Phía tây Hà Nội
lượt xem 5
download
Đã một tuần nay, cả nhà náo loạn vì một cái hẹn đi ăn tiệc. Háo hức nhất là trẻ con. Ý tưởng sẽ được đến ăn nhà hàng Hàn Quốc ở Keangnam rồi “thể nào cũng được chơi” ở tầng trò chơi cảm giác lạ làm bọn nó sôi sục. Bố mẹ chúng thì không như vậy. Hưởng biết Linh bất đắc dĩ phải đi thôi, khi Nga, bạn cũ thời phổ thông, mời đi ăn sau mười mấy năm bặt tin. Giá kể lôi nhau ra quán lẩu hay bia hơi Hải Xồm thì anh cũng thoải mái....
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phía tây Hà Nội
- Phía tây Hà Nội Đã một tuần nay, cả nhà náo loạn vì một cái hẹn đi ăn tiệc. Háo hức nhất là trẻ con. Ý tưởng sẽ được đến ăn nhà hàng Hàn Quốc ở Keangnam rồi “thể nào cũng được chơi” ở tầng trò chơi cảm giác lạ làm bọn nó sôi sục. Bố mẹ chúng thì không như vậy. Hưởng biết Linh bất đắc dĩ phải đi thôi, khi Nga, bạn cũ thời phổ thông, mời đi ăn sau mười mấy năm bặt tin. Giá kể lôi nhau ra quán lẩu hay bia hơi Hải Xồm thì anh cũng thoải mái. Linh nói: “Nhà cái Nga giàu, hai vợ chồng mỗi người một xe”. Xe dĩ nhiên là xe hơi. Linh gặp Nga tình cờ hôm cô đi lấy hàng ở chợ. Nga đi chơi, thăm lại chợ Hàng Da mới xây thành trung tâm mua sắm xem có gì hay hay. Vậy là Nga chở Linh về tận nhà, đúng lúc thằng Việt đang dắt xe đạp ra cửa. “Ra dáng thanh niên quá - Nga mỉm cười khen khi Việt chào để đi học - Thế nó học tận đâu?”. “Tít mãi trường Ams ấy”. “Giỏi thế, nhưng đạp xe mười mấy cây số thì vất quá nhỉ”. Linh mời Nga ở lại ăn trưa, nhưng cô khoát tay bảo có việc rồi, hẹn luôn cả nhà Linh hôm tới đi ăn. Nga nhìn Linh: “Hôm nào tôi dắt bà mua mấy bộ. Trông người vẫn ổn đấy”. Nói là làm. Hai hôm sau, Nga đỗ xịch ở trước quán hàng của Linh: “Bà đóng cửa hàng, đi với tôi”. Cái xe đỗ kềnh càng ở mé cửa quán tạp hóa. Linh không có cách nào khác ngoài việc phải vội thu dọn hàng và khóa cửa. Kết quả sau hai tiếng mua sắm, Nga đã lựa cho Linh hai bộ váy với giày guốc. “Phải cẩm lê thế mới được, ngố ạ”. Cẩm lê là gì, Linh ngớ ra, tiếng Tây à? “Tao cũng chịu, nghĩa là đủ lệ bộ, như mày đi dự tiệc phải xách ví đầm đi theo. Đàn bà ra đường không mang ví cũng như cởi truồng ấy. Cái này thì bọn Tây nó nói”. Cái váy hoa hai dây và đôi guốc cao gót làm Linh bất ngờ vì hóa ra trông mình không đến nỗi nào, nhưng điều cô bất ngờ hơn là Hưởng không phản đối. Hưởng là bộ đội, vốn chỉ quen vợ mình diện nhất là mặc áo dài cũng như nghe nhạc chỉ nghe Trọng Tấn, Anh Thơ là hết. Hưởng không vui ở chỗ phải đi dự tiệc ở một nơi anh chưa biết thế nào. Anh bị đại tràng, không ăn được món lạ. “Hay em với hai đứa đi thôi, anh không đi đâu”. “Ơ hay, thế hôm nọ anh đồng ý rồi”. “Anh có ăn được đồ Hàn đồ hiếc gì đâu”.
