TAP CHI KHOA HOC, Đai hoc Huê, Sô 47, 2008<br />
̣ ́ ̣ ̣ ̣ ́ ́<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ VÀ NHU CẦU, <br />
PHƯƠNG HƯỚNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY<br />
Đoàn Đức Lương<br />
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
Chức năng xét xử của Toà án đã được quy định trong Hiến pháp. Để đưa ra những <br />
phán quyết đúng pháp luật, khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân <br />
theo pháp luật. Trong thực tiễn còn nhiều yếu tố tác động đến hoạt động xét xử của Toà án, <br />
tình trạng xét xử oan sai vẫn còn tồn tại. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách <br />
tư pháp ở nước ta, Toà án giữ vai trò trung tâm của cải cách. Do vậy tác giả đã phân tích các <br />
yếu tố tích cực và nhất là các yếu tố ảnh hưởng không tích cực đến hoạt động xét xử để làm <br />
cơ sở xác định những yêu cầu, phương hướng có tính tất yếu để nâng cao hiệu quả của hoạt <br />
động này trong giai đoạn hiện nay.<br />
<br />
1. Những yếu tố tác động đến hoạt động xét xử của Toà án <br />
Xét xử là chức năng của Toà án đã được quy định trong Hiến pháp. Khi xét xử, <br />
Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, thực <br />
tiễn xét xử còn có rất nhiều các yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến các phán quyết <br />
của Toà án, bao gồm những yếu tố tác động tích cực và những yếu tố tác động không <br />
tích cực. Trước hết đề cập đến những yếu tố tích cực bao gồm:<br />
Trong những năm qua nhiều Nghị quyết của Đảng đã được quán triệt thành các <br />
kế hoạch hành động thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc cải cách <br />
tư pháp. Những văn bản có tính chất chiến lược cho phép các cơ quan pháp luật xem <br />
xét đánh giá và xây dựng kế hoạch chiến lược đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.<br />
Hệ thống các văn bản pháp luật được ban hành khá đầy đủ, tương đối phù <br />
hợp với thực tiễn làm cơ sở cho các cơ quan áp dụng pháp luật xét xử các vụ án hình <br />
sự, dân sự và hôn nhân gia đình. Sau khi các văn bản luật được ban hành, cơ quan có <br />
thẩm quyền đã có những hướng dẫn chi tiết và tập huấn cho các cán bộ tư pháp nắm <br />
bắt kịp thời và áp dụng thống nhất pháp luật.<br />
Nhiều chính quyền địa phương đã nhận thức đúng đắn vai trò của các cơ quan <br />
tư pháp ở địa phương mình, gắn việc giữ gìn ổn định trật tự an toàn xã hội với việc <br />
phát triển kinh tế. Do vậy, chính quyền ở các địa phương đã tạo những điều kiện nhất <br />
định cho cơ quan tư pháp (Toà án, Viện kiểm sát).<br />
Trình độ của các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử ngày càng được <br />
chuẩn hoá. Việc bổ nhiệm và các chức danh Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán <br />
ít nhất phải có bằng cử nhân luật, có kinh nghiệm công tác và có chứng chỉ bồi dưỡng <br />
nghiệp vụ của Học viện Tư pháp. Trong quá trình bổ nhiệm, đạo đức nghề nghiệp <br />
cũng được quan tâm đúng mức đảm bảo những người làm công tác pháp luật vừa có <br />
chuyên môn, vừa có phẩm chất đạo đức. Trình độ dân trí được nâng cao nên đòi hỏi <br />
các cán bộ ngành tư pháp phải triệt để tuân thủ pháp luật, hạn chế thấp nhất tình <br />
trạng oan sai xảy ra.<br />
Bên cạnh những yếu tố tích cực còn có những yếu tố không tích cực tác động <br />
đến hoạt động xét xử như sau:<br />
Trong một thời gian dài, các quy định của pháp luật tố tụng còn bị xem nhẹ <br />
theo quan niệm chỉ là “thủ tục tố tụng” nên không được chú trọng, chủ yếu là các văn <br />
bản đơn hành có giá trị pháp lý thấp hơn luật. Nhiều thủ tục chưa được pháp luật tố <br />
tụng điều chỉnh hoặc các quy định của pháp luật tố tụng mang tính chung chung, <br />
chồng chéo, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Khi áp dụng pháp luật quá coi <br />
trọng các văn bản hướng dẫn, thậm chí cả công văn, ý kiến chỉ đạo của cấp trên mà <br />
thiếu quan tâm đến các quy định trong bộ luật, luật.<br />
Pháp luật quy định về tổ chức Toà án còn theo đơn vị hành chính. Hoạt động <br />
xét xử của Toà án là nhân danh công lý và chỉ căn cứ vào pháp luật. Tuy nhiên tổ chức <br />
Toà án ở nước ta hiện nay theo đơn vị hành chính lãnh thổ nên còn những hiện tượng <br />
can thiệp của chính quyền địa phương, của tổ chức Đảng vào hoạt động xét xử. <br />
Trước hết cần khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử là một <br />
nguyên tắc hiến định, do đó, cần phải tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của <br />
Đảng để Toà án thực hiện tốt chức năng xét xử. Tuy nhiên, nếu sự can thiệp không <br />
đúng của chính quyền địa phương và tổ chức Đảng vào hoạt động xét xử các vụ án cụ <br />
thể khiến cho các bản án hay quyết định thiếu khách quan, thiếu chính xác. Đa số các <br />
nước trên thế giới đều tổ chức Toà án không phụ thuộc vào cấp hành chính để hạn <br />
chế sự can thiệp của cơ quan hành pháp vào hoạt động tư pháp. Khắc phục tình trạng <br />
này quan điểm chỉ đạo trong cải cách tư pháp là Đảng lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư <br />
pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức và cán bộ; khắc phục tình trạng <br />
buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp [1, tr.8].<br />
Pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp chưa đầy <br />
đủ, kịp thời. Theo nghĩa hẹp, cơ quan bổ trợ tư pháp bao gồm những thiết chế phục <br />
phụ trực tiếp cho hoạt động xét xử của Toà án. Trong thời gian dài các quy định pháp <br />
luật làm cơ sở, nền tảng cho các cơ quan bổ trợ tư pháp hoạt động chưa được quan <br />
tâm đúng mức. Cơ quan bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay do <br />
thiếu về số lượng, còn kém về chất lượng. Đội ngũ Luật sư, Giám định viên trong <br />
một thời gian dài chưa mang tính chất chuyên nghiệp hoá, chưa được đào tạo bài bản <br />
về chuyên môn. Ngoài ra, còn một số người suy thoái về đạo đức làm sai lệch các <br />
chứng cứ, các kết luận hoặc móc ngoặc với cán bộ Toà án khiến cho các phán quyết <br />
của Toà án không đúng với nội dung vụ án. Sự thiếu khách quan, thiếu chính xác của <br />
các hoạt động bổ trợ tư pháp đã làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Toà án. <br />
Tình trạng tham nhũng trong xã hội đã làm cho môi trường xét xử chưa được <br />
trong sạch thực sự. Vẫn còn hiện tượng một số cán bộ tư pháp sử dụng quyền của <br />
Nhà nước giao để làm công cụ kiếm tiền bất chính, các đương sự vẫn còn tư tưởng <br />
trực tiếp hay thông qua người khác để nhờ vả nhằm được giải quyết nhanh, có lợi cho <br />
mình nhất. Từ đó dẫn đến hiện tượng “chạy án” “cò mồi” vẫn còn xảy ra khi xét xử <br />
các vụ án khiến cho cán cân công lý bị thiên lệch hoặc chỉ vì một vài những vụ tiêu <br />
cực cụ thể mà lòng tin của các chủ thể vào công lý nói chung, vào Toà án nói riêng bị <br />
suy giảm.<br />
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của Toà <br />
án như: thói quen trong xét xử, thói quen của đương sự; chính sách và chế độ đãi ngộ <br />
đối với người làm công tác xét xử chưa hợp lý; quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán <br />
chưa phù hợp; do quá lâu về mặt thời gian giải quyết vụ việc do ngại đưa vấn đề ra <br />
công khai; do Tòa án không có khả năng chuyên môn để giải quyết vấn đề rõ ràng, sát <br />
đúng.<br />
2. Nhu cầu và phương hướng nâng cao hiệu quả xét xử trong tiến trình hội <br />
nhập quốc tế và cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay<br />
Hiện nay, hoạt động xét xử của Toà án cần được xem xét trong điều kiện khu <br />
vực hoá và toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ như là một xu hướng khách <br />
quan của nền kinh tế thế giới. Cải cách tư pháp là vấn đề tất yếu phải đặt ra, trong đó <br />
trọng tâm là Toà án. Do vậy, hoạt động xét xử của Toà án dựa trên các nhu cầu và <br />
phương hướng sau đây:<br />
Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Cải <br />
cách tư pháp đã được đề cập trong các văn kiện và các Nghị quyết của Đảng mà trọng <br />
tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Toà án. Xét xử sơ thẩm vụ <br />
án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình có hiệu quả thì vai trò của Toà án là trung tâm. <br />
Về mặt tổ chức, Toà án các cấp càng ít phụ thuộc vào các cơ quan hành chính thì càng <br />
đảm bảo sự độc lập khi xét xử. Do vậy, có quan điểm cho rằng: "Chúng ta chưa tổ <br />
chức tư pháp hoàn toàn theo nguyên lý tư pháp độc lập. Điều này thể hiện ở chỗ Toà <br />
án nước ta được tổ chức căn cứ vào đơn vị hành chính lãnh thổ. Đã coi nguyên lý độc <br />
lập là một nguyên lý tổ chức tư pháp thì phải thiết kế cơ quan tư pháp tách khỏi cơ <br />
quan hành chính. Nếu tổ chức cơ quan tư pháp theo đơn vị hành chính sẽ làm hạn chế <br />
sự độc lập của cơ quan tư pháp, dễ tạo ra khả năng cho sự can thiệp của chính quyền <br />
địa phương vào hoạt động xét xử của Toà án" [3, tr.85]. <br />
Xây dựng cơ chế xét xử đảm bảo sự độc lập của Toà án, độc lập của Thẩm <br />
phán và Hội thẩm nhân dân là một trong những yếu tố quyết định chất lượng xét xử. <br />
Bởi lẽ "xét xử là phòng tuyến cuối cùng của việc bảo vệ pháp luật cần phải được độc <br />
lập, do đó những người thực hiện nó cần phải được độc lập. Hơn nữa tính tự chủ của <br />
quyền tư pháp là điều kiện quan trọng và tiền đề bảo đảm sự độc lập của xét xử và <br />
của những người thực hiện xét xử" [5, tr.16]. Do vậy, tư tưởng chỉ đạo đã được thể <br />
hiện trong Nghị quyết số 49/NQTW của Bộ Chính trị ngày 24 tháng 05 năm 2005 với <br />
tinh thần là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, đảm <br />
bảo Toà án xét xử độc lập, đúng pháp luật, kịp thời và nghiêm minh; đồng thời phân <br />
định thẩm quyền xét xử của Toà án sơ thẩm và Toà án phúc thẩm phù hợp với hai cấp <br />
xét xử.<br />
Một trong những quan điểm chỉ đạo trong quá trình cải cách tư pháp ở nước ta <br />
hiện nay là nâng cao chất lượng tranh tụng theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQTW <br />
ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng. "Các bản án, <br />
quyết định của Toà án cấp sơ thẩm phải là kết quả của quá trình tranh tụng công khai, <br />
dân chủ tại phiên tòa. Để thực hiện tranh tụng tại phiên tòa vai trò của Toà án có ý <br />
nghĩa quyết định, sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của Toà án đến đâu chính là biểu <br />
hiện của nguyên tắc tranh tụng" [5, tr.69]. Nếu không nâng cao vai trò và trách nhiệm <br />
của Toà án, đặc biệt là tại phiên toà thì tranh tụng khó có thể thực hiện được trên thực <br />
tế. Để tranh tụng tại phiên toà là cả một quá trình chuẩn bị của các bị cáo, của đương <br />
sự có vai trò rất quan trọng của Toà án (chẳng hạn tạo điều kiện cho các đương sự <br />
trao đổi chứng cứ, hỗ trợ thu thập chứng cứ, các thủ tục tại phiên toà,...). Trong điều <br />
kiện xây dựng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở <br />
nước ta hiện nay, yêu cầu thủ tục tố tụng hình sự, dân sự phải thực sự là thủ tục tranh <br />
tụng. Vì vậy, trong quá trình cải cách tư pháp, với tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ<br />
TW là đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách <br />
nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo <br />
tính công khai, dân chủ, nghiêm minh. Đồng thời, "nâng cao chất lượng tranh tụng tại <br />
các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp" [1, tr.5].<br />
Thứ hai, nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án xuất phát từ nhu cầu phát triển <br />
kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tiến trình hội nhập <br />
kinh tế quốc tế và phù hợp với tình hình địa phương. Xây dựng cơ chế xét xử đảm <br />
bảo yêu cầu dân chủ, giản tiện, hiệu quả và minh bạch. Bị cáo, các đương sự được <br />
quyền đòi hỏi các thông tin từ các cơ quan tiến hành tố tụng trong phạm vi luật định, <br />
có quyền thực hiện bất cứ những gì mà pháp luật không cấm để quyền năng tố tụng <br />
của các chủ thể tham gia tố tụng. Công tác xét xử vừa đảm bảo đúng pháp luật vừa <br />
phục vụ tình hình chính trị ở địa phương nhất là các vụ án hình sự có liên quan đến tôn <br />
giáo, các tranh chấp nhà đất liên quan đến chùa, cơ sở tôn giáo.<br />
Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình phải xuất phát từ đặc trưng của <br />
tranh chấp và các chủ thể tham gia, Toà án thực hiện xét xử nhân danh Nhà nước để <br />
nhằm mục đích điều hoà các mâu thuẫn giữa các bên bằng pháp luật, chứ không phải <br />
sự thể hiện hình thức, thủ tục như tại phiên tòa là thể hiện tính chất quyền lực. Tổ <br />
chức phiên tòa giản tiện như phiên họp sẽ phù hợp hơn để có sự trao đổi, trình bày, <br />
tranh luận phù hợp với việc giải quyết các vụ án dân sự, giảm bớt sự nặng nề và <br />
mang lại hiệu quả cao.<br />
Thứ ba, xuất phát từ nhu cầu giải quyết nhanh gọn các vụ án hình sự hoặc dân <br />
sự, đảm bảo hiệu quả về thời gian, ít tốn kém và đúng pháp luật nên nghiên cứu xây <br />
dựng thủ tục rút gọn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và dân sự. Thủ tục này <br />
đã được pháp luật tố tụng một số nước quy định và được xới lên trong dự thảo các bộ <br />
luật tố tụng nhưng về lý luận còn bị ràng buộc bởi nguyên tắc xét xử tập thể nên chưa <br />
được quy định trong pháp luật tố tụng. Ở nhiều nước, nguyên tắc xét xử tập thể hoàn <br />
toàn không ảnh hưởng đến việc một Thẩm phán giải quyết vụ dân sự theo thủ tục rút <br />
gọn. Ở nước ta, có thể sửa đổi quy định của Hiến pháp cho phép không áp dụng <br />
nguyên tắc xét xử tập thể, quyết định theo đa số khi thoả mãn những điều kiện nhất <br />
định để làm cơ sở cho việc ban hành quy định này.<br />
Thứ tư, nhu cầu hoàn thiện pháp luật về tổ chức của Toà án có thẩm quyền xét <br />
xử các vụ án. Hệ thống Toà án ở nước ta, trong đó có các toà chuyên trách được tổ <br />
chức theo đơn vị hành chính cũng làm ảnh hưởng đến sự “độc lập” trong xét xử của <br />
Toà án. Do đó có ý kiến cho rằng: "Thực hiện nguyên tắc hai cấp xét xử phải đảm <br />
bảo cấp xét xử sơ thẩm và cấp phúc thẩm độc lập với nhau chứ không phải là cấp <br />
trên và cấp dưới. Cách tổ chức hệ thống Toà án như hiện hành đã biến Toà án thành <br />
hệ thống khép kín" [4, tr.6]. Khắc phục hạn chế của pháp luật về tổ chức Toà án có <br />
thẩm quyền xét xử còn nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng thẩm quyền xét <br />
xử sơ thẩm về cơ bản vẫn tổ chức theo hành chính lãnh thổ như như hiện nay, nhưng <br />
có sự đổi mới là thành lập Toà án khu vực bằng việc gộp một số Toà án cấp huyện <br />
lại. Theo mô hình này, sẽ cho phép hình thành đội ngũ Thẩm phán ở quy mô lớn hơn <br />
trong một Toà án, chất lượng xét xử cao hơn, giảm sức ép cho Toà án cấp trên; đồng <br />
thời cũng hạn chế được sự dư thừa, sử dụng không hiệu quả nguồn nhân lực của Toà <br />
án huyện hiện nay. <br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49/NQ<br />
TW về Đề án Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.<br />
2. Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 08/NQTW về <br />
một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp.<br />
3. Võ Trí Hảo, Dân chủ và sự độc lập của Tòa án, Nghề luật, số 7, 2004.<br />
4. Đặng Quang Phương, Cải cách tổ chức hệ thống toà án nhân dân Việt Nam <br />
trong chiến lược cải cách tư pháp, Hội thảo cải cách tư pháp và phát triển <br />
kinh tế thị trường ở Việt Nam, Hà Nội, 2005.<br />
5. Viện Nhà nước và Pháp luật, Hệ thống tư pháp và cải cách tư pháp ở Việt <br />
Nam, Nxb KH Xã hội, Hà Nội, 2004.<br />
SOME FACTORS AFFECTING THE TRIAL ACTIVITIES OF <br />
THE COURTS AND THE NEEDS AND DIRECTIONS <br />
FOR IMPROVEMENT IN VIETNAM<br />
Doan Duc Luong<br />
College of Sciences, Hue University<br />
SUMMARY<br />
Trial function of the court is provided in the Constitution. In order to have due <br />
judgments, the judges and Juror must be independent and follow only the law when judging. In <br />
practice, there are still some factors that affect the trial activities of the courts and unjust <br />
punishment still exists. In the process of international economic integration and judicial reform <br />
in Vietnam, the court is playing a center role. Therefore, the author analyzed the positive factors <br />
and specially the negative factors affecting the trial activities of the courts which may create a <br />
foundation for determining the needs, and directions for the improvement of trial activities <br />
nowadays in Vietnam. <br />