
Phát triển du lịch ẩm thực tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
lượt xem 1
download

Bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch ẩm thực cho một số địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút hơn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, khẳng định thương hiệu điểm đến Việt Nam.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phát triển du lịch ẩm thực tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- 104 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN DU LỊCH ẨM THỰC TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM Phạm Thị Thanh Đại học Thủ đô Hà Nội Tóm tắt: Ngày nay, du lịch ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là một trong những nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho một quốc gia hoặc một điểm đến du lịch nào đó. Do đó, ẩm thực không chỉ là thế mạnh, mà còn là một tiềm năng phong phú giúp định vị thương hiệu điểm đến. Trên cơ sở xem xét và tiếp thu các bài học kinh nghiệm thành công trong phát triển du lịch ẩm thực tại một số quốc gia trên thế giới. Bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch ẩm thực cho một số địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút hơn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, khẳng định thương hiệu điểm đến Việt Nam. Từ khoá: Ẩm thực, du lịch du lịch ẩm thực, điểm đến thương hiệu Nhận bài ngày 2.1.2024; gửi phản biện, chỉnh sửa và duyệt đăng ngày 28.02.2024 Liên hệ tác giả: Phạm Thị Thanh; Email: ptthanh@daihocthudo.edu.vn 1. MỞ ĐẦU Ngành du lịch hiện này được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước bởi tốc độ tăng trưởng nhanh và dễ lan toả đến những ngành khác. Du lịch ẩm thực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của du lịch cũng như kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. (Vương Xuân Tình: 2018) [1]. Theo số liệu năm 2019 từ Tổng cục Thống kê, ngành Du lịch nước ta đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa [2]. Trong quá trình phát triển, có những giai đoạn khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, nhưng lĩnh vực du lịch vẫn mở rộng thị trường, cùng đó là sự gia tăng của hệ thống dịch vụ ẩm thực, cung cấp thức ăn đồ uống cho khách. Từ đó, ẩm thực đã trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu và điểm nhấn ấn tượng để thu hút khách du lịch; gia tăng lợi ích cho đất nước. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa văn hoá ẩm thực và du lịch là vô cùng mật thiết và sâu sắc bởi đối với khách du lịch, ăn uống không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong hành trình mà còn là cơ hội để khám phá văn hoá, phong tục, tập quán và thẩm mỹ của người dân địa phương. Đồng hành cùng với du lịch, ẩm thực đang trở thành một lợi thế cạnh tranh và là một trong những nhân tố có tính quyết định trong quá trình xây dựng thương hiệu cho một quốc gia hoặc một điểm đến du lịch nào đó. Thông qua lăng kính di sản văn hoá phi vật thể và dựa vào bản
- TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 105 sắc riêng của ẩm thực theo từng địa phương hay vùng miền, ẩm thực đã góp phần tạo nên sự khác biệt và làm mới hình ảnh của điểm đến. [UNESCO:2003) [3] Tại một số quốc gia trên thế giới, một số món ăn truyền thống từ lâu đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại có thể kể đến: văn hóa muối kim chi (2013), Văn hóa bia Bỉ (Tháng 11/2016), "Nghệ thuật làm bánh Pizza Napoli ở Ý" (2017), Văn hóa bán hàng rong của Singapore (2020), … Ngoài những thứ kể trên, UNESCO còn công nhận cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, ẩm thực Mexico, ẩm thực Địa Trung Hải, rượu vang vùng Gruzia... là di sản văn hoá phi vật thể. Việc được ghi danh vào di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại cho thấy cách tiếp cận xây dựng thương hiệu