Pháp luật về biện pháp kiểm dịch động thực vật trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
lượt xem 2
download
Bài viết tập trung nghiên cứu pháp luật về biện pháp kiểm dịch động thực vật của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Pháp luật về biện pháp kiểm dịch động thực vật trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” PHÁP LUẬT VỀ BIỆN PHÁP KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM GIA NHẬP CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI ThS. Lê Đình Quang Phúc, Lữ Trọng Toán TÓM TẮT Hội nhập kinh tế quốc tế đang là xu hướng tất yếu trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vừa qua, Việt Nam đã ký kết và gia nhập một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong bối cảnh đó, vấn đề hoàn thiện pháp luật để phù hợp với nội dung các hiệp định tự do thế hệ mới là hết sức quan trọng. Kiểm dịch động thực vật là một trong những hoạt động quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo một hệ thống thương mại công bằng. Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu pháp luật về biện pháp kiểm dịch động thực vật của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Từ khóa: biện pháp kiểm dịch động thực vật; hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Hiệp định CPTPP; Hiệp định EVFTA. ABSTRACT LAW ON SANITARY AND PHYTOSANITARY MEASURES IN THE CONTEXT OF VIETNAM’S ACCESSION TO NEW GENERATION FREE TRADE AGREEMENTS Economic integration is an inevitable trend of which Vietnam must be an exception. Recently, Vietnam has signed and joined a number of new generation free trade agreements. In that context, the issue of perfecting the law to match the content of the new generation of freedom agreements is very important. Sanitary and phytosanitary measures are the key activities to protect consumers and ensure a fair trading system. In this article, the authors focus on studying the Vietnamese law on sanitary and phytosanitary measures in the context of Vietnam’s accession to new generation free trade agreements. Keywords: sanitary and phytosanitary measures; new generation free trade agreements; CPTPP; EVFTA. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa đã trở thành xu hướng tất yếu, buộc mọi quốc gia phải hội nhập sâu vào hệ thống thương mại quốc tế. Không nằm ngoài xu hướng đó, kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, Việt Nam luôn tích cực tham gia, hội nhập thương mại với các nền kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tiến hành ký kết và tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (gọi tắt là Hiệp định EVFTA). Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này không những thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, mà còn giúp từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trước những yêu cầu mà các hiệp định này đặt ra. Mặc dù Việt Nam đã ban hành các quy định về kiểm dịch động thực vật, song trong bối cảnh hội nhập và nhất là khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những quy định hiện hành về kiểm dịch động thực vật vẫn bộc lộ những bất cập về sự tương thích với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với việc ngày càng có nhiều các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết, các rào cản thuế quan có xu hướng càng ngày càng được cắt giảm (Trần Thị Trang & Đỗ Thị Mai Thanh, 2019). Trước tình hình 124
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” đó, các rào cản phi thuế quan, trong đó có biện pháp kiểm dịch động thực vật, được xem như công cụ quan trọng để kiểm soát hàng hóa được nhập khẩu từ các quốc gia thành viên. Như vậy, hoàn thiện pháp luật về biện pháp kiểm dịch động thực vật có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo thi hành các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, vừa bảo vệ sức khỏe của con người, động vật, thực vật, vừa là biện pháp thúc đẩy phát triển nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có nhiều các nghiên cứu tập trung làm rõ và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về biện pháp kiểm dịch động thực vật trong bối cảnh mới. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu pháp luật về biện pháp kiểm dịch động thực vật của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, nhóm tác giả cố gắng làm rõ một số vấn đề tổng quan về biện pháp kiểm dịch động thực vật trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng tiến hành đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về biện pháp kiểm dịch động thực vật và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Cơ sở lý thuyết Để làm cơ sở cho nghiên cứu của mình, nhóm tác giả sử dụng hai lý thuyết nghiên cứu sau: - Lý thuyết Bảo vệ người tiêu dùng: Năm 1962, trong bài phát biểu trước Hạ viện Hoa Kỳ, Tổng thống J. Kennedy đã khởi xướng mạnh mẽ Lý thuyết Bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, ông cho rằng người tiêu dùng có bốn quyền cơ bản là quyền được an toàn, quyền được thông báo, quyền được lựa chọn hàng hóa và quyền được lắng nghe (UNCTAD, 2017). Vì mọi người đều là người tiêu dùng, nên các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển, đều quan tâm đến việc xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng hàng hóa, trong đó có các hàng hóa nguồn gốc từ động thực vật để bảo vệ sức khỏe của công dân mình. - Lý thuyết Thương mại công bằng: Thuật ngữ “Thương mại công bằng” được Michael Barratt Brown (1993) trình bày chi tiết trong tác phẩm “Fair Trade: Reform and Realities in the International Trading System”. Lý thuyết Thương mại công bằng được ứng dụng để hướng đến bảo vệ môi trường và loại bỏ những rào cản trong hoạt động thương mại, tạo cơ chế cạnh tranh công bằng giữa các đối tác thương mại. Trên cơ sở đó, lý thuyết này được sử dụng để lập luận xây dựng một môi trường thương mại tự do với các quy định về vệ sinh dịch tễ được thể hiện rõ ràng, cập nhật đầy đủ và không thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó, các biện pháp vệ sinh dịch tễ còn phải được xây dựng trên cơ sở các bằng chứng khoa học, tính hợp lý và dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế có sẵn. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Trong bài viết này, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Phương pháp này dùng để làm sáng tỏ các lý thuyết có liên quan, làm cơ sở giải thích những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và đề xuất giải pháp. - Phương pháp phân tích luật viết: Phương pháp này được sử dụng để phân tích, làm rõ các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó, kết quả nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam. - Phương pháp luật học so sánh: Phương pháp này được sử dụng để làm rõ những điểm tương đồng và bất hợp lý giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về biện pháp kiểm dịch 125
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” động thực vật. Kết quả của phương pháp này là nhằm đánh giá những bất cập của pháp luật Việt Nam hiện hành và đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn cho vấn đề pháp lý có liên quan. 3. TỔNG QUAN VỀ BIỆN PHÁP KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT TRONG CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI 3.1. Khái niệm biện pháp kiểm dịch động thực vật Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD, 2019, 1), biện pháp kiểm dịch động thực vật là “các biện pháp được áp dụng để bảo vệ cuộc sống của con người hay động vật khỏi các rủi ro phát sinh từ các chất phụ gia, chất gây ô nhiễm, chất độc hoặc sinh vật gây bệnh trong thức ăn của chúng; để bảo vệ cuộc sống của con người khỏi các bệnh truyền qua động thực vật; để bảo vệ động thực vật khỏi sâu bệnh, dịch bệnh hoặc sinh vật gây bệnh; để ngăn chặn hoặc hạn chế những thiệt hại khác cho một quốc gia do sự xâm nhập, hình thành hoặc lây lan của sinh vật gây hại; và để bảo vệ đa dạng sinh học. Chúng bao gồm các biện pháp được thực hiện để bảo vệ sức khỏe của cá, động vật hoang dã, rừng và thực vật hoang dã”. Định nghĩa này của UNCTAD đã nêu được mục tiêu của biện pháp kiểm dịch động thực vật, nhưng lại chưa đề cập đến các tiêu chí về thẩm quyền ban hành và hình thức của biện pháp này. Hiệp định về việc áp dụng các biện áp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (gọi tắt là Hiệp định SPS) không đưa ra định nghĩa riêng về biện pháp kiểm dịch động thực vật. Thay vào đó, Hiệp định này định nghĩa chung về biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật tại Phục lục A. Theo đó, biện pháp này được hiểu là “bất kỳ biện pháp nào áp dụng để: (a) bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ Thành viên khỏi nguy cơ xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền của sâu, bệnh, vật mang bệnh hay vật gây bệnh; (b) bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ con người hoặc động vật trong lãnh thổ Thành viên khỏi nguy cơ từ các chất phụ gia thực phẩm, tạp chất, độc chất hoặc vật gây bệnh trong thực phẩm, đồ uống hoặc thức ăn gia súc; (c) bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ con người trong lãnh thổ Thành viên khỏi nguy cơ từ các bệnh do động vật, thực vật hay sản phẩm của chúng đem lại hoặc từ việc xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền sâu hại; hoặc (d) ngăn chặn hay hạn chế tác hại khác trong lãnh thổ Thành viên khỏi sự xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền của sâu hại”. Pháp luật Việt Nam đưa ra hai định nghĩa riêng biệt về kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật tại hai văn bản quy phạm khác nhau. Cụ thể, khoản 14 Điều 3 Luật Thú y 2015 định nghĩa biện pháp kiểm dịch động vật hoặc sản phẩm động vật là “việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật”. Cùng với đó, khoản 3 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 định nghĩa biện pháp kiểm dịch thực vật là “hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ”. Ngoài ra, khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương 2017 cũng đưa ra khái niệm về biện pháp kiểm dịch nói chung, theo đó, là “các biện pháp kiểm dịch bao gồm các biện pháp kiểm dịch động vật và các sản phẩm từ động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch y tế biên giới theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm”. Như vậy, có thể thấy rằng, khái niệm về biện pháp kiểm dịch động thực vật trong pháp luật Việt Nam khá tương đồng với chuẩn mực quốc tế. Qua nghiên cứu các định nghĩa về biện pháp kiểm dịch động thực vật nêu trên, có thể hiểu một cách khái quát rằng biện pháp kiểm dịch động thực vật là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các hình thức pháp lý khác 126
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” để bảo vệ động vật hoặc thực vật khỏi sâu bệnh, dịch bệnh, hoặc sinh vật gây bệnh; để ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại cho một quốc gia do sự xâm nhập, xuất hiện hay lan truyền của dịch bệnh; và để bảo vệ đa dạng sinh học. 3.2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Để đảm bảo các biện pháp kiểm dịch chỉ được áp dụng để bảo vệ sức khỏe của con người, động vật, thực vật, việc áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Thứ nhất, biện pháp kiểm dịch động thực vật phải dựa trên cơ sở khoa học. Đây là nguyên tắc cơ bản khi áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật. Khoản 2 Điều 2 Hiệp định SPS quy định bất kỳ biện pháp kiểm dịch động thực vật nào cũng chỉ được áp dụng dựa trên các nguyên tắc khoa học và ở mức độ cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật, thực vật, trừ quy định tại khoản 7 Điều 5 Hiệp định này. Tuy nhiên, ngay cả khoản 7 Điều 5 Hiệp định SPS cho phép áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật trong trường hợp chứng cứ khoa học chưa đầy đủ, thì biện pháp đó vẫn phải tham khảo các thông tin chuyên môn sẵn có, đồng thời phải thu thập thêm các bằng chứng khoa học làm cơ sở cho biện pháp của mình. Bên cạnh đó, quy định về đánh giá rủi ro và xác định mức độ bảo vệ động thực vật phù hợp của Hiệp định SPS, một lần nữa, nhấn mạnh rằng Thành viên phải tính đến chứng cứ khoa học đã có khi đánh giá. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đã dành sự quan tâm nhất định đến nguyên tắc này. Chẳng hạn, Điều 7.9 Hiệp định CPTPP quy định rằng: “Các Bên ghi nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo các biện pháp SPS của họ là dựa trên các nguyên tắc khoa học”; và “Mỗi Bên phải đảm bảo các biện pháp SPS của mình là dựa trên các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế liên quan, hay nếu chúng không dựa trên các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế thì các biện pháp đó phải dựa trên các tài liệu và minh chứng khoa học cho mục tiêu giải thích liên quan đến các biện pháp đó”. Hiệp định EVFTA cũng nhấn mạnh đến yêu cầu về bằng chứng khoa học của các biện pháp kiểm dịch động thực vật tại khoản 2 Điều 6.6, theo đó “Mỗi Bên sẽ chỉ áp dụng các biện pháp được chứng minh khoa học”. Như vậy có thể thấy khi muốn áp dụng một biện pháp kiểm dịch động thực vật, chính phủ quốc gia phải tiến hành các nghiên cứu khoa học hoặc dựa trên các nghiên cứu đã được công nhận. Ngay cả khoản 7 Điều 5 của Hiệp định SPS cho phép áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật trong trường hợp chứng cứ khoa học chưa đầy đủ, thì biện pháp đó vẫn phải tham khảo các thông tin chuyên môn sẵn có, đồng thời phải thu thập thêm các bằng chứng khoa học làm cơ sở cho biện pháp của mình. Thứ hai, biện pháp kiểm dịch động thực vật không được vượt quá yêu cầu gây cản trở thương mại. Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo các biện pháp kiểm dịch động thực vật không trở thành biện pháp bảo hộ trá hình. Theo đó, khi một quốc gia quyết định áp dụng một biện pháp kiểm dịch thì biện pháp này chỉ được dừng lại ở mức đủ để bảo bảo mục đích bảo vệ sức khỏe con người và sinh vật, mức giới hạn này phải dựa trên cơ sở khoa học. Điều 5 Hiệp định SPS cũng nhấn mạnh về yêu cầu đối với kết quả đánh giá rủi ro và xác định mức độ bảo vệ động thực vật phù hợp như sau: “Các thành viên, khi xác định mức bảo vệ phù hợp phải tính đến mục tiêu giảm tối thiểu tác động thương mại bất lợi”. Điều 7.2 Hiệp định CPTPP cũng quy định rằng biện pháp SPS không tạo nên những trở ngại phi lý trong thương mại. Bên cạnh đó, Điều 7.9 Hiệp định CPTPP yêu cầu khi thực hiện đánh giá, phân tích rủi ro của mình, mỗi bên phải xem 127
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” xét các giải pháp quản lý rủi ro mà không cản trở thương mại hơn mức cần thiết. Nội dung Hiệp định EVFTA ngoài việc nhấn mạnh các bên cam kết tuân thủ theo nội dung của Hiệp định SPS, còn quy định tại khoản 2 Điều 6.6 rằng “Mỗi bên sẽ chỉ áp dụng các biện pháp được chứng minh khoa học, phù hợp với rủi ro có liên quan và ít hạn chế nhất có sẵn, và gây trở ngại tối thiểu cho thương mại”. Thứ ba, biện pháp kiểm dịch động thực vật không được áp dụng một cách tùy tiện hay thiếu căn cứ phân biệt đối xử giữa các Thành viên có những điều kiện giống hệt nhau hay có những điều kiện tương tự nổi trội, không phân biệt về lãnh thổ. Một yêu cầu khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiệp định SPS, nhằm tránh nước nhập khẩu áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật một cách tùy tiện đó là cần “đảm bảo rằng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của họ không phân biệt đối xử một cách tùy tiện hoặc vô căn cứ giữa các Thành viên khi có các điều kiện giống nhau hoặc tương tự nhau, kể cả các điều kiện giữa lãnh thổ của họ và lãnh thổ các Thành viên khác”. Khi tiến hành đánh giá rủi ro và xác định mức độ bảo vệ động thực vật phù hợp, sẽ xuất hiện nhiều quốc gia có điều kiện giống hoặc tương tự nhau. Đó có thể là các khu vực có sâu bệnh, khu vực không có sâu bệnh hoặc khu vực ít sâu bệnh. Với các khu vực có điều kiện tương tự nhau, nước nhập khẩu phải áp dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật ở mức tương đương với nhau. Hiệp định CPTPP quy định nguyên tắc này tại điểm a khoản 4 Điều 7.9, theo đó “Mỗi bên phải đảm bảo là các biện pháp SPS của mình không áp dụng tùy tiện, không có căn cứ và phân biệt giữa các Bên có cùng điều kiện tương tự, kể cả giữa vùng lãnh thổ của mình với lãnh thổ của các Bên”. Hiệp định EVFTA cũng có quy định tại khoản 3 Điều 6.6: “Bên nhập khẩu sẽ đảm bảo các yêu cầu và thủ tục nhập khẩu được áp dụng một cách công bằng và không phân biệt đối xử”. Như vậy, cả Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, về cơ bản, đều yêu cầu các bên không phân biệt đối xử giữa các thành viên có điều kiện tương tự nhau. Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP quy định yêu cầu này dưới hình thức một “điều khoản cấm”, trong khi Hiệp định EVFTA lại quy định hướng hình thức một “điều khoản bắt buộc thực hiện”. Có thể thấy, cách quy định trong Hiệp định CPTPP mang tính ràng buộc cao hơn và tương thích với quy định trong Hiệp định SPS. 4. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BIỆN PHÁP KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM GIA NHẬP CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI 4.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về biện pháp kiểm dịch động thực vật Tại Việt Nam, các quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực kiểm dịch động thực vật được phân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật, ngoài ra còn có các văn bản quy định chung trong quá trình kiểm tra hàng hóa, kiểm dịch tại cảng hoặc cửa khẩu nhập khẩu. Luật Thú y 2015 là văn bản quy phạm pháp luật chính điều chỉnh hoạt động kiểm dịch động vật. Điều 4 Luật Thú y 2015 quy định hoạt động kiểm dịch động vật tại Việt Nam dựa trên nguyên tắc phòng là chính, ngăn chặn kịp thời; giao trách nghiệm nhiệm cho chủ hàng thuộc diện kiểm dịch, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp kiểm dịch; đảm bảo thuận lợi trong giao dịch động vật và sản phẩm động vật. Về yêu cầu đối với động vật nhập khẩu, khoản 1 Điều 44 Luật Thú y 2015 đòi hỏi động vật phải khỏe mạnh; có xuất xứ từ vùng hoặc cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc không có 128
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam; được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam. Trong trường hợp sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm thì ngoài việc phải đáp ứng yêu cầu trên thì còn phải được giết mổ, sơ chế, chế biến tại cơ sở sản xuất đã đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Thú y 2015. Đối với thực vật, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh trực tiếp hoạt động kiểm dịch đối tượng này. Khoản 1 Điều 4 Luật này quy định nguyên tắc của hoạt động kiểm dịch thực vật là phát hiện sớm, kết luận nhanh chóng, chính xác; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ. Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013 sử dụng thuật ngữ “vật thể thuộc diện kiểm dịch” để chỉ thực vật và sản phẩm thực vật phải tiến hành kiểm dịch trước khi được phép nhập khẩu vào Việt Nam và thuật ngữ “vật thể cần phải phân tích nguy cơ dịch hại thực vật” để chỉ thực vật và sản phẩm thực vật mới chưa được nhập khẩu vào Việt Nam nhưng sắp tới sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam. Hệ thống kiểm dịch thực vật của Việt Nam có thể được chia làm hai quy trình lớn: Phân tích nguy cơ dịch hại và kiểm dịch trong giai đoạn nhập khẩu. Vật thể cần phải phân tích nguy cơ dịch hại phải được tiến hành kiểm tra, đánh giá trước khi được tiến hành nhập khẩu, mục đích của giai đoạn này là hiểu rõ về hàng hóa sắp được nhập khẩu cũng như những dịch hại thường có trên hàng hóa đó. Ba việc cần làm trong giai đoạn đánh giá gồm: xác định thông tin, đánh giá nguy cơ dịch hại, quản lý nguy cơ và thiết lập biện pháp kiểm dịch thực tế. Nếu vật thể cần phải phân tích nguy cơ dịch hại được phép nhập khẩu vào Việt Nam thì sẽ đến giai đoạn tiếp theo là kiểm dịch trong quá trình nhập khẩu. Có thể thấy cả kiểm dịch động vật và kiểm dịch thực vật của Việt Nam đều được xây dựng theo quy trình lớn gồm: phân tích, đánh giá nguy cơ và kiểm dịch trong quá trình nhập khẩu. Đây là quy trình cơ bản, đủ sức để thực hiện nhiệm vụ của biện pháp kiểm dịch động thực vật là bảo vệ sức khỏe người dân, động vật, thực vật trong nước. Tuy nhiên, bản thân quy trình và việc thực hiện quy trình này vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. 4.2. Những hạn chế của pháp luật Việt Nam về biện pháp kiểm dịch động – thực vật trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới 4.2.1. Hệ thống pháp luật về kiểm dịch động thực vật của Việt Nam chưa hài hòa với quy định quốc tế Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về kiểm dịch động thực vật được xây dựng dựa trên những định hướng của các tổ chức quốc tế như Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC) (Lê Minh Nhựt & Lê Thị Thanh Bình, 2021). Tuy nhiên mức độ của các biện pháp mà Việt Nam đưa ra còn thấp hơn so với chính các tiêu chuẩn này (WTO, 2006). Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã nhận xét rằng nền tảng pháp lý của Việt Nam tốt, nhưng thiếu nhiều quy định và hướng dẫn để thực hiện một cách thống nhất. Việc phân tích, giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và phản ứng sớm không thể được triển khai một cách hiệu quả vì thiếu các quy trình bằng văn bản (OIE, 2007). Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thú y Việt Nam có thể thiết lập và áp dụng các thủ tục kiểm dịch tại biên giới, tuy nhiên, các thủ tục này còn thiếu sự tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, và trong một số trường hợp không dựa trên phân tích rủi ro (OIE, 2007). 129
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các quốc gia thành viên buộc phải giảm mức thuế nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết. Để ngăn ngừa việc hàng hóa nhập khẩu “tràn ngập” thị trường nội địa, các quốc gia thường có xu hướng gia tăng việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan, trong đó có các biện pháp kiểm dịch động thực vật). Vì vậy, mặc dù có sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhưng việc các biện pháp kiểm dịch của Việt Nam có tiêu chuẩn thấp hơn so với tiêu chuẩn chung của thế giới đã tạo ra những bất lợi đối với hoạt động thương mại của Việt Nam. 4.2.2. Hệ thống các biện pháp kiểm dịch động thực vật của Việt Nam chưa chú trọng vào kiểm dịch động thực vật trước nhập khẩu Các biện pháp kiểm dịch động thực vật của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào kiểm dịch trong quá trình nhập khẩu và sau nhập khẩu. Tuy nhiên, việc tập trung nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong quá trình nhập khẩu có thể làm tăng thời gian thông quan, trong trường hợp lượng hàng hóa thông quan lớn còn có thể làm ùn tắc. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh thương mại mà còn làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong một số điều kiện nhất định, như yêu cầu từ việc phòng trừ dịch bệnh hoặc do yêu cầu từ hoạt động thương mại, việc thực hiện kiểm dịch động thực vật trước nhập khẩu là cần thiết. Về vấn đề này, Tổ chức Thú y thế giới đã nhận định rằng cơ quan thú y có thể thực hiện các chương trình kiểm dịch chuyên biệt ở nước sản xuất các loài động vật và sản phẩm sản phẩm của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện các bệnh truyền nhiễm và giúp đánh giá sức khỏe của người dân được đề cập trước khi được vận chuyển (OIE, 2007). Đối với vấn đề ngăn chặn dịch hại, dịch bệnh việc không có một chương trình kiểm dịch trước nhập khẩu được luật hóa có thể tạo ra bất lợi. Khi dịch bệnh bùng phát tại một quốc gia nhưng việc nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia đó là không thể tạm ngừng thì việc có một hệ thống kiểm dịch trước nhập khẩu có thể làm giảm nguy cơ dịch bệnh, dịch hại xâm nhập vào lãnh thổ quốc gia nhập khẩu. 4.2.3. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kiểm dịch động thực vật chưa được chú trọng Ngoài các cơ quan nhà nước và cán bộ kiểm dịch thì các tổ chức, cá nhân khác như nhà sản xuất, người nhập khẩu, du khách cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm dịch động thực vật. Chỉ có như vậy thì hàng hóa mới được đảm bảo không chứa mầm bệnh, dịch hại kể từ nơi sản xuất đến khi được nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam. Tuy là đối tượng có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm dịch động thực vật nhưng pháp luật Việt Nam lại chưa đặt đúng mức độ trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân nêu trên. Cả Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 và Luật Thú y 2015 đều chỉ đặt trách nhiệm cho chủ hàng, người vận chuyển trong quá trình vận chuyển và kiểm dịch mà không có quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất ở nước xuất khẩu để đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn kiểm dịch. 5. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BIỆN PHÁP KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT 5.1. Hoàn thiện quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật phù hợp với thông lệ quốc tế Để đạt được mục tiêu hoàn thiện các biện pháp kiểm dịch động thực vật theo thông lệ quốc tế, Việt Nam cần thực hiện một số vấn đề sau: Thứ nhất, bổ sung thêm các quy phạm pháp luật còn thiếu so với khuyến nghị quốc tế như quy định về bảo mật trong hoạt động kiểm dịch hoặc định nghĩa rõ về sản phẩm cần kiểm dịch tránh tình trạng tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau làm cho doanh nghiệp mâu thuẫn với 130
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” cơ quan quản lý nhà nước. Những nội dung quan trọng như bảo mật thông tin hoặc định nghĩa về sản phẩm nên được xem xét để thêm vào Luật Thú y và Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật để đảm bảo một vị trí pháp lý vững chắc cho các quy định này. Thứ hai, khi ban hành các quy định về kiểm dịch động thực vật, cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học vững chắc. Một giải pháp có thể cân nhắc là khuyến khích xây dựng các phòng thí nghiệm tư nhân, các phòng thí nghiệm này có thể nhận được một phần ngân sách hỗ trợ từ việc thực hiện các đề tài nghiên cứu của nhà nước hoặc nhận các đơn đặt hàng nghiên cứu đến từ doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cần kiểm dịch động thực vật. Phòng thí nghiệm tư nhân sẽ có tác dụng bổ khuyết cho các phòng thí nghiệm do nhà nước thành lập, để từ đó phòng thí nghiệm nhà nước chỉ cần đặt tại những khu vực quan trọng có ý nghĩa lớn cho hoạt động kiểm dịch. Điều này sẽ làm giảm ngân sách phải chi cho việc thiết lập phòng thí nghiệm, đồng thời mở rộng trách nhiệm cũng như khả năng đóng góp ý kiến của khối tư nhân trong quá trình ban hành các biện pháp kiểm dịch động thực vật. Thứ ba, tận dụng sự hỗ trợ từ các quốc gia phát triển hơn trong việc hoàn thiện các quy định về biện pháp kiểm dịch của Việt Nam. Các hiệp định mà Việt Nam tham gia đều tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia đang phát triển hoàn thiện các biện pháp kiểm dịch động thực vật của mình. Chẳng hạn, Điều 7.16 Hiệp định CPTPP về trao đổi thông tin, Điều 6.15 Hiệp định EVFTA về hỗ trợ kỹ thuật và đối xử đặc biệt và khác biệt là các điều khoản tạo thuận lợi cho quá trình hoàn thiện các biện pháp kiểm dịch của Việt Nam. Để tận dụng những điều khoản này, Việt Nam cần tích cực trao đổi thông tin với các quốc gia khác thông qua đối thoại, hội nghị, hội thảo từ đó có những định hướng từ hệ thống kiểm dịch của các quốc gia phát triển hơn. Ngoài tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác Việt Nam cũng cần nghiên cứu và rút ra bài học từ các tranh chấp giữa các quốc gia trong quá trình áp dụng biện pháp kiểm dịch để từ đó ban hành các biện pháp hợp lý tránh được tranh chấp không đáng có. 5.2. Hoàn thiện quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật phù hợp với thông lệ quốc tế Quá trình nhập khẩu hàng hóa có thể chia ra làm ba giai đoạn: giai đoạn trước nhập khẩu (đây là giai đoạn mà hàng hóa vẫn nằm trên lãnh thổ nước xuất khẩu doanh nghiệp có thể đã hoặc chưa ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa và hợp đồng vận chuyển); giai đoạn nhập khẩu (giai đoạn sau khi hàng hóa đã ở trên phương tiện vận chuyển cuối cùng ra khỏi nước xuất khẩu đến khi thông quan, trong đó thông quan là bước quan trọng của quá trình nhập khẩu); giai đoạn sau nhập khẩu (tính từ sau khi đã thông quan và hàng hóa được vận chuyển vào lãnh thổ nước nhập khẩu). Để hoạt động kiểm dịch động thực vật được thực hiện xuyên suốt quá trình nhập khẩu, cần chú trọng một số vấn đề sau: Thứ nhất, kiểm dịch động thực vật trước nhập khẩu phù hợp khi có điều kiện cơ bản là kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam phải đủ lớn để bù đắp các chi phí do phải thiết lập cơ sở kiểm dịch tại nước ngoài. Bên cạnh đó, cần phải có những trao đổi, thảo luận chính thức từ trước với nước xuất khẩu, thậm chí có thể ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề kiểm dịch. Thứ hai, kiểm dịch động thực vật sau nhập khẩu (miễn kiểm tra trước) cũng phải thỏa mãn những điều kiện tiên đặc thù. Đầu tiên, nước xuất khẩu phải là quốc gia có hệ thống kiểm dịch động thực vật mạnh (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, có phòng thí nghiệm đạt chuẩn, có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản). Đồng thời, trên lãnh thổ quốc gia đó phải không tồn tại dịch hại, dịch bệnh nguy hiểm tại thời điểm xuất khẩu. Nếu đạt được các điều 131
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” kiện đó, Việt Nam có thể trao đổi, ký kết các điều ước quốc tế liên quan với các quốc gia đó để tạo thuận lợi cho nhập khẩu hàng hóa, cũng như cũng tạo ra những lợi ích tương tự với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo nguyên tắc “có đi có lại”. Mặc dù có những lợi ích rõ ràng như vậy nhưng việc kiểm tra sau nhập khẩu cũng tồn tại những rủi ro nhất định nên cần rất thận trọng, phân tích nguy cơ dựa trên bằng chứng khoa học trước khi đưa ra quyết định miễn kiểm tra trước cho hàng hóa nhập khẩu. 5.3. Nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kiểm dịch động thực vật Mặc dù các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính trong hoạt động kiểm dịch động thực vật. Tuy nhiên, hàng hóa, vật nuôi được tiến hành kiểm dịch lại thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu, nhập cảnh. Chính vì vậy, nếu muốn hoạt động kiểm dịch động thực vật được thực hiện hiệu quả, góp phần ngăn chặn dịch hại, dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, động vật và thực vật trong nước, cần thiết phải quy định trách nhiệm hợp lý cho tổ chức, cá nhân sở hữu hàng hóa, vật nuôi thuộc diện kiểm dịch động thực vật. Ngoài những trách nhiệm đã được Luật Thú y 2015, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định, cần phải ban hành thêm các quy định để ràng buộc nhà sản xuất ở nước xuất khẩu tuân thủ tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật của Việt Nam. Việc ràng buộc một cách gián tiếp các nhà sản xuất ở nước xuất khẩu thông qua ràng buộc trách nhiệm đối với người nhập khẩu sẽ làm tăng chất lượng hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam, làm giảm nguy cơ dịch hại, dịch bệnh xâm nhập vào lãnh thổ, đồng thời, cũng góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan kiểm dịch động thực vật, từ đó nâng cao hiệu quả của hệ thống. 6. KẾT LUẬN Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mang lại những thách thức, rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt. Trong số các thách thức, rủi ro đó, vấn đề nguy cơ từ dịch hại, dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, động vật và thực vật trong nước ngày càng tăng lên cùng với sự tăng lên về lưu thông hàng hóa quốc tế. Cụ thể, những nguy cơ này có thể đến từ việc mầm bệnh tồn tại trong hàng hóa được nhập khẩu hoặc đến từ việc thú cưng di chuyển cùng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Để ngăn chặn những nguy cơ này cần phải có một hệ thống các biện pháp kiểm dịch động thực vật phù hợp, vừa đủ để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch hại, dịch bệnh, vừa không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tham khảo tiếng Việt 1. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP). 2. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (European – Vietnam Free Trade Agreement – EVFTA) 3. Hiệp định về việc áp dụng các biện áp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (The Sanitary and Phytosanitary Measures Agreement – SPS). 4. Lê Minh Nhựt, Lê Thị Thanh Bình (2021). Áp dụng các tiêu chuẩn kiểm dịch động – thực vật theo WTO và kiến nghị cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, ISSN: 1859-2953, số 6(430)/2021, tr. 16-26. 5. Quốc hội (2013). Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, ban hành ngày 25 132
- Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” tháng 11 năm 2013. 6. Quốc hội (2015). Luật Thú y số 79/2015/QH13, ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2015. 7. Trần Thị Trang, Đỗ Thị Mai Thanh (2019). Những tác động nổi bật của FTA thế hệ mới đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”, tr. 60-71. 8. World Trade Organization – WTO (2006). Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. https://trungtamwto.vn/upload/files/wto/7-/25-van- kien/01.%20Bao%20cao%20cua%20Ban%20Cong%20tac.pdf. Tài liệu tham khảo tiếng Anh 1. Brown, M. B. (1993). Fair Trade: Reform and Realities in the International Trading System. Zed Books Publisher. 2. International Egg Commission – OIE (2007). Performance, Vision and Strategy. A tool for the governance of Veterinary Services (Socialist Republic of Vietnam). https://www.oie.int/app/uploads/2021/03/finalreport-vietnam.pdf. 3. United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD (2017). Manual on Consumer Protection. https://unctad.org/system/files/official-document/ditccplp2017d1_en.pdf. 4. United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD (2019). International Classification of Non-Tariff Measures, 2019 version. https://unctad.org/system/files/official- document/ditctab2019d5_en.pdf. --- Thông tin tác giả: - Th.s Lê Đình Quang Phúc, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Email: phucldq@due.edu.vn Số điện thoại: 0903.517.107 Lĩnh vực nghiên cứu: Luật Kinh tế. - Lữ Trọng Toán, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, 71 Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Email: lutrongtoan2491999@gmail.com Số điện thoại: 0236.3958.418 Lĩnh vực nghiên cứu: Luật Kinh tế. 133
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài giảng Luật môi trường: Chương 4 - ThS Phan Thỵ Tường Vi
51 p | 187 | 24
-
Hoàn thiện pháp luật về thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan tư pháp địa phương
14 p | 131 | 12
-
Nhận diện tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến kiểm soát ô nhiễm môi trường ở Việt Nam và những vấn đề pháp lý đặt ra
11 p | 95 | 9
-
Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp ngăn chặn
7 p | 115 | 8
-
Hoàn thiện quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm trong thi hành án dân sự
8 p | 76 | 7
-
Một số ý kiến về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
7 p | 79 | 6
-
Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp
9 p | 42 | 5
-
Pháp luật về cứu hộ, cứu nạn hàng hải: Phần 1
46 p | 26 | 4
-
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng
5 p | 34 | 4
-
Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
9 p | 36 | 4
-
Pháp luật về cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc – thực trạng và hướng hoàn thiện
12 p | 56 | 3
-
Pháp luật về quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường trong bối cảnh chuyển đổi số
11 p | 42 | 3
-
Pháp luật về kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay
11 p | 22 | 3
-
Những vướng mắc trong áp dụng các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và định hướng hoàn thiện
9 p | 25 | 2
-
Pháp luật về kiểm soát khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm
5 p | 23 | 1
-
Bài giảng Luật tài chính công: Bài 6 - TS. Vũ Duy Nguyên
34 p | 30 | 1
-
Cần tiếp tục nghiên cứu và cải tiến pháp luật về kiểm soát hoạt động đầu tư trồng, chế biến và sản xuất nguyên liệu thuốc lá tại Việt Nam hiện nay
8 p | 2 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn