JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 118-124<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0017<br />
<br />
NHỮNG BIẾN ĐỘNG TRONG NGÀNH KHAI MỎ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN<br />
GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1802 ĐẾN NĂM 1858<br />
Nguyễn Thị Thanh Tùng<br />
<br />
Khoa Lí luận Chính trị - Giáo dục Công dân, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Nhà Nguyễn là một trong những triều đại tồn tại lâu dài trong lịch sử chế độ<br />
phong kiến. Đánh giá về “công” và “tội” của nhà Nguyễn, giới khoa học trong, ngoài nước<br />
có nhiều ý kiến đa chiều. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, triều Nguyễn – với những<br />
chính sách “trọng nông”, hạn chế sự phát triển của công, thương nghiệp đã cản trở sự phát<br />
triển nền kinh tế hàng hoá của đất nước, gây ra sự khủng hoảng xã hội trầm trọng, do đó<br />
việc mất nước vào tay thực dân Pháp là tất yếu! Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã<br />
đưa ra những căn cứ cho thấy, ngoài các chính sách trọng nông, triều Nguyễn trong giai<br />
đoạn nửa đầu thế kỉ XIX cũng rất quan tâm tới các hoạt động kinh tế khác, trong đó có hoạt<br />
động khai mỏ.<br />
Từ khóa: Triều Nguyễn, khai mỏ, kinh tế hàng hoá, phong kiến, 1802-1858.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Nói tới nhà Nguyễn, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX, thường người ta nghĩ tới<br />
ngay đó là một triều đại “trọng nông ức thương”, “bế quan tỏa cảng”, triều đại của sự khủng hoảng<br />
và suy vong mà ít đề cập đến vấn đề kinh tế công, thương nghiệp. Gần một thế kỉ qua, các sử gia<br />
trong và ngoài nước quan tâm và nghiên cứu lịch sử Việt Nam dưới thời Nguyễn ở nhiều khía cạnh<br />
khác nhau từ kinh tế, chính trị, xã hội văn hóa, giáo dục. . . Tuy nhiên chưa có một công trình nào<br />
đề cập đến một cách toàn diện và quy mô vấn đề khai thác mỏ trong khoảng thời gian nhà Nguyễn<br />
tồn tại với tư cách một triều đại phong kiến độc lập, hoặc nếu có thì cũng chỉ phác qua vấn đề một<br />
cách rất sơ lược, khái quát.<br />
Trên diễn đàn của sử học những năm 50, 60 của thế kỉ XX, đặc biệt là tạp chí Nghiên cứu<br />
lịch sử (NCLS) lúc đó cũng có hàng loạt bài viết tranh luận về vấn đề có hay không có mầm mống<br />
kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược đã ít nhiều nghiên<br />
cứu về tình hính kinh tế công thương nghiệp làm căn cứ luận chứng. Tiêu biểu phải kể đến Nguyễn<br />
Hồng Phong với bài Sự phát triển kinh tế hàng hóa và vấn đề hình thành chủ nghĩa tư bản ở Việt<br />
Nam, đăng trên Tạp chí NCLS số 9, 11, 12, 13, Hà Nội năm 1959 - 1960. Năm 1962, có bài Vấn đề<br />
mầm mống tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam thời phong kiến (NCLS số 39) của Đặng Việt Thanh và<br />
bài Về một vài vấn đề trong việc đánh giá mầm mống tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam (NCLS số 41)<br />