điểm đến thông qua văn hoá ẩm thực đã có từ lâu và hiện nay các quốc gia này vẫn đã và đang tiếp tục phát huy và bảo vệ các giá trị truyền thống của di sản văn hoá ẩm thực đồng thời sử dụng hình ảnh di sản ẩm thực như là công cụ tạo nên những nét riêng trong truyền thông quảng bá cho điểm đến du lịch văn hoá của họ. Một trong những lý do thuận lợi để dẫn đến thành công cho cách tiếp cận này là dù đến từ vùng miền nào thì du khách cũng đều có chung sở thích và nguồn cảm hứng mạnh mẽ với ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực bản địa. Bởi vậy, ẩm thực không chỉ là thế mạnh, mà còn là một tiềm năng phong phú vô tận cần được khai thác đúng mức. Trong thời gian qua, văn hóa ẩm thực Việt Nam đã được kết hợp khai thác, quảng bá thông qua nhiều sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước như tại các hội chợ, các lễ hội du lịch, các lễ hội văn hóa... Tuy nhiên hiệu quả còn khiêm tốn, chưa bộc lộ và phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh của văn hóa ẩm thực địa phương. Bài viết này nhằm xem xét tiếp thu các bài học kinh nghiệm thành công trong phát triển du lịch ẩm thực tại một số quốc gia trên thế giới và đề xuất giải pháp cho một số địa phương tại Việt Nam. 2. NỘI DUNG 2.1. Kinh nghiệm phát triển du lịch ẩm thực của một số quốc gia trên thế giới 2.1.1. Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực đặc trưng của địa phương Một trong những hoạt động yêu thích của khách du lịch là thưởng thức các món ăn bản địa mang tính địa phương, vùng miền và mang dấu ấn văn hóa, tự nhiên (Wagner, 2001) [4] cùng với việc tìm hiểu kiến thức về văn hóa và ẩm thực địa phương. Ẩm thực cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định vị và phát triển thương hiệu du lịch, phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng bản địa. Khai thác ẩm thực địa phương cho phát triển du lịch là một hình thức thuần túy của du lịch ẩm thực. Nhiều quốc gia đã áp dụng hình thức này và tận dụng triệt để những thế mạnh mang tính độc đáo và duy nhất của mình trong phát triển du lịch. Nói đến ẩm thực, không thể không nhắc đến đất nước Trung Quốc, một trong những trung tâm văn hóa châu Á hình thành bên bờ sông Hoàng Hà, với bốn trường phái ẩm thực là bốn mảnh ghép lớn trong bức tranh ẩm thực Trung Hoa: Quảng Đông, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Phúc Kiến. Sự hình thành của mỗi trường phái ẩm thực Trung Quốc không thể tách rời với việc nấu ăn đặc sắc và độc đáo khi cũng chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của vị trí địa lí, điều kiện khí hậu, tài nguyên hay thói quen ăn uống của người dân tại vùng miền đó. Ẩm thực Quảng Đông đa dạng trong cách chế biến và thành phần, nổi tiếng tinh tế và phức tạp. Ẩm thực Tứ Xuyên nổi tiếng với những món cay nóng với món lẩu đặc trưng. Ẩm thực Chiết Giang hình thành nhờ những món ăn của Hàng Châu, Ninh Ba, Thiệu Hưng với phương thức chế biên các món ăn
- 106 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI món ăn tươi mềm, thanh đạm, không ngấy. Ẩm thực Phúc Kiến nổi danh với các nguyên liệu chủ yếu là hải sản, chú trọng vị ngọt chua mặn thơm, màu đẹp vị tươi,…Du lịch ẩm thực ở Trung Quốc tập trung phát triển thương hiệu tại một khu vực hoặc điểm đến đơn lẻ, từ đó xây dựng chiến lược phát triển và tiếp thị cho chính quyền địa phương với các hoạt động khám phá lịch sử văn hóa ẩm thực, công thức và kỹ thuật chế biến đặc biệt (Du Rand et al, 2006) [5]. Một số chương trình du lịch ẩm thực ở Trung Quốc được đông đảo du khách quốc tế biết đến có thể kể đến như: “Khám phá các món ăn nổi tiếng của Trung Quốc”, đây là hoạt động du lịch ẩm thực giúp du khách thưởng thức các món ăn cổ điển của ẩm thực Sơn Đông, ẩm thực Tứ Xuyên, ẩm thực Thiểm Tây, ẩm thực Quảng Đông, ẩm thực Tô Châu, hay du khách có thể khám phá “Phiêu lưu cùng ẩm thực Trung Hoa” để được dùng bữa với các món ăn cổ điển của Trung Quốc như gà kung pao, bánh bao và học cách với các đầu bếp địa phương cũng như trải nghiệm việc làm mỳ tươi trong gia đình một người dân địa phương. Pháp, là một đất nước có nền văn hóa và lịch sử giàu truyền thống và nền ẩm thực Pháp được coi là cái nôi của ẩm thực cổ điển với kỹ thuật chế biến phô mai và các món ăn sử dụng các loại gia vị quý hiếm và đắt đỏ theo trường phái “Haute cuisine”, được phục vụ kèm với các loại rượu vang cao cấp nhất thế giới. “Bữa ăn truyền thống của người Pháp” đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010, là một sự vinh danh xứng đáng mang lại niềm tự hào cho toàn bộ nước Pháp và cộng đồng người Pháp trên toàn thế giới. Người Pháp ở mỗi vùng khác nhau đều ghi dấu ấn bằng những nét độc đáo khác nhau trong văn hóa ẩm thực. Nổi tiếng nhất là ba vùng du lịch ẩm thực trứ danh: Lyonnaise được gọi là “thủ đô ẩm thực của thế giới” với nguyên liệu chính chế biến món ăn từ thịt lợn, gà, vịt (đặc biệt là gan); ẩm thực vùng Provence với nguyên liệu chủ đạo là cà chua, ô liu, nấm cục đen và các loại thảo mộc; ẩm thực Normandy mang phong vị biển với các món hải sản và táo đã tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách trên toàn thế giới. Pháp khai thác ẩm thực dựa trên sự sang trọng, mang tính sáng tạo cao và đòi hỏi nghệ thuật thưởng thức tinh tế bậc nhất như một một lợi thế cạnh tranh thực sự, giúp giữ chân và thu hút du khách có khả năng chi trả cao cả trong nước và quốc tế. Và người Pháp đã thành công trong việc khai thác ẩm thực địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực vô cùng đặc sắc và hấp dẫn: - “2 giờ trải nghiệm ẩm thực ở Halles De Lyon” đưa du khách tìm về với trái tim của ngôi đền ẩm thực Lyon. - “Hương vị Provence” mang đến cho du khách một “hương vị” độc đáo về cuộc sống và ẩm thực hàng ngày ở Aix-en-Provence - “Một ngày khám phá ẩm thực ở Normandy” nếm thử các sản phẩm địa phương của Normandy 2.1.2. Phát triển khu phố ẩm thực địa phương đặc trưng Trong các chuyến du lịch với thời gian không quá dài, du khách có xu hướng muốn được trải nghiệm nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Để có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức những món ăn nổi tiếng, phổ biến nhất tại một điểm đến nào đó, khu phố ẩm thực hoặc các khu chợ ẩm thực luôn là lựa chọn được ưu tiên của khách du lịch.
- TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 107 Paris (Pháp) là một thành phố khai thác thành công thế mạnh của các khu chợ ẩm thực trong phát triển du lịch. Tại Paris, du khách có thể dễ dàng tìm thấy nhiều khu chợ đặc sắc, cung cấp đủ loại sản phẩm từ đồ ăn thức uống đến sách và đồ cổ. Trong đó, khu ẩm thực Marche Raspail rất nổi tiếng bởi đây là nơi họ vừa có thể thưởng thức nền ẩm thực nổi tiếng của Pháp vừa có cơ hội gặp được nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, vốn khá thường xuyên có mặt tại khu ẩm thực. Khách du lịch đến London (Anh), bên cạnh việc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng như tháp đồng hồ Big Ben, công viên Hypark, cung điện Buckingham còn có thể ghé thăm chợ Borough để khám phá văn hóa và ẩm thực của nước Anh. Chợ La Merced (Mexico) là khu ẩm thực có diện tích rất lớn với tuổi đời 150 năm, được xem là một trong những khu chợ ẩm thực ấn tượng nhất thế giới với hơn 3000 gian hàng, trong đó bán quesadillas – món ăn đường phố nổi tiếng của Mexico, taco, tamales chiên và nhiều món khác. Đến với Mexico, khách du lịch chỉ cần ghé thăm khu chợ này là có thể trải nghiệm những món ăn đặc trưng của Mexico và tìm hiểu về văn hóa của người Mexico Ở khu vực châu Á, Singapore là một thiên đường ẩm thực nổi tiếng. Quốc gia này đã định vị phát triển du lịch hướng du khách tới việc trải nghiệm ẩm thực đại diện cho khu vực Châu Á với sự quy tụ của