intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quản lí quá trình đánh giá học sinh ở các trường tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay

Chia sẻ: Vương Tâm Lăng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:4

32
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết nghiên cứu về những vấn đề đặt ra trong quá trình đánh giá học sinh ở các trường tiểu học nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo ở nước ta hiện nay. Trong quá trình dạy học, GV cần đa dạng hóa các hình thức đánh giá như: khuyến khích HS tự đánh giá lẫn nhau, khuyến khích phụ huynh HS cùng tham gia hoạt động đánh giá. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quản lí quá trình đánh giá học sinh ở các trường tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay

  1. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 490 (Kì 2 - 11/2020), tr 40-43 ISSN: 2354-0753 QUẢN LÍ QUÁ TRÌNH ĐÁNH GIÁ HỌC SINH Ở CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY Trường Tiểu học Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội Đỗ Minh Trang Email: trangquang65@gmail.com Article History ABSTRACT Received: 20/8/2020 Student assessment is an important part of the teaching process. Although Accepted: 28/9/2020 primary schools have made efforts to renovate and assess, the implementation Published: 20/11/2020 process still has many confusion, limitations, shortcomings, and no directions to remove. On the basis of analyzing the issue of educational innovation, the Keywords article mentions issues about managing the student assessment process in primary school students, primary schools, such as: the perspective of directing and evaluating, the assess, student assessment, assessment process and technique, price, teacher fostering, evaluation educational innovation, principles. In addition, it also refers to the pedagogical requirements in assessment management. assessing students at primary schools such as: ensuring objectivity, comprehensiveness, systematicity, development and humanity, among which the requirement of objectivity plays the most important role. 1. Mở đầu Đánh giá học sinh (ĐGHS) là một khâu quan trọng của quá trình dạy học nhằm thu thập thông tin phản hồi, điều chỉnh hoạt động dạy học vì sự tiến bộ của học sinh (HS). Thông qua những hoạt động như: quan sát, vấn đáp, kiểm tra viết và kiểm tra thực hành, giáo viên (GV) có thể thu thập những thông tin định tính và định lượng nhằm giúp họ điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn học tập; kịp thời phát hiện những lỗ hổng về kiến thức, những khó khăn không thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ; đồng thời, ghi nhận những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ. Mục đích quan trọng của ĐGHS là đưa ra những nhận định khách quan về kết quả học tập mà người học đạt được, những ưu điểm nổi bật và những hạn chế để có phương hướng nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của HS, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa XI) chỉ rõ: “Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT cần tiến hành từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2013, tr 128). Quán triệt tư tưởng đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá được xác định trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tám, ngày 28/8/2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGD&ĐT về quy định ĐGHS tiểu học thay thế cho Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009. Thông tư đã có những thay đổi quan trọng trong việc ĐGHS tiểu học để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Bắt đầu từ 15/10/2014, Bộ GD-ĐT quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét toàn diện HS thông qua đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của HS theo mục tiêu giáo dục tiểu học. Bằng văn bản này, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường tiểu học không chỉ tập trung đánh giá kết quả mà còn chú trọng động viên, khuyến khích HS phát huy hết khả năng học tập của mình. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy học, GV cần đa dạng hóa các hình thức đánh giá như: khuyến khích HS tự đánh giá lẫn nhau, khuyến khích phụ huynh HS cùng tham gia hoạt động đánh giá... Những đổi mới này giúp quá trình ĐGHS khách quan, khoa học hơn và mong muốn hướng mục đích đánh giá tới việc hỗ trợ người học học tập tiến bộ hơn. Vì vậy, bài báo nghiên cứu về những vấn đề đặt ra trong quá trình ĐGHS ở các trường tiểu học nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD-ĐT ở nước ta hiện nay. 2. Kết quả nghiên cứu Trong những năm qua, giáo dục tiểu học luôn được Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục quan tâm đặc biệt. Với mục đích đào tạo những thế hệ HS có tri thức, đạo đức, sức khỏe, có kĩ năng hoạt động, kĩ năng sống, trách nhiệm, tình thương, tích cực, sáng tạo, ngành giáo dục tiểu học luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, sự đổi mới nào cũng có thể gặp phải những rào cản. Sau khi triển khai thực hiện những quy định mới về ĐGHS tiểu học, có 40
  2. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 490 (Kì 2 - 11/2020), tr 40-43 ISSN: 2354-0753 nhiều luồng thông tin khác nhau cả tích cực và tiêu cực từ phía GV, HS và phụ huynh HS. Hơn nữa, áp lực thành tích học tập và kì vọng của phụ huynh HS rất lớn cho dù các trường tiểu học trên cả nước đã nỗ lực thực hiện đổi mới đánh giá nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng, hạn chế, bất cập và chưa có phương hướng tháo gỡ. Trước đây, việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên HS đã quá quen thuộc đối với cô trò và phụ huynh. Mặc dù cách đánh giá này gây không ít áp lực công việc cho GV, áp lực thành tích cho cả HS và phụ huynh HS, nhưng dường như HS cũng đã quen với cách học tập để lấy thành tích (để được điểm cao), ít quan tâm tới những môn học phát triển thể chất, các môn phát triển năng khiếu và tư duy sáng tạo do không được tính điểm. GV cũng chưa thật thoải mái với cách thức không chấm điểm, chỉ cho nhận xét hoặc làm một cách chiếu lệ, hình thức. 2.1. Đổi mới giáo dục, đổi mới đánh giá người học - Đánh giá theo định hướng phát triển năng lực: Xu hướng đổi mới đánh giá đã được chuyển dần từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kĩ năng sang đánh giá năng lực của người học. Theo đó, chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức sang đánh giá năng lực giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo; năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Một trong những quan điểm xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (Bộ GD-ĐT ban hành tháng 12/2018) là: “phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống...” (Bộ GD-ĐT, 2018). Xu thế đổi mới giáo dục ngày nay chú trọng đến phát triển năng lực của người học. Điều này dẫn đến mục tiêu giáo dục cũng thay đổi và kéo theo sự thay đổi của đánh giá trong giáo dục. Đánh giá người học cũng cần được tiếp cận theo hướng phát triển năng lực. Đánh giá năng lực hướng tới việc đánh giá sự tiến bộ của người học so với chính bản thân họ trong những giai đoạn khác nhau trong quá trình học tập thay vì đánh giá để so sánh, xếp hạng người học. Đánh giá vì sự tiến bộ của người học sẽ giúp HS nhận ra mình đang ở mức độ nào của mục tiêu học tập và rèn luyện. - Đánh giá như một hoạt động học: Hoạt động đánh giá diễn ra trong quá trình dạy học, có thể xem như là phương pháp dạy học; HS phản ánh, nói ra những suy nghĩ và tự đánh giá sự tiến bộ của mình theo mục tiêu học tập. HS là người cùng tham gia đánh giá, GV giúp HS học cách tự phản hồi thông tin để biết năng lực học tập đang ở mức nào, cần cố gắng những gì và cần điều chỉnh hoạt động học của chính mình những gì. Theo Nguyễn Công Khanh (2014, tr 178): ‘‘Đánh giá như là hoạt động học tập đòi hỏi GV phải chỉ dẫn cho HS cách thức đánh giá thế nào; HS phải học được cách đánh giá của GV, phải biết đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá”. Qua đó, phát triển năng lực học của từng HS, giúp HS có thể tự học suốt đời. - Xu thế đổi mới đánh giá hiện nay thay đổi hình thức đánh giá: Đó là chuyển từ đánh giá khi kết thúc môn học sang đánh giá trong suốt quá trình dạy học. Trong tài liệu tập huấn Hướng dẫn ĐGHS tiểu học của Bộ GD- ĐT quy định: Trong ĐGHS tiểu học, chuyển từ chủ yếu sử dụng đánh giá kết quả học tập môn học, khóa học (đánh giá tổng kết) nhằm mục đích xếp hạng, phân loại sang sử dụng đa dạng các loại hình đánh giá, coi trọng đánh giá thường xuyên, định kì theo từng phần, từng chương nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình giảng dạy và học tập (đánh giá quá trình). Hoạt động đánh giá hiện nay không chỉ để ghi nhận kết quả học tập và rèn luyện của HS mà còn đánh giá quá trình thực hiện và khả năng vận dụng kết quả đó của HS (Bộ GD-ĐT và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2017). Theo Nguyễn Đức Chính (2017, tr 51): “Đánh giá quá trình có thể được hiểu là quá trình dạy - học diễn ra tích cực và có chủ đích; trong đó, những thành phần tham gia bao gồm cả người dạy và người học cùng hợp tác một cách thường xuyên và có hệ thống để thu thập những minh chứng cho việc đạt mục tiêu dạy - học và sự tiến bộ trong học tập của người học”. - Chuyển từ đánh giá một chiều sang đánh giá đa chiều: Trước đây, trong giáo dục thường chỉ có sự đánh giá một chiều của GV đối với HS và GV quyết định toàn bộ việc ĐGHS. Hiện nay, sẽ có nhiều lực lượng cùng tham gia vào quá trình ĐGHS, như: xã hội, gia đình, HS cùng tham gia đánh giá; trong đó, đánh giá của GV là quan trọng nhất. Quá trình giáo dục tiểu học cần có sự kết hợp của nhà trường, gia đình và xã hội để đạt được kết quả tốt nhất. Vai trò của gia đình trong ĐGHS thể hiện ở việc tiếp nhận những thông tin về HS từ phía nhà trường; từ đó, nhắc nhở, điều chỉnh và giúp con, em mình khắc phục những hạn chế, thiếu sót để tiến bộ. Coi trọng phát triển năng lực tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của HS, qua đó phát triển năng lực tự học của HS; phối hợp đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và đánh giá của xã hội (các tổ chức, đoàn thể). 41
  3. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 490 (Kì 2 - 11/2020), tr 40-43 ISSN: 2354-0753 GV hướng dẫn, động viên HS tự nhận xét trong quá trình học tập và rèn luyện. HS so sánh kết quả đạt được của bản thân với những tiêu chuẩn, tiêu chí đã xác định. Từ đó, HS tìm cách khắc phục những điểm chưa đạt được, nỗ lực hoàn thành yêu cầu học tập và rèn luyện đặt ra. Ngoài việc tự nhận xét, đánh giá, GV hướng dẫn, động viên HS trao đổi, nhận xét, góp ý sản phẩm và thái độ học tập của bạn học để cùng tiến bộ. “HS được tự nhận xét và được tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất để hoàn thiện bản thân” (Nguyễn Vũ Bích Hiền, 2016, tr 49). Khi HS tham gia nhận xét, đánh giá lẫn nhau, HS sẽ có cơ hội học hỏi, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cũng như biết nêu ý kiến của bản thân và biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác. 2.2. Những vấn đề đang đặt ra trong quản lí quá trình đánh giá học sinh - Đối với quan điểm chỉ đạo đánh giá: Quan điểm chỉ đạo ĐGHS coi trọng đánh giá vì sự tiến bộ của người học. Đánh giá vì sự tiến bộ của HS coi trọng đánh giá thường xuyên (quá trình), tập trung phản hồi làm rõ HS học như thế nào, giúp HS biết cách làm thế nào để tiến bộ hơn trong học tập. Tức là việc đánh giá phải được tiến hành thường xuyên với từng bài học, không nhằm xếp loại, giải trình mà mục đích chính là thu thập những thông tin liên quan đến tình hình học tập của HS; để biết HS hiểu đúng hay chưa đúng, mắc lỗi ở chỗ nào; giúp HS biết mình tiến bộ ở mức độ nào, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào gặp khó khăn và khó khăn thế nào để giúp HS nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kĩ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả GV và HS cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. Đánh giá vì sự tiến bộ của HS sao cho các em không bị áp lực, không cảm thấy sợ hãi, không bị tổn thương, không mất tự tin; từ đó thúc đẩy HS nỗ lực học tập. Đánh giá phải tạo ra sự phát triển, nâng cao năng lực HS, tức là HS hình thành khả năng tự đánh giá để phát triển năng lực tự học. Hoàng Mai Lê (2015, tr 14) quan niệm: Đánh giá phải vì sự tiến bộ của HS; không chỉ có kiểm tra, giám sát mà còn phải tư vấn, hướng dẫn, động viên, giúp đỡ HS học tập, rèn luyện để tiến bộ hơn và phát huy hết khả năng của từng em. - Đối với quy trình, kĩ thuật đánh giá và bồi dưỡng GV: Để hoạt động đánh giá diễn ra theo một trình tự và đạt được hiệu quả, cần có quy trình, kĩ thuật đánh giá phù hợp. Theo Trần Thị Tuyết Oanh (2014, tr 28): ‘‘Tùy thuộc vào mục đích đánh giá, đối tượng đánh giá, cấp độ và phạm vi đánh giá mà mỗi loại hình đánh giá sẽ được tiến hành theo các bước cụ thể”. Quy trình đánh giá kết quả trong nhà trường thường bao gồm các bước: Xác định mục đích, yêu cầu đánh giá; xác định nội dung đánh giá; xác định các hình thức, phương pháp đánh giá; lựa chọn các công cụ đánh giá; tổ chức đánh giá (thu thập và xử lí thông tin đánh giá); kết luận và đưa ra những phán quyết. Kĩ thuật đánh giá quyết định chất lượng đánh giá. Trong quá trình đánh giá, GV phải vận dụng phối hợp các kĩ thuật đánh giá với nhau, đáp ứng các mục tiêu đánh giá. Kĩ thuật đánh giá bao gồm: các kĩ thuật xây dựng và sử dụng các công cụ đánh giá (câu hỏi, bài tập...), kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kĩ thuật quan sát và ghi chép nhận xét... Cùng với đó, vấn đề bồi dưỡng GV trong đánh giá đặc biệt quan trọng; GV cần hiểu và nắm được các vấn đề liên quan đến ĐGHS. Từ đó, GV mới có thể thực hiện tốt việc đánh giá. Nội dung, nguyên tắc, yêu cầu, quy trình, các phương pháp, kĩ thuật đánh giá là những vấn đề cần thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng cho GV. - Đối với nội dung, nguyên tắc đánh giá: Nội dung đánh giá căn cứ vào mục tiêu cần đánh giá. Nội dung đánh giá phải phù hợp với hình thức đánh giá (đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì, đánh giá tổng kết); phù hợp với chương trình, mục tiêu, yêu cầu của môn học và đối tượng HS. Nguyên tắc đánh giá là những quy định chung cần được thực hiện trong suốt quá trình đánh giá. Đánh giá phải đảm bảo các nguyên tắc: đảm bảo tính khách quan, công bằng, toàn diện; đánh giá phải thường xuyên, có hệ thống, đảm bảo tính hiệu quả, tính phát triển (vì sự tiến bộ của HS). - Đối với môi trường, điều kiện bảo đảm đánh giá: Để đảm bảo hiệu quả của quá trình đánh giá cần có môi trường, điều kiện phù hợp. Môi trường đánh giá cần thiết là môi trường mà người học được tôn trọng, khuyến khích, động viên, không bị so sánh, không bị áp lực và căng thẳng; người học luôn thấy vui vẻ, thoải mái, gần gũi với GV. Ngoài ra, còn là sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Sở GD-ĐT đối với nhà trường, giúp nhà trường kịp thời điều chỉnh, khắc phục những tồn tại để có những giải pháp thực thi và hiệu quả trong hoạt động đánh giá. Để quản lí tốt việc ĐGHS theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đòi hỏi phải có sự hợp tác, phối hợp giữa các cá nhân, các tổ chức trong tập thể nhà trường khi tổ chức thực hiện việc ĐGHS. Cơ sở vật chất, kĩ thuật phục vụ đánh giá, năng lực GV theo Chuẩn nghề nghiệp là môi trường, điều kiện cần thiết để ĐGHS. Nếu cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại, GV có năng lực tốt thì việc quản 42
  4. VJE Tạp chí Giáo dục, Số 490 (Kì 2 - 11/2020), tr 40-43 ISSN: 2354-0753 lí, tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động đánh giá sẽ được tiến hành thuận lợi; ngược lại, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình dạy học và hoạt động ĐGHS. 2.3. Những yêu cầu sư phạm trong đánh giá - Bảo đảm tính khách quan: Các thông tin thu được từ đánh giá cần đúng với thực tế, phản ánh đúng việc học tập và rèn luyện của mỗi HS, đúng kết quả đạt được ở từng cá nhân, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đánh giá. Tính khách quan trong đánh giá tạo ra sự công bằng giữa các HS với nhau, tạo ra tâm lí tích cực cho người được đánh giá; giúp GV, HS và gia đình nhận định chính xác kết quả giáo dục, tạo cho HS động lực vươn lên và có những biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng, kết quả giáo dục. - Bảo đảm tính toàn diện: Tính toàn diện trong ĐGHS tiểu học thể hiện HS được đánh giá toàn diện về: các mặt giáo dục theo mục đích giáo dục quy định (đạo đức, trí tuệ, lao động, thể chất, thẩm mĩ...); các khía cạnh theo mục tiêu của các môn học và hoạt động giáo dục (kiến thức, thái độ và kĩ năng, hành vi) và những năng lực, phẩm chất theo quy định. Cần có sự lựa chọn và kết hợp các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục để đánh giá toàn diện HS tiểu học. - Bảo đảm tính hệ thống: Quá trình đánh giá diễn ra trong suốt quá trình dạy học, tuy mỗi lần đánh giá sẽ có mục đích riêng nhưng các lần đánh giá có sự thống nhất với nhau cùng hướng tới thực hiện mục tiêu dạy học mỗi môn học; kết quả của việc đánh giá là sự tổng hợp, kết nối của các lần đánh giá. Đánh giá việc học tập và rèn luyện của HS tiểu học không chỉ ở trong lớp, ở trường mà còn ở gia đình, nơi công cộng. - Bảo đảm tính phát triển và tính nhân văn: Đánh giá nhằm xác định được trình độ của HS vào thời điểm đánh giá; từ đó có những biện pháp thích hợp để giúp HS tiểu học phát triển, tiến bộ không ngừng, đạt được kết quả tốt nhất theo khả năng của mình. Đó là sự thể hiện của tính phát triển trong đánh giá. Tính nhân văn thể hiện ở mục đích của đánh giá là phát triển HS, ở sự tôn trọng và tin tưởng HS. ĐGHS tiểu học cần đảm bảo tất cả các yêu cầu trên. Trong đó, yêu cầu về tính khách quan trong đánh giá đóng vai trò quan trọng nhất. 3. Kết luận ĐGHS tiểu học là hoạt động quan trọng trong quá trình dạy học thông qua quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập của HS nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dạy học ở trường tiểu học. Quản lí ĐGHS tiểu học được quan niệm là những tác động của các cấp quản lí, GV vào hoạt động ĐGHS theo mục tiêu giáo dục của cấp học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Hiệu trưởng trường tiểu học cần nắm được những xu hướng đổi mới giáo dục, đổi mới đánh giá người học hiện nay để xác định được những vấn đề đặt ra trong quản lí ĐGHS, từ đó sẽ đưa ra được những biện pháp nhằm thực hiện tốt hoạt động ĐGHS tại trường mình. Tài liệu tham khảo Bộ GD-ĐT (2014). Quy định đánh giá học sinh tiểu học (Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Bộ GD-ĐT (2016). Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học (Ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Bộ GD-ĐT, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2017). Tài liệu tập huấn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học môn Toán và môn Tiếng Việt. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013). Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XI). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. Hoàng Mai Lê (chủ biên, 2015). Hỏi đáp về đánh giá học sinh tiểu học. NXB Giáo dục Việt Nam. Jammes H. Stronge (2011). Những phẩm chất của người giáo viên hiệu quả. NXB Giáo dục Việt Nam. Nguyễn Công Khanh (chủ biên, 2014). Kiểm tra, đánh giá trong giáo dục. NXB Đại học Sư phạm. Nguyễn Đức Chính (2017). Đánh giá và quản lí hoạt động trong giáo dục, sách chuyên khảo. NXB Giáo dục Việt Nam. Nguyễn Hữu Hợp (2015). Hướng dẫn thực hiện đánh giá học sinh tiểu học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Vũ Bích Hiền (2016). Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. NXB Giáo dục Việt Nam. Trần Thị Tuyết Oanh (2014). Đánh giá kết quả học tập. NXB Đại học Sư phạm. 43
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2