intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghiên cứu công bố thông tin bộ phận trên báo cáo tài chính tại doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

7
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nghiên cứu công bố thông tin bộ phận trên báo cáo tài chính tại doanh nghiệp Việt Nam" nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố đến công bố thông tin bộ phận (TTBP) bao gồm TTBP chính yếu và TTBP thứ yếu theo yêu cầu của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 28-Báo cáo bộ phận (BCBP). Nghiên cứu thực hiện với 129 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên 2 Sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sàn Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) giai đoạn từ 2013-2017. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghiên cứu công bố thông tin bộ phận trên báo cáo tài chính tại doanh nghiệp Việt Nam

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 NGHIÊN CỨU CÔNG BỐ THÔNG TIN BỘ PHẬN TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH TẠI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM RESEARCH ON DISCLOSURE OF SEGMENT INFORMATION ON FINANCIAL STATEMENTS IN VIETNAM ENTERPRISES TS. Đàm Thị Kim Oanh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Bài viết nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố đến công bố thông tin bộ phận (TTBP) bao gồm TTBP chính yếu và TTBP thứ yếu theo yêu cầu của Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 28-Báo cáo bộ phận (BCBP). Nghiên cứu thực hiện với 129 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên 2 Sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sàn Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) giai đoạn từ 2013-2017. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy phi tuyến Possion, kết quả đã chỉ ra nhân tố Đòn bẩy tài chính ảnh hưởng ngược chiều đến TTBP thứ yếu; Tuổi doanh nghiệp ảnh hưởng ngược chiều đến TTBP chính yếu; Số lượng buổi họp HĐQT ảnh hưởng ngược chiều đến TTBP chính yếu và Quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng thuận chiều đến TTBP chính yếu. Từ khóa: Thông tin bộ phận, Báo cáo tài chính, Doanh nghiệp niêm yết ABSTRACT The article studies the influence of factors on segment disclosure including primary segment information and secondary segment information as required by Vietnamese Accounting Standard No. 28-Segment Reporting. The study was conducted with 129 non-financial enterprises listed on Hanoi Stock Exchanges (HNX) and Ho Chi Minh City Stock Exchange (HOSE) in the period from 2013-2017. With using Poisson nonlinear regression model, the results have shown that the factor Financial leverage has a negative influence on the secondary segment information; The number of meetings of the Board of Directors and Firm age has a negative effect on primary segment information; and the size of the enterprise positively affects primary segment information. Keywords: Segment information, Financial statements, Listed companies 1. Giới thiệu Theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 8 cũng như Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 28 (VAS 28) yêu cầu doanh nghiệp niêm yết hoặc đang chuẩn bị trong quá trình niêm yết phải thực hiện công bố thông tin hoạt động từng bộ phận trên Thuyết minh Báo cáo tài chính. Theo VAS 28, yêu cầu doanh nghiệp lập báo cáo bộ phận (BCBP) chính yếu và BCBP thứ yếu theo lĩnh vực kinh doanh hoặc khu vực địa lý, tùy thuộc vào sự khác biệt về rủi ro cũng như lợi ích mà bộ phận tạo ra so với tổng thể hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, IFRS 8 yêu cầu mỗi bộ phận hoạt động là một bộ phận tham gia cấu thành các hoạt động của doanh nghiệp mà từ đó có thể kiếm được doanh thu và chịu chi phí (bao gồm cả doanh thu và chi phí liên quan đến các giao dịch với các bộ phận khác của doanh nghiệp) mà kết quả bộ phận này thường xuyên được giám 1758
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 đốc điều hành xem xét nhằm thực hiện quyết định về phân bổ các nguồn lực cho các bộ phận và đánh giá hoạt động của nó và có thông tin tài chính riêng rẽ. Lợi ích của công bố TTBP đối với các phân tích dự báo đã được điều tra bởi nhiều nghiên cứu trước đây. Nhiều nhà phân tích tài chính đã chỉ ra trình bày TTBP sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tính chính xác của các dự báo. Ví dụ như giá trị cổ phiếu được nâng cao bởi việc trình bày TTBP theo từng lĩnh vực kinh doanh (Tse, 1989). Hơn nữa, chính TTBP giúp cải thiện việc dự đoán thu nhập trên một cổ phiếu (Swaminathan, 1991). BCBP cho phép các nhà phân tích tài chính tích hợp tốt hơn dữ liệu của doanh nghiệp với các dữ liệu bên ngoài và tăng độ chính xác của dự báo về thu nhập trên một cổ phiếu (Balakrishnan, Harris & Sen, 1990). Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố thuộc về đặc điểm doanh nghiệp và các nhân tố thuộc về quản trị doanh nghiệp đến mức độ công bố TTBP chính yếu và thứ yếu của các doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu là cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cơ sở đưa ra các biện pháp cần thiết để cải thiện tình hình công bố TTBP của các doanh nghiệp Việt Nam. 2. Tổng quan nghiên cứu Nhiều nghiên cứu như nghiên cứu của Phạm Thị Thuỷ (2013), nghiên cứu Lê Thị Tú Oanh và Phạm Thị Hồng Hoa (2016) chỉ ra nhiều doanh nghiệp không thực hiện lập BCBP theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán. Các nghiên cứu Phạm Thị Thuỷ (2013), KPMG (2010), Lê Thị Tú Oanh và Phạm Thị Hồng Hoa (2016) và Nguyễn Thị Hồng Vân (2018) cũng chỉ ra đa phần các các doanh nghiệp lập BCBP theo lĩnh vực kinh doanh, số ít các doanh nghiệp lập BCBP theo khu vực địa lý. Các doanh nghiệp trình bày các chỉ tiêu thông tin trên BCBP cũng khác nhau, đặc biệt chỉ tiêu phản ánh kết quả hoạt động bộ phận. Các chỉ tiêu phản ánh kết quả bộ phận doanh nghiệp sử dụng khá đa dạng như: Lợi nhuận hoạt động kinh doanh; Lợi nhuận trước lãi vay và thuế; Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao; Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao có điều chỉnh. Mức độ công bố TTBP của các doanh nghiệp trên Thuyết minh BCTC là khá khác nhau, điều này được giải thích qua nhiều nghiên cứu về đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố đến mức độ công bố TTBP của các doanh nghiệp. Các nghiên cứu được thực hiện ở những quốc gia khác nhau đưa đến các kết quả không đồng nhất. Cụ thể như sau: Trước hết về nhân tố quy mô doanh nghiệp, hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra những doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ trình bày TTBP toàn diện hơn những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Theo Mishari & cộng sự (2013), kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng thuận chiều đến mức độ TTBP trình bày, cụ thể doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng sẵn sàng trình bày thông tin nhằm giảm chi phí chính trị và hạn chế sự can thiệp của chính phủ và các vấn đề kiện tụng. Trong khi đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn có xu hướng che giấu những thông tin nhạy cảm do việc cung cấp thông tin đầy đủ có thể ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp (Chavent & cộng sự, 2006). Kết quả này đồng nhất với nghiên cứu của Trần Thị Thúy An (2013) và Nguyễn Thị Hồng Vân (2018). Trái ngược với các nghiên cứu trên phải kể đến nghiên cứu Kabir & cộng sự (2013) chỉ ra nhân tố quy mô doanh nghiệp không ảnh hưởng đến mức độ công bố TTBP của doanh nghiệp. Tiếp đến là nhân tố khả năng sinh lời, nghiên cứu Manuela & cộng sự (2013) tại Ý và ở Việt Nam nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Phương Thúy (2010) và tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân (2018) đều cho kết quả có mối liên hệ ngược chiều giữa nhân tố khả năng sinh lời với việc công 1759
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 bố TTBP. Trái ngược là nghiên cứu Mishari & cộng sự (2011) thực hiện tại Kuwait lại chỉ ra mối quan hệ thuận chiều giữa nhân tố khả năng sinh lời và công bố TTBP. Trong khi đó nghiên cứu Júlia & cộng sự (2016) tại Brazil lại không tìm thấy ảnh hưởng của nhân tố khả năng sinh lời đến mức độ công bố TTBP. Về nhân tố đòn bẩy tài chính hay còn gọi là hệ số nợ, BCBP có thể được sử dụng bởi các nhà quản lý để tăng cường giám sát trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người cho vay, dự kiến khi tỷ lệ đòn bẩy tài chính tăng lên, các công ty có động lực hơn để tiết lộ TTBP để giảm thông tin bất cân xứng với các chủ nợ. Do đó, tồn tại của một mối quan hệ thuận chiều đáng kể giữa đòn bẩy tài chính và công bố TTBP đã được xác nhận bởi Bradbury (1992), Giner & cộng sự (1997), Júlia & cộng sự (2016), Mishari & cộng sự (2011), Michael (1992) và Trần Thị Thuý An (2013). Trái với những gì mong đợi, một mối quan hệ ngược chiều giữa đòn bẩy tài chính và mức độ công bố TTBP được tìm thấy bởi Kelly (1994). Nghiên cứu của Kabir & Hartini (2013) nhằm đánh giá ảnh hưởng của Thành viên HĐQT không điều hành, Quy mô HĐQT, Cuộc họp HĐQT trong năm, Tính tách biệt CEO và chủ tịch HĐQT, Tính độc lập của Ban kiểm soát, Quy mô Ban kiểm soát nội bộ, Số buổi họp Ban kiểm soát nội bộ, Quy mô doanh nghiệp, Loại hình doanh nghiệp đến mức độ công bố TTBP. Lý do nghiên cứu lựa chọn năm 2011 là vì đây là năm trước năm công ty niêm yết ở Nigieria phải bắt buộc tuân thủ theo IFRS trong việc lập và trình bày BCTC năm. Nghiên cứu đã chỉ ra chỉ duy nhất tính tách biệt của Chủ tịch HĐQT là ảnh hưởng đến việc trình bày TTBP của các doanh nghiệp tại Nigieria, các biến độc lập còn lại không có ảnh hưởng đáng kể nào đến việc trình bày TTBP. Về nhân tố chủ thể kiểm toán, trong nghiên cứu của Mishari & Faisal (2011), Trần Thị Thuý An (2013) và Nguyễn Thị Hồng Vân (2018) chỉ ra mối nhân tố chủ thể kiểm toán có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ trình bày TTBP. Những doanh nghiệp được kiểm toán bởi công ty Big-4 có xu hướng trình bày TTBP đầy đủ hơn công ty được kiểm toán không bởi Big-4. Về nhân tố mức độ phân tán quyền sở hữu đến mức độ công bố TTBP thực hiện với nhiều nghiên cứu khác nhau cho các kết quả khác nhau. Cụ thể, nghiên cứu của Kabir & cộng sự (2013), Mishari & cộng sự (2011), Manuela & cộng sự (2013) chỉ ra nhân tố này không ảnh hưởng đến mức độ TTBP công bố. Trái ngược, nghiên cứu của McKinnon & cộng sự (1993) lại chỉ ra nhân tố mức độ phân tán quyền sở hữu có quan hệ thuận chiều đến mức độ công bố TTBP. Nghiên cứu của Annelien (2009) thực hiện với 119 doanh nghiệp tại Bỉ chỉ ra rằng nhân tố mức độ phân tán quyền sở hữu ảnh hưởng ngược chiều đến mức độ công bố TTBP bắt buộc trên BCBP chính yếu và thứ yếu. 3. Cơ sở lý thuyết 3.1. Lý thuyết đại diện (Agency Theory) Lý thuyết đại diện có thể giải thích được sự khác biệt về lợi ích giữa một bên là người cung cấp, công bố thông tin (người đại diện) và một bên là người sử dụng thông tin (chủ doanh nghiệp, cổ đông). Sự khác biệt về lợi ích và cách thức đạt được lợi ích giữa người công bố thông tin và người sử dụng thông tin có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của từng đối tượng trong quá trình cung cấp TTBPKD. Vấn đề này có thể dẫn đến việc điều chỉnh hành vi của từng bên, và làm phát sinh các chi phí giám sát, có thể tạo thành nhân tố tác động đến công bố TTBPKD. 3.2. Lý thuyết tín hiệu (Signalling Theory) Mặc dù Lý thuyết tín hiệu ban đầu được phát triển để làm rõ sự bất đối xứng về thông tin 1760
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 trong thị trường lao động (Spence, 1973), nó đã được sử dụng để giải thích việc công bố thông tin trong báo cáo của công ty (Ross, 1977). Kết quả của vấn đề bất đối xứng thông tin là các công ty cố gắng cung cấp thông tin nhất định cho các nhà đầu tư để cho thấy rằng họ là tốt hơn so với các công ty khác trên thị trường với mục đích thu hút đầu tư và nâng cao danh tiếng (Verrecchia, 1983). Tự nguyện công bố thông tin nghĩa là các công ty sẽ tiết lộ nhiều hơn thông tin hơn so với những quy định bắt buộc yêu cầu của luật pháp và các quy định để báo hiệu rằng họ là tốt hơn (Campbell & cộng sự, 2001). Nghiên cứu về Lý thuyết tín hiệu (Richard, 2012) đã góp phần dự đoán rằng các công ty chất lượng cao hơn sẽ lựa chọn các chính sách kế toán cho phép thông tin tốt sẽ được tiết lộ, trong khi các công ty có chất lượng thấp sẽ lựa chọn chính sách kế toán mà cố gắng để giấu thông tin có chất lượng kém. Ví dụ, một công ty chất lượng cao hơn có thể sẽ sẵn sàng cung cấp TTBPKD về rủi ro cũng như lợi nhuận theo từng hoạt động của nó, nhưng một công ty có chất lượng thấp sẽ không cung cấp. Tương tự như vậy, một công ty chất lượng cao có thể tự nguyện tiết lộ một dự báo thu nhập, nhưng công ty chất lượng thấp sẽ không. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Giả thuyết nghiên cứu Quy mô doanh nghiệp Căn cứ vào Lý thuyết chi phí sở hữu, quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng cùng chiều đến mức độ công bố TTBP của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ công bố nhiều thông tin hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, bởi vì doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ nếu công bố càng nhiều thông tin sẽ dẫn đến tình trạng bất lợi và làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Một số nghiên cứu Salamon & Dhaliwal (1980), Bradbury (1992), McKinnon & Dalimunthe (1993), cũng chỉ ra quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng đến thực tế công bố thông tin bắt buộc của doanh nghiệp. Vì thế, tác giả sẽ kiểm định giả thuyết quy mô doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ công bố TTBP. H1: Quy mô doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố. Khả năng sinh lời Căn cứ trên Lý thuyết tín hiệu chứng minh rằng những công ty có lợi nhuận cao thường có động cơ cung cấp nhiều thông tin cho các nhà đầu tư vì với tín hiệu tốt như vậy các công ty này sẽ giảm được chi phí huy động vốn (Verrecchia, 1983). Nghiên cứu của Inchausti (1997) dựa trên Lý thuyết tín hiệu cho rằng khi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì nhà quản trị doanh nghiệp tìm cách công bố nhiều hơn những thông tin tốt nhằm gây ảnh hưởng tích cực làm gia tăng giá cổ phiếu của công ty. Mặc dù các nghiên cứu Giner & cộng sự (1997) và Saada (1998) đã tìm ra sự tác động thuận chiều của khả năng sinh lời đến mức độ công bố TTBP, trong khi Kelly (1994) và Leuz (1999) lại chỉ ra mối quan hệ ngược chiều. Như vậy, mối quan hệ về nhân tố khả năng sinh lời đến mức độ công bố TTBP là chưa đồng nhất trong các nghiên cứu khác nhau. Vì thế, tác giả sẽ kiểm định giả thuyết khả năng sinh lời của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ công bố TTBP. H2: Khả năng sinh lời của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố. 1761
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Đòn bẩy tài chính Vì TTBP có thể được các nhà quản lý sử dụng để tăng cường giám sát mối quan hệ đại diện với người cho vay, nó được kì vọng rằng khi tỷ lệ đòn bẩy tài chính tăng, các công ty có nhiều động lực để công bố thông tin nhằm giảm chi phí đại diện này. Do đó một mối quan hệ cùng chiều dự kiến sẽ được tìm thấy giữa tỷ lệ đòn bẩy tài chính và mức độ công bố TTBP. Sự tồn tại của một mối quan hệ cùng chiều đáng kể này đã được chỉ ra trong các nghiên cứu Salamon & Dhaliwal (1980), Bradbury (1992), Mitchell & cộng sự (1995) và Giner & cộng sự (1997). Trái với những gì đã được mong đợi, nghiên cứu của McKinnon & Dalimunthe (1993), Kelly (1994), Leuz (1999), McKinnon & Dalimunthe (1993) và Kelly (1994) lại tìm thấy sự tương quan không đáng kể giữa đòn bẩy tài chính và mức độ công bố TTBP. H3: Đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố. Tuổi của doanh nghiệp Glaum & Street (2003) lập luận rằng các công ty trẻ hơn thường tập trung vào sản phẩm và thị trường thay vì kế toán khi doanh nghiệp mới thành lập. Ngoài ra, các nhà quản lý của các công ty trẻ thường có ít kinh nghiệm hơn trong việc điều hành một công ty niêm yết và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, quy định. Kết quả ảnh hưởng thuận chiều của nhân tố tuổi doanh nghiệp đến mức độ thông tin được công bố đa phần tìm thấy trong nhiều nghiên cứu Arif & Tuhin (2013), Zare & cộng sự (2013), Mohammed & Islam (2014). Tuy nhiên, có nghiên cứu của Kabir & Ibrahim (2014) chỉ ra rằng nhân tố tuổi doanh nghiệp không ảnh hưởng đến mức độ công bố TTBP tự nguyện. Vì thế, tác giả xây dựng giả thuyết như sau: H4: Tuổi của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố. Quy mô HĐQT HĐQT với chức năng là giám sát hoạt động của Ban giám đốc và đồng thời đưa ra quyết định về chính sách hoạt động kinh doanh. Quy mô HĐQT là khá quan trọng vì quy mô của HĐQT sẽ ảnh hưởng đến phạm vi chuyên môn để đưa ra quyết định tốt hơn (Zahra & Pearce, 1989). Nhiều nghiên cứu như Adebimpe & Peace (2011), Allegrini & Greco (2011), Al-Janadi & cộng sự (2013) tiết lộ mối quan hệ thuận chiều của quy mô HĐQT với mức độ công bố thông tin. Trong khi đó, nghiên cứu của Xiang & Li (2014), Yermack (1996) lại khẳng định không có mối quan hệ giữa quy mô HĐQT và thông tin được công bố. Tác giả sẽ kiểm định giả thuyết quy mô HĐQT của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP được công bố. H5: Quy mô HĐQT của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố. Số lượng thành viên HĐQT không điều hành Nghiên cứu của Cerbioni & Parbonnetti (2007) cho thấy HĐQT với đa số là thành viên không điều hành sẽ giúp giảm thiểu mâu thuẫn đại diện (agency conflict). Fama & Jensen (1983) cũng đề xuất rằng HĐQT có tỷ lệ thành viên HĐQT không điều hành cao hơn sẽ thúc đẩy hơn quá trình kiểm soát công ty. Hơn nữa, mối quan tích cực giữa tỷ lệ thành viên HĐQT không điều hành và mức độ sẵn sàng công bố thông tin được tìm thấy trong nghiên cứu Cheng & Courtenay (2006), Ajinkya & cộng sự (2005), Arcay & Vasquez (2005). Dựa trên kết quả của các nghiên cứu này, 1762
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 giả thuyết số sáu tiếp theo được đưa ra để kiểm định như sau: H6: Số lượng thành viên HĐQT độc lập của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố Sự tách biệt CEO và chủ tịch HĐQT (IDV) Nhiều nghiên cứu Jensen (1993); Goyal & Park (2002) đã chỉ ra rằng HĐQT mà CEO đồng thời nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT thực hiện chức năng giám sát yếu hơn so với các HĐQT mà có sự tách biệt giữa CEO và chủ tịch HĐQT. Forker (1992) lập luận rằng việc tách biệt chức năng CEO và chủ tịch HĐQT làm giảm việc che giấu thông tin và làm cho thông tin minh bạch hơn. Cheng & Courtenay (2006) cho thấy có mối liên hệ thuận chiều giữa sự độc lập của HĐQT và công bố thông tin tự nguyện của các doanh nghiệp niêm yết ở Singapore. Vì thế, tác giả sẽ đi kiểm định giả thuyết tiếp theo như sau: H7: Sự tách biệt CEO và chủ tịch HĐQT có mối quan hệ thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố Chủ thể kiểm toán (AUDIT) DeAngelo (1981) lập luận rằng các công ty kiểm toán lớn hơn có danh tiếng tốt hơn và do đó sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu họ không báo cáo một hành vi vi phạm được phát hiện hoặc làm sai sót hoặc xuyên tạc các hành vi gian lận BCTC của khách hàng được kiểm toán. Wallace & cộng sự (1994) lập luận rằng các công ty được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán quốc tế Big-4 có nhiều khả năng cung cấp thông tin chi tiết hơn so với các công ty được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán địa phương. Do vậy, giả thuyết về tác động của chủ thể kiểm toán đến mức độ TTBP được công bố sẽ được xây dựng như sau: H8: Chủ thể kiểm toán tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố. Mức độ phân tán quyền sở hữu (OWNDIF) Lý thuyết đại diện được sử dụng để giải thích Người quản lý điều hành doanh nghiệp sẽ tìm cách giảm các chi phí này bằng cách cung cấp nhiều thông tin hơn (Morris, 1987). Mặt khác, theo nghiên cứu Epstein & Pava (1993) chỉ ra rằng BCTC là thông tin quan trọng cho các cổ đông thiểu số. Theo đó, những công ty mà có số lượng lớn các cổ đông thiểu số thường có động cơ cung cấp nhiều thông tin hơn những công ty có ít các cổ đông thiểu số. Nghiên cứu của Dumontier & Raffournier (1998) cung cấp bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp có sự phân tán quyền sở hữu cao hơn sẽ tự nguyện tuân thủ chuẩn mực kế toán hơn những doanh nghiệp có sự phân tán quyền sở hữu thấp hơn. Theo Annelien (2009) chỉ ra mức độ phân tán quyền sở hữu ảnh hưởng rõ rệt đến các TTBP bắt buộc trên BCBP chính yếu. Dựa trên đó, giả thuyết sau đây được xây dựng: H9: Mức độ phân tán quyền sở hữu của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP chính yếu và thứ yếu được công bố. Số lượng buổi họp HĐQT (MEET) HĐQT là cần thiết để đáp ứng mục tiêu của hoạt động quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là nhằm đảm bảo tính tin cậy, tính so sánh được và tính minh bạch của BCTC. HĐQT nếu thường xuyên họp sẽ đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả (Lipton & Lorsch, 1991). Điều này đã chứng tỏ rằng mức độ hoạt động của HĐQT sẽ thúc đẩy hoạt động tương lai của doanh nghiệp phát triển hơn (Vafeas, 1999). Tần suất họp HĐQT và mức độ tham gia của các thành viên 1763
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 trong HĐQT sẽ là cơ sở thúc đẩy thực hiện các cam kết của HĐQT và từ đó cải thiện tính tin cậy của thông tin tài chính cung cấp cho người sử dụng. Vì thế, giả thuyết sau được đưa ra: H10: Số lượng buổi họp HĐQT của doanh nghiệp tác động thuận chiều đến mức độ TTBP được công bố. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu được thực hiện trên mẫu nghiên cứu gồm 645 báo cáo tài chính của 129 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên sàn HNX và HOSE trong giai đoạn 2013-2017. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy phi tuyến Poisson để kiểm định 10 giả thuyết trên để đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố đến mức độ công bố TTBP chính yếu (PRI_SEG) và TTBP thứ yếu (SE_SEG). Bảng 3.1: Thống kê mô tả các biến Biến Đo lường Mean Std. Dev. Min Max Số lượng khoản mục TTBP 8,027 4,307 2 25 PRI_SEG chính yếu công bố trên BCTC Số lượng khoản mục TTBP thứ 0,286 0,803 0 5 SE_SEG yếu công bố trên BCTC SIZE Logarit tổng tài sản 11.866 0.722 1.022 1.379 PROFIT ROA 0.063 0.093 -0.221 0.990 LEVERAGE Nợ phải trả/Tổng tài sản 0.504 0.222 0.007524 0.948 Số năm doanh nghiệp hoạt AGE động 17.442 8.556 3 45 Bằng 1 nếu công ty được kiểm toán bởi công ty kiểm toán Big-4, nếu không thì nhận giá AUDIT trị 0 0.195 0.397 0 1 Số lượng thành viên HĐQT IDV độc lập không điều hành 3.629 1.282 1 9 Bằng 1 nếu có sự tách biệt giữa CEO và chủ tịch HĐQT và bằng 0 nếu CEO đồng thời chủ DUAL tịch HĐQT 0.708 0.455 0 1 Tỷ lệ phần trăm cổ phiếu được nắm giữ bởi các cổ đông có tỷ OWNDIF lệ dưới 5% 47.768 21.693 0.49 100 MEET Số lượng buổi họp HĐQT 9.448 11.601 1 156 BOARD Số lượng thành viên HĐQT 5.726 1.202 3 11 Nguồn: Kết quả xử ký từ STATA 15.1. 1764
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Trong các biến TTBP chính yếu, TTBP thứ yếu dễ dàng nhận thấy giá trị của các biến TTBP chính yếu (PRI_SEG), luôn lớn hơn không. Còn các biến TTBP thứ yếu (SE_SEG), nhận giá trị là các số tự nhiên bắt đầu từ không. Tuy nhiên, mô hình hồi quy Poisson chỉ phù hợp với các biến đếm bắt đầu từ không. Do đó ta sử dụng các biến như sau: PRI_SEG2 = PRI_SEG – 2. Việc làm này nhằm mục đích để nhận được các biến nhận giá trị nguyên bắt đầu từ không. Với mô hình RE Poisson cho các biến phụ thuộc PRI_SEG2, SE_SEG, ta sử dụng p-value nhỏ hơn 0.05, kết quả nhận được như sau: - Nhân tố Tuổi doanh nghiệp (AGE), Số lượng buổi họp HĐQT (MEET) và Quy mô doanh nghiệp (SIZE) ảnh hưởng đến TTBP chính yếu (PRI_SEG2) (xem Bảng 3.2). Bảng 3.2: Kết quả phân tích hồi quy bội với biến TTBP chính yếu (PRI_SEG2) - Nhân tố Đòn bẩy tài chính (LEVERAGE) ảnh hưởng đến TTBP thứ yếu (SE_SEG) (xem Bảng 3.3). 1765
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Bảng 3.3: Kết quả phân tích hồi quy bội với biến TTBP thứ yếu (SE_SEG) 4.3. Thảo luận kết quả Kết quả cho thấy phần lớn các doanh nghiệp chỉ lập BCBP chính yếu và chủ yếu là BCBP chính yếu theo lĩnh vực kinh doanh, rất ít doanh nghiệp lập thêm BCBP thứ yếu. Lý giải cho việc không lập BCBP thứ yếu được doanh nghiệp giải thích trên thuyết minh BCTC như sau: đối với doanh nghiệp đã lập BCBP chính yếu theo lĩnh vực kinh doanh và không lập thêm BCBP thứ yếu theo lĩnh vực địa lý là do doanh nghiệp chỉ hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam nên không lập BCBP thứ yếu theo khu vực địa lý, còn đối với doanh nghiệp lập BCBP chính yếu theo khu vực địa lý và không lập BCBP thứ yếu theo lĩnh vực kinh doanh là do doanh nghiệp chỉ kinh doanh một loại mặt hàng nên không lập BCBP thứ yếu theo lĩnh vực kinh doanh. Nhìn chung BCBP chính yếu hay thứ yếu được lập theo khu vực địa lý chủ yếu được các doanh nghiệp trình bày theo địa lý ba miền “Miền Bắc”, “Miền Trung” và “Miền Nam” hoặc trình bày theo “Trong nước” và “Nước ngoài” (hoặc “Xuất khẩu”). Kết quả chỉ ra Quy mô doanh nghiệp có quan hệ thuận chiều với TTBP chính yếu nhưng không có sự ảnh hưởng ý nghĩa với TTBP thứ yếu. Nghiên cứu này của tác giả đồng nhất với nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng Quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng thuận chiều đến TTBPKD được công bố Salamon & Dhaliwal (1980), Bradbury (1992), McKinnon & Dalimunthe (1993), Mitchell & cộng sự (1995), Herrmann & Thomas (1996), Saada (1998), Leuz (1999), Trần Thị Thúy An (2013) và Nguyễn Thị Hồng Vân (2018). Theo Lý thuyết chi phí sở hữu (Dye, 1986; Verrecchia, 1983) đã lý giải: mức độ thông tin mà doanh nghiệp cung cấp phụ thuộc vào những chi phí mà doanh nghiệp phải đối mặt. Điều mà doanh nghiệp lo ngại nhất là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Do vậy, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường chịu ảnh hưởng nhiều, nếu 1766
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 công bố thông tin ở mức độ lớn nào đó hoặc công bố thông tin nhiều hơn sẽ gây các bất lợi và tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuổi doanh nghiệp có quan hệ ngược chiều với TTBP chính yếu và không có sự ảnh hưởng có ý nghĩa với TTBP thứ yếu. Kết quả này mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu của Arif & Tuhin (2013), Zare & cộng sự (2013), Mohammed & Islam (2014) khi kết luận rằng doanh nghiệp thành lập lâu năm thì công bố nhiều thông tin hơn các doanh nghiệp mới thành lập. Thực tế tại Việt Nam, công tác kế toán quản trị chưa phát triển cao. Việc xây dựng một hệ thống quản trị đầy đủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, trình độ và chi phí… Do vậy, thông thường, ở những doanh nghiệp có thời gian hoạt động (tuổi) lâu hơn thường sẽ có hệ thống kế toán nói chung đầy đủ và hoàn thiện hơn, và hệ thống kế toán quản trị cũng thường được chú trọng hơn. Vì thế, trong doanh nghiệp hoạt động lâu năm, các chủ sở hữu và nhà quản lý sẽ có khả năng tiếp cận được nhiều TTBP hơn từ kế toán quản trị và có khả năng họ không có nhu cầu phải công bố nhiều TTBP. Số lượng buổi họp HĐQT có quan hệ ngược chiều với TTBP chính yếu và TTBP thứ yếu. Điều này khác với kết quả nghiên cứu của Kabir & Hartini (2013) cho rằng nhân tố số lượng buổi họp HĐQT không ảnh hưởng đến mức độ TTBP được công bố trên BCTC của các doanh nghiệp Nigieria. Nghiên cứu ở Việt Nam về công bố thông tin nói chung, không đề cập riêng đến TTBP lại chỉ ra chỉ ra nhân tố số lượng buổi họp HĐQT có quan hệ ảnh hưởng cùng chiều đến thông tin được công bố của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Phạm Ngọc Toàn & Nguyễn Thành Long, 2017). Lý giải nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp tổ chức càng nhiều buổi họp HĐQT càng ít có nhu cầu cung cấp TTBP chính yếu. Bởi vì, thông qua các buổi họp thành viên HĐQT đã có nhiều thông tin chi tiết và tâm lý lo ngại công bố nhiều TTBP trên BCTC sẽ có thể tạo ra những bất lợi cho doanh nghiệp. Việc công bố đầy đủ thông tin BCBP bên cạnh ưu điểm là cung cấp cho người sử dụng thông tin kế toán của doanh nghiệp một bức tranh toàn cảnh và chi tiết về hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ tốt hơn cho việc ra quyết định kinh doanh hoặc quyết định đầu tư, thì mặt khác cũng tiềm ẩn nguy cơ tiết lộ quá nhiều thông tin cho đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các điểm mạnh, yếu của từng hoạt động kinh doanh, từng bộ phận, thị trường của doanh nghiệp. HĐQT và Ban giám đốc của doanh nghiệp có thể vì lo ngại quy cơ này sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cho nên có xu hướng không muốn công bố TTBP trên BCTC. Khả năng sinh lời có quan hệ cùng chiều với TTBP thứ yếu và không có sự ảnh hưởng có ý nghĩa với TTBP chính yếu . Kết quả này chứng tỏ rằng doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả, làm ăn có lãi cao sẽ công bố nhiều TTBP thứ yếu hơn. Kết quả nghiên cứu của luận án tương đồng với một số nghiên cứu một số nghiên cứu Giner & cộng sự (1997) và Saada (1998) cho rằng doanh nghiệp cung cấp nhiều TTBP hơn khi kinh doanh hiệu quả hơn. Nhưng kết quả của luận án lại ngược lại với nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Thúy (2010) và Nguyễn Thị Hồng Vân (2018) cho rằng mối quan hệ ngược chiều giữa nhân tố khả năng sinh lời và mức độ công bố TTBP. Theo Lý thuyết tín hiệu, những công ty có lợi nhuận cao thường có động cơ cung cấp nhiều thông tin cho các nhà đầu tư vì với tín hiệu tốt như vậy các công ty này sẽ giảm được chi phí huy động vốn (Verrecchia, 1983). Dựa trên Lý thuyết chi phí sở hữu, dự kiến khả năng sinh lời càng cao thì công ty càng đẩy mạnh công bố thông tin nhằm giảm nguy cơ bị lựa chọn bất lợi trên thị trường. Khi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, mà kết quả này được tạo ra từ chính kết quả của những bộ phận hoạt động tốt thì khả năng cao nhà quản lý sẽ sẵn sàng công bố thông tin về nhưng bộ phận này. Vì nhà quản lý muốn có bằng chứng chứng minh cho chủ sở hữu doanh nghiệp biết rằng họ 1767
  11. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 đã điều hành doanh nghiệp tốt với hi vọng sẽ nhận được các lợi ích lớn hơn từ phía chủ sở hữu (lương, thưởng, cổ phiếu, lợi ích khác). Như vậy, suy cho cùng động cơ công bố TTBP có quan hệ khá chặt chẽ với mục đích tối đa hóa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm các nhà quản lý theo đúng giải thích của Lý thuyết đại diện. Đòn bẩy tài chính chỉ có quan hệ cùng chiều với TTBP thứ yếu và không có sự ảnh hưởng có ý nghĩa với TTBP chính yếu. Kết quả của nghiên cứu cũng khá tương đồng với nghiên cứu của McKinnon & Dalimunthe (1993), Kelly (1994) và Leuz (1999) tìm thấy sự tương quan không đáng kể giữa đòn bẩy tài chính và mức độ công bố TTBPKD nói chung. Các nghiên cứu này được thực hiện ở Đức và Ý, vào những năm đó trong nghiên cứu giải thích các doanh nghiệp chủ yếu vay vốn ngân hàng, có quan hệ thân cận với ngân hàng nên có xu hướng cung cấp thông tin riêng cho ngân hàng thay vì cung cấp thông tin trên BCTC. Xét về khía cạnh này khá giống với thị trường Việt Nam. 5. Kết luận TTBP trên BCTC là thực sự cần thiết cho các đối tượng sử dụng đặc biệt là nhà đầu tư. TTBP được cung cấp đầy đủ và kịp thời sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhờ đó phát huy được tối đa chức năng thu hút vốn cho nền kinh tế của TTCK. TTCK Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Cùng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với nên kinh tế khu vực và thế giới, cơ hội và thách thức ngày càng nhiều, để có thể đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, TTCK Việt Nam cần có sự hoàn thiện hơn nữa về nhiều mặt, đặc biệt là cần nâng cao tính minh bạch thông tin, một trong những yếu tố then chốt để xây dựng thị trường lành mạnh và ổn định. Điều này phụ thuộc vào sự chấp hành các quy định về công bố thông tin của bản thân các doanh nghiệp tham gia thị trường và các cơ quan có liên quan trong việc ban hành chính sách, quy định, đôn đốc và kiểm soát việc công bố thông tin. Nhận thức được việc công bố TTBP đầy đủ theo yêu cầu của Chuẩn mực kế toán không những tạo cơ sở thuận lợi cho nhà đầu tư mà còn tạo động lực phát triển TTCK Việt Nam trong tương lai. Nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố đến vấn đề công bố TTBP chính yếu và thứ yếu, tác giả đã lựa chọn mô hình Poisson phù hợp. Kết quả nghiên cứu chứng tỏ Nhân tố Tuổi doanh nghiệp, Số lượng buổi họp HĐQT và Quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng đến TTBP chính yếu và Nhân tố Đòn bẩy tài chính ảnh hưởng đến TTBP thứ yếu. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Annelien D. (2009), Segment Reporting of Belgian listed companies, The degree of Master, Gent Univerity. [2] Archambault J.J., and Archambault M.E (2003), ‘A Multinational Test of Determinants of Corporate Disclosure’, The International Journal of Accounting, Vol. 38, pp. 173-194. [3] Bộ Tài chính (2015), Thông tư 155,2015/TT-BTC, ngày 6/10/2015. [4] Bộ Tài chính (2005), Chuẩn mực kế toán số 28 Báo cáo bộ phận, ngày 15/2/2005. [5] Bùi Thị Thủy (2015), ‘Vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập trong các công ty cổ phần’, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, Số 163, Tr. 2-9. [6] Bradbury, M.E., (1992), ‘Voluntary disclosure of financial segment data: NewZealand Evidence’, Accounting and Finance, Vol. 32(1), pp. 12-26. 1768
  12. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 [7] Chavent M., Ding Y., Fu L., Stolowy H. and Wang H. (2006), ‘Disclosure and determinants studies: An extension using the Divisive Clustering Method (DIV)’, European Accounting Review, Vol. 15(2), pp. 181. [8] Kabir I. and Hartini J. (2013), 'Corparate Governance and Disclosure on Segment Reporting: Evidence from Nigeria', Proceedings of Global Business and Finance Research Conference, Vol. 5, No. 2, pp. 98-133. [9] KPMG (2010), The Application of IFRS: Segment Reporting, từ http://www.kpmg.com/CN/en/IssuesAndIsights/ArticlesPublication/Documents/IFRS- segment-reporting-O-201009.pdf. [10] Manuela L. and Ferdinando D. C (2013), An analysis of Segment Disclosure under IFRS 8 and IAS 14R: Eviedence from Italian Listed Companies. [11] Mardini G. L., Grawford L. and Power D. M. (2012), ‘The impact of IFRS 8 on disclosure practices of Jordanian listed companies’, Journal of Accounting in Emerging Economies, Vol. 2(1), pp. 676-690. [12] McKinnon, J.L., and Dalimunthe, L. (1993), ‘Voluntary disclosure of segment information by Australian diversified companies’, Accounting and Finance, Vol. 33(1), pp. 33-50. [13] Milgrom P. R. (1981), ‘Good news and Bad news: Representation Theorems and Applications’, Bell Journal of Economics, Vol. 12(2), pp. 380. [14] Mitchell, T.D., Chia, C. W. L and & Loh A. S (1995), ‘Voluntary disclosure of segment information: Futhet Australian evidence’, Accounting and Finance, Vol. 33(2), pp. 1-16. [15] Mishari M. A and Faisal S. A (2011), ‘What explains variation in Segment Reporting? Evidence from Kuwait’, Intenational Business & Economics Reasearch Journal, Vol. 10, pp. 31-46. [16] Nguyễn Thị Hồng Vân (2018), Hoàn thiện việc công bố thông tin báo cáo bộ phận trong hệ thống báo cáo tài chính tại các doang nghiệp cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Học viện Tài chính. [17] Nguyễn Thị Phương Thúy, (2010), Hoàn thiện báo cáo bộ phận trong kế toán Việt Nam theo hướng phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh. [18] Phạm Thị Thủy (2013), ‘Trình bày và sử dụng thông tin về báo cáo bộ phận theo VAS 28 tại các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam’, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số đặc biệt tháng 12/2013, trang 42-48. [19] Swaminathan S. (1991), ‘The impact of SEC Mandated Segment Data on Price Variability and Divergence of Beliefs’, The Accouting Review, Vol. 66(1), pp. 23-41. [20] Tạ Quang Bình và Lê Thị Ngọc Quỳnh (2102), ‘Các nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin tự nguyện: Dẫn chứng từ các công ty phi tài chính niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam’, Hội thảo Khoa học Quốc tế, Đại học Thương Mại. [21] Trần Thị Thúy An, (2013), Thực trạng và giải pháp hoàn thiện trình bày và công bố báo cáo bộ phận của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh. [22] Trivedi (2014), ‘Models for Count Data’, Encyclopedia of Health Economics, Vol. 2, pp. 306-311. [23] Tse S. (1989), ‘Attributes of Industry, Industry Segment, and Firm-specific Information in Security Valuation’, Contemporary Accounting Research, Vol. 5, pp. 592-614. 1769
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1