các phong cách ẩm thực khác nhau của nhiều quốc gia châu Á lớn như Ấn Độ, Trung Quốc trong sự giao thoa văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Các khu phố ẩm thực như: Lao Pa Sat, Chinatown Complex Food Centre, Tian Tian Hainanese Chicken Rice là nơi du khách có thể trải nghiệm ẩm thực đa quốc gia. 2.1.3. Sản phẩm du lịch gắn với lễ hội ẩm thực Trong khi việc tham quan, trải nghiệm tại các khu vực sản xuất ẩm thực và nông sản có thể được thực hiện vào bất cứ dịp nào trong năm thì việc trải nghiệm các sự kiện ẩm thực đặc biệt như một lễ hội ẩm thực lại có hạn chế về thời gian. Chỉ những du khách đến vào đúng dịp hoặc lựa chọn thời gian có chủ đích cho chuyến đi mới có cơ hội tham dự các lễ hội ẩm thực địa phương. Vì lẽ đó, lễ hội ẩm thực là một hình thức du lịch mang tính thời điểm và có tính thu hút mạnh đối với du khách bởi đặc trưng không dễ tiếp cận. Bản thân lễ hội đóng vai trò như một nền tảng mà từ đó cộng đồng địa phương có thể duy trì và bảo tồn bản sắc khu vực và di sản văn hóa gắn với lịch sử phát triển cộng đồng và đồng thời tạo cơ hội cho họ tôn vinh các truyền thống và thực hành di sản gắn liền với văn hóa ẩm thực, vốn rất dễ có nguy cơ mai một. Trong bối cảnh cụ thể của một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa như Australia, các lễ hội ẩm thực mang tính dân tộc nhằm tôn vinh văn hóa của người nước ngoài định cư tại quốc gia này giúp tăng niềm tự hào của người dân di cư và giúp họ định hình bản sắc dân tộc (Kim et al, 2012) [6]. Lễ hội “Carnevale: Italian Fun, Food and Fair Festival” và “Croatian Food and Wine Festival” được tổ chức thường niên tại đây là minh chứng rõ nhất cho nhận định trên (Kim et al, 2012) [6]. Lễ hội Tháng Mười (Octoberfest) là một sự kiện nổi bật ở Bayern (Đức), hình thành từ đầu thế kỉ 19 và được coi là một trong những lễ hội bia dân gian lớn nhất thế giới. Tại lễ hội này, du khách có thể thưởng thức những loại bia ngon nhất nước Đức cùng với những món ăn truyền thống của vùng Bavaria. Do đó lễ hội này thu hút hơn 6 triệu lượt du khách mỗi năm và mang lại nguồn thu lớn cho hoạt động du lịch của thành phố Munich.
- 108 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Lễ hội “Làng pizza Napoli” tại Naples (Italia) được gọi là lễ hội ẩm thực ngon nhất thế giới, thu hút hàng chục triệu du khách mỗi năm. Tại đây khách du lịch có thể thưởng thức đủ loại pizza nổi tiếng. Nhật Bản được coi là đất nước của những lễ hội với rất nhiều lễ hội ẩm thực lớn ở các vùng miền khác nhau, trong đó nổi bật nhất là lễ hội mỳ Ramen Tokyo, diễn ra từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm và thu hút hàng triệu lượt du khách. Lễ hội “Tôm hùm Maine” là sự kiện đặc biệt dành cho những du khách yêu thích hải sản của vùng Rockland, bang Maine (Mỹ) với lịch sử hơn 60 năm và thu hút du khách không chỉ bởi những món ăn ngon từ tôm hùm mà còn từ nhiều hoạt động giải trí đặc sắc thú vị khác. 2.1.4. Tổ chức các không gian trưng bày và triển lãm di sản văn hóa ẩm thực nhằm nâng cao nhận thức của khách du lịch về di sản ẩm thực Thực tiễn cho thấy, để phát triển du lịch ẩm thực, Chính phủ Thái Lan đã có nhiều chương trình hành động. Từ năm 2002, Thái Lan xây dựng kế hoạch về ngoại giao ẩm thực (culinary diplomacy), xây dựng các nhà hàng Thái trong chương trình Thái toàn cầu (The Global Thai), gồm đào tạo, cho doanh nghiệp vay vốn để mở các nhà hàng. Năm 2012-2013, Thái Lan có chiến dịch Hình dung ẩm thực Thái (Amaging Thai Food) nhằm nâng cao hiểu biết của người nước ngoài về ẩm thực Thái. Năm 2014, nước này lại khởi xướng hoạt động Thái Lan: Bếp của thế giới (Thailand: Kitchen of the World), nhằm tạo ra các sản phẩm ẩm thực có chất lượng đẳng cấp quốc tế. (Vương Xuân Tình, 2018: 48-49) [1] 2.1.5. Tổ chức lễ hội, sự kiện quảng bá giá trị di sản văn hóa ẩm thực như một nét đặc trưng của điểm đến Trong các quốc gia trên thế giới, Mỹ là nước có nhiều hoạt động du lịch ẩm thực, đặc biệt là các hội chợ ẩm thực (Foodways Festival). - Hội chợ ẩm thực thường diễn ra tại các thị trấn nhỏ dưới hình thức chợ nông sản. Trên toàn nước Mỹ có khoảng 1.500 hội chợ ẩm thực, trong đó phần lớn là hội chợ truyền thống, một số do các tổ chức du lịch hay kinh doanh tổ chức phục vụ cho du lịch. Các hội chợ này đã tăng thêm trải nghiệm cho du khách và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Giá cả trong hội chợ nhiều khi phụ thuộc vào thỏa thuận của người bán và người mua nên cũng tăng thêm tính hấp dẫn. - Địa điểm tổ chức hội chợ và nơi bán hàng rất linh hoạt. Nhiều hội chợ diễn ra theo mùa, nhất là những hội chợ liên quan đến sản phẩm nông nghiệp. Các hội chợ thu hút hàng triệu du khách với chi phí hàng tỷ USD mỗi năm (UNWTO, 2017: 112-113).[7] 2.2. Bài học kinh nghiệm phát triển du lịch ẩm thực ở một số điểm du lịch địa phương đặc trưng của Việt Nam Hà Nội, với bề dày lịch sử hơn một ngàn năm từ thuở Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, cho đến nay Hà Nội nói chung và phố cổ Hà Nội nói riêng, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố đã tích lũy những giá trị tinh hoa bậc nhất của người Việt thuộc các dân tộc khác nhau và dần biến những giá trị văn hóa đó thành văn hóa riêng của Hà Thành. Phố cổ Hà Nội có thể coi là nơi hội tụ những người thợ thủ công tài giỏi nhất đất nước trong đủ mọi lĩnh vực
- TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 109 khác nhau, quy tụ về đây để phục vụ cho hoạt động của kinh thành, vì thế mà hình thành lên các làng nghề, các phố nghề và dần tạo lên diện mạo của Hà Nội – ba mươi sáu phố phường như ngày nay. Nhờ quá trình phát triển đó, Hà Nội cũng đồng thời là nơi kết tinh một nền văn hóa đại diện cho thủ đô mà trong đó, ẩm thực là ví dụ rõ nhất. Với hàng trăm di sản ẩm thực được ghi nhận bởi cộng đồng và khách du lịch cùng gần ba mươi di sản ẩm thực được đề xuất sau quá trình khảo sát, nơi đây được khẳng định là một nơi có nền ẩm thực phong phú với nhiều món ăn khác nhau và món ăn nào cũng chứa đựng bên trong nó hồn cốt của Hà Nội và mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương, giúp phân biệt với các vùng miền khác. Thành phố Hồ Chí Minh, được xem là trung tâm ẩm thực cho cả khu vực Đông Nam Bộ. Từ thế kỉ XVIII cho đến nay, khu vực Hòn ngọc Viễn Đông đã đón nhận những luồng văn hoá ẩm thực từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Nhật, Úc, ... Do đó, chỉ cần đến với mảnh đất Sài Gòn, thực khách đã có thể trải nghiệm gần như toàn bộ những nền ẩm thực của các nước khác mà chẳng cần phải di chuyển đâu xa xôi hay sang tận nước bạn để thưởng thức. Dấu ấn văn hoá ẩm thực từ xưa của người Sài Gòn không chỉ có những toà nhà chọc trời, những nhà hàng sang trọng, cao cấp mà còn có cả những quán cóc vỉa hè, những món ăn hè phố rất gũi và thân quen với hình ảnh gánh hàng rong, xe hủ tiếu gõ, cà phê bệt từ lâu đã trở thành một phần của văn hoá ẩm thực Sài Gòn, đây là một trong những điểm đặc sắc thu hút khách du lịch từ mọi nơi tìm đến. Đà Nẵng, là vùng đất giao thoa, hội tụ văn hóa của cả 3 miền, bởi vậy ẩm thực Đà Nẵng hội tụ nét đặc sắc 3 miền. Du khách đến Đà Nẵng có thể thưởng thức món ngon của 3 miền Bắc - Trung - Nam do chính người dân từ các địa phương đó mang đến, biến tấu cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Đà Nẵng cũng có những đặc sản lâu đời, mang đậm hương vị địa phương với hệ thống quán ăn, nhà hàng hải sản phục vụ tốt, giá cả hợp lý đã tạo được sự yêu thích đối với khách du lịch. Dấu ấn trong lòng du khách bốn phương với tên gọi “Đà Nẵng là thiên đường ẩm thực” với qua những món ăn như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bún chả cá, bánh xèo, chả bò, mít trộn,... Cần tận dụng những giá trị tinh túy trong ẩm thực của từng địa phương phục vụ cho phát triển du lịch dựa trên thực trạng khai thác ẩm thực cho du lịch hiện tại của từng địa phương và một số đề xuất giải pháp từ đúc kết kinh nghiệm của thế giới. 2.3 Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch ẩm thực ở một số điểm du lịch địa phương đặc trưng của Việt Nam Trên cơ sở các bài học thành công trong phát triển du lịch ẩm thực tại một số quốc gia trên thể giới, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch ẩm thực tại một số địa phương nhằm khẳng định thương hiệu điểm đến cũng như thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Việt Nam. 2.3.1. Xây dựng tiêu chí đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ du lịch của các điểm di sản ẩm thực Để phát triển du lịch ẩm thực, một địa phương cần đáp ứng một số tiêu chí chung. Tuy nhiên, để đánh giá một điểm di sản ẩm thực có đủ điều kiện đưa vào phát triển du lịch hay không, cần phải có một hệ thống tiêu chí đánh giá đầy đủ và rõ ràng, trên cơ sở tham khảo tiêu chí chung kết hợp những yếu tố bản địa, làm căn cứ cho việc lựa chọn và ra quyết định như:
- 110 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI - Thoả mãn tối đã nhu cầu của du khách tại điểm đến, trong đó ẩm thực là một trong những nhu cầu cơ bản của du khách và dần trở thành mục đích của chuyến đi. - Đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, để phát triển du lịch ẩm thực thì yếu tố được nhiều khách du lịch quan tâm nhất là các điểm đến du lịch ẩm thực cần có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại và đầy đủ tiện nghi, gần với các điểm vui chơi trải nghiệm của du khách, thuận lợi cho việc di chyển. - Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tai điểm đến và trong các cơ sở lu trú du lịch. - Gắn nhãn sinh thái đối với cơ sở kinh doanh ăn uống du lịch tại địa phương đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm cho các cơ sở đạt tiêu chuẩn,… Hệ thống tiêu chí này cần được xây dựng dựa trên sự kết hợp liên ngành và đòi hỏi sự phối hợp giữa các bên liên quan khác nhau để cung cấp cơ sở đánh giá mang tính bao quát và đầy đủ nhất, đáp ứng các yêu cầu của một di sản đồng thời đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định và các tiêu chuẩn dịch vụ của ngành du lịch. 2.3.2. Xây dựng chương trình du lịch, tuyến du lịch di sản ẩm thực Để thực hiện việc xây dựng các chương trình du lịch, tuyến du lịch di sản ẩm thực, mỗi thành phố cần căn cứ trên bộ tiêu chí đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ của các điểm di sản, từ đó tiến hành đánh giá, lựa chọn các điểm di sản ẩm thực phù hợp để đưa vào xây dựng chương trình. Nội dung các chương trình hướng tới theo các ưu tiên như sau: - Giới thiệu về văn hóa ẩm thực truyền thống - Giới thiệu về thực phẩm và ẩm thực địa phương - Giới thiệu về cách cư xử trên bàn ăn - Quảng cáo các nhà hàng đặc sản và các địa điểm ăn uống khác - Giới thiệu các món ăn đặc sắc - Quảng bá các tour trọn gói dành cho người sành ăn/ẩm thực tại địa phương/khu vực - Quảng bá các lớp dạy nấu ăn và khóa học về ẩm thực địa phương - Quảng bá các lễ hội ẩm thực - Giới thiệu quà lưu niệm là sản phẩm ẩm thực - Tích hợp công cụ tìm kiếm nhà hàng khách sạn trong một bản đồ ẩm thực - Có hình thức vinh danh cho các nhà hàng đạt chuẩn trên website… Bản chất của du lịch là liên kết các dịch vụ và hoạt động khác nhau để tạo nên một sản phẩm trải nghiệm xuyên suốt trong một chuyến đi cho du khách. Theo thực tiễn nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, để các di sản ẩm thực chính thức được khai thác cho phát triển du lịch, trước tiên việc trải nghiệm di sản đó cần được đưa vào xây dựng thành sản phẩm du lịch và trở thành một phần trong hành trình khám phá văn hóa, con người của khách du lịch khi đến với các điểm đến tại Việt Nam.
- TẠP CHÍ KHOA HỌC - SỐ 81/THÁNG 2 (2024) 111 3. KẾT LUẬN Việt Nam là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, độc đáo và có ý kiến cho rằng, cùng với Trung Quốc và Pháp, ẩm thực Việt Nam là một trong ba nền ẩm thực được ưa chuộng trên thế giới (Trần Quốc Vượng, 1997)[8]. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức và phản ánh di sản ẩm thực quý giá của Việt Nam. Bản sắc ẩm thực Việt Nam gắn với vùng miền, tộc người và tôn giáo, dưới tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử và giao lưu văn hóa. Bản sắc đó phản ánh đậm nét trong các đặc sản ẩm thực, tức trong món ăn, đồ uống, cách thức và những câu chuyện liên quan đến ẩm thực. Đây chính là cơ sở vững chắc để phát triển du lịch ẩm thực. Để các giải pháp phát triển mang lại hiệu quả, cần có sự tham gia của các Tổ chức hiệp hội và đẩy mạnh hoạt động của hiệp hội nghệ nhân ẩm thực. Đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa các bên liên quan: quản lý nhà nước – doanh nghiệp du lịch – chủ nhân di sản – người dân địa phương. Bên cạnh các giải pháp chuyên sâu nhằm khai thác giá trị văn hoá ẩm thực ở từng địa phương, định hướng cho phát triển du lịch, hoạt động truyền thông, marketing và bán hàng cho các di sản ẩm thực một cách độc lập và trong sự kết hợp với truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch địa phương cũng rất cần thiết. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vương Xuân Tình (2018), “Du lịch ẩm thực: Kinh nghiệm thế giới và thực trạng ở Việt Nam”, Thông tin Khoa học xã hội, số 4.2018. 2. Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê. Nxb. Thống kê, tr. 644-646. 3. UNESCO (2003), Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. 4. Wagner, H. A. (2001). Marrying food and travel... culinary tourism. Canada’s Food News, Foodservice Insights, March. 5. Du Rand, G. E., & Heath, E. (2006). Towards a framework for food tourism as element of destination marketing. Current Issues in Tourism, 9(3), tr. 206–234. 6. Kim, Y. G., & Eves, A. (2012). Construction and validation of a scale to measure tourist motivation to consume local food. Tourism management, 33(6), 1458-1467. 7. UN World Tourism Organization (2017), The Second Global Report on Gastronomy Tourism, Madrid, Spain. 8. Trần Quốc Vượng (2015), Văn hóa Việt Nam, những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb.Văn học. DEVELOPING CULINARY TOURISM IN SOME COUNTRIES AROUND THE WORLD AND EXPERIENCES FOR VIETNAM Abstract: Nowadays, culinary tourism becomes one of competitive advantages and one of decisive factors which help the countries promote their tourist destinations. Therefore, cuisine is not only strength but also a rich and diverse potential that identified the destination brand. The article aims to analyze and absorb successful lessons on developing culinary tourism in some countries around the world as well as proposes some solutions to develop culinary tourism attracting more domestic and international tourists and identifying Vietnam’s tourism brand. Keywords: Culinary, tourism, culinary tourism, destination, brand.

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Thưởng thức những món ăn Nga tuyệt vời
6 p |
80 |
7
-
Tom Yam: Món cay độc đáo của người dân Thái Lan
3 p |
45 |
6
-
Độc đáo ẩm thực Jordan
3 p |
53 |
5
-
Thú vị trải nghiệm màu sắc tại Singapore
9 p |
49 |
4
-
Một số yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch ẩm thực đường phố tại Thành phố Hà Nội
11 p |
5 |
3
-
Nghiên cứu nhu cầu tìm hiểu văn hóa ẩm thực của khách du lịch tại thành phố Đà Nẵng
9 p |
6 |
3
-
Nyonya: Tinh hoa của ẩm thực Malaysia
3 p |
70 |
3
-
Thành phố của những kiến trúc cực khủng
9 p |
44 |
2
-
Sức cuốn hút kỳ lạ của nước Nga
2 p |
59 |
2
-
Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm thúc đẩy du lịch ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 p |
0 |
0


Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn
