intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quang Trung với vấn đề: Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Phú Xuân

Chia sẻ: Nguyenthuy Van | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:4

269
lượt xem
71
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Chiến thắng Phú Xuân chỉ là một trong biết bao trận thắng mà nghĩa quân Tây Sơn đã giành được dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải tài ba Nguyễn Huệ. Nhưng xét về góc độ chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch cũng như chính trị nó lại mang một ý nghĩa sâu sắc. Hai trăm năm lịch sử đã trôi qua nhưng chiến thắng Phú Xuân cùng với tên tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Huệ - người anh hùng vĩ đại của dân tộc, lãnh tụ kiệt xuất của nông dân Việt Nam mãi...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quang Trung với vấn đề: Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Phú Xuân

  1. Quang Trung với vấn đề: Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Phú Xuân (1786) Chiến thắng Phú Xuân chỉ là một trong biết bao trận thắng mà nghĩa quân Tây Sơn đã giành được dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải tài ba Nguyễn Huệ. Nhưng xét về góc độ chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch cũng như chính trị nó lại mang một ý nghĩa sâu sắc. Hai trăm năm lịch sử đã trôi qua nhưng chiến thắng Phú Xuân cùng với tên tuổi, sự nghiệp của Nguyễn Huệ - người anh hùng vĩ đại của dân tộc, lãnh tụ kiệt xuất của nông dân Việt Nam mãi mãi được dân tộc ngưỡng mộ. Sơ đồ thủ phủ Phú Xuân năm 1738-1775 (Ảnh: hueworldheritage.org.vn) Nửa cuối thế kỷ 18, xã hội Việt Nam hỗn độn trong những mâu thuẫn lớn của xã hội đã phát triển đến cực điểm, đòi hỏi được giải quyết một cách cấp thiết. Nguyễn Huệ cùng với phong trào nông dân Tây Sơn đã xuất hiện như một ngôi sao sáng trên nền trời u ám Việt Nam. Ông là người khởi xướng nên phong trào Tây Sơn, đưa nó từ cuộc khởi nghĩa của nông dân từ phạm vi nhỏ, địa phương, vươn lên thành phong trào mang tính chất dân tộc có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Về nghệ thuật quân sự của Quang Trung có nhiều vấn đề nghiên cứu, chúng tôi đi sâu tìm hiểu nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Phú Xuân là chủ yếu. Chiến dịch Phú Xuân là một trong những chiến dịch quy mô lớn của nghĩa quân Tây Sơn, nó có ý nghĩa hướng tới việc thực hiện cho kỳ được mục tiêu chiến lược đặt ra là: làm chủ một khu vực đất đai rộng lớn từ đèo Hải Vân đến bờ sông Gianh, mở rộng địa bàn của nghĩa quân, củng cố vững chắc thắng lợi và thế chiến lược chiến tranh sang một cục diện mới. Trong chiến dịch này đã có sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều quân chủng, tiến hành trên không gian lớn, trong một thời gian ngắn để giáng đòn quyết định giải phóng đất đai. Hơn hẳn các chiến dịch trước đó, Nguyễn Huệ chưa phát triển chiến dịch đến mục tiêu giải quyết được vấn đề mở rộng thế chiến lược một cách vững chắc. về mặt chiến dịch thì giá trị thắng lợi của từng trận đánh là rất lớn. Song, vấn đề cần giải quyết là giành lấy thắng lợi quyết định về chiến lược chứ không phải đơn thuần thắng lợi về chiến dịch. Phải đến chiến dịch Phú Xuân, nghĩa quân Tây Sơn mới phát triển chiến dịch đạt tới mục tiêu chiến lược rộng lớn. Kinh nghiệm chiến tranh cho thấy nhân tố quan trọng để tiêu diệt lực lượng địch có ưu thế về quân số, có lợi về mặt địa hình là phải tập trung lực lượng giáng đòn đột kích vào chúng. Giành được yếu tố bất ngờ trong hành động chỉ khi nào giữ được các biện pháp thực hành tiến công, trước hết tại hướng đột kích chính trong các chiến dịch. Tính bất ngờ của các hoạt động bảo đảm giành chủ động, phá vỡ các kế hoạch của địch, buộc địch làm theo kế hoạch của mình, giữ vững quyền chủ động chiến dịch. Bất ngờ tối đa, chủ động tối đa là mạch sống của tác chiến. Ở chiến dịch Phú Xuân, xét tương quan lực lượng về mặt quân số thì số lượng quân Trịnh nhiều hơn quân Tây Sơn từ hai đến ba lần. Hơn ba vạn quân Trịnh đã phòng ngự trên một tuyến địa
  2. hình rất có lợi cho chúng; đây là một khu phòng ngự mạnh. Trước khi đánh Phú Xuân, nghĩa quân Tây Sơn phải đương đầu với thành lũy kiên cố của quân Trịnh đóng trên đèo Hải Vân, nếu không giải quyết được hệ thống phòng ngự này thì không thể thực hiện được kế hoạch hạ thành Phú Xuân. Trước những khó khăn lớn như vậy. Nguyễn Huệ càng tỏ rõ là người chỉ huy có bản lĩnh vững vàng, có trình độ và nghệ thuật cao về công sự vững chắc – đánh thành quách – và đã từng trải qua hàng chục trận đánh lớn nhỏ, với nhiều kẻ thù và xử trí nhiều tình huống chiến dịch, chiến đấu phức tạp. Từ trận Phú Yên (1775) đến các chiến dịch giải phóng Gia Định, Rạch Gầm – Xoài Mút là quá trình nâng cao trình độ tác chiến, nghệ thuật chiến dịch. Chuẩn bị cho nghĩa quân đánh đèo Hải Vân chính là bước chuẩn bị cực kỳ quan trọng để tiến tới chiến dịch hạ thành Phú Xuân. Trên cơ sở phân tích sâu sắc toàn bộ diễn biến tình hình, phát hiện kịp thời ý định của địch, xác định đúng và lợi dụng điểm yếu của địch, có lợi cho mình, khoét sâu mâu thuẫn vốn có của chúng, tránh những hành động dập khuôn và từ đó nghĩa quân Tây Sơn dồn quân địch vào tình thế vô cùng khó khăn, bị động đối phó, sụp đổ dây chuyền và đi đến thất bại. Trong chiến dịch này Nguyễn Huệ chọn hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch, hướng Hải Vân - Phú Xuân, bố trí chủ lực đột kích mạnh vào cạnh sườn và sau lưng thành Phú Xuân. Các trận công thành trước đó, Nguyễn Huệ đều lấy thủy quân là mũi chính tiến công, thì trong chiến dịch này, Ông lại chọn cánh quân bộ là chính kết hợp chặt chẽ với thủy quân tác chiến bằng lực lượng pháo binh. Nguyễn Huệ tự mình chỉ đạo chủ quân đánh theo đường bộ, vượt qua phòng tuyến của quân Trịnh ở đèo Hải Vân rồi tiến đánh thành Phú Xuân. Mũi thứ hai, mũi quan trọng theo đường biển đánh vào Phú Xuân. Nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của Nguyễn Huệ trong trận này là bao vây cô lập và chia cắt các tập đoàn chiến dịch chủ yếu của địch, rồi dùng những mũi dùi sắc nhọn xuyên thẳng vào những chỗ hiểm yếu của chúng, kết thúc chiến dịch một cách nhanh gọn. Bởi thế, đồng thời với việc bất ngờ tập kích tiêu diệt nhanh gọn căn cứ phòng ngự của địch trên đèo Hải Vân để phát triển chiến dịch trên hướng chủ yếu, tập trung đại bộ phận binh lực vào mục tiêu then chốt - tức Phú Xuân. Ông đã giao cho tướng Nguyễn Lữ chỉ huy đội thủy quân vu hồi sâu trong dải phòng ngự - phòng tuyến sông Gianh. Hiểm hơn nữa, một cánh án ngữ sông Gianh, một cánh đánh vào các đồn quân Trịnh ở Bố Chính, Leo Heo, lũy Đồng Hới để rồi hợp với bộ binh từ Phú Xuân tiến ra đánh Dinh Cát. Với nghệ thuật vu hồi chiến dịch và chiến lược này đạo quân chủ lực của quân Trịnh trên hai vạn tên ở Phú Xuân không những bị cô lập hoàn toàn mà còn buộc phải tự kết liễu mình bằng cách giao chiến đơn độc với nghĩa quân Tây Sơn trong một địa hình chật hẹp, trong điều kiện hoàn toàn bất ngờ và bị động. Mũi chia cắt chiến lược tại phòng tuyến sông Gianh đã loại trừ khả năng quân Trịnh đưa quân từ Bắc Hà vào ứng cứu thành Phú Xuân và ngăn chặn quân Trịnh từ Phú Xuân rút chạy ra phía Bắc, đồng thời tạo bàn đạp vững chắc cho việc phát triển chiến dịch tiếp theo. Mũi vu hồi sông Gianh không những có ý nghĩa về mặt nghệ thuật chiến dịch mà còn là một đòn tâm lý rất lớn đối với đạo quân phòng giữ thành Phú Xuân. Với lực lượng có hạn phải thực hiện mục tiêu chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, phát triển mũi tiến công với chiều sâu hơn 300 km vào đất địch, nghĩa quân Tây Sơn không thể áp dụng cách đánh lâu dài như Lê Lợi đã vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Minh; Nguyễn Huệ đã sáng tạo, phát triển thêm một lối đánh mới, tiến nhanh đánh mạnh, dùng đòn bất ngờ, áp đảo để chiến thắng quân địch. Tổ chức hiệp đồng vững chắc các quân, binh chủng: pháo binh, pháo binh thủy quân (đặt trên chiến thuyền), pháo binh dã chiến (voi mang theo) với các đạo quân trong tác chiến chiến dịch cũng là một nét đặc sắc trong nghệ thuật chiến dịch của nghĩa quân Tây Sơn. Khi đánh thành Phú Xuân, mặc dù lúc đầu một vài chiến thuyền của nghĩa quân Tây Sơn bị thiệt hại vì pháo binh của quân Trịnh áp chế từ trên thành lũy cao kiên cố. Nhưng nghĩa quân Tây Sơn biết lợi dụng khôn khéo quy luật lên xuống của mực nước sông Huế, tập kích bất ngờ vào ban đêm để phát huy triệt để sức mạnh sở trường. Lực lượng pháo binh thủy chiến, vừa đánh kiềm chế lực lượng pháo binh của địch ở chính diện, vừa cho pháo binh dã chiến pháo kích vào hướng khác, nơi mà quân Trịnh thiếu hẳn hoặc hầu như không có pháo binh. Nghĩa quân Tây Sơn đã bất ngờ giáng đòn mãnh liệt vào toàn bộ đội hình phòng ngự của quân Trịnh, buộc chúng phải căng lực để đối phó, để nghĩa quân tổ chức mũi đột kích chọc thủng tuyến phòng ngự mạnh của địch ở một
  3. hướng mà chúng sơ hở và bất ngờ nhất, đưa đến sự sụp đổ dây chuyền kết thúc bằng việc đầu hàng nhanh chóng. Về việc chiến thuật ở chiến dịch Phú Xuân, đã thể hiện bước phát triển cao của nghĩa quân Tây Sơn trong hình thức tác chiến công sự vững chắc, tác chiến công thành cũng như trong cách đánh vận động. Nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật trong chiến dịch Phú Xuân là kết quả tất yếu của phong trào nông dân Tây Sơn trải qua mười năm liên tục chiến đấu với những chiến thắng vang dội: Phú Yên, Gia Định, Rạch Gầm - Xoài Mút. Đồng thời, chiến dịch Phú Xuân lại tạo nên bước phát triển mới, hoàn chỉnh hơn nữa của nghệ thuật chiến dịch, nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Tây Sơn ở các chiến dịch tiếp sau. Chiến dịch Phú Xuân cho chúng ta thấy, trên cơ sở quán triệt tư tưởng tiến công, phải tìm ra được chỗ yếu, sơ hở của địch, biết giáng đòn đột kích mạnh vào nơi mà ở đó chúng ít ngờ tới nhất, dễ bị thiệt hại nhất trong đội hình của địch. Tập trung kiên quyết lực lượng và phương tiện tại hướng chính, tổ chức các mũi vu hồi cạnh sườn và phía sau các lực lượng chủ yếu của địch. Tính toán cặn kẽ so sánh lực lượng địch, lợi dụng khôn khéo điều kiện địa hình thời tiết theo mùa và thời gian trong ngày để bí mật tập trung và triển khai cụm đội hình đột kích của bộ đội; có như vậy, trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà vẫn đạt được mục tiêu chiến dịch đề ra. Chiến dịch Phú Xuân còn thể hiện rõ nét vấn đề chọn thời cơ chiến lược, mục tiêu chiến dịch đúng đắn, triệt để phát huy yếu tố bất ngờ. Bước phát triển của chiến dịch chính là bước phát triển của nghệ thuật tổ chức lực lượng, điều hành chiến dịch, cách đánh luôn luôn phát triển sáng tạo. Chiến dịch Phú Xuân đã đẩy quân Trịnh ra khỏi bờ sông Gianh “Hồi mới dựng nước, lấy sông này làm giới hạn, cho nên mới có tên là Nam Hà và Bắc Hà” (1), nghĩa là giải phóng nửa đất nước thoát khỏi ách thống trị của tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn. Nhưng thực tế sông Gianh không phải chỗ dừng chân của nghĩa quân Tây Sơn. Chớp lấy thời cơ chiến lược từ chiến dịch Phú Xuân mở ra, Nguyễn Huệ đã tiếp tục mở các trận đánh gối đầu, liên tiếp và kết thúc bằng chiến dịch đánh thành Thăng Long, lật đổ nhà Trịnh, vĩnh viễn xóa bỏ ranh giới phân chia Nam Bắc, lập lại nền thống nhất Tổ quốc. Chính vì lẽ đó mà khi bàn về giá trị của phong trào nông dân Tây Sơn, trong bản báo cáo: “Bàn về cách mạng Việt Nam” đọc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng lao động Việt Nam tháng 2 năm 1951, đồng chí Trường Chinh đã viết: phong trào nông dân Tây Sơn là “một cuộc vận động cách mạng của nông dân rộng khắp toàn quốc và có tính chất chống phong kiến phản động ở trong và ngoài nước”. Chiến dịch Phú Xuân không chỉ dừng lại ở mục tiêu chiến lược và giải phóng một khu vực đất đai rộng lớn từ đèo Hải Vân tới sông Gianh mà nó đã trở thành bàn đạp vững chắc cho việc phát triển chiến dịch tiến công để đưa đến việc giải phóng hoàn toàn Bắc Hà, thống nhất đất nước. Sự thống nhất đất nước của nghĩa quân Tây Sơn gắn liền với thắng lợi có tầm vóc chiến lược của chiến dịch Phú Xuân. Tính chất chính nghĩa, cách mạng là nét đặc trưng nổi bật về chính trị của phong trào nông dân Tây Sơn, bởi thế phong trào nhận được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân, không phân biệt triều đại, tôn giáo, đẳng cấp, dân tộc. So với lịch sử sự tồn tại của phong trào nông dân Tây Sơn, cách mạng Tây Sơn cũng như sự nghiệp thống nhất đất nước thật ngắn ngủi, nhưng ý nghĩa cách mạng, dân tộc và lịch sử của nó thật rực rỡ. Bởi lẽ trong một chừng mực nào đó, mục tiêu của phong trào nông dân Tây Sơn đã định tới việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, đất nước thống nhất. Trước hết là đem lại quyền lợi thiết thực cho tầng lớp nông dân, thành phần giai cấp chủ yếu, lực lượng nòng cốt của sự nghiệp dựng nước và giữ nước lúc bấy giờ. Nhắc đến sự nghiệp quân sự, chính trị của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, không thể không nhắc đến chiến thắng Phú Xuân Nhưng nếu chỉ dừng lại ở chiến dịch Phú Xuân để dựng lại toàn bộ phong trào nông dân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, hẳn là chưa đủ. Bởi vậy cần phải có sự góp chung ý kiến nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở nhiều ngành, nhiều góc độ nhằm đi đến việc hoàn chỉnh những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, mà trong đó có sự nghiệp của Nguyễn Huệ - Quang Trung người anh hùng bất hủ.
  4. . Theo Hoàng Minh Thảo/Lịch sử quân sự.- 1986. ---------- Chú giải: (1)Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, T.II, tr.32.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2