intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số: Nghiên cứu điển hình tại Công ty Điện lực Gia Lai

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

3
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích của bài viết này là phân tích, đánh giá thực trạng công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai dựa trên phương pháp phỏng vấn, quan sát thực tiễn và tổng hợp phân tích. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số: Nghiên cứu điển hình tại Công ty Điện lực Gia Lai

  1. 12. Một số giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số: Nghiên cứu điển hình tại Công ty Điện lực Gia Lai TS. Trần Thị Yến* *Khoa Kinh tế và Kế toán, Trường Đại học Quy Nhơn Nguyễn Thị Bích Huế** **Công ty Điện lực Gia Lai Tóm tắt Kế toán là một trong những lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng nhiều bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ như ngày nay. Mục đích của bài viết này là phân tích, đánh giá thực trạng công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai dựa trên phương pháp phỏng vấn, quan sát thực tiễn và tổng hợp phân tích. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Cụ thể, các giải pháp được đề xuất liên quan đến hoàn thiện về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo kế toán, bộ máy kế toán và công tác kiểm tra kế toán nhằm giúp Công ty Điện lực Gia Lai phát huy tốt nhất công cụ quản lý tài chính và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho đơn vị trong thời gian tới. Từ khoá: giải pháp, tổ chức công tác kế toán, công ty, điện lực, chuyển đổi số. Abstract Accounting is one of the fields affected by the Industrial Revolution 4.0 in general and the digital transformation process in particular, which is taking place more and more strongly today. The purpose of this article is to analyze and evaluate the current status of accounting work at Gia Lai Electricity Company based on interview methods, practical observation and synthesis analysis. From there, the authors propose appropriate solutions to improve the organization of accounting work at Gia Lai Electricity Company in the context of increasingly strong digital transformation. Specifically, the proposed solutions are related to the completion of accounting documents, accounting accounts, accounting books, accounting reports, accounting apparatus and accounting inspection work to help Gia Lai Electricity Company make the best use of financial management tools, improving business efficiency for the organization in the coming time. Keywords: solution, accounting, company, electricity, digital transformation. JEL Classification: M40, M41, M49. 1
  2. 1. Giới thiệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên của EVN là một trong những đơn vị tiên phong, nỗ lực chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong những năm vừa qua. Quá trình chuyển đổi số của EVN luôn gắn liền và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số (Bảo Trân, 2021). Trong lĩnh vực kế toán, chuyển đổi số có thể hiểu đơn giản là việc ứng dụng các công nghệ số vào các nghiệp vụ kế toán, giúp cho các nghiệp vụ kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu và tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp (Đỗ Thị Hồng Hạnh và Phạm Trọng Nghĩa, 2023). Kế toán chịu tác động lớn của quá trình chuyển đổi số do ngoài nội dung lý thuyết, thì đây là ngành mang tính thực hành và ứng dụng cao (Vũ Ðức Chính, 2020). Thủ tướng Chính phủ (2022) đã nhấn mạnh, mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán - kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán - kiểm toán. Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2015 cũng đã đề cập đến các quy định về ứng dụng công nghệ trong công tác kế toán liên quan đến chứng từ điện tử, chữ ký trên chứng từ, xác lập và lưu trữ các chứng từ, mở sổ - ghi sổ - khóa sổ và công tác lưu trữ. Những vấn đề này, đòi hỏi có sự đóng góp của hệ thống công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả làm việc cao nhất. Công ty Điện lực Gia Lai là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung – một trong năm tổng công ty phân phối điện thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu cung cấp, phân phối điện cho toàn tỉnh Gia Lai. Thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao hướng hoạt động của Nhà nước, Công ty Điện lực Gia Lai đã chủ động cơ cấu lại bộ máy tổ chức và tăng cường công tác quản lý, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện tổ chức công tác kế toán. Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong kế toán được tổ chức, thực hiện tại các doanh nghiệp ở Việt Nam luôn được chú trọng (Đỗ Thị Hồng Hạnh và Phạm Trọng Nghĩa, 2023). Theo đó, vấn đề tổ chức công tác kế toán gắn với chuyển đổi số hiệu quả là vấn đề quan trọng tại Công ty Điện lực Gia Lai. Do đó, nghiên cứu thực trạng và đề ra giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán cho Công ty Điện lực Gia Lai trong xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ là vấn đề cần thiết về mặt lý luận và thực tiễn. 2
  3. 2. Thực trạng và đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai 2.1. Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán Hệ thống chứng từ kế toán sử dụng tại Công ty Điện lực Gia Lai thực hiện theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC. Theo đó, đơn vị luôn tuân thủ nội dung, phương pháp lập, ký chứng từ theo quy định của Luật Kế toán hiện hành và các văn bản pháp luật hướng dẫn của Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan khác của nhà nước. Tuy nhiên, công ty chưa ban hành bằng văn bản quy trình lập và luân chuyển chứng từ và thủ tục phê duyệt chứng từ cho tất cả các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Hiện nay, công ty chưa mở sổ đăng ký mẫu chữ ký có thể dẫn đến rủi ro về sự lợi dụng của kẻ xấu hay sự trốn tránh trách nhiệm khi có gian lận và sai sót xảy ra nên cần thực hiện mở sổ này. Công tác kiểm tra chứng từ phục vụ quyết toán đối chiếu số liệu giữa kế toán chi nhánh và kế toán công ty còn mất nhiều thời gian. Công tác bảo quản lưu trữ chứng từ ở các đơn vị trực thuộc và mở sổ đăng ký mẫu chữ ký cần được quan tâm hoàn thiện. 2.2. Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán Hệ thống tài khoản kế toán của công ty được tổ chức khoa học và chi tiết, đầy đủ, tuân thủ đúng quy định hiện hành đã giúp phản ánh toàn bộ tình hình tài sản, nguồn vốn của công ty. Cụ thể, công ty đã sử dụng linh hoạt tất cả tài khoản từ loại 1 đến loại 9 và chi tiết các tài khoản khi cần thiết để dễ dàng quản lý từng khoản mục, từng chi phí và theo dõi chặt chẽ sự biến động của các tài khoản. Tuy nhiên, để phục vụ tốt cho công tác kế toán quản trị của công ty, cần chi tiết hóa một cách linh hoạt, dễ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với mục tiêu quản lý theo từng thời kỳ và đặc trưng đặc thù của ngành điện. Các bộ mã chi tiết của hệ thống tài khoản cần đủ phong phú có thể kết xuất dữ liệu theo yêu cầu hẹp nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của lãnh đạo, bằng cách lọc dữ liệu theo yêu cầu chứ không nhất thiết đi qua tất cả các cấp chi tiết. Các bộ mã đối tượng quản lý cần đảm bảo tính khái quát và dễ hiểu, dễ sử dụng. Phương pháp mã hóa cần phù hợp với trình độ của người sử dụng. Sử dụng các phương pháp tạo sự dễ nhớ, khoa học và logic. Tóm lại, hiện tại hệ thống tài khoản kế toán tại công ty chưa đáp ứng tốt cho kế toán quản trị phục vụ công tác quản lý các đơn vị sản xuất điện lực huyện, đội quản lý và nhất là công tác quản lý chi phí. 2.3. Tổ chức hệ thống sổ sách kế toán Hiện nay, với phần mềm được lập trình sẵn, các biểu mẫu sổ sách kế toán tại công ty đã tuân thủ theo quy định rất phù hợp với tình hình hạch toán của công ty, nên mọi thông tin và số liệu rất chính xác dễ hiểu, dễ kiểm tra. Tuy nhiên, xử lý thông tin bằng máy vi tính vì 3
  4. vậy có thể xảy ra trường hợp máy móc có thể bị hư hỏng, vi rút dẫn đến tình trạng mất dữ liệu kế toán đã được ghi chép và công ty thường in sổ sách kế toán vào cuối năm tài chính. Hiện nay, công ty tuy có sử dụng phần mềm diệt vi rút nhưng chưa phải là một trong những phần mềm tốt nhất (Bkav, Windows Defender). Phương pháp cập nhật phần mềm diệt vi rút được thực hiện thủ công cho từng máy tính chưa phải là tối ưu và an toàn cao. Phần mềm kế toán theo dõi được công nợ từng khách hàng, tuy nhiên vẫn còn cho phép mở nhiều mã đối tượng công nợ (sổ chi tiết theo dõi nợ từng khách hàng, nhà cung cấp) khác nhau cho một đối tượng nợ. Việc này dễ gây nhầm lẫn trong thanh toán, thu hồi nợ. Công ty chưa mở một số sổ chi tiết, chi tiết cho một số chi phí sản xuất kinh doanh quan trọng có tỷ trọng cao trong kết cấu chi phí sản xuất như chi phí công tơ điện, thùng bảo vệ công tơ. Điều này có thể dẫn tới việc, quản trị chi phí sản xuất nói riêng và quản trị tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm nói chung chưa thực sự có hiệu quả cao. 2.4. Tổ chức hệ thống báo cáo kế toán Việc lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quản trị tại Công ty Điện lực Gia Lai đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước và của nội bộ ngành. Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính mới chỉ dừng lại ở việc thuyết minh cho các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh. Cần thuyết minh cụ thể hơn cho các chỉ tiêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Thông tin trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ chi tiết, cụ thể sẽ tăng độ tin cậy và rõ ràng cho số liệu kế toán. Ngoài ra, công ty tuy đã gửi báo cáo tài chính cho các cơ quan Nhà nước tại địa phương, gồm những biểu mẫu theo quy định nhưng chưa công khai thông tin tài chính trên website của công ty. Công ty cần thực hiện theo Thông tư 171/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 hướng dẫn về công khai thông tin tài chính theo quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc công khai báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp Nhà nước. 2.5. Tổ chức bộ máy kế toán Công ty đã tổ chức bộ máy kế toán theo hình thức tập trung nên tạo điều kiện cho các kế toán viên cập nhật và xử lý thông tin một cách nhanh chóng. Tổ chức bộ máy kế toán của công ty tương đối gọn nhẹ, đội ngũ kế toán công ty luôn có trách nhiệm, tận tâm với công việc. Gồm có 7 nhân viên kế toán, 1 thủ quỹ, 1 trưởng phòng tại phòng tài chính kế toán và mỗi Điện lực Huyện chỉ có 1 nhân viên kế toán thuộc phòng tổng hợp. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng (trình độ chuyên môn, năng lực, độ tuổi) lao động kế toán so với quy mô khối lượng hoạt động của công ty chưa đồng đều và thiếu nhân lực vào lúc hoạt động sản xuất kinh doanh cao điểm, công tác kế toán tăng đột xuất. Quy định phân công, mô tả công việc của từng nhân viên, phần hành kế toán đã có quy định, tuy nhiên chưa được chi tiết và việc gắn trách nhiệm của các nhân viên đó với công việc cần làm thì chưa được thể hiện rõ. Sự phân công nhiệm vụ cho các phần hành kế toán còn chưa chi tiết cụ thể. Chưa có sự phân 4
  5. công và lập kế hoạch cụ thể, chi tiết công tác kế toán quản trị theo từng phần hành kế toán. Công ty chưa xây dựng quy định về cơ sở đánh giá và phương pháp đánh giá năng lực cho lao động kế toán nhằm nâng cao chất lượng lao động kế toán. Việc nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho công tác kế toán là rất cần thiết nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin như máy tính, phần mềm kế toán cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn tương xứng với quy mô và hiệu quả quản lý mang lại. 2.6. Tổ chức kiểm tra kế toán Qua khảo sát, công ty chưa có bộ phận kiểm toán nội bộ hoặc bộ phận chuyên trách làm công tác kiểm toán nội bộ hoặc nhân sự chuyên trách kiểm tra kế toán để thực hiện yêu cầu kiểm soát trong nội bộ công ty. Theo đó, các nhân viên kế toán tự kiểm tra chéo nhau theo quy trình đã được xây dựng và được trưởng phòng kế toán thường kiểm tra, theo dõi thường xuyên. Bộ phận kế toán cấp trên cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra, nên cũng đảm bảo cho việc kiểm tra đạt kết quả tương đối ổn. Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch kiểm tra kế toán chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc kiểm tra như phạm vi, trình tự và nhân sự, thời hạn và thời gian, nội dung và kết luận. Công ty cũng chưa có quy định riêng về công tác tổ chức kiểm tra kế toán cho toàn công ty để có cơ sở pháp lý vững chắc và chất lượng kiểm tra. 3. Một số giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai trong bối cảnh chuyển đổi số 3.1. Hoàn thiện tổ chức hệ thống chứng từ kế toán Trước hết, công ty cần hoàn thiện tổ chức luân chuyển chứng từ kế toán. Công ty cần thiết lập quy trình lập và luân chuyển chứng từ, quy trình ký duyệt của những người có trách nhiệm lên chứng từ kế toán bằng văn bản riêng. Quy trình này do kế toán trưởng phê duyệt bằng văn bản, mô tả rõ ràng quy trình cho các chuỗi hoạt động trong từng nhóm nghiệp vụ sản xuất kinh doanh của công ty. Để chặt chẽ hơn, quy trình lập và luân chuyển chứng từ cần soạn thảo cụ thể hóa bằng các lưu đồ với tất cả các mẫu biểu kèm theo có liên quan đến quy trình đó. Lưu đồ mô tả quá trình luân chuyển chứng từ được sử dụng để theo dõi đường đi của chứng từ trong công ty, mô tả quá trình luân chuyển của chứng từ từ khi lập, hình thành đến khi đưa vào bảo quản lưu trữ. Đồng thời, cần mở sổ đăng ký mẫu chữ ký của các cá nhân có liên quan đến chứng từ kế toán theo quy định. Đối tượng cần đăng ký chữ ký mẫu là những người có trách nhiệm phê chuẩn nghiệp vụ, thực thi nhiệm vụ là giám đốc, các phó giám đốc, những người được ủy quyền, trưởng và phó các đơn vị trực thuộc, kế toán trưởng, các kế toán viên, thủ quỹ và thủ kho. Sau đó, công ty cần hoàn thiện tổ chức công tác bảo quản, lưu trữ chứng từ kế toán. Công ty cần phân loại các chứng từ, tài liệu 5
  6. theo quy định hiện hành và theo yêu cầu quản trị nội bộ nhằm thực hiện sắp xếp tài liệu trong kho lưu trữ một cách khoa học. Thực hiện công tác bảo quản phòng tránh mối mọt, ẩm ướt, cháy nổ,…. Công ty có thể thiết kế sổ theo dõi và nhật ký lưu chứng từ để định thời gian lưu trữ. Lập danh mục các chứng từ trong thời gian lưu trữ và hết thời hạn lưu trữ theo quy định để lên kế hoạch hủy bỏ. 3.2. Hoàn thiện tổ chức hệ thống tài khoản kế toán Để phục vụ tốt cho công tác kế toán quản trị của công ty và sửa đổi, nâng cấp hoặc thay đổi phần mềm kế toán tiên tiến và hữu ích hơn cho công tác kế toán, cần thiết tổ chức hệ thống tài khoản kế toán chi tiết hóa một cách linh hoạt, dễ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với mục tiêu quản lý theo từng thời kỳ và đặc trưng đặc thù của ngành điện. Do vậy, phải hình thành hệ thống tài khoản có cấu trúc dữ liệu phù hợp để có thể ghi lại toàn bộ các nghiệp vụ giao dịch tài chính kế toán. Mỗi giao dịch sẽ được ghi chép thông qua một chuỗi các ký tự sẽ được chia thành các nhóm số. Số lượng các nhóm số, độ dài và định dạng của từng nhóm sẽ được xác định ngay từ khi triển khai và được sử dụng nhất quán. Cấu trúc tài khoản kế toán sử dụng mã ghép nối. Bộ mã được chia thành nhiều vùng, mỗi vùng tương ứng với một thuộc tính của đối tượng. Cấu trúc tài khoản bao gồm các nhóm mã: mã công ty + mã chi nhánh + mã chi phí + mã tài khoản + mã loại hình + mã sản phẩm + mã yếu tố chi phí 3.3. Hoàn thiện tổ chức hệ thống sổ sách kế toán Tại Công ty Điện lực Gia Lai, hình thức kế toán trên máy vi tính tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có thể xảy ra trường hợp máy móc có thể bị hư hỏng và vi rút dẫn đến tình trạng mất dữ liệu kế toán. Phần mềm kế toán của công ty vẫn cần thường xuyên cải tiến nâng cấp. Sổ kế toán chi tiết cho một số chi phí sản xuất kinh doanh quan trọng có tỷ trọng cao trong kết cấu chi phí sản xuất của công ty cần được theo dõi đầy đủ. Ở công ty đã có hệ thống máy chủ (server) lưu trữ các dữ liệu hàng ngày nhưng để đảm bảo an toàn, bảo mật hơn nữa thì nên trang bị thêm các thiết bị lưu trữ dữ liệu tự động hiện đại (Data center). Có thể ghi dữ liệu ra ổ cứng để phục vụ cho việc lưu trữ các file backup dạng nén dữ liệu và các file này có thể phục hồi