- “Anh thật là, ở đấy có nhiều món khác nhau. Mà Hàn Quốc cũng có thịt chó nhé”. “Quần quần áo áo ngồi ngay đơ ở bàn, biết nói gì”. “Chồng nó cũng có nói được tiếng Việt đâu”. Người không chỉ không vui mà còn khó chịu với bộ váy của Linh là thằng Việt con cô. “Trông cứ hở hang thế nào ấy mẹ ạ”. Linh cũng thấy quả tình là hơi cách mạng quá so với lối ăn mặc lâu nay của cô, nhưng cô tặc lưỡi, khoác thêm cái áo ren mỏng là đủ. Cô đã thấy Nga mặc rồi. “Mẹ, mẹ. Con cô Nga xinh không? - cái Mai hỏi lúc lật đi lật lại cái váy kia của Linh. “Mẹ đã gặp đâu”. “Chắc xinh nhỉ. Con lai mà”. Trước hôm đi ăn tiệc, bà chị gái của Linh xộc vào nhà. “Mai mày đi ăn cỗ hả?”. “Cỗ bàn nào? Con bạn cũ nó muốn gặp. Bạn em mời“. “Nó làm ăn gì mà lại gặp mày?”. “Chị hỏi buồn cười. Gặp là gặp thôi chứ làm ăn gì”. “Mày cẩn thận đấy. Bọn nó hay dùng cái trò bạn cũ rủ rê này, rồi dắt mày vào tệ nạn”. “Chị đọc lắm báo pháp luật rồi đấy”. Mai chen vào: “Cô Nga cô ấy còn mua váy cho mẹ cháu nhá”. Trước khi Linh kịp làm gì, Mai đã lôi hai cái váy ra. “Ối giời ơi! Váy vó gì như đồ cave thế này!”. Linh lẳng lặng giật lấy hai cái váy, mang cất vào buồng. Rồi cô vào toalét, mặc cho bà chị ngồi nói oang oang bên ngoài. “Mẹ mày giờ đổi mới tư duy ác thật”. Linh ngồi phịch xuống bệ xí, mặc cho nước mắt chảy ra. ***
- Từ nhà Linh đến tòa nhà Keangnam ở khu Mỹ Đình phải đi xuyên qua thành phố. Mỹ Đình là khu mới ở phía tây của Hà Nội, Linh chưa đến đấy bao giờ. Chỉ trong mấy ngày, thằng Việt và cái Mai đã phổ biến thông tin. “Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt Nam”. “Tầng trên cùng có triển lãm tranh thế giới ảo, chiếu phim 5D mẹ ạ”. “Bọn bạn con đứa nào cũng lên đấy chụp ảnh, thích ơi là thích”. Nga nhắn tin: “Bà nhớ đến đấy nhé, tôi đặt hết cả rồi”. Rồi lại nhắn: “Ăn uống bình thường ấy mà. Đừng có mà ngại. Xưa bọn mình khổ bỏ xừ, tôi lạ gì. Không nhắn lại nữa. Chấm hết”. Lúc lên taxi, câu chuyện Keangnam lại tiếp tục. Lần này cái Mai thỏ thẻ: “Nhưng vé lên tầng 70 đắt lắm”. Việt chen vào: “Nhỡ cô Nga mời thì sao?”. Hưởng đang ngồi ghế trên, quay xuống: “Tao cấm hai đứa mở mồm ra gợi ý người ta nghe chưa. Bố mẹ chưa để đói bữa nào cả, nhé”. Hưởng nhấn mạnh chữ “nhé” rồi quay lên ngồi yên nhìn ra phía trước. Trong khi cả nhà mải mê nhìn những đường phố mới Hà Nội, Linh nhắm nghiền mắt. Cô không quen đi xe nên hơi váng vất. Cuối cùng xe cũng đỗ ở sát vỉa hè lối vào khu tòa tháp. Linh bơ phờ bước ra, gió lộng táp vào mặt. Hưởng chăm chú nhìn số tiền trên đồng hồ đếm, rút trong tập tiền buộc sợi dây chun mấy tờ để trả tài xế. Hôm nay Hưởng mặc cái áo sơmi mới cắm thùng, nhìn cũng bảnh bao hơn. Linh yên tâm khi thấy cả nhà trông có vẻ tươm tất tương xứng với khung cảnh hào nhoáng ở đây. “Từ từ! Đợi bố mẹ!”. Hai đứa trẻ đã chạy ùa đến cái sảnh. Gió từ khoảng giữa các tòa tháp thổi bạt làm Linh một tay giữ váy, một tay bíu lấy chồng. Hai người liêu xiêu bước đến cửa ra vào. Việc đầu tiên là phải xác định xem nhà hàng ở tầng nào. Vì Linh không nhớ chính xác tên của nhà hàng, một cái tên Hàn Quốc rất dễ lẫn. “Con đảm bảo là ở tầng trên khu Parkson. Họ đề Food Court mà - thằng Việt quả quyết sau khi xem sơ đồ - Ở đây nhiều nhà hàng lắm”. “Để mẹ gọi cô Nga cho chắc. Nhỡ leo lên không phải lại mất thời gian họ đợi”. “Mày cứ lanh chanh” - Hưởng lừ mắt với con trai. Nga reo lên trong điện thoại: “Đến chưa, đến chưa. Tầng trên của Parkson nhé”.
- Thằng Việt đắc thắng khi đã đúng, giơ ngón tay bấm nút lên thang máy rất thiện nghệ. Hưởng hầm hừ làm Linh bật cười. “Thôi, bọn này nó dắt đi đâu thì bọn mình đi đấy anh ạ”. Nga ân cần chạy đến đón cả nhà Linh rồi đưa vào bàn trong gian phòng rộng, đèn chùm chiếu ánh vàng hơi nhòa nhòa. Nhà Nga chỉ có ba người. Ông chồng Hàn Quốc mập mạp, đeo kính cận. Đứa con gái mắt một mí giống bố, nhưng cái miệng rộng giống mẹ. “Phương, chào cô Linh chú Hưởng đi con”. Đứa con gái chào rành rọt bằng tiếng Việt làm cả nhà Linh ngạc nhiên. Nga hân hoan giải thích: “Tớ vẫn nói chuyện với cháu bằng tiếng Việt. Tên Việt Nam đặt cho con là ý của anh Suno đấy”. Nga quay sang mỉm cười với chồng. Ông ta giơ tay nắm lấy tay vợ, gật gật cái đầu theo cách Linh vẫn thấy trên phim truyền hình. “Thôi, vào bàn đi. Cho gọi món em ơi!” - Nga vẫy vẫy tay. Hai cô phục vụ mau chóng bước ra. Linh ý tứ quan sát chồng và hai con. Hưởng lúng túng khi được cô phục vụ giúp trải khăn ăn lên đùi và gắp khăn nóng đưa tận tay. “Hai con thích ăn gì? Đồ Hàn Quốc cay có ăn được không? Hay món Tây?” - Nga hỏi Việt và Mai. Linh định mở miệng nói thay nhưng Nga đã mỉm cười: “Cho các con thoải mái cậu ạ”. “Cháu ăn mì Ý”. “Mày dốt lắm. Đi nhà hàng Hàn Quốc lại ăn mì Ý. Phải ăn kim chi” - Việt giễu em. “Ở đây đồ Tây cũng ngon lắm. Em Phương cũng hay thích đồ ăn nhanh. Các con cứ gọi vô tư”. Cuối cùng việc gọi món cũng xong, ai nấy đều đã tìm được thứ mình cần, Linh khẽ thở phào. Hưởng bảo: “Em ăn gì anh ăn nấy”. Ông chồng Hàn Quốc của Nga cũng tỏ ra thân thiện. Việc căng thẳng nhất đã có vẻ trôi qua. Hai đứa con của Linh đã xúm lại quanh Phương, châu đầu vào xem chung cái iPad, mặc cho bốn người lớn nói chuyện. Mà thực ra là chỉ có Nga và Linh.
- Lúc này Linh mới rõ thêm về cuộc sống gia đình của Nga. “Thật ra sống bên Hàn cũng khổ lắm. Giá đắt kinh người”. Suno cũng lặp lại “Đắt”, đưa tay lên cứa cứa cổ. Linh và Hưởng nhìn nhau cười ngượng nghịu. “Chỉ có Việt Nam là sướng. Cái gì cũng có mà lại rẻ”. Nga nói như reo lên. Cô nói sắp tới Suno sẽ phải về nước để tập huấn thêm. “Thế là cả nhà lại về Hàn Quốc à?” - Linh thắc mắc. “Chỉ anh Suno thôi. Nhưng anh ấy muốn mẹ con tớ về cùng để còn lo việc nhà”. Nga ngần ngừ định nói gì thêm vẻ khó nói nhưng rồi tươi nét mặt khi thấy phục vụ bưng đồ ăn ra. “Thôi ăn đi nhỉ. Đồ Hàn phải ăn ngay mới ngon. Các con, không chơi nữa, ra ăn”. Bữa tiệc đã đi tới hồi ai cũng ngây ngấy no. Việt đã có một cuộc nói chuyện bằng tiếng Anh trôi chảy với Suno, rồi làm phiên dịch những câu Suno bắt chuyện với Hưởng. “Mừng cho các con quá, bà ạ”. Nga ghé miệng nói vào tai Linh, lúc này đang hân hoan trong bụng. Mặt Hưởng lẫn Suno ửng hồng vì men bia. Ba đứa trẻ đã ra nửa nằm nửa ngồi trên cái sofa ở góc phòng, Việt cầm trịch cuộc chơi trên iPad, hai đứa con gái chỉ chỏ bên cạnh. Nga nhìn theo rồi quay lại cười. “Đúng là trẻ con ở đâu cũng thế. Hội nhập nhanh nhất” - Hưởng giờ mới lên tiếng. “Ừ, vợ chồng nhà này lắm cái có biết gì đâu. Bọn nó sờ đến cái gì, năm phút sau là biết hết cả. Chỉ đạo bố mẹ luôn”. Suno nhíu mày: “Chỉ đạo?”. Nga bật cười, nói gì đó với chồng bằng tiếng Hàn rồi quay ra giải thích: “Tớ vừa nói cho anh Suno chỉ đạo nghĩa là gì. Anh ấy bảo tiếng Hàn âm cũng gần gần thế, nhưng dùng cho công ty, như giám đốc chỉ đạo nhân viên chứ không dùng ở gia đình”. Linh và Nga rôm rả nhắc lại chuyện ngày xưa. Hồi phổ thông, hai người đều không học khá. Linh chật vật lắm mới tốt nghiệp được, về nhà phụ mẹ bán hàng rồi lấy chồng khi chưa đến hai mươi tuổi. Còn Nga... Nga kể thì Linh mới biết bạn mình đi làm tạp vụ ở một công ty Hàn Quốc rồi gặp ông chồng bây giờ. Mọi chuyện như thế khác gì một giấc mơ. “Thế này anh Hưởng và Linh ạ. Em biết là đường đột nhưng không có dịp nào hơn - Nga hối hả nói như thể sợ bị cắt ngang - Em và anh Suno muốn xin cháu Việt làm con nuôi”. Tim Linh đánh thụp một cái rồi như muốn rụng xuống. Cô liếc nhìn chồng. Hưởng xoay xoay cái chén trà trong tay, khớp ngón tay trắng bệch.
- Như đoán trước phản ứng, Nga không mỉm cười mà ngồi yên, giọng ủ ê: “Em vô sinh rồi. Còn anh Suno cũng lớn tuổi nên khả năng có con rất khó. Em thật sự...” - Nga khóc nức lên. Linh thở dài, vội kéo ghế ngồi sát Nga rồi đưa tay nắm lấy tay cô. Nga ngả rụp người vào một bên vai Linh, rung rung người trong tiếng khóc. Hưởng bối rối nhìn hai người rồi nhìn ba đứa trẻ con đằng xa, lúc này vẫn đang chăm chú chơi. Suno rít thuốc trầm tư, quan sát cuộc hội thoại như hiểu hết. Nga ngồi ngay người lên, tiếp tục nói: “Vả lại, anh Suno có một khoản thừa kế nhưng với điều kiện phải có con trai. Em vẫn nhớ đến bạn Linh của ngày xưa... Mười mấy năm rồi, vẫn không thay đổi gì. Tốt mà rất hiền... Em thật sự muốn làm một việc có ích cho cả hai nhà... Cháu Việt về nhà em thì sẽ có điều kiện đi học, khoản thừa kế ấy rồi cũng sẽ chia cho cháu, rồi sau này báo hiếu được cho cả... bố mẹ đẻ lẫn bố mẹ nuôi... Em không có ý gì khác...”. Linh ngồi ngây ra, đầu rối bung lên. Ra là vậy. Giải pháp mà Nga đưa ra rất dễ chịu. Việt sẽ tiếp tục học hết phổ thông ở Việt Nam, và hằng tuần tới ghé thăm nhà của vợ chồng Nga, lúc này là cha mẹ nuôi của nó. Nga sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cho con nuôi vào đại học ở Hàn Quốc. Vợ chồng Nga sẽ chu cấp ngay từ bây giờ. Một tháng nữa, Nga sẽ quay lại Hà Nội và nếu nhất trí, hai bên làm thủ tục. Linh và Hưởng muốn về suy nghĩ và bàn bạc đã. “Mong cậu và anh Hưởng giúp mình. Mình sẽ đợi”. *** Dĩ nhiên là Hưởng không đồng ý: “Dưng đâu người ta lại tốt với mình thế? Mình làm thế bằng bán con”. Đột nhiên, Linh duyệt lại tất cả đầu dây mối nhợ quan hệ với cô bạn cũ. Nghĩ nhiều thì sinh nghi. Nhưng tương lai quá hấp dẫn cho thằng con trai khiến cô không thể từ chối phắt. Hai vợ chồng thống nhất là chưa vội nói với bọn trẻ. “Cô Nga ngày xưa học giỏi không, mẹ?” - câu hỏi của Việt bung ra trong bữa cơm làm Linh lúng túng. Hưởng khẽ liếc vợ, nhưng không tỏ thái độ gì. “Cũng bình thường, nhưng chăm. Cái chính là chịu khó con ạ. Rồi cơ hội sẽ đến”.
- Lúc Linh rửa bát, Hưởng xuống bếp, giả vờ tìm cái búa: “Cô nói gì với nó rồi?”. “Em đã nói gì đâu”. “Thế sao nó lại hỏi? Tôi biết thừa bụng cô rồi”. “Anh nghĩ em là cái giống gì? Thế anh nghĩ em hám lợi cho mình lắm chắc?”. “Lại bắt đầu nước mắt đàn bà đấy” - Hưởng càu nhàu, quẳng trả cái búa vào khay nhôm đồ sửa xe đạp, bỏ ra sân hút thuốc. Liền mấy ngày sau, hai vợ chồng gần như không nói chuyện với nhau. Lũ trẻ biết phận, không dám hó hé gì trước màn chiến tranh lạnh. Buổi tối, dường như cả nhà chăm chú hơn khi xem những bộ phim Hàn Quốc trên tivi. Đúng hơn là Linh thấy căng thẳng, và cô cảm thấy sự căng thẳng của mình đang tỏa ra xung quanh như phóng xạ. “Đi học toàn thấy yêu đương, sướng nhỉ” - Việt xuýt xoa khi phim có cảnh đôi nhân vật chính ngồi trong giảng đường. “Mà các chị ấy cũng xinh ơi là xinh” - Mai đế vào. Hưởng hầm hừ, cầm điều khiển chuyển kênh. “Ơ, bố. Phim đang hay mà”. “Phim nhố nhăng. Mẹ con mày mê Hàn Quốc lắm rồi đấy”. Linh cảm thấy máu dồn lên mặt: “Anh đừng có chụp mũ thế nhé”. “Cô ấy! Tôi biết mà. Cô mà không mờ mắt tiền nong thì cái Nga đã chẳng có cửa xin thằng Việt làm con nuôi!”. Hai đứa trẻ trố mắt nhìn. Linh hít hơi dài, nhắm mắt lại, huơ tay ra hiệu. “Đấy, anh nói đi”. Sau khi Hưởng thông báo tin cho con trai, cả hai chờ đợi phản ứng của nó. Thằng bé như đoán được mấu chốt vấn đề, hỏi bâng quơ: “Thế ý bố sao ạ?”. Hưởng ngồi thừ, nói chủng chẳng: “Sao với giăng gì. Cứ học xong rồi vào đại học đã”. “Con nghĩ thế nào?” - Linh thận trọng hỏi.
- Việt nhún vai: “Con cũng chẳng biết. Con chịu”. Hưởng gầm lên: “Chẳng biết là thế nào? Mày muốn thì mày bảo luôn!”. Linh can: “Thôi, anh sao lại nói thế”. Mai bíu lấy tay mẹ: “Nhưng quá mười tám tuổi thì làm sao được nhận làm con nuôi ạ?”. Hưởng điên tiết, cầm cái chén uống nước ném choang một cái vào tường. Hai tuần tiếp theo, cả nhà như có đám. Những bộ phim Hàn Quốc dường như bị trục xuất khỏi tivi. Cái hẹn với Nga sắp đến làm bầu không khí ngột ngạt. Đôi lần Linh gặp ánh mắt chờ đợi của con trai khi gặp mẹ lúc đi học về rồi lại thất vọng. Hưởng lầm lì, đi ngủ hay trở mình. Linh chỉ dám nằm yên. Hôm trước ngày hẹn, hai vợ chồng đi ngủ sau khi hết bộ phim buổi tối. Bỗng Hưởng quay sang vợ: “Nhớ bảo cô Nga cho nó về thăm mình mỗi năm mấy lần nhé. Nghỉ hè là phải về nhà”. “...” “Anh không phải là hẹp hòi gì. Nhưng sợ con mình ham phú quý, dễ hỏng”. “...” “Nhưng giờ có cơ hội thế này, không cho nó đi mình lại ân hận. Hai vợ chồng mình vẫn còn cái Mai...”. Linh khóc không thành tiếng, Hưởng vỗ vỗ vai vợ: “Thôi nín đi, không bọn nó lại nghe thấy bây giờ. Anh tắt đèn đây”.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Làng gốm Thổ Hà – Bắc Giang
6 p | 158 | 23
-
Chùa Trấn Quốc – danh lam thắng cảnh bậc nhất Hà Nội
4 p | 143 | 13
-
Đền Quan Thánh thờ thần trấn cửa Bắc Thăng Long
5 p | 105 | 10
-
Làng cổ rêu phong ở giữa Hà Thành
6 p | 112 | 10
-
Ngoạn cảnh chùa Trăm Gian - Hà Nội
3 p | 100 | 8
-
Đền Voi Phục - Hà Nội
3 p | 133 | 8
-
Chùa Láng – chốn thiền tâm giữa lòng Hà Nội
5 p | 78 | 7
-
Con đường di sản ven Hồ Tây
5 p | 65 | 6
-
Hồ Tây - lá phổi xanh của Hà Nội
6 p | 84 | 6
-
Phủ Tây Hồ và đền thờ thần Kim Ngưu
5 p | 75 | 5
-
Đất Mũi Cà Mau
6 p | 99 | 5
-
Làng Thanh Nhàn – Hà Nội
5 p | 53 | 4
-
Hà Giang – vẻ đẹp bình dị
4 p | 89 | 4
-
Cánh đồng tulip rực rỡ như cầu vồng
6 p | 65 | 4
-
Làng Ngọc Khánh
4 p | 60 | 4
-
Chiều thành cổ Sơn Tây
5 p | 87 | 3
-
Chùa Bồ Đề
2 p | 104 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn