intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Món quà quê

Chia sẻ: Phung Tuyet | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:4

82
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bà lão ăn mày ngập ngừng trước cánh cổng của một ngôi nhà có giàn hoa giấy. Cổng hé mở, bà rất muốn đi vào nhưng bà cũng rất sợ khi phải đón nhận những câu xua đuổi quen thuộc. - Chào cụ! Bà lão giật mình khi nghe tiếng chào từ sau lưng mình. Có lẽ người ta nhầm mình là người ở quê lên thành phố hỏi thăm nhà. Họ đã coi mình không phải là kẻ ăn mày thì thôi mình cũng chẳng dám mở mồm ra mà xin xỏ nữa. - Cụ đi ăn xin à?...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Món quà quê

  1. Món quà quê TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ ĐẢM Bà lão ăn mày ngập ngừng trước cánh cổng của một ngôi nhà có giàn hoa giấy. Cổng hé mở, bà rất muốn đi vào nhưng bà cũng rất sợ khi phải đón nhận những câu xua đuổi quen thuộc. - Chào cụ! Bà lão giật mình khi nghe tiếng chào từ sau lưng mình. Có lẽ người ta nhầm mình là người ở quê lên thành phố hỏi thăm nhà. Họ đã coi mình không phải là kẻ ăn mày thì thôi mình cũng chẳng dám mở mồm ra mà xin xỏ nữa. - Cụ đi ăn xin à? Mời cụ vào trong nhà uống chén nước. Người đàn ông trung niên cầm tay dẫn bà lão ăn mày đi vào trong nhà, mời bà ngồi ghế sa-lông, rót cốc nước mời bà. Chè xanh? Bà có vẻ ngạc nhiên, ở thành phố người ta hay uống trà, cà phê chứ mấy ai uống thứ nước của người nhà quê? - Cụ uống đi, hay cụ chưa ăn sáng sợ uống chè xanh bị say? - À, ờ. Bà lão nhấp một ngụm nước, đúng là vị chè xanh chan chát nhưng không thể bằng thứ chè xanh đặc quánh như quê bà. Người đàn ông nói rằng tuy sống ở thành phố mấy chục năm nhưng vẫn nghiện cái món chè xanh ở quê ông, ăn cơm xong, có cốc nước chè xanh mà uống thì sung sướng chả khác gì được thưởng thức đặc sản. Bà lão ăn mày nhỏ nhẹ nói: - Bác ở quê lên phố sống mà vẫn giữ được gia phong. - Dạ, cụ cứ quá lời!
  2. - Tôi nói thật lòng đấy. Tôi đi ăn xin, người ta thường gọi tôi là đứa ăn xin, con ăn mày, thế mà bác lại gọi tôi bằng cụ! - Dạ, ở quê người ta vẫn hay gọi thay con cháu. Cụ chắc bằng tuổi bà nội cháu? Bà lão ăn mày kể lể bà năm nay bảy sáu tuổi, nhờ còn khỏe nên vẫn nhúc nhắc đi kiếm ăn được. Người đàn ông móc túi lấy ra tờ bạc năm mươi ngàn, đặt vào tay bà lão: - Dạ, cháu xin biếu cụ chút tiền lẻ, cụ chắc chưa ăn sáng, cụ ra phố ăn tô phở để lấy sức còn đi. Bà lão ăn mày mới cầm tiền chưa kịp cảm ơn thì người đàn ông đã vui vẻ cất lời: - Cảm ơn cụ đã nhận tiền của cháu! Bà lão ăn mày nhìn người đàn ông, ngơ ngác: - Trước nay kẻ ăn mày vẫn phải cảm ơn người cho tiền, sao bác lại ngược đời thế? Người đàn ông khẽ đáp: - Thiên hạ cho thế là thuận lẽ đời nhưng cháu nghĩ khác. Cháu biếu bà ít tiền nhưng lại nhận được cái phúc lớn từ cụ ban cho. Người được hưởng phúc thì vợ chồng, con cháu sẽ sống no ấm, vui vẻ cả cụ ạ! Bà lão ăn mày sung sướng lắm, bà sung sướng không phải nhận được năm mươi ngàn mà vì lần đầu tiên kể từ khi đi ăn xin, bà được người ta trọng vọng mình. Bà mải nghĩ về lòng tốt của con người nên quên không cất tờ năm mươi ngàn vào túi, một thanh niên nam đi sát bên bà cất tiếng: - Cháu chào bà! Bà già thế này mà vẫn phải đi ăn xin à? - Chào anh, vâng nhà nghèo nên phải đi ăn xin anh ạ! Anh thanh niên móc túi lấy ra một tờ mệnh giá một trăm ngàn bảo xin biếu bà năm mươi ngàn còn năm mươi ngàn phải đi mua thuốc cho mẹ. Bà lão bảo anh, mẹ đang ốm để tiền mua thuốc cho mẹ, bà không lấy đâu. Anh thanh niên liến thoắng, không không mua thuốc chỉ hết có hơn bốn mươi ngàn thôi, xin biếu bà năm mươi ngàn, bà hãy cầm lấy để
  3. mẹ cháu được cái phúc của bà mà mau khỏi bệnh. Anh đưa bà một trăm ngàn, bảo bà đưa cho anh năm mươi ngàn. Thật là một buổi sáng đầy may mắn, phải tự khao mình một bát phở mới được. Bà nghĩ vậy nhưng khi đi qua hàng phở thì lại do dự, một bát phở những hai, ba chục ngàn bằng cả một ngày ăn của mình, lãng phí quá, thôi mua cái bánh mì kẹp thịt cũng là khao rồi. Bà đi lại chỗ một người đàn ông đang bán bánh mì bảo làm cho bà cái bánh mì kẹp thịt với cái giá rẻ nhất. Người đàn ông trung niên nhìn thấy bà ăn mày, thương bà, anh làm cho bà cái mì kẹp thịt giá mười lăm ngàn nhưng chỉ lấy bà có năm ngàn. Bà lấy tờ một trăm ngàn mà anh thành niên đưa để trả tiền bánh mì. Người đàn ông cầm tờ một trăm ngàn lên mắt lật đi lật lại và phát hiện ra tiền giả. - Bà ơi, ai cho bà một trăm ngàn này? - À, cái cậu thanh niên tốt bụng cho tôi năm mươi ngàn, không có tiền lẻ nên đưa cho tờ một trăm này, tôi đưa cho cậu ấy năm mươi ngàn. - Bà ơi, tiền giả, bà bị nó lừa rồi. Có phải cái thằng mặt hốc hác, mặc áo sơ mi trắng sơ vin phải không bà? Bà lão ăn mày bảo phải, người bán bánh mì giận dữ nói rằng nó là thằng nghiện hút đang bị HIV giai đoạn cuối, nó chuyên đi lừa đảo, hiện nó đang ăn phở ở trong quán bên kia đường để cháu vào lôi cổ nó ra nện cho một trận. Bà lão bảo thôi thôi, nó bị bệnh ấy chả sống được bao lâu nữa, giá nó xin bà bà cũng cho, tội gì phải đi lừa thế. Chủ nhật tuần sau, người đàn ông đi công tác về. Ông nhớ nước chè xanh nên vừa về đến nhà ông đã bê chiếc bình vẫn hãm nước chè xanh quen thuộc ra bàn, rót nước chè ra chiếc cốc thủy tinh trong vắt. Người đàn ông uống một ngụm chè xanh, ông ngạc nhiên, sao vị chè thơm và ngon thế! Ông hỏi con hôm nay mua chè ở đâu mà khác hẳn chè mọi khi? - À, hôm trước có một bà cụ đem một bọc chè xanh đến bảo biếu. Con hỏi cụ là ai, cụ ấy bảo cụ ấy là người ở quê!
  4. Người đàn ông lặng đi vì xúc động khi biết được người đã biếu chè xanh cho mình. Hai tay ông run run làm sóng sánh cốc nước chè xanh đặc quánh.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2