intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhân vật hài kịch trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

55
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết giới thiệu đôi nét về nhân vật hài kịch trong truyện ngắn Hồ Anh Thái: đặc điểm thể hiện, ý nghĩa của hình tượng nhân vật đối với cuộc sống. Hồ Anh Thái xây dựng các nhân vật hài đại diện cho nhiều hạng người trong xã hội nhưng chủ yếu là lớp trí thức thời “mở cửa” với nhiều thói hư tật xấu do tác động của cơ chế thị trường. Những bức chân dung hài kịch này được dựng lên dưới nhiều góc nhìn, trong nhiều cảnh huống. Bằng việc xây dựng kiểu nhân vật hài kịch hết sức độc đáo trong các sáng tác truyện ngắn của mình, Hồ Anh Thái đã góp một tiếng nói giàu giá trị nhân văn cho nền văn xuôi Việt Nam đương đại.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhân vật hài kịch trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Interdisciplinary Science, 2013, Vol. 58, No. 1, pp. 136-142 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn NHÂN VẬT HÀI KỊCH TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA HỒ ANH THÁI Điêu Thị Tú Uyên Khoa Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc Tóm tắt. Bài viết giới thiệu đôi nét về nhân vật hài kịch trong truyện ngắn Hồ Anh Thái: đặc điểm thể hiện, ý nghĩa của hình tượng nhân vật đối với cuộc sống. Hồ Anh Thái xây dựng các nhân vật hài đại diện cho nhiều hạng người trong xã hội nhưng chủ yếu là lớp trí thức thời “mở cửa” với nhiều thói hư tật xấu do tác động của cơ chế thị trường. Những bức chân dung hài kịch này được dựng lên dưới nhiều góc nhìn, trong nhiều cảnh huống. Bằng việc xây dựng kiểu nhân vật hài kịch hết sức độc đáo trong các sáng tác truyện ngắn của mình, Hồ Anh Thái đã góp một tiếng nói giàu giá trị nhân văn cho nền văn xuôi Việt Nam đương đại. Từ khóa: truyện ngắn Hồ Anh Thái, nhân vật hài kịch, hình tượng nhân vật, đặc điểm thể hiện. 1. Mở đầu Là nhà văn hết sức nhạy bén với hiện thực cuộc sống đương đại, lại vốn yêu thương và đặt nhiều niềm tin vào con người, Hồ Anh Thái không khỏi băn khoăn, trăn trở về mặt trái cuộc sống thời hiện đại. Phơi bày trên trang sách những cái xấu, cái dở, cái lố lăng đáng cười, đáng phê phán để làm cuộc sống ngày một tốt đẹp; xây dựng những hình tượng nhân vật hài kịch đặc sắc để làm nên sức chiến đấu vì mục tiêu thanh lọc, làm trong sạch đời sống là một thành công có dấu ấn riêng của Hồ Anh Thái so với nhiều tác giả cùng thời. Trong phần lớn sáng tác của Hồ Anh Thái, tiếng cười trào tiếu, giễu nhại được thể hiện rất đậm nét như là một mặt mạnh của nhà văn. Cũng có thể nhận thấy trong khi nhiều tác giả cùng thời cười những cái lạc hậu, lỗi thời của cơ chế cũ thì Hồ Anh Thái lại nghiêng về xu hướng cười những cái thực dụng, lố lăng của con người trong cơ chế mới. Đây là một hướng đi đem đến thành tựu riêng, độc đáo cho nhà văn. 2. Nội dung nghiên cứu Các đối tượng của tiếng cười trào tiếu xuất hiện trong nhiều tập truyện ngắn của Hồ Anh Thái như Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và Diễn [3, 4, 5], theo từng cấp độ từ thấp đến cao. Received August 17, 2012. Accepted January 25, 2013. Contact Dieu Thi Tu Uyen, e-mail address: tuuyentbu@gmail.com 136
  2. Nhân vật hài kịch trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái Trước hết là những chuyện khôi hài, phù phiếm, nhố nhăng vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Nhiều truyện trong tập Bốn lối vào nhà cười là những nụ cười nhẹ nhàng mà thâm thuý về những chủ đề này. Đó là những bê bối của một số nhà giáo dục chỉ quan tâm đến cách làm thế nào để rút tiền từ các dự án bỏ túi; những công trình khoa học vô bổ vẫn được viết và công bố hàng ngày, ví như cái đề tài nghiên cứu định đề nghị lên thành đề tài nghiên cứu cấp bộ: “Thử tìm hiểu tính cách người Việt thông qua những biểu hiện và cách xử lý khi tham gia giao thông để từ đó tìm một xu hướng cho giáo dục nhân cách và hành vi” (!) (Anh xe ôm một chặng đường núi); hay tình cảnh dở khóc dở cười của những nhà chủ có ô sin mong được đổi đời nhanh chóng, mong leo lên địa vị làm chủ bằng thủ đoạn phá hạnh phúc gia đình người ta (Bến Ôsin); những sai lầm trong yêu đương của những người tuổi đã ngũ, lục tuần (Cây hoàng lan hoá thành cây si); những câu chuyện làm quà theo kiểu “hàng chợ” len lỏi khắp nơi, ngoài xã hội, trong công sở... làm cho cuộc sống trở nên hỗn tạp (Chợ); con người ta sống lắm lúc không yên ổn đã đành, chết cũng còn bị lợi dụng để làm bàn đạp cho kẻ khác thăng tiến (Cả một dây theo nhau đi)... Bố cục tác phẩm theo lối “Khổ đế” (Sinh - Lão - Bệnh - Tử của đời người), ở tập Bốn lối vào nhà cười, Hồ Anh Thái đã cười nhiều thói tật của người đời. Và bằng nụ cười trào tiếu xuất phát từ cái nhìn nghiêm túc, có phần khắt khe về cuộc sống nhà văn đã cho thấy một thực tế: có không ít người xung quanh ta, thậm chí đôi lúc ngay cả chính ta đang ẩn chứa trong mình mầm mống của sự ích kỷ, nhỏ nhen, thực dụng có thể bộc lộ bất kỳ lúc nào có cơ hội. Mà cuộc sống đâu phải bao giờ cũng giản đơn, xuôi chèo mát mái. Có những lúc, sự phức tạp của cuộc sống lại chính là nguyên nhân làm cho con người xấu đi. Cái xấu đó có không chỉ làm tổn hại cá nhân mà là cả xã hội. Nó làm suy thoái những chuẩn mực văn hoá, đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống. Nó cản trở sự tiến bộ của xã hội. Tự sự 265 ngày là một tập truyện phản ánh một cấp độ cao hơn của cái xấu và cuộc đấu tranh của tác giả với cái xấu đang có xu hướng lấn át cái tốt đẹp. Tự sự 265 ngày là tập truyện ngắn được viết theo lối tự truyện, tự truyện của một công chức về 265 ngày đi làm ở công sở sau khi đã trừ đi 100 ngày nghỉ theo chế độ làm việc một tuần nghỉ hai ngày. Trong tác phẩm, nhà văn không khắc hoạ chân dung một vài cá nhân mà dựng lên chân dung của số đông. Phải chăng vì trong “tấn hài kịch” của cuộc sống thời hiện đại, không ít người đã lao vào những ham hố danh vọng, tiền tài mà bán rẻ nhân cách? Mười một truyện ngắn liên hoàn là bức chân dung khá hoàn chỉnh của người công chức được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết là căn bệnh “vọng ngoại”, “sùng ngoại” của một bộ phận trí thức ta. Có những vị được coi là tinh hoa của giới trí thức (giáo sư, nhà nghiên cứu...) ganh nhau trong cuộc chạy đua đến phòng khách của một vị chức sắc trong ngành ngoại giao để tìm kiếm cơ hội gặp gỡ giới ngoại giao, tiến tới các sứ quán (cửa ngõ đi nước ngoài) và cuối cùng là xuất ngoại (Phòng khách). Những giáo sư văn, sử, khảo cổ học, tin học, luật học... đủ loại không cốt trau dồi kiến thức, chỉ cốt kiếm cớ, tạo dịp tiến thân, “ai đến đó cũng ao ước có ngày được lọt qua màng lọc, lên tới phòng khách chiêu đãi của những đại sứ quán ở Hà Nội. Phòng chiêu đãi sứ quán, những đại sảnh, những banquet hall ở khách sạn sang trọng mới là cái đích vinh quang” (Phòng khách). Trong những bữa tiệc chiêu đãi đó đủ thói tật xấu được phô bày: kê kích, bài bác nhau, ăn uống nhồm nhoàm, ăn cắp vặt: cốc, thìa, dĩa... Có rất nhiều trí thức ta hoà vào 137
  3. Điêu Thị Tú Uyên dòng người nối đuôi nhau ngày này qua ngày khác mải miết với việc chờ khai visa để đi Mỹ (Miền đất hứa !!?) (Tờ khai visa). Họ thậm chí “Giẫm đạp lên nhau, bước qua cổ nhau để giành bằng được cái phút thảnh thơi chờ máy bay cất cánh” (Sân bay). Đến được nơi mơ ước, những trí thức này vẫn không nguôi tham vọng vượt các đồng sự để giữ vị trí tốt, sợ nhất người khác hơn mình một bước chân nên sẵn sàng bày mưu hại người (Bóng ma trên hành lang). . . Chuyện nội bộ của trí thức ta cũng không ít điều “lý thú”: Nhiều nghiên cứu viên, viện sĩ - niềm hy vọng của các viện nghiên cứu khoa học của nước nhà - “hãnh tiến và gian manh, đố kỵ và hời hợt, khôn ngoan mà dung tục hẹp hòi”. Họ soi mói, nói xấu, cạnh khóe nhau (Bãi tắm, Tự truyện). Họ tìm thủ đoạn để chặn đường, kìm hãm tương lai của đồng nghiệp (Tự truyện). Ở công sở, sự phản ứng, đề phòng, sự xỏ xiên đã thành bản năng. Hình thức tự vệ thường trực trong “môi trường viện sĩ” là thủ thuật “đối thoại đẩy bóng về sân đối phương, mặt hiền lành nhưng đám đàn em đao búa”... Họ cũng say sưa với những thú vui, dục vọng tầm thường (Bãi tắm, Mây mưa mau tạnh, Chim anh chim em). Có khi họ mong bay cao, bay xa nhưng lại không chuẩn bị cho mình tri thức, năng lực làm việc mà chỉ nghĩ tới sự ganh đua và ảo tưởng về việc chiến thắng đồng nghiệp một cách dễ dàng (Chim anh chim em)... Môi trường làm việc nhàn nhã đến tẻ nhạt - viện nghiên cứu - là nơi hội tụ đủ trò: nào buôn chuyện, kháo chuyện thiên hạ, nói xấu, bôi nhọ nhau; nào gặp gỡ, hẹn hò, chim chuột; nào bàn bạc các thương vụ làm ăn, ganh đua, toan tính... Chỉ có một việc không mấy ai để tâm đến: đó là nghiên cứu, làm khoa học, “báo cáo chuyên đề nếu không nộp vào cuối năm nay thì có thể để cuối năm sau, năm sau nữa nộp cũng được, vẫn bền vững còn nguyên giá trị”. Các viện sĩ mỗi tuần gặp nhau một lần, chả ai ưa ai, chả ai phục ai nhưng chỉ chê bai bôi bác sau lưng. “Trước mặt chỉ cười nói bắt tay ca mừng đời ta tươi đẹp” song lại sẵn sàng “lôi nhau ra mổ thịt... uất ức phẫn nộ chỉ vì có một người không chịu giống họ”. Cái tham vọng được thấy mình hơn người, được thấy mình thành đạt mà không cần tốn công sức đã khiến cho họ nhiều khi bất chấp nguyên tắc, tình cảm, đạo lý để đạt được mục đích. Trong đám đông xô bồ, nhố nhăng, nhũng nhiễu đó, người ta không khó khăn gì để tìm ra những gương mặt nổi bật mang tính đại diện. Nhân vật gây được nhiều ấn tượng trong Phòng khách của vị chức sắc ngoại giao nọ chính là ông sử. Gọi là ông sử vì ông là một nhà nghiên cứu lịch sử. Ông là thực khách thường xuyên của cái phòng khách chuyên được dùng để tổ chức “tiệc đứng tiệc ngồi. Bàn tròn bàn vuông. Chia tay đại sứ cũ đón đại sứ mới. Giới trí thức thủ đô có dịp gặp giới ngoại giao, tiền đề cho những lời mời đến sứ quán dự chiêu đãi quốc khánh, sinh nhật quốc vương, sinh nhật nữ hoàng... phòng chờ, tiền trạm, trạm trung chuyển, trung tâm đảm bảo tư cách, trung tâm dịch vụ chắp nối” (Phòng khách). “Ông nghiên cứu viết sách giảng dạy lịch sử nước Mỹ và lịch sử Ai Cập là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân tới”, hơn nữa, “Thứ ngôn ngữ tệ hại của những vùng đất ấy ông cũng không sử dụng được”, ông nói chuyện với người Mỹ chỉ “bằng tiếng Việt và chỉ tiếng Việt mà thôi”. Ấy là cái lạ của một trí thức thời hiện đại, khi mà đòi hỏi của xã hội về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ ngày càng cao. Người này còn có một thói quen kỳ quặc khi tới tham dự tiệc chiêu đãi tại phòng khách: sau khi uống xong bao giờ cũng bỏ luôn chiếc ly pha lê Pháp vào túi quần, “sửa sang, kéo vạt áo vét che cái cục cồm cộm, lềnh lệch” nơi túi. Thói quen đó theo ông tới cả phòng tiệc sứ quán. Lần đó ông 138
  4. Nhân vật hài kịch trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái và cô vợ mới người Mỹ tên Hồng đã bị ách lại tại máy kiểm tra và người ta phát hiện trong túi ông cùng cô vợ mấy cái thìa, dĩa bằng bạc. Đáng buồn thay, mọi sự kém cỏi, tham lam, giả dối, hám danh đều có thể có ở người được coi là một tiêu biểu của trí thức hiện đại. Thế mà tại cái phòng khách làm nhiệm vụ “sàng lọc”, “tuyển chọn” người xứng đáng đại diện cho trí tuệ, cho văn hoá nước nhà đến nước bạn ấy, tất cả đều đỗ. Đỗ trăm phần trăm. “Một tỷ lệ đỗ đáng thèm ước cho tất cả các trường học”. Những người như ông sử nọ, như vị giáo sư kia... rồi sẽ được mời đi thỉnh giảng, tham quan, hội thảo ở nước ngoài. Ai dám chắc ở nước người, trong số họ không có những kẻ bôi xấu hình ảnh nước nhà, dân tộc chỉ vì thói giả dối, thói hám danh, hám lợi của mình. Phòng khách là truyện ngắn chứa đựng nhiều hàm ý sâu xa về thực trạng xuống cấp về nhân cách của một bộ phận giới nghiên cứu học thuật trước những biến động của thời cuộc. Ở đó, khoa học và sự cống hiến thực sự cho khoa học đã không còn tồn tại. Hồ Anh Thái tất nhiên không có ý định phủ nhận những giá trị tốt đẹp về phẩm chất, năng lực của đại đa số trí thức nước nhà. Nhưng rõ ràng, đã đến lúc người ta phải trung thực mà nhìn vào thực trạng suy thoái về nhân cách của không ít trí thức thời hiện đại trước sức cuốn ghê gớm của nền kinh tế thị trường và ảnh hưởng của nó tới nền tảng trí tuệ, học vấn và lí tưởng chung của xã hội. Muôn hình, bức chân dung trí thức được viết dưới cái nhìn chân thực, sắc sảo của nhà văn. Hồ Anh Thái bảo bức chân dung ấy thật lắm và chua xót lắm. Nhưng đó là bức chân dung đáng được nhìn ngắm và suy nghĩ. Trong cơn lốc của kinh tế thị trường, văn học nghệ thuật cũng chịu sự tác động dữ dội. Xu hướng thương mại hoá văn học nghệ thuật đang ngày càng khiến cho lĩnh vực vốn rất nhạy cảm và quan trọng đối với đời sống tinh thần con người có nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Có lẽ vì quá trăn trở, bức xúc mà Hồ Anh Thái đã dành khá nhiều trang viết tái hiện lại thực trạng này. Bắt đầu là câu chuyện về giới nghệ sĩ ở lĩnh vực hội hoạ, điện ảnh, âm nhạc. Trại cá sấu đã phác hoạ nhiều chân dung những kẻ bất tài, vô trách nhiệm với nghệ thuật. Một hoạ sĩ hoàn toàn không có sự hiểu biết về giá trị đích thực của hội hoạ. Cho nên, cũng là vẽ tranh khoả thân, anh ta chỉ có “biệt tài biến tất cả những người đàn bà từng lên giường với chàng thành hoạ sĩ cho dù trước đó họ là cô bán phở, cô kế toán, cô y tá, cô Ô sin” (Bốn lối vào nhà cười). Cũng là thực hiện nghệ thuật sắp đặt hiện đại nhưng anh ta lại chỉ tạo ra được một trò hề lố bịch: “Mượn bối cảnh vườn bách thảo. Những tấm xô vải màn băng bó quanh các gốc cây. Mực đỏ đổ choe choét lên xô trắng. Đấy là thiên nhiên đang bị thương đang đổ máu, hãy cứu lấy thiên nhiên... Nhìn sang gốc cây bên kia, Hoạ sĩ và Cá Sấu 2 mỗi người chỉ độc một cái khố, trát bùn từ mặt xuống chân, ôm nhau quấn cuộn trong một vũng bùn như hai con cá tát ao thoi thóp dãy đành đạch. Lại còn âm nhạc nữa, mấy cái loa thùng treo trên cây, một bài hát sáng tác riêng cho sô này thất thanh: Bạn có nghe môi trường khóc môi trường cười? Bạn có nghe môi trường khóc môi trường cười? Còn ngoặc thêm điệp khúc: Hi hô hì hồ...” (Bốn lối vào nhà cười). Tất nhiên là mọi chuyện đã được nhìn dưới con mắt hoạt kê, khuếch đại của tác giả. Nhưng với những gì được chứng kiến, ta đã có thể thấy được sự nhếch nhác, sự lố lăng đến thảm hại của cái gọi là hội hoạ. Thứ hội hoạ đã bị pha tạp lối sống cơ hội, thực dụng, đã bị rẻ rúng bởi đồng tiền, cho nên “Hội hoạ thời nay đồng nghĩa với khá giả, có tiền mua biệt thự thời Pháp nội thành, dăm ba 139
  5. Điêu Thị Tú Uyên miếng đất khu công nghệ cao, một vài quả đồi Sóc Sơn đặt vào đôi ba nếp nhà sàn” (Bốn lối vào nhà cười). Tranh nghệ thuật, thứ tranh được sáng tác chủ yếu để cống hiến cái đẹp cho người thưởng thức thì “úp tường để đấy chờ sự phán xét của công chúng và thời gian”, còn tranh vẽ trang trí dễ nhìn, tranh tân gia, tranh “ghelơri bờ hồ”, tranh “xúvơnia” mới là thứ bùa hộ mệnh cho kẻ bất tài nhân danh hoạ sĩ vì nó vừa dễ sáng tác vừa có thể sáng tác hàng loạt theo kiểu dây chuyền và tất nhiên đem lại lợi nhuận tức thì. Một đạo diễn thích làm những cuộc “cách mạng” ngược đời trong điện ảnh. “Người đời bảo anh Trương Chi thậm xấu, trong phim ông Trương Chi đẹp giai ngời ngời. Người đời bảo anh ta hát thì thậm hay, trong phim ông Trương Chi hát như dở hơi. Người ta bảo Mỵ Nương con quan xinh đẹp tót vời, đã thế thì ông chọn ngay một cô cá sấu. Người ta bảo chuyện Trương Chi đâu như ở xứ Bắc, đã thế ông cắp ngay Cá Sấu 2 vào Sài Gòn làm phim” (Bốn lối vào nhà cười). Thiết kế mỹ thuật thì thay thuyền thúng bằng một cái xuồng tháo máy để khỏi bị “đội giá lên mấy triệu”. Còn đâu những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để có một tác phẩm điện ảnh chân chính? Tất cả chỉ còn là cái sân khấu hài kịch trên đó cả đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật... đều là những con rối diễn trò lừa bịp. Đến câu chuyện về văn chương mới thật là chua xót. Xưa văn chương vốn phát tiết từ tài, tâm của con người, nên đã là văn chương phải “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” (Nguyễn Du). Thời buổi hiện đại, dân chủ này, thơ văn không còn là độc quyền của các bậc tao nhân mặc khách nữa. Ai cũng có thể làm thơ, viết văn. Điều đó không có gì là xấu. Văn chương đã đi vào đời sống, sống trong đời sống và trọn vẹn giá trị chân thực, ý nghĩa nhân văn của nó. Nhưng đến lúc xuất hiện cái cảnh người người sáng tác, nhà nhà sáng tác, văn phòng, xí nghiệp, công ty... đua nhau sáng tác thì nảy ra bao chuyện nực cười, cười đấy mà ngẫm kỹ lại thật chua xót. Bởi theo đó thì “Nghề văn phải trở nên tầm thường. Các cuộc thi văn nghệ tổ chức liên miên. Nghệ thuật phải bị nhiễu, bị lẫn lộn nhem nhuốc... Nghệ thuật chỉ là thứ ăn thêm nếm của chúng ta” (Bốn lối vào nhà cười). Các nhà thơ là các nhân viên một công ty liên doanh “bảy mươi phần trăm vốn ta ba mươi phần trăm vốn Tây” chẳng có liên quan gì đến nghệ thuật cả. Thơ của họ là sự trộn lẫn, pha tạp của một loại ngôn từ dung tục, tầm thường. Thật là “Thơ âm tính, văn xuôi dương tính... Làm nghề bình thường không nổi phải đi làm thơ. Làm thơ thất bại đổi sang làm văn. Làm văn thất bại đổi sang làm phê bình. Làm phê bình thất bại đi giảng văn. Cứ thế vòng tuần hoàn “người bất tận trở về điểm làm người bình thường. Một chu trình lành làm gáo vỡ làm muôi, cái gì cũng dùng được”” (Bốn lối vào nhà cười). Văn chương cũng đầu quân vào lĩnh vực xem ra có phần gần với nó - báo chí. Thời nay, người ta có thể tìm thấy ở vô số tờ báo, tạp chí các tác phẩm văn học: Truyện có, thơ ca, hò vè đủ cả, với nhiều mục đích, phục vụ người đọc thưởng thức, giải trí, hay là cho đủ mục, đủ trang của báo. Thậm chí, mặt báo có lúc còn là nơi để người ta thể hiện cách ứng xử với nhau, giải quyết chuyện ân oán văn chương, bất chấp chất lượng thế nào. Như câu chuyện của nhà thơ trẻ thất nghiệp nọ: mượn tờ tạp chí “Chơi” mới phát hành để trút nỗi uất ức, căm hờn vì “Thơ chàng chết yểu từ năm chàng hai mươi tuổi... Làng văn không xếp chàng vào chiếu nào”, “chàng chủ trương trang văn học chỉ có tiểu khí xỏ xiên đánh đấm tất cả những kẻ thành đạt. Chàng ký đủ mọi bút danh nấp trong bụi rậm mà vãi đạn ra. Làm sao cho báo mình số nào cánh văn nghệ sĩ cũng phải thấp thỏm liếc qua một cái, xem họ có bị lên thớt hay 140
  6. Nhân vật hài kịch trong truyện ngắn của Hồ Anh Thái không” (Bốn lối vào nhà cười). Vẻ đẹp của văn chương một khi đã bị “xã hội hoá” đến mức cực đoan như vậy là sự xuống cấp đáng lo ngại. Là một nhà văn đồng thời là một người làm công tác quản lý về văn học, Hồ Anh Thái còn có cơ hội chứng kiến những tình cảnh dở khóc dở cười khác khi người ta không chỉ đua nhau sáng tác mà còn ganh đua để có một vị trí trong làng văn. Lọt sàng xuống nia là cuộc chạy đua vào Hội Nhà văn của các nữ sĩ trẻ tuổi hoặc làm thơ từ thuở thiếu thời hoặc đã dịch thơ nước ngoài có “thâm niên”. Họ đều biết “Thành hội viên chả có quyền lợi gì đáng giá, nhưng huyễn hoặc tưởng rằng mình được chính thức công nhận là nhà văn thứ thiệt” (Sắp đặt và diễn) nên cuộc đua tranh trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Cô chuyên dịch thơ nước ngoài sắp đặt rất khéo trong việc giành phiếu tín nhiệm của Hội đồng xét duyệt. “Em đưa ông A đi siêu thị giày tặng ông đôi giày xịn. Em đưa bà B đi siêu thị mêtơrô tặng quà bạc triệu. Em đưa chú C đi gặp đại diện nước ngoài, lại phiên dịch hênô gâu gâu giúp chú xin học bổng cho con đi nước ngoài. Em thuê một chuyến xe đưa cả A cả B cả C cả Đ đi tham quan một huyện miền núi của thủ đô... Chuyến này các vị không bỏ phiếu cho em thành nhà văn thì em cào cho nát mặt” (Sắp đặt và diễn). Kết cục thật bi hài “Các vị được bồng bế suốt mùa kết nạp ấy. Ngày nào đêm nào cũng rầm rập đưa người cửa trước rước người cửa sau. Nhiều quá hoá nhầm. Các vị thấy thơ của em nào cũng giống em nào... Chỉ tiêu mỗi vị được bỏ phiếu cho năm em. Rối. Lẫn. Nhầm. Trong cuộc hỗn chiến ở cõi hỗn mang, các vị bỏ phiếu. Thế quái nào em dịch giả chỉ được có hai phiếu trên mười” (Sắp đặt và diễn). Thế là tố cáo, lật mặt hết những kẻ đã trót “sung sướng” bằng “mồ hôi nước mắt” người khác mà không biết điều. “Kiện cáo cho một trận là ai cũng sợ. Toé loe cả ra. Năm sau các ông trót vướng với nữ dịch giả năm trước phải bỏ phiếu hết, nữ dịch giả đặt số phiếu trăm phần trăm”. Thiết nghĩ không cần thêm một lời bình nào cho trường hợp trở thành hội viên Hội Nhà văn của nữ dịch giả này. Còn nữ thi sĩ có thơ từ thuở thiếu thời, xem ra có phần “lép vế” hơn, nhưng rốt cuộc cũng tìm được “quái chiêu” khác: Lợi dụng sự nhầm lẫn của ông chánh trong vụ cứu một ông thơ khỏi cái chết nhỡn tiền, cô đàng hoàng tiến vào cánh cửa hội. Đúng lúc đó thì cô tạp vụ - người thật sự cứu ông thơ - đòi quyền đối xử công bằng. Cô cười mà rằng “lâu nay cô cũng làm thơ. Cô không quen vay mượn cảm xúc thương gà thương vịt khóc người nghèo khóc đất khóc quê. Cô làm thơ về cái đời công nhân vệ sinh của cô... Cô sắp in một tuyển tập, dứt khoát ông thơ tỉnh lại phải viết cho cô cái lời giới thiệu, kỳ xét năm sau dứt khoát ông phải bỏ cho cô một phiếu vào hội nhà văn” (Sắp đặt và diễn). Những câu chuyện về cuộc sống và con người thời hiện đại mà nhà văn khắc họa đúng là những “tấn hài kịch” cho thấy “cái xấu đã không đành phận xấu, lại còn tìm cách lọt vào vương quốc của cái đẹp, thậm chí lọt vào rồi, nó còn hoành hành ngang ngửa, bắt cái đẹp và mọi người phải công nhận và sùng bái nó” [1]. 3. Kết luận Với một khả năng bao quát khá rộng đời sống hiện thực và khiếu hài hước bẩm sinh, cách viết rất hiệu quả trong việc đưa lại một ấn tượng “như thật” của Hồ Anh Thái, những truyện ngắn ở đây vượt ra ngoài phạm vi trào lộng. Nó vừa mang tính chiến đấu vừa mang 141
  7. Điêu Thị Tú Uyên giá trị nhân văn sâu sắc. Bởi khi nhà văn vạch ra một cái xấu, cái ác thì đã có một điều tốt lành tiềm tàng đối diện. Cái cười châm biếm vốn thể hiện sự có mặt của lương tri. Và ta có quyền tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn ở con người, cuộc đời khi cái xấu, cái lạc hậu đã bị tống tiễn vào quá khứ hay xuống mộ địa. Tiếng cười trào tiếu, giễu nhại, châm biếm, như đã nói, xuất hiện trong tác phẩm của nhiều nhà văn thời đổi mới. Kiểu nhân vật hài kịch trở thành cảm hứng cho họ đấu tranh với cái xấu để bảo vệ đạo lý, bảo vệ nhân phẩm con người. Mỗi một tác giả để lại dấu ấn riêng trong các cung bậc, sắc thái tiếng cười của mình. Ở Lê Lựu là cái cười thâm trầm, Nguyễn Khải là nụ cười đượm buồn, có khi chua xót, Nguyễn Huy Thiệp là cái cười sắc lạnh... Hồ Anh Thái với việc xây dựng kiểu nhân vật hài độc đáo đã đem tới tiếng cười mang sắc thái riêng. Đó là “tiếng cười hài hước, hóm hỉnh, cái cười châm biếm thuộc phạm trù cái hài in rất đậm trong thơ ca dân gian, truyện tiếu lâm thời đổi mới” [2]. Tiếng cười ấy không chỉ góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm cảm hứng trào lộng – một đặc điểm nổi bật của văn xuôi Việt Nam sau 1975 – mà còn thể hiện một nhận thức tích cực và ý thức trách nhiệm to lớn của nhà văn trước cuộc sống và con người. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Văn Khang, 2002. Mỹ học đại cương (tái bản). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.54-55. [2] Nguyễn Nghĩa Trọng, 2005. Thử nhận diện văn học ba mươi năm qua. Tạp chí Nhà văn, số 4, tr. 103. [3] Hồ Anh Thái, 2005. Tự sự 265 ngày. Nxb Hội Nhà văn. [4] Hồ Anh Thái, 2004. Bốn lối vào nhà cười. Nxb Đà Nẵng. [5] Hồ Anh Thái, 2005. Sắp đặt và Diễn. Nxb Hội Nhà văn. ABSTRACT The comic personae in Ho Anh Thai’s short stories In this article, the comic personae in Ho Anh Thai’s short stories are discussed in two aspects: the manifestation of traits and the symbolic representation of life. Although the writer has invented personae representing all sorts of people in society, he has mainly depicted intelligentsia who have vices that were encouraged by the newly opened market economy. Ridiculousness is found in every aspect and situation in real life as is the response it brings out in individuals: to meditate, to fight and to live a better life. By inventing special comic personae, Ho Anh Thai has made a great contribution to Vietnamese contemporary prose. 142
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2