intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Những cạm bẫy tư duy

Chia sẻ: Hoàng Hải Đăng | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:18

804
lượt xem
399
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chúng ta xây dựng những kiểu ý nghĩ vô ích theo từng biểu thời gian có thể nhận thức được. Một chiếc bẫy tư duy có thể trói buộc chúng ta chỉ trong một khoảnh nào đó khắc hoặc cũng có thể là suốt cuộc đời. Tác hại của cả hai loại bẫy này là như nhau. Do tính chất ngắn ngủi nên sự lãng phí thời gian và sinh lực mà những chiếc bẫy tạm thời gây ra rất khó nhận biết và điều chỉnh....

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Những cạm bẫy tư duy

  1. PHAN THU (Dịch từ NHỮNG CẠM BẪY TƯ DUY của André Kukla) Chúng ta xây dựng những kiểu ý nghĩ vô ích theo từng biểu thời gian có thể nhận thức được. Một chiếc bẫy tư duy có thể trói buộc chúng ta chỉ trong một khoảnh nào đó khắc hoặc cũng có thể là suốt cuộc đời. Tác hại của cả hai loại bẫy này là như nhau. Do tính chất ngắn ngủi nên sự lãng phí thời gian và sinh lực mà những chiếc bẫy tạm thời gây ra rất khó nhận biết và điều chỉnh. Chúng đến và đi trước khi ta nhận thức được những hành vi của mình. Kết quả là chúng càng xuất hiện nhiều hơn. Một công dân thành thị của thế kỷ XXI có thể hoàn toàn thoát khỏi cái bẫy tư duy kéo dài hơn vài phút trong một khoảng thời gian nhất định hay không vẫn còn là một nghi ngờ. Tác hại tích lũy trong suốt một ngày từ những cái bẫy nhỏ này sẽ gây ra sự suy kiệt khó lường 1. Bản chất của bẫy tư duy Bẫy tư duy là trạng thái tư duy theo thói quen. Nó khiến chúng ta mất đi sự thanh thản trong cuộc sống, lấy đi một lượng thời gian đáng kể, làm ta kiệt sức mà không mang lại bất kỳ giá trị nào. Trong toàn bộ cuốn sách này, từ “giá trị” đề cập đến bất cứ điều gì được xem là đáng giá đối với chúng ta. Cuốn sách này không bàn luận về vấn đề đạo đức. Nó cũng không phải là một cuốn sách giải trí hay liên quan đến các vấn đề xã hội. Nếu ta cảm thấy hài lòng với việc xem tivi suốt ngày thì đó không bị coi là một hoạt động lãng phí thời gian. Đối với chúng ta, việc xem tivi cũng mang lại giá trị. Có một sự thật là ta thường vắt kiệt sức mình vào việc theo đuổi những phiền toái không mang lại giá trị gì cho mình, bất kể chúng có thể gây ra vấn đề gì. Những phiền toái vô ích này chính là những chiếc bẫy tư duy. Bẫy tư duy không cho phép ta tận hưởng việc xem tivi như cách chúng ngăn ta làm một việc quan trọng. Chúng hoàn toàn gây lãng phí thời gian. Bẫy tư duy được nhận dạng dựa vào nội dung ý nghĩ của chúng ta chứ không dựa vào hình thức của chúng. Bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống – công việc nhà, giải trí cuối tuần, nghề nghiệp, những mối quan hệ - đều có thể được cho là hữu ích hoặc không hữu ích. Ta sẽ rơi vào cùng một cái bẫy như nhau khi suy nghĩ về công việc đơn giản như rửa bát đến những vấn đề phức tạp hơn như dự định kết hôn hoặc ly dị. Điểm khác biệt không nằm ở chủ đề tư duy mà là ở phương pháp tư duy về chủ đề đó. Khi tự thoát ra khỏi một chiếc bẫy, ta phát hiện ra rằng những vấn đề trong mỗi khía cạnh cuộc sống đều không đáng lo ngại. Chúng ta xây dựng những kiểu ý nghĩ vô ích theo từng biểu thời gian có thể nhận thức được. Một chiếc bẫy tư duy có thể trói buộc chúng ta chỉ trong một khoảnh nào đó khắc hoặc cũng có thể là suốt cuộc đời. Tác hại của cả hai loại bẫy này là như nhau. Do tính chất ngắn ngủi nên sự lãng phí thời gian và sinh lực mà những chiếc bẫy tạm thời gây ra rất khó nhận biết và điều chỉnh. Chúng đến và đi trước khi ta nhận thức được những hành vi của mình. Kết quả là chúng càng xuất hiện nhiều hơn. Một công dân thành thị của thế kỷ XXI có thể hoàn toàn thoát khỏi cái bẫy tư duy kéo dài hơn vài phút trong một khoảng thời gian nhất định hay không vẫn còn là một nghi ngờ. Tác hại tích lũy trong suốt một ngày từ những cái bẫy nhỏ này sẽ gây ra sự suy kiệt khó
  2. lường. Quan niệm bẫy tư duy cơ bản đã được đúc kết lại từ vài nghìn năm trước: Phàm sự gì có thì tiết, mọi việc dưới trời có kỳ định Khi đi lệch hướng lời khuyên uyên thâm này – khởi đầu vào một thời điểm sai lệch, tiếp tục với những bước đi sai lệch, từ bỏ quá sớm hoặc quá muộn – chúng ta sẽ không đạt được những thứ đáng ra phải có. Cũng không có một nỗ lực nào quy định nội dung những hoạt động của chúng ta. Mỗi sự việc đều có thời điểm nhất định. Cả việc thưởng thức những món ngon và đạt được thành công trong cuộc sống đều có thể là những hoạt động chính đáng. Tuy nhiên, nếu ta cố gắng phát triển sự nghiệp của mình khi đang ăn tối, quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị ảnh hưởng – cũng như ta sẽ không thể làm việc tốt trong khi cơ thể đang bài tiết muối và nạp năng lượng với món súp. Ở đây không có giá trị nào được chú trọng đúng mức. Chúng ta lẽ ra đã có thể tận dụng tốt hơn nữa thời gian và các nguồn lực của mình. Khi thực hiện công việc tốt nhất vào thời điểm thích hợp nhất bằng phương pháp tối ưu nhất, chúng ta thường mắc những sai lầm lặp đi lặp lại và tương tự nhau. Đây chính là những cái bẫy tư duy. Nếu bẫy tư duy có hại thì tại sao ta lại rơi vào những chiếc bẫy đó? Sao ta không thoát khỏi chúng? Có ba lý do. Thứ nhất, ta thường không có ý thức về những gì mình đang nghĩ đến. Thứ hai, ngay cả khi ý thức được, chúng ta cũng không nhận ra được bản chất có hại của những suy nghĩ đó. Thứ ba, ngay cả khi nhận thức được tác hại, chúng ta cũng không thể thoát ra khỏi nó, bởi điều đó đã trở thành thói quen. Nếu ý nghĩ vẫn tiếp tục khi ta đã mắc bẫy trong trạng thái không ý thức được, chúng ta cũng không thể thay đổi tình thế. Ta không thể ngưng làm một việc khi không ý thức được ngay từ đầu là mình đang làm việc gì. Cũng như nếu không biết rằng mình đã mặc quần áo, sẽ không có chuyện ta cởi chúng ra ngay cả khi rất nóng bức. Tương tự, khi không biết rằng mình đang suy nghĩ những điều vô ích, ta không thể dừng suy nghĩ về chúng. Ý niệm không ý thức được những suy nghĩ của mình có thể khiến ta suy nghĩ rất ngược đời – ta đánh đồng giữa ý thức với tư duy. Thế nhưng, đây là hai quá trình không hề giống nhau chút nào. Chúng ta có thể nhận thức rõ vị của một loại trái cây lạ hay cảm giác cực khoái mà không suy nghĩ điều gì trong đầu. Ngược lại, ta cũng có thể đang chìm ngập trong một mớ ý nghĩ mà không hề để tâm đến một ý nghĩ cụ thể nào. Thử nghiệm tư duy dưới đây sẽ cho ta thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Khi tâm trí ta không bị xâm chiếm bởi một mối bận tâm hay niềm vui thú cụ thể nào, ý nghĩ sẽ lang lang một cách hời hợt từ chủ đề này sang chủ đề khác. Ta chỉ có thể kiểm soát cuộc thử nghiệm này khi đặt mình vào giữa trạng thái thơ thẩn đó. Đối với những người bị khó ngủ, thời gian họ nằm thao thức trên giường sẽ rất lâu. Càng sớm nắm bắt trạng thái thơ thẩn của mình, ta càng có thể bắt đầu tái cấu trúc chuỗi ý niệm cũ đã dẫn dắt chúng ta. Nếu đang nghĩ về vẻ đẹp của Paris, có thể ta sẽ hồi tưởng lại ý nghĩ đã có trước đó về một người bạn mới từ thành phố này trở về. Ý nghĩ về sự trở về của người bạn đó có thể bắt nguồn từ ký ức rằng anh này đang nợ tiền ta, mà ký ức này lại có nguồn gốc từ những khó khăn tài chính của ta – những khó khăn phát sinh khi ta muốn mua một chiếc xe mới. Trong thử nghiệm này, không cần thiết phải quyết định trước thời gian tái dựng ý nghĩ trong vài phút tiếp theo. Chúng ta phải đợi đến khi nắm bắt được cái khoảnh khắc mà
  3. bản thân đang lang thang với những ý nghĩ. Khi đó, ta luôn bất ngờ về những ngóc ngách của luồng suy nghĩ. Nếu không có một sự tái dựng chủ động, ta sẽ chẳng bao giờ ngờ được rằng ý nghĩ về Paris lại có nguồn gốc từ ước muốn có một chiếc xe mới! Sự bất ngờ này đã chứng minh cho một quan điểm. Chúng ta sẽ không bất ngờ trừ khi không biết mình đã nghĩ gì. Suy nghĩ của chúng ta là vô thức. Rõ ràng, quá trình suy nghĩ không phụ thuộc nhiều vào sự tập trung liên tục của ta đối với nó mà phụ thuộc nhiều hơn vào sự theo dõi về vị trí của tay và chân chúng ta. Bẫy tư duy thường duy trì trạng thái không ý thức theo cách này. Chúng ta tự rơi vào những cái bẫy đó mà không hề quyết định một cách có ý thức. Yêu cầu trước hết để thoát khỏi chúng là học tập nghệ thuật nhận biết. Cuốn sách này cung cấp những điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu đó. Nó là công cụ dẫn đường của một nhà tự nhiên học dẫn ta đến một trật tự xác định của quần thể tư duy, phác họa những đặc trưng nổi bậc của nhiều bộ phận khác nhau, đưa ra những ví dụ minh họa phong phú. Nó là cuốn cẩm nang để nhận dạng những chiếc bẫy tư duy. Bước đầu tiên là khám phá cách nhận biết và xác định những chiếc bẫy. Thế nhưng, hai việc này vẫn chưa thể loại bỏ chúng. Ta còn cần phải nhận thấy tính vô ích và có hại của chúng. Thực tế, bẫy tư duy thường bị nhầm lẫn với những hoạt động hoàn toàn cần thiết mà nếu không có chúng, cuộc sống sẽ trở nên thật hỗn độn và nguy hiểm. Một số bẫy thậm chí còn được tôn vinh bằng những mỹ từ rất hay ho. Ta sẽ không loại bỏ chúng cho đến khi hoàn toàn tin chắc là chúng không mang lại giá trị gì. Mọi cuốn sách hướng dẫn dành cho nhà tự nhiên học đều chứa loại thông tin thiết thực này. Chúng ta khám phá cách nhận biết nấm amanit để làm gì nếu không biết rằng nó là nấm độc? Bên cạnh những phương tiện đa dạng nhằm nhận biết bẫy tư duy, cuốn cẩm nang này cũng sẽ đề cập đến các phân tích về tác hại của chúng. Sau khi biết cách nhận diện những chiếc bẫy và tin chắc rằng việc thoát khỏi nó là có lợi, ta bỏ được một thói quen xấu. Khi đó, ta giống như một người nghiện thuốc lá chấp nhận những phát hiện được nêu ra trong bản phân tích của bác sĩ. Bất cứ người nghiện thuốc lá nào cũng biết rằng đây là lúc bắt đầu cuộc chiến. Cũng như cuộc chiến với thuốc lá, trong cuộc chiến chống lại những chiếc bẫy tư duy, sự quyết tâm sẽ được thiết lập, bị phá vỡ và rồi lại được thiết lập. Có người thành công trong việc chiến thắng thói quen, nhưng cũng có người sẽ thất bại, và chắc chắn cũng có người được tạo động cơ để giảm hút thuốc. Chương cuối cùng của cuốn sách này sẽ mang đến những lời khuyên chiến lược về việc làm thế nào để kiểm soát cuộc chiến chống lại bẫy tư duy. Các nhà khoa học tự nhiên phải vào rừng để tìm kiếm đối tượng nghiên cứu của mình. Những người tìm kiếm bẫy tư duy sẽ tìm thấy cái họ cần tìm giữa cuộc sống thường nhật. Bẫy tư duy tồn tại trong hầu hết các sự kiện thông thường – trong hoạt động mua sắm, tài chính, các cuộc gặp mặt, đánh răng, trò chuyện với một người bạn – những sự kiện mà chúng ta có thể dùng để nghiên cứu về những chiếc bẫy tư duy nhiều nhất. Khi có khả năng chiến thắng khá cao, chúng ta trở nên quá chú tâm vào kế quả đạt được và lơ là việc tiếp tục kiểm soát bản thân. Nhưng khi hoạt động đó diễn ra gần như thường xuyên, ta cảm thấy khó khăn khi phải kiểm tra lại những gì mình đã làm cũng như tìm ra động lực để thử một phương pháp mới. Khi khám phá bản thân theo cách này, ta thu được một lợi ích bất ngờ từ sự gia tăng nhận thức về bản thân. Cuộc sống bình thường lập tức trở nên phi thường và hấp dẫn. Một cuộc điện thoại giữa giờ làm việc không còn là nỗi bực dọc mà sẽ là cơ hội
  4. để ta quan sát những tác động của sự gián đoạn. Đi xem phim muộn cho ta cơ hội để thẩm định bản chất của những cuộc hẹn không quan trọng. Làm việc dưới áp lực là cơ hội vô tận để tự khám phá bản thân. Việc rửa bát là điều kiện quan sát những sức mạnh tâm lý đa dạng – những sức mạnh dùng để đấu tranh với những vấn đề đáng ngại trong cuộc sống. Bởi không xem các vấn đề này là những rắc rối phiền não nên chúng ta sẽ không thể biết được gì về bản thân. Vì thế ta bắt đầu đón nhận vấn đề như một kẻ đồng minh, đồng thời bị cuốn hút bởi phản ứng của bản thân trước chúng. Và cuộc sống thường ngày bị biến đổi thành cuộc phiêu lưu vô tận. Cuộc phiêu lưu đó là gì nếu không phải là một thái độ trước vấn đề? Đã đến lúc bắt đầu khám phá vẻ đẹp nội tại. Chúng ta không cần quá háo hức thay đổi mọi thứ xung quanh. Sự can thiệp mạnh mẽ có thể trì hoãn đến khi ta hiểu được sự cân bằng sinh thái của môi trường còn rất lạ lẫm này. Trong khi chờ đợi, hãy tận hưởng mỹ cảnh đó. Ngay cả nấm amanit cũng có vẻ đẹp của nó cơ mà. 2. Cố chấp Chiếc bẫy đầu tiên - sự cố chấp - là vẫn tiếp tục tiến hành những công việc đã không còn giữ được giá trị của chúng. Những công việc đó đã từng có ý nghĩa đối với chúng ta – hoặc ta chưa bao giờ bắt đầu thực hiện chúng. Tuy nhiên, chúng đã kịp biến mất trước khi ta đi đến tận cùng. Sở dĩ ta còn có thể tiếp tục là do không nhận biết sự thay đổi hoặc hoàn toàn không chịu thay đổi. Chúng ta bắt đầu trò chơi Cờ Tỉ Phú trên máy tính bằng sự hăng hái và – chắc chắn là – sẽ cảm thấy chán nản trước khi đi đến tận cùng. Nhưng thay vì từ bỏ, chúng ta lại cố sức “khiến nó kết thúc”. Đây quả là một minh họa rõ ràng nhất cho việc lãng phí thời gian. Ai đó bảo ta hãy nhớ lại tên của một diễn viên phụ trong một bộ phim B nào đó từ thập niên 40. Tuy cái tên đang nằm trên đầu lưỡi, nhưng ta hoàn toàn không thể nhớ được. Tuy người muốn biết cái tên ấy đã không còn ở đó nhưng vấn đề vẫn không chịu biến mất cùng với anh ta. Nó hành hạ ta cả ngày. Mục đích ban đầu của chúng ta là trả lời câu hỏi của ai đó. Thế nhưng, hiện tại, khi người hỏi không còn ở đó thì nó không phải là mục đích của ta nữa. Vậy mà thậm chí đến khi người hỏi có chết đi, gánh nặng mà ta đang mang này cũng sẽ không nhẹ bớt đi. Ta bắt đầu xem các chương trình tivi và sớm nhận ra rằng nó chẳng đáng xem chút nào. Nhưng ta vẫn xem “cho tới cùng” trong khi không ngừng chê bai sao mà nó lại tệ đến thế. Chúng ta bắt đầu hát bài “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao” một cách ngốc nghếch. Khi lướt qua “ông sao” thứ tám-mươi-lăm trong số 100 ông sao trong bài hát, chúng ta đã thấy chán. Nhưng ta không từ bỏ. Thay vào đó, ta hát càng nhanh hơn nữa để có thể kết thúc sớm hơn. Trong một bài luận chính trị, ta đưa ra một phản luận dứt khoát nhưng dài dòng trước quan điểm của đối thủ. Qua một nửa bài luận, đối thủ cho biết rằng anh ta đã bị thuyết phục. Chúng ta không cần phải nói gì thêm. Tuy nhiên, ta vẫn tiếp tục cuộc tranh cãi nhạt nhẽo để đi đến một kết luận không cần thiết. Chúng ta không thể thuyết phục người khác một cách tuyệt đối với kiểu hành vi hoàn toàn lập dị như thế này. Điều khiến cho các hoạt động này trở thành những chiếc bẫy tư duy là vì chúng tiến triển mà không dính dáng gì đến nhu cầu và lợi ích của chúng ta. Nó thường không
  5. mang lại cho chúng ta ước muốn tiếp tục thực hiện đến cùng. Trái lại, trò chơi Cờ Tỉ Phú quá dài; việc đấu tranh để nhớ lại những thông tin không có giá trị; chương trình tivi dở tệ mang đến cảm giác khó chịu. Ta thiếu sự kiên nhẫn để hoàn thành chúng, đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm khi cuối cùng chúng cũng đi đến kết thúc. Nếu có một viên thuốc giúp ta quên đi việc ai đó đã hỏi ta về tên của một diễn viên trong bộ phim B, chúng ta sẽ sung sướng uống nó ngay. Những người theo chủ nghĩa khoái lạc – cho rằng chúng ta luôn hành động để tối đa hóa sự hài lòng của mình - sẽ khó giải thích những hiện tượng như thế này. Tất nhiên, chúng ta có thể kiên trì vì những giá trị khác thay vì sự hài lòng. Ta có thể giúp một đứa trẻ kết thúc trò chơi Cờ Tỉ Phú chán ngắt. Ta có thể xem những chương trình tivi dở tệ cho đến hết vì phải viết một bài phê bình về chương trình này. Ta có thể hát theo ý mình đến hết bài hát chán ngắt như một bài tập cho sự kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn tẻ nhạt không phải lúc nào cũng là chiếc bẫy cố chấp. Nhưng hầu hết những khán giả của các chương trình tivi dở tệ đều không hề phải viết bài phê bình nào, cũng như hầu hết ca sĩ hát bài hát ”Ông sao” đều không tham gia bài tập tư duy. Họ không đạt được điều gì, cũng như không tận hưởng nó. Điều đáng ngạc nhiên là chính nền văn hóa đã dạy chúng ta nhìn nhận sự cố chấp như một đức tính tốt. Ta cảm thấy hãnh diện khi theo đuổi một con đường nhất định, không gì có thể ngăn cản ta theo đuổi nó đến cùng. Ta dạy con mình rằng đó là dấu hiệu của sự yếu đuối, là xấu xa khi bỏ dở nửa chừng bất kỳ việc gì. Không thể chối cãi được rằng khả năng kiên trì trong nghịch cảnh rất có ích cho chúng ta. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn khác khi bảo rằng nên luôn sử dụng và sử dụng một cách không chọn lọc khả năng đó. Có một sự tương phản đáng kể giữa cố chấp và kiên định. Ta kiên định khi không hề dao động trước trở ngại trong lúc đang theo đuổi mục đích của mình. Nhưng sẽ vô cùng cố chấp khi ta cứ tiến hành mọi việc theo hướng mà ta biết chắc sẽ dẫn đến một kết cục bế tắc. Nhu cầu tư duy của việc phải hoàn tất mọi hoạt động còn dang dở đã ăn sâu vào ta. Ta nhận thấy thật khó từ bỏ ngay cả khi công việc còn dang dở kia cho thấy sự nhạt nhẽo của nó. Chính vì đã bắt đầu công việc đó nên chúng ta buộc phải theo đuổi nó đến cùng, bất kể lý do ban đầu còn hợp lý nữa hay không. Chúng ta hành động như thể bị trói buộc bởi một lời hứa – lời hứa không với ai khác mà là với chính bản thân. Ta bắt đầu xem một chương trình tivi chỉ với mục đích giải trí. Thế nhưng, một động cơ thứ hai ngay lập tức sẽ xen vào: nhu cầu phải hoàn tất những việc đã bắt đầu. Chúng ta sẽ không nhận thấy nhu cầu đó nếu vẫn còn được tiêu khiển. Nó là một lực đẩy trên con đường mà ta đang đi. Nhưng ta sẽ nhận thấy tác động của nó ngay khi không còn hứng thú với chương trình tivi đó. Do việc xem tivi chỉ có mục đích giải trí nên ta sẽ từ bỏ ngay lập tức. Thế nhưng động cơ thứ hai – phải hoàn tất những việc còn dang dở, chỉ vì chúng đã được thực hiện – lại khiến chúng ta trở nên cố chấp. Theo định luật chuyển động của Newton, một vật đang chuyển động sẽ tiếp tục chuyển động thẳng đều mãi mãi nếu không bị buộc phải thay đổi trạng thái đó bởi ngoại lực tác động lên vật. Có vẻ như chúng ta cũng tuân theo định luật quán tính tư duy. Khi đã bắt đầu một hoạt động, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục vận hành theo cùng một hướng tâm lý cho đến khi kết thúc. Cũng giống như quán tính vật lý, xung lực có thể bị tác động bởi các chiều hướng bên ngoài. Không phải trò chơi Cờ Tỉ Phú nào cũng đều được chơi đến cùng. Một cơn động đất, một trận lụt bất ngờ hay một cảm giác buồn đi vệ sinh đều có thể kết thúc tất cả ngoại trừ những trường hợp ngoan cố do
  6. cố chấp. Ngay cả sự tẻ nhạt cũng đủ khiến chúng ta từ bỏ. Nhưng khi đã ở trong trạng thái cố chấp, sự tẻ nhạt cần phải tẻ nhạt hơn một chút, sự cấp thiết cần phải khẩn cấp hơn và cảm giác buồn đi vệ sinh phải bức bách hơn thì chúng ta mới có thể từ bỏ công việc vô ích đang làm. Quán tính khiến ta cứ tiếp tục với công việc vô ích đó bất kể tình trạng tẻ nhạt, cấp thiết hay bức bách của một công việc cần thực hiện khác. Kết quả là quyết định từ bỏ của chúng ta thường đến quá muộn. Phải mất một lúc ta mới có thể quyết định từ bỏ công việc hiện tại để bắt đầu một hoạt động quan trọng nào đó. Tuy nhiên, một khi đã khởi động, ta không thể dễ dàng hủy bỏ những kế hoạch của mình bằng một hành vi nhất thời của ý chí. Chúng ta đã không tìm thấy nút “Dừng”. Đôi khi, ta cố điều chỉnh sự cố chấp bằng cách nói rằng ta không muốn sự đầu tư thời gian và sức lực của mình thành ra vô ích. Nếu ta thoát khỏi trò chơi vào lúc này thì những nỗ lực từ trước tới giờ chẳng còn ý nghĩa gì cả. Cách tư duy này giải thích tại sao chúng ta càng khó thể chấm dứt tình trạng cố chấp. Nếu chỉ mới hoàn tất một vài bước trong một trò chơi không lấy gì làm hấp dẫn thì sự đầu tư của ta chưa đáng kể và nó sẽ có thể bị dứt bỏ một cách không mấy hối tiếc. Nhưng nếu ta đã mất vài giờ chơi thật sự quyết liệt và đầy thử thách thì việc không tiếp tục chơi thêm nữa hoặc kết thúc trò chơi dường như là một điều rất đáng tiếc. Quá nhiều nỗ lực của chúng ta đã bị lãng phí! Tất nhiên đây là một lý lẽ sai lầm. Chúng ta đã lãng phí nhiều giờ liền trong trạng thái không được thoải mái. Khi ta kết thúc trò chơi, luợng thời gian này không được bù đắp. Đã đến lúc chúng ta tránh đi những thiệt hại và trốn chạy khỏi nó. Nghịch lý thay, bản năng bảo tồn của chúng ta lúc này chỉ làm lãng phí thêm. Nếu không tự nguyện vứt bỏ những thứ không đáng, chúng ta thậm chí có thể phải theo đuổi những hoạt động không mang lại giá trị gì ngay từ khi mới bắt đầu. Ta có thể mua những món hàng mà mình không dùng đến bởi không thể bỏ qua cơ hội mua hàng giảm giá, hoặc có thể ăn ngay cả khi không đói bởi không muốn vứt thức ăn đi, hay nhặt những thứ phế liệu người khác vứt đi về nhà mình để dành. Loại bẫy này có họ hàng rất gần với bẫy cố chấp. Với loại bẫy này, chúng ta không nhận được giá trị nào trước đó cả. Những việc ta làm không mang lại giá trị gì ngay từ lúc bắt đầu. Ta có thể xem chúng như một trường hợp có thời hạn của bẫy tư duy. Đối với loại bẫy cố chấp tạm thời này, ta nên thoát ra ngay từ khi mới bắt đầu. Những trò chơi tẻ nhạt, những chương trình tivi dở tệ và các mặt hàng giảm giá không dùng được lại có đặc tính tự nó sẽ có lúc đi đến kết thúc. Tuy nhiên không phải tất cả các hoạt động đều tự chấm dứt. Một công việc, một cuộc hôn nhân hoặc một thói quen có thể là mãi mãi. Khi một thực thể bất định mất đi giá trị của nó, chúng ta có thể bị chìm vào trạng thái cố chấp vĩnh viễn. Thời gian cứ trôi qua và chúng ta vẫn không thoát ra khỏi chúng. Chúng ta đang trong một trò chơi Cờ Tỉ Phú không bao giờ kết thúc. Ta có thể cố chấp mãi với những mối quan hệ không thể cứu vãn, với một công việc không thỏa đáng và không có tương lai, với những sở thích không còn mang lại vui thú, với những thông lệ thường nhật chỉ đem đến gánh nặng và làm giới hạn cuộc sống của chúng ta. Ta thường tiếp tục duy trì một quá trình không mang lại kết quả gì với lý do đơn giản là vì không nghĩ đến việc tái đánh giá những mục tiêu của bản thân. Chúng ta đã sống như thế quá lâu – với con người này, làm công việc này, ở căn nhà này bên cạnh những người láng giềng này, mặc kiểu áo này, theo chế độ ăn kiêng này
  7. và thực hành những công việc vệ sinh theo trình tự riêng như thế này – đến nỗi không thể khác được. Sự tồn tại đều đều, tẻ nhạt bị áp đặt trong một tình trạng tuyệt đối không thay đổi, giống như hình dáng của cái đầu trên cổ chúng ta. Có thể ta không thích, song nó vẫn cứ tồn tại. Nếu ta ngừng tự hỏi bản thân rằng có nên tiếp tục tình trạng hiện tại hay không, câu trả lời có thể sẽ rất rõ ràng. Nhiều khả năng việc thực hiện công việc này trong 8 giờ một ngày, 5 ngày một tuần, 50 tuần một năm cho đến khi ta chết. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng luôn tự hỏi mình. Ta kêu ca, song lại bất đắc dĩ phải giữ nguyên trạng. Vì vậy ta cố chấp dưới hình thức duy trì nó. Do khả năng từ bỏ không tự nó nảy sinh nên khả năng thay thế sẽ là “làm cho xong”, cũng giống như một trò chơi Cờ Tỉ Phú tẻ nhạt vậy. Thật không may, trò chơi chán ngắt này lại là thứ tạo nên cuộc sống của chúng ta. Sở dĩ ta từ bỏ một tình trạng tồi tệ một cách miễn cưỡng có thể vì cho rằng lựa chọn thay thế thậm chí còn tồi tệ hơn. Chúng ta có thể đói nếu rời bỏ công việc hiện tại. Nhìn nhận của ta về sự việc có thể đúng, có thể không đúng. Đối với cả hai trường hợp, việc ta vẫn tiếp tục vì lý do này không phải là một cái bẫy tư duy. Đó là chọn lựa tốt nhất ta có thể đưa ra dựa vào việc thông hiểu tình huống. Tuy nhiên cần phải chú ý rằng ta không dùng lý lẽ này để giải thích cho sức mạnh của quán tính. Đôi lúc chúng ta không thể thay đổi, bất chấp mọi dấu hiệu đang cố thuyết phục ta nên thay đổi. Ta cảm thấy bị buộc phải tiếp tục tình trạng cũ như khi bị buộc phải hoàn thành trò chơi Cờ Tỉ Phú. Chừng nào còn duy trì tình trạng tiến thoái lưỡng nan, chừng đó ta còn hy vọng phá vỡ sự bế tắc. Tuy nhiên, một khi một tình huống đã được hợp lý hóa, được xem là chọn lựa tốt nhất, thì chẳng còn gì phải bàn nữa. Trường hợp rơi vào trạng thái vĩnh viễn của hình thái cố chấp phủ định rất dễ xảy ra. Trong trạng thái này, ta cố chấp không chịu làm một việc đáng phải làm. Ta không bao giờ chịu mở lòng mình với một mối quan hệ thân thiết bởi ta đã từng làm thế trước đây và nhận lấy những kết quả thảm hại. Ta không bao giờ ăn quả ôliu vì hai mươi năm trước ta đã nếm thử và đã phun hết ra ngoài. Ta không bao giờ thảo luận những vấn đề liên quan đến toán học bởi ngày còn đi học, ta học toán vô cùng tệ. Một công việc không được thực hiện có nghĩa là nó sẽ chẳng có kết thúc. Ta không bao giờ chấm dứt được việc tránh ăn quả ô-liu. Thói quen không hoàn thành công việc sẽ dẫn đến khả năng xảy ra tình trạng cố chấp vĩnh viễn. Thật ra, thói quen đó đặc biệt có khả năng trở thành cố chấp. Chúng ta tương đối dễ nhận ra thời điểm nên ngừng làm một việc gì đó, chẳng hạn như việc chỉ ăn một loại ngũ cốc có mùi vị nhạt nhẽo vào mỗi sáng. Ta chỉ cần xem lại những kinh nghiệm của mình trước đây. Nhưng làm thế nào ta có thể khám phá ra thời điểm để ngưng làm một việc gì đó, như việc tránh ăn ô-liu chẳng hạn? Rất có thể ta sẽ thích nếu chịu ăn thử ngay bây giờ. Thế nhưng chừng nào còn cố chấp một cách tiêu cực, chừng đó kinh nghiệm sẽ không mách bảo ta làm thế. Sự cố chấp tiêu cực là một dạng cấu trúc tư duy cơ bản của sự sợ hãi. Do đã từng có kinh nghiệm đau thương khi bị nhét vào trong một đám đông đầy nghẹt người là người, khi phải lái xe trên những con đường dẫn lên núi hay khi đứng phát biểu trước công chúng nên về sau ta sẽ tránh không bao giờ lặp lại nỗi đau đó nữa. Kinh nghiệm ban đầu có thể bị ảnh hưởng bởi một số tác nhân đặc biệt. Với một đám đông khác, những con đường khác, khán giả khác hay thậm chí cũng với những đối tượng đó nhưng lại ở trong một thời điểm khác có thể sẽ không làm ảnh hưởng gì đến chúng ta. Nhưng do cố tránh né chúng nên ta không có điều kiện để khám phá ra điều này. Tất
  8. nhiên, vấn đề còn tệ hại hơn bởi trên thực tế, nỗi sợ hãi của chúng ta có khuynh hướng được bản thân tiên đoán trước. Và đó lại là một chiếc bẫy khác. Nếu cố tránh né một hoạt động, làm sao ta biết được rằng giá trị của nó đã thay đổi? Chỉ có một đáp án duy nhất là đừng từ bỏ bất kỳ điều gì có thể đến vào bất cứ lúc nào. Đây là một ý tưởng hay để ta có thể xem xét những gì chúng ta đã loại bỏ ra khỏi cuộc sống của mình với lý do là chúng quá vô vị, quá khổ nhọc hoặc quá khó khăn. Có thể những khẩu vị, động cơ, khả năng, sự may mắn và cả thế giới đã thay đổi mà chúng ta không hề biết. Rất có thể việc nhấm nháp ôliu hoặc mở lòng mình với một mối quan hệ thân thiết sẽ mang đến cho chúng ta một kết cục tốt đẹp. Khuếch đại Bẫy khuếch đại là khi chúng ta làm việc chăm chỉ hơn mức cần thiết để đạt được mục đích, như khi lấy một chiếc búa tạ để đập chết một con ruồi. Đây là sai lầm trái ngược với việc bỏ ra quá ít công sức để nhận lại nhiều hơn. Sự thái quá cũng là một sai lầm. Đối với mỗi loại công việc sẽ có một mức công sức tương xứng phải bỏ ra. Nếu bỏ quá ít công sức, ta sẽ không đạt được mục tiêu. Và nếu bỏ ra quá nhiều, ta sẽ lãng phí những nguồn lực của mình. So sánh giữa cố chấp với khuếch đại, ta sẽ xác định rõ đặc điểm của cả hai loại bẫy này. Khi khuếch đại, kết quả công việc mà ta đang hướng đến vẫn giữ nguyên giá trị, nhưng những nỗ lực mà ta bỏ ra lại không có tác dụng xúc tiến quá trình hình thành nên kết quả đó. Khi ta cố chấp, nỗ lực bỏ ra có thể giúp ta tiến đến mục tiêu một cách hiệu quả, song ta lại không có lý do để thực hiện điều đó. Ta cố chấp khi cứ tiếp tục tham gia một trò chơi đã quá vô vị. Ta khuếch đại khi dành quá nhiều thời gian để tham gia một trò chơi mà ta vẫn còn cảm thấy thích thú. Khuếch đại là khi ta cứ lặp đi lặp lại một bài thuyết trình quá nhiều lần đến nỗi những câu từ trở nên tẻ nhạt và đáng chán; khi bỏ ra một trăm đô-la để làm cho đề án chi tiêu trở nên chính xác hơn 10 đô-la hoặc khi ta mang theo quá nhiều hành lý cho chuyến du lịch vì muốn chuẩn bị cho một tình huống mà chưa chắc là có xảy ra hay không, đó là: sẽ thế nào nếu ta được mời tham gia một trận bóng ngay giữa khu rừng Papuan? Làm ra được nhiều tiền hơn khả năng chi tiêu cũng là một sự khuếch đại khiến một số người phải đánh đổi bằng chính mạng sống của họ. Đặc điểm nổi bật của khuếch đại là phương tiện vượt quá mức cần thiết để đạt được kết quả. Việc ta có khuếch đại hay không phụ thuộc vào những điều mà ta muốn đạt được. Làm ra nhiều tiền hơn khả năng chi tiêu sẽ là một cái bẫy nếu như mục đích của ta chỉ là để có thể mua được những thứ ta muốn. Tuy nhiên việc đó có thể hoàn toàn phù hợp với những giá trị của bản thân nếu mục đích của ta là niềm vui thú khi chơi trò chơi tiền bạc. Khúc dạo đầu trước khi quan hệ thể xác của một người đàn ông kéo dài hơn mức cần thiết không được xem là sự khuếch đại – trừ khi mối quan tâm duy nhất của anh ta là việc tái sản xuất tinh trùng. Ngay cả việc đập chết một con ruồi bằng chiếc búa tạ cũng có thể được xem là thích hợp nếu ta cảm thấy cần phải làm như vậy. Mặc khác, chưa chắc chúng ta mang quá nhiều hành lý dư thừa vì mục đích chơi thể thao hoặc vì không cảm thấy hứng thú với công việc thu xếp hành lý. Tuy nhiên, điều đó chưa từng xảy ra.
  9. Có rất nhiều việc mang đến cơ hội vô tận cho sự khuếch đại. Bất kể chúng ta đã bỏ bao nhiêu công sức để theo đuổi các mục tiêu thì vẫn có khả năng ta bỏ thêm nhiều công sức nữa để đạt được những mục tiêu đó. Nếu muốn trở nên giàu có, ta sẽ có cơ hội kiếm thêm tiền. Ta luôn có thể lặp lại bài thuyết trình thêm một lần nữa. Nếu tiếp tục chú ý, ta có cơ hội ghi nhiều điểm hơn trong trò chơi Ghép chữ. Và khi ta ra một quyết định, luôn có thêm những tác nhân ảnh hưởng đến quyết định đó. Sau khi so sánh danh tiếng, khả năng và kiến trúc của một vài trường đại học, có thể ta cũng sẽ do dự trong việc lựa chọn nơi thích hợp nhất. Khi bàn bạc về các lựa chọn này với một tá người, ta có thể luôn suy ra được ý kiến thứ mười ba. Đương nhiên, có một nguyên tắc để thu hẹp các ý kiến phản hồi. Công sức mà ta bỏ ra để kiếm được 2 triệu đô-la có thể sẽ không tương xứng với những gì mà số tiền đó có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Và sự cân nhắc giữa các trường đại học không mang lại ý nghĩa gì đáng kể hoặc chắc chắn, và vì thế nó cũng không tương xứng với công sức đã bỏ ra để phân tích, cân nhắc. Đây chính là nơi sự khuếch đại bắt đầu. Thỉnh thoảng, ta xa rời quan điểm này do bị thuyết phục bởi ý nghĩ rằng không bao giờ ta có thể thật sự chắc chắn về sự vô ích khi nỗ lực nhiều hơn. Chúng ta biết rằng, thêm một phút nhìn vào bảng chữ của trò chơi ghép chữ, ta sẽ có thể ghi thêm điểm. Ý kiến của người thứ 13 có thể tốt hơn 12 ý kiến trước đó. Nỗ lực thêm một chút có thể sẽ tạo ra một kết quả quyết định – cũng có thể kết quả quyết định là nỗ lực kế tiếp và kế tiếp nữa. Với lập luận này, có thể đi đến một kết luận là chúng ta nên theo đuổi trò chơi Ghép chữ mãi mãi cũng như nên tư vấn ý kiến của từng người một trên khắp thế giới về những chọn lựa của chúng ta. Sai lầm của lối suy nghĩ này nằm ở chỗ những phân tích về công sức bỏ ra – kết quả nhận được lại hoàn toàn không xét đến lượng công sức đã bỏ ra. Đúng là, ta có khả năng nhận được lợi ích nhiều hơn từ những nỗ lực cộng thêm. Tuy nhiên, nỗ lực thêm nghĩa là chúng ta phải mất thêm thời gian và công sức. Vấn đề không phải là liệu việc nỗ lực thêm cho hoạt động hiện tại có đem lại lợi ích cho chúng ta hay không, mà là liệu nỗ lực đó có đem lại nhiều lợi ích hơn so với khi ta đem thời gian và công sức đó đầu tư vào một nơi khác . Đây chính là tiêu chuẩn để xác định thời điểm để từ bỏ công việc hiện tại. Đối với một số trường hợp, việc áp dụng tiêu chuẩn này dễ dàng hơn. Có những tình huống mà cái giá phải trả cho những nỗ lực cộng thêm thật sự vượt quá lợi ích có thể đạt được. Giả sử chúng ta phải ghé qua 9 nơi khác nhau trong một chuyến mua sắm. Trừ khi đã lên lịch trình trước, chúng ta sẽ đi lòng vòng một cách vô ích. Nhưng nếu ta cố vạch ra một lịch trình hoàn hảo với 320.880 phép hoán vị cho 9 điểm đến, thì thời gian dành cho việc tính toán này chắc chắn còn nhiều hơn thời gian đi lòng vòng ngoài đường. Đây là loại khuếch đại rõ nhất. Ta thậm chí không cần phải tìm hiểu xem liệu có thể thu được lợi ích từ thời gian đã được bỏ ra hay không. Tốt hơn hết là không đầu tư gì cả. Đó là sự mạo hiểm vô ích.
  10. Mặc khác, ta không thể nói chính xác khi nào thì sự thận trọng cân nhắc về các trường đại học sẽ biến thành sự khuếch đại. Nhưng ít nhất ta cũng nên biết từ bỏ việc cân nhắc này khi đã nhận thấy rõ rằng ta có thể dùng thời gian và công sức đó để làm một việc khác có ích hơn. Mặc dù sau đó có thể ta sẽ mắc phải một sai lầm. Nỗ lực thêm ngay sau đó có thể phần nào cho thấy sự khác nhau giữa thành công và thất bại. Thoát khỏi bẫy tư duy không có nghĩa là thông suốt mọi sự. Nhưng nếu bị mắc bẫy, ta có nhiều khả năng đi sai đường hơn. Một việc có thể được khuếch đại đến tận cùng theo một trong hai hướng – ngang hoặc dọc. Trong khuếch đại ngang, càng lúc ta càng nghĩ nhiều về những việc ta có thể thực hiện thêm để đạt được mục tiêu – phỏng vấn nhiều người hơn, trình bày bài thuyết trình thêm một lần nữa, tiếp tục chú tâm vào trò chơi Ghép chữ. Nỗ lực của chúng ta không bao giờ hoàn toàn vô giá trị, dù thế nào đi nữa. Vì thế ta tiếp tục cho rằng mình đang nỗ lực có ích. Vấn đề là trong cuộc sống, còn nhiều việc khác đáng để làm hơn là cứ dán mắt vào trò chơi Ghép chữ. Khuếch đại dọc càng kích thích sự tò mò hơn. Ở đây, trước khi hoàn thành một công việc chính, ta phải hoàn tất một việc phụ và trước khi làm xong việc phụ này, ta phải làm xong việc phụ của việc phụ này nữa…, cứ thế. Với mong muốn truyền đạt một cách chính xác khi thuyết trình, ta bắt đầu với việc định ra một điều kiện giới hạn và giới thiệu đến khán giả trước để tránh hiểu nhầm: Không phải tôi tự khẳng định điều này, nhưng - Trong khi đó, ta lại nhận thấy rằng ngay cả điều kiện giới hạn vừa nêu cũng có khả năng gây hiểu nhầm. Và thế là lại có một điều kiện giới hạn khác để làm sáng tỏ hơn: Không phải tôi tự khẳng định điều này - cũng không phải bất kỳ ý kiến nào khác về vấn đề này - nhưng – Đương nhiên, điều kiện giới hạn của điều kiện giới hạn này lại hoàn toàn có thể bị hiểu sai: Không phải tôi tự khẳng định điều này - cũng không phải bất kỳ ý kiến nào khác về vấn đề này – đương nhiên là tôi có thích hơn – nhưng – Bằng cách này, chúng ta đã rời xa mục tiêu ban đầu là xem xét nguồn gốc của các khế ước xã hội, ý nghĩa cuộc sống và định nghĩa như thế nào là “định nghĩa”. Hoặc là, giả sử chúng ta đang thử quyết định xem nên mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô vừa với túi tiền của mình hay là một biệt thự lộng lẫy như trong mơ. Ta lập luận rằng lựa chọn của ta phụ thuộc rất lớn vào sự bảo đảm tài chính của bản thân trong tương lai. Thế nhưng ta không thể biết liệu trong tương lai, khả năng tài chính của mình sẽ thế nào cho đến khi biết được ngành nghề của chúng ta trong nền kinh tế sẽ thịnh vượng lâu dài ra sao. Khả năng thịnh vượng của ngành nghề đó lại phụ thuộc vào giá cả năng lượng. Giá năng lượng dựa trên chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại
  11. phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Cuộc bầu cử lại được quyết định bởi những quan điểm về quyền của người đồng giới… Kết quả của khuếch đại dọc là một sự dịch chuyển ngày càng đi ngược lại mục tiêu ban đầu. Càng cố gắng, càng có nhiều việc phải giải quyết. Giữa khởi đầu và kết thúc là một vực sâu không đáy. Trong trạng thái đầy đủ nhất, sự khuếch đại cùng lúc mở ra cả hai hướng – dọc và ngang. Một công việc đẻ ra nhiều việc phụ, mỗi việc phụ muốn được hoàn tất lại đòi hỏi ta phải hoàn tất thêm vô số việc phụ khác của nó, và cứ thế. Sự gia tăng tư duy này liệu có thật sự tồn tại? Sự thiếu quả quyết cố hữu này xuất phát từ đâu? Nếu sự do dự không nằm ngoài việc tìm ra một lựa chọn thay thế tương xứng, ta chỉ cần tung một đồng xu để quyết định phải làm gì. Không có lý do gì để chần chừ mãi như vậy. Ta chần chừ là bởi vì ta không biết liệu lựa chọn thay thế có thật sự tương xứng hay không. Ta không biết tí gì về giá trị của nó. Ta bị lạc trong những phép tính vô tận. Tích lũy là một hình thức khuếch đại dọc đặc biệt. Chúng ta rơi vào chiếc bẫy tinh vi này khi mục tiêu nhường chỗ cho mức độ nhận thức. Ai cũng biết rằng việc mang thai không đòi hỏi chủ thể phải có học vị, bằng cấp này nọ. Và cũng không đi đến một quyết định – đã quyết định, rằng công việc được hoàn thành. Nhưng nếu mục đích của chúng ta là sự giàu có, nổi tiếng, hiểu biết, quyền lực hay đức hạnh, thì sẽ chẳng có một biểu hiện rõ ràng nào về mặt tri thức. Một nhà triệu phú được xem là giàu có so với một người bình thường. Nhưng các triệu phú có khuynh hướng nhìn vào các triệu phú giàu có hơn họ để làm tiêu chuẩn so sánh. Nhìn nhận của chúng ta về sự hiểu biết, quyền lực và đức hạnh cũng bị ảnh hưởng tương đối theo cách đó. Nếu một loài cây cỏ cũng có thể được nâng lên ngang với vị trí của một con người, nó có thể tự xem mình là thánh. Nhưng chỉ là trong chốc lát. Thực tế không có một sức mạnh nào khiến ta cảm thấy mạnh mẽ quá lâu, cũng không thể trải nghiệm mãi một sự nhận thức trong một thời gian quá dài. Đạt được những mục tiêu không giới hạn này ở một mức độ nào đó, hơn là đề cao một kết quả cho quá trình cố gắng của chúng ta, chắc chắn sẽ trở thành một cơ hội để ta nâng tiêu chuẩn thành quả đạt được của mình. Mỗi bước tiến sẽ khiến mục tiêu lùi lại một bước. Vì thế ta không bao giờ đến được mục tiêu. Nhiều sinh mạng đã từ giã cuộc đời chỉ vì những cuộc hành trình không có kết quả này. Hiện tượng tái diễn kỳ lạ này xảy ra trong bẫy khuếch đại cũng như trong vài loại bẫy khác. Biểu hiện bề ngoài là như nhau trong tất cả mọi trường hợp. Chúng ta thực hiện lại một lần nữa công việc đã hoàn thành. Nếu là trường hợp khuếch đại, ta lặp lại với mục đích đảm bảo chắc chắc và chắc chắn hơn nữa rằng công việc đã thật sự hoàn tất. Sau hết, luôn có khả năng ta đã bỏ sót điều gì đó. Ngay cả khi ta nhớ lại rằng mình đã làm xong tất cả mọi việc, ký ức vẫn có thể nhầm lẫn. Vì vậy ta làm lại tất cả. Thế nhưng bằng cách đó, ta không đạt đến trạng thái tuyệt đối chắc chắn. Vẫn còn có thể cải thiện được. Do đó ta làm lại lần thứ ba… Tái diễn là một một loại khuếch đại vô tận theo chiều ngang.
  12. Ta chuẩn bị đầy đủ cho một chuyến đi. Ta sửa soạn hành lý, cho thú cưng ăn, tưới cây, tháo điện thoại bàn, kiểm tra vòi nước, khóa cửa sổ và cửa chính… Mọi việc đều đã chu toàn. Song rất có thể ta vẫn còn quên một thứ gì đó. Có thể ta là quên lấy theo kem đánh răng. Vì thế ta kiểm tra lại từng thứ: kem đánh răng, thú cưng, cây cảnh, cửa sổ, cửa chính… Tuy vậy ta vẫn xem lại lần thứ hai. Về bản chất, tình huống vẫn không thay đổi. Vì vậy, nếu ta có khuynh hướng xem lại những thứ đã chuẩn bị trước đó, ta sẽ có khuynh hướng thực hiện tương tự: kem đánh răng, thú cưng, cây cảnh, cửa sổ, cửa chính… Ta cứ lặp đi lặp lại như thế với cùng một xuất phát điểm. Ý nghĩ đó sẽ theo ta đến tận khi ta đặt chân đến phi trường – ý nghĩ về một chu trình vô tận: kem đánh răng, thú cưng, cây cảnh, cửa sổ, cửa chính… kem đánh răng, thú cưng, cây cảnh, cửa sổ, cửa chính… Sự tái diễn hợp lý ở chỗ, với mỗi lần kiểm tra lại, ta sẽ hạn chế được sai sót. Trong một số trường hợp, chẳng có gì phải nghi ngờ. Chuỗi sai sót sẽ có cơ may được hạn chế đáng kể nếu chúng ta kiểm tra lại và phát hiện ra sai sót như trong lần kiểm tra thứ hai. Tuy vậy, chúng ta phải đảm bảo giảm bớt sai sót. Mỗi lần kiểm tra lại khiến ta kém tự tin hơn so với lần trước. Điều đó rõ ràng tùy thuộc vào giá trị của việc kiểm tra lại so với lợi ích của việc hạn chế sai sót dù ta có bỏ công kiểm tra 10 lần, 1 lần hay không hề kiểm tra gì. Trước khi xem xét kỹ lưỡng lần nữa sau hàng trăm lần kiểm tra nhằm hợp lý hóa 11 cent trong bảng cân đối thu chi, có thể ta sẽ tự hỏi liệu ta có thể sẵn lòng làm giúp ai đó việc tương tự với sổ séc của họ hay không. Nếu không, việc trừ bớt tổng số tiền trong bảng cân đối thu chi hoặc tìm một việc khác đáng làm hơn sẽ là hành động thông minh hơn nhiều. Hơn nữa, không phải lúc nào sự tái diễn cũng hạn chế bớt sai sót, dù nó có chính xác đi chăng nữa. Thông thường thì chúng ta đã đạt được mức độ chắc chắn mà con người có thể đạt được. Trong trường hợp này, sự tái diễn không mang lại bất cứ điều gì. Lấy ví dụ, nếu công việc bao gồm nhiều bước, thì ngay một lúc chúng ta không thể nắm hết các giai đoạn của nó được. Khi đã chuyển sang sửa soạn các dụng cụ vệ sinh cá nhân thì quần áo đã chuẩn bị trước đó không còn là mối bận tâm của chúng ta nữa. Ta phải tin vào trí nhớ của mình rằng khi chú tâm vào thu xếp quần áo thì suy nghĩ về thu xếp quần áo đã được hoàn tất. Nếu bây giờ ta cố giành lại trạng thái hoàn toàn sáng suốt ngay lập tức bằng cách xem xét lại giai đoạn trước đó của công việc chuẩn bị, ta sẽ không nhìn thấy được giai đoạn kế tiếp. Ta đã đạt đến mức độ bảo đảm chắc chắn nhất có thể đạt được khi nhớ lại rằng các giai đoạn khác của việc chuẩn bị coi như đã hoàn thành. Bây giờ, trong ý thức của ta không còn một dấu hiệu trực tiếp nào để khiến ta thực hiện việc xem xét. Tuy nhiên, ta không cần làm thế. Việc chuyển qua chuyển lại giữa các giai đoạn trước, sau sẽ không làm giảm đi tính chắc chắn trong suy nghĩ của chúng ta. Ta cũng không cần phải viết mọi thứ ra giấy hay cử một người cầm chiếc camera đi theo mình khắp nơi. Viết ra giấy hay thu vào máy quay phim thì trong một thời điểm ta cũng chỉ có thể đọc/xem lại duy nhất 1 mục trong số đó. Khi xem đến mục cuối cùng, ta sẽ quên mất mục đầu tiên. Vì thế ta lại trở về điểm xuất phát, nhờ vào sự hồi tưởng để hình dung mọi việc dường như đã đâu vào đó trong khi đang đọc lạ/xem lại những gì đã được viết ra/ghi lại. Tạo ra một danh sách như thế có thể cho ta sự tự tin
  13. tối đa. Nhưng nếu đã tin tưởng và rồi còn tạo ra cái danh sách như vậy nữa với hy vọng càng bảo đảm chắc chắn hơn nữa trạng thái sáng suốt tức thì, ta sẽ rơi vào bẫy. Ta sẽ nhận thấy rằng khi đọc đi đọc lại danh sách để đảm bảo mọi thứ đã được liệt kê hết trong đó, thi cũng không khác gì lúc ta lặp lại tất cả mọi thứ trong đầu mà không cần đến danh sách đó. Cùng là một cái bẫy như nhau. Có khác chăng chỉ là phương tiện biểu lộ. Rơi vào bẫy tái diễn đặc biệt dễ dàng khi việc đạt được hay không đạt được mục tiêu là khó xác định. Khi đi đến một cửa hàng, ta cảm thấy có rất ít nhu cầu phải dõi theo những bước chân của mình nhằm đảm bảo đã đi đúng chỗ. Nhưng khi ta muốn được người khác yêu mến, khả năng đạt được điều đó có thể không rõ ràng ngay cả khi tất cả các dấu hiệu chứng minh đã đựơc thu thập đầy đủ. Tuy vậy, nếu ta có thể thu thập được tất cả các dấu hiệu chứng minh thì sẽ không còn việc gì để thực hiện nữa – ngoại trừ việc lặp lại. Đó là lý do giải thích tại sao có nhiều người luôn đòi hỏi ở bạn đời những hành động và lời nói chứng minh tình yêu của họ hết lần này đến lần khác. Một người chồng hay ghen có thể nhớ lại chính xác những bước đi của vợ mình hết lần này đến lần khác với một nỗ lực vô ích nhằm loại trừ khả năng không chung thủy. Những người này không hiểu đúng về sự vô ích tuyệt đối trong hành động của họ, cho dù nhu cầu của họ có thể là gì đi nữa. Đôi khi các dấu hiệu chứng minh không đủ để phục vụ cho các mục đích của chúng ta. Thật không may khi điều đó xảy ra. Thế nhưng ta sẽ chẳng đạt được điều gì nếu cứ lặp đi lặp lại cùng một hành động. Trong quá trình theo dõi và nắm bắt những hình thức khác nhau của khuếch đại trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi việc dừng lại công việc đang làm và tự hỏi bản thân xem liệu những nỗ lực của chúng ta có thật sự cần thiết để giúp đạt được mục tiêu hay không là rất hữu ích. Thời điểm tốt nhất để tự chất vấn là khi ta nhận thấy mình đang nỗ lực rất tích cực nhưng lại không hoàn tất được nhiều việc. Tuy nhiên, cố gắng đo đếm một cách chính xác các lợi ích và công sức bỏ ra thường không phải là một lựa chọn hay, trừ khi khả năng thành công là lớn. Thực tế, hoạt động này có thể dễ dàng biến thành một sự khuếch đại khác nữa. Thật vô nghĩa khi tiến hành những cuộc kiểm tra thường xuyên và kéo dài đối với một công việc chỉ cần 3 phút để hoàn tất. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta hoàn thành việc kiểm tra đó trong vòng 3 phút, cho dù công sức ta bỏ ra có ích hay không. Chúng ta thường phát hiện sự khuếch đại thông qua chính cảm giác mà nó mang lại. Như chúng ta đã biết, những công việc bị khuếch đại có một cấu trúc vô tận. Ta cứ trở đi trở lại điểm xuất phát, hoặc một việc luôn luôn kéo theo một việc khác. Những mê cung tư duy này khiến ta thật sự rối bời. Ta cảm thấy như thể đang ở trên một vòng quay ngựa gỗ hoặc đang bị rơi vào một hố sâu không đáy. Loại cảm giác này chính là kẻ dẫn ta đến bẫy khuếch đại một cách chắc chắn hơn là những phân tích về nỗ lực bỏ ra – kết quả đạt được. Ngưng trệ
  14. Trong bẫy ngưng trệ , con đường tiến tới mục tiêu của chúng ta gặp phải cản ngại. Chúng ta không thể làm gì thêm cho đến khi nhận được một cuộc gọi, một sự cho phép, một cuộc gửi nguyên vật liệu, một cảm hứng mới. Nhưng thay vì chuyển sang những việc khác, ta lại duy trì tình trạng giậm chân tại chỗ cho đến khi có thể tiếp tục công việc đó một lần nữa. Nói tóm lại, chúng ta chờ đợi. Để chuẩn bị cho buổi gặp mặt tại nhà vào lúc 8 giờ, chúng ta lau dọn nhà cửa, tắm rửa, thay quần áo, bày biện đồ ăn thức uống. Mọi thứ đều sẵn sàng. Nhưng đồng hồ chỉ mới 7 giờ 30. Bây giờ cho đến khi khách đến, ta làm gì? Chúng ta có thể dùng khoảng thời gian này để làm một số việc vặt mà trước sau gì cũng phải làm. Hoặc tự cho phép mình thư giãn một chút. Nhưng ta không cảm thấy đây là khoảng thời gian trống. Ta nhận thấy dường như mình đang bận rộn: đang chuẩn bị một buổi tiệc. Sự thật là trong thời gian này, ta không làm gì cho bữa tiệc cả, nhưng lại duy trì trạng thái bận rộn của mình như khi đang chuẩn bị tiệc. Cũng giống như những người lính trong cuộc diễu hành khi đụng phải một bức tường, ta cứ tiếp tục để tâm đến công việc của mình ngay cả khi không cần thiết. Ta khiến bản thân bận rộn với việc “chờ đợi” khách đến. Ta hình dung khi họ đến. Ta ước gì bây giờ họ đã có mặt ở đây. Ta quan sát từng khoảnh khắc trôi qua trong chiếc đồng hồ trên tay, để ý đến thời gian mà ta có thể lại tiếp tục hoạt động. Bẫy ngưng trệ có thể được hình thành trong ý nghĩ như bẫy khuếch đại. Khi khuếch đại, những thành quả đạt được quá ít so với nỗ lực bỏ ra; nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục. Khi ngưng trệ, ta chẳng có việc gì để làm, ít nhất là trong một thời khắc nào đó. Và ta vẫn tiếp tục. Để đạt được trạng thái bận rộn trong khi chẳng có việc gì để làm, ta tự tạo ra những hoạt động hoàn toàn vô ích nhưng có liên quan đến mục tiêu , mặc dù những hoạt động này không hề hữu ích trong việc hướng đến mục tiêu. Không cần phải chỉ ra rằng ngưng trệ là một sự lãng phí thời gian. Thật vậy, tên gọi thông tục của ngưng trệ là “giết thời gian”. Sai lầm này thường bị lặl lại khi quá trình xúc tiến phụ thuộc vào sự thay đổi tình huống mà ta không thể tự đưa ra – khi ta phải chờ khách đến, chờ tính tiền trong siêu thị, chờ thông đường, chờ tiếng còi ngân lên lúc 5 giờ hoặc tiếng trống trường vang lên lúc 3 giờ như một dấu hiệu chấm dứt tình trạng chờ đợi bế tắc của bản thân. Trong những tình huống như thế này, ta nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ, tự nhẩm tính, bóp tay, chăm chú nhìn bừa vào một vật nào đó mà không hề quan tâm đến vật thể mình đang nhìn, phàn nàn về tình cảnh hiện tại của mình và tiêu phí thời gian để ước ao khoảnh khắc này nhanh chóng trôi qua. Những hoạt động này duy trì ảo tưởng rằng chúng ta vẫn đang làm cái công việc đã bị trì hoãn. Việc nhìn đồng hồ cho ta cảm giác khiến thời gian trôi qua, cũng như sức mạnh của những lời ca thán hay ước muốn dường như có thể thúc đẩy dòng người đang chờ tính tiền trong siêu thị tiến nhanh hơn lên phía trước. Một cách khác để giữ mình trong trạng thái bận rộn khi chẳng có việc gì để làm là lặp lại những công việc đã được hoàn tất. Trong khi chờ đợi khách đến, người chủ nhà kiểm tra lại hai, ba lần những thứ anh ta đã chuẩn bị. Ta lại gặp trường hợp tái diễn
  15. của loại bẫy khuếch đại. Hành vi như nhau; song với hình thức ngưng trệ, thậm chí ta càng vô thức hơn. Khi tái diễn dưới dạng khuếch đại, ít nhất ta cũng mong đợi đạt được mức độ bảo đảm cao hơn về tình trạng hoàn tất của công việc. Trong khi người chủ nhà trong trường hợp ngưng trệ thì không còn hoài nghi gì về việc anh ta đã chuẩn bị cho buổi tiệc rất đầy đủ. Anh ta kiểm tra lại những hai, ba lần chỉ với mục đích giết thời gian. Nếu việc tái diễn, những ước muốn và những lời ca thán tỏ ra có tác dụng, ta có thể ưu tiên xem xét một hình thức tinh vi khác của bẫy ngưng trệ: tình trạng đình trệ . Dù đã mệt mỏi với việc tìm cách giữ mình ở trạng thái bận rộn khi chẳng có việc gì để làm, ta vẫn không cải thiện được tình hình. Thay vì vậy, ta ngồi lơ đãng, mụ mị trong tình trạng tê liệt tư duy. Tuy nhiên, trạng thái lơ đãng này không đơn giản là sự thiếu vắng ý nghĩ. Nghịch lý thay, đầu óc đình trệ vừa trong tình trạng trống rỗng, lại vừa bị choáng chỗ hoàn toàn. Ta cảm thấy tình trạng căng thẳng của những nỗ lực tư duy. Ta bận. Nhưng khi được hỏi đang bận việc gì, ta không thể trả lời được. Khi không thể làm bất kỳ việc gì hữu ích để tiến đến mục tiêu, tốt hơn là chúng ta hãy quên nó đi và chuyển sang việc khác – ngay cả khi mục tiêu là vô cùng quan trọng và lựa chọn thay thế không đáng kể. Bất kỳ giá trị gì được tạo ra cũng đều thỏa đáng hơn so với việc giết thời gian đơn thuần. Trước khi bị rơi vào tình thế phải làm một việc gì đó để cứu cả thế giới khỏi thảm họa hạt nhân hủy diệt hàng loạt, hãy thong thả uống một cốc trà. Khi đứng xếp hàng chờ tính tiền, ta có thể quan sát những người khác hoặc vui thú với những hình ảnh tưởng tượng của riêng mình. Khi bị kẹt xe, ta có thể tập vài bài tập thể dục tĩnh luyện. Thời gian bắt buộc phải chờ đợi thường là cơ hội quý giá để thư giãn một chút khi ta không thể tạo ra một thời điểm đặc biệt nào dành cho việc thư giãn trong cuộc sống bận rộn của mình. Đây là dịp để tắm táp thư giãn hoặc tản bộ, cho chó ăn, nói chuyện về xử thế với một đứa trẻ, giải thích hình khối của những đám mây. Rơi vào bẫy ngưng trệ, ta đã vứt bỏ món quà mà khoảnh khắc trống trải mang lại. Những chọn lựa thay thế cho việc giết thời gian đôi khi bị giới hạn bởi tình huống mà ta phải chờ đợi. Ta không thể giải thích hình khối của những đám mây trong một căn phòng đợi không có cửa sổ. Tuy nhiên lựa chọn luôn mở rộng đối với chúng ta chính là không làm gì cả. Việc đó ít nhất cũng giúp ta tiết kiệm năng lượng trước khi trở lại làm tiếp công việc. Khi ta không có việc gì để làm, nếu cứ để trí óc hoạt động thì đó sẽ là một sự lãng phí năng lượng. Đây là cơ hội nghỉ ngơi sau khi trí óc vận động liên tục – lập kế hoạch, đưa ra giả thuyết, đánh giá – những việc mà ta phải thực hiện trong cuộc sống hiện đại. Hẳn nhiên, cần phân biệt giữa việc không làm gì cả với tình trạng đình trệ tư duy. Sự đình trệ làm ta kiệt sức; việc không làm gì khiến ta lại sức. Khi đầu óc trống rỗng, ý thức dễ dàng chìm ngập trong vô số ý nghĩ vô cùng phong phú. Thậm chí khi ta đang ở trong phòng đợi, chúng vẫn cứ đến: một vết bẩn trên trần nhà cũng có thể được tưởng tượng như nữ hoàng Cleopatra đang ngự trên thuyền rồng, giấy dán tường xấu xí trở nên thật trang nhã, những bước chân vội vã nhịp nhàng ngoài hành lang, lớp da mát lạnh của chiếc ghế bành, một cảnh mộng như trong cổ tích… Càng thanh thản, ta càng
  16. thấy được nhiều hơn. Tuy nhiên, khi đang trong tình trạng đình trệ, chúng ta không dễ bị hấp dẫn bởi những cảnh vật lướt qua trước mắt mình. Vì chúng ta bận chờ đợi. Trở ngại làm ta đình trệ có thể ở bên trong hoặc bên ngoài. Đơn giản là chúng ta không biết sẽ làm gì tiếp theo. Ta cố cân nhắc xem liệu có nên mời một người bạn không thân thiết lắm đến dự tiệc, hoặc nên chiêu đãi món Hoa hay đồ ăn Ý trong buổi tiệc. Ta xem xét tỉ mỉ những việc cần phải làm sau các quyết định này – đo đếm giữa lợi ích và chi phí, cầu nguyện để xin Chúa dẫn dắt, xin ý kiến tư vấn. Và các dữ kiện thu được không đủ để giải quyết vấn đề - chi phí và lợi ích ngang nhau, Chúa thì bảo ta hãy tự quyết định lấy, còn ý kiến tư vấn thì lại không được rõ ràng dứt khoát. Vì thế, ta ca thán, mơ ước, và tái diễn. Thậm chí ta bị rơi vào tình trạng đình trệ. Ta lơ đãng đối diện với vấn đề hoặc lẩm bẩm gọi tên nó. Mì xào, lasagna. Lasagna, mì xào. Ta có thể làm gì trong tình cảnh này? Nếu không quá cấp thiết để đưa ra quyết định ngay, hãy tạm gác nó sang một bên. Có thể chúng ta sẽ nhận được thông tin mới giúp ổn định tâm trí. Có thể ta sẽ tìm ra được giải pháp mới. Dù sao đi nữa thì tình trạng ngưng trệ trước một vấn đề cũng không mang lại những tiến triển như vừa kể. Trái lại, nó thu hẹp cơ hội dẫn đến những cảm xúc mới giúp ta thoát khỏi tình trạng bế tắc. Có nhiều khả năng sẽ tìm ra được một giải pháp đột phá nếu ta đánh một giấc và mơ thấy những giấc mơ. Ngưng kết là trạng thái vô thức mặc dù chúng ta bắt buộc phải cân nhắc. Nếu phải quyết định ngay bây giờ thì việc chọn bừa một lựa chọn nào đó vẫn tốt hơn là cứ ngồi nhìn. Nếu không thể trả lời một câu hỏi trong bài thi, ta có thể đoán. Đương nhiên, lựa chọn một cách tùy hứng có thể sai lầm. Thế nhưng nếu cứ chịu đựng trong chiếc bẫy ngưng trệ thì cũng không thể mảy may làm giảm bớt nguy cơ này. Vì vậy hãy chấm dứt sự lãng phí thời gian và tìm cách đưa ra quyết định chắc chắn: bằng cách tung một đồng xu. Chắc chắn, điều gây phiền toái nhất của tình trạng ngưng trệ là sự lo lắng . Lo lắng là nghĩ về những khả năng rủi ro tiềm ẩn mà chúng ta không thể can thiệp. Ta đánh mất một chiếc vali trên xe buýt và phải đợi đến sáng mới có thể đi tìm lại. Trong thời gian chờ đợi đến sáng, ta không thể làm gì cả. Thế nhưng ý nghĩ của ta cứ quanh quẩn với vấn đề này hết lần này đến lần khác. Ta “phân vân” không biết liệu có thể tìm thấy chiếc vali hay không. Ta “hi vọng” rằng sẽ tìm được nó. Ta “ước ao” giá như ta chưa từng làm mất chiếc vali. Chúng ta đã nghe cả ngàn lần rằng: lo lắng chỉ vô ích. Lo lắng không mang lại lợi lộc gì ngoài việc khiến ta đau khổ. Không giống như những loại bẫy khác, đây là loại bẫy rất dễ dàng nhận diện khi nạn nhân là một người khác. Nhưng nếu chúng ta chính là người hay lo lắng thì ta sẽ không nhận thấy rõ rằng những hành động của mình là vô ích và ngu xuẩn. Không nhận biết được điều đó, ta có cảm giác mê muội rằng những vấn đề sẽ tự thành ra tệ hại hơn trừ khi ta suy nghĩ về chúng. Bất kỳ khả năng rủi ro nào cũng đều được ta xem như một kẻ thù lợi hại sẵn sàng tấn công ngay khi ta quay lưng. Hoặc có thể hiện tại ta phải chịu đựng để xoa dịu cơn thịnh nộ của chúa. Trong
  17. bất cứ trường hợp nào thì việc không lo lắng vẫn mang đến cảm giác rằng ta đang liều lĩnh một cách không thể giải thích được. Thời gian đã bị lãng phí vào việc duy nhất là chờ đợi – chờ một tiếng chuông reo, đợi một chương trình bắt đầu, đợi tin tốt hoặc tin xấu đến, đợi đường thông xe, đợi cho bài thuyết trình chán ngắt kết thúc – như một phần quan trọng trong cuộc sống. Thế nhưng ngoại trừ những khoảnh khắc này ra, chúng ta cũng có thể khổ sở bởi tình trạng ngưng trệ kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Ta ngừng làm những công việc hữu ích khi kỳ nghỉ hè đến gần, và kết thúc việc tận hưởng kỳ nghỉ trước thời điểm ta trở lại. Cái bóng của chặng đường kế tiếp đã phủ lên chúng ta và khiến ta mụ mị vì chờ đợi. Chính sự ngừng trệ trong ngày Thứ Hai đã khiến ta khó tận hưởng ngày nghỉ vào Chủ nhật hơn là tận hưởng buổi tối Thứ sáu. Sự chờ đợi thậm chí có thể chìm trong màn sương mờ mịt của một tương lai khó xác định nhất. Trong khi đợi tàu cập bến hoặc trong lúc chờ người yêu đến, ta vẫn ở trong tình trạng lấp lửng từ ngày này sang ngày khác y như tình cảnh của người chủ nhà khi khách chưa đến vậy. Chúng ta không để bản thân bị thu hút bởi bất kỳ điều gì trong lúc này, bởi đây là thời khắc không quan trọng. Nó chỉ là một sự dẫn nhập bước đầu, để giết thời gian cho đến khi chương trình chính bắt đầu. Khi ta nhận được bằng cấp, khi lũ trẻ trưởng thành, khi ta nhận thừa kế, khi ta về hưu, khi tất cả những nhiệm vụ, bổn phận nặng nề - những thứ ngăn không cho ta thực hiện khát khao của mình – cuối cùng cũng đã không còn là vật cản và khi mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa chính là lúc ta mới bắt đầu sống. Nhưng trước khi thời khắc vàng đó đến, một khoảng thời gian dài đã bị lãng phí. Trong thời gian chờ đợi, ta luôn trong tình trạng nôn nóng, bồn chồn từ lúc bình minh cho đến khi trời tối mịt. Trong lúc chờ hoạt động chính bắt đầu, cuộc sống có thể trôi qua như một giấc mơ không có thật. Công việc ta đang làm không phải là nghề nghiệp của ta. Cảm giác hài lòng chỉ có tính tạm thời. những mối quan hệ chỉ nhằm mục đích khiến thời gian trôi nhanh. Tất cả những gì ta làm là bóp tay và chờ đợi. Thậm chí có thể ta cũng chẳng biết mình đang chờ đợi điều gì. Trong chiếc bẫy ngừng trệ rỗng , ta nóng lòng chờ đợi một điều thậm chí không thể gọi tên. Ta chẳng biết mình sẽ là ai khi trưởng thành, và chưa bao giờ trưởng thành. Điều duy nhất có thể chắc chắn là ta chưa là chính con người thật sự của ta. Song chúng ta không cần đợi để trở thành chính mình trong tương lai. Ta đã là chính ta rồi, và cuộc sống hiện tại đã là cuộc sống của ta rồi. Một hoàng tử không chỉ đơn thuần là một vị hoàng đế tương lai, một cô bé con không chỉ là một phụ nữ trong tương lai. Hoàng tử, trẻ con, sinh viên, học viên, những tác giả chưa được biết đến, những nghệ sĩ đang sống chật vật và viên chức trung cấp đều là những chủ thể hoàn tất và đã được xác định rõ. Họ đã có thể đối mặt với những niềm vui, nỗi khổ lớn nhất của cuộc đời. Ngưng trệ kéo dài ẩn chứa một nghịch lý lớn. Sau thời gian dài chờ đợi, ta lại cảm thấy tiếc nuối những ngày tươi đẹp đã qua. Trong dịp kỷ niệm ngày cưới, người nghệ sĩ chưa thành danh đã từng trao cho vợ mình một chùm nho và ước ao đó là những viên
  18. ngọc trai quý giá. Thế rồi nhiều năm sau đó, khi đã đạt được thành công lớn, anh tặng vợ chuỗi hạt trai và lại ước gì nó chỉ là những trái nho như ngày nào. Cuộc sống không có khúc dạo đầu. Cuộc sống bắt đầu ngay trong hiện tại. SOURCE: BUSINESS WORLD PORTAL
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2