhân nghĩa dã.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Con người sở dĩ khác với cầm thú, hầu như là ít. Người thường bỏ mất, người quân tử giữ gìn. Vua Thuấn làm sáng tỏ mọi sự vật, xét rõ về luân lý làm người, thi hành nhân nghĩa một cách an vui, chẳng phải miễn cưỡng thi hành nhân nghĩa.” BÌNH GIẢI: Mạnh Tử cho rằng con người khác với cầm thú chỉ ít thôi. Cái điều khác nhau đó là nhân nghĩa. Một cách vắn gọn, nhân nghĩa là coi trọng phẩm giá người khác, cư xử với người khác tốt đẹp như cư xử với chính mình. Người 772
- MẠNH TỬ thường thì bỏ mất nhân nghĩa, người quân tử thì giữ gìn nhân nghĩa. Người bỏ mất nhân nghĩa không khác gì cầm thú. Ông nêu ra một tấm gương: vua Thuấn làm sáng tỏ mọi việc, mọi vật, xét rõ về luân lý làm người, cư xử với mọi người theo đức nhân, đức nghĩa. Ông thi hành nhân nghĩa một cách an nhiên, bởi vì ông biết nhân nghĩa gắn liền với tính phận con người; ông không phải gắng gượng, miễn cưỡng làm việc nhân nghĩa. Miễn cưỡng làm việc nhân nghĩa tức là coi nhân nghĩa ở ngoài tính phận con người. 20. 孟子曰:禹惡旨酒而好善言。湯執中,立賢無方。 文王視民如傷,望道而未之見。武王不泄邇,不忘 遠。 周公思兼三王,以施四事。其有不合者,仰而思 之,夜以繼日;幸而得之,坐以待旦。 Mạnh Tử viết: “Vũ ố chỉ tửu, nhi hiếu thiện ngôn. Thang chấp trung, lập hiền vô phương. Văn Vương thị dân như thương, vọng đạo nhi vị chi kiến. Vũ Vương bất tiết nhĩ, bất vong viễn. “Chu Công tư kiêm tam vương, dĩ thi tứ sự. Kỳ hữu bất hợp giả, ngưỡng nhi tư chi, dạ dĩ kế nhật. Hạnh nhi đắc chi, tọa dĩ đãi đán.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Vua Vũ (Hạ) ghét rượu ngon mà ưa thích lời nói phải. Vua Thang nắm giữ mực trung, đặt người tài đức không kể địa phương. Vua Văn Vương xem dân như người bị thương, hướng về đạo lý coi như chưa được thấy. Vua Vũ Vương không khinh dễ người gần, không bỏ quên kẻ xa. “Ông Chu Công nghĩ ngợi gồm thu cả ba đời vua, thi hành cả bốn công việc của các vua ấy. Có điều gì không phù hợp, thì ngửa mặt lên mà suy nghĩ, đêm kế tiếp ngày. May mắn mà đạt được thì ngồi chờ cho đến sáng.” BÌNH GIẢI: Tương truyền rằng vua Vũ nhà Hạ nếm rượu ngon của Nghi Địch mà sợ có ngày vì rượu mất nước; nên xa lánh, ghét bỏ rượu ngon. Ông chỉ thích nghe lời nói phải. Vua Thành Thang nhà Thương thì luôn tránh hai đầu mối 773
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI cực đoan thái quá và bất cập, chỉ nắm giữ mực trung trong chính sách cai trị. Ông cắt đặt người tài đức trong chức vụ lãnh đạo mà không xét tới địa phương, gia thế, gốc tích. Chu Văn Vương hết lòng thương dân, xem dân như kẻ bị thương cần được săn sóc, cho nên hằng lo lắng cho dân được ấm no, yên ổn. Ông luôn luôn hướng về đạo lý, quý trọng đạo lý như chưa được thấy bao giờ. Chu Vũ Vương thì chu đáo chiếu cố tới cả người gần lẫn kẻ xa, không bỏ sót, khinh dễ ai. Ông Chu Công, em ruột của Vũ Vương mới là một nhà chính trị gương mẫu lỗi lạc. Ông nghĩ ngợi để tổng hợp tất cả những cái hay trong phép cai trị của ba triều đại: Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương và đem ra thực hành những công việc trong chính sách của bốn vị vua ấy. Tuy nhiên ông lại cân nhắc, thấy điều gì không còn hợp thời thì ra công suy nghĩ, rút ưu khuyết điểm, chỉnh sửa các đường lối cai trị cũ, chẳng quản ngại nhọc mệt đêm ngày. Khi may mắn đạt được phương thức hành động thích hợp, ông quên cả ngủ, ngồi chờ cho tới sáng để đem ra thi hành. 21. 孟子曰:王者之跡熄而詩亡,詩亡然後春秋作。 晉之乘,楚之梼杌,魯之春秋,一也。其事則齊 桓,晉文,其文則史。孔子曰:“其義則丘竊取之 矣。” Mạnh Tử viết: “Vương giả chi tích tức, nhi Thi vong. Thi vong, nhiên hậu Xuân Thu tác. Tấn chi Thặng, Sở chi Đào Ngột, Lỗ chi Xuân Thu, nhất dã. Kỳ sự, tắc Tề Hoàn, Tấn Văn. Kỳ văn, tắc sử. Khổng Tử viết: ‘Kỳ nghĩa, tắc Khâu thiết thủ chi hỹ.’” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Dấu vết của các bậc vương đã bặt, mà những bài ca dao cổ đã mất. Những bài ca dao cổ mất đi, sau đó sách Xuân Thu được viết ra. Sách Thặng của nước Tấn, sách Đào Ngột của nước Sở, sách Xuân Thu của nước Lỗ là một loại. Những việc trong đó (Xuân Thu) nói về Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công. Lời văn của sách ấy là lối văn sử. Khổng Tử nói: ‘Ý nghĩa của sách ấy, thì Khâu này lấy theo ý riêng.’” BÌNH GIẢI: Vào khoảng năm 770 trước Công Nguyên, vua Chu Bình Vương, vì tránh người Tây Khương quấy phá, phải dời đô sang Lạc Ấp ở miền Đông, thì nhà 774
- MẠNH TỬ Chu suy. Những cách cai trị nhân chính của Văn Vương, Vũ Vương không còn được áp dụng; do đó, dấu vết của các bậc vương đã dứt bặt. Trong dân gian, những bài ca dao cổ (Thi) nói về đạo lý cũng bị lãng quên (vong). Những bài ca dao cổ ấy trước kia có tới 3000 bài. Sau này, Khổng Tử sao chép, tuyển chọn được trên 300 bài, tạo thành Kinh Thi, đem giảng dạy cho các đệ tử. Bởi vì những bài ca dao cổ bị mất, mất luôn những lời răn dạy đạo lý, cho nên Khổng Tử mới viết Kinh Xuân Thu để lập lại giềng mối đạo lý trong xã hội. Xuân Thu (mùa xuân và mùa thu) là mùa gieo và mùa gặt, chỉ sinh hoạt của con người trong đời. Tương tự như thế, nước Tấn có sách Thặng. Sách Thặng như một cỗ xe chuyên chở những chuyện tích từ đời nọ sang đời kia. Nước Sở có sách Đào Ngột. Sách Đào Ngột kể về sự bạo tàn, tai ngược (như giống ác thú) của các vua đời trước. Cả hai sách ấy cùng với Kinh Xuân Thu của nước Lỗ đều là một loại như nhau, nói về những sự việc trong các triều đại xưa. Kinh Xuân Thu nói về những việc cai trị của các vua trong một giai đoạn lịch sử Trung Hoa cổ dài gần 300 năm (từ đời Lỗ Ẩn Công đến đời Lỗ Ai Công); trong đó có chép những việc cai trị của hai vị bá chủ đáng lưu ý là: Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công. Văn của Kinh Xuân Thu là lối văn viết sử biên niên, diễn tiến theo thứ tự thời gian từng năm. Còn về ý nghĩa, Khổng Tử đã đem quan điểm đạo lý của riêng mình để chọn lựa và phê phán các sự kiện diễn ra trong thời đại ấy (thiết thủ). Sự phê phán, khen chê, được đặt kín đáo trong từng chữ đặc biệt. Ví dụ: Thiên tử chết được dùng chữ “băng”; vua chư hầu chết được dùng chữ “hoăng”; vua cướp ngôi, tiếm vị chết thì chép là “tồ”; quan liêm chính chết được chép là “tốt”; quan gian nịnh chết thì chép là “tử”. Do đó, Khổng Tử đã từng nói: “Tri ngã giả, kỳ duy Xuân Thu hồ? Tội ngã giả, kỳ duy Xuân Thu hồ? (Biết ta, chỉ riêng bởi kinh Xuân Thu chăng? Kết tội ta, chỉ riêng bởi kinh Xuân Thu chăng?) 22. 孟子曰:君子之澤,五世而斬;小人之澤,五世而 斬。 予未得為孔子徒也,予私淑諸人也。 Mạnh Tử viết: “Quân tử chi trạch, ngũ thế nhi trảm; tiểu nhân chi trạch, ngũ thế nhi trảm. “Dư vị đắc vi Khổng Tử đồ dã; dư tư thục chư nhân dã.” 775
- TỨ THƯ BÌNH GIẢI Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Ân đức của bậc quân tử, năm đời mới dứt; ân đức của người thường, năm đời mới dứt. “Ta chưa được làm môn đồ của Khổng Tử; riêng ta được tốt lành nhờ vào các vị khác.” BÌNH GIẢI: Ở đây, “quân tử” chỉ nhà cầm quyền có tài đức; “tiểu nhân” chỉ người có tài đức nhưng không ở địa vị cầm quyền. Mạnh Tử cho rằng ân đức của hai loại người trên đều gây ảnh hưởng tới năm đời, tức năm thế hệ. Trong vòng ảnh hưởng của ân đức năm đời, Mạnh Tử xác nhận rằng riêng ông cũng được hưởng sự tốt lành do các vị tiền bối truyền lại, mặc dù ông chưa được làm môn đồ của Khổng Tử. Ân đức của Khổng Tử đã thấm nhuần tới ông qua các vị tiền bối là: Tăng Tử, Tử Tư (Khổng Cấp) và môn đồ của Tử Tư. Như thế, đạo lý của Khổng Tử truyền tới Mạnh Tử mới là bốn đời. 23. 孟子曰:可以取,可以無取,取傷廉。可以與,可 以無與,與傷惠。可以死,可以無死,死傷勇。 Mạnh Tử viết: “Khả dĩ thủ, khả dĩ vô thủ, thủ thương liêm. Khả dĩ dữ, khả dĩ vô dữ, dữ thương huệ. Khả dĩ tử, khả dĩ vô tử, tử thương dũng.” Dịch nghĩa: Mạnh Tử nói: “Có thể lấy, có thể không lấy, lấy thì hại đến đức liêm chính. Có thể cho, có thể không cho, cho thì hại đến đức ban ơn. Có thể chết, có thể không chết, chết thì hại đến đức mạnh mẽ.” BÌNH GIẢI: Mạnh Tử nêu ra ba trường hợp có thể xảy đến cho người học đạo quân tử. Trường hợp thứ nhất: Giả như có ai cho ta cái gì. Ban đầu ta định lấy, sau đó suy nghĩ lại, ta thấy không nên lấy. Nếu vì tham lam ta lấy cái đó; như thế việc lấy này làm hại đến đức liêm chính. Liêm chính là tính trong sạch, ngay thẳng. Đức liêm chính cần thiết cho người làm quan. Trường hợp thứ hai: Giả như ta định cho ai cái gì. Ban đầu ta định cho; sau đó, suy nghĩ lại, người ấy không đáng cho. Đem cho sẽ khiến người ấy thêm biếng lười, ỷ lại, không chịu phấn đấu. Nghĩ vậy, nhưng rồi ta lại đem 776
- MẠNH TỬ cho. Như vậy, việc cho này làm hại đến đức ban ơn. Ban ơn là một đức tính tốt, nhưng chỉ nên ban ơn cho những người nghèo khó, thiếu thốn, cho những người lập được công trạng với quốc gia. Lạm dụng sự ban ơn thì hao tốn và làm hư hỏng người được ban. Trường hợp thứ ba: Giả như ta gặp một cơn nguy biến. Ban đầu ta định liều thân chết vì ai đó hay vì điều gì đó; nhưng rồi, kịp nghĩ lại, ai đó không đáng cho ta hy sinh, điều gì đó không phải lý tưởng cần được bảo vệ; vì thế không nên chết. Tuy thế, sau đó ta lại liều thân chịu chết. Như thế, sự chết này làm hại đến đức mạnh mẽ. Đức mạnh mẽ đích thực chỉ chấp nhận chết để bảo vệ lý tưởng cao cả. Còn liều thân bỏ phí sự sống là cái dũng mãnh bồng bột vô ích của kẻ thất phu. 24. 逢蒙學射於羿,盡羿之道,思天下惟羿為愈己,於 是殺羿。 孟子曰:是亦羿有罪焉。 公明儀曰:宜若無罪焉? 曰:薄乎云爾,惡得無罪? 鄭人使子濯孺子侵衛,衛使庾公之斯追之。子濯孺 子曰:“今日我疾作,不可以執弓,吾死矣夫!” 問其仆曰:“追我者誰也?”其仆曰:“庾公之斯 也。”曰:“吾生矣。”其仆曰:“庾公之斯,衛 之善射者也,夫子曰吾生,何謂也?”曰:“庾公 之斯學射於尹公之他,尹公之他學射於我。夫尹公 之他,端人也,其取友必端矣。” 庾公之斯至,曰:“夫子何為不執弓?” 曰:“今日我疾作,不可以執弓。” 曰:“小人學射於尹公之他,尹公之他學射於夫 子。我不忍以夫子之道,反害夫子。雖然,今日之 事,君事也,我不敢廢。” 抽矢叩輪,去其金,發乘矢而後反。 777
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ văn học
15 p | 656 | 239
-
Mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong “Luận ngữ” của Khổng Tử
15 p | 413 | 173
-
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại trong bối cảnh hiện nay
3 p | 678 | 154
-
Luận ngữ - Mạnh tử - Đại học - Trung dung - Tứ thư bình giải: Phần 1
756 p | 495 | 140
-
Bàn về đạo Nho: Phần 2
96 p | 116 | 30
-
tứ thư - phần 2
311 p | 69 | 17
-
Bình giải Tứ thư: Luận ngữ - Mạnh tử - Đại học - Trung dung (Phần 2)
441 p | 48 | 14
-
Bình giải Tứ thư: Luận ngữ - Mạnh tử - Đại học - Trung dung (Phần 1)
650 p | 48 | 14
-
Hiện tượng ẩn dụ: Nhìn từ quan điểm truyền thống và quan điểm tri nhận luận
15 p | 84 | 10
-
Nâng cao vai trò và trách nhiệm đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các trường đại học ở nước ta hiện nay
3 p | 16 | 7
-
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Anh có thành tố động vật từ bình diện ẩn dụ văn hóa và vấn đề dịch chúng sang tiếng Việt
17 p | 12 | 5
-
Những vấn đề cơ bản Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
6 p | 115 | 5
-
Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngân sách cho đầu tư phát triển địa phương tại Hồng Lĩnh - 4
12 p | 83 | 5
-
Sức mạnh của lẽ phải: Phần 1
228 p | 18 | 5
-
Một số nguyên nhân cơ bản tác động đến đối mới lý luận Văn học Việt Nam (từ 1986 đến nay)
8 p | 62 | 4
-
Suy nghĩ về tiêu chuẩn để trở thành "đầy tớ trung thành của nhân dân" trong việc xây dựng đội ngũ đảng viên ở Bộ môn Lý luận chính trị, trường Đại học Đồng Nai
9 p | 82 | 4
-
5 thói quen học tập lành mạnh
0 p | 88 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn