YOMEDIA
ADSENSE
Phát triển chợ truyền thống Đắk Nông thành điểm du lịch đặc sắc
1
lượt xem 0
download
lượt xem 0
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Bài viết nghiên cứu các giải pháp khai thác tiềm năng mạng lưới chợ ở Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch mua sắm sẽ thúc đẩy tích cực kích cầu mua sắm của khách du lịch; góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phát triển chợ truyền thống Đắk Nông thành điểm du lịch đặc sắc
- Phát triển chợ truyền thống Đắk Nông thành điểm du lịch đặc sắc Lê Anh Vũ Tóm tắt Đắk Nông là tỉnh có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực Tây Nguyên và miền Nam Trung Bộ. Đến nay, Đắk Nông có trên 40 dân tộc anh em cùng cư trú, sinh sống. Vị trí địa lý và thiên nhiên ban tặng cho Đắk Nông một kho tàng danh thắng thiên nhiên và di sản văn hóa hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú, trong đó có chợ truyền thống. Thời gian gần đây, một số chợ truyền thống của Đắk Nông còn là điểm đến tham quan hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực trạng khai thác tiềm năng của các chợ truyền thống ở Đắk Nông phục vụ du lịch dường như còn bỏ ngỏ, chưa được coi trọng. Vì vậy, nghiên cứu và khai thác tốt tiềm năng mạng lưới chợ truyền thống ở Đắk Nông để phát triển du lịch mua sắm là việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Từ khóa: chợ truyền thống, du lịch mua sắm, văn hóa, Đắk Nông. 1. Đặt vấn đề Chợ truyền thống là một bộ phận quan trọng trong hệ thống thương nghiệp của nước ta. Chợ truyền thống có vai trò là “cầu nối” giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và tạo nguồn thu ngân sách. Đồng thời, chợ truyền thống là lăng kính phản phản ánh mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của cư dân ở một vùng, khu vực nhất định. Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, chợ truyền thống còn phản ánh sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của nhân dân ở mỗi địa phương. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính đến năm 2023, cả nước có 9.000 chợ truyền thống các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của các hộ gia đình, 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, vài trăm cửa hàng tiện ích (Tổng Cục Thống kê 2023). Hiện nay, tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 25% tổng mức bán lẻ và có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, có thể thấy, 75% người dân vẫn giữ thói quen mua sắm tại chợ truyền thống (Google 2023). Bởi vì, chợ truyền thống có những đặc trưng riêng mà các trung tâm thương mại không thể thay thế được. Các chợ truyền thống ở Đắk Nông ra đời và phát triển từ rất sớm. Chợ truyền thống đã phát huy vai trò phục vụ đời sống dân sinh, nhu cầu lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển thương mại của địa phương. Chợ truyền thống kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng nhằm giải quyết đầu ra cho người sản xuất, đảm bảo quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục không ngừng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, chợ truyền thống ở Đắk Nông không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, giữ vai trò to lớn trong đời sống vật chất mà còn là nơi hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa văn hóa giữa các vùng miền. Thời gian gần đây, một số chợ truyền thống của Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng còn là điểm đến tham quan hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực trạng khai thác tiềm năng của các chợ truyền thống ở Đắk Nông phục vụ du lịch dường như còn bỏ ngỏ, chưa được coi trọng. Nếu biết khai thác sẽ đem đến các nguồn thu đáng kể cho ngành du lịch của địa phương. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, công tác quản lý, khai thác tốt tiềm năng của các chợ truyền thống ở Đắk Nông gắn với hoạt động du lịch cũng là việc làm có ý nghĩa thiết thực. 225
- 2. Nội dung 2.1. Thực trạng khai thác chợ truyền thống của Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch mua sắm Mạng lưới chợ truyền thống Đắk Nông ra đời và phát triển cùng với quá trình tập trung dân cư, mở rộng và phát triển sản xuất. Ngoài chức năng mua bán hàng hóa chợ truyền thống Đắk Nông còn phản ánh những đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của cư dân địa phương. Sự phát triển của hệ thống chợ truyền thống góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, phát triển. Chợ truyền thống Đắk Nông còn mang đậm dấu ấn văn hóa riêng của vùng đất Tây Nguyên (Võ Văn Sơn 2019, 281-290). Tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 46 chợ truyền thống14 được phân bố trên 42 xã, phường và thị trấn; 01 Trung tâm thương mại Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp hoàn thiện giai đoạn 1, đang thực hiện giai đoạn 2; 01 Siêu thị hạng II tại thành phố Gia Nghĩa; 01 trung tâm phức hợp, huyện Cư Jút; trên 10.000 cơ sở kinh doanh thương mại (tạp hóa, cửa hàng tiện lợi). Tỷ lệ hàng Việt Nam trong các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt trên 80% ở các siêu thị và trên 60% ở chợ truyền thống (Tổng Cục Thống kê 2023). Tài nguyên du lịch của Đắk Nông trải rộng khắp toàn tỉnh, trong đó có chợ truyền thống (Đặng Nguyên Anh 2015, 33). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số chợ bắt đầu mở ra những gian hàng đồ đặc sản, những sạp hàng bán đồ lưu niệm và cũng triển khai hoạt động quảng cáo những mặt hàng đặc trưng của quê hương đến với du khách. Đơn cử, chợ phiên Đắk R’măng (huyện Đắk Glong), Cư Knia (huyện Cư Jút) và của đồng bào Mông họp vào ngày chủ nhật hàng tuần được gọi là “chợ phiên Tây Bắc trên cao nguyên Đắk Nông”. Như một không gian Tây Bắc thu nhỏ, chợ phiên Đắk R’Măng và Cư Knia ngập tràn phong vị và nét đặc sắc của cộng đồng người Mông trên mảnh đất Tây Nguyên. Theo các bậc cao niên, hơn 20 năm trước, mấy chục hộ đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào xã Cư Knia (huyện Cư Jút) và xã Đắk R’măng (huyện Đắk Glong) lập nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và giữ gìn phong tục truyền thống, đồng bào Mông tổ chức chợ phiên vào ngày cuối tuần. Khảo sát thực tế, chợ phiên của đồng bào Mông ở Đắk Nông ngày càng thu hút đông đảo các dân tộc trên địa bàn đến chợ tham quan và mua sắm. Tất cả tạo nên không gian văn hóa rất riêng của phiên chợ trên vùng đất Tây Nguyên. Vào những ngày chợ phiên, từ sáng sớm đồng bào Mông trên địa bàn và một số xã lân cận mang theo những đặc sản của địa phương, dân tộc mình về chợ phiên mua bán. Đến chợ, tất cả mọi người sẽ dành cả ngày ở đây để thoải mái mua sắm, vui chơi và thưởng thức những món ẩm thực truyền thống của dân tộc mình. Ở chợ phiên hầu như mặt hàng nào cũng có, nhưng nhiều nhất là các sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán sản xuất của đồng bào như: trang phục, giày dép, đến những món ăn đặc trưng thắng cố, xôi nếp cẩm, mèn mén… Chợ phiên được phân chia thành nhiều khu vực để tiện cho người dân mua sắm. Sản phẩm thu hút nhiều người quan tâm nhất là những bộ trang phục của dân tộc Mông được đính nhiều hạt cườm kết thủ công rất đẹp mắt, nên những quầy sạp quần áo, trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu thu hút đông đảo người đến chợ. Đến với chợ phiên mọi người được trải nghiệm, 14 Theo thống kê của Bộ Công thương năm 2023, trên địa bàn toàn vùng Tây Nguyên có 391 chợ truyền thống hiện đang hoạt động (Kon Tum: 28, Gia Lai: 93, Đắk Lắk: 48, Đắk Nông: 46 và Lâm Đồng: 77) 226
- khám phá cuộc sống hằng ngày của cộng đồng các dân tộc địa phương. Ai đến đó cũng đều được cảm nhận phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào Mông đang được người dân gìn giữ và phát huy. Chị Vàng Thị Dua (sinh năm 1975), thợ may ở chợ phiên Đắk R’măng chia sẻ: Có lẽ vì thế mà chợ phiên ở đây luôn đông vui và rộn ràng. Không chỉ các chị em mới đi chợ, mà đến chợ phiên còn có những chàng trai Mông dắt bạn gái hoặc là vợ con xuống chợ phiên. Đối với họ, đi chợ vào mỗi dịp cuối tuần là thói quen và niềm vui. Ở xã Đắk R’Măng, không ít các gia đình nhà cách xa chợ từ 15-20km vẫn đều đặn đi chợ phiên vào mỗi chủ nhật hàng tuần, đến đây một số người bán đi một số nông sản tự sản xuất để sắm sửa những vật dụng cho gia đình, có người tìm mua đồ ăn uống và có người đi chợ phiên cũng chỉ để gặp gỡ bạn bè. Chợ phiên cũng là nơi mà các chàng trai, cô gái có thể gặp mặt nhau, hẹn hò sau bao ngày làm việc vất vả trên nương rẫy (chị Vàng Thị Dua 2023). Bà Lý Thị Sau (sinh năm 1955), chủ một sạp quần áo thổ cẩm tại xã Đăk R’măng chia sẻ: Trước đây, khu vực này có 2 chợ phiên là chợ Đăk Som và Đăk R’măng, nhưng nay chợ này được xây dựng kiên cố, có ban quản lý đàng hoàng nên người dân, thương lái tập trung chủ yếu chợ này. Hàng hóa ở chợ khá đa dạng, từ quần áo, đồ thổ cẩm, giày dép,thức ăn và các vật dụng gia đình, hàng mỹ nghệ, công cụ sản xuất cho đến các món ẩm thực như chè, thắng cố, thịt bò, thịt dê, mèn mén... Nhưng có lẽ, các sạp hàng bán quần áo và đồ trang sức rực rỡ sắc màu luôn thu hút các bà, các chị và các cô gái người Mông mua hàng. Trang phục người Mông được đính rất nhiều hạt cườm kết thủ công nên để làm được bộ váy hoàn chỉnh mất rất nhiều thời gian. Một bộ trang phục truyền thống, chất liệu vải công nghiệp giá từ 1 - 1,5 triệu đồng (bà Lý Thị Sau 2023). Ngoài mua bán, trao đổi hàng hóa, đồng bào người Mông tới chợ phiên còn để được gặp gỡ, giao lưu, chuyện trò cùng bạn bè, thư giãn sau một tuần làm việc vất vả. Chị Lý Thị Nhung (sinh năm 1985) từ Lào Cai vào Đắk Nông lập nghiệp ở xã Cư Knia (huyện Cư Jút) từ những năm 2000, tham gia chợ phiên tại xã Cư Knia cho biết: “Nhà tôi cách chợ vài chục cây số, nhưng hầu như tuần nào tôi cũng đi. Một phần vì muốn mua bán, trao đổi các mặt hàng thiết yếu, phần vì thích không khí ở chợ, được gặp gỡ bạn bè thân quen. Chợ phiên thường họp từ sáng và càng về trưa thì càng đông, bà con có thói quen ăn mặc đẹp khi đi chợ, cũng vì vậy mà chợ phiên ở nơi đây luôn ngập tràn trong những sắc màu rực rỡ. Khi mặt trời lên cao, khi đàn ông ngấm men rượu, đàn bà, trẻ con đã “no cái bụng” cũng là lúc những điệu khèn, những câu hát vang lên. Ở khu đất trống bên cạnh, đám trẻ say sưa với những trò chơi chọi gà, đánh cù, đánh quay. Tất cả đã tạo nên một bức tránh sinh động về một Tây Bắc trong lòng Tây Nguyên (chị Lý Thị Nhung 2023). Du lịch và thương mại có mối quan hệ hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Vì vậy, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp ngành du lịch xây dựng kế hoạch hình thành một số chợ “điểm”, tạo sản phẩm du lịch đặc thù tại chợ. Đây cũng là nơi để quảng bá các sản phẩm thương mại đặc trưng của địa phương. Với những nét độc đáo riêng, chợ phiên Đăk R’măng đã được tỉnh Đăk Nông đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thành điểm du lịch và được đánh giá là điểm đến hấp dẫn thu hút khác du lịch khi đến đây. Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã K’Nia cho biết, ngoài việc trao đổi hàng hóa, phiên chợ sắc màu của đồng bào Mông, còn là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tại đây, nhiều vật dụng, sản phẩm truyền thống, trang phục của người Mông và các dân tộc khác được bày bán, trao đổi tại chợ phiên. Ngoài ra, tại chợ phiên còn có các hoạt động văn hóa của các dân tộc như: Cồng chiêng của dân tộc Thái, đàn hát then của dân tộc Tày, thổi khèn và các điệu múa của dân tộc Mông... Đặc biệt, đây cũng là nơi giao 227
- lưu văn hóa ẩm thực của các dân tộc. Định hướng của địa phương là tiếp tục xây dựng chợ phiên Cư Knia trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với huyện Cư Jút (ông Lê Xuân Cường 2023). Theo ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, dù còn khó khăn nhưng bà con đồng bào trên địa bàn huyện luôn có ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc, nét đẹp văn hóa của mình. Đặc biệt, các phiên chợ trên địa bàn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Huyện đang hướng tới xây dựng chợ phiên Đắk R’măng thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với Đắk Nông. Địa phương tiến hành sửa chữa, san lấp mặt bằng tại khu vực chợ để tổ chức các gian hàng, các hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc của đồng bào người (ông Đoàn Văn Phương 2023). Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông là một trong 10 tỉnh thuộc khu vực biên giới của Việt Nam giáp với Campuchia; có 7 xã biên giới gồm: Xã Đăk Wil- huyện Cư Jút, xã Đăk Lao, Thuận An- huyện Đăk Mil, xã Thuận Hạnh, Thuận Hà- huyện Đăk Song và xã Đăk Búk So, Quảng Trực - huyện Tuy Đức, có chung 141 km đường biên giới với tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Thời gian vừa qua, tỉnh Đắk Nông đặt ra nhiều nội dung để phát triển hạ tầng thương mại biên giới, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 cửa khẩu biên giới (cửa khẩu Bu Prăng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và cửa khẩu Đắk Per tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil); có 4 chợ truyền thống (chợ xã Thuận An, huyện Đắk Mil; chợ xã Đắk Wil, huyện Cư Jút; chợ xã Quảng Trực, chợ xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức), để đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa với tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia và các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia (Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, 2021). TS. Huỳnh Quán Chi (Trưởng Bộ môn Khoa học xã hội, Trường Đại học Tiền Giang) cho rằng: “Du lịch mua sắm tại các chợ truyền thống được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác để vừa thu hút du khách vừa kích cầu doanh thu du lịch. Chợ truyền thống Việt Nam không chỉ là nơi trao đổi, giao lưu, mua bán, mà còn là nơi thể hiện văn hóa của một vùng miền. Đến chợ, du khách không chỉ mua bán được những món đồ ưa thích, mà còn khám phá được những nét văn hóa riêng của vùng miền đó. Xét dưới góc độ tài nguyên du lịch, các chợ truyền thống ở Đắk Nông đóng vai trò như một tài nguyên du lịch văn hóa, tài nguyên du lịch cộng đồng và tài nguyên du lịch mua sắm độc đáo, cần được khai thác phục vụ du lịch mua sắm” (TS. Huỳnh Quán Chi 2023). Khảo sát 200 khách du lịch trong và ngoài nước đến chợ Gia Nghĩa (thành phố Gia Nghĩa), chợ Đắk Mil (huyện Đắk Mil), chợ phiên Đắk R’măng (Đắk Nông), chợ Đắk Drông, chợ phiên Cư Knia (huyện Cư Jút), chợ Đắk N'drung (huyện Đắk Song), chợ Kiến Đức (huyện Đắk R'Lấp), chợ Krông Nô (huyện Krông Nô) … về các lý do đến chợ và các hoạt động yêu thích tại chợ. Qua kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy lý do du khách đến các chợ chủ yếu để tham quan (47%) và mua sắm (43%). Ngoài ra, chợ còn phục vụ cho mục đích nghiên cứu (8%), công việc và một số lý do khách của du khách. Khảo sát các hoạt động ưa thích, hoạt động ăn uống và mua sắm vẫn chiếm số lượng lớn nhất, ngoài ra hoạt động giao lưu với người bản địa cũng là một trong những yếu tố du khách thích thú. Như vậy xét dưới góc độ tài nguyên du lịch, chợ ở Tây Nguyên chủ yếu đóng vai trò như một tài nguyên du lịch văn hóa và tài nguyên du lịch mua sắm, thu hút đông đảo du khách ghé tham quan và mua sắm. 228
- 2.2. Một số giải pháp bảo tồn và khai thác chợ truyền thống Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch mua sắm trong thời kỳ hội nhập Nhìn trên tổng thể, tiềm năng du lịch mua sắm của chợ truyền thống Đắk Nông vẫn còn nhiều lợi thế cần được khai thác để phát triển du lịch, song để khai thác các chợ truyền thống Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch mua sắm, thực sự là ngành kinh tế đem lại hiệu quả cho toàn tỉnh, cần thực hiện một số nội dung: - Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch xây dựng toàn vùng Tây Nguyên đến năm 20350”; Quyết định số 6448/QĐ-BCT ngày 26 tháng 06 năm 2015 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Tây Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của các chợ truyền thống cho phát triển du lịch mua sắm. - Hai là, tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ xung quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trong đó có mạng lưới chợ truyền thống; có chính sách cụ thể khuyến khích ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ. Phát triển mạng lưới chợ trên cơ sở đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có. Đồng thời điều chỉnh một số chợ nhằm phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, phong tục tập quán… Phát triển chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại tạo điều kiện mua bán thuận tiện và là công trình mang ý nghĩa phúc lợi công cộng cho mọi tầng lớp dân cư đến chợ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, quản lý, khai thác kinh doanh chợ theo lộ trình của của Chính phủ. - Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của các chợ truyền thống, vai trò của du lịch mua sắm trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuyên truyền cho gười dân cần có ý thức mua, bán hàng hóa một cách văn minh, hạn chế “văn hóa vỉa hè” và hình thành “văn hóa chợ”, qua đó góp phần xây dựng quê hương xanh - sạch - đẹp; Tăng cường hoạt động quảng bá về giá trị, tiềm năng, thế mạnh của các chợ truyền thống trên các phương tiện truyền thông, các hội chợ, triển lãm du lịch lớn trong tỉnh, khu vực, toàn quốc. Các hoạt động quảng bá này phải hướng tới tính chuyên nghiệp cao. - Bốn là, quan tâm đến công tác quy hoạch, nâng cấp hoặc xây dựng lại các chợ truyền thống. Việc quy hoạch chợ truyền thống phải có cách nhìn thực tế, có trọng điểm, phù hợp với tình hình phát triển, phong tục tập quán của địa phương. Chủ động đề ra giải pháp sẽ bố trí vốn ngân sách để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các chợ truyền thống hiện hữu có từ lâu đời đã xuống cấp và quá tải, cho phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của chợ. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy của các tiểu thương, bố trí sắp xếp lại các khu vực kinh doanh đảm bảo các yêu cầu trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh thương nghiệp, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm nội quy của các hộ tiểu thương (buôn bán hàng giả, hàng không đạt chất lượng...) và các chợ tự phát. - Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa việc quản lý và phát triển chợ truyền thống nhằm huy động vốn đầu tư hạ tầng, tổ chức và quản lý kinh doanh thương mại theo hướng văn minh, hiện đại hơn, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, khai thác hiệu quả diện tích đất và nguồn lực xã hội. Điểm mấu chốt là cần cân bằng và hài hòa các lợi ích của tiểu thương, doanh nghiệp, người tiêu 229
- dùng và các mục tiêu phát triển của địa phương; ban quản lý các chợ cần chủ động kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lữ hành… để cùng thực hiện các chương trình chung, tạo nên các tour mua sắm có giá tốt để khách hàng đến, đặc biệt là trong những thời điểm đang thực hiện chương trình khuyến mãi. - Sáu là, các tiểu thương cần phải chung tay xây dựng thương hiệu chợ truyền thống ngày càng văn minh, an toàn. Đó là, các tiểu thương phải chấp hành tốt nội quy của chợ, như: cân đúng, đủ và niêm yết giá bán tất cả mặt hàng tránh tình trạng nói thách gây phản cảm cho người tiêu dùng; hàng hóa sắp xếp trật tự, đẹp mắt tiện lợi cho người mua; đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; đảm bảo chất lượng hàng hóa: chống hàng giả, kém chất lượng, không nói thách; xây dựng chợ văn hóa và thân thiện, chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước (không chèo kéo khách hàng; không mê tín khi bán mở hàng, gây mất an ninh trật tự trong chợ; không để xảy ra tệ nạn xã hội). - Bảy là, khách du lịch là đối tượng phục vụ của chợ và cũng là người có thể giúp chợ tồn tại và phát triển. Khách du lịch hướng tới đích người tiêu dùng thông thái và có trách nhiệm. Khi đến chợ, khách du lịch nên chia sẻ và thông cảm với những khiếm khuyết của các tiểu thương trong nhiều mặt hoạt động của họ cũng như những hạn chế trong điều kiện cơ sở vật chất của chợ và khi mua sắm, cần phải tỉnh táo tìm hiểu, đánh giá và ra các quyết định. Đây chính là cách thanh lọc và thúc đẩy các tiểu thương hoàn thiện chất lượng phục vụ. Bên cạnh đó, khách du lịch không nên vì một chút tiết kiệm hay vì một chút tiện lợi mà mua hàng hóa tại các chợ tự phát, chợ lấn chiếm vỉa hè, không theo quy hoạch mà ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề trật tự giao thông, mỹ quan đô thị. Việc không mua hàng hóa ở những nơi này có thể được xem là những cử chỉ đẹp, ủng hộ các tiểu thương buôn bán trong chợ, giúp chợ có thể tồn tại, duy trì một nét văn hóa truyền thống cho con cháu mai sau. - Tám là, để chợ truyền thống hoạt động hiệu quả hơn, cần xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ- CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành; triển khai các chương trình nhằm phát triển chợ về chất: tăng cường văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… trong hoạt động kinh doanh tại chợ, để chợ cạnh tranh được với các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện song hành việc hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ với việc đẩy mạnh xã hội hóa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ. - Chín là, nghiên cứu và xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch kích cầu du lịch mua sắm tại các chợ truyền thống. Chiến lược này cần được xem là một phần của chiến lược phát triển du lịch cũng như chiến lược xuất khẩu hàng hóa, trong đó, mua sắm của khách du lịch chính là một trong những phương thức xuất khẩu hàng hóa tại chỗ. Do vậy, các địa phương của tiểu vùng cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch của tiểu vùng như là một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, văn hóa và con người mà còn là điểm đến du lịch mua sắm của khu vực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách với sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, rõ ràng về xuất xứ. - Mười là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Rà soát, tích hợp các quy hoạch liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; Thu hút, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Kết nối, hợp tác phát triển thương mại biên giới với tỉnh Mondulkiri, Campuchia; 230
- Phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh trong các loại hình hạ tầng thương mại biên giới; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý hạ tầng thương mại biên giới; Tuyên truyền, quảng bá về phát triển hạ tầng thương mại biên giới và Xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển hạ tầng thương mại biên giới. TS. Nguyễn Phúc Nghiệp (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang) thẳng cho rằng: “Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và xã hội, Đắk Nông như một điểm đến giàu tiềm năng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thời gian qua, du lịch Đắk Nông đã có nhiều khởi sắc. Đã đến lúc lãnh đạo của Đắk Nông cần xem mua sắm là một sản phẩm du lịch; cần có đầu tư những cho các giang hàng tại các chợ truyền thống lớn có uy tín, đa dạng, bảo đảm quyền lợi của du khách. Ngoài ra, các địa phương của Đắk Nông nên sớm hình thành quanh chợ truyền thống các cửa hàng đặc trưng, từ đó hình thành những sản phẩm, xây dựng các tour liên quan mua sắm tại các chợ truyền thống để vừa đa dạng sản phẩm, vừa kích thích chi tiêu của du khách” (TS. Nguyễn Phúc Nghiệp 2023). 3. Kết luận Chợ truyền thống ở Đắk Nông hình thành từ khá lâu, gắn liền với lịch sử ra đời của các buôn làng. Quá trình hình thành, phát triển chợ cũng gắn liền với truyền thống buôn bán của dân cư. Ngoài là nơi giao thương hàng hóa, chợ của tiểu vùng còn là nơi giao lưu văn hóa và kết nối cộng đồng. Thực tế tính đến thời điểm hiện tại, các chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ lực của địa phương. Cùng với sự phát triển kinh tế, mức sống người dân càng tăng cao việc giao thương buôn bán càng được đẩy mạnh, nhu cầu mua sắm của người dân địa phương cũng như khách du lịch ngày càng cao. Tuy nhiên, du lịch mua sắm tại các chợ ở các địa phương của tiểu vùng vẫn mang tính chất tự phát chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch địa phương. Vì vậy, nghiên cứu các giải pháp khai thác tiềm năng mạng lưới chợ ở Đắk Nông phục vụ phát triển du lịch mua sắm sẽ thúc đẩy tích cực kích cầu mua sắm của khách du lịch; góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Lộ trình bảo tồn và phát huy giá trị của chợ truyền thống cần có sự tham gia và quan tâm từ nhiều phía. Từ chính quyền địa phương, ban quản lý chợ, tiểu thương đến khách du lịch đều cần có những việc làm hiệu quả nhất định, cụ thể hướng tới việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc có thể phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đặng Nguyên Anh. 2015. Dân số và di dân trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam. 2. Bộ Công Thương. 2015. Quyết định số 6448/QĐ-BCT ngày 26 tháng 06 năm 2015 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Tây Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Hà Nội. 3. Thủ tướng Chính phủ. 2014. Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hà Nội. 4. Tuổi Trẻ. 2021. “Chợ phiên Tây Bắc giữa lòng Tây Nguyên”; Cập nhật ngày 20/08. https://tuoitre.vn/cho-phien-tay-bac-giua-long-tay-nguyen.htm. 231
- 5. Tỉnh ủy Đắk Nông. 2022. “Có một Tây Bắc trong lòng Đắk Nông”; Cập nhật ngày 20/08. http://tinhuy.daknong.gov.vn/tin-tuc/co-mot-tay-bac-trong-long-dak-nong-2659.html. 6. Tổng Cục Thống kê. 2023. Số lượng chợ phân theo hạng và phân theo địa phương; Cập nhật ngày 25/08. https://www.gso.gov.vn/so-lieu-thong-ke.htm. 7. Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông. 2021. Kế hoạch số 384/KH-UBND ngày 31/5/2021 về phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đắk Nông. 8. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch. 2015. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Hà Nội: Lao động xã hội. 9. Võ Văn Sơn. 2019. “Khai thác tiềm năng chợ Tây Nguyên phục vụ phát triển du lịch bền vững”. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên lần thứ 3, Hà Nội: Nông Nghiệp. THÔNG TIN TÁC GIẢ Họ và tên: Lê Anh Vũ Học hàm, học vị: Thạc sĩ Cơ quan công tác: Trường Đại học Tiền Giang Chức vụ: Giảng viên Địa thoại: 0908 619 589 Email:vovanson@tgu.edu.vn Địa chỉ: số 119, Ấp Bắc, phường 5, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang 232
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn