intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Người Con Gái Dinh Mười

Chia sẻ: đức Phúc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

84
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chuyến tàu Sài Gòn Hà Nội về đến ga Đồng Hới đúng 6 giờ chiều. Trời đã nhạt nắng. Mùa đông hẳn là mau tối. Sau 75 ngành đường sắt có nhiều thay đổi về mặt hình thức, những nhà ga chính qua các thành phố đều được chỉnh trang xây cất thêm, lại còn trang trí cây cảnh, trông rất mát mắt. Tuy nhiên bên trong vẫn còn nhiều bất cập, từ cách tiếp khách, bán vé, ăn uống, vệ sinh trên tàu...rất luộm thuộm nhếch nhác. Ra khỏi ga, tôi gọi một xe ôm, anh xe còn trẻ,...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Người Con Gái Dinh Mười

  1. vietmessenger.com Trần Công Nhung Người Con Gái Dinh Mười Chuyến tàu Sài Gòn Hà Nội về đến ga Đồng Hới đúng 6 giờ chiều. Trời đã nhạt nắng. Mùa đông hẳn là mau tối. Sau 75 ngành đường sắt có nhiều thay đổi về mặt hình thức, những nhà ga chính qua các thành phố đều được chỉnh trang xây cất thêm, lại còn trang trí cây cảnh, trông rất mát mắt. Tuy nhiên bên trong vẫn còn nhiều bất cập, từ cách tiếp khách, bán vé, ăn uống, vệ sinh trên tàu...rất luộm thuộm nhếch nhác. Ra khỏi ga, tôi gọi một xe ôm, anh xe còn trẻ, có vẻ hiền. - Anh biết khách sạn nào tương đối ở được đưa tôi đến. - Dạ răng chú? - Khách sạn sạch sẽ, có nước nóng máy lạnh...mà gần trung tâm thành phố. - Dạ, cháu đưa chú tới khách sạn ni, gần cầu Dài. Nghe tên cầu Dài tôi đồng ý ngay, bởi đây là nơi tôi có nhiều kỷ niệm tời đi học. - Vậy đi ngay kẻo tối, à mà anh lấy tôi bao nhiêu? - Dạ chú cho mười ngàn. Không hiểu sao anh xe thồ đưa tôi đến khách sạn này. Suốt con đường Quang Trung bao nhiêu là Hotel, anh lại chọn khách sạn Vàng Anh. Tôi nghĩ, chắc anh đã hợp đồng đưa khách để có tiền cò. Nhưng không, anh chỉ nhận mười nghìn đồng nơi tôi rồi quay xe đi kiếm mối. Tôi đặt ba lô máy trên vai xuống và đến bên quầy làm thủ tục nhận phòng. Tiếp tân là một cô gái nhỏ nhắn, mặc chiếc áo ngắn tay, hai màu, tóc buộc đuôi gà. Khuôn mặt không đầy, hơi có dạng trái soan. Nước da đậm đà không phấn sáp. Cô nhìn tôi mỉm cười: - Chú cho cháu mượn chứng minh để đăng ký công an. Tôi cúi xuống thọc tay vào túi, toan tìm giấy tờ thì kịp ngẩng lên nhìn vào đôi mắt của cô "Lễ tân". Tôi vừa chợt nhận ra, dường như trong ánh mắt cô gái có cái gì u ẩn. Một vùng tối
  2. mông mênh. Thấy tôi thẳng người nhìn, cô lại cười, cười rất nhẹ. Miệng cười mà mắt vẫn buồn buồn. Tôi đưa cho cô bản sao hộ chiếu và visa. - Mời chú lên phòng 203. Tôi cảm ơn và nhìn lại đôi mắt cô gái một lần nữa. Người thanh niên phụ dịch mang hành trang của tôi lên phòng. May mà phòng lầu hai. Đi bộ mấy cũng được nhưng mỗi ngày hai bận lên xuống lầu tư, lầu năm, thì có rẻ mấy tôi cũng không màng. Tôi cho như thế vừa mất thì giờ vừa mất sức. Làm xong công việc tẩy sạch bụi đường là trời sụp tối. Nghe chừng khách sạn không mấy người. Tôi lần xuống phòng khách, uống trà và chuyện vãn cho đỡ nhớ nhà và cũng là dịp tìm hiểu thêm nơi mình đã bỏ đi mấy mươi năm. Tôi hỏi anh nhân viên trực: - Thường mấy giờ khách sạn đóng cửa? - Dạ, 12 giờ, chú đi chơi thoải mái. - Tôi quay lại phía cô lễ tân : - Khách vào đông nhất là khoảng giờ nào hả cháu? - Thưa chú, từ 4 giờ chiều đến 9 giờ đêm. Nhưng sau 8 giờ là hết khách. - Vậy cháu phải thức đến 12 giờ ? - Dạ. Tôi nói chuyện một lúc rồi kết thúc: - Cảm ơn các cháu, chú lên nghỉ đây. - Chú không đi chơi phố. - Chú thường ngủ sớm và dậy rất sớm. Sáng, mấy giờ có thể mở cửa. - Dạ, chú muốn mấy giờ cũng được. Từ cửa sổ lầu hai nhìn xuống, thấy một phần con đường Quang Trung, là phố chính nhưng không mấy tấp nập. Sông Nhật Lệ tối đen, dòng sông được đánh dấu bằng ánh đèn lung linh của những thuyền đánh cá. Đẹp nhất có lẽ hình ảnh chiếc Cầu Dài. Cầu Dài cầu Ngắn hai chiếc cầu đi liền nhau. Đây là chỗ rẽ của sông Nhật Lệ, một nhánh đi Mỹ Trung, một nhánh lên Long Đại. Gọi là dài, kỳ thực cầu chưa quá 300m, thân cầu ưỡn cong lên. Những ngọn đèn cao áp nhòe nhoè trong màn sương đêm. Lâu lâu có một người quang gánh, cảnh trở nên mộng ảo. Đẹp.. Những ngày nghỉ học tôi thường vào xóm Câu rủ bạn lên cầu Dài tắm lội, hồi ấy có những ông Tây hay xuống chân cầu bê tửng tảng san hô lên bờ cạy sò ăn tại chỗ. Họ ăn ngon lành nhưng chúng tôi không dám bắt chước. Tôi đứng nhìn cảnh đêm khá lâu, đoạn phim thời xa xưa quay lại rõ trong tôi, cho đến hình ảnh cuối cùng chấm dứt tôi mới trở vào phòng.
  3. Nằm một lúc vẫn chưa ngủ được, cảm giác tàu chạy, hình ảnh lúc ban ngày cứ lởn vởn mãi, tôi chập chờn cho đến bốn giờ sáng thì tĩnh dậy. Bên ngoài sương dày đặc. Năm giờ, mọi người còn ngon giấc. Tôi gọi anh bảo vệ đang ngủ trong góc phòng khách: - Phiền anh mở cửa giùm. - Chú đi sớm rứa. Ba lô máy trên lưng tôi băng qua đường, đi lên phía cầu, đứng ngắm cảnh thuyền qua lại trên sông mập mờ trong sương sớm. Những chiếc ghe lớn đầy cát hoặc sạn, chẳng hiểu họ lấy từ lúc nào, đã chen nhau sắp lớp dưới bến, ngay chân cầu. Xe tải, xe công nông (Xe chế từ máy cày Trung Quốc) ào tới "bốc hàng". Quay lại con đường dọc bờ sông, trời đã sáng, đã nom rõ những con thuyền gần bờ. Sương từng lớp đặc, phân cảnh gần xa thành nhiều đợt, chẳng khác gì một bức tranh thủy mạc. Người dân đi đường tò mò đứng lại nhìn tôi đang lom khom chụp ảnh. Ngay sau chỗ tôi đặt chân máy, sát lề đường, một cô gái đang bày thịt heo, bán cho các nhà bán lẻ. Cô có đầu tóc khá dài, trong tư thế ngồi, tóc cô gần chấm đất. Tôi di chuyển máy dần về phía chợ, nhiều hoạt cảnh buổi sáng lạ mắt. Cho đến lúc sương tan, cảnh vật trở lại nguyên hình, tôi xếp chân máy, ba-lô lên vai và đi quanh thành phố. Thành phố Đồng Hới nay khang trang hơn mười năm trước nhưng vẫn chưa có cái tấp nập nhộn nhịp của Sài Gòn hay Hà Nội. Không thấy xích lô, xe thồ nhiều. Mờ sáng, xe ôm đã tụ lại trước các khách sạn hoặc đứng các ngã tư đường. Ngày nay xe thồ cũng hợp thời trang hơn. Không còn thồ bằng xe đạp mà xe Dream hay xe Min. Thấy tôi, họ tưởng khách nhỡ đường nên cứ rà theo mời: - Chú đi mô chú? - Chú đi xe cháu chở hè. Tôi vui vẻ trả lời một vài người về sau chỉ lắc đầu. Một câu mà nhắc lại nhiều lần trong lúc mình mãi ngắm cảnh, xem ra cũng mệt. Tôi vòng một vài khu phố rồi về khách sạn, cất đồ đạc, xuống phòng khách. Nếu không có việc gì cần, ít khi tôi nằm trong phòng, phòng chỉ dành cho giấc ngủ. Khác với trong Nam, các tỉnh miền Bắc thường dùng trà Bắc Thái, trong khách sạn hoặc quán ăn, trà đều ngon. Khách ngồi vào bàn là đã có người đến pha trà. Cô "Lễ Tân" pha bình trà đầu ngày, rót một tách mời tôi: - Mời chú uống trà. - Cảm ơn, cô đừng bận tâm. - Sáng chú đi ngắm cảnh sớm rứa? - Sương mù quá đẹp, tôi không ngờ gặp được dịp may này. Mấy bữa trước có sương như vầy không cô? - Dạ không, đây là lần đầu cháu thấy. Sương mù không mặt trời răng chú chụp ảnh được? - Thế mới đẹp. Cô gái cúi xuống, cười với vẻ nghi ngờ. Tôi hỏi sang chuyện khác:
  4. - Khách sạn vắng, công việc có vẻ nhàn hỉ. - Dạ cũng nhiều việc lắm chú à. Nói xong cô đi vào trong mang ra một mớ khăn lau, khởi sự cho công việc đầu ngày. Bàn ghế, cửa gương tủ kính, hai bàn tay nhỏ nhắn thoăn thoắt một nhoáng là xong. Vừa nhấp trà tôi vừa nhìn ra bờ sông, làng mạc ghe thuyền hiện ra lộn xộn không còn huyền ảo như lúc sáng sớm. Lát sau, cô lễ tân xách một bộ ga men đi ra và hỏi tôi: - Chú muốn ăn sáng chi, cháu mua luôn. Tôi ngạc nhiên vừa thích thú, đáp ngay: - Nếu được, mua giùm chú vài trái bắp. - Chú ăn bắp? Có nhiều món ngon mà rẻ, phở gà, cháo lươn, cháo canh. Có lẽ cô gái nghĩ tôi tiếc tiền, tôi giải thích: - Vâng, cảm ơn cháu, nhưng chú rất thích ăn bắp. Bên Mỹ bắp không ngon bằng bắp ta. - Thật hả chú? Cháu thấy Nho, Táo Mỹ rất ngon, đắt mấy người ta cũng ăn. - Nhiều khi do ám thị mà ra cả. Xứ ta có cam Xã Đoài, bưởi Đoan Hùng, Phúc Trạch, Biên Hòa, xoài Bình Định, sa bô chê, nhãn hạt tiêu và nhiều thứ khác mà Mỹ không có, hoặc có cũng không sánh bằng. - Vậy mà cháu cứ tưởng... Tôi nhìn cô gái tỏ ra thông cảm: - Nhiều người như thế chứ không riêng cô. Cô gái quay đi dấu một nụ cười, rồi ra sân đạp xe xuống chợ. Quê hương có nhiều đặc sản, đối với tôi bắp là món đặc biệt. Bao nhiêu năm ở xứ người, tôi chưa thấy nơi nào có bắp ngon như xứ mình, ngon nhất là bắp Phan Rang. Ngọt, dẽo, thơm đậm đà. Bắp Mỹ ngọt như đường nhưng ăn nửa trái đã ngán và cảm thấy như nhai toàn xác, không có hương vị của bắp Việt. Mặt trời đã lên cao. Chiếc máy Digital toòng teng trước ngực, tôi đi dạo phố một vòng. Đi dạo thì không phải mang máy móc nặng nề, máy digital nhỏ nhẹ là hay nhất. Thành phố Đồng Hới có hai con đường lớn song song, đường Quang Trung và đường dọc bờ sông Nhật Lệ, chạy ra tận bãi biển xã Quang Phú. Các dinh thự đều mọc trên hai con đường này. Những đường ngang, phố xá khiêm nhường hơn. Cư dân không đông lắm nên sinh hoạt chỉ tập trung quanh khu chợ Đồng Hới. Thành phố yên tĩnh, ngoại trừ những khi có xe đò Bắc Nam chạy qua. Các di tích lịch sử còn sót là Quảng Bình Quan, nằm ngay trên đường Quang Trung và lối rẽ lên Cộn. Nhà thờ Tam Tòa còn giữ lại nét hoang phế như một chứng tích của chiến tranh. Thành Phủ Đồng Hới có nhiều chỗ đổ nát... Một người cho hay, cư dân Đồng Hới ngày nay toàn người các huyện, còn dân lớp cũ trong kỳ Mỹ đánh phá đã sơ tán lên Cộn, nay không trở về nữa.
  5. Cái đẹp hấp dẫn của Quảng Bình đối với du khách là Động Phong Nha, với dân nhiếp ảnh thì không có gì đặc biệt, song đây là nơi gốc gác của mình nên tôi có nhiều mối hoài cảm lưu luyến. Thong thả qua các phố, cố tìm lại đôi ba kỷ niệm ấu thời, nhưng hình ảnh trong tôi chỉ là một mớ ký ức mơ hồ nhòa nhạt... Trưa về, tôi tạt qua phòng ăn chào mọi người. Những người làm trong khách sạn đang dùng bữa, họ ăn uống chuyện trò vui vẻ. Cô gái lễ tân ân cần hỏi tôi: - Thưa chú đã dùng cơm chưa? - Tôi đã ăn ngoài phố, khách sạn có thể nấu cho tôi ăn được không. Mọi người quay nhìn tôi có đôi chút ngạc nhiên. Thường các nhà nghỉ đều có nấu cơm cho khách. Có lẽ đây vắng nên không ai nghĩ đến chuyện đó chăng. Cô gái vui vẻ trả lời: - Dạ được. - Vậy thì hay quá, ăn ngoài một mình buồn lắm. Buổi sáng sương dày đặc trời mát nhưng trưa thì nắng gắt cho đến ba giờ mới dịu. Tôi ngồi uống trà ở phòng khách vừa đọc cuốn "Người thường gặp" của Trần Đăng Khoa, tác giả có giọng văn huỵch toẹt làm cho người đọc không nhịn được cười. Cô gái lễ tân đến hỏi tôi ăn gì để lát cô đi chợ. Tôi lấy làm lạ: - Cháu vừa tiếp tân, vừa đi chợ nấu ăn nữa sao ? - Dạ...biết nhiều khổ nhiều chú ạ. Cô bé có lối ăn nói gợi cảm, tôi mời ngồi cùng uống trà. - À, qua nay mà chưa biết tên, cô tên... - Dạ tên cháu xấu lắm! Tôi nhìn ra xa và nói như giảng bài : - Tên chỉ để gọi, để xưng hô lúc giao tiếp chứ có liên quan gì xấu đẹp. Một người đã đẹp, mang tên gì cũng không thể hóa thành xấu... - Dạ... tên cháu là một loài hoa trong chùa, người ta bảo cháu sẽ khổ... Eo ơi, sao giữa ban ngày mà cô bé lại nói một câu liêu trai quá vậy. - Cô tên Liên, gì Liên? - Dạ Phương Liên. - Trời đất, tên đẹp vậy mà bảo xấu, tôi không thể hiểu. Cô có biết Phương Liên nghĩa gì không? - Dạ...không. Tôi nhấp một tí trà rồi nhìn ra bờ sông giảng tiếp:
  6. - Liên là hoa sen, sen có nhiều màu: Hồng Liên, Bạch Liên, Bích Liên, Tuyết Liên...ai cũng ghép cho hoa sen một màu sắc, riêng cô cho hoa một mùi thơm, Phương Liên là hoa sen thơm... Hai bàn tay vân vê nhau, mặt cô bé hơi cúi xuống nhưng vẫn cho thấy vẻ hân hoan vừa e thẹn. - Lần đầu tiên cháu hiểu được tên mình...cảm ơn chú. Nói xong cô đứng dậy đi vào trong. Lát sau lại ra: - Chú chưa cho cháu biết chú thích ăn món gì. - Cho chú một dĩa rau luộc, canh cá, ăn chi cũng được, miễn ít dầu mỡ... Buổi chiều Liên bưng lên phòng cho tôi mâm cơm rất tươm tất. Cá chim chiên, canh bún tàu nấu thịt nạc và dĩa rau muống luộc. Tôi cảm động thật sự. - Sao không để chú ăn chung với mọi người cho vui. - Đông người làm, phức tạp lắm, chú cứ ăn đây cho tiện. Tôi mời Liên ngôì nói chuyện trong lúc ăn cơm, tôi ăn hết các thứ. Xong bữa, tôi đã hiểu một phần nỗi lòng người con gái. Mồ côi mẹ từ năm học lớp sáu, hai chị em sống với người cha công nhân viên. Suốt những năm cấp ba phải vừa học vừa bán bánh ướt để kiếm tiền luyện thi đại học. Sống ở một thị trấn xa huyện lỵ, thị trấn Dinh Mười, chuyện học hành không phải đơn giản. Liên cũng như hàng ngàn bạn bè cùng lứa bị chận ngay ở ngưỡng cửa đại học. Lên được đại học là một ước mơ của tuổi học trò, cho dù trước mắt hàng hàng lớp lớp những người xuất thân từ đại học cũng chỉ kiếm được công việc của một người trình độ tiểu học thôi. Có người ví von bảo Việt Nam dùng toàn dao mổ bò để giết ruồi. - Lúc nãy Liên bảo ở Dinh Mười là chỗ nào? - Dạ, gần trên Mỹ Trung. - Sao gọi là Dinh Mườỉ - Theo sự tích thì hồi xưa trong thời chiến tranh nào đó, có mười ông quan về trú quân, mỗi ông ở một dinh nên gọi Dinh Mười (1). Chú còn ở chơi lâu không? - Tôi chờ người làng xuống sắp xếp công việc và đi chụp thêm ít ảnh, chỉ vài hôm thôi. - Ở Mỹ chắc ăn uống sung sướng hơn mình chú ha. - Không đâu, nhiều khi cực là khác. Muốn ăn tô phở phải chạy xe năm mươi cây số. Cô gái nhìn tôi nghi ngờ : - Chú nói rứa răng nhiều người thích đi Mỹ?
  7. - Vì Mỹ có những thứ ta không có, à Liên làm một tháng được bao nhiêu ? - Dạ, ba trăm (nghìn đồng). Tôi lẩm nhẩm ba trăm nhìn chưa tới hai mươi Mỹ Kim. Một tô phở Pasteur (Sàigòn) 18 nghìn, một bữa cơm đã 20 nghìn...bất chợt tôi hỏi: - Tôi muốn nhờ Liên làm mẫu để chụp ít ảnh ngoài bờ biển được không, tôi sẽ bồi dưỡng.. - Cô gái ngần ngừ rồi nói rất nhỏ: - Cháu chỉ giúp chú thôi, nhưng cháu đâu biết làm chi. - Liên có áo dài trắng không ? Nét mặt buồn hẳn xuống, giọng nói nghe văng vẳng: - Dạ..đã mấy năm rồi... không có dịp mặc. Trong tôi như có một dao động nhẹ nhàng. Sáng hôm sau tôi ra chợ tìm mua chiếc nón lá. Trước khi đi tôi hỏi Liên thích quai nón màu gì, Liên trả lời "màu tím", nếu không nói tôi cũng mua cùng màu. Tôi mua thêm cái cặp sách, cái dù đỏ. Chiều chủ nhật, tôi đưa người mẫu đi dọc theo bờ sông Nhật Lệ, mượn bối cảnh thuyền bè lấy vài ảnh. Lúc nắm tay người mẫu từ gộp đá dưới bờ sông kéo lên, tôi sững sờ, lòng bàn tay Liên như một tờ giấy nhám thô. - Làm sao mà tay chai sạn đến như vậy? - Dạ, giặt đồ bị thuốc tẩy ăn. Tôi mang máy ảnh đi cạnh người nữ sinh băng qua chợ, qua phố, bao nhiêu người chong mắt nhìn. Cứ thế chúng tôi đi ra mút bãi biển ngoài xa. Bãi biển Đồng Hới bắt đầu từ trong cửa Nhật Lệ chạy dài ra đến sông Gianh, phẳng đẹp có nhiều phi lao. Nhưng, chưa được khai thác về mặt du lịch. Có một số hàng quán rất sơ sài tạm bợ. Tôi cho người mẫu tha thẩn trên bờ biển dài quạnh hiu. Gió chiều thổi, tà áo bay bay, hai tay ôm cặp, tóc lùa ra sau...những bước chân in trên bãi cát trinh nguyên..Rồi về đâu? Đến cây dù đỏ thì thật tuyệt. Màu cát vàng, tà áo trắng nước biển xanh. Nơi đây, người đi, đứng, hay ngồi đều đẹp. Đẹp tự trong lòng. Nghỉ chân bên gốc thông già tôi hỏi: - Khi mặc lại chiếc áo dài Liên thấy sao ? - Dạ, tuyệt vời. - Xưa kia có một người tặng tôi chiếc áo như vậy nhưng vì nông nỗi để mất đi và mãi mãi không bao giờ có lại. - Nếu chú muốn thì có gì khó.
  8. Tôi lảng sang chuyện khác: - Có bao giờ Liên nghĩ sẽ chuyển nghề ? - Dạ, có, vì nghề này ai cũng nhìn mình bằng con mắt không lương thiện. Trời nhiều gió và lạnh, chúng tôi thả bộ về. Một buổi chiều êm ả pha lẫn chút bồng bềnh hơi men. Tiếng sóng vỗ bờ xa nghe như tiếng thì thầm nối tiếp câu chuyện trong lúc chúng tôi yên lặng, buông những bước chân nhẹ nhàng. Hai hôm sau, tôi trả phòng vào lúc mặt trời chưa lên. Khách sạn lặng yên. Liên lay hoay với cuốn sổ bên ngọn đèn vàng trong dáng vẻ ngập ngừng. Tôi chờ đợi mà lòng hồi hộp, một cảm xúc lạ. Lát sau Liên đọc số tiền phải trả đồng thời đưa tặng tôi một gói quà nhỏ, giọng thật xa vắng: - Cháu tặng chú... để kỷ niệm... Cầm gói quà mềm mềm trong lần giấy báo, tôi hơi luống cuống, vội rút trong túi ra một phong bì, bên ngoài kèm ba mươi ngàn đồng, tôi nói lớn: - Nhờ Liên chuyển cho ba người làm trong khách sạn. Cảm ơn thật nhiều về buổi chiều hôm kia. Tôi đi nhanh ra đường vừa lúc một chiếc xe khách đang trờ tới. Tôi nhảy đại lên không kịp hỏi giá cả. Hai tai tôi ù ù, y như khi ngồi máy bay lên cao. Lúc xe ngang qua địa phận Dinh Mười, tôi có cảm tưởng mình vừa vĩnh biệt một điều gì đó mơ hồ và mông mênh... Trần Công Nhung March - 2002 (Trích: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1) This post was typed, scanned and proofed by vm staff and members. If you use our source on your website please give us credit and link back to vietmessenger.com. Please do not copy our source for commercial purposes. Much thank. Hết
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2