của Tô Minh Trung. Nhà sử học Phan Huy Lê có bài Tình hình khai mỏ dưới triều Nguyễn đăng<br />
trên NCLS số 51, 52, 53, Hà Nội năm 1963.<br />
Ngày nhận bài: 15/10/2016. Ngày nhận đăng: 20/3/2017<br />
Liên hệ: Nguyễn Thị Thanh Tùng, e-mail: thanhtungsphn@gmail.com<br />
<br />
118<br />
<br />
Những biến động trong ngành khai mỏ dưới triều Nguyễn giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1858<br />
<br />
Do yêu cầu đặt ra là phải nhận thức lại lich sử Việt Nam trong giai đoạn cuối cùng của chế<br />
độ phong kiến đã khiến giới sử học tiếp tục tiếp cận nhiều hơn với vấn đề công thương nghiệp qua<br />
các triều đại. Tuy nhiên, có một điểm rất dễ nhận thấy là các bài viết chủ yếu tập trung đề cập đến<br />
vần đề ngoại thương Việt Nam thời phong kiến. Do hạn chế về nguồn tư liệu nên vấn đề về lĩnh<br />
vực khai thác mỏ thời phong kiến vẫn là một khoảng trống cần được bù lấp. Với cái nhìn toàn diện,<br />
khách quan từ phương diện kinh tế khai mỏ, người viết hi vọng đem lại một số minh chứng để bổ<br />
sung thêm cách tiếp cận, đánh giá công bằng về hoạt động kinh tế dưới thời Nguyễn.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Chính sách khai mỏ của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn (1802- 1884)<br />
<br />
Một bộ phận công nghiệp quan trọng do nhà nước quản lí là công nghiệp khai mỏ. Trong<br />
các thế kỉ XVII - XVIII, ngành khai mỏ đã phát triển đến một chừng mực nhất định và tiếp tục<br />
phát triển trong thế kỉ XIX. Tuy nhiên, bước phát triển ấy mang tính chất thất thường, không ổn<br />
định do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chính sách của triều đình Nguyễn là một cản trở<br />
quan trọng.<br />
Để thâu tóm lấy toàn bộ nguồn lợi của các mỏ gạt bỏ thương nhân ra khỏi lĩnh vực kinh<br />
doanh này, triều Nguyễn đã thực hiện chính sách là đứng ra tổ chức các công trường khai mỏ. Ngay<br />
sau khi lên cầm quyền, Gia Long đã ban lệnh cho "mở mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ kẽm, mỏ đồng ở tỉnh<br />
Tuyên Quang, và Hưng Hoá, khiến Thổ mục là Ma Doãn Điền, Hoàng Phong Bút, Cầm Nhơn coi<br />
việc ấy, định năm sau sẽ đánh thuế" [6; 69]. Liên tiếp các năm sau, nhà Nguyễn đều ban hành các<br />
chính sách liên quan đến ngành khai mỏ. Vua Minh Mạng còn nhấn mạnh "vàng bạc là của báu<br />
của đất đai, sinh ra cốt để cung cấp cho chi dùng của nhà nước. Nếu giao cho những người lĩnh<br />
trưng để họ tự ý cắt xén thì của cải của trời đất sinh ra không khỏi bị thương nhân giảo hoạt vơ vét<br />
bỏ túi" [4;57].<br />
Xuất phát từ tư tưởng đó, triều Nguyễn đã thu lại một số mỏ do tư nhân lĩnh trưng để khai<br />
thác, nếu thấy lợi thì tiếp tục duy trì còn thấy lỗ thì đình chỉ, chứ không quan tâm đến việc cải thiện<br />
phương thức, kĩ thuật, trình độ khai thác để thúc đẩy sự phát triển của ngành khai mỏ. Trong các<br />
trường mỏ do nhà nước quản lí, chế độ lao dịch nặng nề đối với dân phu và binh lính vẫn là hình<br />
thức chủ yếu. Do vậy mà công trường khai mỏ của triều Nguyễn chỉ tồn tại trong một thời gian<br />
ngắn thì bị bỏ hoang phải giao lại cho tư nhân lĩnh trung. Qua đó đã phản ánh sự hạn chế trong<br />
cách thức quản lí hoạt động khai thác mỏ của Nhà nước phong kiến.<br />
Chính sách thứ hai mà triều Nguyễn thi hành đó là đánh thuế nặng vào những mỏ mà nhà<br />
nước không trực tiếp khai. Đây là nguồn thu nhập quan trọng của triều đình. Nếu như ở thời Lê<br />
mạt, do thấy việc khai mỏ sắt tốn kém nên chính quyền Lê - Trịnh đều cho miễn thuế 3 - 5 năm<br />
thì sang thế kỉ XIX, các chính sách đó đều bãi bỏ và buộc các chủ mỏ đều phải nộp thuế ngay sau<br />
khi khai thác: "Tháng năm, lại mở mỏ vàng ở tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên,<br />
Tuyên Quang để thâu thuế (trước kia gia thuế không ai lĩnh trưng phải lấp lại, đến đây mới thuê<br />
người Tàu lấy" [6;203]. Điều đó chắc chắn gây cản trở đến sự gia tăng số lượng, quy mô các trường<br />
mỏ. Năm 1832, vua Minh Mạng quy định cứ một đến ba năm thì quan lại ở các tỉnh hoặc phái viên<br />
của triều đình phải đi điều tra lại các mỏ để định lại ngành thuế. Phải đến tận năm 1849, thấy tình<br />
hình khai mỏ sa sút, vua Tự Đức mới trở lại chính sách miễn thuế trong 3 - 4 năm đầu cho những<br />
người lĩnh trưng mỏ kẽm và giảm thuế vàng cho mỏ Tịnh Đà (Cao Bằng). Tuy nhiên mức thuế đối<br />
với các mỏ tăng hơn so với thời Lê Mạt. Ở mỏ đồng Tụ Long, trong giai đoạn 1757 - 1772 nộp<br />
thuế 800 cân đồng và 40 lạng bạc mỗi năm thì năm 1777 tăng lên 10.000 cân và 40 lạng bạc, và<br />
đến năm 1820, tăng thêm số bạc lên 80 lạng. Từ thời vua Minh Mạng trở đi, hiện tượng chủ mỏ<br />
119<br />
<br />
Nguyễn Thị Thanh Tùng<br />
<br />
thiếu thuế, bị tịch thu gia tài diễn ra phổ biến và gây cản trở rất lớn cho hoạt động sản xuất trong<br />
ngành khai mỏ.<br />
Một chính sách nữa mà triều đình Nguyễn áp dụng đối với hoạt động khai mỏ là chính sách<br />
ép các chủ mỏ phải bán thêm số lượng hàng hoá cho nhà nước nhưng theo giá cả mà nhà nước quy<br />
định. Theo Đại Nam thực lục chính biên, tháng 9 năm 1931, Minh Mạng đã bắt các chủ mỏ vàng<br />
ở Bắc Thành, ngoài số thuế, mỗi mỏ phải bán cho nhà nước 50 lạng vàng theo giá mỗi lạng trả 12<br />
lạng bạc hay 60 quan tiền, so với giá mua trên thị trường là dưới 100 quan đối với loại vàng 10<br />
tuổi, vàng 6 tuổi giá trên 80 quan, vàng 7 tuổi giá tiền trên 70 quan, vàng cốm thì dao động từ 60<br />
- 70 quan. Với các kim loại khác như đồng, kẽm, chì, thiếc, nhà nước cũng giữ độc quyền thu mua<br />
một cách rất chặt chẽ. Điều đó khiến cho nhiều chủ mỏ phản ứng bằng việc không chịu bán cho<br />
nhà nước và chịu hậu quả là bị nhà nước "phong toả", cấm không cho khai thác.<br />
Như vậy, mặc dù vẫn cho tất cả các thành phần xã hội, từ chủ mỏ người Hoa kiều đến chủ<br />
mỏ người Việt lĩnh trưng hay nhân dân địa phương tự do khai thác, song các chính sách của triều<br />
Nguyễn đã bộc lộ rất nhiều sự cản trở đối với bước phát triển của ngành khai mỏ. Triều Nguyễn,<br />
với chế độ quân chủ chuyên chế bảo thủ đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng đã không<br />
những không khuyến khích giúp đỡ công nghiệp khai mỏ mà còn kìm hãm và gây nhiều trở lực<br />
cho bước phát triển mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa trong ngành kinh tế này.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Hoạt động khai mỏ và phương thức khai thác<br />
<br />
Trong nửa đầu thế kỉ XIX, nhà Nguyễn đã quản lí được 139 mỏ với 39 mỏ vàng, 32 mỏ sắt,<br />
15 mỏ bạc, 9 mỏ đồng. . . Số mỏ khai thác bao gồm 11 loại: vàng, bạc, đồng, sắt, kẽm, chì, thiếc,<br />
gang, diêm tiêu, lưu hoàng, châu sa, tập trung ở các tỉnh: Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn<br />
Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hoá, trong<br />
đó Thái Nguyên là chiếm số lượng lớn nhất.<br />
Về phương thức khai thác, có thể phân chia thành bốn lực lượng: Thứ nhất là mỏ do nhà<br />
nước trực tiếp khai như mỏ vàng Chiêm Đàn (Quảng Nam), Tiên Kiều (Hà Tuyên), mỏ bạc Tống<br />
Tinh, Ngân Sơn (Bắc Cạn). . . Loại mỏ thứ hai giao cho thương nhân Hoa kiều lĩnh trưng, tổ chức<br />
thành các công trường thủ công lớn. Thứ ba là loại mỏ do các thổ tì thiểu số lĩnh trưng và cuối<br />
cùng là mỏ của các thương nhân người Việt giàu có.<br />
Việc triều đình trực tiếp tổ chức khai mỏ là một trong những chính sách cơ bản của triều<br />
Nguyễn trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX. Dưới thời Minh Mạng nhà nước đã tự đứng ra khai<br />
thác một số mỏ quan trọng, tập trung ở các mỏ vàng, mỏ bạc. Triều đình cử các phái viên hay<br />
quan lại ở địa phương cho xuất tiền ra thuê người, mộ phu điều động quân lính tạo thành các công<br />
trường mỏ của nhà nước.<br />
Các trường mỏ nổi tiếng của nhà nước phải kể đến mỏ vàng Chiêu Đàn, Tiên Kiều, kẽm<br />
Lũng Sơn, Chỉ Sơn. Những trường mỏ này tuy có khác về quy mô, tổ chức và thời gian hoạt động<br />
nhưng nói chung là những trường mỏ lớn và có tổ chức, có mỏ tập trung hàng trăm, hàng nghìn<br />
nhân công. Có trường mỏ đã đạt đến một trình độ phân công hiệp tác nhất định, như trường khai<br />
mỏ kẽm Thái Nguyên chia làm nhiều bộ phận chuyên trách từng khâu: đào đất lấy quặng, nấu<br />
quặng rèn dụng cụ, bộ phận vận chuyển. Đó là quy mô tổ chức một công trường khai mỏ đã đạt<br />
đến trình độ phân công nhất định nhưng kĩ thuật vẫn còn ở tình trạng thủ công thô sơ, năng suất<br />
lao động không cao bằng năng suất lao động và sản lượng các trường mỏ do tư nhân khai thác. Ở<br />
mỏ kẽm Phong Miêu thượng, một người địa phương là Trần Văn Kiệt đào 208 cân quặng, nấu thuê<br />
được 7 cân kẽm, trong khi đó phu mỏ nhà nước đào được 1000 cân quặng chỉ nấu được 6 cân kẽm.<br />
Vì vậy mà hầu hết các mỏ do nhà nước đứng ra đều không tồn tại lâu và cuối cùng cũng phải chịu<br />
120<br />
<br />
Những biến động trong ngành khai mỏ dưới triều Nguyễn giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1858<br />
<br />
thất bại.<br />
Đối với loại mỏ do thương nhân Hoa kiều lĩnh trưng, hoạt động khai mỏ phát triển khá<br />
mạnh do chính sách của triều đình Nguyễn. Sang đầu thế kỉ XIX, triều đình cho bác bỏ chế độ<br />
quản giám cho phép thương nhân người Hoa trực tiếp lĩnh trưng các mỏ của nhà nước, hàng năm<br />
nộp thuế và chịu sự kiểm soát của chính quyền địa phương hoặc phái viên triều đình. Mục đích của<br />
chính sách này là tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với người khai mỏ. Theo "Đại Nam<br />
hội điển sự lệ", quyển 41 thì trong các tỉnh giàu khoáng sản thì có 27/34 mỏ vàng và 13/14 mỏ<br />
bạc là do người Trung Quốc đứng ra bao thầu. Qua đó cho thấy thương nhân người Hoa đã nắm<br />
phần quan trọng trong ngành khai thác mỏ ở miền núi trung du Bắc Bộ trong giai đoạn từ 1802<br />
đến 1858<br />
Về phương thức khai thác các trường mỏ này thì tài liệu ghi chép còn rất ít ỏi. Trong giấy<br />
kê khai của nhà nước thì chúng ta thấy mỗi trường mỏ chỉ giới hạn vài chục đến vài trăm phu mỏ,<br />
nhưng cụ thể thì khác rất nhiều. "Mỏ vàng Kim Minh (Sơn Tây do Hồ Sở Ký lĩnh trưng tập trung<br />
hơn 1000 người" [5;58].<br />
Lực lượng lao động phần lớn là người Hoa Kiều có trình độ tay nghề cao, gọi là hoá phu. Ở<br />
những trường mỏ lớn đã đạt đến một trình độ phân công nhất định. Mỗi trường mỏ lớn thường chia<br />
làm nhiều tàu, do một Tàu hộ đứng đầu. Mỏ bạc Tống Tinh có đến 14 hầm mỏ nhưng năm 1846<br />
chỉ khai được 5 hầm thì cũng có thể coi "hầm" là một đơn vị đào quặng. Cũng như các trường mỏ<br />
của nhà nước, các trường mỏ do Hoa kiều lĩnh trưng cũng có sự phân chia bộ phận chuyên trách<br />
từng phần như: đào quặng, nấu quặng, vận chuyển. Theo nhiều nhà sử học thì ở Trung Quốc bây<br />
giờ đã xuất hiện các công trường thủ công khai mỏ có tính chất tư bản chủ nghĩa. Ở những trường<br />
mỏ của thương nhân hoa kiều kinh doanh ở nước ta tất yếu sẽ có liên quan ít nhiều đến trình độ kĩ<br />
thuật và phương thức khai thác của công nghiệp khai khoáng Trung Quốc. Chính vì vậy mà năng<br />
suất, sản lượng các trường mỏ do thương nhân Hoa Kiều thường cao hơn những trường mỏ của nhà<br />
nước, nhất là khi những trường mỏ của nhà nước kinh doanh thì thất bại nhưng khi vào tay thương<br />
nhân Hoa Kiều thì phát triển với những sản lượng cao hơn. Không như vậy, trình độ kĩ thuật và<br />
phương thức khai thác tương đối tiến bộ của những trường mỏ loại này sẽ ảnh hưởng đến những<br />
mỏ mà tư nhân nhân người Việt thuê và trả tiền công cao hơn cho các hóa phu người Hoa, sử dụng<br />
họ vào những khâu phức tạp đòi hỏi tay nghề trình độ cao đã minh chứng điều đó.<br />
Loại thứ ba, những trường mỏ do thổ tì thiểu số lĩnh trưng đối với thương nhân Trung Quốc.<br />
Nhưng mỏ do các thổ tì thiểu số lĩnh trưng cũng có những trường khá lớn, tập trung nhiều nhân<br />
công, tiêu biểu nhất là mỏ Tụ Long. Mỏ này được khai thác từ thời Lê mạt và sang đầu thế kỉ XIX,<br />
các thổ tì Hoàng Phong Bút, Ma Sĩ Trạch, Nguyễn Thế Nga, Nguyễn Thế Thự kế tiếp lĩnh trưng.<br />
Qua mức thuế do nhà nước quy định là 13000 cân đồng và 40 lạng bạc đến năng suất, sản lượng,<br />
trình độ khai thác của mỏ đồng Tụ Long. Tuy nhiên hầu hết các trường mỏ loại này vẫn bị trói<br />
buộc trong những quan hệ nô dịch tiền tư bản chủ nghĩa, thậm chí tiền phong kiến do sự lạc hậu<br />
trong trình độ phát triển kinh tế và quan hệ xã hội ở địa bàn các dân tộc thiểu số chi phối.<br />
Nếu như dưới thời Lê mạt, hiện tượng chủ mỏ là thương nhân người Việt đứng ra lĩnh trưng<br />
các trường mỏ hầu như không có, thì sang thế kỉ XIX đã lẻ tẻ xuất hiện. Năm 1839, sau chính sách<br />
mở rộng quyền lĩnh trưng do vua Minh Mạng ban hành đã xuất hiện hai trường hợp chủ mỏ người<br />
Việt đứng ra tổ chức khai mỏ. Thứ nhất là năm 1810, hiệp trấn Hải Dương Nguyễn Trí Hoà một<br />
phu khai mỏ kẽm Yên Lãng (Hải Dương). Trường hợp thứ hai là năm 1835, Chu Danh Hổ (người<br />
Bắc Ninh) tự bỏ vốn xin khai mỏ kẽm Bản Sơn (Thái Nguyên) rồi bán cho nhà nước theo giá 22<br />
quan tiền 100 cân, trong hai trường hợp này thì đáng chú ý nhất là trường mỏ do Chu Danh Hổ<br />
lĩnh trưng có quy mô và trình độ tổ chức cao, lực lượng nhân công có tay nghề và được trả lương<br />
tới 12 quan tiền mỗi tháng.<br />
121<br />
<br />
Nguyễn Thị Thanh Tùng<br />
<br />
Như vậy, thông qua tình hình phát triển và phương thức khai thác các loại mỏ kể trên đã<br />
cho thấy, mặc dù trong bối cảnh kinh tế xã hội nhà Nguyễn lâm vào khủng hoảng trầm trọng, triều<br />
đình ban nhiều chính sách gây cản trở nặng nề song bản thân ngành khai mỏ vẫn có bước phát<br />
triển, biểu hiện rõ hơn cho sự du nhập phương thức sản xuất mới trong lòng xã hội phong kiến<br />
đang khủng hoảng, suy vong.<br />
<br />
2.3.<br />
<br />
Vấn đề nhân công làm thuê trong các trường mỏ<br />
<br />
Trong các trường mỏ dưới thời Nguyễn, ngoài một số binh lính và công tượng thì hầu hết là<br />
phu làm thuê. Tính phổ biến của chế độ lao động làm thuê này vừa là sự phản ánh bước phát triển<br />
của nền kinh tế hàng hoá từ thời Lê mạt, vừa phản ánh những sự thay đổi cải biến trong quan hệ<br />
bóc lột giữa những người mỏ đối với nhân công làm thuê trong trường mỏ của mình.<br />
Theo như tài liệu của Đại Nam hội điển sử lệ thì người lao động trong các trường mỏ giai<br />
đoạn nửa đầu thế kỉ XIX được gọi bằng nhiều cách khác nhau như khoáng phu, hoá phu, sa đinh,<br />
dân phu, đình phu, dung phu, tượng, công tượng, thổ dân, phu mục, tượng mục, dã tượng. Trong<br />
các tên gọi đó thì "dân phu" được dùng nhiều nhất là 49 lần, sau là "hoá phu" 46 lần, "sa đinh" 25<br />
lần, "thổ dân" và "dân" 18 lần, "khoáng phu" 13 lần, tượng" và "công tượng" 9 lần "đinh phu" 6<br />
lần... Qua đó đã phần nào cho thấy sự phổ biến của chế độ lao động làm thuê cũng như phạm vi<br />
phân bố, quan hệ bóc lột trong các trường mỏ giai đoạn 1802 - 1858.<br />
Trong số các phu mỏ được sử dụng rộng rãi như vậy thì hầu hết nhân công lại là người Hoa<br />
kiều và nhân dân thiểu số, rất ít nhân công là người miền xuôi. Cùng lúc đó, do sự khủng hoảng<br />
của chế độ phong kiến, hiện tượng bần cùng hoá của nông dân ở đồng bằng xảy ra rất nghiêm<br />
trọng. Hiện tượng người dân lưu vong diễn ra trầm trọng không kém gì thời Lê mạt, nhưng cuối<br />
cùng thì nó vẫn chưa đủ sức làm "vô sản hoá" họ, biến họ hoàn toàn thành người công nhân làm<br />
thuê, dù cho đời sống của họ cùng cực đến mức nào.<br />
Sử sách lúc đó không mô tả một cách trực diện đời sống của người phu mỏ cũng như cách<br />
thức bóc lột người lao động, song qua mức tiền công hàng tháng mà họ được hưởng đã giúp cho<br />
ta hiểu được ở mức độ nhất định. Về cơ bản, do chính sách kiểm soát ngặt nghèo của nhà Nguyễn<br />
nên trong các trường mỏ của những thổ tì thiểu số, quan lại địa phương, cuộc sống của người phu<br />
mỏ làm thuê vô cùng khổ cực. Duy nhất chỉ có một số nhân công trong trường mỏ do thương nhân<br />
người Trung Quốc hay chủ mỏ người Việt lĩnh trưng thì địa vị của họ tương đối tự do và chế độ<br />
tiền lương khá hơn một chút. Ở trong các trường mỏ, tiền công hàng ngày của một phu mỏ thường<br />
là một tiền 30 đồng đến 3 tiền, cao nhất khoảng 8 - 10 quan tiền và một phương gạo trong một<br />
tháng. Riêng ở trường mỏ của Chu Danh vỏ khai thác thì một số phu mỏ có trình độ kĩ thuật cao<br />
thì được trả 12 quan một tháng. Cùng lúc đó thì trên thị trường, một tiền đong được 2,2 cân gạo.<br />
Như vậy, việc một nhân công làm thuê kiếm được hơn 3 cân gạo một ngày đã phản ánh một mức<br />
lương khá ổn định trong bối cảnh kinh tế - xã hội khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên, thực tế đời<br />
sống của người phu mỏ lại vô cùng khốn đốn do chế độ trả công đó chỉ tính trong những ngày họ<br />
làm việc, còn những khi thời tiết bất lợi hoặc nghỉ việc thì không được tính công. Không những<br />
vậy số tiền công đó chỉ được trả khi mà họ khai thác và nộp đủ số kim loại nhà nước và chủ mỏ<br />
yêu cầu. Thông thường thì các yêu cầu thường vượt quá khả năng lao động của người phu mỏ. Đặc<br />
biệt trong một số trường hợp, các trường mỏ nếu không nộp đủ số thuế nhà nước yêu cầu thì phải<br />
mua quặng để bù vào. Hậu quả của việc khai thác không thuận lợi đó cuối cùng ắt dẫn đến kết quả<br />
là làm giảm đi số tiền công của người phu mỏ và họ phải tăng thời gian làm việc để bù vào số lỗ,<br />
chữ người chủ mỏ hầu như không chịu thiệt thòi gì. Đoạn tài liệu ghi chép về mỏ kẽm Chi Sơn<br />
(Thái Nguyên) đã cho thấy rõ điều đó: "Chiêu mộ dân nghèo sở tại và hoá phu người Thanh được<br />
bao nhiêu người, chia ra từng giáp mỗi giáp độ vài chục người, cho người thạo việc là Hoàng Văn<br />
122<br />
<br />