QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP LÀNG XÃ<br />
Ở HUYỆN HẢI LĂNG, TỈNH QUẢNG TRỊ<br />
DƯỚI TRIỀU NGUYỄN (1802-1885)<br />
NGUYỄN THỊ MINH THIỆN<br />
Trường THPT Quang Trung – Tây Ninh<br />
THÁI QUANG TRUNG<br />
Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Huế<br />
Tóm tắt: Công cuộc khẩn hoang thành lập làng xã là một trong những vấn<br />
đề rất được nhiều nhà nghiên cứu, quản lý và các làng xã quan tâm. Bài viết<br />
này xin đề cập đến sự thành lập một số làng xã ở huyện Hải Lăng dưới triều<br />
Nguyễn (1802-1885). Qua đó, rút ra một số đặc điểm về quá trình thành lập<br />
làng xã trong thời kỳ này.<br />
Từ khóa: Làng xã, Hải Lăng, Triều Nguyễn<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
Làng xã Việt Nam - một thực thể xã hội, một đối tượng khoa học từ lâu được nhiều nhà<br />
nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Trong thời điểm hiện nay, khi khoa học Lịch<br />
sử đòi hỏi phải nghiên cứu một cách toàn diện, thì hệ thống làng xã giúp chúng ta đi từ<br />
những hiểu biết cụ thể, từng khía cạnh của đời sống xã hội để từ đó có thể rút ra những<br />
nhận xét về tất cả các lĩnh vực trong quá khứ.<br />
Lịch sử mỗi làng xã là bộ phận lịch sử dân tộc. Làng xã là cơ sở bền vững bảo tồn sức<br />
sống và nền văn hoá của dân tộc. Từ thuở ban đầu dựng nước, cư dân Bách Việt đã dần<br />
dần tạo nên những đơn vị làng đầu tiên. Đó cũng chính là địa bàn tụ cư của các cộng<br />
đồng cư dân nông nghiệp. Dưới chế độ phong kiến, làng xã là đơn vị hành chính cơ sở<br />
của quốc gia, có thể thấy làng xã chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam. Do<br />
vậy, nghiên cứu làng xã không chỉ đáp ứng được yêu cầu của khoa học lịch sử mà còn<br />
góp phần tìm hiểu những giá trị tinh hoa văn hoá truyền thống của làng quê để bảo tồn<br />
đồng thời xoá bỏ những hạn chế vốn có của nó.<br />
Hải Lăng là huyện đồng bằng nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Trị; là quê hương có<br />
nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Nơi đây nổi tiếng là mảnh đất giàu truyền thống<br />
yêu nước, “vựa lúa” của Quảng Trị và là nơi có đời sống văn hóa phong phú.<br />
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh,<br />
sáng tạo đã hình thành cho con người Hải Lăng một bản lĩnh không chịu khuất phục<br />
trước khó khăn, gian khổ để vượt lên, chiến thắng thiên tai, địch họa, khai sơn phá<br />
thạch, thau chua rửa mặn dần dần hình thành nên những xóm làng như ngày nay. Trong<br />
đó, có nhiều làng xã được hình thành dưới thời nhà Nguyễn (1802-1885) cần được<br />
nghiên cứu, lý giải về sự hình thành với các đặc điểm của nó.<br />
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế<br />
ISSN 1859-1612, Số 04(40)/2016: tr. 81-90<br />
<br />
82<br />
<br />
NGUYỄN THỊ MINH THIỆN – THÁI QUANG TRUNG<br />
<br />
2. CÁC LÀNG XÃ Ở HUYỆN HẢI LĂNG RA ĐỜI TRƯỚC NĂM 1802<br />
Hải Lăng vào buổi bình minh của lịch sử dân tộc, dải đất này là phần đất của bộ Việt<br />
Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang.<br />
Trong thời kì Bắc thuộc, nhà Hán cai trị, địa bàn Hải Lăng thuộc quận Nhật Nam,<br />
nhưng đến đời Đông Hán, năm 192 một lãnh tụ nhân dân bộ lạc Dừa ở phía Bắc đã lãnh<br />
đạo nhân dân lật đổ ách đô hộ nhà Hán, thành lập tiểu quốc Lâm Ấp. Đến thế kỉ IV, hai<br />
tiểu quốc Lâm Ấp và Panduranga đã hợp nhất, hình thành vương quốc Chămpa. Lợi<br />
dụng sự suy yếu của chính quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ, các thế lực của<br />
Chămpa mở rộng địa bàn ra tận Hoành Sơn, vùng đất Hải Lăng thuộc đất nước này đến<br />
đầu thế kỉ XIV.<br />
Năm 1306, cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân với sính lễ là<br />
châu Ô và châu Lí (Rí). Vua Trần cho đổi tên làm châu Thuận, châu Hóa và sáp nhập<br />
vào bản đồ Đại Việt. Hải Lăng thuộc châu Thuận, lúc bấy giờ có tên là An Nhơn. Một<br />
lần nữa cư dân người Việt lại vào đây định cư, mở đầu quá trình hình thành làng xã và<br />
thành lập đơn vị hành chính.<br />
Từ cuối thế kỉ XIV, vương triều Trần suy yếu, quan hệ Việt – Chăm căng thẳng. Vùng<br />
Thuận Hóa trong đó có Hải Lăng trở thành bãi chiến trường của hai thế lực, làng mạc bị<br />
tàn phá và hoang vu trở lại.<br />
Năm 1401, Hồ Quý Ly đưa quân vào đến Nam Thuận Hóa, thành lập các châu Thăng,<br />
Hoa, Tư, Nghĩa. Nhưng nhà Hồ (1400-1407) tồn tại không bao lâu, nước ta rơi vào ách<br />
đô hộ nhà Minh nhưng nhà Minh chưa thể đặt chính quyền cai trị lên vùng đất này. Năm<br />
1471, vua Lê Thánh Tông đưa quân tiến đánh Chăm Pa, mở rộng biên giới đến phía Bắc<br />
đèo Cù Mông. Nhà vua xuống chiếu đưa dân Việt vào sinh sống, định cư ở đây.<br />
Dưới triều Hậu Lê, việc khẩn hoang lập làng ở vùng đất Thuận Hóa nói chung, Hải<br />
Lăng nói riêng rất được chú ý. Cũng vào thời gian này, trên địa bàn Hải Lăng hàng loạt<br />
làng xã được thành lập, định hình một cách căn bản. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý<br />
Đôn viết: “…Xét Thiên Nam dư hạ tập của bản triều có chép rằng trong đời Hồng Đức<br />
định bản đồ… Phủ Triệu Phong 6 huyện 2 châu là: huyện Kim Trà 8 tổng 71 xã, huyện<br />
Đan Điền 8 tổng 65 xã, huyện Hải Lăng 7 tổng 75 xã...” [7, tr. 54].<br />
Tuy nhiên, do đây là vùng đất xa xôi với triều đình trung ương, việc quản lí khó khăn,<br />
cho nên đến giữa thế kỉ XVI, khi Dương Văn An viết Ô Châu cận lục vẫn gọi vùng đất<br />
này là “Ô Châu ác địa”, cư dân còn thưa thớt. Theo tác phẩm này, vùng đất Hải Lăng<br />
thuộc phủ Triệu Phong có 49 xã: An Thơ, Vĩnh Hưng, Văn Quỹ, Câu Nhi, Hà Lộ, Lãng<br />
Uyên, Đoan Trang, Diên Sanh, Câu Hoan, Trà Trì Thượng, Trà Trì Hạ, Lam Thủy, Mai<br />
Đàn, Hương Lan, Hương Liễu, Long Đôi, Thái Nại, An Khang, Hoàng Xá, Xuân Lâm,<br />
Tích Tường, Như Lệ, Thạch Hãn, Cổ Thành, Thương Mang, Hoa Ngạn, Phù Lưu, Nha<br />
Nghi, Hữu Điều, Hoa La, An Lộng, Hà Mi, Nại Cửu, Dương Lệ, Dương Chiếu, An<br />
Toàn, Đồng Giám, Dã Độ, An Dã, Quảng Đâu, Đâu Động, Phúc Lộc, Đại Bối, Tiểu<br />
Bối, Đại Bị, Tiểu Bị, An Hưng, Hà Bá, Đâu Kênh. [2, tr. 56]<br />
<br />
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP LÀNG XÃ Ở HUYỆN HẢI LĂNG...<br />
<br />
83<br />
<br />
Năm 1558, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, công cuộc khẩn<br />
hoang xứ Thuận Quảng được đẩy mạnh. Các chúa Nguyễn đã biến vùng đất “Ô Châu ác<br />
địa” thành vùng đất trù phú, thủ phủ của họ Nguyễn ở Đàng Trong. Số làng xã tăng lên<br />
không ngừng. Theo Phủ biên tạp lục ta biết huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong có 5 tổng<br />
(67 xã 6 phường 4 thôn 2 tộc):<br />
“Tổng Hoa La, 19 xã 2 phường 1 thôn: Hoa La, An Lộng, Đâu Kênh, Hồng Khê, Nại<br />
Diên, Tả Hữu, Thạch Hãn, An Tiêm, Cổ Thành, Cổ Bưu, Hà My, Bố Liêu, Phù Lưu, Dư<br />
Triều, Hậu Lễ, Long Hưng, Vệ Nghĩa, Tích Tường, Như Lệ, Xuân An, Vạn Long, Nà<br />
Nẫm.<br />
Tổng An Thư, 5 xã 1 thôn: An Thư, Mỹ Chánh, Câu Nhi, Vĩnh Hưng, Văn Quỹ, Hội<br />
Kỳ.<br />
Tổng An Dã, 21 xã 1 phường: An Dã, Hữu Điều, An Trung, Đại Hòa, Quảng Điền, Vũ<br />
Thuận, An Lệ Nhị Giáp, Giáo Liêm, Phụ Tài, Thanh Liêm, Quảng Lượng, Hiền Lương,<br />
Dương Lộc, An Toàn, Phan Xá, Trúc Đăng.<br />
Tổng Cu Hoan, 6 xã 1 phường 1 thôn 2 tộc: Câu Hoan, Diên Sinh, Trường Sinh, An<br />
Phúc, Hà Lỗ, Hà Lộc, Lương Phúc, Miễn Trạch, Câu Hoan, Đỗ Phùng.<br />
Tổng An Khang, 16 xã 2 phường 1 thôn: An Khang, Đại Nại, Trà Lộc, Lam Thủy, La<br />
Duy, Hương Vận, Trà Trì Thượng, Anh Hoa, Tam Hữu, Mai Đàn, Duân Kinh, Thi Ông,<br />
Thượng Xá, Trâm Lý, Xuân Lâm, Mai Lộc, Phú Xuân, Mai Hoa, Mai Đàn thượng thôn”<br />
[7, tr.101].<br />
Dưới thời Lê – Trịnh chiếm đóng, rồi đến Vương triều Tây Sơn, công cuộc khẩn hoang<br />
vẫn được tiếp tục nhưng do nguồn tư liệu còn hạn chế nên số lượng làng xã tăng lên<br />
chưa khảo cứu được.<br />
3. SỰ THÀNH LẬP LÀNG XÃ Ở HUYỆN HẢI LĂNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN<br />
(1802 – 1885)<br />
Năm 1802, sau khi đánh bại Vương triều Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, hiệu<br />
là Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập nên Vương triều Nguyễn.<br />
Nguyễn Ánh lấy hai huyện Hải Lăng và Đăng Xương của phủ Triệu Phong hợp với<br />
huyện Minh Linh của phủ Quảng Bình để lập dinh Quảng Trị. Từ đó, huyện Hải Lăng<br />
chính thức thuộc địa phận Quảng Trị. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi dinh Quảng Trị<br />
thành trấn Quảng Trị, năm thứ 12 (1831), trấn Quảng Trị đổi thành tỉnh Quảng Trị,<br />
huyện Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cắt tổng An<br />
Nhơn và ba thôn Phương Lang, Phú Hải, Thuận Đầu (tổng An Lưu) về huyện Hải Lăng.<br />
Cắt Tổng An Dã và 2 làng Tam Hữu, Anh Hoa (Tổng An Thái) và phần lớn Tổng Hoa<br />
La (trừ Trí Lễ, Thạch Hãn, Long Hưng, Tích Tường, Như Lệ) nhập về huyện Đăng<br />
Xương. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) dời huyện lỵ Hải Lăng từ thôn An Tiêm đến<br />
thôn Trí Lễ. Năm Tự Đức thứ 4 (1851) lại dời huyện lỵ đến thôn Diên Sanh. Năm Tự<br />
Đức thứ 5 (1852) lấy ba thôn, phường của huyện Hải Lăng hợp với 29 xã, thôn của ha<br />
huyện Đăng Xương và Địa Linh lập thành tổng Cam Đường đặt thuộc huyện Thành<br />
<br />
84<br />
<br />
NGUYỄN THỊ MINH THIỆN – THÁI QUANG TRUNG<br />
<br />
Hóa do phủ Cam Lộ kiêm lý. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), nhập Quảng Trị và Thừa<br />
Thiên, lập đạo Quảng Trị, giải thể phủ Triệu Phong, giảm viên tri huyện Hải Lăng và<br />
Đăng Xương, giao công việc của huyện cho đạo kiêm lý. Năm 1876 lập lại tỉnh Quảng<br />
Trị gồm hai phủ Triệu Phong, Cam Lộ và 4 huyện, trong đó huyện Hải Lăng vẫn giữ tên<br />
cũ. Đặt lại huyện Hải Lăng do phủ Triệu Phong thống hạt như trước.<br />
Trong tác phẩm Đồng Khánh Dư địa chí (1886-1888) huyện Hải Lăng gồm 4 tổng:<br />
Tổng An Thái (24 xã, phường): Xã An Thái, xã Thượng Xá, xã Đại Nại, xã Long Hưng,<br />
xã Chí Lễ, xã Trâm Lý, xã Hương Vận, xã Trà Lộc, xã Trà Trì, xã Duân Kênh, xã La<br />
Duy, xã Thi Ông, xã Lam Thủy, xã Cổ Bưu, xã Thạch Hãn, xã Tích Tường, xã Như Lệ,<br />
xã Mai Đàn, xã Xuân Lâm, phường Phú Xuân, phường Nà Nẫm, phường Trinh Thạch,<br />
phường Mai Lĩnh, phường Sái Xuân.<br />
Tổng Câu Hoan (9 xã, thôn, phường): Xã Câu Hoan, xã Diên Sinh, xã Trường Sinh, xã<br />
Hà Lộc, xã Lương Điền, thôn Trường Phước, thôn Thuận Nhân (Nhơn), xã Hà Lỗ,<br />
phường Xuân Lộc.<br />
Tổng An Thư (6 xã, thôn): Xã An Thư, xã Văn Quỹ, xã Câu Nhi, xã Hội Kỳ, xã Hưng<br />
Nhân, thôn Mỹ Chánh.<br />
Tổng An Nhân (23 xã, thôn, phường): Xã An Nhân, xã Xuân Viên, xã Đông Dương, xã<br />
Diên Khánh, xã Kim Giao, xã Kim Lung, xã Đan Quế, xã Hội An, xã Đa Nghi, xã Cỗ<br />
Lũy, xã Phương Da, xã Ba Thâu, xã Phú Hải, xã Phú Kênh (Kinh), xã Phúc Điền, xã<br />
Trung Đan, xã Thâm Khê, xã Thuận Đầu, xã Mỹ Thuỷ, xã Trung An, phường Tân An,<br />
phường Tân Hội, phường Thượng An. [8, tr.1383-1385]<br />
Do nhiều lần thay đổi hành chính, điều chỉnh địa phận nên có nhiều xã, thôn trước kia<br />
thuộc Hải Lăng nay thuộc về huyện Triệu Phong (Đăng Xương) và ngược lại. Căn cứ<br />
vào danh sách các xã thôn huyện Hải Lăng hiện nay, đối chiếu với các xã thôn trong<br />
Phủ biên tạp lục và Đồng Khánh Dư địa chí ta thấy có 5 xã, thôn được thành lập đó là:<br />
Thuận Nhơn, Trường Phước, Xuân Lộc, Phước Điền, Trung An. Nhưng qua thực tế tìm<br />
hiểu ở địa phương thì ta thấy làng Phước Điền (Phúc Điền) đã ra đời vào khoảng thế kỉ<br />
giữa XVI, làng Trung An ra đời vào khoảng thế kỉ XVIII; một số làng như Phú Long,<br />
Như Sơn, Tân Điền, Lương Chánh không được Đồng Khánh Dư địa chí đề cập đến.<br />
Quá trình thành lập các làng xã này như sau:<br />
* Thôn Thuận Nhơn: ra đời vào khoảng những năm 20-30 của thế kỉ XIX cùng với sự<br />
ra đời của sông đào Vĩnh Định (1825). Sông Vĩnh Định ra đời không chỉ tạo điều kiện<br />
cho nhân dân đi lại thuận lợi, cung cấp nước cho nông nghiệp mà nó còn đánh dấu sự ra<br />
đời một số đơn vị hành chính mới như làng Thuận Nhơn.<br />
Thuận Nhơn thành lập từ việc mua đất của làng Thi Ông và Câu Hoan, đó là hai vùng<br />
đất: xứ Già Giàu và xứ Cồn Đống - Cồn Miếu.<br />
Trước hết, nói về vùng đất xứ Già Giàu (nhà giàu): vốn được cư dân Thi Ông gọi là xứ<br />
“thượng đoạn”. Nhận thấy đây là một vùng đất tốt nên ngài Ngô Văn Thắng, Ngô Văn<br />
Thọ đã mua đất của Thi Ông nằm ở hữu ngạn sông Vĩnh Định với diện tích 30 mẫu có<br />
<br />
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP LÀNG XÃ Ở HUYỆN HẢI LĂNG...<br />
<br />
85<br />
<br />
dư. Sau khi Thuận Nhơn an cư lạc nghiệp thì đổi tên lại là lại xứ “Già Giàu” (chỉ sự<br />
giàu có của nhiều gia đình).<br />
Theo gia phả cụ Ngô Xưng cung cấp, trong đoàn quân thần chỉ huy đào sông ấy có hai<br />
ông Ngô Văn Thắng, Ngô Văn Thọ tham gia, sau khi sông đào xong hai ông được phép<br />
trưng canh, mua đất lập làng. Như quan niệm của người xưa “nhất cận thị, nhị cận<br />
giang” nên hai Ngài đã mua hai vùng đất của làng Thi Ông, Cu Hoan có dòng sông<br />
Vĩnh Định chảy qua nhưng trên thực tế nhờ sức ép của bà Hiền phi Ngô Thị Chánh (vợ<br />
vua Minh Mạng, là chị của hai ngài Ngô Văn Thắng, Ngô Văn Thọ) rất lớn.<br />
Một thời gian sau, các tiền nhân lại mua thêm đất ở xứ Cồn Đống - Cồn Miếu của làng<br />
Cu Hoan. Cồn Đống - Cồn Miếu nằm ở tả ngạn sông Vĩnh Định, nơi giao nhau ngã ba<br />
sông rất thuận lợi cho đi lại, phát triển kinh tế.<br />
Đến năm 1839, dưới triều vua Minh Mạng, Thuận Nhơn chính thức có làng hiệu. Ngài<br />
Ngô Văn Thắng (ngài anh) theo “tập ấm” được phong làm quan cai đội nên ngài đã<br />
nhường tước vị khai canh cho ngài em là Ngô Văn Thọ và con của ngài là Ngô Văn Vân<br />
làm hậu khai khẩn.<br />
* Thôn Trường Phước: vốn là 1 trong 5 giáp của xã Trường Sanh: giáp Đông, giáp<br />
Mỵ, giáp Trung, giáp Hậu, giáp Phước. Giáp Phước nay là Trường Phước thuộc xã Hải<br />
Lâm.<br />
Theo bản dịch và hiệu chú “Ô Châu cận lục” của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc<br />
(NXB Thuận Hóa, Huế, 2001) thì ghi chú làng Đoan Trang đến nay không còn. Bản<br />
dịch và hiệu chú “Ô Châu cận lục” của Văn Thanh và Phan Đăng (NXB Chính trị Quốc<br />
gia, Hà Nội, 2009) thì ghi chú làng Đoan Trang là làng Mỹ Chánh (Hải Chánh) hiện<br />
nay. Nhưng có lẽ 4 tác giả đã nhầm do không tiếp cận thực địa nguồn tư liệu Hán Nôm<br />
tại làng Trường Sanh.<br />
Trong Châu bộ của làng Trường Sanh lập vào năm Hoằng Định thứ 6 (1605) ghi rõ:<br />
“Triệu Phong phủ, Hải Lăng huyện, Đoan Trang xã. Lê Thời Danh, Võ Trạch Thủ<br />
đẳng, do tự Hồng Đức niên gian Lê vị trước chí Quang Hưng thập tứ (1591), Hoằng<br />
Định lục niên (1605), tiền tu tả kiến canh địa bộ, hậu khai báo chúc thơ tổ nghiệp, các<br />
họ khai canh bao chiếm điền thổ các sở cập lưu hoang, thượng tự sơn lâm thổ trạch, hạ<br />
cập điền thư như khê hác tích thủy kỳ như hải hoạt đẳng khai”* [6, tr.33]. Làng Trường<br />
Sanh có 12 họ, nhưng có 8 họ chính được coi là có công tạo lập nên xóm làng vào thời<br />
kỳ đầu lập nghiệp, gồm: Lê, Võ, Nguyễn, Trương, Hồ, Trần, Phan, Bùi.<br />
Đến đời thứ 3 – 4, con cháu họ Lê (Lê Khắc Trình), Trần (Trần Thiên Tải), Nguyễn<br />
(Nguyễn Khắc Ứng) làng Trường Sanh đã lên đây khai phá đất đai, sinh cơ lập nghiệp.<br />
Tương truyền ngài Lê Khắc Trình làm quan tri huyện Hải Lăng bị một số người ghen<br />
ghét nên tìm cách giết hại khi ông trên trường đi làm về. Nơi ông bị chém, người dân<br />
lập miếu thờ nay gọi là miếu Ông Huyện. Ông được phong làm tiền khai khẩn tri huyện<br />
phụ bộ Lê Đại La. Trần Thiên Tải, Nguyễn Khắc Ứng, Phan Khắc Ngạn (người làng<br />
Diên Sanh) làm hậu khai canh.<br />
<br />