được khi dữ liệu chính bị hư hỏng hay mất, việc in sổ sách thay vì một năm in một lần chi nhánh nên tổ chức 6 tháng in các sổ sách một lần để lưu trữ. Định kỳ công ty nên tổ chức kiểm tra máy vi tính của các kế toán viên, để có hướng sửa chữa kịp thời khi máy móc có dấu hiệu xuống cấp và để sử dụng máy tính an toàn, ngoài việc hạn chế tối đa người khác tiếp xúc với máy tính. Công ty cần sửa đổi phần mềm kế toán theo dõi công nợ nhằm ngăn chặn việc mở nhiều mã đối tượng công nợ khác nhau cho một đối tượng nợ nhằm tránh nhầm lẫn trong theo dõi thanh toán, thu hồi nợ. Công ty thực hiện mở các sổ chi tiết cho một số chi phí sản xuất kinh doanh quan trọng có tỷ trọng cao trong kết cấu chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm như chi phí thiết bị công tơ đo đếm điện, thùng bảo vệ 6
  7. công tơ,… để quản trị hiệu quả nhất các khoản chi phí lớn nhằm đảm bảo thực hiện tốt định mức chi phí. 3.4. Hoàn thiện tổ chức hệ thống báo cáo kế toán Đối với thuyết minh báo cáo tài chính, công ty cần chú trọng hơn nữa nội dung, ý nghĩa thông tin trên thuyết minh báo cáo tài chính để cung cấp các thông tin xác thực và có ý nghĩa hơn nữa. Cần thuyết minh cụ thể hơn cho các nội dung cụ thể các chỉ tiêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Thông tin, số liệu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ càng chi tiết, cụ thể sẽ tăng độ tin cậy và giá trị quản lý cho số liệu kế toán, cần công khai thông tin tài chính theo quy định của Nhà nước. Thông tin tài chính là các thông tin quan trọng với các nhà đầu tư và các đối tượng bên ngoài công ty. Việc công khai thông tin giúp công ty có được sự tin cậy và hợp tác với các khách hàng, đối tác. Ngoài việc công khai thông tin thông qua hình thức nộp bản giấy hoặc file cho các cơ quan chức năng, công ty cần công khai thông tin trên website của công ty. Các thông tin cần công khai minh bạch là báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Kỳ công khai nên định kỳ hàng quý, bán niên và báo cáo năm. Hơn thế nữa, đơn vị có thể bổ sung thêm một số loại mẫu báo cáo kế toán quản trị cần thiết cho công ty phục vụ công tác quản trị để tăng hàm lượng khoa học. 3.5. Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán Trước hết, cần tăng cường nguồn nhân lực cả về lượng và chất. Bổ sung và phân bố hợp lý số lượng, trình độ cán bộ kế toán phù hợp với nhiệm vụ thực hiện trong từng phần hành kế toán tại văn phòng công ty, từng điện lực huyện. Tiếp đó, sắp xếp và phân công chức năng, nhiệm vụ cho các lao động kế toán trong công ty. Trưởng phòng kế toán cần quy định quy trình chặt chẽ từng khâu xử lý công việc để các mắt xích trong chuỗi tạo thành một hệ thống vận động nhịp nhàng, tránh để ứ đọng công việc tại một khâu, gây ảnh hưởng đến các phần hành công việc khác và làm chậm tiến độ hoàn thành các báo cáo. Tăng cường áp dụng các nguyên tắc bất kiêm nhiệm và nguyên tắc ủy quyền, phê chuẩn trong việc phân công nhiệm vụ lao động kế toán để tránh gian lận và sai sót. Hoàn thiện hơn nữa các quan hệ giữa bộ phận kế toán và các bộ phận khác trong công ty, nâng cao chất lượng công tác kế toán quản trị. Thực hiện công tác nhân sự và đào tạo, đào tạo lại và tự đào tạo cho lao động kế toán. Trang bị nâng cấp phương tiện, công cụ cho công tác kế toán. Ngày nay, công tác kế toán gắn liền với các phương tiện, công cụ hỗ trợ như máy tính, mạng nội bộ (LAN), mạng Internet, máy scanner, photocopy, máy in, các dịch vụ điện tử như hóa đơn điện tử, chữ ký số, phần mềm máy tính chạy trên nền tảng Web và mạng Internet với công nghệ thông tin di động. Chính vì vậy, trang bị công nghệ thông tin hiện đại cho người thực hiện công tác kế toán là điều luôn cần thiết trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. 7
  8. 3.6. Hoàn thiện tổ chức kiểm tra kế toán Tổ chức kiểm tra kế toán là một trong những mặt quan trọng trong tổ chức kế toán, nhằm đảm bảo cho công tác kế toán được thực hiện đúng quy định, có hiệu quả và cung cấp được thông tin phản ánh đúng thực trạng của công ty. Theo đó, Điện lực Gia Lai cần có bộ phận làm công tác kiểm toán nội bộ để thực hiện yêu cầu kiểm soát trong nội bộ doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nói chung và quản lý hoạt động tài chính - kế toán nói riêng. Nếu chưa tổ chức được bộ phận kiểm toán nội bộ riêng thì có thể bố trí nhân viên kiểm toán nội bộ chuyên trách có thể trực thuộc phòng thanh tra bảo vệ và pháp chế hoặc thuộc phòng tài chính kế toán. Nếu chưa tổ chức được hệ thống kiểm toán nội bộ, công ty phải phân công 1 hoặc 2 cán bộ chuyên trách kiểm tra kế toán. 4. Kết luận Trên cơ sở mô tả và đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai, chúng tôi nhận thấy cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa xu hướng chuyển đổi số và quá trình hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại công ty trong thời gian tới. Trước hết, Công ty Điện lực Gia Lai nói riêng và các doanh nghiệp ngành điện nói riêng cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng số liệu giao dịch ngày một lớn; ứng dụng công nghệ hiện đại để phân tích, xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh và an toàn về bảo mật. Hơn nữa, cần chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng. Theo đó, công ty cần xây dựng hệ thống bảo mật, an ninh mạng, thiết bị chuyên dụng như tường lửa (firewall), giải pháp phòng chống virus; thường xuyên kiểm tra an toàn, bảo mật để đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng, cập nhật, khắc phục các lỗ hổng về bảo mật đối với hệ thống. Đồng thời, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những thay đổi trong lĩnh vực kế toán. Ngoài ra, bản thân người làm kế toán tại đơn vị cũng cần ý thức được tầm quan trọng của công nghệ và những kỹ năng cần thiết để ứng dụng cho phù hợp xu thế, tiết kiệm nguồn lực và gia tăng hiệu quả công việc. Để có thể khai thác giá trị của công nghệ trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý và truy xuất dữ liệu, đồng thời tổng hợp dữ liệu giao dịch cho việc lập báo cáo tài chính và phân tách dữ liệu để lập các báo cáo đột xuất, người làm kế toán cần phải có hiểu biết nhất định và thay đổi để thích ứng với các công nghệ mới, như: tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây và ngôn ngữ báo cáo kinh doanh (Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phạm Trọng Nghĩa, 2023). Tóm lại, những công nghệ trong ứng dụng chuyển đổi số giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và bảo mật hơn; tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp cũng trở nên linh hoạt hơn. Bài viết này làm rõ thực trạng và 8
  9. đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán tại Công ty Điện lực Gia Lai, từ đó đề xuất một số giải pháp giúp tổ chức công tác kế toán tại đơn vị phù hợp hơn với bối cảnh chuyển đổi số, nhằm đạt được hiệu quả quản lý tài chính tốt hơn trong thời gian tới. Tài liệu tham khảo 1. Bảo Trân, (2021), Nỗ lực chuyển đổi số ngành Điện, Báo điện tử Nhân dân, https://nhandan.vn/thong-tin-so/no-luc-chuyen-doi-so-trong-nganh-dien-637052/. 2. Bộ Tài chính, (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp. Hà Nội. 3. Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phạm Trọng Nghĩa, (2023), Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 7/2023. https://tapchitaichinh.vn/chuyen- doi-so-trong-linh-vuc-ke-toan-tai-viet-nam.html. 4. Đinh Tuấn, (2018), Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Công ty Điện lực Bình Định, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Quy Nhơn. 5. Quốc hội, (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13, Hà Nội. 6. Thủ tướng Chính phủ, (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 ban hành Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2030, Hà Nội. 7. Trần Thị Cẩm Thanh, (2014), Giáo trình Tổ chức hạch toán kế toán, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 8. Vũ Ðức Chính, (2020), Triển khai chiến lược kế toán Việt Nam: Kết quả và định hướng đến năm 2030, Tạp chí Tài chính, số tháng 4/2020. 9
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2