Một số quan điểm dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông
lượt xem 5
download
Bài viết này trình bày một số bất cập trong dạy học Thống kê ở trường trung học phổ thông và đưa ra một số quan điểm nhằm đưa việc dạy học Thống kê ở trường phổ thông lên đúng tầm quan trọng cần thiết góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Một số quan điểm dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông
- JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Interdisciplinary Science, 2013, Vol. 58, No. 1, pp. 13-22 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn MỘT SỐ QUAN ĐIỂM DẠY HỌC THỐNG KÊ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Hoàng Nam Hải Khoa cơ bản, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương II, Đà Nẵng Tóm tắt. Bài báo đề cập đến tầm quan trọng của thống kê trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam; Một số hạn chế của thống kê được biên soạn trong sách giáo khoa Đại số 10; Thực trạng dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông. Từ đó chúng tôi đề xuất một số quan điểm dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông nên tập trung theo hướng phát triển năng lực đọc hiểu thống kê, năng lực suy luận thống kê với dữ liệu thống kê phù hợp thực tiễn, phù hợp sở thích cũng như lứa tuổi của học sinh. Chúng tôi xem xét dạy học thống kê trên quan điểm dạy học ứng dụng, dạy học giải quyết các bài toán thực tế bắt gặp trong cuộc sống để "đào tạo những con người lao động, tự chủ, sáng tạo, có năng lực giải quyết những vấn đề thường gặp". Từ khóa: Dạy học thống kê, năng lực đọc hiểu, suy luận thống kê, dạy học ứng dụng, bài toán thực tế. 1. Mở đầu Thống kê là một khoa học được ứng dụng sâu rộng trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội của loài người. Thống kê cung cấp những thông tin về sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai (dự báo ngắn hạn) của đất nước trong mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Những thông tin thống kê này là cực kì cần thiết giúp Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo nền kinh tế, làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Không những thế, thống kê còn là công cụ sắc bén, hữu hiệu để nhận thức hiện tượng kinh tế - xã hội. Tóm lại, chúng ta không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của thống kê trong đời sống, trong phát triển kinh tế - xã hội, trong giáo dục và an ninh quốc phòng [2]. Vì thế cung cấp những kiến thức thống kê cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc dạy học Thống kê ở trường phổ thông hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận. Bài viết này trình bày một số bất cập trong dạy Received July 8, 2012. Accepted January 28, 2013. Contact Hoang Nam Hai, e-mail address: goldsea_cdgtvt@yahoo.com 13
- Hoàng Nam Hải học Thống kê ở trường trung học phổ thông và đưa ra một số quan điểm nhằm đưa việc dạy học Thống kê ở trường phổ thông lên đúng tầm quan trọng cần thiết góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thực trạng dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông hiện nay Qua thực tiễn giảng dạy, qua phỏng vấn trực tiếp các đồng nghiệp hiện đang giảng dạy phổ thông trong nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy việc dạy và học Thống kê ở trường trung học phổ thông hiện nay còn hạn chế trên nhiều mặt. 2.1.1. Về sách giáo khoa Hiện nay, một bộ phận của thống kê mô tả được đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 7 trong chương trình Toán học kì II. Bước đầu các em được làm quen với số liệu thống kê, với khái niệm tần số, tần suất. Các biểu diễn toán lần đầu tiên được sử dụng để minh họa cho các số liệu thống kê, đó là các đường gấp khúc tần số, tần suất; biểu đồ hình cột; hình quạt. Qua trung học phổ thông các em gặp lại các khái niệm này trong chương V của chương trình Toán lớp 10. Nhìn chung các tác giả đã cố gắng biên soạn khá tốt phần thống kê trên quan điểm tiếp cận thực tiễn. Tuy nhiên, nói chung các số liệu thống kê được đưa ra đôi lúc chưa phù hợp thực tiễn, không phù hợp với nhận thức lứa tuổi của học sinh và tính giáo dục chưa cao. Chẳng hạn Bài 3, Bài 4 trang 123, Đại số 10; Bài 1, trang 161, Đại số 10 nâng cao;... Trong cả hai tập sách giáo khoa chưa có bài nào đề cập đến thu thập và xử lí số liệu thống kê mà học sinh - chủ thể nhận thức đóng vai trò chủ đạo. Các số liệu thống kê được đưa ra một cách giả định, vì vậy không làm cho học sinh hào hứng với môn học. Phần lớn bài tập đưa ra chỉ để vận dụng các công thức tính trung bình, trung vị, mốt, phương sai. Chưa có bài tập nào rèn luyện cho các em cách thu thập số liệu thống kê, đọc hiểu số liệu thống kê cho dưới dạng bảng biểu hay biểu đồ. Các bài toán giúp các em phân tích số liệu thống kê để rút ra kết luận có ý nghĩa thống kê nói chung rất hiếm. Trong khi đó, xu hướng chung của giáo dục trong bối cảnh hòa nhập, toàn cầu hóa lại đặt ra vấn đề cho giáo dục Toán là hướng học sinh đến "đọc hiểu, hiểu biết Toán và hiểu biết khoa học" [1,6] và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các bài toán thực tiễn. Vì vậy chất lượng dạy và học thống kê chưa đưa lại hiệu quả như các nhà giáo dục mong đợi. Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức to lớn khi hướng tới một chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA vào năm 2012. 2.1.2. Tình hình dạy và học thống kê ở trường trung học phổ thông hiện nay Với tầm quan trọng và nhu cầu học tập thống kê ngày càng gia tăng, tuy nhiên việc giảng dạy thống kê tại một số trường trung học phổ thông đang đối mặt với những khó 14
- Một số quan điểm dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông khăn trong việc giúp học sinh học tập môn học này. Qua thực tiễn nhiều năm giảng dạy, chúng tôi thấy rằng thực trạng dạy học thống kê đang thể hiện một số vấn đề sau: Thứ nhất, một số giáo viên dạy nhiều công thức, quy trình thống kê tách rời với tình huống thực tế, không phù hợp với lứa tuổi của các em. Số liệu thống kê lộn xộn, có nhiều lí giải khác nhau dựa trên những giả thuyết khác nhau... Tất cả điều đó dẫn đến những khó khăn khi gây hứng thú, lôi kéo học sinh tham gia hào hứng vào môn học. Thứ hai, đa số các giáo viên chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp, rèn luyện cho học sinh các kỹ năng, quy trình, kĩ thuật tính toán của môn học, những điều đó tuy là một mặt cần thiết nhưng không giúp ích được nhiều cho học sinh trong việc phát triển năng lực đọc hiểu cũng như năng lực suy luận thống kê. Thứ ba, khi gặp tình huống trong một số bài toán thống kê có thể làm cho học sinh hiểu sai, các em dựa trên những kinh nghiệm, trực giác sai lầm chủ quan của bản thân để đưa ra lời giải cho bài toán, giáo viên chưa kịp thời giúp học sinh hiểu đúng vấn đề. Thứ tư, học sinh đánh đồng thống kê với toán học và chờ đợi trọng tâm sẽ là các số và áp dụng công thức để tính toán. Thứ năm, cơ sở vật chất phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy môn học còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hạn chế trong việc phát triển năng lực suy luận thống kê cho học sinh. Thứ sáu, một số giáo viên giảng dạy không hào hứng và chưa được đào tạo chuyên sâu về môn học. 2.2. Một số quan điểm trong dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông hiện nay 2.2.1. Quan điểm 1: Số liệu thống kê đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông nên chọn lựa từ các số liệu thực tế phù hợp với thực tiễn lao động sản xuất, phù hợp với lứa tuổi học sinh Để học sinh tham gia hào hứng vào môn học thống kê, số liệu thống kê nên chọn lựa sao cho phù hợp hơn với tâm sinh lí lứa tuổi của các em, tạo ra những tình huống có vấn đề, một môi trường có dụng ý sư phạm. Không nên bắt đầu bài học với số liệu "Năng suất lúa hè thu năm 1998" [5;110]; hoặc "Để điều tra về số học sinh trong mỗi lớp học..." [4;159], thử hỏi có bao nhiêu phần trăm học sinh của ta quan tâm đến năng suất lúa một vụ mùa, biết số học sinh trong mỗi lớp học ở một trường Trung học phổ thông của Hà Nội để làm gì? Những số liệu thống kê trong các ví dụ dẫn nhập, bài tập tuy có tính thực tiễn nhưng không "tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập của học sinh". Vì vậy, số liệu thống kê đưa vào giảng dạy cho học sinh phổ thông chúng ta nên chọn lựa sao cho vừa phù hợp với lứa tuổi học trò vừa mang tính thực tiễn cao. Đó là những số liệu thống kê mà các em thực sự quan tâm, thực sự hứng thú với nó. 15
- Hoàng Nam Hải 2.2.2. Quan điểm 2: Hình thành phương pháp thu thập và xử lí số liệu thống kê cho học sinh thông qua dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông Song song với giảng dạy quy trình tính toán thống kê, chúng ta nên hình thành cho các em phương pháp thu thập số liệu thống kê. Chẳng hạn, thay vì cho một bảng dữ liệu chiều cao của 36 học sinh [5;111] chúng ta nên cho các em tự thu thập số liệu thông qua đo trực tiếp chiều cao của 36 bạn học sinh trong lớp. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm "Phương pháp dạy học cần hướng vào việc tổ chức cho người học học tập trong hoạt động và bằng hoạt động tự giác, tích cực, chủ động và sáng tạo" [6]. Hoặc ta có thể giao cho các em thu thập dữ liệu trực tiếp về tiền lương của một số công nhân trong một khu công nghiệp, hay đơn giản hơn số tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của gia đình em trong một tháng,... Điều này sẽ tạo nên tác dụng kép "Đổi mới và hiện đại hoá phương pháp giáo dục. Chuyển từ việc truyền thụ tri thức thụ động, thầy giảng, trò ghi sang hướng dẫn người học chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức; dạy cho người học phương pháp tự học, tự thu nhận thông tin một cách có hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp; phát triển năng lực của mỗi cá nhân; tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của học sinh, sinh viên trong quá trình học tập..." [8]. 2.2.3. Quan điểm 3: Rèn luyện năng lực đọc hiểu bảng biểu, biểu đồ thống kê thông qua dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông Trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin thống kê đang tràn ngập xung quanh ta, chúng được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó bảng biểu và biểu đồ thống kê là dạng trình bày số liệu khá phổ biến và ấn tượng. Con người thu nhận được rất nhiều thông tin hữu ích từ đó để phục vụ cho cuộc sống và tham gia tích cực vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năng lực đọc hiểu thông tin thống kê trình bày dưới dạng bảng biểu và biểu đồ không phải ai cũng giống nhau. Rèn luyện năng lực đọc hiểu thông tin thống kê cho học sinh là nhiệm vụ mà mỗi nhà giáo dục Toán chúng ta cần quan tâm, phát triển để giúp các em trở thành những công dân có giáo dục, có thể áp dụng những kiến thức học tập trên ghế nhà trường để thích nghi và xử lí một cách thông minh các bài toán thực tế bắt gặp trong đời sống lao động và sản xuất. Đó chính là mục tiêu mà học sinh Việt Nam đang hướng tới một chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA vào năm 2012, là cơ hội cũng như thách thức đối với ngành giáo dục Việt Nam trước bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Chúng tôi cho rằng: - Đọc hiểu thông tin thống kê là khả năng mỗi cá nhân có thể nhận biết, lí giải và đưa ra các phán xét, kết luận của mình trước những bài viết có liên quan đến thông tin thống kê. - Đọc hiểu bảng biểu, biểu đồ thống kê là khả năng mỗi cá nhân có thể nhận biết, lí giải và đưa ra các phán xét, kết luận của mình trước những bảng biểu, biểu đồ trình bày dữ liệu thống kê. Thông tin thống kê được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau, có thể dưới dạng bài viết, bảng biểu hay đồ thị, biểu đồ thống kê. Năng lực đọc hiểu thông tin thống kê được 16
- Một số quan điểm dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông trình bày dưới các dạng đó có thể dựa vào 3 tiêu chuẩn: - Hiểu và nhận biết được các thông tin thống kê; - Lí giải và suy luận từ các thông tin thống kê bao gồm xu hướng, quan hệ nhân quả; - Ứng dụng và tham gia vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Năng lực đọc hiểu thông tin thống kê trình bày qua bảng biểu, biểu đồ được đánh giá qua nhiều cấp độ khác nhau từ cấp độ 1 đến cấp độ 6 [4;109]. Tuy nhiên, sách giáo khoa Đại số 10 cơ bản và nâng cao hiện nay của chúng ta chưa đáp ứng được điều mong đợi này. Chúng tôi cho rằng trong quá trình giảng dạy thống kê ở phổ thông nên lồng ghép quan điểm này bất cứ lúc nào có thể được. Ví dụ sau sẽ minh họa rõ hơn cho quan điểm của chúng tôi. Ví dụ 1. Biểu đồ ở Hình 1, Hình 2 cho biết thông tin về tình hình xuất khẩu của Việt Nam (đơn vị: tỷ USD). Hình 1. Biểu đồ xuất khẩu của Việt Nam 2005-2009 Hình 2. Biểu đồ cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ yếu năm 2008 (Nguồn: Tổng cục Thống kê và Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2009). Câu hỏi 1: Cho nhận xét về tình hình xuất khẩu của Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2009? Câu hỏi 2: Năm nào Việt Nam có tổng giá trị xuất khẩu lớn nhất và tổng giá trị xuất khẩu năm đó là bao nhiêu? 17
- Hoàng Nam Hải Câu hỏi 3: Giá trị điện - điện tử xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2008 là bao nhiêu? A. 12,934 tỷ USD. C. 16,924 tỷ USD. B. 16,249 tỷ USD. D. 17,321 tỷ USD. Phân tích câu hỏi 1, câu hỏi 2 của bài toán rèn luyện cho học sinh năng lực đọc, giải thích và rút ra các nhận xét, đánh giá về xu hướng chung của số liệu thống kê được mô hình hóa dưới dạng biểu đồ. Trước hết giúp các em nhận xét theo hàng ngang: Xét từng yếu tố theo thời gian, xem yếu tố đang xét tăng hay giảm, tăng/giảm như thế nào, bao nhiêu phần trăm,... mức chênh lệch tăng, giảm giữa các yếu tố. Sau đó nhận xét qua hàng dọc: Xếp hạng các yếu tố. Yếu tố đang xét ở hạng nào? Hạng nhất, hạng nhì hay hạng ba,... Trường hợp biểu đồ có hai yếu tố trở lên chúng ta cho học sinh nhận xét từng yếu tố một, sau đó rèn luyện cho các em so sánh, tìm mối liên hệ giữa các yếu tố. Câu hỏi 3 chính là câu hỏi rèn luyện năng lực liên kết để từ đó phát triển năng lực đọc hiểu biểu đồ bậc cao cho học sinh, dựa trên năng lực này các em sẽ tính toán và lựa chọn ra kết quả đúng [3]. 2.2.4. Quan điểm 4: Tập trung vào hiểu biết thống kê và phát triển năng lực suy luận thống kê cho học sinh thông qua dạy học thống kê Trong thập niên qua trên thế giới đã có sự kêu gọi ngày càng mạnh mẽ về giáo dục thống kê ở phổ thông nên tập trung vào hiểu biết thống kê, suy luận thống kê và tư duy thống kê. Một trong những tranh luận chính là cách tiếp cận dạy học thống kê chỉ chú trọng vào các kĩ năng, quy trình và tính toán mà không chú ý đến việc phát triển năng lực suy luận thống kê. Khả năng đánh giá chính xác các số liệu, chứng cứ và các tuyên bố dựa trên tập số liệu là một kĩ năng vô cùng quan trọng mà bất kì học sinh nào cũng nên có, điều đó giúp cho các em phản ứng lại các thông tin định lượng trong thế giới xung quanh một cách đúng đắn và thông minh. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hiệp hội thống kê Mĩ David Moore đã viết: “Thống kê đòi hỏi phải là một phương pháp cơ bản để khám phá, một cách tư duy tổng quát quan trọng hơn bất kì kĩ thuật cụ thể nào tạo nên môn học”. Trước hết ta hãy làm rõ khái niệm suy luận thống kê: Suy luận thống kê là loại suy luận dựa trên tập dữ liệu thống kê để nhận biết, lí giải, phân tích và đưa ra các kết luận có ý nghĩa thống kê cũng như để phát hiện ra quy luật thống kê của một đám đông cùng loại [2]. Phát triển khả năng suy luận thống kê cho học sinh trung học là để đào tạo nên những công dân biết áp dụng các hiểu biết thống kê, các kĩ năng toán học vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn bắt gặp trong cuộc sống một cách chính xác và hiệu quả cao. Do đó, để rèn luyện năng lực suy luận thống kê cho học sinh trung học chúng ta cần dựa vào các năng lực sau của chính các em: - Đọc, giải thích và rút ra kết luận từ các mô hình toán học biểu diễn thông tin thống kê như là công thức, bảng biểu, biểu đồ. 18
- Một số quan điểm dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông - Mô hình hóa được những thông tin thống kê qua công thức, bảng biểu và các dạng biểu đồ. - Ước lượng và kiểm tra những câu trả lời đối với những vấn đề thực tiễn cuộc sống nẩy sinh có liên quan về mặt thống kê để xác định tính hợp lí và nhận dạng được nhiều khả năng, từ đó lựa chọn những phương án hợp lí nhất, tối ưu nhất. - Sử dụng những phương pháp toán, thống kê để giải quyết mọi vấn đề có liên quan về mặt thống kê và có thể thấy được những hạn chế của chúng trong đời sống lao động sản xuất. - Ứng dụng những kiến thức đã học tập vào thực tế cuộc sống. Các em có thể sử dụng những hiểu biết thống kê, những mô hình toán cũng như thống kê để phân tích, lí giải và hoàn thành các bài toán có liên quan về mặt thống kê [2]. Do đó, thông qua dạy học Thống kê chúng ta nên tập trung vào các nội dung có tác dụng phát triển năng lực hiểu biết thống kê, suy luận thống kê cho học sinh trung học phổ thông. Tuy nhiên, điều này được thể hiện rất mờ nhạt trong sách giáo khoa phổ thông hiện nay. Theo chúng tôi nên bổ sung nhiều dạng bài tập như sau để phát triển năng lực suy luận thống kê cho học sinh trung học phổ thông. Ví dụ 2. Khảo sát thuỷ văn phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi một dự án đầu tư xây dựng ta có bảng thống kê: Bảng 1. Bảng 1. Thống kê lượng mưa trung bình (mm) tháng và năm tại khu vực Đà Nẵng Tháng Địa điểm Năm 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Bà Nà 377 194 71 99 204 211 164 405 454 869 1378 759 5185 (1963-1966) Cẩm Lệ 57 17 17 33 97 110 54 92 362 622 417 154 2032 (1975-1988) Đà Nẵng 91 33 22 29 72 86 85 109 338 608 382 194 2049 (1931-1998) Tiên Sa 81 27 21 29 87 99 64 101 372 760 546 269 2456 (1975-1988) Câu hỏi 1: Nhận xét về tổng lượng mưa năm ở khu vực Đà Nẵng, chiều hướng gia tăng của lượng mưa? Câu hỏi 2: Nếu cho biết giới hạn tổng lượng mưa tháng là 100 mm, thì mùa mưa ở khu vực Đà Nẵng bắt đầu từ tháng nào? Cao nhất vào tháng nào? Câu hỏi 3: Cho biết phân bố lượng mưa theo thời gian ở khu vực Đà Nẵng như thế nào? Câu hỏi 4: Lập biểu đồ hình cột mô tả tổng lượng mưa các khu vực Đà Nẵng? Phân tích: Đây là bài toán mà số liệu thống kê được lấy từ bối cảnh thực tế của cuộc sống lao động sản xuất. Để trả lời được câu hỏi 1 các em phải vận dụng đến năng lực đọc hiểu số liệu thống kê cho trong bảng biểu để từ đó nhận biết, lí giải, phân tích và đưa đến 19
- Hoàng Nam Hải kết luận tổng lượng mưa trung bình năm khu vực Đà Nẵng trên 2000mm, xu hướng tăng dần về phía Tiên Sa, Bà Nà. Trả lời được câu hỏi này các em đã đạt được cấp độ 3 của phân tích và giải thích dữ liệu trong năng lực suy luận thống kê [2]. Phân tích, so sánh với giới hạn lượng mưa 100mm các em sẽ suy luận ra được mùa mưa ở Đà Nẵng bắt đầu từ tháng 8 tới tháng 12, tập trung cao nhất vào tháng 10. Lượng mưa phân bố theo thời gian không đồng đều, so sánh lượng mưa vào mùa mưa so với cả năm thì các em sẽ suy ra được mùa mưa chiếm 79,6% tổng lượng cả năm. Suy luận được điều này các em đã đạt được cấp độ 4, 5 của năng lực suy luận thống kê. Câu hỏi 4 giúp rèn luyện năng lực vẽ biểu đồ cho học sinh. 2.2.5. Quan điểm 5: Tăng cường khai thác các ứng dụng thực tiễn trong dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông Tuy rằng các tác giả đã cố gắng biên soạn phần thống kê trong Đại số 10 sát với thực tiễn, nhưng những số liệu thống kê còn mang tính giả định, chưa phù hợp, chưa sát với cuộc sống lao động sản xuất. Việc ứng dụng thống kê vào thực tiễn còn nhiều hạn chế, đôi khi những ví dụ đưa ra thiếu tính thuyết phục. Vì vậy, theo chúng tôi, trong quá trình giảng dạy thống kê cho học sinh trung học phổ thông, chúng ta cần tăng cường khai thác những ứng dụng thực tiễn để học sinh thấy được sự ứng dụng sâu rộng của thống kê vào mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Ví dụ sau chính là một ứng dụng thực tiễn mà ta mong đợi, trong đó số liệu thống kê được biểu diễn bằng biểu đồ thống kê, đây là một hình thức mà chúng ta hay gặp nhất trên các phương tiện truyền thông, trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng như của Nhà nước,... Ví dụ 3. Quan sát các biểu đồ trên Hình 3, Hình 4. Hãy trả lời các câu hỏi sau: Hình 3. Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2009 và so với cùng kỳ năm 2008 Câu hỏi 1: Dựa vào biểu đồ trên Hình 3 hãy cho biết thị trường có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong 7 tháng đầu năm 2009 là thị trường nào? Thị trường nào có 20
- Một số quan điểm dạy học thống kê ở trường trung học phổ thông mức tăng trưởng lớn nhất và mức tăng trưởng đó vào khoảng bao nhiêu? Câu hỏi 2: Mặt hàng nào là sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Mĩ trong 7 tháng đầu năm 2009 và đạt kim ngạch là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam? Hình 4. Biểu đồ xuất khẩu thủy sản vào Mĩ 7 tháng đầu năm 2009 Đây là một ứng dụng của thống kê trong phân tích thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Qua các số liệu thống kê mô tả trên biểu đồ các em sẽ dễ dàng nhận biết được thị trường có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong 7 tháng đầu năm 2009, đó là thị trường Mĩ. Rõ ràng biểu đồ thống kê cung cấp cho mọi người một hình ảnh trực quan sinh động dễ nhận biết, đây là một hình thức biểu thị số liệu thống kê thật tuyệt vời. Đọc các số liệu trên biểu đồ 1 các em sẽ thấy có 5 thị trường tăng trưởng so với cùng kì năm 2008, trong đó Trung Quốc tăng trưởng lớn nhất với gần 45%, tuy nhiên giá trị xuất khẩu vào thị trường này tương đối nhỏ chỉ khoảng 52 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2009. Câu hỏi 2 đòi hỏi các em huy động cụm năng lực liên kết giữa hai biểu đồ 1 và 2 để suy luận được tôm là mặt hàng có giá trị lớn nhất xuất khẩu vào Mĩ và đạt kim ngạch 185 triệu USD, sau Nhật Bản. So sánh với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm các em sẽ tính được tỉ lệ tôm xuất khẩu vào Mĩ chiếm 24,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó các em sẽ rút ra kết luận: "Mĩ là một thị trường quan trọng đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam". 3. Kết luận Thống kê được đưa vào giảng dạy trong chương trình toán Đại số 10, bước đầu cho thấy vị thế và tầm quan trọng của nó trong thực tiễn. Với một số quan điểm dạy học thống kê ở trường phổ thông nên tập trung khai thác các dữ liệu thực tế; tập trung vào phát triển năng lực đọc hiểu, năng lực suy luận thống kê; tăng cường khai thác các ứng dụng thực tiễn; từng bước hình thành năng lực thu thập và xử lí số liệu thống kê, chúng tôi hi vọng các nhà giáo dục Toán sẽ đổi mới phương pháp dạy học thống kê của mình, đưa đến một luồng gió mới, một cách tiếp cận mới trong dạy học, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học Thống kê toán trong trường trung học phổ thông. 21
- Hoàng Nam Hải TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Programme for International Student Assessment (PISA). The PISA 2003 Assessment Framework, Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD). [2] Hoàng Nam Hải, 2010. Về việc phát triển năng lực suy luận thống kê cho sinh viên cao đẳng chuyên nghiệp. Tạp chí Giáo dục, số 252, kì 2, tr. 36-40. [3] Hoàng Nam Hải, 2010. Sử dụng đồ thị, biểu đồ phát triển năng lực suy luận thống kê cho sinh viên cao đẳng chuyên nghiệp. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 6. [4] Hoàng Nam Hải, 2011. Practicing to master the tables and charts to develop statistical reasoning ability of high school students in Vietnam. Proceedings of APEC-Ubon Ratchathani International Symposium 2011: Innovation on Problem Solving-Based Mathematics Textbooks and E-textbooks, November 2-5, 2011, Ubon Ratchathani University, Thailand, pages 108-116. [5] Trần Vui, 2008. Đánh giá hiểu biết toán của học sinh 15 tuổi. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Đoàn Quỳnh (Tổng chủ biên), Nguyễn Huy Đoan (chủ biên), Nguyễn Xuân Liêm, Đặng Hùng Thắng và Trần Văn Vuông, 2011. Đại số nâng cao 10. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [7] Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV BCHTW Đảng CSVN, Khóa VII, 1/1993. [8] Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, Ban hành kèm theo Quyết số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ. ABSTRACT Some points of view regarding the teaching and learning of statistics in High Schools Our article deals with the importance of the use of statistics in Vietnam, limitations found in 10th grade algebra textbooks and the actual teaching and learning of statistics in high school. We propose the teaching and learning of statistics in high school should focus on developing students’ ability to understand written statistics and be able to make sense of actual statistical data that is relevant in daily life and the student’s hobbies and interests. We consider teaching and learning statistics making use of an applied teaching point of view, teaching students how to solve practical problems to "prepare a work force that is self-controlled, creative and capable of solving common problems". 22
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Phương pháp đổi mới dạy học ở trường Trung học
69 p | 2169 | 681
-
Tập huấn giáo viên: Đổi mới phương pháp dạy học ở trường Phổ thông
144 p | 748 | 145
-
Một số vấn đề chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông - Nguyễn Văn Cường
187 p | 289 | 62
-
Vận dụng một số lý thuyết dạy học trong đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông
9 p | 107 | 9
-
Phân tích so sánh một số quan điểm của cha mẹ và con cái - PGS.TS. Trương Thị Khánh Hà
10 p | 104 | 9
-
Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong dạy học toán ở trường phổ thông
12 p | 126 | 8
-
Những cơ sở khoa học và các nguyên tắc dạy học theo quan điểm dạy học phân hóa
5 p | 58 | 6
-
Một số biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản đa phương thức trong môn Ngữ văn
6 p | 94 | 6
-
Vận dụng quan điểm tương tác trong dạy học nhằm phát huy tính tích cực học tập của người học
4 p | 55 | 4
-
Vận dụng quan điểm dạy học phân hóa trong dạy học chương nitơ Hóa học lớp 11 nâng cao
11 p | 40 | 3
-
Quản lí dạy học môn Tiếng Anh cho học sinh trung học cơ sở theo hướng phát triển năng lực thực hành tiếng trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới
6 p | 34 | 3
-
Một số quan điểm tổ chức các hoạt động khám khá có hướng dẫn trong Sách giáo khoa Toán 8
10 p | 7 | 3
-
Dạy học thơ Nôm đường luật ở trung học phổ thông theo quan điểm dạy học tích hợp
10 p | 76 | 2
-
Một số quan điểm của Durkheim về xã hội học (Sách chuyên khảo): Phần 1
99 p | 8 | 2
-
Một số quan điểm của Durkheim về xã hội học (Sách chuyên khảo): Phần 2
144 p | 8 | 2
-
Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng trong giảng dạy Lý luận chính trị - Một số vấn đề đặt ra hiện nay
11 p | 6 | 2
-
Một số đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học đối với việc dạy học thể loại thơ
7 p | 79 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn