QUAN HỆ VĂN CHƯƠNG VÀ VĂN HÓA Ở VIỆT NAM<br />
<br />
GS. Phan Ngọc<br />
<br />
Nói đến văn chương làm nền tảng cho văn hoá Việt Nam, trước hết<br />
phải nói đến cái tư tưởng gần như bất biến làm nền tảng cho nền văn hoá<br />
ấy. Tư tưởng ấy theo tôi là tinh thần yêu nước, đoàn kết của những đứa con<br />
trong cùng một gia đình, tuy thân phận có thể khác nhau, người sang kẻ<br />
hèn, người giàu kẻ nghèo, nhưng đều phải đoàn kết nhau, chia ngọt sẻ bùi<br />
để cùng sống cho độc lập dân tộc.<br />
<br />
I.<br />
<br />
1. Nước nào cũng có những quan hệ gắn bó giữa văn chương và văn<br />
hoá. Riêng ở Việt Nam mối quan hệ này biểu hiện dưới một hình thức rất<br />
đặc biệt, khác nhiều nền văn hoá khác.<br />
<br />
Bước vào một ngôi nhà Việt Nam, dù giàu hay nghèo, điều đập vào<br />
mắt một người nước ngoài, đó là tủ sách cha ông để lại và gia đình làm cho<br />
phong phú thêm. Một gia đình không có tủ sách thì bị làng xóm coi thường.<br />
Những người nước ngoài nhận thấy, tuy cùng là người Đông Nam Á,<br />
nhưng ngoài việc mua đồ gia dụng, người Việt Nam đặc biệt ham mua sách<br />
và trong khi trò chuyện, người Việt Nam không kể nam nữ, giàu nghèo<br />
thường dẫn những câu thơ, những truyện kể và các cổ tích. Trước Cách<br />
mạng tháng 8, tôi còn thấy một tục rất thú vị là tục “xin chữ”. Mỗi khi một<br />
gia đình có một công việc quan trọng như làm nhà mới, con cái đỗ đạt, gia<br />
đình hiếm sinh con trai, đặc biệt các dịp thượng thọ hay tang ma, thế nào<br />
ông chủ gia đình cũng đến gặp những người nổi tiếng trong huyện để “xin<br />
chữ”. Chữ đây có thể là một đôi câu đối, một bài thơ, một bài văn nói về sự<br />
kiện này. Rồi tác phẩm này sẽ được một người viết chữ Hán tốt viết lại để<br />
đem khắc vào gỗ hay đem thêu thành câu đối, hoành phi, trướng, và điều<br />
này duy trì sinh hoạt cho những người làm nghề thêu, nghề chạm khắc. Sau<br />
đó, tác phẩm thường được treo lên, và nếu câu đối, bài phú là hay thì nó sẽ<br />
được lưu truyền khắp tỉnh, thậm chí khắp nước. Tôi đã được nghe nhiều<br />
câu đối, bài thơ như vậy của Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu.<br />
<br />
2. Nói đến văn chương làm nền tảng cho văn hoá Việt Nam, trước<br />
hết phải nói đến cái tư tưởng gần như bất biến làm nền tảng cho nền văn<br />
hoá ấy. Tư tưởng ấy theo tôi là tinh thần yêu nước, đoàn kết của những đứa<br />
con trong cùng một gia đình, tuy thân phận có thể khác nhau, người sang kẻ<br />
hèn, người giàu kẻ nghèo, nhưng đều phải đoàn kết nhau, chia ngọt sẻ bùi<br />
để cùng sống cho độc lập dân tộc. Chúng ta biết người Việt Nam tự gọi<br />
mình là người nước Nam. Đó là vì ở phía Bắc là nước đông dân nhất thế<br />
giới, văn hoá rất cao, và có một tham vọng là bình thiên hạ. Người Việt<br />
Nam phải bắt buộc tạo ra truyền thuyết “Con tiên, cháu rồng”, những người<br />
của cùng một gia đình, không kể miền xuôi hay miền ngược. “Bầu ơi<br />
thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Ý thức bảo<br />
vệ độc lập dân tộc phát triển rất sớm và được khẳng định lần này lượt khác<br />
trong thơ Lý Thường Kiệt, hịch Trần Hưng Đạo, đặc biệt trong “Bình Ngô<br />
đại cáo” của Nguyễn Trãi khẳng định văn hiến Việt Nam trong sự đối lập<br />
với văn hoá Hán. Trung Hoa không tự đặt cho mình một từ ngữ nào để chỉ<br />
nước mình. Từ Trung Hoa là xuất hiện từ cách mạng Tân hợi 1911. Còn<br />
trước đó, Trung Quốc tự gọi mình là “thiên hạ” (dưới trời) và tên nước<br />
được gọi theo tên của triều đại. Nước do đó là vật sở hữu của triều đại. Còn<br />
tên nước của Việt Nam tách khỏi triều đại. Nước Đại Việt là chung cho các<br />
triều đại từ Lý đến Nguyễn.<br />
<br />
3. Để nêu bật sự khác nhau trong cách nhìn văn chương của Việt<br />
Nam tôi xin dẫn đoạn văn dưới đây của Neil L.Jamieson, trong tác phẩm<br />
“Việc hiểu Việt Nam” (Understanding Vietnam), tác phẩm theo tôi là có giá<br />
trị bậc nhất để hiểu văn hoá Việt Nam qua cách nhìn của Phương Tây. Tác<br />
giả vì say mê văn học dân gian Việt Nam đã học tiếng Việt ở Mỹ rồi gia<br />
nhập quân đội Mỹ sang Việt Nam, làm việc trong lĩnh vực cải tiến nông<br />
nghiệp.<br />
<br />
<br />
<br />
“Trong mọi hoạt động của tôi, cả hoạt động nghề nghiệp và hoạt<br />
động xã hội, vì tôi nói được tiếng Việt, tôi thấy mình phải giải thích người<br />
Mỹ cho người Việt và giải thích người Việt cho người Mỹ. Con số và phạm<br />
vi những hiểu lầm là không thể tưởng tượng nổi. Sau khi đã học một giáo<br />
trình nhân loại học ở trường Cao đẳng, và đã đọc có lẽ năm hay sáu quyển<br />
sách, tôi bị các biến cố đẩy tới việc học nhân loại học một cách chính quy.<br />
Các cố gắng của tôi để đọc văn học Việt Nam thường đều dựa vào một tình<br />
trạng không hiểu biết của tôi về các ước lệ văn học cũng như ngôn ngữ cổ<br />
điển và các điển tích. Đồng thời, lòng mong muốn của tôi để học thêm về<br />
văn học Việt Nam lại tăng lên khi những người tôi gặp trong các cuộc đi<br />
của tôi cứ tiếp tục kể cho tôi những bài thơ hay quyển tiểu thuyết mà tôi<br />
phải đọc để hiểu, và trả lời một vài câu hỏi đã được nêu lên. Tới một trình<br />
độ sẽ là sửng sốt ở Mỹ, người Việt Nam ở mọi đường đời có thể dẫn những<br />
đoạn dài từ các bài thơ, và các truyền thuyết và thảo luận về những quyển<br />
tiểu thuyết cách đây ba mươi năm tựa hồ như các nhân vật là ở nhà bên<br />
cạnh”.<br />
<br />
Tác giả bắt buộc phải rời bỏ quân đội để quay về Mỹ học văn học<br />
Việt Nam đặng hiểu Việt Nam hơn.<br />
<br />
II.<br />
<br />
1. Các nguyên nhân dẫn tới sự ham mê văn học của người Việt có<br />
nhiều, nhưng cũng như mọi hiện tượng phổ biến toàn dân, khó lòng tìm ra<br />
nguyên nhân nào là chính. Một trong những nguyên nhân có thể xuất phát<br />
từ chế độ thi cử bắt đầu vào đời Lý năm 1070. Tuy chế độ thi cử chỉ dựa<br />
vào chữ Hán nhưng nó cũng góp phần tạo nên lòng ham mê văn học. Sự<br />
ham mê văn chương ở Việt Nam còn tiêu biểu ở chỗ nhiều ông vua Việt<br />
Nam thường đồng thời là một nhà thơ. Một trong những tác phẩm đầu tiên<br />
bằng chữ Hán mà ta biết được là tập thơ chữ Hán thời Lý-Trần có phần<br />
đóng góp của các vị vua đã được xuất bản chủ yếu với bản dịch của cha tôi,<br />
Phan Võ. Các vua đời Lê như Lê Thánh Tông, đời Nguyễn như Minh<br />
Mạng, Tự Đức đồng thời là những nhà thơ. Đây là một hiện tượng có thể<br />
nói hiếm thấy trong văn học thế giới.<br />
<br />
2. Bên cạnh nền văn học bằng chữ Hán, xuất hiện nền văn học bằng<br />
chữ Nôm. Hiện nay vẫn chưa có công trình nào quy định được ngày ra đời<br />
của chữ Nôm. Sử sách nói đến chuyện Nguyễn Thuyên đời Trần Nhân<br />
Tông (1279-1298) làm bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm và người ta ví ông<br />
với Hàn Dũ đời Đường nên gọi là Hàn Thuyên. Cuối đời Trần, Hồ Quý Ly<br />
dùng chữ Nôm để dịch Kinh thư. Công trình thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi<br />
đã được xuất bản với sự đóng góp của các cụ Trần Lê Nhân, Ngô Lập Chi,<br />
Phan Duy Tiếp, Phan Võ. Đặc biệt Lê Thánh Tông đã có bộ “Hồng Đức<br />
quốc âm thi tập” chứng tỏ chữ nôm đã được ngay cả vua chúa quý trọng.<br />
<br />
3. Dĩ nhiên văn học Việt Nam tiếp thu Nho giáo, Phật giáo. Nhưng<br />
cả Nho giáo và Phật giáo đều không nói đến tổ quốc, còn các nhà Nho và<br />
các hoà thượng Việt Nam đều phục vụ tổ quốc Việt Nam. Chính dưới thời<br />
Lý- Trần khi Phật giáo là tư tưởng chủ đạo, Việt Nam đã đánh bại không<br />
chỉ quân Tống mà cả quân Nguyên xưa nay vô địch. Phật giáo Việt Nam<br />
gần như không nói đến Niết bàn mà nói đến cuộc sống dưới đất, mối quan<br />
hệ gắn bó của con người với làng xã Việt Nam và dạy con người ta thân để<br />
góp phần làm cuộc sống hài hoà, yên ổn.<br />
<br />
III.<br />
<br />
1. Vào thế kỷ XVII và XVIII, có một sự đứt đoạn trong văn học.<br />
Vấn đề bảo vệ tổ quốc lúc này lùi xuống hàng thứ yếu vì không có chiến<br />
tranh xâm lược. Trong cuộc nội chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn câu<br />
chuyện chuyển sang vấn đề thân phận của con người. Nói đến thân phận<br />
trước hết phải nói đến nữ giới vì ở một nước phong kiến, nữ giới là thiệt<br />
thòi nhất. Lúc này xuất hiện bản Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm dịch<br />
tác phẩm Hán văn của Đặng Trần Côn và Cung oán ngâm khúc của Nguyễn<br />
Gia Thiều. Dĩ nhiên các tác giả không thể vươn tới người đàn bà nói chung<br />
của tục ngữ, ca dao, mà chỉ bó hẹp vào thân phận những cô gái đẹp khuê<br />
các. Với hai tác phẩm này, thể song thất lục bát đã đạt đến đỉnh điểm đến<br />
nỗi sau này nó là hình thức của thơ tâm sự.<br />
<br />
2. Thể thơ này tiêu biểu ở chỗ với hai câu thất có số chữ ngang nhau,<br />
nó sẽ gây áp lực tới câu lục và câu bát làm hai câu này tách đôi thành 3-3<br />
và 4-4 và có thể có đối xứng. Thơ lục bát của Truyện Kiều là một thơ lục<br />
bát kiểu mới, khác lục bát của dân ca, truyện nôm trước đó. Những cấu trúc<br />
như<br />
<br />
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn<br />
<br />
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh<br />
<br />
là thuộc loại này. Vấn đề thân phận trở thành một đề tài chủ yếu từ thế kỷ<br />
XVIII trở đi, bao gồm nhiều thể loại (truyện nôm, truyện ngắn, thơ, phú…)<br />
<br />
3. Nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước, bác bỏ các cải cách văn<br />
hoá của thời Tây Sơn chống xu hướng Hán hoá (lấy chữ Nôm làm văn tự<br />
chính thức, chống lại xu hướng Tống Nho). Nhà Nguyễn lấy chữ Hán làm<br />
văn tự chính thức, lấy Tống Nho làm học thuyết chủ đạo của hệ tư tưởng<br />
Việt Nam, trong nghi lễ, kiến trúc có xu hướng bắt chước nhà Thanh ở<br />
Trung Quốc. Nhưng cũng chính “Truyện Kiều” tác phẩm nôm lớn nhất của<br />
văn học Việt Nam lại ra đời vào đầu thế kỷ XIX và dù Tự Đức có thiên về<br />
chữ Hán đến đâu, cũng phải “mê nôm Thúy Kiều”.<br />
IV.<br />
<br />
1. Khi thực dân Pháp đã chiếm Việt Nam, trong văn học xuất hiện<br />
một hình tượng mới là con người cá nhân. Nhưng con người cá nhân ra đời<br />
dưới ách đế quốc, tất yếu chẳng hề có một chút sinh khí nào của chàng cá<br />
nhân phương Tây khi chính anh ta lật đổ chế độ phong kiến, xây dựng xã<br />
hội tư bản. Đây là một nghịch lý trong bước chuyển hoá từ một tinh thần<br />
yêu nước kiểu cũ, bó hẹp vào Việt Nam sang một tinh thần yêu nước kiểu<br />
mới trong tình quốc tế với mọi người lao động. Chính vì vậy tối đại đa số<br />
những con người phơi bày sự hoang mang của mình, thậm chí đập phá khá<br />
bừa bãi di sản cũ, nhưng khi họ tiếp thu tư tưởng mới của Bác và Đảng thì<br />
đa số đều thành những người hăng hái theo cách mạng và sự đóng góp<br />
trước đây của họ vẫn góp phần vào nền văn học mới. Nhất là khi với những<br />
cố gắng của Bác và Đảng, con đường giải phóng dân tộc đã tìm được.<br />
<br />
2. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15 tháng 8 năm 1945 là ngày<br />
khai mạc Hội nghị Tân trào, cử ra Uỷ ban giải phóng toàn quốc sau khi<br />
Nhật tuyên bố đầu hàng thì cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền của toàn dân<br />
chỉ trong mười ngày đã hoàn thành trong cả nước. Rồi cũng cái chính<br />
quyền cách mạng thành lập nhanh chóng đến như vậy trước khi quân đội<br />
đồng minh vào lại đương đầu thắng lợi chống lại thế lực của Tàu Tưởng và<br />
lực lượng võ trang, và tiền của Pháp, Mỹ trong cuộc tử chiến ba mươi năm<br />
trời để đi đến thắng lợi hoàn toàn.<br />
<br />
3. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, văn học tham<br />
gia tích cực và đã đóng góp to lớn. Mọi chiến dịch, mọi cuộc vận động đều<br />
có những tác phẩm văn học giá trị và số nhà văn nhà thơ hy sinh cho cách<br />
mạng không phải là ít. Tôi không có điều kiện để nghiên cứu giai đoạn văn<br />
học dưới sự lãnh đạo của Đảng bởi vì vào lúc này có nhiều yêu cầu vượt ra<br />
ngoài phạm vi văn học mà phải là người tham dự vào sự lãnh đạo văn hoá<br />
mới có thể biết được. Trong văn học có sự khác nhau về ý kiến là chuyện<br />
bình thường và có một số người bị phê phán nặng thì đều chấp nhận kỷ<br />
luật, phần lớn đổi nghề, nhưng không có ai rời bỏ tổ quốc. Tôi vui mừng<br />
thấy gần đây thái độ đánh giá của Đảng rộng rãi hơn và cuộc đời của họ<br />
cũng khá hơn trước. Chuyện văn chương là chuyện ngàn đời không thể giải<br />
quyết xong xuôi ngay trong một nguyên lý, dù nguyên lý ấy là đúng.<br />
<br />
V.<br />
<br />
Với thời đại mới có những vấn đề mới. Giờ đây, người Việt Nam<br />
nếu chỉ lo hiểu mình mà thôi như trước thì không ổn. Anh ta phải hiểu xu<br />
thế thế giới để hiểu chính mình. Rồi lại phải hiểu chính mình thực chu đáo<br />
để có cách điều chỉnh cho hợp với thế giới mà vẫn cứ là mình. Dĩ nhiên,<br />
điều này là khó khăn. Nhưng trong mọi việc từ chính trị, kinh tế đến văn<br />
hoá, văn học, một thành công đòi hỏi một quá trình tìm hiểu hết sức khó<br />
khăn. Kinh nghiệm của các nhà chính trị, quân sự Việt Nam thành công<br />
như thế nào thì kinh nghiệm văn học cũng thế. Người Việt Nam có truyền<br />
thống văn hoá trong lịch sử, và đặc biệt có những kinh nghiệm từ năm 1945<br />
đến nay, chắc chắn sẽ khắc phục được nhiều trở ngại để xây dựng một nền<br />
văn hoá tiến bộ, vừa hiện đại lại vừa Việt Nam./.<br />
<br />
Nguồn: http://www.vienvanhoc.org.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
PN<br />
<br />
http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=78&menu=107&t=2<br />